Hôm nay,  

Bên Bờ Sinh Tử

27/09/202400:00:00(Xem: 2360)
Bên Bờ Sinh Tử 1

Trần Đình Lộc và Vĩnh Chánh. 2017

 
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết dưới đây bày tỏ nhiều suy ngẫm của tác giả qua câu chuyện kể chi tiết về một người bạn đã chọn cách chết “an tử” cho mình.
*
 
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép.
 
Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
 
Bên cạnh, có những cái chết vô lý đáng trách, luôn để lại những câu hỏi khó có lời giải thích. Như cái chết của một nhóm 39 tín hữu của giáo phái Heaven Gate đồng loạt rủ nhau chết tại San Diego, đúng khi chùm sao chổi Hall Bopp xuất hiện tháng 3, năm 1977, vì tin tưởng họ sẽ được làm thần dân của một Utopia Galaxy nào đó; hoặc đi xa hơn là tự cho mình có quyền kết liễu mạng sống để chấm dứt sự đau đớn của người bệnh, trong cái gọi là Mercy Killing, và bệnh hoạn hơn nữa là trước khi tự tử vẫn cố sát hại thêm một hai người thân trong gia đình, trong những vụ murder suicides.
Một người bạn của tôi đã chọn cho mình một cái chết thoải mái và trang trọng. Một cái chết vào thời điểm thích hợp, trong bình an, với một tâm tư nhàn nhã an lạc. Chỉ trong một vài phút anh khép đôi mắt, từ từ an nghỉ trong giấc ngủ ngàn thu. Anh đã chiến thắng sự sợ hãi của chính mình để tìm đến chốn vĩnh hằng, như một samurai tuốt kiếm xông vào nơi chốn dữ để dành cho mình một cái chết trong danh dự.
 
Cái chết của bạn tôi không là một cái chết “hồn nhiên” theo kiểu Lê Uyên Phương, nhưng cũng không là cái chết vội vàng, chết cong queo theo kiểu của Trịnh Công Sơn, nhưng là một cái chết được bạn tôi cho là tốt đẹp nhất, nhanh nhất, êm ả nhất, nằm chết trong giấc ngủ khi ánh sao băng vừa chợt tắt – bên cạnh những người thân. Như một chuyến bay viễn không vô tận về nhà, ở hẳn với mẹ cha.
 
Mai tôi đi chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào, thì cũng sẽ xa nhau 
*Nguyên Sa
 
Anh và tôi thân quen từ thuở còn sinh viên. Anh nhỏ hơn tôi chừng 3 tuổi, và theo học ngành sư phạm. Người anh đầu, Trần Đình Ái, và chị kế của anh, Trần Thị Bích Thụy, là những đồng môn gần gũi của tôi trong trường Y khoa (YK) Huế. Anh luôn có mặt trong những lần du ngoạn vào cuối tuần, xa thành phố, với nhóm bạn YK chúng tôi, gồm cả trai lẫn gái cùng lứa tuổi thanh xuân, thân ái và vui đùa dưới vòm trời tự do.
 
Lần đi chơi ngoạn mục nhất là chuyến anh dẫn đầu nhóm 6 bạn YK của tôi kéo nhau bay đến Đà Lạt 1 tuần. Bảy chúng tôi ở miễn phí trong khách sạn Palace sang trọng, vì ông quản lý khách sạn vốn là một đàn em trước đây của ba anh. Nhóm chúng tôi được tiếp đãi đàng hoàng như những khách quý khác. Không đủ tiền chơi sang, nhưng lại muốn giữ thể diện cho bạn mình, nên chúng tôi tuần tự thay phiên nhau, từng cặp một, vào ăn sáng tại nhà hàng của khách sạn, với anh và một người trong nhóm.
 
Chút tiền còn lại dẫn nhau  đi ăn những nơi rẻ tiền nhất ở Đà Lạt, như ăn bánh xèo ở chợ Hòa Bình, theo kiểu Phở Cao Vân Saigon lấy công làm lời - mua ăn 1 cái bánh xèo nhưng xin thêm nhiều rau sống và sà lách cho đủ no - mua bánh mì nóng ăn với fromage và paté hộp, đi cà phê Tùng, nghe nhạc…cho đến tối mịt mới rón rén về phòng khách sạn ngủ chung, trong 1 phòng lớn có 2 giường, 6 đứa chia nhau 2 giuờng lớn, một đứa nằm ở sofa. Vì sợ hết nước nóng, nên một nửa tắm ban đêm, nửa kia tắm buổi sáng.
 
Khoảng năm 1972, bạn tôi tốt nghiệp đại học Sư Phạm, vào Hội An dạy ở trường Trần Quý Cáp. Trong cùng thời gian, tôi miệt mài ở luôn trong bệnh viện, nên chúng tôi mất dần liên lạc. Mùa Hè Đỏ Lửa qua, rồi tôi tốt nghiệp YK, trưng tập vào Quân Y Nhảy Dù, biến cố tháng 4, 75, tù cải tạo, vượt biên, định cư, cuộc sống mới. Tưởng như không bao giờ gặp lại nhau, thế nhưng tôi nghe tin anh được chị anh, là Bs. Trần T. Bích Thụy, bảo lãnh qua Montreal trong giữa thập niên 80.
 
