Hôm nay,  

Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt…

24/12/202400:00:00(Xem: 1154)
TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021
Tác giả Phan đang trao giải Chung Kết VVNM 2021 cho TG Vĩnh Chánh
 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Bài viết góp nhặt những mảnh đời phiêu bạt lồng trong bối cảnh mùa Giáng Sinh lạnh lẽo nhưng cũng man mác tình người.
 
***
 
Mọi người đều phải kiếm sống vì sớm muộn cha mẹ ai cũng qua đời, không còn ai nuôi thì phải tự kiếm sống. Nhạc Trịnh nghe hay, triết lý sâu xa nhưng buồn nhiều hơn vui, “tin buồn, từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…” Làm người là khổ từ lọt lòng mẹ đến lúc qua đời, cứ lẩn quẩn trong vòng sinh lão bệnh tử, hết kiếp này lại đến kiếp luân hồi khác. Lại còn phải ăn ở sao cho tử tế trong đời người ngắn ngủi để kiếp sau không trở thành lục súc càng khó cho cuộc mưu sinh.
 
Mấy ngàn năm rồi, không biết đã được bao nhiêu Phật tử an nhiên trả nghiệp, bao nhiêu tín đồ sống theo Kinh thánh cho vừa tầm với sự phát triển chùa với nhà thờ trong đời vẫn nhởn nhơ những người chẳng làm gì cả, sống suốt đời dựa vào phúc lợi xã hội nhưng ăn ngon, mặc đẹp hơn cả người lam lũ đi làm. Ai cũng biết trong những người ăn trợ cấp thực phẩm, ở nhà chính phủ, có medicare khi phải đi bác sĩ là những người có hoàn cảnh nên được thông cảm như dị tật bẩm sinh hay tai nạn đã làm tàn phế một con người. Ngược lại vẫn thấy những người ăn mặc bảnh bao, phong thái nhàn nhã, đi chợ mua tôm cá đắt tiền bằng tem phiếu chính phủ, họ không có khuyết tật thấy được nhưng lòng tự trọng của họ đã ung thư.
 
Tôi đã có lần gặp một người Việt bảnh bao như nói ở trên nơi quán cà phê, anh đã dạy đời những người chung bàn cà phê sáng, “Từ hồi qua Mỹ đến giờ, tôi chưa bao giờ phải đóng một đồng bạc thuế. Tại sao các ông cứ phải đi làm và đóng thuế cho mệt vậy, chỉ cần suy nghĩ một chút là sống khoẻ ở Mỹ này...” Tôi tôn trọng người bạn mời tôi đi ăn sáng, uống cà phê. Ngày cuối tuần nên quán đông, phải ngồi chung bàn thì đành chịu. Tôi cũng thử suy nghĩ một chút như anh ta dạy đời nhưng suy nghĩ không vượt qua được suy nghĩ mình có tay có chân thì đi làm mà ăn, người tàn tật mới xứng đáng được hưởng phúc lợi xã hội, không có ngoại lệ.
 
Nhìn lại mấy chục năm sống ở Mỹ, trải qua khá nhiều ngành nghề cũng chẳng có gì trong tay ngoài lòng tự trọng còn đó. Hồi mới qua Mỹ, có anh bạn là lính cũ, qua Mỹ từ ‘75 nên anh rành rẽ hơn chúng tôi qua sau. Anh nói với đàn em làm chung hãng là chúng tôi, “Tụi Mễ quét dọn cho chợ Walmart ăn cắp quá nên quản lý chợ muốn mướn người Việt. Nếu mấy đứa muốn làm thêm kiếm thêm thì anh nhận lời người quản lý chợ Walmart anh quen.”
 
Thế là chúng tôi đi làm cho Walmart từ tám giờ tối tới mười giờ, làm hai tiếng đồng hồ được hai chục bạc là lớn lắm rồi vì đi làm hãng khi xưa có năm đồng một giờ. Việc làm dễ ẹt vì quét thì không có rác nên đẩy cái máy hút bụi, sau đó đẩy máy lau nhà cho có là được vì cũng chẳng có gì dơ bẩn. Cực nhất là làm vệ sinh ở hai cái nhà vệ sinh nam và nữ, kể ra cũng chẳng khó vì kéo vòi nước nóng, xịt hết xuống cống là xong việc, bỏ thêm mớ giấy vệ sinh cho hôm sau là hoàn tất.
 
Chúng tôi làm được một tuần êm xuôi, ông quản lý chợ rất hài lòng nên cho bia xách về uống vì chúng tôi không trộm bia, không trộm vặt đủ thứ trong chợ khi chưa có camera giám sát lắp đặt khắp nơi như bây giờ. Nhưng những người Mễ bị chúng tôi cướp việc làm của họ nên họ trả thù! Họ dẫn theo vợ con như đi trẩy hội, họ tràn vào hai cái nhà vệ sinh và nhét hết những cuộn giấy vệ sinh xuống những cái bồn cầu. Không có vòi nước nào cứu nổi mà chỉ còn cách móc bằng tay lên thôi. Ông quản lý chợ trang bị cho chúng tôi găng tay dài, nhưng anh em cứ lần lượt bỏ việc, không làm “job Mễ”. Cuộc sống Mỹ nhìn bề ngoài văn minh, cơ hội, nhưng khi bước vào, nhập cuộc mới thấy kiếm sống ở Mỹ cũng không dễ chút nào, nhất là những công việc thuộc về người không hợp lệ sống trên nước Mỹ. Đặc biệt mùa cuối năm, những người Mễ lậu không còn việc cắt cỏ, họ sống khổ lắm, có quen biết họ mới rõ.
 
