Hôm nay,  

lẻ loi ...

20/06/202406:00:00(Xem: 1899)
TG Phan Khoi nguyen VVNM 2018 cat banh tai le trao giai VVNM 2018
Tác giả Phan - Khôi Nguyên VVNM 2018 đang cắt bánh trong Lễ Trao Giải VVNM 2018

 

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.


*

Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên.
 
Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy. Thời quá độ xe xăng dầu trước hoà bình chuyển đổi thành xe than sau hoà bình thì trời biết đất biết chứ không ai biết được việc đón xe đò thì cứ đón nhưng xe có chạy được hay không? Tóm lại là muốn về Sài gòn thì phải đi ngủ sớm rồi giật mình tỉnh giấc cũng chả biết đã mấy giờ, lê thân ra lề đường ngủ ngồi đợi xe vì mỗi ngày chỉ có một chuyến, trễ xe là hôm sau đợi tiếp chứ không có cách khác. Còn lại gì với thời quá độ ấy ngoài cảm giác lẻ loi, cô độc ngay trên quê hương mình.
 
Đến thời đi dạy học ở vùng biển cũng vậy, mỗi hai giờ đêm có chuyến đò về thành phố. Nếu ngủ trong trường tới nghe tiếng còi tàu mới ra bến đò thì không kịp nên định ngày mai về Sài gòn thì tối nay đi chơi, đi nhậu tới xóm biển không còn ai thức thì ra cầu đò ngủ luôn cho kịp đò. Cảm giác lẻ loi ở cầu đò cũng không khác nơi núi rừng kinh tế mới, khác chăng nơi núi rừng âm u và nơi sông nước mênh mông chỉ là ngoại cảnh, tâm trạng không khác gì với sự cô lẻ trong tâm.
 
Nhưng qua Mỹ mới biết sự lẻ loi không bình thường với nơi hoang vắng như ở quê nhà. Một hôm cuối năm, đang làm thì tuyết rơi ngoài khung cửa nên ai muốn về sớm thì về. Tôi về với ý muốn đi mua quà giáng sinh cho hai đứa con nhỏ chứ không sợ tuyết vì tuyết miền nam không đến nỗi bão tuyết như ở miền bắc. Lang thang một mình trong rừng người xa lạ ở khu thương mại sầm uất gần nhà một lát, tôi đứng nghỉ chân chỗ hai cái thang cuộn, nhìn hai dòng người một lên một xuống, người tay xách nách mang, người nói cười thoả thích… Người đâu mà đông như trẩy hội, nhưng cảm giác lẻ loi nơi núi rừng, nơi sông nước xa xưa hiện về bởi giữa rừng người mắt xanh tóc vàng, kẻ đầu đen mũi tẹt không ngửi được mùi đồng bào trong mùi đồng loại. Đứng tho ló nhìn hai dòng người lên xuống thang cuốn như những con sóng bất tận ở biển quê nhà… Đó là cảm giác lẻ loi của người xa xứ khi năm hết tết đến. Người ta đông như kiến cỏ nhưng không ai nói tiếng Việt cả, chỉ thoáng thấy cái nón lá ở cầu thang cuộn đã mừng như gặp lại quê hương, nhưng người đội nón lá tan biến vào đám đông và mất dạng. Niềm vui thơm phức chưa kịp ngửi đã thành nỗi buồn thiu.
 
Nhớ cái không khí náo nhiệt, ơi ới ở chợ Sài gòn những ngày giáp tết đâu ai thích hoà mình vào cuộc chín người mười ý ngoài chợ ấy, nhưng khi lẻ loi ở hải ngoại lại chợt thèm nghe tiếng mời chào của người bán, tiếng trả giá của người mua; tiếng rao hàng mang âm vực điạ phương về đặc sản quê người bán, tiếng mấy đứa nhỏ xe kéo bắt khách cứ nhặng xị lên ồn ả tớí nhức đầu nhưng trong lòng không cô độc, không có sự cô quạnh bên trong.
 
Cố quên đi thoáng lòng hoài hương của người xa xứ, cuối cùng tôi cũng mua được cái máy nghe nhạc nhỏ nhỏ của người đi bộ thể dục thường dùng về làm quà cho thằng lớn đợi xe bus học trò, mua được cái xe đua đồ chơi điện tử, dùng remote control cho thằng nhỏ làm quà Giáng sinh. Không mua nên không trả lại được sự lẻ loi chỗ đông người ở Mỹ của người di dân khi năm cùng tháng tận.
 
