Hôm nay,  

Đi Mỹ Ăn Tết

09/02/202400:00:00(Xem: 2664)

 
Loan Nam Vũ Ni Tết 2023
KimLoan (bìa phải) cùng các bạn từ Úc, Mỹ tại Hội Chợ Tết Quý Mão 2023, Bến Thành Plaza, Arlington, Texas
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

*

Có lần tôi thông báo với nhỏ bạn trong ca đoàn nhà thờ là sắp đi Mỹ ăn Tết, nó la lên:

- Trời, tưởng bà về Việt Nam ăn Tết chứ đi Mỹ ăn Tết thì cứ ở đây ăn Tết. Canada và Mỹ cũng là Tết tha hương nơi nào chẳng giống nhau.
- Đồng ý, nhưng có khác nghen, bên đó tui có đầy đủ người thân: có ba, có các anh chị em, các cháu và họ hàng gần xa, như vậy là đủ ấm áp và ý nghĩa với tui rồi, đó là chưa kể bên Texas hổng có tuyết rơi mù mịt vào ngày Tết nha.

Nhỏ gật gù:

- Cũng có lý.
- Càng có lý nữa là qua Mỹ tôi sẽ là... thượng khách của các anh chị tôi. Nay ăn (chực) nhà này mai ăn (chực) nhà khác, rồi mấy đứa em họ dẫn đi ăn nhà hàng, tóm lại là khỏi phải thò tay nấu nướng gì cả, cứ việc ra ngoài du Xuân và về nhà ăn cỗ cùng gia đình. 

Thật vậy, trong khi Tết ở Canada tuyết trắng xóa đất trời, thì Arlington vùng Dallas Texas chỉ hơi se lạnh, gió mát hiu hiu trong bầu không khí khô ráo, tuyệt vời biết bao. 

Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào.

Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ. Hàng hóa Việt Nam chưa xuất khẩu qua nhiều, cũng may có bà chị dâu của tôi mới trở về thăm mẹ bệnh ở Việt Nam trước Tết nên đem qua được các món Tết: các phong bao đỏ lì xì, bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng, các bịch mít sấy, khô mực xé nhỏ ướp sẵn gia vị, kẹo chuối, kẹo dừa, kẹo đậu phộng ... cũng đủ cho mâm bánh kẹo ngày Tết của đại gia đình.
 
Mấy bà chị tôi cao hứng quyết định nấu bánh chưng như ngày xưa còn ở Việt Nam để kỷ niệm mùa xuân đoàn viên đầu tiên trên đất Mỹ. Chao ôi là nhớ, hồi ấy cứ gần ngày 30 là ông chú họ đến gói bánh chưng giùm nhà tôi. Chị em tôi vo gạo đãi đậu xanh, ba tôi cắt thịt heo và ướp tiêu ướp muối, người rửa lá chuối, người chẻ lạt. Khi mọi nguyên liệu đã sẵn sàng, ông chú oai phong ngồi trên chiếc chiếu ngay sân sau nhà, cẩn thận và khéo léo gói mấy chục chiếc bánh, chúng tôi ngồi quây quần bên chú xem chú gói bánh để học hỏi. Đến con chó Kiki nhà tôi hình như cũng cảm nhận được giây phút vui vẻ chuẩn bị Tết đầm ấm này, nó góp mặt nằm gối đầu lên hai chân soải ra thảnh thơi bên cạnh tôi và ngay cả suốt đêm canh củi lửa nồi bánh, con KiKi cũng luẩn quẩn sau nhà, không rời nửa bước vì sợ lỡ... cuộc vui.
 
Nhưng nay ở Mỹ không còn cảnh gói bánh chưng "linh đình" như thế nữa, chỉ gói vừa đủ trong chiếc nồi lớn ngoài garage. Đêm Texas yên bình, chúng tôi ngồi uống trà, ăn kẹo đậu phộng, canh nồi bánh để tìm lại những kỷ niệm xưa, những mùa xuân xưa nơi quê nhà, mà ngậm ngùi, mà xao xuyến nhớ thương.