Tôi tiếp tục làm thử công việc mà tôi chưa từng nghĩ đến trước đó. Anh bạn người Mễ trong chung cư mà tôi thường cho gia đình anh ta cá tôi câu được. Một hôm cuối tuần, cuối năm, anh ta nói với tôi, “Ngày mai anh đừng đi câu cá hay ở nhà uống bia nữa, hãy đi làm với tôi, kiếm tiền mua quà Giáng sinh cho vợ con.” Tiếng Anh tôi chưa thạo, anh ta cũng không rành, nhưng hiểu nhau. Sếp anh ta nói tìm thêm người làm nên anh ta muốn tôi đi làm cùng anh ta, công việc dễ thôi, làm ngày nào lãnh lương ngày ấy, làm tiền mặt nên không phải khai thuế…
 
Vậy là mười giờ đêm tôi rời khỏi nhà để đi làm cùng anh ta. Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến công việc rửa bãi đậu xe ở khu thương mại. Chỉ quan sát được một nhóm mà tôi là người mới trong nhóm họ chứ còn nhiều nhóm khác nữa cùng làm việc lúc nửa đêm ở bãi đậu xe chỉ có gió lạnh và buồn ngủ, tôi còn thấy buồn tủi trong tâm can mình vì từ cha sanh mẹ đẻ chưa bao giờ phải làm những công việc âm thầm, lặng lẽ trong gió lạnh như vầy. Cảm giác lẻ loi nơi đất khách quê người, xa nhà khi năm hết tết đến như những mũi kim châm vào phế phủ buốt giá hơn cả thời tiết.
 
Chừng mười người đeo trên lưng mười cái máy thổi cỏ, họ giăng hàng ngang và xuôi theo chiều gió để thổi rác. Công việc của tôi là hốt rác vô bao, đầy bao cột lại thì tiếp tục bao khác, để gọn vô một chỗ nào đó để gom hết bao rác một lần. Mười người thổi rác xong việc thì họ trở lại xe, đeo lên lưng bình xịt hoá chất thay cho cái máy thổi cỏ. Họ lại giăng hàng ngang đi xịt hoá chất tẩy nhớt do những chiếc xe hơi cũ của khách hàng bị chảy nhớt, lâu ngày làm đen xì bãi đậu xe. Sau đó họ làm lính cứu hoả, kéo ống xịt nước từ cái xe chở bồn nước từ từ chạy theo sau lưng họ, rửa nhớt xe và hoá chất trên bãi đậu xe… Chúng tôi làm xong một khoảng lớn bãi đậu xe tính theo cột đèn trong bãi thì nghỉ giải lao một chút rồi làm tiếp tới cột đèn tiếp theo. Đến hừng đông đi thu gom bao rác lên xe để chở đi bỏ rồi về nhà ngủ. Bãi đậu xe của khu thương mại chiều qua còn dơ bẩn những bãi nhớt đen xì thì sáng hôm sau đã sạch sẽ, tạo cảm giác dễ chịu cho khách hàng đi mua sắm mùa lễ…
 
Coi như làm tám tiếng từ mười giờ đêm đến sáu giờ sáng trong môi trường khắc nghiệt với thời tiết cuối năm mà làm việc ngoài trời. Công việc thấy vậy nhưng rất mệt, dễ bị cảm lạnh, nhưng lương bèo chỉ có năm đồng một giờ. Dù không trả thuế nhưng tôi cầm bốn mươi đồng tiền lương rửa bãi đậu xe một đêm đông lần đầu cũng là lần cuối trong đời. Sau đó là mâu thuẫn bản thân khi trót nghĩ đã muốn viết lại cuộc sống của người di dân trên nước Mỹ thì việc gì cũng nên trải nghiệm để không viết bằng tưởng tượng sau khung cửa sổ, nhưng vợ con cứ năn nỉ đừng làm nữa vì công việc đêm hôm cực quá lại dễ cảm cúm, thật là khó vẹn đôi đàng.
 
Nói tới kiếm sống ở Mỹ còn nhiều ngành nghề khác mà sau khi qua Mỹ tôi mới biết như người đi mua garage sale là công việc chính thức của anh ta. Anh ấy người Việt nên thương cảm tôi mới qua còn lơ ngơ, không kinh nghiệm. Anh dạy tôi,
 
“Mới qua phải không?”
 
“Dạ đúng.”
 
“Ừ thì mới qua, đi mua đồ garage sale về xài cho đỡ tốn tiền cũng được. Nhưng đi garage sale thì phải nhanh mắt, trả giá và mua cho lẹ rồi nhanh chân để còn đi chỗ khác. Anh cứ xà quần ở đây, rồi họ không bớt giá thì không mua được. Trong khi ở chỗ khác thì người khác mua hết rồi.”
 