Từ đó, tôi gặp anh được 5 lần. Lần đầu tiên khi anh đến thăm một loạt bạn bè của anh, trong đó có tôi, tại Nam Cali; 4 lần còn tại Montreal khi vợ chồng chúng tôi đến du lịch xứ lạnh tình nồng. Thật xúc động khi chúng tôi gặp lại nhau, nhất là sau khi anh may mắn sống sót qua một cơn mổ não vì đột quỵ vào giữa năm 2010 - mà anh rất may mắn được cứu sống khi một vị giáo sư Y khoa danh tiếng từ Pháp mới đến Montreal đã mỗ não anh bằng thủ thuật mới cerebrovascular surgery, rồi tiếp liền sau đó là cuộc giải phẫu động mạch tim bị nghẽn. Nghe kể, khi anh mở mắt sau cuộc giải phẫu thành công, câu đầu tiên anh nói với chị của anh là “Je veux vivre” – Em muốn sống –
Bên Bờ Sinh Tử 2
**Ngồi. Từ trái qua phải: Trần Đình Lộc và V. Chánh
**Đứng. Từ trái qua phải: chị Lộc, chị Bích Thụy, Minh Châu
 
Lần cuối chúng tôi gặp anh vào tháng 9, 2017, tại nhà con trai duy nhất của anh chị, bấy giờ tốt nghiệp bác sĩ và hành nghề Y Khoa Cấp Cứu khá xa Montreal. Đường vào thị xã nhà anh chị rất thơ mộng và êm đềm, có nhiều cánh đồng trồng toàn cây apple và một dòng sông nhỏ chạy đọc bên cạnh con đường làng – như con sông An Cựu của Huế, nhưng nước trong và sạnh hơn. Anh chị chào đón chúng tôi với nhiều tình cảm và gắn bó. Anh lấy ra 1 bao thưốc dấu kín trong ngăn đá tủ lạnh, kéo tôi ra ngồi sân sau, vừa hút thuốc vừa kể bao kỷ niệm xưa cũ, vừa ngắm các cụm rừng phong xanh tươi xung quanh nhà. Chúng tôi đắc chí cười vang khi nhắc đến chuyến du lịch Đà Lạt và khách sạn Palace thuở sinh viên bụi đời. 
 
Qua câu chuyện từ bạn bè và do anh kể, tôi được biết trong năm 1977, anh bị công an đến tận trường học còng tay, sau đó anh bi kết án, và ở tù chính trị trong vùng núi gần Đà nẵng. Anh bị chính quyền Cộng sản tình nghi chống chế độ trong một phong trào “phản động” mà người cầm đầu là giáo sư Nguyễn Nhuận của phân khoa Khoa Học tại Đại Học Huế. Về sau, GS. Nguyễn Nhuận bị tuyên án tử hình và bị xử bắn tại sân Vận Động Huế. Trong tù, một bác sĩ quân y đàn anh của trường YK Huế khuyến dụ anh giả làm điên. Thật là quá tài tình khi anh đóng giả vai điên rất khéo cho đến nỗi mẹ anh vào thăm anh, các bạn tù sinh hoạt hàng ngày với anh và ngay cả công an trại tù, đều nghĩ anh bị điên thật. Nên thay vì bị tù chung thân, năm 1984 anh được thả về dưới sự quản lý chặt chẽ của công an địa phương. Anh lại may mắn được một bác sĩ dân sự, tốt nghiệp cùng lớp với chị của anh và với tôi, ký cho anh 1 giấy chứng nhận anh bị bệnh tâm thần nặng. Với tờ giấy đó, vợ anh đem anh vào Saigon, như để tìm cách chữa trị bệnh cho chồng, và cuối cùng vợ chồng anh cùng đứa con trai liều mạng vượt biên, may mắn thành công, đến Montreal vào năm 1986.

Bên Bờ Sinh Tử 3
 **Dưới đây là tấm hình 2 chị em chụp với nhau trong ngày trình Luận Án của Bs. Trần Thị Bích Thụy 
 
Bạn tôi có giấy tờ chính thức cho phép cá nhân anh được an tử trong cái chết được trợ tử bởi các nhân viên y tế, sau khi hội đồng y khoa họp giám định nhiều lần trước khi đưa đến quyết định tối hậu, cực đoan này. Anh làm đơn xin được an tử, ngay sau khi anh phát hiện mình bị ung thư ruột già vào cuối năm 2021, trước cả dự định giải phẫu, hóa trị/xạ trị. Có nghĩa là ung thư đó chưa hẳn ở giai đoạn cuối, cũng chưa đem đến những cái đau thể xác ghê gớm.
 