Lúc đó cũng chưa có các hoa mai hoa đào giả như bây giờ, tôi chợt nhớ hồi ở trại tỵ nạn Thailand chúng tôi tìm các cành cây khô về, dán hoa mai bằng giấy vàng lên, điểm vài lá xanh, cũng ... rực rỡ lắm. Tôi bèn rủ đứa cháu cùng ra sau vườn chặt một nhành cây, đem vào để ngay góc phòng khách, rồi treo các phong bì lì xì màu đỏ, nhìn cũng vui mắt và có màu Tết!

Đêm giao thừa, không pháo nổ, đại gia đình ăn bữa cơm tất niên, có thịt kho trứng, chả lụa, bánh chưng, dưa muối, miến gà, rồi lì xì lẫn nhau. Ba tôi rưng rưng nước mắt, giây phút đoàn tụ mà trước đây, khi các anh của tôi và tôi lần lượt đi vượt biên, chúng tôi không dám mơ. Tạ ơn cuộc đời, tạ ơn nước Mỹ.

Một chợ lớn duy nhất tại Arlington lúc đó là chợ Hongkong có tổ chức buổi Văn Nghệ Mừng Xuân vào tối Mồng Một, với hai danh ca đang nổi như cồn là Don Hồ và Ngọc Lan . Ui chu choa, mấy chị em dì cháu chúng tôi  nao nức đi xem văn nghệ để được tái ngộ ca sĩ Ngọc Lan vì chị ấy chính là hàng xóm cũ thuở xưa. Chị là ca viên có giọng ca solo hay nhất giáo xứ Đức Tin mà! Thiệt là vui khi được đi xem chị hát, ủng hộ chị Thanh Lan, là tên thật ở xứ hay gọi chị như thế, qua đây chị lấy nghệ danh Ngọc Lan. Hồi đó tôi chỉ là cô bé 9-10 tuổi mà đã mê mẩn ngắm sắc đẹp của chị Lan mỗi khi chúng tôi đến nhà xứ chơi, gặp ca đoàn chị đang tập hát.

Chúng tôi đến buổi Hội Xuân-Văn Nghệ rất sớm, tìm được mấy chỗ ngồi tốt gần sân khấu để chút nữa sẽ lách vào cánh gà tìm thăm chị Lan, nhắc lại kỷ niệm xóm cũ. Chương trình Văn Nghệ bắt đầu với các ca sĩ địa phương, điệu nhạc rộn ràng “Xuân đang đến bên em, dáng xuân tuyệt vời ...” làm tôi ngứa chân, rủ đứa cháu trai ra sàn nhảy. Đang tưng bừng trong tiếng nhạc xập xình, bỗng người bên cạnh dừng lại, nhìn tôi:

-  Chị Loan! Chị Loan đúng không?

Trong tranh tối tranh sáng của ánh đèn mờ ảo, tôi khựng lại vài giây rồi reo lên:

-  Thảo! Thảo, trời ơi là trời, chị đi tìm ba má em mấy năm nay!

Thế là chúng tôi nắm tay nhau nhảy cẫng lên sung sướng, rồi tiếp tục nhảy tưng tưng như điên vì hạnh phúc vỡ òa, tìm lại người quen cũ ngày xưa rất thân thiết bên Việt Nam. Sau bài nhạc đó, chúng tôi kéo nhau ra phía ngoài nói chuyện, những câu chuyện bất tận của 7-8 năm xa cách tưởng như không bao giờ được gặp lại, niềm vui này còn vui hơn đi tìm ... Ngọc Lan. Chúng tôi hỏi thăm nhau tới tấp:

- Chị sống ở Mỹ hả, thành phố nào?

- Từ trại tỵ nạn chị qua Canada, bữa nay qua Mỹ ăn Tết với gia đình. Còn ba má và tụi em ở đâu?

- Nhà tụi em ở Dallas, tụi em xuống Arlington đêm nay vì Đạo chồng của em chơi nhạc keyboard trong ban nhạc Văn Nghệ Mừng Xuân nè chị. Tối nay về tụi em báo tin chắc ba má tụi em sẽ mất ngủ để chờ nói chuyện phone với chị đó.

