Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ Khai Bút Năm 2024

05/01/202400:22:00(Xem: 3541)
LIZ--FIRST-MONTH-
Niềm vui đầu năm (hình do tác giả cung cấp)
 
Ngày đầu năm, năm đó, cả nhà cô Ba gồm mười mấy người lớn nhỏ ra tiệm ăn cơm Tàu. Đại gia đình sống trong một thành phố nhỏ, chỉ có mỗi nhà hàng Tàu này mà thôi. Tiệm đắc lắm, có món lạp xưởng hết sẩy, đang thèm mà.

Trong tiệm đầy khách ăn nói xôn xao vui vẻ. Sự ồn ào y như mấy quán ăn hồi còn ở Việt Nam. Làm như tất cả những những người gốc Á Đông sống xung quanh đều tụ lại đây hay sao ta?

Đang ăn, bỗng dưng cô Ba thấy quặn đau một cái, ngưng nhai, đợi, rồi tỉnh bơ nhai tiếp. Đau quặn thêm cái nữa, cũng đợi, ngừng tay gắp, làm thinh, chịu đau. Má cô ngồi ngang mặt, ngó xét đoán, hỏi:

-Phải đau bụng đẻ hông con?

Cô Ba nhăn mặt, nói:

-Dạ. Quặn quặn mấy cái rồi. Chắc vậy rồi Má ơi.

Má cô hối:

-Thôi tụi con ăn lẹ lẹ lên đặng chở nó vô nhà thương.

Gần 6 giờ sáng, chịu đau mấy tiếng đồng hồ, con gái sanh ra đời. Nếu sanh trước một ngày,  ngay khi người ta đếm ngược từ số 10  xuống tới số 1 mà con ra đời thì mẹ đã được thưởng là có thêm một công dân của đầu năm mới rồi.
 
Sau khi sanh, cô ngủ say. Mở mắt, người đầu tiên cô thấy là chồng. Y cúi xuống hun lên trán cô, nói nhẹ với nụ cười, vui mừng trong ánh mắt ngời sáng:

-Cám ơn mình.
 
Có những năm cho qua luôn, có năm đáng nhớ như vậy, lâu ngày rồi cũng còn nhớ cơn đau của năm xưa.  Má cô nói khi đổi đầu con như vậy (nghĩa là sanh hai con trai, bây giờ đổi qua con gái) thì đau bụng nhiều hơn và lâu hơn.

Cái đau của thể xác, sự hồi hộp của tinh thần, đứa này trai hay gái? Anh nói, con nào cũng thương hết, nhưng nếu con gái thì sẽ ngưng sanh. Còn nếu lòi thêm một hoàng tử nữa thì sao ta?

Sống ở Mỹ, những năm tháng đầu rất là cực, khổ vì nghèo. Muốn tránh phải sống trong nghèo hoài thì không nên có con đông, lo cho con không toàn vẹn, tội nghiệp cho tụi nó, vì vậy hai vợ chồng cùng đồng lòng, nếu lần này sanh con gái, hai nếp một tẻ có đủ, thì ngưng.

Và rồi cô Ba quyết định “Thôi đủ rồi”  sau khi anh chồng bồng đứa con đầu năm còn đỏ hỏn trên tay, miệng cười mím chi, nhìn vợ, trìu mến.
Sau đó không lâu, hai đứa mới hăm mấy tuổi, anh đã đi giải phẫu nhỏ để ngừng “sản xuất”

Ông bác sĩ hỏi đi hỏi lại, cho chắc chắn. Ông nói:

- Hai người còn trẻ lắm, nên suy nghĩ cho thật kỹ.

Nhưng chúng tôi đã quyết định.

Anh đã nói với cô Ba:

-Để anh làm chuyện này chớ không muốn mình phải uống thuốc ngừa thai nữa, có hại về sau.

Tình thương yêu vợ, anh giữ cho tới lúc anh thở ra mà không hít vô nữa.

Sau này thấy con gái lớn lên hơi cô đơn vì hai đứa anh lớn hơn 5, 6 tuổi, cô Ba rất hối hận, sao mình không ráng sanh thêm đứa nữa?
 

Năm nay, 2024.