Nhưng theo tầm hiểu của tôi, ung thư chỉ là một cái cớ, một lý do ẩn ở đằng sau một suy sụp tinh thần nặng nề, một nỗi trầm cảm triền miên trong những năm gần cuối đời; anh càng co rúm và tự nhốt mình trong cô đơn, với nhận thức mình như con nợ vì bản thân mình chả đóng góp được gì cho xã hội. Có phải anh không còn thiết tha với những những đam mê từng có; những khát vọng và hoài bão cũng dần biến mất theo với tuổi xế chiều?! Có phải đời anh dần trở thành vô vị khi không tìm thấy lạc thú trong cuộc sống, là kết quả tiềm tàng từ những năm sống nhẫn nhục trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn tại quê hương?! Có phải chấn thương không chảy máu đã làm anh tê liệt?! Phải chăng hiện tượng giả điên trong suốt thời gian 6-7 năm tù đã là mầm bệnh gây ảnh hưởng nặng nề trên tâm lý anh, dù anh đã đến được một chân trời mới, rộng lương đầy tình người, và có gia đình êm ấm, có con thành đạt và 3 cháu nội?
 
Phải chăng anh sợ hãi đối diện với cuộc sống mới?! Nhìn đâu cũng thấy khung cửa hẹp đen tối, có cựa quậy gì rồi cũng thế thôi?! Nên từ đó anh mang cảm giác luôn ở bên lề cuộc sống! Tất cả đã đưa đẩy anh dứt khoát phải chấm dứt mạng sống của mình khi mình vẫn còn đầy đủ lý trí và sáng suốt để tự quyết định. Với cá tính bất khuất, nay lại bị đe dọa trực tiếp bởi căn bệnh nan y, anh không tìm cách trốn chạy mà can cường trực diện chọn cái chết cho bản thân. Kéo dài sự sống thêm ngày nào, với anh, cũng chỉ đưa anh vào bóng tối của vô vọng không lối thoát.  
 
Bài viết này không có tham vọng luận bàn về giáo điều thần học của An Tử hay Trợ Tử, vì vấn đề này còn là đề tài gây tranh cãi trong nhiều quốc gia và cộng đồng tôn giáo. Bài viết này chỉ tập trung vào những trường hợp cá biệt của An Tử hay Trợ Tử. Trước tiên ta nên tìm hiểu thế nào là An Tử và Trợ Tử.
 
Dựa trên Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông của nhị vị Bs. Lê Văn Thu và Ds.Nguyễn Hiền, An bao gồm những nghĩa như sau: yên bình, yên ổn, bình an, an lành, an lạc, an thân, an tĩnh (yên ổn và bình lặng), an toàn, an ủi, an thần, an bài (sắp xếp trước đâu vào đó), thoải mái, an nhàn (nhàn nhã thoải mái), an lạc (hạnh phúc), an lòng (không lo lắng), an nghỉ/an giấc (ngủ yên ngàn thu), an táng, an phận (bằng lòng), an tọa ( ngồi yên một chỗ), an ủi (làm dịu nỗi buồn). Trợ có những nghĩa sau đây: giúp đỡ, tiếp tay, phụ giúp, trợ lực, trợ lý, trợ y, trợ tá. Và trợ tử = giúp cho người không muốn sống nữa (vì bệnh nan y, bệnh gây đau đớn mà không thể cứu chữa được) được chết một cách thoải mái và trang trọng qua thỏa thuận.
 
Trong tháng 6, 2024, một cặp vợ chồng sống tại Hòa Lan được chuẩn cho An Tử một lúc với nhau. Ông Jan, 70 tuổi và vợ, bà Els, 71 tuổi, từng quen nhau từ thuở tiểu học, và sống hạnh phúc trong gần 50 năm. Nhưng những năm sau này, bà bị bệnh Alzeihmer càng lúc càng lú lẫn, còn ông bị đau cột sống càng ngày càng đau đớn dù đã trải qua giải phẫu, không thể chăm sóc cho vợ mình. Trước viễn tượng không thể kéo dài cuộc sống không còn phẩm chất mà y khoa cũng bó tay, ông Jan tuyên bố “để chống đau, tôi cần uống rất nhiều thuốc, và điều này khiến tôi sống như một xác ma. Vì vậy, với cái đau của tôi, với căn bệnh của Els, tôi nghĩ chúng tôi nên chấm dứt”. Chấm dứt trong câu nói của ông Jan có nghĩa là chấm dứt sự sống – là chọn cái chết với nhau. Ông bà Jan và Els xin cho được An Tử. Và họ được An Tử bên cạnh nhau, trong cùng một nơi, cùng một ngày và cùng một lúc.  
 
Cũng tại Hòa Lan, và trong đầu tháng 6, 2024, cô Zoraya Ter Beak, 28 tuổi, quyết định xin được chết một cách hợp pháp và được chấp thuận cho An Tử, vì cô mang chứng bệnh trầm cảm nặng, kèm theo với bệnh tự kỷ và rối loạn nhân cách, mà thuốc men cùng các phương pháp trị liệu tâm lý đã không thể nào chữa lành cho cô.
 