Sau này, vợ chồng Đạo- Thảo sinh đứa con đầu lòng, Celine Thiên Ân, cô bé ấy nổi danh cả vùng Dallas vì có giọng ca đặc sắc, đã từng đoạt giải tại cuộc thi VStar Kids 2017của Trung Tâm Thúy Nga và hiện nay là ca sĩ đắt show nhất trong các dịp Lễ, Tết tại địa phương. (Tôi sẽ viết về cô bé này trong một dịp khác).

Đó là kỷ niệm của cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ, và mới đây lại có thêm một cái Tết khó quên.

Tháng Một năm 2023, vợ chồng con cái chúng tôi bay qua Arlington, Texas nhân dịp ông xã đi Pharmacy Conference bên New Orleans và kết hợp ăn Tết cùng đại gia đình. Cũng giống như thường lệ, ngoài mục đích chính họp mặt những người thân yêu, chúng tôi còn dành thời gian ngao du các thành phố lân cận thăm viếng bạn bè, người quen.

Đến thành phố Arlington như trở về “ngôi nhà thứ hai”của mình. Ông xã tôi cũng thuộc tất cả các con đường từ nhà các anh chị em của tôi đến các khu khác của thành phố Arlington, nếu cần lái xe đi FortWorth, Plano, Garland, Dallas, Houston, San Antonio... chúng tôi cũng tự tin thẳng tiến, chẳng cần nhờ ai hướng dẫn, chỉ đường (vì còn có GPS khi cần thiết, lo gì).

Bây giờ chợ búa Việt Nam đã phong phú, đã nhập về đủ các món tết từ Việt nam, Taiwan, các loại bánh mứt, hạt dưa, các món muối chua củ kiệu dưa món. Trái cây cũng nhập về "cầu dừa xài đủ" cho bà con tha hồ mua sắm, chưa kể các loại hoa Xuân rực rỡ một góc chợ, từ hoa cúc tươi vàng rực, đến hoa mai Mỹ, và cả mấy chậu hoa mai Việt Nam nữa, chẳng hiểu họ kiếm ở đâu ra.

Dù thời đại này youtube chỉ dẫn đầy đủ cách gói bánh chưng bánh tét nhưng các chị tôi không gói làm chi cho cực thân, vì đã có những hội đoàn nhà thờ, nhà chùa bao giàn, món mặn món chay không hề thiếu.

Một cái Tết đầy đủ vật chất, nhưng chúng tôi đã vắng đi một người thân. Ba tôi mất ở tuổi 95 ngay sau mùa dịch Covid. Từ khi ba còn khỏe mạnh bình thường chúng tôi đã hỏi ý ba sau này qua đời ba có muốn chôn cất hoặc mang tro cốt về quê quán ở Việt Nam không, ba trả lời ngay:

- Ba đã sống ở Mỹ thì chết và an táng ở Mỹ, ba yêu nơi đây, nước Mỹ quê hương thứ hai đã cho ba cuộc sống hạnh phúc, con cháu của ba đang sinh sống và lớn lên ở Mỹ. 
 
Hồi đó nghe câu tuyên bố của ba, tôi đã gọi điện thoại sang khen ba và nói vui:

- Nước Mỹ mà nghe được câu nói này của ba họ sẽ cảm động lắm và trao tặng ba huy chương vàng đó. 

Chiều 30 tết các anh chị em chúng tôi đi thăm mộ ba, má ngay tại thành phố Arlington này. Nghĩa trang Moore khu "gia cư" của ba má tôi đây. Khi an táng ba, chúng tôi đã gởi theo cả hũ tro hài cốt của má mang từ Việt Nam sang, để  hai ông bà "gặp lại nhau" chung một nấm mồ, tiện cho con cháu viếng thăm. Ba má tôi có duyên với nước Mỹ đấy, ngày xưa cách đây mấy chục năm có thày bói nào đoán ba má tôi về già qua đời sẽ được an táng tại một nghĩa trang ở Mỹ thì không ai tin nổi. 