Lẻ loi là một hiện tượng tâm lý hoàn toàn, nhưng tâm sinh lý trong con người lại không tách biệt ra được nên tâm lý vui thì sinh lý cơ thể cũng kháng kiện hơn người ủ rũ mãi thể lực cũng hao mòn tới suy tàn. Trong đời sống tôi quan sát được cứ một cặp vợ chồng già, không cần biết ông hay bà đi trước, nhưng điều có thể biết trước được là người còn sẽ không sống lâu đâu, chỉ vài năm sau khi người phối ngẫu qua đời thì người còn ở lại cũng đi luôn vì lẻ loi. Điều tôi quan sát thấy nhưng không có bằng chứng vì không ghi chép lại những trường hợp cụ thể để chứng minh thì nay ngẫu nhiên như bằng chứng xác thực.
 
Hồi xưa tôi đi câu đập Texoma bên Oklahoma thường lắm vì muốn ăn cá striper nướng hay nấu canh chua thơm ăn với bún là hết sảy thì lên đó mới có, hồ Lavon gần nhà chỉ có cá white bass chiên giòn cuốn bánh tráng thôi. Nhưng bây giờ ngại lái xe đường xa nên có người bạn câu còn trẻ ở gần nhà, thỉnh thoảng anh ấy chở tôi đi câu xa những hôm tôi khoẻ.
 
Trên Lake Texoma thì nhiều bãi câu, tôi thích câu đập, nước cuồn cuộn mới có cá lớn, vui nhất là hàng người cần câu vác vai, móc mồi câu sẵn sàng nhưng phải tới lượt mình thì ném câu ngay trên đỉnh đập rồi từ từ dời xuống cuối đập cho người khác tiếp tục. Luật bất thành văn nơi bãi câu nhưng ai không tuân thủ sẽ gặp rắc rối, có thể bị đập tại trận với những người đi câu nóng tính. Rất vui khi một người dính cá thì cả đập rần rần hô vang “fish on”, cứ như ngoài trận người ta hô “xung phong” vậy, mọi người nhường lối cho người dính cá vì cá lớn cắn câu nó chạy dữ lắm. Gặp cá lớn quá thì giúp nhau vô điều kiện, không phân biệt màu da, tiếng nói… miễn bắt được con cá lên bờ, không phải của mình nhưng không biết sao trong lòng vẫn vui như mình câu được.
 
Nhưng bạn tôi đây là đứa trẻ qua Mỹ hồi mấy tuổi, anh ta ngại đông người trên đập vì ghét nghe tiếng chửi thề của người Việt nam nên anh ta thường câu bãi vắng, càng ít người càng tốt. Thế là anh giới thiệu cho ông bà bạn của anh đã nhiều năm, hai ông bà Mỹ trắng đã già nhưng họ mạnh khoẻ, vui vẻ và không hề kỳ thị.
 
Nói tới hoà đồng thì đầu đen tôi có kinh nghiệm khi đi câu: Nếu muốn câu chỗ đã có người câu thì nên hỏi họ trước, “tôi có thể câu ở đây với bạn được không?” Khi nào họ đồng ý thì hãy câu, đừng xồng xộc đến không chào đi không nói với cái vô văn hoá mặc áo tự do, dân chủ, hồ là nơi công cộng, ai muốn câu đâu thì câu, cớ gì phải xin phép? Người Mỹ họ ghét những kẻ bất lịch sự, gặp người Mỹ kỳ thị nhưng hiền thì họ lặng lẽ rời đi nơi khác, họ không cho phép họ đứng câu cùng người vô văn hoá chứ chẳng phải họ sợ mình đâu. Người không hiền sẽ để lại đôi lời, cái nhìn vô cảm khi họ nói với con chó của họ dắt theo, “thôi đi chỗ khác câu, heo Trung quốc đến rồi!” Gặp kẻ dữ thì họ chửi thẳng vào mặt người đến sau bất nhã rồi mới bỏ đi; kẻ dữ hơn nữa là đuổi người đến sau đi chỗ khác, họ văng tục chửi thề, sẵn sàng đánh lộn… và người châu Á nói chung là không ngại làm điều không nên với người khác, không ngại bất nhã hay ăn hiếp người khác, nhưng gặp kẻ khác người thì như chó cụp đuôi lỏn lẻn bỏ đi, chửi thầm là chửi mình nhưng là sở trường của người châu Á.
 
