Hôm nay,  

Tết Tây

30/12/201000:00:00(Xem: 329379)

Tết Tây

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 3078-28378-vb5123110

Tác giả cho biết bà họ Nguyễn. Bút hiệu Đoàn Thị do họ chồng ghép với cái tên lót dành cho phụ nữ rất VN thời xưa, hiện làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh. Đoàn Thị chỉ mới tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010, nhưng cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Các bài viết của cô thường đề cập những đề tài rất Mỹ, nhưng tác giả là cư dân Paris. Sau đây là bài viết mới cho năm mới dương lịch.

***

Năm đó vợ chồng tôi khăn gói lên Las Vegas đón tết Tây với gia đình cô cháu gái, quà mang theo mấy hộp chocolat, con nhỏ thích nhất chocolat có nhân đủ loại rượu trái cây, chồng mi là « thầy thử rượu » mà chỉ thích “rượu mùi », nghe tôi chê, nó phân trần, rượu xịn Bill uống rồi diễn tả cảm giác mùi vị coi như mình cũng thưởng thức luôn, uống rượu nhiều cháy lá gan làm sao “có gan” gánh cái gánh xiếc cha con nhà này.
Tôi ngạc nhiên, chồng con nhà mi làm răng mà mi gọi là gánh xiếc, bộ cha con nó  say xỉn li bì rồi quậy phá, nó lắc đầu, say được cũng mừng, họ tỉnh táo quá mới phiền, tía con mỗi người đòi ăn một thứ, thằng cu lai mê cá kho nước mắm, tía nó mê mì ý, thế là hôm nào ăn đồ ý thằng nhãi nhìn tía với ánh mắt “ý ẹ mafia” phát rét. Tôi sốt ruột, đến bữa cơm cá kho tía nó làm răng, con nhỏ cười, tía độ lượng hơn thằng con, nhậu cá kho với rượu, cũng như bợm bên nhà nhậu xí quách vậy đó, nhậu hết cá rồi nấu mì gói ăn. Tôi nể thằng cháu rể Mỹ, cưới vợ Việt coi như bật gốc Ý và ẩm luôn cái bếp Việt. Ông xã tôi gốc Nam Định nhưng là “mít dỏm”, kỵ nước mắm, tương chao ..., chỉ xì dầu, Maggi và muối, hỏi tại sao, chàng cười bí hiểm, chỉ có giời biết, tôi trộm nghĩ có thể hồi nhỏ chàng té vào lu nước mắm của bà mẹ chồng tôi chế biến nên thất kinh hồn vía đến bây giờ.
Đêm cuối năm cả nhà kéo nhau ra phố coi pháo bông, đại lộ The Strip cấm xe, thiên hạ đi bộ chặt cứng, xe đậu trong parking hoặc phía ngoài vành đai phố chính, gần giờ giao thừa đoàn người càng đông hơn, đám đông như dậm chân tại chỗ khi mọi người cùng đếm, one, zero ... Keng một cái pháo nổ tung toé, năm cũ rũ áo bỏ ta ra đi không thương tiếc, mặc cho ta nửa vui vì năm vừa qua sức ta chưa đến mức báo động, nhức xương vì hết xí quách, cao mỡ vì tội tham ăn, BS chỉ cảnh cáo, chưa dùng biện pháp “treo mỏ”, nửa lo không biết sẽ ra sao năm sau. Trong giây phút nhấp nháy đó nhìn bầu trời lung linh ngàn sao ta mơ có ngôi sao xẹc để ta ước sang năm sức khoẻ vẫn ổn, chả ngôi sao nào chơi đẹp, xẹc một cái cho ta nhờ, chỉ có đám trẻ hôn nhau đến xẹc lửa chưa chịu buông nhau ra.
Xong màn pháo hoa, thiên hạ tảng hàng đi ăn đêm, quán ăn tấp nập khách xếp hàng rồng rắn, cô cháu bảo cả nhà ra xe đi coi đèn rồi về nhà ăn giao thừa, qua bên này tôi học thêm cụm từ “đi coi đèn”, tức là ban đêm chạy xe vòng vòng xem phố lên đèn, cụm từ Việt gốc tỵ nạn đây, nhưng vui chứ không vương buồn như Người Di Tản của bác Nam Lộc.