“Vậy hôm nay tôi theo anh để học hỏi được không?”
 
“Tôi đâu cấm anh chạy theo tôi được, nhưng đừng hỏi tôi gì nha. Tôi không có thời giờ để trả lời anh đâu!”
 
Tôi sốc với người Việt ở Mỹ về lối nói chuyện thẳng thừng đến khiếm nhã, tôi không nói chuyện với ai như thế ở quê nhà, nhưng quê nhà đã là dĩ vãng từ khi bước chân đi. Thế là tôi lái xe theo anh ta, không hỏi câu nào như không quen biết, đi được năm bảy nhà bán garage sale trong thời gian rất ngắn. Anh ta xuống xe, đảo mắt một lượt và mua món nào là bốc luôn để người khác khỏi giành. Quan trọng nhất với anh ta là hốt hết mớ vòng vàng đồ giả. Cuối cùng là trả giá mẻ vòng vàng, dây chuyền giả. Những đồ vật cũng gộp chung trả giá một lần, rồi nhanh chóng cho lên xe và vọt đi chỗ bán garage sale khác.
 
Cuối cùng tôi cũng biết được nhà anh ta, việc làm của anh ta là đi mua garage sale ba lần cuối tuần, đến lần thứ tư trong tháng thì anh bán garage sale tại nhà vào hai ngày cuối tuần. Những ngày người khác đi làm thì anh có nghề thợ bạc nên ở nhà lọc lấy vàng từ những đồ trang sức mạ vàng mà anh đã mua tiền đồng nhưng bán ra vàng thật. Chuyện này làm tôi nhớ người bạn khi còn ở trong nước, cũng làm nghề thợ bạc. Tôi thấy uổng phí nên hỏi anh ta, “vòng vàng, bông tai giả của con nít đeo chơi ba ngày tết mà anh mạ vàng thật thì có uổng phí vàng lắm không?” Anh ta đã trả lời tôi, “Mạ vàng mà không dùng vàng thì dùng gì để phủ lên bề mặt của dây chuyền, bông tai làm bằng dây kẽm? Chỉ khác là người có một chỉ vàng thôi nhưng muốn đeo cái lắc chọi chó cũng chết nên mướn tôi làm cái lắc năm chỉ, vậy một chỉ vàng phải mạ lên cái lắc bốn chỉ bằng đồng, thau gì đó. Cái lắc đó đeo vài năm thì vàng thật bọc ngoài bị mòn đi, trơ ra lõi bằng đồng, thau, hơ lửa đen xì nên mới có câu vàng thật không sợ lửa. Còn tết đến, tôi xi mạ cả rổ bông tai cho con nít với nửa chỉ vàng thì đúng là qua tết, bông tai trơ ra dây kẽm đen xì, vứt bỏ…”
 
Trở lại với người kiếm sống bằng nghề garage sale, thu nhập của anh ta gấp đôi người đi làm hãng xưởng. Trở thành quen biết nên mấy chục năm sau, tôi biết anh vẫn giữ nghề, hành nghề mua bán tự do tự tại. Hồi đó chưa có karaoke nên rảnh rỗi, vợ chồng anh chơi nhạc sống, rủ thêm vài người bạn biết chơi đàn, chơi trống để hát hò ở nhà om xòm với giàn nhạc anh mua từ garage sale. Tôi biết thêm một nghề ở Mỹ như nghề mua ve chai bên Việt Nam vậy, nhưng kiếm tiền dễ ụi, mua trúng mớ vòng vàng của mấy bà Mỹ già, không thích nữa thì bán garage sale, đâu nhớ cái đó là vàng giả hay vàng thật! Hay may mắn mua được mớ cần câu cá của một ông già Mỹ thì lời hết biết nói luôn, mua cây cần câu mười đồng nhưng bán lại cả trăm bạc là chuyện thường vì những cây cần câu tốt có giá vài trăm cũng là chuyện thường. Và những cây cần câu mà một cần thủ đã giữ lại bên mình tới già, tới đi câu hết nổi thì bán garage sale như chạy trốn quá khứ và kỷ niệm thì đâu kể bán được bao nhiêu tiền. Một người bạn câu có lần mua mão mớ cần câu của ông già Mỹ trắng bán garage sale hai trăm đồng, sau khi anh ta đã chừa lại cho mình hai cây cần câu tốt nhất, vậy mà còn bán lại cho bạn câu được hơn một ngàn đồng, là bán giá bạn câu rồi đó nha.
 
