Hôm nay,  

Tôi Muốn Ghét Anh

16/08/202400:00:00(Xem: 2417)

Tác-giả-giám-khảo-Trương-Ngọc-Bảo-Xuân-với-cây-Móng-Rồng

Tác giả-giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân với cây Móng Rồng


Tác giả-giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2001 với bài viết “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và tiếp tục góp bài liên tục vào bộ sách VVNM. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, năm 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ, từ đó, các bài viết của Bà không tham gia dự thi, nhưng được độc giả VVNM đón đọc và yêu mến, nhất là lối “kể chuyện nhà kể chuyện người” dễ dàng đầy lôi cuốn. Sau đây là bài viết mới nhất, kể chuyện tình “người Mỹ và Tôi”.  
 
*

Để cục pin mới vô, chỉnh lại, cái đồng hồ tik tok tik tok đều đặn.

Lần đầu gặp nhau, khi Cô Ba đi làm về. Dựng chiếc Yamaha Dame màu xanh cây trong sân, bước vô cửa, thấy anh ngồi trong phòng khách đang nói chuyện với anh rể.

Phép lịch sự, gật đầu chào một cái rồi te te thẳng vô phòng trong, thay đồ. Thời gian đó cô không ưa gì người Mỹ.

Sau đó thì anh tới nhà gặp anh rể, gần như mỗi buổi chiều, có khi còn cầm bó bông Lay-ơn màu đỏ, đưa tặng cô, mà không nói tiếng nào.

Ngó những cành bông đã nở bung ra, không còn cái nụ chúm chím nào hết mà thấy mắc cười. Má cô nói -Chàng Mỹ thiệt thà bị mấy cô bán bông trong mấy cái ki-ốt dụ bán những bó bông sắp sửa tàn rồi.

Chị cô nói –Thằng này nói nó thích em lắm đó. Tặng bông mỗi tuần.

Cô cười.

Coi như chuyện của ai đâu.

Vậy mà, buổi chiều đó anh đưa tay mời cô bước ra sân, ngồi bên bụi bông dạ lý hương thơm nứt xóm, cầm tay cô và nói –Tôi muốn xin bàn tay em.

Cô thích đọc sách. Không chỉ sách tiếng Việt mà bao nhiêu sách dịch thấy bán trên vỉa hè đường Lê Lợi, cô đều nhịn ăn để mua. Nào là cuốn Rừng Thiêng, Cuốn Theo Chiều Gió, Tuyển Tập Truyện Ngắn Hay Nhất Thế Giới vv… Nga Tàu Mỹ Nhật gì, cô đọc tuốt luốt.

Nhờ đọc những cuốn sách dịch đó cô hiểu điều anh nói. Xin bàn tay em có nghĩa là xin cả đời em luôn.

Ba cô bị bức tử năm rồi. Nhà cửa thiếu thốn trăm bề. Việc làm của cô bấp bênh, khó mà xoay trở lâu dài để giúp mẹ nuôi đám em.
Thế là cô bỏ qua hết mọi mộng mơ.
Thế là cô phụ tình người anh lính chiến.
Cô đi học khóa Anh Ngữ Đàm Thoại Cấp Tốc để chuẩn bị sang sông.
Hy vọng sẽ sang cái biển Thái Bình Dương qua Mỹ luôn.
Ngày hợp hôn.
Qua rồi cái ngày hợp hôn.

Có lần soạn đồ đạc của anh thấy có tấm hình. Một cô gái tóc ngắn nửa nằm nửa ngồi trong giường, mí mùng vén qua một bên. Cô hỏi, anh nói –Lúc đó anh đang “thèm gái” mà. Nhưng, không phải là bạn gái gì đâu.

Chỉ là gái qua đường, sao anh chụp hình và giữ lại? Nhưng, cô bỏ qua. Bởi vì, trước khi gặp anh, cô cũng có vài mối tình học trò mà.