Nhắc lại chuyện Ba tôi yêu nước Mỹ, tôi xin kể về một người hàng xóm cũ, cũng đang sống cùng thành phố Arlington mà gia đình tôi rất quý mến.

Chị tên Lưu, cũng có những ý tưởng như ba tôi. Hai vợ chồng chị không có con cái, sang Mỹ diện H.O, vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ hai ba năm thì chồng chị bị đột quỵ nằm một chỗ. Chị đã cực khổ chăm nom chồng gần chục năm trời. Khi chồng qua đời thì tuổi chị đã ngoài 60 không còn cơ hội đi làm và chị tiếp tục hưởng trợ cấp chính phủ. Chị Lưu không có thân nhân ruột thịt ở Mỹ, chỉ có gia đình người chị chồng. Chị Lưu share phòng ở nhà một người quen. Nhiều người khuyên chị Lưu về Việt Nam sống, có mấy gia đình người em để nương tựa khi tuổi già sức yếu, nhưng chị Lưu luôn khẳng định chọn con đường ở lại Mỹ. Ở Mỹ sức khỏe được bảo vệ và an toàn tài chính cho tới khi chị qua đời không phải lo nghĩ gì cả. Nếu phận số không may về già đau ốm bệnh hoạn thì vào nursing home, khỏi phiền lụy đến thân nhân nào. Về Việt Nam được gần gũi người nhà, được sống trên quê hương mình nhưng nghĩ mỗi khi đến chốn công quyền, khi vào bệnh viện lúc đau yếu, phải năn nỉ biếu quà biếu tiền là chị đủ khiếp sợ. Mấy chục năm qua chị Lưu đã quen nếp sống ở Mỹ, nơi mà quyền con người được tôn trọng dù là một người nghèo đang ăn tiền trợ cấp chính phủ.

Tôi mừng cho chị Lưu đã quyết định sáng suốt. Vợ chồng tôi có ghé nhà chị uống cafe, vui mừng hơn khi thấy chị sống khỏe mạnh, bình an trên quê hương mới mà chị nói sẽ chọn nơi này suốt quãng đời còn lại.

Một niềm vui khác, tôi được gặp vợ chồng người bạn cùng lớp thời học cấp 3 sau gần 40 năm xa cách. Người bạn này, đi vượt biên năm 1986 và định cư bên Úc, chúng tôi chỉ “gặp” nhau trên facebook, chưa bao giờ có ý nghĩ được “tay bắt mặt mừng” vì tôi chưa có ý định đi Úc và bạn cũng chưa có lý do đến Canada. Nhưng đời ai biết được chữ ngờ, “hữu duyên thiên lý” khi vợ chồng bạn từ Úc bay qua Oklahoma thăm gia đình người chị ruột cùng lúc tôi cũng từ Canada bay qua Arlington, thế là vợ chồng bạn book ngay vé từ Oklahoma đến Arlington để gặp tôi. Một niềm vui không biết trước, một cuộc hội ngộ không hề nghĩ tới, và đã xảy ra, vui không kể xiết.

Có phải nước Mỹ luôn mang niềm vui hội ngộ bất ngờ cho tôi để... thưởng công tôi đã yêu mến nước Mỹ chăng?

Ngày hẹn gặp mặt, ông xã tôi bận đi Conference ở New Orleans nên tôi phải nhờ ông anh ruột chở tôi đến hotel đón bạn, (vì bạn ở Úc lái xe vô-lăng bên tay phải nên qua Mỹ hổng dám lái), sau đó anh đưa chúng tôi đến Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo để chụp hình, viếng Nhà Thờ, rồi cuối cùng đưa chúng tôi đến Hội Chợ Tết tại Bến Thành Plaza vì anh phải ra phi trường đón một người thân khác của gia đình từ Seattle về Arlington ăn Tết. Trước khi lái xe rời đi, anh tôi có chút lo lắng, không muốn để “người Canada và người Úc” bơ vơ trên xứ Mỹ, tôi vui vẻ:

- Trời ơi, em qua đây như đi chợ, cái Bến Thành Plaza và Asia Times Square em thuộc như lòng bàn tay, hơn nữa, Hội Chợ toàn người Việt thì anh lo gì chúng em bị lạc chớ!

