My Life
Tác giả: Anthony Hung Cao
Bài số 2740-16208811- vb392809
Một ngày cuối tháng 9-1988, có chàng học trò 19 tuổi, cùng gia đình gốc quân y VNCH định cư tại vùng Little Saigon theo diện bảo lãnh đoàn tụ. Chỉ sau 7 năm vừa làm vừa học, anh học trò nghèo tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Đó là trường hợp bác sĩ Anthony Hưng Cao, hiện hành nghề tại Costa Mesa. Ngoài nghề nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc. Năm 2008, ông nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. CD đầu tay của ông mang tên "Phượng Đỏ Mùa Đông" hiện đang phát hành khắp nơi. Họp mặt giải thưởng Việt Báo tháng 8 vừa qua, các tác giả tham dự đã cùng nhau hợp ca "Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ" do chính ông sáng tác. “My Life” là câu chuyện của chính đời chàng, một chia sẻ quí giá hướng về các thế hệ tương lai.
***
Lẽ ra tôi đã đặt bút viết lên câu chuyện này từ tháng Chín năm rồi, đúng hai mươi năm tính từ ngày tôi đặt những bước chân ngỡ ngàng đầu tiên trên đất nước này. Nhưng rồi cái cảm giác ngại ngùng khi phải viết về cuộc đời của mình cho người khác đọc làm tôi cố tìm nhiều lý do để trì hoãn. "Thôi chắc cuộc đời của mình cũng không khác bao nhiêu người đã trải qua những cuộc sống đắng cay, khổ cực để có ngày hôm nay...". Bao nhiêu cái "thôi chắc" lý do nhưng không đủ xua đi mặc cảm mỗi khi tôi dở trang báo đọc những câu chuyện của các tác giả viết ra để chia sẻ với người đọc về những gì họ đã trải qua trên bước đường hội nhập vào cuộc sống mới trên đất Mỹ.
Tháng Chín năm nay lại đến, thêm một năm nữa ở quê hương thứ hai. Những lý do cũ tôi đã dùng để tránh né chuyện viết bài này giờ đây dường như bị đẩy lui bởi những động lực mới thôi thúc tôi cầm bút viết lên câu chuyện của đời tôi. Đó là những lời hát trong bản Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ:
"Hãy viết cho mai sau, biết thế hệ ban đầu, đã trải bao gian khó, xây dựng lại tương lai..." lúc nào cũng văng vẳng bên tai.
Rồi một chuyện ngẫu nhiên xảy ra khiến tôi càng có thêm lý do để cầm bút. Chỉ vài ngày trước đây, tôi vinh hạnh có cuộc nói chuyện với Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê trên đài Little Sài Gòn T.V. trong chương trình "Trường Học Trường Đời". Những câu hỏi của Giáo Sư Huệ trong suốt buổi nói chuyện đã vô tình làm sống lại trong tôi ký ức những ngày đầu mới bước chân đến Mỹ và ôm sách đến trường trong mùa học đầu tiên. Giáo Sư Huê muốn tôi chia sẻ những gì tôi đã trải qua trong quá trình học để chuẩn bị vào trường Nha khoa lúc đó. Trong suốt buổi nói chuyện, tôi hình dung như có những phụ huynh và các bạn trẻ đang ngồi đâu đó trước mặt, để tôi có dịp chia sẻ những gì tôi đã trải qua từ ngày đầu bước chân vào ngôi trường đại học cộng đồng ở Mỹ.
Thời gian buổi nói chuyện giới hạn nên không cho phép tôi nói hết những điều mình muốn nói. Tuy nhiên sau đó, tôi đã nhận được nhiều email từ một số phụ huynh và một vài bạn trẻ gửi đến, nêu lên những thắc mắc đang gặp trong việc học. Tôi thấy mình tự nhiên bỗng trở thành một counselor bất đắc dĩ, nhưng rất vui khi có cơ hội giúp trả lời thắc mắc của một số người. Biết đâu những điều nho nhỏ tôi chia sẻ với họ qua trang thư email hôm nay sẽ đem lại một thay đổi lớn cho tương lai mai sau"
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí. Phải rồi, câu chuyện hôm nay tôi viết không phải chỉ có tác dụng giáo dục cho những đứa con tôi mai sau, mà ngay lúc này đây, khi được phổ biến, hy vọng sẽ có nhiều người đọc để rút ra một ít điều gì đó hữu ích cho riêng mình.