Cô thôi việc làm, ở nhà cam phận làm vợ, còn anh, cô khám phá ra anh là người uống rượu mỗi ngày. Có lần đi làm về, trễ, tay cầm chai rượu, ngồi xuống cái ghế sô-pha, tu thêm một hơi như uống nước lã.

Cơn thịnh nộ nổi lên, giựt chai rượu từ tay anh, cô đập xuống nền gạch bông cái bốp, bể tan tành. Tội nghiệp chị cô phải dọn dẹp.

Chưng hửng, nhìn cô, ngạc nhiên với thái độ mạnh mẽ của cô vợ mới cưới, anh làm thinh. Cô lên gác, không thèm nhìn mặt anh, mấy ngày. Không thấy anh đem rượu về nhà nữa.

Một hôm anh và anh rể rủ nhau đi gặp gỡ ai đó về một công-tra với hãng Alaska Barge.

Khuya đó anh rể trở về, anh chồng thì không. Bị hỏi, anh rể nói –Nhậu say, nó đi kiếm gái rồi.  Châm thêm lửa, anh còn chìa ra cô coi tấm hình chồng cô ngồi khít bên cô gái, hai bàn tay ma quái, một đặt trên ngực, một vuốt ve đùi, anh thì mặt mày đỏ ửng miệng cười khoái chí. Cô gái này sao giông giống với cô gái trong tấm hình cô thấy lần trước?

Cưới vợ, ở nhà vợ, trên căn gác nhỏ, gò bó bất tiện đủ thứ, là lý do anh chán cô. Lẹ vậy sao? Mà phải tìm tới người xưa?

Sáng hôm sau anh đẩy chiếc Harley Davidson vô sân, bước vô nhà tỉnh bơ. Cô lặng lẽ lên gác bận vô cái áo dài, ra sân dắt xe leo lên ngồi. Anh nắm xe lại hỏi đi đâu. Không nhìn, không trả lời, cô rồ máy. Anh cũng leo lên xe anh, rượt theo một đoạn đường, vừa chạy xe vừa réo tên cô…
Không trả lời, cô nhìn thẳng. 

Kêu không được anh rồ xe mạnh hơn phóng qua mặt cô.

Cô chạy đường cô, anh chạy đường anh.

Vì lời dạy dỗ của cha mẹ, cô đã giữ gìn, tới với anh bằng sự trong trắng. Nay, mới cưới nhau không lâu, anh đã phản bội.

Hôm đó cô đi một vòng thăm hãng cũ, đồng nghiệp, rồi mua vé vô coi cine ở rạp Vĩnh Lợi.

Chẳng nhớ coi phim gì. Lòng còn tức tối.

Cô đi long rong trong sự căm phẫn. Cơn mưa chiều tuôn xối xả, như làm dịu bớt lòng buồn phiền, cô mới về nhà.

Vừa bước vô cửa nghe Má cô nói –Nó bị trợt mưa, xe ngả ngoài đầu đường, đầu gối trầy trụa nát hết, người ta thấy tội nghiệp đưa nó về nhà, con lên coi sao.

Cô lên coi sao, thấy anh ngồi trên giường, hai cái đầu gối trầy nát da, còn đang rỉ máu.

Cũng bởi sự giáo dục của cha mẹ, lòng buồn lặng lẽ chịu đựng, cô lấy băng lấy thuốc, chùi rửa theo kiểu đã được dạy về cách săn sóc vết thương này.

Anh nhìn cô. Cô không nhìn anh.

Tính là, chuyện vợ chồng này chắc không xong.

Nhưng rồi,

Má cô nói –Nó còn trẻ quá, mới có vợ. Con phải cho nó thời gian học làm chồng. Con cũng phải học làm vợ. Người nước nào đi nữa, cũng là người chồng. Một chồng một vợ, phải biết nhường nhịn với nhau, mới sống chung được.