Và gần đây nhất, nam tài tử Alain Delon, một thời nổi tiếng trên màn bạc Pháp và toàn thế giới trong những thập niên 60 và 70 của thiên niên kỷ trước, cũng đã chọn chết An Tử tại Thụy Sĩ, ngày 18 tháng 7, 2024, thọ 88 tuổi, sau khi bị một loạt chứng bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư máu…không thể đảo ngược, phục hồi được. Ông ta từng phát biểu “An Tử có tính cách hợp lý và tự nhiên (?), nhất là khi người ta đạt đến một tuổi nào đó và đang sống trong trạng thái và điều kiện không còn nhân tính, thì An Tử giúp cho họ cái quyền được chấm dứt cuộc sống trong danh dự, thanh thản, bình an”.
Thông thường, người ta nghĩ các bác sĩ lo chuyện an tử cho bệnh nhân chỉ là những nhà hoạt động giúp bệnh nhân có cái chết êm dịu. Theo Bs. Hourmann, một bác sĩ trong ngành Giải Phẫu và Cấp Cứu, trong cuộc phỏng vấn của Medscape, nói rằng: “thật sự các nhà hoạt động đó là những nhà hoạt động cho sự sống. Trong tình trạng cực đoan, hành động của chúng tôi là hành động của con người, một khi y khoa không còn có thể cung cấp thêm được điều gì, và điều duy nhất còn lại là chấm dứt những đau khổ không cần thiết, và tất nhiên theo lời yêu cầu của bệnh nhân. Trong cuộc sống, tôi đã học được rằng sự đau khổ của con người có giới hạn, và bạn không cần phải là bác sĩ mới hiểu được điều đó.
 
Liệu cái chết êm dịu có thực sự mâu thuẫn với mệnh lệnh y tế là “bảo vệ sự sống” cho đến phút cuối cùng, theo đúng với nguyên lý đạo đức của Lời Thề Hippocrates không?? Bs. Hourmann không tin như vậy. “Lời Thề Hippocrates là một nghĩa vụ luân lý và đạo đức mà bác sĩ phải thực hiện đối với công việc của mình và trách nhiệm về ý nghĩa của việc chăm sóc bệnh nhân. Rõ ràng điều này sẽ thay đổi theo thời gian. Cá nhân tôi suy nghĩ về điều này hằng ngày và tôi luôn tuân theo các nguyên lý của nó. Khi tôi tiến hành chữa trị, tôi luôn nghĩ đến việc làm những gì tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Để cuối cùng, khi tất cả điều trị đều thất bại, nỗ lực tối đa mà tôi nghĩ đến trong những trường hợp cực đoan là cố gắng giúp cho người bệnh chết một cách xứng đáng.
 
Nếu chúng ta cho rằng cái chết êm dịu ngụ ý là một hành động gây tổn hại hoặc có chủ ý gây ra cái chết thì điều hợp lý là sẽ có sự phản kháng trong cộng đồng y tế.”
 
Đồng thời, Bs. Hourmann lưu ý như sau “Trình bày như vậy thì không ai muốn làm cả. Nhưng tôi không thấy như vậy. An tử là một hình thức khác để kết liễu mạng sống của bệnh nhân khi không có giải pháp y tế hay khoa học khả thi nào và có yêu cầu rõ ràng bởi bệnh nhân rằng sự đau khổ cản trở họ tiếp tục sống. Đó là cách tôi hiểu đó là một khái niệm về cuộc sống Và mặc dù có vẻ như chúng trái ngược nhau, cái chết êm dịu và Lời thề Hippocrates luôn song hành với nhau.
 
Trong “Tự truyện Về Những Giờ Cận Tử” của bác sĩ Võ văn Tùng, vào đầu năm 2015, Bs. Tùng rơi vào hôn mê suốt 5 ngày đêm, và tiếp tục sống kề cận với cái chết trong 17 ngày sau đó. Ông đã diễn tả những điều mắt thấy tai nghe, những cảnh đẹp, những vong hồn bên cạnh những tiếng cầu kinh, những lời nói yêu thương của người thân. Cuối cùng Ông thoát bệnh, xuất viện và bình an về nhà. Vì, Ông viết “Người ta có hai phần là Tâm và Thân. Cái Tâm mới là cái thật của con người. Tâm thì vô hình vô tướng, nhỏ thì không có vật gì nhỏ hơn mà lớn thì cũng không có gì lớn hơn. Thân và Tâm cùng ở với nhau. Niệm còn thì Thân còn. Niệm dừng thì Thân và Tâm lìa nhau để Tâm có cái thân mới. Tâm của tôi luôn luôn ở trong Thân của tôi, chưa bỏ tôi, nên tôi chưa chết”.
 
Có một điều đa số chúng ta, khi còn sống hay khi kề cận cái chết, đều ước mong mình được chết “hiền”, bình an, “thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang. Tôi từng đọc câu “chết không hẵn là đã tắt thở”. Vì đôi khi, chết không chỉ đơn giản là ngưng thở. Nó có thể ám chỉ việc mất đi một phần của bản thân, mất đi hy vọng, niềm tin, hay mất đi mối quan hệ giữa con người và xã hội. Chúng ta đôi khi vẫn sống trong sự tĩnh lặng, nhưng tinh thần và trái tim – vốn là nhựa sống tươi mát, cần thiết – đã lụi tàn. Đến lúc này, “sống đôi khi cũng đồng nghĩa là chết mòn”.
 