Nhờ có kinh nghiệm nên tôi cũng quý mến ông bà Mỹ trắng bạn của bạn tôi lắm. Ông tên Robert và bà tên Dayna, hai ông bà ra hồ mỗi ngày vì về hưu rồi thì làm gì cho hết thời gian, họ tung tăng bên nhau trong không khí trong lành, có lợi cho sức khoẻ là chính, câu cá là phụ. Ông câu cá rất chuyên nghiệp, người đam mê câu nên ông giàu kinh nghiệm, nhìn nước, nhìn gió mà ông đoán được bầy cá đang ở đâu, cá gì ông cũng biết luôn. Ông dạy chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý giá như cách xác định bầy cá đang di chuyển hay tụ lại, nhưng còn tùy thời tiết, tùy sáng hay chiều hay đêm, trời đang mưa, trời muốn mưa, hay trời mới dứt mưa, trời nắng gắt hay nắng mây… phải câu mồi nổi hay mồi chìm, mồi lửng không chìm không nổi… Câu mồi thật hay mồi giả, mồi thật thì chịu có mồi gì câu mồi nấy, nhưng mồi giả thì đa dạng, phong phú như kệ nước sơn trong tiệm nail, phải rành cá thích gì chiều nấy mới có thu hoạch.
 
Còn bà thì đi chơi theo ông, bà cũng vui tính và tử tế, người yêu thiên nhiên nên bà hay nhặt rác ngoài bãi câu, chẳng bao giờ phiền hà người xả rác. Có lẽ người Mỹ làm chủ đất nước to lớn của họ bằng hành động nhỏ như nhặt rác cho bãi câu sạch đẹp, hồ câu không bị ô nhiễm nước, họ không biết làm chủ đất nước nhỏ bé bằng những tấm khẩu hiệu to ngoài đầu ngõ những con hẻm ngập rác như: “Khu phố văn hoá”; “Hẻm văn hoá”… Sự khác biệt trong mắt người di dân thật xin lỗi sự thật.
 
Hai ông bà thích mấy anh em Việt Nam chúng tôi vì chúng tôi hiền, không gấu ó với nhau, hoà nhã với mọi người, không uống bia ngoài bãi câu rồi ném lon, vỏ chai bia lung tung… Chúng tôi câu đêm thì nấu mì gói, mì ly ngoài bãi câu, mời ông bà ăn chung cho vui. Hai ông bà tham gia nhiệt tình, nên còn mì gói, mì ly trên xe, chúng tôi cho hai ông bà đem về nhà ăn luôn vì họ thích. Chúng tôi cũng có một trao đổi không thoả đáng chút nào với ông bà là một cá striper có giá trị bằng năm con cá catfish cùng trọng lượng, nhưng ông bà chỉ ăn catfish mà không ăn striper. Nên chúng tôi câu được catfish thì cho ông bà vì ông bà câu được cá striper thì cho chúng tôi, không kể mắc rẻ, lớn nhỏ, nhiều hay ít gì hết.
 
Hầu như lần nào tôi đi câu với bạn câu trẻ gần nhà cũng gặp ông bà vì tôi bây giờ thỉnh thoảng mới đi câu xa. Anh bạn trẻ những hôm ghiền câu thì ra làm là đi câu luôn, không về nhà nên không đón tôi đi cùng được. Có hôm tôi đã đi ngủ thì anh mới về, gọi tôi mở cửa ra lấy cá striper của ông Robert gởi cho anh. Thương quá đi ông già Mỹ thích mì chua cay của Việt nam, bà vợ Dayna thích mì Hảo Hảo dễ ăn như há cảo, dumlings bà đã ăn ở nhà hàng Tàu, nhà hàng Việt… Nên tôi mua sẵn mì chua cay, ghi luôn bên ngoài thùng mì “tặng Mr. Robert, mua thùng mì Hảo Hảo đề tặng bà Dayna. Hễ tôi đi Oklahoma là nhà có sẵn để mang theo tặng ông bà…
 
Nhưng đầu mùa câu năm nay, trời tháng Ba còn lạnh, ngoài hồ lạnh hơn trong thành phố chừng mười tới mười lăm độ nữa tùy gió nên tôi cắm câu rồi vô xe ngồi, sợ cảm lạnh. Xa xa, dáng người giống ông Robert nhưng sao không thấy bà vợ Dayna. Tôi nói người bạn trẻ, rồi chúng tôi ngưng câu, đến hỏi thăm ông. Rất buồn, bà Dayna đã được Chúa gọi hôm cuối năm nên giờ trên bãi câu thân quen đã vắng hình bóng bà tới mênh mông nỗi nhớ. Ông già Robert với cây cần câu bạc màu mưa nắng lẻ loi tới mủi lòng người quen biết ông bà.
 