***

Bao năm trôi mau. Anh vẫn đẹp trai. Công việc ngày một thăng tiến. Phó Giám Đốc rồi Tổng Giám Đốc. Vài lần cô đã có cảm giác bị phản bội như ngày xưa. Thí dụ, anh khen cô thư ký ăn bận rất lịch sự, đẹp. Thấy ai đẹp, không màng sự có mặt của vợ, anh thản nhiên quay ngược lại, ngó người ta.

Tuổi trung niên, anh thường xuyên vắng nhà, cả tuần vì công chuyện, Về nhà, anh chẳng còn sự hăm hở với vợ như ngày xưa sau mỗi lần xa nhau.

Tuy nhiên, dù rất đẹp trai, rất hào phóng, rất tử tế với người ngoài, rất thích nhìn người đẹp, nhưng cô biết anh rất thương cô.

Tình thương vợ tỷ lệ thuận với tuổi tác.
Có lần cô dò hỏi –Hồi nào anh đã phản bội tôi.

Anh nạt một cách giận dữ -Chuyện quá khứ. Đã qua.

Chạm tới tánh tự trọng. Cao ngạo. Và quê quá. Anh nói đúng. Chuyện đã qua. Không hỏi nữa.

Cách lâu lâu sau, cô Ba lại hỏi –Em đang viết về chuyện tình nghĩa vợ chồng, để tìm hiểu sâu xa thêm, anh đã phụ tôi mấy lần?

Anh không trả lời ngay câu hỏi, giọng buồn buồn, mắt xa xăm, mà nói –Sự cám dỗ.  

Cô Ba đã hiểu. Rượu vô rồi, gái trẻ đẹp ngồi kề bên vuốt ve lời lẽ ngọt ngào, đàn ông nào chống nỗi sự quyến rũ?

Thấy anh buồn, cô không hỏi nữa. Vì vậy cô vẫn còn mang trong lòng, tâm trạng thắc mắc.

***

Nhớ thời còn trẻ, anh làm việc ở hãng này, cô đổi qua công việc khác, vợ chồng không còn nói chuyện về vấn đề chung nữa, càng ngày càng cách xa. Anh thân mật với cô thư ký trẻ, mấy nhân viên chào hàng vui vẻ, khêu gợi.

Còn cô, gần gũi thương mến đám học viên, cũng vui vẻ trẻ trung.

Có lần anh giải thích –Vì làm việc chung gặp nhau hằng ngày, tự nhiên có sự thích hợp và gắn bó với thư ký và người xung quanh.  Thư ký là người giúp giảm bớt những sự căng thẳng trong công việc. Ý anh muốn nói là, thư ký cầm điện thoại để chận bớt, để nghe những lời hằn học của khách hàng, để nói lời ngọt dịu hay năn nỉ với người ta, thay cho Giám đốc.

Cô Ba hiểu mà. Nhưng cô dặn anh, gần vì việc làm, không được quá gần bằng tình cảm nam nữ, hiểu không? Anh nói hiểu.

Vì vậy mà một ngày nọ, khi vô hãng bất ngờ, thấy anh đang ngồi trong phòng cô thư ký, chuyện trò gì tâm đắc quá, mặt anh rạng rỡ cười vui, cô nổi nóng. Anh hiểu, là hiểu cái gì? Mà còn như vậy?

Tối đó cô nói không thích sống với tâm trạng này nữa, muốn ly dị.

Anh đã thẫn thờ, rủ cô cùng ra ngoài đi bộ nói chuyện để con cái không thấy cha mẹ cãi nhau. Trên đường đi anh đã nắm tay cô hỏi –Bộ em không còn tình cảm gì với anh sao mà muốn ly dị? Anh không muốn xa em đâu.

Rồi anh nói trong nước mắt nhưng rất cương quyết -Không muốn ly dị.

Tuy ngoài miệng thì nói cứng nhưng lòng cô thì mềm nhũn -Em cũng đâu muốn ly dị. Em thương mình mà.

Sự tính toán của hồi mới lấy nhau, đổi thành tình yêu. Từ não bộ xuống trái tim, chậm chậm nhưng bền chắc.