Sau đây là danh sách các nước trên trên thế giới đã chấp thuận An Tử: Switzerland, Belgium, Luxembourg, Netherlands, Spain, Austria, New Zealand, Canada, Columbia, và Ecuador. Và tại Hoa Kỳ, các tiểu bang: Oregon, Washington, Hawaii, Montana, California, New Jersey, Vermont, New Mexico, Maine, Colorado, cũng đã có luật chấp nhận An Tử.
 
Vài tháng trước ngày chết, các anh chị em trong gia đình bạn tôi bỏ rất nhiều thì giờ, có người phải bay từ xa đến, để khuyên nhủ, ân cần dịu dàng, ngay cả dùng nước mắt, cố gắng tìm mọi cách để Lộc thôi nghĩ đến An Tử. Nhưng tất cả đều thất bại, kể cả vợ và con trai của Lộc. Nhiều lần, Bs Bích Thụy kêu nói chuyện với tôi trong tiếng khóc nức nở. Nhất là khi nhắc lại lời nói của Lộc năm nào “Je veux vivre” nhưng bây giờ lại đổi thành “Je veux mourir. Ngay cả anh đầu, Bs. Trần Đình Ái, từ Seattle bay sang Montreal, cũng điện thoại khóc với tôi. Thật quá xúc động. Bạn tôi vẫn cương quyết giữa lập trường, còn nói “cấm tất cả mọi người khóc khi Lộc chết. Vì Lộc đã chọn được chết trong sự thoải mái và an lạc”.

Bên Bờ Sinh Tử 4

Đứng sau - từ trái qua phải: Bs. Đỗ Doãn Trang, Bs. Lê Quang Tiến

     Ngồi cạnh giường: vợ chồng Bs. Hoàng Ngọc Vinh

     Nằm trên giường: Bạn Trần Đình Lộc 

Tôi được cho biết trước trưa Chủ Nhật, ngày 22 tháng 5, 2022, các bạn học cùng lứa với tôi trong trường Y Khoa, Bs. Hoàng Ngọc Vinh, và Bs. Lê Quang Tiến đến thăm Lộc lần cuối. Vì ngày mai, Lộc sẽ được chính thức ra đi. Tôi cũng facetime nói chuyện với Lộc cùng thời gian. Trước đó, tôi chờ đón để nhìn thấy một thân hình gầy gò, kiệt quệ, nhưng tôi hết sức ngỡ ngàng thấy bạn mình vẫn còn có da thịt, thần sắc bình thản, và có vẻ vui khi trực tiếp facetime với nhau. Vì trước đó, bà xã tôi căn dặn tránh nói chuyện buồn, nên tôi và Lộc nói toàn chuyện xưa, nhắc lại vài mẫu kỷ niệm vui của nhau. Và nhất là để nghe Lộc vẫn kêu tôi là “cụ mi, cụ mi” trong từng câu nói, như trong bao lần trước đây. Trước khi dứt face time và chúc bạn mình thanh thản ra đi ngày mai, tôi cho Lộc biết ngay sau đây tôi sẽ ra phía sau nhà, hút vài điếu thuốc để nhớ đến bạn mình. Thật không ngờ, chỉ sau chừng mươi phút, chị Bích Thụy gởi liền cho tôi tấm hình Lộc ngồi trên xe lăn, đang phì phèo điếu thuốc lá ở viranda trước nhà. Một hình ảnh cuối cùng của bạn mình mà tôi chẳng hề quên.

Ngày bạn tôi an tử, thứ Hai, 23 tháng 5, 2022, thời tiết gần cuối Xuân bỗng trở lạnh hẳn, mới tuần trước trong vòng 70 độ, mà nay thấp xuống 57 độ, tuy không mưa, nhưng mặt trời hoàn toàn khuất lấp sau mây xám dày đặc, rừng cây bên ngoài thấp thoáng mờ ảo- Mai tôi đi xin đừng nhìn theo - Xin đừng đợi chờ - Đời trăm muôn góc phố - Con đường dài thật dài – Thẳng mãi có bao nhiêu? Thẳng mãi có bao nhiêu?
 
Tôi hình dung trong tờ mờ sáng hôm ấy, chị Lộc đẩy xe lăn đưa chồng đi một đoạn ngắn trên con đường vợ chồng thường dẫn nhau đi dạo – không cần phải nói thêm lời gì với nhau vì im lặng là một chứng thực cho cảm thông trân quý của yêu thương. Tôi cũng hình dung con trai anh Lộc thế mẹ đẩy cha đi thêm một vòng nhỏ, cũng trên con đường ấy; lần này anh Lộc có vài lời căn dặn con trai mình trông nom mẹ, chớ để mẹ buồn tủi, và nhớ giải thích về sau cho 3 con mình khi chúng trong tuổi hiểu biết về lý do vì sao ông nội xin được ra đi sớm. Tôi cũng mường tượng cảnh Lộc ôm hôn các cháu nội, khẽ căn dặn các cháu luôn nghe lời cha mẹ và gắng học giỏi. Trong giờ cuối, anh chị em cùng con cháu trong gia đình xúm xít trong nhà, bên nhau, nhìn nhau, nhìn em/anh của mình mà lòng ứa lệ.
 