Còn biết bao nghề lạ như đi bỏ quảng cáo cho nhà hàng, cái nghề khiến tôi nghĩ về lòng người khác hết những bài học trong trường khi nhỏ về lòng nhân ái, những trang sách tôi đọc về tình người sưởi ấm lúc gian nan trong đời. Hồi nhỏ, đọc truyện “cô bé bán diêm” bỗng ứa nước mắt; đọc truyện “cánh đồng tuyết” cũng thương cảm đến ứa nước mắt khi cô bé hỏi mẹ, “chừng nào anh con chết” chỉ để nó được ăn thức ăn của những nhà hàng xóm cho gia đình có người chết theo lệ làng là nhà có đám tang thì không nổi lửa. Nhưng kiếm sống ở Mỹ mới biết ứa nước mắt không phải vì thương cảm nhân vật trong truyện mà là thương thân mình…
 
Chủ nhà hàng thuê bạn đi bỏ quảng cáo đã nói trước là không bỏ trong chung cư mà bỏ khu nhà riêng, họ chỉ định luôn những khu nhà giàu, vì sao? Vì họ cần khách hàng giàu có gọi đặt thức ăn nhiều tiền hơn dân nghèo trong những chung cư. Làm người đi bỏ menu mới thấm thía tầng lớp ở xã hội nào cũng vậy. Khi vào chung cư, bạn xoay người một vòng đã bỏ được bốn cái menu vì bốn cánh cửa nhà tụ lại chân cầu thang. Bạn kiếm được bốn lần bảy xu cho một cái menu, bạn có hai mươi tám xu bỏ túi không đầy một phút. Bạn làm việc siêng năng thì một ngày bỏ menu trong chung cư bạn có thể bỏ được một ngàn cái, kiếm được bảy mươi đồng tiền mặt, hơn lương đi làm hãng năm đồng một giờ, ngày tám tiếng chỉ có bốn mươi đồng, tuần bốn mươi giờ được hai trăm, trừ thuế còn trăm tám.
 
Nhưng đi bỏ menu thì không được chơi trò gian lận, bỏ thùng rác menu của nhà hàng, vì thuê bạn xong là họ có người đi kiểm tra. Những người Mễ lậu, Mỹ đen mất “job” vì tống menu của nhà hàng vào thùng rác, họ không ăn năn đâu, họ kiếm chuyện với bạn, phá bạn nữa là đàng khác. Bạn bỏ đến đâu thì họ nhặt đến đó… rồi bỏ thùng rác chung cư, bỏ cho vương vãi ra để chủ nhà hàng đi kiểm tra dễ dàng phát hiện. Một mình bạn dám đương đầu với cả đám không khi hành hung xảy ra?
 
Cũng vẫn là bảy xu cho một cái menu nhưng chủ nhà hàng chỉ khu nhà giàu, bạn không được tự ý đi bỏ khu nhà khác. Bạn đi rụng giò một ngày cũng chỉ bỏ được năm trăm cái vì nhà cách nhau hai cái sân cỏ mênh mông. Những khu nhà giàu có hơn nữa thì cách nhau những cái sân cỏ có thể cưỡi ngựa vì nhà này cách nhà kia tới bốn số. Ví dụ căn nhà số 1800 thì nhà bên cạnh trong khu nhà bình dân là 1804, nhưng khu nhà có thể cưỡi ngựa trong sân thì nhà số 1800 có nhà bên cạnh là 1820, cách nhau không thương xót người đi bỏ menu nên chua lắm, chua chát luôn là những ngôi nhà như biệt thự ấy thường có bảng gắn trên tường trước cửa nhà họ là không được bỏ quảng cáo, không dán hay treo trên nắm cửa. Lòng người giàu không nên căn cứ theo số tiền họ cho từ thiện mà nên nhìn cư xử của họ với người nghèo sẽ thấy thực hơn vì tiền cho từ thiện khai thuế được còn thông cảm với người đi bỏ menu thì đồng tiền họ chi ra không có tiếng keng như lên báo đài là nhà từ thiện. Họ chỉ có thời gian để gọi mắng vốn chủ nhà hàng, còn tái diễn thì họ có thời gian gọi cảnh sát vì người giàu không muốn người nghèo xuất hiện trong khu nhà họ ở. Dù sao tôi cũng biết thêm được một nghề ở Mỹ mà khi còn trong nước tôi không thấy, không biết bây giờ có nghề đó ở Việt Nam chưa?
 
Hôm nay tôi biết thêm được một nghề, đúng hơn là một người, không đúng hết vì nghề và người tôi đã biết trước rồi. Nghề câu cá bán thì người Lào nhiều lắm, họ chịu cực chịu khổ đi câu hai ngày cuối tuần, về làm cá còn cực hơn câu cá. Họ bán lại cho những người làm chung hãng cũng nhiều tiền chứ không ít đâu; họ gom tiền đồng thành tiền chục, tiền chục thành tiền trăm, tiền trăm thành tiền ngàn thì đi đóng tiền điện cho sòng bài một lần, nhiều khi còn không đủ thì bán xe, bán nhà vì người Lào thường rất máu với bài bạc.
 
Sáng nay nghỉ lễ Giáng Sinh, đã hai hôm tôi ngồi xem TV tới muốn mục xương sống vì trời lạnh quá nên không đi câu được. Chịu hết nổi bốn bức tường câm nên tôi đi cầu may, đi là ra khỏi nhà cho bớt tù túng. Dĩ nhiên tính trong bụng là không câu cá striper được vì trời lạnh câu rê sao nổi khi phải đứng ngoài trời và hai tay làm việc liên tục chứ đâu giấu hai bàn tay trong túi áo lạnh được. Tôi tính câu catfish, móc mồi bỏ đó rồi vô xe ngồi, chừng chuông gọi hồn ai tính sau. Nhưng xa xa một dáng người quen quen, tôi đoán là anh Thuần. Mới đầu tôi nghĩ: Ông già gân ha, trời này mà dám đứng lure cá striper. Tuy thời tiết bốn mươi độ F không phải là lạnh lắm, nhưng ngoài hồ thường lạnh hơn trong thành phố cả chục độ, rồi gió mười bốn dặm một giờ thì lạnh cóng tay, nước mắt nước mũi tha hồ chảy, sóng đánh một hồi làm đôi ủng dưới chân cứng và lạnh như nước đá. Tôi gọi anh không được vì sóng gió, thêm tuổi già lãng tai của anh. May hay rủi mà trời mưa, anh chạy về phía tôi. Tôi mời anh lên xe tôi uống ly trà nóng cho ấm bụng.
 
