Hôm nay,  

Giọt Lệ Của Mẹ

02/04/202419:08:00(Xem: 2416)

 

04022024 Minh Thuy_CALVIN & MOM
Hình Calvin và Mẹ - Tác giả gửi

 

Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”.  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. Bài viết này viết về giọt nước mắt người Mẹ, là tác giả Phương Hoa, một cây viết đoạt giải Chung Kết VVNM được yêu mến. VVNM và Việt Báo một lần nữa xin chia buồn cùng tác giả và tang quyến.

*

Vừa xong buổi cơm tối thì phone reng. Mở phone thấy chị Phương Hoa gọi. Tôi “A lô nhưng không nghe chị nói gì. Tôi hỏi lại:

- Chị Phương Hoa hở?

            Vẫn im lặng tiếp tục, tôi bắt đầu hồi hộp linh tính như có chuyện gì bất thường, sau đó một phút nghe tiếng khóc nức nở của chị:

            - Calvin, con đầu mình bị bệnh ung thư, bác sĩ bệnh viện Stanford đã “chạy làng.” 

Tôi hốt hoảng:

- Bệnh hồi nào?

- Cháu bệnh cũ tái phát, hơn hai năm rồi.

Nghẹn ngào tôi không biết tìm lời gì để an ủi, cổ họng cứng đơ, lưỡi dường như tê cóng, bên kia vẫn tiếp tục những tiếng nấc nghẹn ngào. Hồi lâu tôi mới gắng hỏi:

- Bây giờ chị tính sao?

- Còn nước còn tát, mình định đem cháu về VN chữa trị thuốc Nam xem có tiến triển không?

Chị nói đôi tiếng nữa rồi cúp phone. Tôi sững sờ không còn xem phim mỗi tối từ 8 giờ tới 10 giờ nữa.


Lặng lẽ đi nằm, nhìn trước mặt là bóng tối, đầu óc suy nghĩ mông lung về sống chết, về sự vô thường trong cuộc sống. Dù định luật là Sinh, Lão, Bệnh, Tử nhưng con ma tử thần vẫn không chừa một ai, luôn rình rập người ta, từ một tuổi, năm tuổi, hai mươi tuổi cho đến bốn mươi, năm mươi ... Sinh tử quay cuồng như điệu múa say ngà, con người số mỏng manh như đùa chơi với dòng thác lũ.

Tôi quen chị Phương Hoa từ năm 2015, khi gia nhập vào hai diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, Tình Bằng Hữu của Nha sĩ Cao Minh Hưng (nơi sinh hoạt của văn, thơ, nhạc, họa). Năm 2016, trong cuộc thi của Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt tổ chức, tôi may mắn được giải nhì, chị Phương Hoa đoạt giải nhất (về văn). Ông hội trưởng bấy giờ là nhà thơ Chinh Nguyên đã tuyên bố: “Các cô từ nay đều là thành viên của Văn Thơ Lạc Việt, hãy tham gia sinh hoạt thường xuyên nghe.”

Từ đó tôi mới gần gũi chị hơn qua những buổi sinh hoạt, ra mắt sách, giới thiệu sách cho các văn thi sĩ thành viên VTLV và trong cộng đồng. Tôi luôn thấy chị hoạt bát, nhiệt tình với mọi người và có tâm rất tốt. Thấy chị rành thơ Đường Luật tôi kéo chị gia nhập hội thơ Đường Xướng Họa, nơi đất dụng võ để tiến bộ hơn.

Chị thúc giục tôi viết bài gởi Việt Báo dự thi Viết Về Nước Mỹ, nhưng tôi lại mê thơ hơn nên cứ say sưa xướng họa thơ ĐL. Chị hăm he liên tục, có lúc tỏ ra giận, có lúc nói dai dẳng, “Minh Thúy là một cây bút rất có tương lai, hãy viết đi!” Tôi hẹn lần hẹn lựa mãi, cuối cùng hai năm sau tôi mới nghe lời chị, ngoài ra chị cũng kêu gọi thành viên trong hai hội phụ nữ Cô Gái Việt và Minh Châu Trời Đông gởi bài cho Việt Báo nữa.

Lúc chị em trong MCTĐ và CGV thắng giải, chị đánh phèn la báo tin ầm ĩ như chính bản thân chị trúng giải. Sau này chị giữ vai trò trong Ban Biên Tập của VTLV nên bận tối mặt, không có thì giờ vào Việt Báo đọc bài của ai, nhưng khi đọc được thì lại thúc giục “viết tiếp đi, viết tiếp nữa, viết nhiều vào...” Tôi buồn cười “đề tài đâu mà viết dữ vậy trời.”