Dưới đây là tấm hình Bên Giờ Cận Tử của Lộc với vợ mình, đứng ngay sau lưng chồng, và gia đình anh chị em mình, Bích Thụy, Cẩm và Tuấn, chụp trước khi Lộc bước lên lầu, nhận thủ thuật cho An Tử, trong khi tất cả mọi người niệm Phật ở tầng dưới, và cháu nội của Lộc đàn piano “Ce N’est Qu’un Au revoir”, rồi “Như Một Lời Chia Tay”. Sau đó hoàn toàn im lặng trong cầu nguyện. Khi nghe con trai mình, cũng là 1 bác sĩ, trên lầu bước xuống và nói “Cậu Lộc đi rồi, Mẹ ơi”, chị Bích Thụy xỉu tại chỗ. Trước đây Lộc cấm không ai được khóc, nhưng nay ai cũng ôm nhau khóc nức nở. Xác của Lộc được hỏa thiêu 2 ngày sau đó. Một tuần sau, tro được đem rải trên dòng sông Saint Laurent, theo đúng nguyện ước của người chết: không linh vị thờ cúng, nếu nhớ Lộc hãy nhìn lên trời xanh mây trắng là có Lộc trong đó.

Bên Bờ Sinh Tử 5
 
Tuy không cổ vũ, nhưng cá nhân tôi khâm phục bạn mình dứt khoát chọn cho mình một cái chết tự trọng, đầy nhân phẩm của con người. Có chăng giấc ngủ ngàn thu sẽ đưa bạn tôi đến một miền tươi sáng hơn, một thế giới huyền ảo không còn hận thù mà ở đó chỉ có tình thương và bình an vĩnh cửu?! Và phải chăng chiến thắng chính mình và khắc phục nỗi sợ hãi sẽ cho mình một cái chết lành.
 
Theo nghĩa trên, bạn tôi, Trần Đình Lộc, đã được chết lành.
 
Xin lấy vài đoạn trong bài thơ “Chết” của nhạc sĩ Lê Tín Hương tặng cho bạn mình:
 
“Sao sầu muộn khi nói về cái chết
Chết là về nơi chốn của yêu thương
Chết là vui khi rũ hết bụi đường
Hòa nhập với muôn hồn bao năm trước…
Đường đời thăng trầm bước đời muôn lối
Có dốc cao vực thẳm có êm đềm
Con đường đời nhờ thế ý nghĩa thêm
Để hoàn tất bức tranh đời tuyệt hảo
Nên khi chết không còn chi phiền não
Những bước đời hư ảo đã trôi qua
Cát bụi trần gian rồi cũng xóa nhòa
Muôn hồn sẽ cùng ca, bài ca vô tận…”
 
Xin ghi nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi đến anh chị Bs. Đỗ Doãn Trang và Bs. Trần Thị Bích Thụy, không những đã cho phép tôi ghi lại câu chuyện thật, mà còn cung cấp hình ảnh và dữ kiện khiến bài viết thêm trung thực.
 
Viết để tưởng nhớ đến bạn mình khi mùa lá rụng về cội đang đến.
Mùa Thu, 2024
 
Vĩnh Chánh
  
 