Hôm ấy, ông câu được striper nên đem đến cho chúng tôi, chúng tôi câu được catfish đem đến cho ông thì ông không lấy. Sự thật không ngờ là ông không ăn cá, bà ăn catfish chiên bột nên ông đem về nhà làm cho bà ăn chứ ông không ăn. Giờ bà không còn thì ông đem catfish về nhà làm gì nữa… Bỗng nỗi buồn xâm chiếm cả hồn tôi, nhớ những món bà xã không ăn nhưng vẫn làm cho tôi ăn, những món tôi cũng không ăn nhưng hai đứa con lại thích thì mẹ chúng vẫn làm cho chúng ăn; tôi như đại biểu của đàn ông đương đại chỉ giỏi cái miệng nói sống cho, sống vì người khác, nhưng đàn bà lại thường làm những việc không nói ra. Trong đàn ông nhiều như rác thải dạt vô bờ hồ bây giờ không biết còn được mấy ông Robert?
 
Còn nhớ hôm ấy gặp ông, tôi cố nén xúc động trước tin buồn bà đã qua đời. Cố không tin cảm nhận về ông trông xuống sắc, già sọp hẳn đi so với nét già vui vẻ, khoẻ mạnh của ông trước đó. Hôm nay nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong, tôi với anh bạn trẻ đi thăm ông Robert hơn là đi câu xa nhà. Chúng tôi dự định đến bãi câu không gặp thì đến nhà ông vì lần trước gặp ông đã cho chúng tôi địa chỉ nhà, ông còn dặn chúng tôi muốn câu qua đêm hay muốn nghỉ đêm để sáng câu sớm thì cứ nghé nhà ông ngủ qua đêm, nhà bây giờ còn mỗi mình ông nên rộng lắm. Nhưng tờ mờ sáng ngày Chiến sĩ trận vong, bóng ngưới trong sương mờ ngoài hồ không ai khác chính là ông Robert. Ông đứng thẳng người như đang làm lễ truy điệu, lễ tưởng niệm, hai tay khoanh trước ngực và nhìn ra sóng hồ lăn tăn trong buổi tờ mờ sáng sóng yên gió lặng… không có cây cần câu bên ông.
 
Không gian tĩnh lặng của buổi sớm ngoài hồ thêm u tịch thì phải vì trời nhiều mây đen dù dự báo thời tiết hôm nay không mưa nguyên ngày, tới tám giờ tối trời mới mưa giông, gió mạnh. Tôi nhìn ông không khỏi xót xa cho dáng vẻ tôi từng biết ông là ông già vui tính, mạnh khoẻ, bộ râu quai nón bạc trắng nhưng rất đẹp của ông thật xót xa như bông lau tháng mười lưa thưa, xơ xác, ông gầy đi nhiều và lão rõ với sống lưng khòm xuống. Ông không còn là ông già trong mơ ước của tôi khi mình già ước được như ông, nay ông là ông lão gần đất xa trời, râu tóc không thèm cắt tỉa, chải chuốt gì nữa cho hợp với đôi mắt lạc thần, giọng nói hết sang sảng như ông già Robert mà tôi từng ái mộ…
 
Chia tay ông, trên đường về bạn tôi hỏi sao hôm nay anh không nói chuyện… Tôi nói nổi nữa sao khi tin tưởng vào những gì tôi đã quan sát thấy cả đời, vợ chồng già không cần biết ai đi trước thì người kia cũng đi theo mau chóng thôi vì cuộc sống đâu còn ý nghĩa gì nữa mà thiết tha. Tôi tìm được trên điện thoại và đọc cho anh bạn trẻ nghe bài thơ “đôi dép”.
 
Bài thơ đầu anh viết tặng cho em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh, nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia.

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khăng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.

Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải - trái
Như tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung.

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.
 
