Đen Trong Trắng. Hứa Hẹn & Hy Vọng
Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 2521-16208598 vb713109
Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống và làm việc cho một công ty quốc tế tại miền Đông Hoa Kỳ. Cô là tác giả đã nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên nợ với nước Mỹ", tự truyện kể về ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời còn nhỏ, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi giấc mơ tới nước Mỹ. Khi biết bài viết vào danh sách chung kết, tác giả đã lập tức vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp để kịp dự họp mặt phát giải thưởng Việt Báo.
Bài viết mới của cô là chuyện ngày đăng quang vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 44.
***
* Sự Kiện Lịch Sử
"Hello Anne, trực thăng của tôi sẽ đến đón cô, nhưng sẽ không phải để đưa cô đến văn phòng làm việc mà để đi dự lễ đăng quang của tân Tổng Thống Barack Obama. Cô đã sẵn sàng chưa" Lên nóc nhà đi nào..."
Tiếng ông xếp của tôi vô cùng hớn hở vang lên trong điện thoại. Tôi cười hà hà trả lời ông ta:
"Thôi ông hãy đi mau đi Darryl. Không cần phải ghé qua đón tôi đâu. Đến giờ rồi. Gần 2 triệu người đang đông nghịt ngoài đấy. Đoàn xe của tân Tổng Thống Obama đã rời Nhà Trắng, đang đi trên đại lộ Pennsylvania. Người ta đang reo hò chào đón đoàn xe hai bên đường. Vui lắm. Còn 10 phút nữa là 11 giờ. Tân Tổng Thống sẽ đến trước tòa nhà Quốc Hội."
"Ok, enjoy the Inauguration, Anne. Hẹn gặp cô ngày mai." Ông Darryl vui thú cười và cúp máy.
Công ty tôi làm việc không thuộc chính phủ nên không được nghỉ ngày lễ Đăng Quang. Tôi viết thư cho ông xếp ngày hôm trước, "Ông Darryl ơi, tôi sống ở vùng Alexandria. Tôi phải dùng hoặc là I-395 hoặc đường 50 để đi làm. Hai con đường ấy lại là hai trục lộ chính dẫn vào trung tâm DC. Chúng sẽ bị đóng vào ngày mai. Tôi sẽ không thể lái xe đến văn phòng được, trừ khi ông cho trực thăng đến đón tôi..."
Thay vì vào đề thẳng quèo xin vắng mặt một ngày, tôi lòng vòng xạo sự một chút cho vui. Ông xếp cũng đùa nghịch trả lời lại rằng ông sẽ mang trực thăng đến đón tôi đi làm. Tưởng chỉ nói chuyện cho vui ngày hôm trước, ai ngờ hôm sau ông ta vẫn nhớ và gọi điện thoại phá... Có lẽ ông ta đang vui mừng vì một thường dân cùng màu da như ông sắp đăng quang Tổng Thống.
15 phút sau, điện thoại tôi lại reng lên. À, lần này là em trai tôi gọi qua từ Việt Nam.
"Hồi nảy em có phone cho ông Obama để chúc mừng nhưng có lẽ ông ta đang bận làm lễ nên không bắt phone. Chị hai chuyển lời chúc mừng của em đến ông Obama dùm em nghen và hãy cho ông Obama biết ngày hôm nay cũng chính là Sinh Nhật của em. Cả nhà mình đang xem tivi, theo dõi buổi lễ... Sao đông người ta dữ vậy" Ba má đang nhận ra chỗ đoàn xe ông Obama ngừng là chỗ ba má đã đứng chụp hình bữa trước khi sang thăm Hoa Thịnh Đốn ... Họ đang vừa vui vừa xúc động..."
Vài tiếng đồng hồ trước, một người bạn Pháp của công ty bên Pháp nơi tôi từng làm việc đã đại diện các bạn đồng nghiệp cũ gửi email sang cho tôi chúc mừng sự kiện lịch sử mà "Anne đã may mắn chứng kiến": "En cette belle journée pour l'histoire des States et de l'humanité, on te souhaite une très belle et heureuse année 2009."