Điều tôi nể phục nhất là anh chị ăn chay trường và tham gia nhiều khoá thiền Vipassana khắp các tiểu bang, thời hạn có khi tới nửa tháng. Về văn chương thơ phú thì chị rất xuất sắc, nhất là về văn đã đoạt hết mọi giải thưởng của Việt Báo, đến nay không còn giải nào nữa để lãnh.

Trở lại câu chuyện buồn, tôi không ngờ hai năm nay chị đã đè nén nỗi sầu lo, che kín chịu đựng sống trên đống lửa từng ngày, cả bạn bè gần gũi nhất cũng không hề biết để an ủi. Cách nay nửa tháng chị đã về VN lo chuyện giấy tờ nhà cửa và dẫn vợ chồng Dũng, cháu thứ nhì qua Mỹ theo diện bảo lãnh. Chị nói “Con trưởng thành dù khôn ngoan cỡ nào đi nữa, nhưng dưới mắt người mẹ luôn xem còn nhỏ dại như ngày nào, nên mình phải thông qua đường tour du lịch ghé VN vài ngày để giúp đưa tụi nó qua.”

Vừa lo ổn định xong cho gia đình cháu Dũng nơi quê hương mới, chị lại chuẩn bị dẫn Calvin về quê hương để chữa bệnh bằng cây thuốc Nam truyền thống, với niềm tin và tràn đầy hy vọng. Chị kể trước đây tình cờ ai gởi Youtube, xem thì biết ở Trà Vinh có Linh mục Nguyễn văn Tường chữa trị bằng thuốc Nam, ăn toàn gạo lức nấu với nước kiềm (nước từ máy lọc của Nhật đã thải bỏ chất acid) và đã chữa trị rất nhiều bịnh nhân cancer lành bệnh sau khi bệnh viện chê.

Tôi hiểu và đồng cảm, trong bóng tối chợt tìm ra chút ánh sáng cuối đường hầm, chị tin tưởng và cầu nguyện ơn trên may ra còn hy vọng. Đồng thời cũng thở dài lo lắng đến sức khỏe chị có bảo đảm không, trong khi mới vừa xong chuyến đi xa và qua lại Mỹ chỉ thời gian ngắn. Nhưng chị nói chỉ cần chữa được bệnh cho cháu thì khó khăn gian khổ nào cũng là chuyện nhỏ mà thôi.

Được biết chị có bốn cháu, cháu thứ nhì tên Dũng cùng gia đình nhỏ mới qua định cư. Ba cháu ở đây đều ăn học thành tài, Calvin Liên Trịnh là cháu trưởng nam đang làm cho hãng Broadcom (Photonic Layout Design Engineer) ở San Jose. Gần đây bác sĩ tuyên bố bệnh cháu không còn chữa trị được nữa, cháu mới xin nghỉ để về VN cùng mẹ; cháu thứ ba tên Brian làm việc tại bệnh viện Stanford; cháu út tên Billy làm cho Google, tất cả đều lập gia đình, có con cái, và cuộc sống ổn định.

                                                                           **********

            Về Trà Vinh một lần chị liên lạc với tôi qua điện thoại, vừa nói vừa khóc giọng đầy lo âu, có khi tôi không nghe rõ vì sóng yếu. Chị kể, về nơi chốn hẻo lánh miền quê an bình, có rất đông người đến chữa bệnh mà toàn là bị cancer. Hằng ngày chị không dám động tiếng ồn, ngồi canh giấc ngủ con, hoặc con thức thì xoa bóp tay chân cho đỡ mỏi, không dám liên lạc nói chuyện hay than thở với ai, không bày tỏ sự lo âu, sợ con nghe được sẽ buồn làm mất tinh thần chữa trị. Chị cố giấu những giọt nước mắt đau đớn tột cùng, không muốn con thấy mà phải nuốt vào trong. Mặt khác chị cũng tràn đầy niềm tin, vì những người bị bệnh ung thư ở các phòng trọ xung quanh thường qua lại thăm hỏi, cho Calvin và chị biết bệnh tình của họ khi mới đến rất trầm trọng, bác sĩ chê, bệnh viện bỏ, nhưng sau vài tháng điều trị bây giờ một số người đã lành, chuẩn bị được cho về.