Anh bạn trẻ rành tiếng Anh hơn tiếng Việt nhưng trong máu có chất nước mắm nên cảm thụ được bài thơ Việt ngữ, anh nói tôi gởi link cho em để về nhà cho vợ em đọc. Vợ chồng em lớn lên bên đây, học trường Mỹ, nói tiếng Mỹ, ăn fastfood, không biết về Việt nam nhiều… vợ em bây giờ còn nói và đọc tiếng Việt giỏi hơn em vì có bà ngoại trò chuyện mỗi ngày, trong khi em một mình bao năm qua tới quên tiếng Việt luôn rồi, nhiều khi nói chuyện với anh em cứ phải dùng kèm tiếng Anh vì đâu nhớ tiếng Việt nói sao…
Em cũng cố gắng nói tiếng Việt với con em, nhưng nói sai hơn cả tụi nó vì tụi nó nói tiếng Việt với bà ngoại nhiều hơn em. Anh còn nhớ hôm tuần trước, hai anh em mình đi câu không được con cá nào hết. Hôm đó em rủ anh đi vì em đi làm về thì thằng con nhỏ của em nói nó muốn ăn cá ba chiên, nhưng câu không có cá nên trên đường về, em gọi cho nó có anh nghe rõ trong xe, em nói ba câu không có cá để chiên cho con ăn. Ba chở bác về rồi ghé mua gà chiên cho con ăn được không? Rõ ràng là nó nói được, còn dặn không mua thịt đùi, giai lắm, nó không ăn đâu… nhưng em mua gà chiên về nhà thì nó không ăn, đòi ăn mì gói. Em nói hồi sáng con nói với ba là ăn gà chiên mà…? Nó hơi suy nghĩ rồi chơi em một vố đau thiệt! Nó không thèm nói gì tới gà chiên nữa mà nói với em, “Ba nói sai rồi! Ba phải nói là hồi nãy chứ không phải hồi sáng! Hồi sáng là lúc mình ngủ dậy, ăn breakfast. Hồi trưa là mình ăn lunch. Hồi chiều là mẹ kêu đi tắm. Hồi tối là ba kêu đi ngủ. Hỗi nãy… là mới tức thì. Bà ngoại nói là mới hồi nãy, mới tức thì… bà ngoại để cây kẹo chocolate ở đây mà. Không biết con mèo con chuột nào tha mất rồi… Hì hì, là con đó! Hồi nãy là some minutes ago, không phải là hồi sáng như ba nói.” Em quê thiệt. Con mới bảy tuổi mà rành tiếng Việt hơn em vì nó nói tiếng Việt với bà ngoại thường. Em bây giờ nói buổi sáng, buổi chiều, hồi nãy, hồi nào… tiếng Anh quen miệng nên quên tiếng Việt…
 
Về ngồi nhà ngày nghỉ lễ nhưng trong lòng không quên đi hình ảnh ông Robert được, chiếc dép lẻ loi bên đời hiu quạnh lay lắt nắng mưa cũng tới ngày tan biến vào hư vô, nhưng ai lại đi cầu cho người khác sớm lên thiên đàng, nhất là người bạn mà mình thương mến. Nhưng linh cảm gặp ông lần này không có lần sau vì một cần thủ lão luyện, lão làng như ông mà ra hồ không đem theo cần câu thì coi như rửa tay, gác kiếm rồi còn gì. Chỉ còn biết cầu nguyện cho ông còn sức khoẻ cho tới hôm cuối ông ra hồ tìm dấu chân bà trên cát…

 