***

Cô Ba muốn gợi lại chuyện xưa, những chuyện sai trái kỳ khôi cứng đầu của anh. Để ghét.

Cô muốn ghét anh, để không thèm nhớ anh nữa, để ngủ được giấc ngủ ngon, để hàng ngày không phải trỗi dậy nửa đêm, vặn tivi lên coi cho tới sáng, để huyết áp không bị tăng cao quá, bác sĩ khỏi rầy, để tiếp tục mà sống chớ.

Vậy mà, chuyện gì chuyện, có ghét anh cách gì đi nữa, có lôi ra tất cả những gì anh làm cô không vừa ý, tình thương yêu anh cũng đã lấp đầy, đã đẩy đi, những chuyện nhỏ nhoi đó, phất phơ như lông gà vỏ tỏi.

***

Cô vuốt ve cái bình tro cốt. Thân thể anh nằm đây, linh hồn anh đang ở đâu?

Tấm hình anh, đôi môi đã từng hôn cô say đắm, ánh mắt hiền lành đầy thương yêu, anh nhìn cô.

Hồi đó hai vợ chồng hay giành nhau. Cô nói:

- Em thương anh

Anh nói:

- Anh thương em nhiều hơn.

- Không, em thương anh nhiều hơn

- Anh nhiều hơn. Cho tới chết.

Thì đúng rồi. Anh thương yêu cô cho tới hơi thở sau cùng, nhưng đâu bằng, vì cô là người sẽ thương anh lâu hơn, chắc chắn vậy rồi, thấy không?  

***

Trưa nay đang ngồi gõ cho xong mấy cảm nghĩ sau cùng thì cái ghế rung, rung rung sàng sàng, lắc mấy cái. Cảm giác đất động đặc biệt này, bị là biết liền.

Hồi đó, mỗi khi có động, cô thường ra sau lưng ghế anh ngồi, dang tay ôm choàng vai anh, thấy an tâm.

Bây giờ, mất điểm tựa rồi, cô hơi sợ hơi lo, mất bình tĩnh, dù chỉ rung có mấy chục giây thôi.

Vợ chồng sống thăng trầm với nhau hơn 53 năm, chưa kịp nói với anh lời này -Dẫu cho anh có phản bội em bao nhiêu lần đi nữa, em cũng tha thứ hết cho anh rồi. Em thương yêu mình với tất cả tình thương trong lòng em mà.

Vậy thì, làm sao mà ghét anh cho được đây?

Cây kim đồng hồ vẫn tik tok đều đặn, như nhịp tim vẫn đập, cho tới lúc nó ngưng thì mình gặp lại nhau./.
 
Trương Ngọc Bảo Xuân

8-12-2024
Động đất 4.4 địa kế, trung tâm chấn ở Pasadena. Vùng Los Angeles, Alhambra nghe nói bị rung lắc mạnh. 
 