Em rể cột chèo bên vợ là bác sĩ giỏi ở Sài Gòn, xem Calvin như máu mủ, cũng nóng ruột về Trà Vinh theo dõi bệnh tình của anh. Thấy Calvin có vẻ yếu và than mệt, em rể tức tốc đưa vào bệnh viện Trà Vinh khám, kết quả tình trạng không mấy khả quan sau một thời gian uống thuốc Nam chữa trị, nên khuyên chị PH đưa cháu về Mỹ và mang theo thuốc Nam tiếp tục uống. “Tâm trí mình hoảng loạn quá, cháu lại là bác sĩ giỏi nói sao làm theo vậy, chắc là “phước thầy không may chủ.” Chị nghẹn ngào nói với tôi trên điện thoại. Lên Sài Gòn các em vợ thương quý anh rể, cuống cuồng chăm lo đủ thứ. “Sẽ cố gắng đưa cháu về Mỹ sớm, mình hết biết làm gì rồi, sự căng thẳng hồi hộp chỉ sợ mình hay cháu gục nửa chừng trên đường về. Bây giờ miệng mình khô đắng, mắt mỏi nhừ, cầu xin ơn trên cho mình đem Calvin về đến nơi đến chốn, Thúy ơi.”

                                                                          ***********

May mắn chị đã đưa Calvin về Mỹ an toàn. Khi nào có chút thì giờ chị lại gọi phone kể cho vơi sự lo âu tột cùng. Sau một thời gian an dưỡng nghỉ ngơi ở nhà, Calvin vào bệnh viện Stanford khám lại. Bác sĩ bệnh viện Stanford bao vậy khám bệnh, thử máu và cho uống thuốc, hình ảnh “lương y như từ mẫu” chăm sóc tận lực, thật cảm động tình người. Chị nghĩ một phần cũng nhờ Calvin làm hãng lớn có bảo hiểm tốt, nên cháu được hưởng những gì tốt nhất có lẽ vậy.

Phương Thảo vợ Calvin bận rộn đi làm, cháu nội Jenny, đứa con độc nhất của Calvin, học nội trú UC Berkeley, nên thời gian này chị Phương Hoa và chồng túc trực trong bệnh viện lo cho cháu.  Chị kể hai người chẳng hề biết no đói là gì nhưng cũng cố gắng mua bánh mì không trong bệnh viện nhai lấy sức để kề cận chăm sóc Calvin. Tình thương con như có “energy” tăng cường lên, nên anh chị không hề thấy mệt.

- Nhìn con mà ứa nước mắt hoài. May mắn bệnh không hành, nên Calvin chỉ mỏi mệt chứ không có những cơn đau oằn oại, nhưng con ngày càng ốm đi lòng mình như tan nát. Calvin thương vợ thương con hơn cả bản thân, sau giấc ngủ chiều dậy, nhìn ra trời sụp tối, cháu hỏi mẹ mấy giờ rồi “mẹ vào bếp xem cơm còn hay không, nấu dùm Thảo nghe mẹ”, bữa khác cũng y vậy “mẹ ơi, nhờ mẹ nấu món gì để Thảo đi làm về có ăn kẻo đói.” Mình nghe con nói mà quặn thắt cả lòng, nước mắt muốn trào ra. Con trai thương vợ như vậy, gia đình hạnh phúc như vậy, sao ông trời lại nỡ đưa vào hoàn cảnh xót xa. Nhìn dâu hiền còn trẻ, nếu trở thành góa phụ thì còn nỗi đau nào bằng …

Tôi nghe tiếng chị như run rẩy nên vội khuyên lơn:

- Thôi chị bớt suy nghĩ, tuổi anh chị đã lớn, cứ bị xúc động quá sẽ ảnh hưởng sức khỏe rất nguy hiểm, chị nghỉ ngơi đi để còn lo cho cháu.

Nói thật, càng nghe chị kể tôi càng thấy buồn thấm thía với cuộc đời đầy bể khổ. Khổ nhất là khi phải chứng kiến cảnh người thân đang bước dần vào nơi vô định. Tôi nhớ những lần đi họp nơi hội VTLV, có lúc chị tới chở tôi đi sớm, ghé lại nhà Calvin đem vào khay bánh xèo đầy ngập, hoặc những khi ghé nhà tôi giao sách, chưa kịp mời uống nước chị đã lật đật kiếu từ.