Phan

Ý kiến bạn đọc
27/06/202422:07:47
Khách
Bài viết hay quá, Cảm ơn Tác giả.
21/06/202423:02:03
Khách
Hay lắm! Cám ơn tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,654
Chúng tôi đến phim trường khoảng năm giờ chiều, một tiếng trước giờ quay. Khoảng ba mươi phút sau, đạo diễn chương trình bước lên sân khấu để giúp mọi người làm nóng chuẩn bị cho buổi quay. Ông đạo diễn dặn rằng nếu thấy cái bảng đèn điện có chữ "Applause", mọi người khán giả chúng tôi nhớ vỗ tay thật lớn. Nếu cái bảng "Noise" chớp đèn, chúng tôi nhớ la hét điên cuồng. Nếu bảng "Stand" chớp đèn, mọi người nhớ đứng lên. Vì là lần đầu tiên được tham gia chương trình ghi hình trực tiếp, tôi không hiểu tại sao đạo diễn dặn chúng tôi những điều này để làm gì. Tôi cảm thấy buồn cười khi đạo diễn ra hiệu cho nhân viên điều khiển ba cái bảng trên lần lượt chớp để chúng tôi thực tập. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo: hết vỗ tay đến la hét rồi đứng lên. Khi chương trình quay hình bắt đầu, cả ba cái bảng đều chớp lia lịa ngay lúc Dennis Miller bước ra sân khấu. Tất cả mọi người trong trường quay đều đứng lên, vừa la hét vừa vỗ tay long trời lở đất.
- Ôi, tội nghiệp quá. Rồi sao nữa chị? - Mẹ của Lộc muốn em làm theo ý của mình là học ngành điện toán hay khoa học, nhưng Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa. Sau khi mẹ em biết được, bà buồn, thất vọng và có thể chì chiết gì đó nên Lộc đã mua súng để tự bắn mình. - Chuyện xảy ra khi nào vậy chị? - Cách đây vài tuần. Sau lễ Thanksgiving. - Trời!
Thời gian vụt như thoi đưa ngoài khung cửa. Mới đầu Tết Quý Mão đó mà bây giờ đã sắp hết năm chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn. Mấy hôm nay được nhiều nơi biếu lịch, tôi ngạc nhiên chỉ thấy in toàn hình con Mèo mà không phải con Rồng. Vào ông Google tìm hiểu thắc mắc của mình nhưng không thấy trang Web nào đề cập. Nhìn hình lịch toàn những con Mèo đen, trắng, xám, nâu thật xinh” thì ra con Mèo được người ta quý trọng như vậy. Tôi nghĩ đến ông chồng tuổi Mão, bất ngờ cảm hứng muốn viết đôi điều về người chồng đã chung sống với mình gần 40 năm...Xin phép cho tôi được gọi Chàng là con Mèo cho gọn. Con Mèo này không hề phá làng phá xóm hay làm mất lòng ai, nên được bà con thương mến cảm tình.
Năm 2023 đã qua đi và để lại cho thế giới cũng như Hoa Kỳ những hệ lụy, những biến động vì thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động của Covid-19, lạm phát tăng cao, kinh tế trì trệ và cả chiến tranh, các cuộc xung đột của Nga - Ukraine và Palestine - Israel. Năm qua, bang California chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của vấn nạn trộm cướp, đập phá, đặc biệt là những vụ bạo lực gây náo động xã hội. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tổn thất tài chính liên quan đến nạn trộm cắp. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ đã phải tăng cường đội ngũ an ninh, thuê thêm nhân viên bảo vệ, thay đổi sản phẩm, cất giữ hàng hóa có giá trị trong các hộp khóa, giảm giờ hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở, cửa hàng.
Tổng Thống Abraham Lincoln đã có một câu nói nổi tiếng: You can fool all of the people some of time; you can fool some of the people all of the time, but you can't fool all the people all the time.” Tạm dịch: Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một lúc nào đó; bạn có thể lừa dối một vài người nhiều lần, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được”. Nhà Phật có thuyết nhân qủa, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói: Điều gì con không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta. Đó là những ràng buộc tâm linh về lẽ công bằng. Hướng dẫn mọi người hãy cố sống cho phải đạo.