Tôi và vợ chồng người bạn đến Hội Chợ Tết khá sớm, lưa thưa vài người bắt đầu vào parkinglot, dạo quanh các cửa tiệm ăn uống bên ngoài và bên trong Plaza. Ngay cửa vừa bước vào là gian hàng các món ăn vặt của Thiền Viện Quang Chiếu (Arlington), các anh chị bán hàng niềm nở chào đón và giới thiệu các món: bánh bò nướng, bánh tằm, bánh da lợn, bánh waffles đổ nóng hổi ngay tại chỗ. Vợ chồng người bạn còn đang say sưa nhìn ngắm, chưa quyết định thử món nào, tôi bèn nhanh nhẩu lên tiếng để “điền vào chỗ trống”:

- Đây là hai người bạn của tôi từ Úc Châu mới qua Mỹ lần đầu, còn tôi từ Canada, chúng tôi đang “khám phá” (vừa khám vừa... phá) nước Mỹ, các anh chị thông cảm chờ chút nhe!

Nghe vậy họ cười thật tươi, vui vẻ:

- Ồ vậy sao, welcome to America!

Vì câu “ bạn tôi mới đến Mỹ lần đầu”, nên ai cũng nhiệt tình xúm xít giới thiệu các món ăn một cách ưu ái, cũng là cách giới thiệu về nước Mỹ, về sự thân thiện của người Mỹ gốc Việt dành cho những người “ngoại quốc” là chúng tôi. Thấy mọi người tiếp đón chúng tôi nồng nàn, tôi vui quá, vì được lộc Tết hưởng ké theo bạn, cứ “dạ dạ vâng vâng” rồi thoải mái thong thả ăn thử hết tất cả samples các loại bánh, mà món nào cũng ngon tuyệt.

Bạn tôi cảm động hứng chí đề nghị chụp chung một tấm hình kỷ niệm tình thân ái “Mỹ- Úc-Canada”. Sau đó chúng tôi mua một số bánh ủng hộ gian hàng Thiền Viện Quang Chiếu, lại tiếp tục đi vòng quanh khu Hội Chợ xem các món hàng và xem ca nhac. Vừa ngồi xem Văn Nghệ, vừa cầm ly nước mía tươi, và dĩa xôi xoài, cùng mớ bánh bò, bạn tôi luôn miệng xuýt xoa, ở Mỹ cái gì cũng ... bự, cũng ngon, no quá nhưng sẽ quyết chí ăn cho hết kẻo về Úc lại thèm.

Đến khuya, sau khi no căng bụng, chúng tôi kêu ông anh tới đón. Trước khi đưa vợ chồng bạn tôi về hotel, anh đề nghị đưa họ xuống downtown Dallas ngắm cảnh Dallas By Night. “Thật là một kỷ niệm không bao giờ quên của nước Mỹ” là câu nói của bạn tôi sau khi trở về nhà. Tôi cũng vậy, về Canada mà lòng còn vương vấn những dư âm của phút giây hội ngộ mùa Xuân trên đất Mỹ.

Nhỏ bạn thân có lần thắc mắc:

-  Bà ở Canada gần 30 năm trời, mà sao gia đình chưa bảo lãnh qua bển, để bà cứ suốt ngày ở đây viết bài nhớ nhung ca tụng Mỹ Quốc?

Thực ra cách đây hơn mười năm, sở di trú Mỹ đã gửi giấy kêu cả nhà tôi 4 người đóng tiền Visa, chuẩn bị qua Mỹ đoàn tụ theo giấy bảo lãnh của ông anh Hai. Nhưng vì nhiều lý do, nhất là công việc của ông xã và hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ, nên tôi, một lần nữa, không có duyên với “anh” Mỹ, nhưng có nợ với “chàng” Canada. Mà thôi, như vậy tôi được yêu thương cả hai quốc gia, lời quá nhiều.