Chỉ riêng việc chọn tựa cho bài này cũng làm tôi phải suy nghĩ khá lâu. Tôi không dám gọi nó là một hồi ký vì nghe có vẻ gì to lớn quá. Chợt một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, "Tại sao mình không lấy tựa đề là "My Life", như nhan đề cuốn hồi ký nổi tiếng của cựu Tổng thống Bill Clinton"" Lý do chọn tựa đề này cho câu chuyện vì tôi nghĩ biết đâu khi các bạn trẻ hay con cháu tôi sau này vào internet để search về lịch sử của các Tổng thống Mỹ, chúng sẽ thấy cuốn hồi ký "My Life" của cựu Tổng thống Bill Clinton. Rồi câu chuyện "My Life" của tôi cũng sẽ hiện lên đâu đó bên cạnh đấy, làm chúng tò mò muốn tìm đọc xem ai là người "cả gan" dám có một "My Life" viết bằng tiếng Việt như vậy. Đây đúng là “dựa hơi”. Nhưng nghĩ lại tôi đã "dựa" vào nước Mỹ đúng hai mươi mốt năm qua, thì có "dựa" thêm một lần nữa chắc cũng không sao.
Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện "My Life" từ những ngày tôi còn thơ ấu ở Việt Nam.
*Những năm ở Việt Nam
Tôi sinh năm 1969 tại Hòa Hưng, Sài Gòn, một năm sau biến cố Mậu Thân. Nếu đọc trong tờ khai sanh của các anh chị em tôi, người ta có thể hình dung cuộc đời người lính nay đây mai đó của ba tôi.
Người anh hai của tôi ra đời ở Thủ Đức, quê ngoại của tôi. Đó là kết quả của mối tình của ba tôi, người lính quân y đang phục vụ tại Quân Y viện ở Thủ Đức và má tôi, một cô nữ sinh tuổi mười bảy. Ba má tôi gặp nhau lần đầu khi bà Ngoại tôi dẫn má tôi theo vào chơi ở Quân y viện, cũng là nơi Ngoại tôi đang làm việc. Và mối tình giữa chàng lính quân y và cô gái trong thời chiến bắt đầu trong cảnh quân y việân đầy những thương binh vừa từ chiến trường về.
Sau khi anh hai tôi ra đời khoảng được hai năm, má tôi, một cô gái chưa từng rời bước khỏi mái ấm gia đình giữa nơi thị thành phải khăn gói theo ba tôi trôi dạt đến Qui Nhơn, một thành phố biển ở miền Trung nước Việt. Ba người chị tiếp theo của tôi đã chào đời nơi đó. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, ba tôi được chuyển công tác về lại Sài Gòn và đó cũng là nơi tôi ra đời. Hai năm sau khi tôi ra đời, ba tôi lại chuyển về làm ở Bệnh viện Bốn Dã Chiến của tỉnh Bình Dương. Đó là nơi đứa em gái út của tôi chào đời.
Trong trí óc non nớt của tôi ở tuổi lên năm hay sáu, tôi còn nhớ lờ mờ căn nhà nhỏ lụp xụp của gia đình tôi, nằm ngay phía sau ngôi nhà lớn của người cô cho ở tạm. Cô tôi có một cửa hiệu thuốc tây rất nổi tiếng ở ngay trước khu chợ Búng, cách khu vườn trái cây Lái Thiêu không xa. Căn nhà nhỏ nằm ngay cạnh bờ sông đã để lại trong lòng tôi ít nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Đó là những ngày khi nước lớn, nước sông tràn vào mảnh sân nhỏ phía trước nhà. Khi nước rút đi, tôi và đứa em út thường hay nghịch đùa lội nước, bắt những con cá lòng tong còn vướng lại trong những vũng nước trước sân.
Má tôi có một sạp vải nhỏ ở trong chợ Búng, nhưng có lẽ vì không có gan buôn bán nên lần lần bị hụt vốn và phải sang lại tiệm.