- Mình nấu nồi canh chua đem đến đứa con ở gần đây, dâu thích món này lắm, và một nồi tôm thịt kho mặn nữa.

Vừa nói chị vừa kéo tay tôi ra mở cốp xe sau dở nắp vung khoe thức ăn. Tôi được biết rất nhiều lần chị nấu cho dâu này, dâu kia chụp hình khoe lắm món.

- Đừng tưởng mình ăn chay rồi không biết nấu mặn đó nghe. Dâu con cày bừa bận rộn thấy thương quá, thỉnh thoảng rảnh mình nấu cho con cháu chút gì cảm thấy rất vui.

- Chị ăn chay trường làm sao nếm?

- Nêm ít cầm chừng, tụi nó nêm lại sau

Ngày có đám giỗ chị bày dọn một bàn chay nhiều thức ăn, chụp hình gởi khoe, sau đó chat với tôi “Buồn ghê, thức ăn nhiều như vậy mà các con ở quá xa, đi làm về trễ, đường xá kẹt cứng khó khăn không tới được, nhìn các món thật tiếc. Ở Mỹ này mơ ước một buổi con cháu tụ về đông đủ trong ngày giỗ thật khó, nhưng thông cảm vì hiểu đất nước Mỹ này tuổi trẻ luôn phấn đấu và tận lực bộ óc, tài năng phục vụ cho công việc là quan trọng trước.” Tình thương của người mẹ thật bao la vô bờ bến, cùng những quan điểm “Mẹ chồng cảm thông thoải mái”, tôi vô cùng cảm mến.

 

                                                                           *******


Tối Mồng Hai Tết Nhâm Thìn chị Phương Hoa gọi phone:

- Đầu năm MT có kiêng cử gì không?

Tôi linh tính điều không lành:

- Không chị, nhỏ lớn em cứng đầu, cứng cổ ít tin những chuyện mê tín dị đoan lắm

Chị oà khóc:

- Calvin mất rồi!


Tôi lặng người, dẫu đã chuẩn bị tinh thần, đoán trước những điều xấu sẽ đến, nhưng vẫn bàng hoàng ngơ ngẩn trước sự sinh ly tử biệt. Những giọt lệ của người mẹ nhoà nhạt, đau đớn, tâm trạng ví như những chiếc lá vàng vẫn còn dính trên cây phải đưa tiễn lá xanh rụng xuống. Chị cho biết những ngày gần Tết cháu còn ăn uống được chút chút, chủ yếu ăn yến sào và uống sữa ensure, vui vẻ tỉnh táo khỏe hơn. Ngày Mồng Một Tết, cả nhà nội ngoại quây quần chúc Tết và chụp hình kỷ niệm, Calvin còn nhắc vợ đi chùa cùng cha mẹ hai bên để cầu nguyện đầu năm mới.

Vậy mà, sáng Mồng Hai Tết cháu Calvin đã nhắm mắt trong giấc ngủ yên lành, giấc ngủ... nghìn thu vĩnh biệt.

******

 

Thứ Hai ngày bốn tháng ba. Đám tang cháu Calvin Liên Trịnh diễn ra tại Oak Hill Funeral Home Memorial Park nằm trên đường Curtner thuộc thành phố San Jose. Tôi gặp một số em gái trẻ thường sinh hoạt chung trên Chùa Phổ Từ, và em trai họ bên chồng đến thăm viếng. Hỏi ra giới trẻ ấy là bạn học của Calvin trường UC Davis ở Sacramento. Khoảng trưa bạn bè từ xa hẹn nhau đến cùng lúc rất đông, họ lên bày tỏ cảm tưởng tiếc nuối, ôm đàn hát đưa tiễn, và nhắc nhở chuyện vui buồn thời sinh viên trọ học gần trường UC Davis thật cảm động. Họ khóc nghẹn ngào kể bao nhiêu kỷ niệm, họ không ngờ lá xanh lại vội lìa cành. Tôi nhìn đôi vai chị Phương Hoa rung lên hàng ghế trước mặt, có lẽ chị đang cố đè nén tiếng nấc chỉ để những giọt lệ chảy âm thầm.