Về đến nhà gần hai giờ sáng, bế hai đứa bé lên phòng thay đồ cho chúng ngủ, người lớn xuống bếp ăn cháo gà, món này do tôi đề xướng, ăn cho nhẹ dạ sau những bữa tiệc thừa thịt thiếu rau. Bill lôi rượu ra mời chúng tôi nhậu với gỏi gà, tuy BS có dặn chừa rượu, nhưng đêm nay coi như mình phá rào, uống mừng năm mới, uống cho cháu rể vui. Lúc vào phòng ngủ, ông xã diễu, mẹ nó chơi bạo lấy tiếng, vài bữa nữa BS viết bảng “cấm» coi như “đời chỉ đẹp khi ta không bị treo mỏ” nhé, tôi chống chế, “chỉ đêm nay thôi rồi mai ta sẽ chia tay” mà, tiếng ông xã vang vang, để rồi xem, hơi men chếnh choáng đưa tôi vào mộng.
Sáng hôm sau tôi thức lúc mười giờ sáng, uống ly cà phê dằn bụng, cơm trưa ăn trái cây là đủ sức đi shopping với cô cháu, để hai ông kẹ ở nhà chăn đám con lai, ông Mẽo cũng như ông Mít đâu có quen chăm sóc con nít, họ bày bộ loto ra, hai đứa bé bu vô là xong. Tôi nói, lên xứ này rồi không vào Casino cũng gầy sòng tại gia chứ làm sao thoát nổi cảnh đỏ đen, ông xã nói khẽ, chuyến này ông quyết thua để tụi nhỏ có tiền ăn kẹo, đen bạc đỏ tình ấy mà, mẹ nó chuẩn bị đêm nay đấy, tôi trợn mắt, tết nhất mà cũng chưa chịu “đình chiến”, chàng huýt gío, đừng mơ em ơi, tết đến ta làm một cú “đắp bồ” (double) lấy trớn cho năm tới, tôi hoảng vía chạy ra xe.
Đi rạc giò hai dì cháu chưa mua được món nào để tặng chủ nhà mời tiệc tân niên chiều nay, Jane, bà chủ cung cấp rượu cho các casino lớn như Bellagio, Venetian, Caesars ... Tôi đề nghị, mang đến nhà Jane hộp chocolat king size và hộp gan ngỗng nửa ký, cô cháu nói mang thêm nồi cháo gà, tôi ngẩn ngơ, cháo gà, tụi Mỹ bị mi thuần hóa hồi nào mà biết ăn cháo gà, con nhỏ chắc mẩm, dì cứ tin cháu đi, tụi này hảo thức ăn á châu.
Hồi trước Jane đại diện cho hãng rượu ở New York buôn bán với casino ở đây, dọn về LV hơn một năm nay, Jane mở hãng và bán thẳng cho casino, thời gian đầu nhờ Bill giúp đỡ để chào hàng, nên cô kết thân với cháu của tôi.
Chúng tôi là đám khách đến sau cùng, trong nhà có đến bốn cặp trẻ và một bầy con nít, Jane biết vợ chồng tôi đến từ Châu Âu nên rất thích khi tôi đưa hộp gan ngỗng và chocolat, ngoài sân đàn ông đang nướng thịt, nghe có gan ngỗng với “bánh mì mềm” thiên hạ “giải lao” ăn bánh mì trét gan.
Rượu khai vị, rượu cocktail cây nhà lá vườn ê hề, ông xã cảnh cáo, mẹ nó liệu đấy, sa vào hầm rượu, tàn tiệc tôi không cõng nổi đâu, tôi nguýt chàng, khéo lo tôi đã đi xiêu vẹo bao giờ, chàng cười cầu hòa, nói trước cho chắc ăn, tối nay còn “tăng ca đêm” nữa đấy. Tôi cười thầm, đã thế thì bà quỵt đêm nay cho bỏ cái tật nhây, vừa lúc đó Jane kéo tôi ra sân bên cái bàn lớn bày những món khai vị. Cô giới thiệu món “xà lách cocktail” cô vừa sáng chế, tay buôn rượu thứ thiệt mà chế cocktail rau quả chắc phải ngon, tôi múc một đĩa xà lách, nghĩ vội, chuyến này mình trúng mánh, mấy bữa nay ăn thịt đến cứng bụng, giờ ăn rau để “tiêu mỡ”. Món xà lách thập cẩm “tếch níc cô lo” trông bắt mắt, rau củ quả tươi trộn với thịt nguội pha sốt chua, Jane còn cho vào “mì gói sống”. Jane cười đưa đẩy, bà dùng thử xem vị mì gói có đậm đà không, theo phép lịch sự Tây âu, tôi hiên ngang nhai “xà lách mì sống”, cọng mì nhão ra, mùi vị kỳ dị phát rợn, lần đầu trong đời tôi hiểu, “Đông Tây” không thể gặp nhau... trong một thau xà lách kiểu này. Jane “lên men” lúc nào mà dám trổ tài “bếp Tây bếp Ta giao duyên» trong ngày Tân Niên, tây ta choảng nhau “tới bến”, Jane nhìn tôi chờ đợi, tôi lơ lửng con cá vàng, vị lạ, tùy sở thích mỗi người, đúng là lần đầu gặp Jane tinh tú quây cuồng đến ngất ngư dù tôi chưa uống rượu. 