Hồi mùa hè, ông xã tôi hớn hở báo tin:

- Đầu năm 2024, anh sẽ đi Conference ở San Diego từ Feb 1 tới Feb5, tức là 5 ngày sau là mồng một Tết Giáp Thìn, em có muốn đi theo như năm ngoái, tụi mình sẽ lái xe xuống Little Sài Gòn đón Xuân?

- Thế ư? Chương trình hấp dẫn đấy, dù California không có anh chị em đông đảo như bên Texas, chỉ có mỗi ông anh làm hãng Boeing, nhưng ổng đi công tác liên miên, chẳng biết kỳ này có nhà không?

- Thì em đã từng nói, hễ em qua Mỹ ăn Tết là có tin vui mà, năm nay thử xem. Em cứ từ từ suy nghĩ, muốn ở lại nhà làm MC Tết cho Hội Người Việt Edmonton hay qua Mỹ đón Xuân, rồi cho anh biết để book vé. 
 
Nhưng lần này tin vui đến sớm hơn mong ước, vì ngay vài hôm sau, tôi nhận được tin trúng giải Chung Kết cuộc thi Viết Về Nước Mỹ 2023, để rồi cuối tháng 11 tôi có một chuyến đi lãnh giải, gặp gỡ những cây bút “biết tên từ lâu, giờ mới biết mặt” đầy ắp kỷ niệm yêu thương nhớ đời. Bất ngờ hơn nữa, là tôi, một dân “ngoại đạo” (không phải công dân Mỹ) mà may mắn được nhận giải Vinh Danh Tác Giả, hạnh phúc như một giấc mơ.

Vậy đó, lần nào qua Mỹ ăn Tết, thậm chí chỉ mới dự định thôi nhé, mà xứ Mỹ luôn tặng tôi  những thú vị bất ngờ .
Ôi, lòng tôi còn vui hơn... Tết
 