Khắp năm châu như có vẻ rất hào hứng theo dỏi sự kiện lịch sử quan trọng của nước Mỹ nói riêng và của nhân loại nói chung. Trước kia, tôi không thật mấy quan tâm đến chính trị. Mỗi lần bầu cử, tôi chỉ lướt qua mọi thứ để có những hiểu biết tối thiểu cần thiết chứ không đi sâu vào tìm hiểu từng đảng, từng cá nhân ra ứng cử... vì... lần nào thì... cũng vậy thôi. 43 vị Tổng Thống trước, người nào cũng có một tiểu sử nổi bật, và thành quả đóng góp đáng kể; người nào cũng xuất thân từ những gia đình bề thế và có nước da... trắng.
Người ra ứng cử tổng thống lần này đã gây cho tôi (cũng như hầu hết mọi người) nhiều chú ý. Ngoài những tài năng và khả năng xuất sắc, ông Obama không chỉ có một tiểu sử và quá trình sinh trưởng ngoại lệ, màu da ông còn... đen; và chính những điểm khác biệt đáng kể đó của ông đang góp phần làm nên "lịch sử" của nước Mỹ, giúp hình ảnh của nước Mỹ thêm đầy đủ - đúng như ý nghĩa của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ khi lập nước: "... That all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness - Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ quyền sống, quyền tự do và quyền mưu tìm hạnh phúc mà không ai có thể lấy đi được.
Những cố gắng không ngừng và thành quả vượt bậc của ông Barack Obama xứng đáng là một tấm gương, là niềm tin, là nguồn hy vọng cho mọi người nhất là những người dân thiểu số nói chung và da vàng của chúng ta nói riêng. Chúng ta đã phải xây dựng mọi thứ từ đầu khi sang Mỹ. Chúng ta đã như những con trẻ yếu đuối mồ côi, không gia đình cha mẹ người thân để nương tựa. Chúng ta không tiền của, không công ăn việc làm, không tiếng nói,... Chúng ta chỉ có nghị lực, niềm tin, và hy vọng. Cũng những thứ đã giúp người đàn ông da đen ấy kết thúc được ngồi trên chiếc ghế Tổng Thống ở Nhà Trắng - Một điều không ai có thể ngờ!
Từ lúc đoàn xe của tân Tổng Thống Obama đến tòa nhà Quốc Hội - nơi ông sẽ tuyên thệ tổng thống và đọc bài Diễn Văn Đăng Quang, mắt tôi dán sát vào tivi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi theo dõi kỹ lưỡng một buổi lễ Đăng Quang - có thể nói một Đại Lễ. Mọi thứ được chuẩn bị một cách tinh tế, chu đáo, công phu.
Chi tiết vô cùng sắc sảo là khi dàn nhạc được giới thiệụ. Nhạc phẩm "Air and Simple Gifts" của John Williams vang lên qua sự hòa quyện điêu luyện của những tiếng đàn Violoncelle thiết tha của Yo-Yo Ma, tiếng kèn clarinet trầm bổng của Anthony McGill, tiếng violin ngút cao của Itzahk Perlman và tiếng piano thanh thoát của Gabriella Montero. Những danh cầm của ba màu da - đen vàng trắng - ngồi bên nhau trong gió đông lạnh để cùng hoà chung những cung đàn, tiếng nhạc đầy niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của toàn dân nước Mỹ. Buổi lễ Đăng Quang được tăng thêm ý nghĩa và niềm xúc động.