Nói đến đám tang là nói đến nỗi buồn đau chia lìa, nhưng nếu tuổi thọ như chuối chín rục xuống thuận theo luật tạo hoá còn giảm chút buồn phần nào. Đằng này tóc xanh đã rụng trước hình ảnh người mẹ già đứt từng đoạn ruột. Đoàn người lặng lẽ theo sau quan tài trong một ngày không có nắng, bầu trời mây xám giăng màu ảm đạm. Lòng tôi đầy thương tiếc ngậm ngùi nhìn hình ảnh người cha, người mẹ già héo hắt, từng bước chậm tay đặt trên quan tài con trai yêu quý. Người vợ và đứa con thơ, cùng các em trai quấn vành khăn tang, ôm di ảnh Calvin quá cố, bát hương, bình hoa... Thật quá não lòng.

 

Một Đám Tang 

Ngậm ngùi một đám tang

Trời buồn mây lang thang

Đưa người về cát bụi

Cảnh tang tóc diễn màn.

 

Ngậm ngùi một đám tang

Hương khói cuộn gió ngàn    

Sắc đen sầu tiễn biệt  

Nén cảm xúc khóc than.

 

Bạn UC Davis

Hung tin khiến ngỡ ngàng

Từ Sac-To đến chật

Nhắc kỷ niệm đầy mang.

 

Thủa sinh viên hiếu học

Clip chiếu đẹp thời vang

Bạn bè buồn thương tiếc

Lời ca nghẹn tiếng đàn.

 

Các em khăn vải chế

Vợ con quấn vành tang

Tứ thân phụ mẫu nghẹn

Họ hàng thắt ruột gan.

 

Dẫu biết SINH và TỬ

Ơn pháp những lời vàng

Vô thường câu Phật dạy.

Đường trần luôn dở dang.

 

Cớ sao lòng thổn thức

Bởi lá xanh rụng tàn

Âm dương tách đôi ngả

Bóng mùa Xuân mới sang.

 

“A DI ĐÀ PHẬT” niệm

Từng bước chậm theo hàng

Hương linh về Tịnh Độ

Ngậm ngùi một đám tang.


(MTTN)

 

Mỗi cuối tuần vào sáng Chủ Nhật. Chị Phương Hoa và ông xã vẫn lên chùa An Lạc, San Jose, dự cúng thất tuần, hộ niệm cho Calvin nương vào tiếng gỏ mõ, tiếng kinh kệ cầu sớm được siêu sanh tịnh độ. Con đã hết nhân duyên với mẹ trong kiếp này, mẹ mong con đầu thai vào kiếp khác có đời sống dài hơn, khỏe mạnh hơn. Hiện tại mẹ cố bám víu những suy nghĩ về sự sống, sự chết, về lẽ vô thường thay đổi từng phút, từng giờ, từng ngày để ý thức sự hiện hữu của mình, nhắc nhở mình phải tập trung tu tập, làm những điều lợi ích cho đời, để sống thật xứng đáng lúc đang còn hơi thở.

Chị đã san sẻ những suy nghĩ tích cực để tự trấn tĩnh tinh thần đang yếu đuối, hụt hẫng và đau thương. Tôi hy vọng thời gian sẽ là liều thuốc xoa dịu, chị sẽ thấm nhuần Phật pháp nhiều hơn để tư tưởng thoát ra vòng luẩn quẩn, không còn vướng mắc vào sự bế tắc mà cần được giải thoát.

Dẫu sao tôi biết chắc một điều, là dù thời gian bao lâu, những giọt lệ của người mẹ vẫn còn lặng lẽ rơi trên nỗi đau mất con mỗi lúc đêm về…

 

Minh Thúy Thành Nội

 