Tuy quen biết đã lâu, chào hỏi thân tình nhưng không trò chuyện nhiều vì thường gặp ngoài bãi câu nên ai cũng lo câu. Hôm nay lễ Giáng Sinh nên ơn trên cho cho hai ông già một cơn mưa ân sủng. Chúng tôi trò chuyện,
 
“Anh gân quá ha, trời này mà dám đứng lure striper. Tôi chỉ dám câu catfish để trốn lạnh…”
 
“Tôi thì câu catfish làm gì khi nhà không ai ăn.”
 
“Catfish kho ăn cơm trắng cũng ngon vậy? Catfish kho tộ, nấu canh chua như ngoài nhà hàng được mà, catfish nướng cuốn bánh tráng cũng hết sảy…”
 
“Hồi vợ tôi còn khoẻ thì bà ấy làm, tôi không biết làm cá, nấu cá. Hai đứa con tôi cũng chỉ biết ăn thôi. Bây giờ chúng có gia đình, sống riêng ra, tôi câu được catfish về cho con cháu cũng chẳng ai làm. Cho cá striper thì con trai tôi còn làm cho vợ con nó ăn, nó chia cho gia đình em gái nó cùng ăn cá ông ngoại câu. Nhưng con gái, con trai cũng chẳng đứa nào múc sang cho ông bà nội, ông bà ngoại một miếng, có lẽ tôi cho không đủ ăn nên cứ áy náy trong lòng.”
 
“Thì ông đã cho con cháu hết đời ông rồi còn gì mà áy náy với ân hận?”
 
“Tính tôi vậy. Nếu trời không mưa chắc tôi cũng không uống của anh ly trà nóng ngoài hồ quý như nước thánh vì đúng lúc mà trà lại ngon. Tôi sợ nợ ân tình khi mình không có gì đáp trả.”
 
“Anh khách sáo quá, mình người Việt với nhau thì ly trà có đáng gì. Lúc nào tôi cũng có bình trà nóng trong xe, mai mốt gặp nhau anh cứ tự nhiên uống là tôi vui. Anh thấy xe tôi có khoá cửa bao giờ, cái gì tôi có cũng là ơn trên ban tặng nên sống là câu trả lời: ‘Ai là anh em tôi’ mà Chúa hỏi chúng ta.”
 
Tôi thấy ông đeo trên cổ cây thánh giá bằng gỗ như đồ cổ lên nước bóng loáng, không biết mình thật lòng được bao nhiêu nên sợ Chúa phạt thấy mồ, nhưng hãy nói lời vinh danh Chúa với người mộ đạo là kinh nghiệm hồi nhỏ hay đứng ngẩn tò te với mấy người em xóm đạo…
 
Ông tư lự  nói, “Cảm ơn anh nhiều nha. Tôi biết anh từ lâu lắm rồi nhưng không có dịp nói chuyện. Tôi thường đọc anh trên báo. Chừng gặp anh đây thì ai cũng mê câu nên không dám làm phiền…”
 
“Anh Thuần năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”
 
“Tôi bảy mươi hai, hưu rồi anh ơi.”
 
“Bảy mươi hai thì anh còn khoẻ lắm, trời này dám đứng câu striper thì tôi chịu thua anh…”
 
“Tôi nghĩ, cái hoàn cảnh khiến người ta làm được hết à anh ơi. Nếu bây giờ anh phải ra ngoài trời làm việc thì mới có cơm gạo cho con ăn, tự nhiên anh làm được hết à!”
 
“Anh còn phải nuôi ai mà hoàn cảnh, tiền già, tiền hưu của anh đâu? Đừng có nói với tôi tiền già không đủ trả tiền child support…”
 
“Mỗi người một hoàn cảnh, biết đâu mà nói. Nhưng tôi biết anh như nói hồi nãy là đã lâu rồi. Đọc báo tôi cũng biết người viết nên nói thật anh thương. Vợ chồng tôi tính về hưu sống ở Việt nam nên giúp đỡ con trai, con gái mua nhà sau khi tụi nó lập gia đình. Căn nhà của vợ chồng tôi sẽ bán là vốn liếng để về Việt Nam sống mấy năm cuối đời. Nhưng về già vợ tôi bệnh hoài nên bỏ kế hoạch về Việt Nam vì bên đây mới có medicare. Hiện tại tiền già, tiền hưu không tệ nhưng vô bà ấy hết vì tôi không nói ra được. Nói gì với vợ mình khi đã già, nói được thì phụ nữ Việt đâu có chết như nhau vì bà nào cũng hồi đau quá, phải đi bệnh viện mới chịu nghe bác sĩ, uống thuốc tây. Nhưng chỉ xuất viện về nhà là lại đi ông thầy thuốc nam, thuốc bắc, mười bà Việt Nam qua đời thì chín bà bị thuốc vật mà chết chứ đâu tới bệnh làm chết người.”
 