KIM LOAN
Edmonton, Xuân Giáp Thìn 2024
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,403
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám và giải Danh Dự năm 2023. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới nhất của tg, về việc ông bà trông giữ cháu ở Mỹ.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. Bài viết này MTTN viết về giọt nước mắt người Mẹ, là tác giả Phương Hoa, một cây viết đoạt giải Chung Kết VVNM được yêu mến. VVNM và Việt Báo một lần nữa xin chia buồn cùng tác giả và tang quyến.
Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn “hay “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em” …mà nếu đôi mắt đó che bằng một cặp kính dày thì làm sao mà “thấy” được cái tâm hồn đầy thơ mộng và lãng mạn để…sa vào đôi mắt đây? …nên tôi nhất định không đeo kính cận khi đi học hay đi chơi để mong có cơ hội chớp được anh chàng nào đó lỡ dại sa vào đôi mắt mơ huyền của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra mình bị cận thị khi học trung học vì không thấy rõ được chữ thầy cô viết trên bảng, ngay cả khi ngồi trên ghế bàn đầu trong lớp. Nhà nghèo, không có tiền đi bác sĩ để lấy toa và mua kính nên tôi thường mượn sách của bạn xem lại những thiếu sót. Và cứ như thế tôi học xong trung học, đỗ Tú tài và vào học đại học.
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Ở những thành phố tại miền Nam Cali mà tôi đã ở thì mỗi tuần một lần, xe đổ rác sẽ đến từng nhà để mang rác đi. Tại thành phố tôi đang cư ngụ, thứ tư hàng tuần là ngày đổ rác. Khoảng 7:30 sáng thì xe đổ rác xanh (cỏ, lá, vỏ trái cây) sẽ đến lấy rác đi. Khoảng giữa trưa thì đến lượt xe đổ rác tái sinh (recycle). Đến năm giờ chiều thì xe đổ rác đồ ăn và những thứ rác còn lại sẽ chạy chuyến chót. Tất cả mọi nhà trong xóm, trừ gia đình hai ông bà Mỹ già bên kia đường, đều kéo các thùng rác ra lề đường mỗi tối thứ ba để cho các xe rác đến đổ vào ngày hôm sau. Hai ông bà Mỹ già luôn đợi đến khoảng 7 giờ sáng thứ tư mới kéo thùng rác ra. Điều này làm tôi rất bực mình, nhất là vào các tháng mùa đông, vì tiếng động kéo thùng rác của hai ông bà đánh thức tôi dậy.
Đã bao giờ bạn cầu nguyện một điều gì chưa? Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng chắp tay cầu nguyện một điều gì vì lòng trắc ẩn khi nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở dải Gaza, vạn gia đình bồng bế nhau chạy giặc, những nấm mộ ven đường gợi nhớ quê xưa. Bạn thầm cầu nguyện bình an cho những người khốn khổ được trở về nhà. Tôi nhìn những người lính trẻ dưới giao thông hào tuyết đá lầy lội của trận chiến đang cam go giữa Ukraine và Nga, tôi nhớ chiến tranh ở quê nhà nên thầm cầu nguyện ơn trên che chở cho những người lính vì họ còn quá trẻ. Bạn cầu nguyện cho những người không quen biết đang bị động đất ở đâu đó trên địa cầu được bình an trở về nhà. Tôi cầu nguyện cho cơn sóng thần khủng khiếp tiếp diễn đổ vào hoang đảo, đừng đổ vào những thành phố ven biển đông dân cư, nơi tôi chưa từng nghe hay biết đến địa danh đó trước khi xem tin tức trên tivi… Nhưng đã bao giờ tôi và bạn suy nghĩ về hành vi của mình với những người không quen biết, những nơi chưa từng nghe tên hay đến đó bao giờ.
Với tôi hình ảnh đẹp nhất thế giới không phải là hoa hậu hoàn-vũ đăng-quang, hoặc siêu mẫu chân dài, hoặc siêu cầu thủ túc-cầu, hoặc tân tổng-thống siêu cường, hoặc tân giáo-chủ nào đó; mà là đôi uyên-ương dắt tay nhau chậm rãi, rất chậm rãi đi bộ dọc phố Bolsa sầm-uất. Chàng đi khập khiểng, nàng dựa vai nghiêng. “Đây là vợ em mười mấy năm rồi,” Tâm giới thiệu Diệu khi họ bước vào văn phòng tôi. Có lẽ bạn đã nghe nhiều chuyện về con lai. Năm mươi năm từ 30/4 rồi còn gì. (Không cần phải thêm 1975 vì ai cũng tự hiểu. Có không hiểu thì chỉ là giả bộ.) Nhưng chuyện của Tâm, Việt lai Mỹ Đen, thì tàn nhẫn. Phải dùng chữ tàn nhẫn. Càng tàn nhẫn, càng đượm yêu thương khi tình yêu đến.
Những điểm tốt đẹp hấp dẫn của Little Sài Gòn, Nam California (mà người Việt hải ngoại mình hay gọi ngắn gọn là Khu Bolsa), đã được nhiều người nói đến. Nào là khí hậu ôn hoà, nhiều bờ biển nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp xinh, cây trái hoa lá tốt tươi và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt khắp nơi đổ về thưởng thức. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây làm gì (kẻo bị... guýnh sao, ngu gì!). Sự thực, kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ canh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người, có phải ? Thôi thì “điểm cộng” người ta nói hết rồi, bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”, nha!
Tác giả tên thật Trần Đình Phước, Sanh năm 1947, Cựu Trung Úy Không Quân VNCH. Đến Mỹ 10-1992. Danh sách HO-13. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2023 Hiện đang sống tại San Jose. (Ghi lại cuộc nói chuyện giữa một học sinh và một nhân viên Crossing Guard tại ngã tư Curtner Ave và Booksin, Ave, thuộc Thành Phố San José trong lúc em chờ phụ huynh đến đón.)
Nhạc sĩ Cung Tiến