Hôm nay tôi có họp và tiệc cuối năm với cấp trên, có cả màn ảo thuật đặc biệt giúp vui ở phần cuối nên buổi tiệc kết thúc hơi trễ, mãi 9 giờ tối mới lò mò về. Khi lái xe về gần đến nhà, tôi nhớ ra hôm nay cũng là ngày trong tuần County đi lấy rác. Mùa đông trời tối sớm. Thời tiết mấy hổm rày lại nhiều gió và lạnh âm độ C, nên thật nhát ra ngoài trời. Tôi tưởng tượng sau khi mang cặp giỏ đi làm vào nhà, tôi sẽ phải đẩy hai thùng rác vào trong. Nhưng khi đến nhà, tôi ngạc nhiên không thấy thùng rác của mình nằm bên lề đường đợi. Lái xe vào sâu bên trong driveway thì thấy thùng rác đã nằm ngay ngắn ở chỗ của chúng.
Tâm hồn đang mơ say với giấc mộng đẹp còn vương lại từ đêm hôm qua. Bỗng nghe tiếng gọi của dì Thu, tôi giật mình tỉnh giấc rồi mà lòng vẫn còn luyến tiếc mộng mị an lành vừa thoáng tan đi. Chợt nhớ lại, hôm nay Huấn sẽ đến đón hai dì cháu chúng tôi đi biển. Sau nhiều lần chàng mời, dì Thu cứ nấn ná mãi cho đến gần ngày lễ ra trường của tôi, dì mới nhận lời để cả hai dì cháu đi chơi chung với anh hôm nay, và dì cháu tôi cũng nhận lời mời sẽ đến thăm gia đình bên ấy nhân ngày đọc kinh giỗ cho cha của chàng vào thứ bảy tuần tới.
Anh Nghê Minh Hiệp sinh và lớn lên tại Saigon, trong một gia đình có thân phụ là một sĩ quan từng phục vụ các Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh, với chức vụ sau cùng là Thiếu Tá thuộc SĐ 21 BB, và 3 người anh em cũng là quân nhân, với người anh cả phục vụ trong Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, người anh kế là một phi công trực thăng, và người em rể cũng là một phi công trực thăng vỏ trang – cả 2 người này đều tốt nghiệp phi hành từ Hoa Kỳ. Do sống gần thân phụ, Hiệp chuyển trường nhiều lần, học qua các trường trung học Vĩnh Bình và trung học Tống Phước Hiệp, ở Vĩnh Long. Sau khi đậu Tú Tài vào năm 1968, Hiệp tình nguyện đầu quân vào Không Quân VNCH khi anh vừa tròn tuổi 19. Vào năm 1969, Hiệp được gởi sang Hoa Kỳ học bay. Tháng 11, năm 1971, sau khi hoàn tất chương trình học lái máy bay phản lực trong một năm rưỡi, Hiệp trở về Việt Nam, và được đưa ra Đà Nẵng phục vu Phi Đoàn 516, lái khu trục phản lực A 37. Cuối năm 1972, Hiệp được điều vào Biên Hòa học lái chiến đấu cơ phản lực F5. Xong khóa học
Ngày đầu năm, năm đó, cả nhà cô Ba gồm mười mấy người lớn nhỏ ra tiệm ăn cơm Tàu. Đại gia đình sống trong một thành phố nhỏ, chỉ có mỗi nhà hàng Tàu này mà thôi. Tiệm đắc lắm, có món lạp xưởng hết sẩy, đang thèm mà. Trong tiệm đầy khách ăn nói xôn xao vui vẻ. Sự ồn ào y như mấy quán ăn hồi còn ở Việt Nam. Làm như tất cả những những người gốc Á Đông sống xung quanh đều tụ lại đây hay sao ta? Đang ăn, bỗng dưng cô Ba thấy quặn đau một cái, ngưng nhai, đợi, rồi tỉnh bơ nhai tiếp. Đau quặn thêm cái nữa, cũng đợi, ngừng tay gắp, làm thinh, chịu đau.
Những lời thằng Eddie chạm vào điểm nhạy cảm của Steven, điều nó nói cũng là ý nghĩ vốn có trong đầu Steven. Người Việt hải ngoại không còn mấy ai đọc sách, tầng lớp trí thức gốc Việt chỉ đọc sách tiếng Anh có liên quan đến vấn đề chuyên môn của công việc, lớp trẻ sanh ra hay lớn lên ở hải ngoại chỉ đọc sách tiếng Anh vì đâu đọc được tiếng Việt. Tầng lớp bình dân làm móng, lao động tay chân thì không đọc sách dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, cả đời không đụng đến sách báo. May ra chỉ còn một số ít ỏi yêu thích văn chương là chịu đọc. Sách tiếng Việt ở hải ngoại coi như cùng đường, đang thoi thóp hấp hối. Sách có in ra thì cũng chỉ để tặng quanh quẩn một nhóm người trong giới viết lách, yêu thích văn chương. Sách phát hành trên Amazon cũng chỉ để khoe mẽ cho vui chứ có ma nào mua. Viết lách chẳng những không được gì mà còn phải tốn tiền làm bìa, tiền dàn trang, tiền in, tiền để được lên mạng Amazon… Một thực tế đen tối và phũ phàng nhưng người viết vẫn cặm cụi, vẫn miệt mài. Viết là nỗi
Nhạc sĩ Cung Tiến