Jane quay gót, tôi hớp một ngụm rượu để xua đi cái vị âu á ngang cổ họng, và cảnh báo ông xã, đừng ăn xà lách cocktail, ăn vào sẽ hối đấy, chàng hỏi tại sao, không có giờ giải thích, tôi nói ẩu, có NƯỚC MẮM, chàng rẽ qua hàng thịt nướng. Tôi tìm cô cháu báo động, xà lách mì gói, ăn vào “á khẩu”, con nhỏ nhíu mày, có chuyện lọa đầu năm sao, thì ra Jane báo sẽ có “surprise”, đúng là dân rượu nhà nghề bị ma men nhập, may là ăn vào không chết người, tôi châm biếm, chỉ “một nửa khẩu vị của ta mất đứt đuôi đêm tân niên” thôi.
Tôi chợt hỏi cô cháu, mi bày cho Jane ăn mì gói phải không, con nhỏ chắc cú, dĩ nhiên, mì gói ăn với hành lá  chanh ớt ngon tuyệt, ai ngờ Jane ngẫu hứng tài tử quá đáng, hậu quả thật khó lường nếu có ai đó ôm bụng chạy vào restroom. Con nhỏ làm tôi đâm hoảng, không biết có qua đêm nay không, thế là tôi nốc thêm rượu để đẩy lùi cơn lo đang hoành hành, giờ này BS có can tôi cũng ba bảy liều “cãi lệnh” vì mùi mì gói nó ám đến khó tả.
Giời ạ, mì gói, món khoái khẩu đối với đám sinh viên chúng tôi sau năm 75, đi lao động cộng sản đào kênh đắp đê, bụng đói meo, chân tay bủn rủn, được xơi gói mì còn gì ngon hơn, vậy mà lúc này mì trở nên “dễ giận” đến thế.
Bữa tiệc rơm rã đến đêm, thiên hạ hỏi chúng tôi, Paris mùa đông có gì lạ ngoài cảnh tuyết rơi đẹp, thơ mộng và lãng mạn, tôi trả lời nửa vời, quý vị cứ đến rồi sẽ thấy, hay hoặc dở tùy nhãn quang mỗi người, thành phố du lịch đương nhiên phải hấp dẫn. Ông xã thúc cùi chỏ, sao mẹ nó bảo “dở”, thủ đô ánh sáng mà lị, có sao nói vậy người ơi, đẹp thì có đẹp thật, nhưng đường phố Paris cũng lắm cứt chó, ngay đại lộ Champs Elysées du khách vừa bước ra khỏi khách sạn sang trọng năm sao, dẫm vào phân của chú cẩu coi như hôm đó Paris hết đẹp.
Thịt nguội, thịt nướng, mì ý, mì gói, rượu đủ loại, thiên hạ nít một bụng chắc nịch, Jane bảo, để “tiêu cơm” không gì hay bằng âm nhạc đưa đẩy ta vào điệu nhảy xì lô nhẹ nhàng giúp thức ăn “định vị” an toàn trong bao tử. Hình như Jane biết món xà lách đang nổi đình nổi đám trong bụng thiên hạ nên nàng dùng biện pháp “ngoài xoa” để giải vây cái món ăn chơi “bệnh thật” do nàng sáng tác đây. Thiên hạ kéo nhau ra sàn nhảy, dưới ánh đèn mờ nhấp nháy, ông xã nắm tay tôi, làm một bản tình tứ xem nào, tôi làu bàu, tình gì nổi, “rượu đang tán tỉnh mì gói” đây, chàng lim dim, thế thì ông ăn theo tán bà nhé, báo cho mẹ nó biết đêm nay ông chơi hết mình.
Chàng làm tôi phát hoảng, ngày đầu năm có nhiều điều lọa, mới thò mặt ra đã bị mì gói “chơi” một cú để đời, đêm nay ông đòi chơi hết mình, chắc tôi phải say xỉn may ra mới cầm cự nổi. Đang du dương, con bé lai níu tay tôi, bà ơi mẹ con nhờ bà coi nồi cháo, đành hy sinh điệu nhảy tình tứ để lo nồi “đặc sản”, tôi giao chàng cho “hai bạn nhảy” nhỏ tuổi nhất đêm nay. Đến bên nồi cháo đặt trên lò barbecue nướng thịt, mùi cháo bốc lên thơm lừng, hàng Á thứ thiệt mùi nào vị đó, càng ăn càng nghiện, làm gì có chuyện ăn vào mất vía như “thứ kia”, tôi như tỉnh rượu, nêm thêm ít muối rồi vào bếp tìm tô và thìa.