Chiến tranh ngày càng ác liệt dẫn đến ngày 30 tháng 4 đen tối. Ký ức cuối cùng của tôi về cuộc chiến là cả gia đình bồng bế chạy tản cư từ Lái Thiêu về quê nội tôi ở Chánh Mỹ, Bình Dương, một ngày trước ngày mất nước. Ba tôi lo là những toán du kích Việt cộng có thể từ bên kia sông sẽ vượt sông để chiếm lĩnh con đường lộ, nên chúng tôi vội vã rời khỏi nhà trong khi bom đạn bắt đầu nổ rền vang trên đầu. Con đường quốc lộ đầy nghẹt những xe tăng, thiết giáp đang hối hả chạy về hướng Sài Gòn trong khi gia đình tôi chạy ngược lại với những đoàn xe. Để cho an toàn, ba tôi quyết định đi theo những con đường tắt, lội qua những con kênh rạch, cánh đồng thay vì dùng quốc lộ chính. Trong cảnh chạy loạn, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ tấm lòng của những người dân hiền lành, chất phác trong những khu xóm giữa những cánh đồng. Họ giúp ba và anh hai tôi đẩy chiếc xe vespa và chiếc mobilét cũ qua những con lạch nhỏ thay vì những người dân này có thể ẩn nấp an toàn để tránh đạn bom trong ngôi nhà của họ.
Đến lúc xế trưa vì hết đường tắt để đi, gia đình tôi buộc phải chạy men theo quốc lộ. Tôi thật sự sợ hãi khi lần đầu chứng kiến cảnh những người chết, bị thương vì trúng đạn nằm la liệt khắp nơi ven đường. Khi đến Phú Văn, đạn pháo ngày càng nổ vang rền khắp nơi nên ba tôi quyết định dừng lại tá túc tại nhà của một người cô ở ngay ngã tư Phú Văn. Căn nhà phố nền xi măng nên không có xây hầm trú ẩn. Tôi còn nhớ cảnh mấy anh chị em phải chui rúc xuống dưới gầm một chiếc ván gỗ để tránh đạn pháo rơi. Đến chiều, khi tiếng súng đạn đã tạm ngưng, chúng tôi nuốt vội mấy miếng cơm chan với canh rồi tiếp tục lên đường về nhà ông Nội của tôi, cách Phú Văn chừng khoảng nửa tiếng.
Trời đã về chiều với những cơn gió thổi nhè nhẹ từ những cánh đồng thơm mùi lúa đang ngậm sữa, Bình Dương đã mở cửa đón chào tôi thật thanh bình, đầm ấm như cái xoa đầu của ông Nội tôi. Bắt đầu từ ngày đó, tuổi thiếu niên rồi tuổi thanh niên của tôi đã gắn chặt với mảnh đất hiền hoà của quê nội.
Hết năm học cấp hai, khi thi chuyển cấp từ lớp chín lên lớp mười, tuy là đứa học trò nhỏ tuổi nhất lớp, nhưng tôi có số điểm cao nhất trường. Tôi còn nhớ trước đó cô giáo dạy môn Toán đã thách thức bọn học trò: "Từ trước đến nay khi cô dạy, chưa có em nào thi toán chuyển cấp được mười điểm. Em nào thi được mười điểm lần này, cô sẽ cõng đi một vòng sân trường". Năm đó tôi thi Toán được điểm tối đa, nhưng cô giáo đã lờ đi không cõng tôi một vòng quanh sân trường như cô đã hứa, mà nếu cô có làm, chắc tôi cũng không dám trèo lên tấm thân gầy gò của cô.
Ngoài Toán ra tôi rất mê học Văn. Từ lớp năm, sau khi học cách đặt những vần thơ lục bát là tôi đã bắt đầu tập sáng tác những bài thơ. Tôi không chơi đùa với bọn trẻ trong xóm, nên sau giờ học, tôi tự bày ra nhiều trò chơi trẻ con để chơi một mình. Tìm đâu được chiếc xe hơi đồ chơi nho nhỏ, tôi dùng trí tưởng tượng của mình để đặt một viên đá nhỏ vào chiếc xe giả bộ làm "người hùng" lái chiếc xe vòng vòng đi "diệt giặc". "Giặc" ở đây là cục đá xấu xí khác trong vai những tên cán bộ, công an xã hống hách, hay bắt nạt và bòn rút những người dân lành trong xóm.
Tôi giấu ba má tôi khi bắt đầu viết cuốn truyện dài đầu tiên trong quyển tập học trò về "người hùng" của tôi qua những trò chơi tưởng tượng này, trong những năm tháng khi tôi còn đang học cấp II.