Ý kiến bạn đọc
04/10/202414:06:13
Khách
Có những cấp chỉ huy VNCH chọn cái chết hào hùng. Tháng 3/75, Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, không phải Trung Tá, là trung đoàn truởng TÐ 42BB SÐ 22BB, ở lại Quy Nhơn chờ binh sĩ duới quyền triệt thoái lên tàu HQ. Vì nhiều đơn vị không rút về đuợc khi CS đến nen ông tự sát. Trung Tá TQLC Ðỗ Hữu Tùng, cũng ở lại không ra tàu HQ di tản và chết vì pháo vì chờ TÐ 9 TQLC trên đuờng rút về Non Nuớc. Phải chi 9 tuớng lãnh QK I ở lại chờ thuộc cấp di tản thì QK I đã không tan rã quá nhanh như rắn mất đầu. Bài viết về Ðại Tá Thông tự sát trên http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2024/10/ai-ta-nguyen-huu-thong-tu-sat-31-3-1975.html như sau:
"Và chỉ một ngày sau đó, Quân Y Viện tiếp nhận một tử thi nữa, và đó chính là tử thi Đại Tá Thông. Binh sĩ đưa xác ông tới, và cho biết ông đã tự sát. Nhiều nguồn tin sau này cho biết, Đại Tá Thông đã từ chối xuống tàu vì binh sĩ dưới quyền ông còn kẹt lại quá nhiều, không di tản được."
02/10/202418:21:22
Khách
Bài viết quá hay, và là một cách ra đi không phải chờ đợi "nó" tới.
30/09/202414:40:01
Khách
Phật dạy đời là bể khổ, nguời VN sinh thời chiến tranh mang cái bể khổ trong chiến tranh, đến khi thoát khỏi chiến tranh thì đã già bị bệnh tật hành hạ tra tấn. Nhạc Sĩ TSC trong bài Gọi Tên 4 Muà đã than thở "trẻ thơ ơi tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người."
Tác giả có nói nhiều nguời chọn cái chết oai hùng, như tuớng Trần Bình Trọng nhà Trần thà chết để làm quỷ nuớc Nam còn hơn làm vuơng đất Bắc, Trung Tá CSQG Long tại SG, Trung Tá Thông sư đoàn 22BB trên đuờng triệt thoái Quy Nhơn, lính TQLC tự sát tại biển Thuận An, ngũ hổ tuớng VNCH tự sát, nhưng cũng có kẻ thà sống nhục hơn là chết. Nhưng rồi nhìn những kẻ không chịu chết hào hùng sau này tự tử, vuợt tù cải tạo bị đánh đập rồi bị CS xử tử, kẻ vuợt biên bị chết vì hải tặc, bão tố, đói khát, ta mới thấy là hy sinh trên chiến truờng ít ra cũng làm phúc giúp trì hoãn cho 20 triệu dân miền Nam khỏi bị đói nghèo mất tự do dù chỉ kéo dài đuợc vài tháng, vài ngày cũng tạo cái phuớc cho dân tộc. Còn những kẻ cố ý xô đẩy 20 triệu dân miền Nam vào nghèo đói địa ngục, kẻ cầm quyền ngăn cản không cho di tản quân dân khi CS vây quanh Saì Gòn mang cái nghiệp báo làm hàng trăm ngàn nguời gồm đàn bà trẻ em chết trong trại cải tạo, kinh tế mới, hay chết trên biển.
Cứu một đời nguời còn hơn xây 7 kiểng chuà nhà thờ, ngày xưa giúp đỡ đóng góp cho CS đẩy 20 triệu nguời miền Nam xuống địa ngục, rồi lại ngăn cản cấm đoán bỏ tù nguời di tản đi vuợt biên để bắt họ phải sống trong địa ngục. Ngày xưa mình có tội xô đẩy kẻ khác vào địa ngục, ngày nay lại xây chuà nguy nga lộng lẫy.
28/09/202417:09:40
Khách
THE CHOICE. SỰ LỰA CHỌN. Không ai hay tôn giáo nào đúng hay sai trong vấn đề này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,753
... Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn...
Tôi vùng dậy bật đèn sáng bước qua chiếc bàn gần đó, chiếc bàn gần gũi bày đủ thứ giấy tờ bề bộn thân thương. Ngồi nhìn ra khung cửa kính rộng, màn đêm dày đặc, có lớp sương mù đang bao phủ. Thở dài! Khó dỗ lại giấc ngủ, nhìn đồng hồ 2 giờ sáng. Căn bệnh mấy mươi năm vẫn không thay đổi tốt đẹp hơn, vẫn hằng đêm thức giấc. Tiếp tục đùa giỡn với thơ văn, dù không dám mơ mình là nhà thơ, nhà văn vì chữ “nhà” lớn quá, nhưng ít nhất trong máu tôi có sự đam mê, thì đó cũng là cứu cánh, là lối thoát cho tôi bớt đau khổ nỗi bất hạnh trong cuộc sống để tập viết văn, tập làm thơ.
Tự dưng nước mắt Hân bỗng trào ra, vì thương nó sắp lên bàn mổ với nỗi cô đơn, vắng bàn tay mẹ ruột ôm ấp (nó chỉ mới 19 tuổi, còn nhỏ tuổi hơn con trai Hân ở nhà nữa mà). Nhưng lòng Hân cũng ấm áp rộn ràng vì biết rằng nó sẽ được trở về với tình thân bên ngoại, và tin rằng Thiên Chúa nhân từ sẽ nghe lời Hân nguyện cầu, cho Anthony vượt qua cơn bệnh, sẽ tìm ra dấu vết của mẹ và đứa em trai thân yêu. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình An dưới thế cho người thiện tâm” Giáng Sinh này chắc chắn sẽ vui, Anthony nhé!