“Tôi mới nghe anh là người đầu tiên nói ra đúng với suy nghĩ riêng tôi. Tôi thấy mẹ tôi, má vợ, rồi tới chị tôi cũng đều chết y chang như anh nói. Má vợ tôi hưởng thọ được bảy mươi mốt tuổi, đâu đã già nhưng sáng thuốc tây chiều thuốc tàu nên lên đường sớm. Mẹ tôi được tám mươi sáu vì ăn chay trường nên kiệt sức mà chết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của phụ nữ phải kể thêm vụ ăn chay trường nữa, đại ca. Sau khi cha tôi chết, mẹ tôi ăn chay trường như tạ ơn trời phật cho hết nợ hay sao, ăn chay tới kiệt sức mà chết. Nhưng chị vợ tôi mới bảy mươi sáu, sống ở Mỹ hơn bốn chục năm vẫn chết bởi thuốc nam, thuốc bắc đánh lộn với thuốc tây trong người thì ai sống nổi. Thêm ông thầy Tàu châm cứu bằng dao lam, một lần châm vài mũi kim mà tính hai trăm đô la tiền mặt như cứa cổ người ta bằng dao lam…”
 
“Thôi thì tiền hưu, tiền già vợ tôi có xài hết cũng được. Nhưng tôi còn cha mẹ già trong nước mới khó cho tôi…”
 
“Anh còn cha mẹ. Hai bác được trăm tuổi chưa?”
 
“Ba tôi chín mươi tám tuổi rồi, má tôi chín mươi hai. Cả đời hai người không uống viên thuốc tây nên thọ…”
 
“Vậy bây giờ hai bác sống với ai?”
 
“Tôi có bốn anh chị em. Anh Hai, chị Ba tôi chết rồi. Tôi thứ Tư, sống bên đây. Cô em út tôi sáu mươi tám, nó nuôi cha mẹ chứ tôi vô dụng. Nhưng ba năm trước nó bị đột qụy, không làm được gì nữa. Bây giờ ngồi, nằm một chỗ mà vẫn phải nuôi cha mẹ…”
 
“Tôi hiểu rồi, anh không giúp được gì cho em gái anh nên anh buồn…”
 
“Thì hoàn cảnh tôi bây giờ là vậy đó. Tôi chỉ tốn tiền đổ xăng chứ có xài gì đâu. Mới nghỉ hưu thì đi câu giải trí, tới hồi gia cảnh cứ eo hẹp lại vì tiền thầy tiền thuốc nam thuốc bắc cho vợ tôi. Đời sống ngày càng khó, thấy con gái, con dâu cứ cho chồng con tụi nó ăn gà kho gừng với thịt heo kho trứng riết tôi cũng buồn nên ráng đi câu cá striper cho con cháu được ăn chứ ngoài chợ bán mười đồng, mùa cá hiếm mười hai đồng một cân striper thì tiền đâu mua nổi…”
 
“Anh hơi lo quá đáng rồi đó! Anh chị tới tuổi này còn tự lo cho hai người, không hoặc chưa nhờ tới con cái đã là hay lắm rồi. Mình không thể lo cho con cái tới hết đời nó đâu…”
 
“… Thì cũng lo cho tới hết đời nình chứ anh. Điều tôi lo hơn nữa là em gái tôi nằm một chỗ ba năm nay rồi. Cháu gái tôi đã chồng con lo không hết, lo cho mẹ đột qụy nằm một chổ thì cháu rể còn chấp nhận được, nhưng lo luôn cho ông bà ngoại vợ thì hơi quá đáng. Tôi là cậu, là con trai của ba má tôi thì ngồi yên được sao? Hôm em gái tôi bị biến chứng, phải nhập viện, cháu tôi cho cậu hay chứ không yêu cầu gì. Tôi đang câu bỏ về nhưng nghĩ về nhà thì giúp được gì cho em tôi. Tôi ghé chợ Tàu bán mấy con cá câu được, không dám ghé chợ Việt vì xấu hổ và sợ người quen biết được sẽ nói lại với vợ con tôi. Xấu hổ nhất là cháu nội cháu ngoại hỏi hôm nay ông không câu được cá hả ông? Người làm ông mà nói dối cháu mình làm tôi không ngủ được…”
   …
 
Tôi lặng người với ông mới ngồi trong xe tôi chưa được một tiếng đồng hồ đã già thêm mười tuổi. Đôi mắt ông như mờ đục hơn trời âm u ảnh hưởng bão ngoài kia, ai cũng nghĩ là mình khổ quá, rồi trách trời trách đất, nên gặp người khổ hơn thì người ta thúc thủ để bảo toàn nỗi khổ riêng mang. Ông cũng vừa kịp nhận ra mình đã không nên nói nên xin tạm biệt. Tôi biết nói gì với người đồng hương xa xứ lúc tuổi già…
 
“Anh ngồi nám lại chút nữa, trời còn mưa mà, uống với tôi ly trà nữa rồi về chứ câu ciếc gì trời này. Cảm ơn anh đã tâm sự cho tôi nghe, nhưng coi như tôi chưa từng nghe gì hết. Anh nói biết tôi đã từ lâu, mình chào hỏi nhau đã nhiều. Xin cho tôi nói thật lòng: Anh không nhờ vả con cái giúp đỡ vì họ cũng không dư giả chứ không phải con cái anh tệ với cha mẹ, anh không giao tiếp nữa để khỏi có qua có lại vì eo hẹp tài chính cũng đúng đó. Tôi cũng đang như thế nhưng không do tài chính mà do ngộ ra chỉ có sự yên lặng là tử tế, biết sống một mình là trưởng thành.
 