Cuối năm lớp chín, tôi và bốn học sinh từ những ngôi trường khác, đại diện tỉnh Bình Dương (lúc đó còn là tỉnh Sông Bé) để thi Văn với những tỉnh và thành phố khác. Với thành tích này cộng với số điểm thi cao nhất, 36/40 ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm đó, tôi được tuyển thẳng vào trường Trung học Thị xã.
Những năm tháng học cấp hai cũng là những năm kinh tế của gia đình tôi cũng như phần lớn các gia đình khác ngày càng xuống dốc vì chính sách kinh tế ngu muội của cái chế độ đang cố công xây dựng một chủ nghĩa xã hội ảo tưởng theo khuôn mẫu của Liên sô và Trung cộng. Từ những vụ "đổi tiền", rồi "đánh tư sản", đến chính sách "hợp tác xã", một hình thức cướp ruộng đất trắng trợn trên tay của những người nông dân hiền lành, chất phác. Sau đó, mỗi gia đình được chia dăm ba sào đất để canh tác rồi nạp thuế thóc tính theo đầu người.
Tuy chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi, nhưng ngoài giờ học ở trường, tôi cũng đã phải theo ba má ra ngoài đồng ruộng để làm việc. Cả nhà vất vả nhưng những bữa ăn vẫn phải độn khoai thật ngán ngẩm, nhưng mấy anh chị em vẫn gắng nuốt để làm cho ba má được vui lòng. Tôi còn nhớ như in những buổi sáng trước khi đi học, má tôi chỉ có đủ tiền cho phần ăn sáng cho ba tôi, vì ông cần có sức để làm cả buổi ngoài đồng, đứa em gái út và tôi, vì tuổi đang lớn. Một gói xôi nho nhỏ từ gánh xôi của bà cụ bán bên kia đường sao thơm ngon lạ thường. Những buổi sáng băng qua đường đến mua xôi, tôi còn nhớ cánh tay gầy guộc của bà cụ thêm vào, bớt ra từng miếng xôi nhỏ gói trong miếng lá chuối được lau một cách sơ sài bằng chiếc khăn ướt nhỏ, cũ mèm. Ở tuổi đang lớn, một gói xôi nhỏ xíu không sao làm đầy cái bao tử của tôi để chống chọi cho cả một buổi sáng lội bộ đi học. Thường thì tôi ăn hết gói xôi của mình trước khi trở về nhà. Hôm đó, tôi không cưỡng lại được cơn thèm ăn nên đã lén mở gói xôi của ba tôi ra ăn thêm một miếng. Khi cầm gói xôi trên tay, ba tôi chợt nhìn tôi rồi hỏi, "Con còn đói bụng lắm hả"" Tôi e thẹn cúi đầu vì lỗi lầm vừa mới mắc phải, dù ba không nói gì về chuyện tôi ăn vụng. Vừa định quay bước đi, tôi bỗng nghe giọng ba tôi nói, "Con ăn hết gói xôi này đi, rồi đi học. Nhưng nhớ đừng cho má con biết nhe...". Tôi đưa mắt ngạc nhiên nhìn ba tôi như muốn hỏi, "Nhưng ba sẽ ăn gì" Ba còn phải làm việc ở ngoài đồng cả buổi sáng hôm nay mà". Ba tôi mặc vội chiếc áo, vác chiếc cuốc lên vai rồi bước đi, để lại tôi đứng tần ngần với gói xôi trên tay mà nước mắt lưng tròng. Tôi chỉ muốn chạy theo ôm lấy tấm lưng của ba, để được nói lên trong những tiếng nấc nghẹn ngào, "Ba ơi, con thương ba quá". Một làn gió ban mai thổi qua làm bay phất phới những mảnh vá đã bị sút chỉ trên chiếc áo đã bạt màu và sờn rách của ông.
Hết năm học cấp II, tôi được chọn theo học lớp chuyên Toán đầu tiên của trường Trung học sau kỳ thi trắc nghiệm. Lúc này gia đình tôi đã có giấy bảo lãnh của người chú từ Mỹ gởi về. Tờ giấy bảo lãnh như một niềm hy vọng duy nhất mà gia đình tôi có thể đến Mỹ.