** Niềm Tin - Hy Vọng
Bài Diễn Văn Đăng Quang của Tân Tổng Thống Barack Obama càng thật đáng nhớ. Tôi có xem qua những diễn văn đăng quang của các cựu Tổng Thống Bill Clinton, G. W. Bush... Nhưng "cách" ông Obama "nói" (chứ không phải đọc) bài Diễn Văn Đăng Quang thì thật đáng khâm phục. Hơn 2400 chữ, dài 5 trang giấy, trong vòng gần 20 phút, ông Obama đã nêu đủ mọi khía cạnh cần quan tâm và giải quyết của nước Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung. Ông nhắc lại bổn phận của từng người dân, trọng trách của đội ngũ chính phủ trong tiến trình khôi phục và giúp nước Mỹ cùng thế giới phát triển tốt hơn. Ông Obama đã không quên nhắc tới nguy cơ nhiệt hóa hoàn cầu cùng các hiểm họa nếu con người không lưu ý và có phương cách ngăn chận. Tuy bài Diễn Văn Đăng Quang của tân Tổng Thống Obama dài hơn những bài Diễn Văn Đăng Quang của những Tổng Thống trước khoảng 1000 chữ, nhưng ông đã nhớ rõ từng chi tiết, dõng dạc nhìn quốc dân Mỹ "nói", không cầm giấy để nhìn "sơ-cua", cũng không một lần vấp. Ông có vẻ "nói" bài Diễn Văn từ lòng mình.
Ai ai cũng biết rõ nước Mỹ là một nước giàu mạnh nhất thế giới. Nhưng, dù vậy, trước tất cả những sự kiện và lời nói quan trọng, họ luôn nhắc đến Thượng Đế và đề cao Thượng Đế. Trước giờ tuyên thệ của Tổng Thống Obama, Mục sư Rev. Rick Warren đã có những lời chúc mừng và chia sẻ. Ông nhắc đến Thượng Đế và cảm ơn Thượng Đế. Trong bài Diễn Văn Đăng Quang, tân Tổng Thống Barack Obama nhắc đến Thượng Đế ít nhất 5 lần. Như một phong tục, hầu hết các bài diễn văn quan trọng, người Mỹ luôn cầu xin được Thượng Đế ban phước lành. Câu nói, "Mong Thượng Đế ban phước lành cho bạn," như luôn ở đầu môi của mỗi người dân Mỹ. Phải chăng, họ nhận thức được dù có giàu mạnh bao nhiêu, quyền thế bao nhiêu, bên trên họ, bên trên tất cả, vẫn còn có Thượng Đế. Mọi việc vẫn được Thượng Đế "liếc mắt" nhìn và ủng hộ nếu con người làm đúng, sẽ la phạt, nếu con người làm sai.
Điều đó đã khiến tôi nghĩ đến những đất nước... vô thần. Những đất nước ấy chưa phải là những nước mạnh nhất. Những người cầm quyền ấy cũng chưa phải là những người tài ba nhất,... Nhưng họ không tin có Thượng Đế, và họ cũng không cho người khác có quyền tin vào đấng Thiêng Liêng của từng tín ngưỡng của mỗi cá nhân. Nhiều người đã đặt câu hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc nghĩ gì về vụ động đất xảy ngay sau khi và vào đúng vùng đất Trung Quốc lấn chiếm Tây Tạng" Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội nghĩ gì về thảm họa lũ lụt sau vụ việc lấn chiếm đất của những người Công giáo để làm công viên, trồng hoa" Cũng có thể đó chỉ là những trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng có thể đó là những lời cảnh báo.
*
"Starting today, we must pick ourselves up, dust ourselves off, and begin again the work of remaking America. For everywhere we look, there is work to be done. The state of the economy calls for action, bold and swift, and we will act... " - Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta phải tự mình đứng dậy, tự phủi bụi và bắt đầu trở lại công việc làm lại nước Mỹ. Bởi vì ở bất cứ nơi đâu khi chúng ta nhìn vào, chúng ta sẽ thấy có việc phải làm. Tình trạng kinh tế hiện nay đang kêu gọi chúng ta phải hành động dứt khoát, và chúng ta sẽ hành động...
Sẽ không thiếu cơ hội nếu chúng ta cố gắng tìm kiếm nó. Sẽ không bao giờ là trễ khi chúng ta quyết định làm. Những chiếc cầu sẽ được xây dựng để nối liền những tư tưởng trái ngược, những đảng phái đối nghịch... để cùng nhau hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, một sức mạnh vững chải hơn.
"To those who cling to power through corruption and deceit and the silencing of dissent, know that you are on the wrong side of history; but that we will extend a hand if you are willing to unclench your fist." - Đối với những người bám víu quyền lực bằng tham nhũng, dối trá và bằng bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quíù vị đang đi ngược lại lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quí vị biết nới lỏng nắm tay.