Tôi không nhiều tiền nhưng cho anh mượn vài trăm bất cứ lúc nào cũng có, anh cần vài ngàn thì tôi cũng xoay sở được, bảo đảm với anh là có. Tôi chỉ có một yêu cầu với anh là không mạo hiểm, anh nghĩ coi anh tuổi này rồi mà giờ này ra đây thách đố với thời tiết thì ai thắng. Tôi không biết anh là không duyên nợ gì nhau theo ông Phật nói, nhưng đã quen biết anh là ý Chúa muốn thế khi Ngài hỏi, “ai là anh em tôi?”. Anh nghe lời tôi đi…”
 
“Thiệt là cảm ơn, tôi cũng tự trách mình nhiều lắm vì cái gì đã làm được lần đầu sẽ có lần sau, nói dối con cháu đem cá đi bán được một lần nên sau đó tôi thường mất ngủ …”
 
“Thôi như vầy đi, khi anh cần cứ mượn tôi tới tôi không còn để cho anh mượn thì trời cho mình cách khác. Trời không có đường cùng, tôi không muốn anh chết vì cảm lạnh ngoài hồ này…”
 
“…”
 
Ông rời đi sau khi từ giã tôi, quyển truyện “Cánh đồng tuyết” đọc hồi nhỏ như cuốn phim cũ tái hiện trong đầu. Ông tiều phu đốn củi nuôi gia đình sống qua ngày. Ông cố đi chuyến cuối, đốn mớ củi để gia đình sưởi ấm khi tuyết đã trắng trời, Giáng sinh đã về, nhưng không may trượt chân té xuống vực thẳm và qua đời. Tục lệ làng là nhà có đám tang không nổi lửa, những nhà hàng xóm nấu thức ăn đem sang cho nhà có tang.
 
Cách làng họ một cánh đồng tuyết có ngôi nhà trắng, bán nhu yếu phẩm cho cả làng. Gia nhân của nhà trắng đem đến nhà người tiều phu không may mâm thức ăn toàn cá, thịt thơm ngon. Nhưng tang lễ qua khi Giáng sinh về, người mẹ không thay chồng đi đốn củi trong rừng được để nuôi hai con nhỏ. Bà đi giặt màn cửa sổ, chẻ củi, dọn dẹp nhà cửa cho hàng xóm đón Giáng sinh cũng đủ nuôi con tạm bợ. Nhưng Giáng sinh đến, hàng xóm không cần bà giúp việc nữa. Bà nghĩ ra cách kiếm sống, đi hỏi hàng xóm cần mua gì ở nhà trắng, bà vác bao vải, băng qua cánh đồng tuyết để mua cho họ, tiền công đi chợ thuê cho hàng xóm, bà mua lương thực cho con. Nhưng bà bị cảm lạnh sau vài ngày vì ai cũng ngại băng qua cánh đồng tuyết mùa Giáng sinh, bà không đi được nữa. Đứa con trai mười tuổi thấy mẹ bệnh, em gái kêu đói mà lều không có gì ăn. Nó vác bao vải đi chợ thuê cho hàng xóm. Nhưng rồi nó cũng cảm lạnh, không đi được nữa. Người mẹ trong cơn sốt nghe con gái nhỏ kêu khóc vì đói. Bà cố dậy, moi móc trong lều được củ khoai, nướng cho nó ăn đỡ dạ. Cô bé bỗng hỏi mẹ, “Chừng nào anh con chết?”
 
Đã ba mươi lần Giáng Sinh xa quê, năm mươi lần Giáng sinh nhớ cô bé ngây thơ trong truyện “Cánh đồng tuyết”. Nghĩ đến những người xa quê kiếm sống bằng đủ các ngành nghề trên nước Mỹ bao la, may là bao dung. Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt với cân hỏi “Ai là anh em ta?” Câu trả lời của mỗi người Chúa đều nghe hết…
 
Phan
Giáng sinh 2024
 
 