Ý kiến bạn đọc
05/04/202417:57:40
Khách
Chữa bệnh bằng thuốc Nam hay dùng đồ ăn tại VN, TQ thì nên cẩn thận vì chánh phủ VN, TQ không thử hay cấm hoá chất và kim loại nặng. Một bà VN ở Cali dùng thuốc chữa trĩ từ VN gởi qua bị ngộ độc chì mà chết. Gạo từ VN chưá nhiều chất Arsenic (hàn the) trong thuốc trừ sâu diệt cỏ cao. Chỉ có luá gạo trồng ở Cali có luợng arsenic thấp thì ăn đuợc. Nguời dân VN thuờng xuyên chết vì hoá chất độc trong thức ăn mua ở chợ. Tỷ số nguời VN bị ung thư rất cao vì nhà sản xuất và nguời bán tham lam dùng hoá chất để giữ thịt ca' tuơi, bánh phở dai, nuớc lèo ngon, rau tuơi. Vì không có ai đo luờng hoá chất bị cấm nên dùng thuốc nam tại VN hay TQ là tiền mất tật mang, không chết vì bệnh thì cũng chết vì ngộ độc kim loại nặng. Sau khi hết chiến tranh thì nguời VN nay dùng hoá chất gây ô nhiễm và giết hại lẫn nhau. Xã hội quốc gia thiếu đạo đức thì gây ra nghiệp mà mọi nguời dân phải mang.
04/04/202422:09:16
Khách
Bài viết hay và cảm động quá. Chia sẻ nỗi buồn với Chị Phương Hoa, và cầu nguyện linh hồn Em Calvin sớm về cõi cực lạc A Di Đà🙏🙏🙏
03/04/202421:30:33
Khách
Bài viết thật cảm động. Lòng mẹ bao la như biển, xót xa khi con lià đời truớc mình. Chỉ cách đây hơn 40 năm hoàn cảnh cha mẹ nguời VN càng bi thảm hơn không bút mực nào tả xiết khi hàng trăm ngàn bà mẹ VN khóc cho con tuổi chưa đến 30 chết trên chiến truờng, trong tù cải tạo, vuợt biên trên biển cả khi các cháu còn thơ ấu khoai sắn qua ngày. Ðúng là cuộc đời sắc sắc không không.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 412,158
... Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn...
Tôi vùng dậy bật đèn sáng bước qua chiếc bàn gần đó, chiếc bàn gần gũi bày đủ thứ giấy tờ bề bộn thân thương. Ngồi nhìn ra khung cửa kính rộng, màn đêm dày đặc, có lớp sương mù đang bao phủ. Thở dài! Khó dỗ lại giấc ngủ, nhìn đồng hồ 2 giờ sáng. Căn bệnh mấy mươi năm vẫn không thay đổi tốt đẹp hơn, vẫn hằng đêm thức giấc. Tiếp tục đùa giỡn với thơ văn, dù không dám mơ mình là nhà thơ, nhà văn vì chữ “nhà” lớn quá, nhưng ít nhất trong máu tôi có sự đam mê, thì đó cũng là cứu cánh, là lối thoát cho tôi bớt đau khổ nỗi bất hạnh trong cuộc sống để tập viết văn, tập làm thơ.
Tự dưng nước mắt Hân bỗng trào ra, vì thương nó sắp lên bàn mổ với nỗi cô đơn, vắng bàn tay mẹ ruột ôm ấp (nó chỉ mới 19 tuổi, còn nhỏ tuổi hơn con trai Hân ở nhà nữa mà). Nhưng lòng Hân cũng ấm áp rộn ràng vì biết rằng nó sẽ được trở về với tình thân bên ngoại, và tin rằng Thiên Chúa nhân từ sẽ nghe lời Hân nguyện cầu, cho Anthony vượt qua cơn bệnh, sẽ tìm ra dấu vết của mẹ và đứa em trai thân yêu. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình An dưới thế cho người thiện tâm” Giáng Sinh này chắc chắn sẽ vui, Anthony nhé!
Đã ba mươi lần Giáng Sinh xa quê, năm mươi lần Giáng sinh nhớ cô bé ngây thơ trong truyện “Cánh đồng tuyết”. Nghĩ đến những người xa quê kiếm sống bằng đủ các ngành nghề trên nước Mỹ bao la, may là bao dung. Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt với cân hỏi “Ai là anh em ta?” Câu trả lời của mỗi người Chúa đều nghe hết…
Một luồng khí lạnh chợt chạy dọc sống lưng anh. Trong bức ảnh, Eli đang nhìn anh mỉm cười. Trái tim anh buốt nhói một nỗi buồn sâu xa khi biết rằng em đã ra đi - tia sáng rực rỡ đã vĩnh viễn biến mất trên thế giới này. Nhưng cũng cùng khoảnh khắc đó, anh cảm nhận được sự trìu mến và tin yêu mà Eli đã gửi gắm cho anh. - Khi làm bác sĩ, anh sẽ chữa bệnh cho em nhé. - Anh chữa cho những bạn nhỏ khác nữa nhé. - Tất cả những đứa trẻ cần được lành bệnh, vì nếu con nít mà chết thì ba mẹ sẽ buồn lắm đó. Giọng nói của Eli thầm thì bên tai anh, gần gũi. Như không hề có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Có một sự gắn kết vô hình giữa anh và Eli. Đó là sự kết nối giữa con người với con người...