Đã ba mươi lần Giáng Sinh xa quê, năm mươi lần Giáng sinh nhớ cô bé ngây thơ trong truyện “Cánh đồng tuyết”. Nghĩ đến những người xa quê kiếm sống bằng đủ các ngành nghề trên nước Mỹ bao la, may là bao dung. Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt với cân hỏi “Ai là anh em ta?” Câu trả lời của mỗi người Chúa đều nghe hết…
Một luồng khí lạnh chợt chạy dọc sống lưng anh. Trong bức ảnh, Eli đang nhìn anh mỉm cười. Trái tim anh buốt nhói một nỗi buồn sâu xa khi biết rằng em đã ra đi - tia sáng rực rỡ đã vĩnh viễn biến mất trên thế giới này. Nhưng cũng cùng khoảnh khắc đó, anh cảm nhận được sự trìu mến và tin yêu mà Eli đã gửi gắm cho anh. - Khi làm bác sĩ, anh sẽ chữa bệnh cho em nhé. - Anh chữa cho những bạn nhỏ khác nữa nhé. - Tất cả những đứa trẻ cần được lành bệnh, vì nếu con nít mà chết thì ba mẹ sẽ buồn lắm đó. Giọng nói của Eli thầm thì bên tai anh, gần gũi. Như không hề có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Có một sự gắn kết vô hình giữa anh và Eli. Đó là sự kết nối giữa con người với con người...
Vào những ngày đầu tiên của tháng 12 năm nay, tôi đến thăm lại khu phố Stockyards thuộc thành phố Forth Worth, Texas. Đây là lần thứ ba tôi đến thăm khu du lịch mang đậm chất viễn tây Hoa kỳ, một miền viễn tây hoang dã của những năm sau cuộc nội chiến của nước Mỹ. Với tôi, khu du lịch Forth Worth Stockyards là xứ sở thần tiên cho những ai thích hoài niệm về một miền viễn tây hoang dã của Mỹ quốc, về các chàng cao bồi Texas, về con đường mòn Chisholm nổi tiếng được đặt theo tên của Jesse Chisholm, một nhà buôn lưu động nói được 14 thổ ngữ, hậu duệ mang hai dòng máu của người Mỹ bản địa Cherokee và người da trắng khai hoang đến từ Scotland.
Công lao dưỡng dục ơn từ mẫu Báo hiếu chưa tròn mẹ thứ tha Sầu dâng chất ngất hồn con trẻ Luyến tiếc khôn nguôi bóng mẹ già... Vâng! Thưa mẹ, bốn câu thơ trên con viết vào đúng cái ngày mẹ vĩnh viễn rời bỏ chúng con ra đi. Tám năm rồi, nỗi đau mất mẹ vẫn chẳng hề nguôi ngoai. Mỗi lần nghĩ đến mẹ là con tỉnh hẳn người không ngủ được. Đêm nay cũng vậy! Mưa rả rích suốt từ buổi chiều, bầu trời xám ngắt, phủ một màu thê lương rét buốt. Cứ mỗi độ Đông về, con lại nhớ mẹ quay quắt, không làm sao quên được ngày Giáng Sinh buồn năm ấy. Mẹ hấp hối nơi phòng ICU của bệnh viện....
Ngày xưa ,lâu lắm tôi vẫn thường nghe ba mẹ kể về Hạ-Uy-Di (Hawaii), về Trân- Châu-Cảng (Pearl Habor). Đây là một căn cứ hải quân lớn của Mỹ, nơi mà vào Thế chiến thứ hai (ngày 7-12-1941) đã bị Nhật bất ngờ tấn công, dội bom gây thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ. Ngày nay những chứng tích về trận chiến lịch sử vẫn còn lưu lại nơi đây. Tôi mơ ước có dịp đi đến vùng đảo thơ mộng này, nhưng ở VN thời bấy giờ ước muốn một chuyến đi như vậy là điều không tưởng.
Phi trường Minneapolis-Saint Paul international Airport (MSP) thuộc bang Minnesota Hoa Kỳ, nơi đây nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay; có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh vẽ đến điêu khắc, được trưng bày ở nhiều khu vực của sân bay. Tôi rảo bước ngắm từng góc cạnh của mỗi bức tranh với cách dậm màu, nét vẽ và bố cục của từng bức sao cho mau hết thì giờ chờ đợi vào máy bay. Tôi và chồng sẽ đi nghỉ hè hai tuần trên tàu du lịch Celebrity Millenium mà điểm đến chính là xứ Phù Tang, xứ này nằm ở phía đông của thế giới, nơi mặt trời mọc.
Lá thư nào viết gửi cho chị em Thu, má Thu cũng bắt đầu bằng bốn chữ "Các con thương nhớ". Tiếng là gửi chung cho ba chị em, nhưng hình như má Thu chỉ thủ thỉ tâm tình với chị Thúy, còn Thu với thằng Tuấn tuy cũng được nhắc nhở tới, nhưng là ở cuối thư, phần "dặn dò dạy bảo"! Thiệt tình mà nói thì Thu cũng không lấy làm khó chịu lắm về lối cư xử hơi thiếu công bằng này. Chẳng phải Thu đại lượng gì cho cam, nhưng tại vì Thu đã quá quen với lối đối xử khác biệt của má Thu đối với ba chị em, từ hồi còn ở quê nhà. Điều này Thu đã cảm nhận thấy từ hồi bé xíu, chẳng hạn như những lần mấy chị em giành giựt đồ chơi, bao giờ má Thu cũng bênh vực chị Thúy, dù chị là chị lớn nhứt trong ba đứa. Hay những lần được chia quà cáp bánh trái, bao giờ chị Thúy cũng được phần nhiều hơn...
Nhạc sĩ Cung Tiến