Ý kiến bạn đọc
28/12/202418:18:18
Khách
Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt thì xin thuơng xót nạn nhân chiến tranh đàn bà trẻ em bị bom đạn, bị đói, bị chết vì lạnh trong lều vải do chiến tranh giữa hai phe Satan và Lucifer tại Trung Ðông. Ðức Giáo Hoàng đã thuơng xót lên tiếng thì mọi nguời phải chung sức giúp các hội cứu trợ quốc tế tại Gaza.
26/12/202422:55:47
Khách
Cám ơn Tác Giả một bài viết hay.
24/12/202414:02:31
Khách
Triết lý rất hay. Ðạo TCG dạy không tham của cải nguời khác, yêu thuơng hàng xóm anh em, nhưng nhiều nguời dùng lý do truyền giáo xâm lang chiếm đất làm thuộc địa, diệt chủng các bộ lạc Mỹ Châu. Vì thực dân Pháp chiếm VN làm thuộc địa nên hàng triệu nguời VN chết rồi VN sa vào tay Cộng Sản. Thái Lan không bị thực dân nên Thái Lan không có chiến tranh và Thái Lan không sa vào tay CS. Ngày nay 3 quốc gia bị Liên Hiệp Quốc và toà quốc tế lên án tội ác chống nhân loại, tội phạm chiến tranh là Syria, Bắc Hàn, và Do Thái đuợc Nga, Tàu, và Mỹ bảo vệ. Syria mới sập đổ nhưng Bắc Hàn và Do Thái tồn tại vì Mỹ Nga Tàu bảo vệ. Nay tân tổng thống Mỹ đe doạ trừng phạt thế giới bạn và thù như Canada, Mexico, các nuớc Âu Châu, và Tàu, đe doạ dùng vũ kực chiếm Panama và Greenland của Ðan Mạch trái với lời dạy cuả Thiên Chúa. Nhưng Trump không de doạ bạn thiết là Putin và Kim Un Nga và Bắc Hàn. Ðức Giáo Hoàng gần đây đã lên án diệt chủng giết trẻ con tại Gaza thì những nguời TCG chân chính nên hành động để nuớc Mỹ không trở thành nuớc bảo vệ chế độ tàn ác như Nga, Tàu đã làm trong 70 năm qua. Nguời Phật giáo Mỹ nên nghĩ đến nhân quả và nghiệp và tránh ủng hộ chánh phủ gởi bom đạn sát sanh tại Gaza. Tiền thuế mình đóng góp dùng cho viện trợ thực phẩm thuốc men là tốt, nhưng tiền cho bom đạn giết đàn bà trẻ em không cần thiết là mình mang nghiệp . Phải biết bỏ đao xuống thì mới mong giải thoát khỏi nghiệp.
Ngày 6 tháng 1 năm 2021, có 3-4 lá cờ vàng VNCH phất phới tại toà nhà Quốc Hội, có them 1 lá cờ Canada, không có cờ các nuớc khác, nhiều nguời VN bị tù tội vì tràn vào Quốc Hội, và Trump hẳn đã thấy chỉ có cờ vàng VN, nhưng sau khi Trump tháng cử năm nay, nguời Ấn Ðộ và Tàu đuợc các chức vụ quan trọng nhưng không có nguời VN. Hy sinh nhiều nhưng sau khi thành công thì nguời VN bị bỏ rơi.
24/12/202412:53:24
Khách
Bài viết rất hay mà triết lý trong bài cũng rất hay. Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,862
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư. Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo. Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến...
Hồi mới qua Mỹ, tiếng Mỹ dở ẹt mà Bách cũng lấy được bằng lái xe hơi trong vòng ba tuần từ ngày đặt chân xứ này. Tuần đầu lo thủ tục giấy tờ thẻ an sinh, thẻ căn cước. Tuần thứ hai đậu viết, tuần thứ ba đậu lái. Nhanh thần tốc. Thế mà sau 30 năm ở Mỹ, hắn phải thi viết hai lần, thi lái bốn lần mới đậu bằng lái xe mô-tô 1.000 phân khối Harley-Davidson. “Anh mướn cái mô-tô nhỏ 300 cc thôi cho dễ thi. Có $20 một ngày à,” người giám thị DMV vừa khuyên vừa an ủi hắn. “Hoặc anh vào trường học có $400 đô một khoá ba tuần rồi thi ở đó luôn cho dễ.” “Thank you chị nhưng đậu bằng xe nhỏ rồi chạy xe lớn chỉ có chết sớm. Tôi sẽ thi lại cho đến khi đậu.”...
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần. Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy.”
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
Cả đám đang tán gẫu cười đùa rôm rả, chợt im bặt khi thấy bóng thằng Edgar đang từ xa xăm xăm đi đến. Nó dẫn một khứa lão mới toanh tới và giới thiệu: - Hey Steven, đây là ông Robert, từ hôm nay ông ấy sẽ nhập với nhóm của anh. Mọi người bắt tay và tự giới thiệu tên mình với ông Robert. Steven cũng bắt tay ông ấy, điều đầu tiên gây ấn tượng nhất là đôi mắt ông Robert sáng quắc, sáng trưng trên gương mặt đen như hắc ín, chưa bao giờ mà Steven thấy một người da đen nào có đôi mắt sáng đến như thế. Cánh mũi thì giống hệt cặp sừng con trâu rừng, đôi chân bước đi hơi khập khiễng. Ông Robert cao hơn Steven cả một cái đầu, tướng tá săn chắc và gọn gàng chứ không ồ ề ục ịch như tụi thằng Kasame, thằng Gred...Ông Robert tiếp xúc với công việc và nhanh chóng tiếp thu, chỉ một buổi là làm thành thạo như mọi người.
Nhạc sĩ Cung Tiến