Vào những ngày đầu tiên của tháng 12 năm nay, tôi đến thăm lại khu phố Stockyards thuộc thành phố Forth Worth, Texas. Đây là lần thứ ba tôi đến thăm khu du lịch mang đậm chất viễn tây Hoa kỳ, một miền viễn tây hoang dã của những năm sau cuộc nội chiến của nước Mỹ. Với tôi, khu du lịch Forth Worth Stockyards là xứ sở thần tiên cho những ai thích hoài niệm về một miền viễn tây hoang dã của Mỹ quốc, về các chàng cao bồi Texas, về con đường mòn Chisholm nổi tiếng được đặt theo tên của Jesse Chisholm, một nhà buôn lưu động nói được 14 thổ ngữ, hậu duệ mang hai dòng máu của người Mỹ bản địa Cherokee và người da trắng khai hoang đến từ Scotland.
Công lao dưỡng dục ơn từ mẫu Báo hiếu chưa tròn mẹ thứ tha Sầu dâng chất ngất hồn con trẻ Luyến tiếc khôn nguôi bóng mẹ già... Vâng! Thưa mẹ, bốn câu thơ trên con viết vào đúng cái ngày mẹ vĩnh viễn rời bỏ chúng con ra đi. Tám năm rồi, nỗi đau mất mẹ vẫn chẳng hề nguôi ngoai. Mỗi lần nghĩ đến mẹ là con tỉnh hẳn người không ngủ được. Đêm nay cũng vậy! Mưa rả rích suốt từ buổi chiều, bầu trời xám ngắt, phủ một màu thê lương rét buốt. Cứ mỗi độ Đông về, con lại nhớ mẹ quay quắt, không làm sao quên được ngày Giáng Sinh buồn năm ấy. Mẹ hấp hối nơi phòng ICU của bệnh viện....
Ngày xưa ,lâu lắm tôi vẫn thường nghe ba mẹ kể về Hạ-Uy-Di (Hawaii), về Trân- Châu-Cảng (Pearl Habor). Đây là một căn cứ hải quân lớn của Mỹ, nơi mà vào Thế chiến thứ hai (ngày 7-12-1941) đã bị Nhật bất ngờ tấn công, dội bom gây thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ. Ngày nay những chứng tích về trận chiến lịch sử vẫn còn lưu lại nơi đây. Tôi mơ ước có dịp đi đến vùng đảo thơ mộng này, nhưng ở VN thời bấy giờ ước muốn một chuyến đi như vậy là điều không tưởng.
Phi trường Minneapolis-Saint Paul international Airport (MSP) thuộc bang Minnesota Hoa Kỳ, nơi đây nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay; có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh vẽ đến điêu khắc, được trưng bày ở nhiều khu vực của sân bay. Tôi rảo bước ngắm từng góc cạnh của mỗi bức tranh với cách dậm màu, nét vẽ và bố cục của từng bức sao cho mau hết thì giờ chờ đợi vào máy bay. Tôi và chồng sẽ đi nghỉ hè hai tuần trên tàu du lịch Celebrity Millenium mà điểm đến chính là xứ Phù Tang, xứ này nằm ở phía đông của thế giới, nơi mặt trời mọc.
Lá thư nào viết gửi cho chị em Thu, má Thu cũng bắt đầu bằng bốn chữ "Các con thương nhớ". Tiếng là gửi chung cho ba chị em, nhưng hình như má Thu chỉ thủ thỉ tâm tình với chị Thúy, còn Thu với thằng Tuấn tuy cũng được nhắc nhở tới, nhưng là ở cuối thư, phần "dặn dò dạy bảo"! Thiệt tình mà nói thì Thu cũng không lấy làm khó chịu lắm về lối cư xử hơi thiếu công bằng này. Chẳng phải Thu đại lượng gì cho cam, nhưng tại vì Thu đã quá quen với lối đối xử khác biệt của má Thu đối với ba chị em, từ hồi còn ở quê nhà. Điều này Thu đã cảm nhận thấy từ hồi bé xíu, chẳng hạn như những lần mấy chị em giành giựt đồ chơi, bao giờ má Thu cũng bênh vực chị Thúy, dù chị là chị lớn nhứt trong ba đứa. Hay những lần được chia quà cáp bánh trái, bao giờ chị Thúy cũng được phần nhiều hơn...
Nhạc sĩ Cung Tiến