Hồi khuya, nghe tiếng pháo bông nổ đùng đùng, chộn rộn, sáng rực góc trời một hơi, rồi lẹt đẹt vài chỗ, biết là mình cũng thức, đón năm mới.

Sáng ra, ánh mặt trời tưng bừng lên, lòng dạ cũng hớn hở tươi vui theo. Cô Ba nhớ hai câu thơ bất hủ mà cô luôn để tâm, của thi sĩ triết gia người Mỹ gốc Lebanon:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.”

(Wake at dawn with winged heart and give thanks for another day of loving)
Kahlil Gibran
….

Sáng ngày đầu năm Dương Lịch.

Điện thoại reng reng, bốc máy, giọng vui vẻ của người “bạn vàng” ngân lên:

-Chị, chiều tối hôm qua chị làm gì? Có đi đâu hông?

Cô Ba chắc chắn bạn đã có câu trả lời dùm cho cô rồi (Bả chắc ở nhà chớ đi đâu) nhưng cô cũng cười khì:

-Có đi đâu đâu. Hôm qua trời mưa mà.

-Ờ há, sáng qua mưa, nhưng chiều tối kìa. Tụi em đi ăn tiệc mừng “countdown” vui quá. Tụi nhỏ nhảy nhót tưng bừng, còn trẻ nên sung sức quá, mình theo đâu nỗi. Từ 5 giờ chiều tới hơn 3 giờ sáng. Quá vui.

-Ờ thấy hình đăng trên facebook đông quá. Phải vậy chớ. Hai ông bà còn bên nhau vui là phải còn sức cứ đi chơi cho khỏe người. Nhảy nhót là một cách thể dục hay lắm nghen. Tui thì ở nhà. Bữa nay tính viết một bài cho báo.

Bạn cười thông cảm:

-Ờ ờ chị lo viết bài đi nhe em gọi hỏi thăm chị thôi. Thôi “bye” nghe chị.

-Ừ, “bye”

Ừa, bay đi, đi ngao du sơn thủy đi, khi vợ chồng còn nắm lấy tay nhau, nhe bạn.

Người bạn này, sợ cô Ba buồn cơ đơn, thường xuyên thăm hỏi. Nấu món gì ngon cũng múc đem tới cho. Cho chị ăn đi.

Có khi múc ra tô, lựa lựa miếng xương ít thịt, cho nhiều rau cải vô vừa ý của bạn, ngồi nhìn bạn nhai ngon lành mà vui trong bụng. Thảo ăn như hàng xóm tốt. Có lòng như người thân. Thử lật bàn tay mặt của cô Ba mà coi đi, chỉ tay cô có phước đường này. 

Bây giờ, tài chánh cô có thừa để đi du lịch. Du lịch mà không cần phải về cho kịp ngày trở vô làm việc. Đi làm thì không được bịnh, không dám nghỉ, để dành số ngày và tiền bạc cho kỳ nghỉ năm tới.

Bây giờ có đủ mọi thứ thì người bạn đường không còn đi chung nữa.

Cô ngó ra cửa sổ. Sáng trưng, ánh nắng chiếu vô làm thành đường dài lẩn quẩn bụi xoay mòng mòng. Bụi xoay như cuộc đời xoay, ta mãi quẩn quanh, như mọi thứ quanh ta bao giờ cũng quay, như trái đất quay trong cõi hư không.

Cho tới khi bụi đời ta ngừng xoay, thì ta cũng trở thành cát bụi, quấn vô vòng trái đất mà quay tiếp.

Đầu năm 2024, nhớ anh chị Từ - Nhã, qua 23 năm gần gũi; nhớ tất cả mọi người; bạn xa bạn gần bạn thân bạn sơ. Và gia đình.
Gần thì cách vài tiểu bang, xa thì thăm thẳm cả một đại dương.
Năm mới, cầu chúc tất cả mọi người, thân sơ, được đầy đủ sức khỏe và may mắn, mọi sự hanh thông.
Chúc cho Việt Báo trụ  vững trách nhiệm truyền thông, minh mẫn và công bình.
Chúc tiểu và đại gia đình mọi sự an lành.
Và con rồng cái nhỏ, được quân bình trong tâm hồn.