Nhà Mỹ làm gì có tô ăn cháo, lục hết tủ chén chỉ có chục bát trung trung để ăn cereal với sữa vào buổi sáng, tôi lấy thêm mấy cốc to uống bia chữa lửa. Đúng như cô cháu tôi dự đoán, nhảy đã đời, khách xếp hàng xin bát cháo nóng, có đủ hành lá, gừng thái nhuyễn, nước mắm chanh ớt tùy nghi sử dụng, đêm tân niên mà thiên hạ húp cháo ngon lành, may là dân Mỹ không dị đoan.
Nhớ những năm đầu tỵ nạn, đêm Tết Tây chúng tôi kết thúc bữa tiệc bằng nồi cháo gà, thằng bé con chị bạn hỏi tôi, nhà bác hết gạo phải không, ngẩn ngơ vài giây tôi chợt hiểu, Sàigòn dạo đó chỉ có ngô khoai, thằng bé chưa quên nơi chôn nhau cắt rún.
Khách bê bát cháo ngồi ngoài sân hì hụt húp, tôi đến bên hòn non bộ ngồi, tiếng nước chảy róc rách, nhâm nhi “cốc cháo”, không có món ngon vật lạ nào trên đời hấp dẫn bằng cháo nóng lúc này, gừng đã “tàn sát mì gói”, hú vía chưa ai bị “tào tháo mì gói” rượt đuổi.
Bầu trời đen nghịt những vì sao lăn tăn nhấp nháy, sương xuống lành lạnh khiến bát cháo nóng váng mỡ gà hành ngò thơm quyến rủ “khách ăn đêm”, có người xin thêm một bát nữa, đâu cần cao lương mỹ vị, khéo tay xoay sở cơm cháo bỗng chốc biến thành món ăn sành điệu.
Khách tíu tít khen cô cháu của tôi khéo nấu, Bill muốn nổ lỗ mũi, cao hứng hắn mời khách ngày mai đến nhà dùng Phở, Jane là người đầu tiên tán thành, mấy người kia không hiểu phở là gì. Jane tình nguyện diễn tả món phở bò có hồi, quế, gừng ... tuyệt lắm, có người hỏi, có ngon như “chicken congee» này không, Jane léo nhéo kể tiếp.
Tôi khều cô cháu, Jane ăn phở nhà mi hồi nào mà rành “sáu câu” quá vậy, cô cháu cười, thường xuyên, lúc nào nấu phở Jane cũng ghé chơi... và xin một bát, ăn ngoài phố bị bột ngọt dần một trận nó tởn đến gìa, tiếc quá mai dì về Little Sàigòn rồi.
Hôm sau cô cháu, tường trình qua điện thoại, khách thưởng thức phở tái nạm gầu húp hết nước lèo, tiện tay Bill quảng cáo mì gói, thiên hạ ái ngại nhớ đến thau xà lách hôm qua ở nhà Jane. Để giải oan cho món “instant noodle soup”, Bill làm một tô mì tại chỗ cho hành lá vài cục bò viên vào, thiên hạ cầm lòng không đặng, có người xin Bill một gói làm mẫu để đi chợ sau này.
Từ đó bên xứ sòng bài gia đình cô cháu của tôi có thêm món cháo gà trong dịp tết Tây, ăn vào nhẹ dạ để lòng thảnh thơi “sân si đủ thứ” trước thềm năm mới. Đám Mỹ ham vui ăn theo Mít cũng du nhập món này, dễ nấu dễ ăn, sự tích nồi cháo gà đêm tân niên chỉ thế thôi, còn cái cú “đắp bồ” của ông xã có bị tôi quỵt không, xin hẹn dịp khác.
Năm nay kinh tế “đao” (down) khiến thiên hạ đau lòng khi móc bóp chung chi những món quà đầu năm, đã thế bão tuyết rơi phủ khắp nơi, tiếc nhỉ gía như tiền cũng rơi hào phóng như tuyết còn gì sướng hơn, ông xã chỉnh, mẹ nó chỉ mơ hão, suốt ngày trên “phố ảo” đi trên mây như người mộng du. 
Mộng du hồi nào, chỉ mộng mị tí thôi, mơ màng sang năm kinh tế phục hồi để nhân thế bớt vất vả, tiền không rơi như tuyết, thì xin mưa HỒNG ÂN AN LÀNH HẠNH PHÚC bao phủ trần gian, sao xẹt xuất hiện liền tù tỳ để nhân gian tha hồ ước “ngày mai tươi đẹp”.
Để kết bài viết cuối năm mời quý vị thưởng thức bản nhạc HAPPY NEW YEAR của nhóm ABBA, xin chúc quý vị và gia quyến một  đêm giao thừa vui vẻ ấm cúng và năm mới, VẠN SỰ NHƯ Ý.
http://www.youtube.com/watch"v=RdwMdK5sAac&feature=related
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,073,730
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.