Nuôi hy vọng có một ngày sẽ được đến Mỹ, tôi dành nhiều thời gian học môn Anh văn. Không có tiền mua quyển sách văn phạm Anh văn, tôi đến nhà một người thầy, cặm cụi ngồi chép từng trang một.
Cuối năm cấp III, tôi dự thi môn Anh ngữ cấp quốc gia. Đối với một học sinh từ một tỉnh nhỏ, vượt qua các kỳ thi vòng loại và được tranh tài ngang ngửa với sinh viên ở các thành phố lớn như Sài Gòn, là một điều tôi cảm thấy rất tự hào trong cuộc đời học sinh của mình. Cuối năm trung học 1986, tôi đậu thủ khoa với số điểm 36/40, nhưng Ban giám hiệu nhà trường lúc đó không có lấy một lời khen thưởng nào, có lẽ họ không muốn tuyên dương thành tích của một đứa "con ngụy".
Thời đó, khi thi vào đại học, vẫn còn chuyện xếp loại "đối tượng" khi tuyển sinh. Với lý lịch gốc “ngụy” của mình, tôi "được" xếp loại đối tượng 11, đừng mong có chỗ học tại các trường Y Nha Dược, Bách khoa hay trường Luật. Dù sao, với thành tích đậu thủ khoa và đoạt giải thi cấp quốc gia môn Anh ngữ, theo đúng tiêu chuẩn tuyển sinh lúc đó, tôi sẽ đuợc tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm mà không cần đến số điểm thi vào đại học.
Gần đến ngày nhập học, chỉ có một thủ tục cuối cùng mà tôi phải làm là "cắt hộ khẩu" để chuyển nơi ở của tôi lên Sài Gòn nhập học vào trường. Tôi vẫn nhớ mãi buổi chiều hè hôm đó, khi tôi đạp chiếc xe đạp cũ ra Ủy ban xã để ký giấy chứng nhận trên tờ đơn nhập học. Tên chủ tịch xã đóntôi với thái độ rất hách dịch của một ông "quan dân". Sau khi hất hàm ra hiệu cho tôi ngồi ghế chờ, hắn khệnh khạng cầm tờ đơn lên đọc, đôi mắt lươn vẫn thỉnh thoảng rình rập như muốn dò xét tôi. Một hồi sau hắn cúi xuống húy hoái viết, rồi đóng vào một cái mộc đỏ chói.
Tôi cầm tờ đơn ra xe và bỗng thấy trời đất như tối sầm trước mắt khi đọc hàng chữ viết nguệch ngoạc như của một đứa con nít mới học viết: "Đương sự đang có giấy bảo lãnh chờ đi Mỹ. Đề nghị trường không cho học." Cái lo nhất của tôi lúc đó là nếu không được nhận vào trường, tôi chỉ còn có một con đường là bị bắt đi "nghĩa vụ quân sự". Không biết đến chừng nào tôi mới có cơ hội đến nước Mỹ, mà khi bị bắt đi nghĩa vụ thì họ đâu có cần xếp đối tượng hay khước từ những người có giấy bảo lãnh như tôi.
May thay lúc đó ở tỉnh Bình Dương có trường Cao Đẳng Sư Phạm đang mở ra để đào tạo giáo viên dạy cấp II cho tỉnh. Tôi vội vàng đến lấy đơn ghi danh nhưng cũng không hy vọng lắm khi trường cũng đòi hỏi phải mang đơn nhập học ra xã chứng nhận trước khi vào trường. Lần này gia đình tôi có kinh nghiệm hơn nên má tôi đã phải lo lót cho tên công an khu vực đem quà đến cho tên chủ tịch xã. Quả nhiên sau đó hắn cười vui vẻ và không đả động gì đến cái giấy bảo lãnh mà tôi có. Thế là tôi được vào trường Cao Đẳng Sư phạm, và nhờ vậy mà trốn được cái "nghĩa vụ quân sự" đã làm mất đi bao mạng sống và tương lai của những người thanh niên trẻ lúc bấy giờ...