“Đá văng năm cũ bay xa 
Bao nhiêu phiền muộn nhọc nhằn lướt đi 
Mời năm mới đón an bình 
Khỏe vui hạnh phúc diệu kỳ tới mau”
(Thơ Ngọc Anh Trương)
 
Và khuyên cô Ba, hãy nhìn ra ngoài thường xuyên, để thấy cỏ vẫn mọc, cây vẫn lớn và bông vẫn nở, cô vẫn thở ra và phải hít vào, như ngày nào, còn anh./.
 
Trương Ngọc Bảo Xuân 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,120
Qua báo chí, tôi được biết Yellowstone là một vùng đất rộng nằm ở Tây Bắc Tiểu bang Wyoming, nơi mà cách đây mấy ngàn năm đã có sự hoạt động của một núi lửa lớn với miệng núi đường kính dài 30km. Người ta tưởng tượng rằng nếu giờ này mà nó thức giấc thì cả miền Bắc Mỹ sẽ không còn. Tôi ao ước có dịp sẽ đến đây để tận mắt nhìn những kỳ tích đẹp và hùng vĩ mà núi lửa đã lưu lại sau hơn mấy ngàn năm ngưng hoạt đông, nhưng chưa bao giờ có cơ hội. Năm nay, nhân ngày lễ Memorial, con gái tôi đã sắp xếp xin nghỉ một tuần để lấy tour cùng đi thăm danh lam thắng cảnh này.
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây. ... Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
Thời gian này, tôi được cất nhắc làm “quan lớn” trong một xứ đạo ở quận Cam (Orange County). Vì vừa vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn, giáo xứ, nên tôi phải tập dần nhiều việc, như tập các câu kính thưa để lên phát biểu trước cộng đoàn cho quen, còn phải tập cách ăn nói cho chững chạc, vì bây giờ mình là quan rồi, dễ bị người ta “soi” lắm. Chẳng hạn như hôm trước, Quan Chủ Tịch Cộng Đoàn, gọi tôi ra ngoài nói chuyện:
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên. Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh... Tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục. Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ. Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ. Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt...
...Em rất hãnh diện được phục vụ trong quân đội Hoa-Kỳ dù chỉ là một hạ sĩ quan. Em yêu thích và không hối tiếc chút nào những việc em làm trong đời lính. Chỉ có một điều duy nhất hối tiếc ám ảnh em đến nay là người bạn đồng đội tri bỉ tri kỷ của em ngã gục phanh thây mà em không có mặt ở đó. Nó học chung với em sáu tháng Quân Trường Fort Sill, Oklahoma, từ tháng May 7-November 15, 1998, rồi hai đứa tình nguyện qua Iraq là chiến trận nguy hiểm nhất lúcđó,” Hùng ngửng đầu nói dồn dập với đôi mắt dõi nhìn trời cao như đang tìm người chiến sĩ đồng đội xưa. “Thương mến nhau còn hơn anh em ruột mà!”...
Chị Tâm trưởng nhóm Yoga gần bẩy mươi tuổi sở hữu thân hình cao thon săn chắc như người mẫu, chị nghiện bộ môn này vài thập niên trước lúc chị còn đi làm. Về hưu buồn tay buồn chân, chị rủ vài bạn thân đến nhà chị tập cho vui, tiếng lành vang xa, bây giờ nhóm của chị bành trướng đến mười mấy người, cô Ba là thành viên mới toanh thọ giáo chị. Cô vốn kín tiếng lại là ma mới nên chỉ nghe các chị hóng đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng cô góp một câu giúp vui, tuyệt nhiên cô câm như hến khi có người cao giọng dạy đời hay chê bai ai đó.
Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên. Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy ...
... Ừ nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!...
... Ra về tôi suy nghĩ liên miên về tình bạn lính, bạn tù, bạn đời thật quý “Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể” (Olive Schreineray), anh Thân đến với anh Mùi trong lúc này thật thích hợp vì họ đã hiểu nhau và hơn hết là đồng cảnh ngộ. Còn tình cha con thương yêu quấn quýt thì đẹp như một bài ca...
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”(khuyết danh) Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy - khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang… Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
Nhạc sĩ Cung Tiến