Hàng triệu triệu người dân Mỹ đã cùng đồng lòng rằng đã đến lúc nước Mỹ cần được thay đổi. Quê nhà Việt Nam tôi có lẽ cũng đến lúc cần được thay đổi.
** Tự Do - Tương Lai
Trong phần kết của bài Diễn Văn Đăng Quang, tân Tổng Thống Obama đã nhấn mạnh ý nghĩa Tự Do, món quà của Tự Do:
"This is the meaning of our liberty and our creed -- why men and women and children of every race and every faith can join in celebration across this magnificent Mall, and why a man whose father less than 60 years ago might not have been served at a local restaurant can now stand before you to take a most sacred oath. So let us mark this day with remembrance, of who we are and how far we have traveled." - Đây là ý nghĩa của tự do và tôn giáo của chúng ta - là vì sao mọi người, nam, nữ, trẻ em thuộc mọi chủng tộc và tín ngưỡng có thể cùng nhau hội tụ tại quảng trường quốc gia vĩ đại này, và vì sao một người có cha cách đây gần 60 năm không được phục vụ tại một nhà hàng địa phương mà nay đang đứng trước mặt quý vị để đọc lời thề thiêng liêng nhất. Vậy chúng ta hãy cùng nhau đánh dấu ngày này bằng cách nhớ lại chúng ta là ai và chúng ta đã đi xa thế nào.
60 năm trước, cha của ông Obama đã bị từ chối phục vụ trong một nhà hàng vì ông là một người da đen. Hôm nay, đứa con trai của người cha da đen ấy đã trở thành Tổng Thống nước Mỹ.
Tin tưởng và mong chúc Tân Tổng Thống Obama sẽ thực hiện được những điều ông hứa hẹn. Cầu mong Thượng Đế ban cho ông cùng đội ngũ nhân sự tài ba của ông thật nhiều nghị lực và khôn ngoan sáng suốt để giúp nước Mỹ được chuyển sang một giai đoạn mới, tốt đẹp hơn; để những người bầu chọn ông sẽ hài lòng và tự hào về chọn lựa của mình; để những người dân thiểu số như tôi thêm tin tưởng và hy vọng.
Vị Tổng Thống khi tôi chưa trở thành công dân Mỹ là một người da trắng. Vị Tổng Thống đầu tiên khi tôi trở thành công dân Mỹ là người da... đen. Một ngày nào đó sẽ đến phiên một người da vàng lên tuyên thệ Tổng Thống và người da vàng ấy có thể là một người Việt Nam. Và một ngày nào đó nữa, sẽ là một phụ nữ... Tại sao không"
"...For us, they fought and died, in places like Concord and Gettysburg; Normandy and Khe-Sanh. Time and again, these men and women struggled and sacrificed and worked till their hands were raw so that we might live a better life. They saw America as bigger than the sum of our individual ambitions, greater than all the differences of birth or wealth or faction." - Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh ở những nơi như Concord và Gettysburg, Normandy và Khe Sanh. Hết lần này đến lần khác, những người đàn ông và đàn bà này đã tranh đấu, hy sinh và làm việc đến tận khi đôi bàn tay của họ chai sạm để chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ đã nhìn thấy nước Mỹ lớn hơn tất cả những tham vọng cá nhân, lớn hơn tất cả những khác biệt về sự sinh thành, của cải và phe phái của chúng ta gộp lại.
Tổng Thống Obama đã cố tình nhắc lại những trận chiến tàn khốc xảy ra ở khắp nơi, kể cả Việt Nam, như nhắc nhớ chúng ta biết bao nhiêu mạng sống đã mất đi cho tự do của chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta mỗi thời đại thêm tốt đẹp. Cách chúng ta ghi ơn những anh hùng này là trân quý chính tự do và hạnh phúc chúng ta hiện đang có.
Sống ở nơi đâu có tự do, chúng ta sẽ có tương lai và sẽ thực hiện được những điều tưởng chừng không bao giờ có thể trở thành hiện thực.
Anne Khánh Vân