Ngôi trường Cao Đẳng Sư phạm cách nhà tôi cũng khá xa, gần một tiếng đồng hồ trên chiếc xe đạp cộc cạch. Nơi đây tôi đã làm bạn thân với một số bạn bè mà tôi biết rằng cũng cùng hội cùng thuyền, những người bạn có số phận tương đối giống như tôi, trong lớp Sư phạm chuyên khoa Anh ngữ này. Có lẽ do có nhiều điểm tương đồng, chúng tôi đã trở nên những người bạn rất thân. Những thầy cô được ký hợp đồng đến đây dạy phần lớn là những Giáo sư đang dạy ở Đại học Sư phạm Sài Gòn. Có những người phải đón xe đò để hàng tuần lên dạy học cho chúng tôi. Những buổi trực đêm hát ngêu ngao, những ngày học vất vả khổ cực trong năm đầu đã làm cho chúng tôi thương mến nhau như trong một gia đình. Tôi được các bạn đặc biệt quí mến vì họ hiểu hoàn cảnh của tôi, và tôi luôn mang những kiến thức mình có được để chỉ dẫn giúp đỡ bạn bè.
Đến năm học thứ hai, chúng tôi bị bỏ nhiều lớp vì trường không có đủ kinh phí để tiếp tục thuê giáo viên đến dạy. Có những buổi chúng tôi đến lớp, để rồi chỉ ngồi nhìn nhau tán dóc vì không có ai đến dạy cả. Lúc đó, bạn bè đề nghị tại sao tôi không soạn bài để đứng lên bục, giảng cho các bạn trong những giờ trống như vầy, vì trước đó có lần tôi đã được một Giáo sư cho lên tập dạy trước lớp. Thế là tôi bất đắc dĩ phải đảm nhiệm vai trò của một người thầy. Mãi về sau này, tôi vẫn còn nhận được những lời biết ơn từ những người bạn học cũ.
Cuối cùng, sau hơn mười mấy năm mòn mỏi đợi chờ, gia đình tôi được giấy phép xuất cảnh đi Mỹ. Anh và chị lớn của tôi vì đã lập gia đình nên phải ở lại. Một ngày hè của tháng 5 năm 1988, tôi bịn rịn từ giã những người thân, bạn bè cùng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã gắn liền với mảnh đất Bình Dương để ra đi mà không biết có ngày nào sẽ trở về.
Cuộc sống ở Mỹ
Sau bốn tháng tạm cư ở trại Battan, chiếc máy bay đưa gia đình tôi đáp xuống phi trường L.A.X vào ngày cuối của tháng 9 năm 1988. Chú tôi và người anh họ đến phi trường đón chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ tiết trời lành lạnh lúc đó như đang chớm Thu và chắc hẳn là cảm thấy lạnh hơn so với bây giờ, sau khi tôi đã sống 19 năm ở đất nước có khí hậu nhiệt đới.
Khi xe rời khỏi phi trường, tôi đưa mắt nhìn những cảnh vật hai bên đường với cảm giác bỡ ngỡ của người mới đến. Những xa lộ chằng chịt bắc lên nhau, những hàng xe hơi dài chạy nối đuôi trật tự không có một tiếng còi xe và những tòa cao ốc sừng sững xây dọc theo hai bên đường. Tôi đưa mắt như muốn thu nhận tất cả vào trong tâm trí cho thỏa lòng mong đợi từ mười mấy năm qua để được nhìn thấy giây phút này. Cảm giác bỡ ngỡ xen lẫn với nỗi háo hức nhưng tuyệt nhiên không có pha chút nỗi lo sợ nào trong lòng tôi. Một miền đất hứa đang mở rộng vòng tay đón chào tôi, người thanh niên ở lứa tuổi mười chín đầy mộng mơ và nhiệt huyết. Tôi đã tự nhủ cho dù bất cứ điều gì sắp sửa xảy ra cho tôi đi nữa, nó cũng sẽ không thấm vào đâu so với những gì bản thân tôi đã trải qua trong mười ba năm tôi sống dưới chế độ cộng sản.
Sau vài ngày ở tạm nhà người cô đã đến Mỹ vài năm trước, gia đình tôi thuê một căn nhà nhỏ gần khu Little Sài Gòn, góc đường Bolsa và Euclid. Để tiết kiệm tiền, cả gia đình sáu người nhưng thuê căn nhà chỉ có hai phòng ngủ. Bố mẹ tôi ở một phòng và các chị em gái ở phòng kia. Tôi thì được chiếc ghế sofa và cuộc đời tôi kể từ đó gắn liền với chiếc sofa trong phòng khách, chưa bao giờ có được một phòng riêng, cho đến khi tôi học ra trường Nha khoa.