Ý kiến bạn đọc
29/08/202419:41:35
Khách
Cám ơn tình cảm của AnhNga nhiều.
29/08/202415:46:37
Khách
Cám ơn Phượng Nguyễn đã đọc bài và đồng cảm làm tui vui lắm. Thân ái.
16/08/202419:56:04
Khách
Cảm ơn chị Bảo Xuân đã chia xẻ, một phần cũng là nỗi lòng của các bà " góa ". Tôi không hiểu sao , từ ngày ông xã tôi mất, tôi đột nhiên quên hết những chuyện ổng làm tôi bực mình , buồn lòng khi xưa, chỉ còn nhớ lại những chuyện tốt ổng làm với mình, những lời yêu thương ổng thỉnh thoảng nói : " Thương anh nghe em "! Những lời nói đó giống như cây gậy chống giúp tôi vượt qua những tháng ngày cô đơn, buồn bã. Thỉnh thoảng lại nhớ đến lời một bài hát : " người ơi, nước mắt hoen mi rồi, ..." ....
16/08/202416:34:10
Khách
Nhớ anh! Love chị!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,753
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây. ... Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
Thời gian này, tôi được cất nhắc làm “quan lớn” trong một xứ đạo ở quận Cam (Orange County). Vì vừa vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn, giáo xứ, nên tôi phải tập dần nhiều việc, như tập các câu kính thưa để lên phát biểu trước cộng đoàn cho quen, còn phải tập cách ăn nói cho chững chạc, vì bây giờ mình là quan rồi, dễ bị người ta “soi” lắm. Chẳng hạn như hôm trước, Quan Chủ Tịch Cộng Đoàn, gọi tôi ra ngoài nói chuyện:
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên. Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh... Tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục. Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ. Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ. Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt...
...Em rất hãnh diện được phục vụ trong quân đội Hoa-Kỳ dù chỉ là một hạ sĩ quan. Em yêu thích và không hối tiếc chút nào những việc em làm trong đời lính. Chỉ có một điều duy nhất hối tiếc ám ảnh em đến nay là người bạn đồng đội tri bỉ tri kỷ của em ngã gục phanh thây mà em không có mặt ở đó. Nó học chung với em sáu tháng Quân Trường Fort Sill, Oklahoma, từ tháng May 7-November 15, 1998, rồi hai đứa tình nguyện qua Iraq là chiến trận nguy hiểm nhất lúcđó,” Hùng ngửng đầu nói dồn dập với đôi mắt dõi nhìn trời cao như đang tìm người chiến sĩ đồng đội xưa. “Thương mến nhau còn hơn anh em ruột mà!”...
Chị Tâm trưởng nhóm Yoga gần bẩy mươi tuổi sở hữu thân hình cao thon săn chắc như người mẫu, chị nghiện bộ môn này vài thập niên trước lúc chị còn đi làm. Về hưu buồn tay buồn chân, chị rủ vài bạn thân đến nhà chị tập cho vui, tiếng lành vang xa, bây giờ nhóm của chị bành trướng đến mười mấy người, cô Ba là thành viên mới toanh thọ giáo chị. Cô vốn kín tiếng lại là ma mới nên chỉ nghe các chị hóng đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng cô góp một câu giúp vui, tuyệt nhiên cô câm như hến khi có người cao giọng dạy đời hay chê bai ai đó.
Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên. Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy ...
... Ừ nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!...
... Ra về tôi suy nghĩ liên miên về tình bạn lính, bạn tù, bạn đời thật quý “Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể” (Olive Schreineray), anh Thân đến với anh Mùi trong lúc này thật thích hợp vì họ đã hiểu nhau và hơn hết là đồng cảnh ngộ. Còn tình cha con thương yêu quấn quýt thì đẹp như một bài ca...
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”(khuyết danh) Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy - khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang… Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
... Mặc hai bên lời qua tiếng lại, ông lủi thủi ứa nước mắt đi vào phòng. Trời mùa đông sẫm tối thật nhanh. Bóng tối chườm lạnh khoảng sân bên ngoài và bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Ông vẫn đứng lặng yên như pho tượng, cảm giác như mình đang đi về phía hư không. Tuổi già giọt lệ như sương. Nỗi đau của người già không bật thành tiếng khóc, mà thấm vào từng thớ thịt, ray rứt từng hơi thở. Ông nghe ngực mình nhoi nhói như muốn vỡ tung ra. Có tiếng bát đũa khua lanh canh, rồi mùi thức ăn thơm nồng bốc lên. Không ai mời ông ra ăn cơm , mà ông cũng không thấy đói. Ông chỉ muốn được nằm xuống rồi ngủ mãi một giấc dài không bao giờ thức dậy. Cuộc sống của ông là những chuỗi ngày đau đáu. Co ro với cái lạnh của mùa đông miền Bắc Mỹ, không máy sưởi , tay chân buốt cóng, ông thấm thía câu nói: Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày . Đành vậy chứ biết sao. Nước luôn chảy từ trên cao xuống thấp mà...
Nhạc sĩ Cung Tiến