Hôm nay,  

Con Chó Biết Nói

08/07/202200:00:00(Xem: 3007)
 
Tác giả nguyên là Luật Sư, hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện làm Manager cho Le’s Enterprises tại Honolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài Tôi Hiến Tủy (2001), Vợ Tôi Bị Ung Thư (2008), Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa (2017), và Nhật Ký Đi Tìm Bạn Rùa (2017).  Đây là bài đóng góp thứ năm của Lê Tấn Phước.

*
 
Cách nay mấy năm, khi vợ chồng tôi đang ở Nha Trang, thì vào hôm trước lễ Giáng Sinh, chúng tôi nhận được tin Bambi mất.

Vợ chồng tôi rất thương Bambi. Chúng tôi không có con, nên nuôi Bambi và xem nó như là con của mình. Nay nghe tin Bambi không còn nữa, cả hai chúng tôi đều rất đau lòng. Tôi huỷ bỏ các chương trình đi chơi và thăm viếng. Hai vợ chồng tôi nằm ở khách sạn, chờ ngày về lại Mỹ.

Trong những ngày chờ đợi, tôi cố gắng dấu nỗi đau trong lòng và tìm cách làm cho vợ tôi quên chuyện Bambi. Nhưng tôi không thể làm cho vợ tôi tránh khỏi đớn đau. Làm sao tôi có thể an ủi được vợ tôi khi chính tôi cũng đau nhói  trong tim. Hầu như cả ngày hai vợ chồng tôi nằm ôm nhau khóc. Rồi khóc... Lại khóc... Chúng tôi thấy thương và tội Bambi vô cùng! Năm ấy vợ chồng tôi đón Giáng Sinh bằng nước mắt.

Trong lúc đau buồn, tôi bỗng có ý nghĩ, là thử gọi người đã gây giống Bambi, hỏi xem có con chó nhỏ nào không. Vợ tôi cũng tán thành ý kiến này. Vậy là tôi gọi ngay về Mỹ, và người chuyên gây giống chó Toy Poodle cho biết là đang có một con mới đẻ được hai tháng. Tôi mừng quá, dặn ông ta để dành cho tôi. Trước đây tôi đã từng mua hai con với ông ấy, nên ông hứa sẽ giữ cho tôi đến ngày tôi về lại Mỹ.

Từ hôm đó, hai vợ chồng tôi bàn nhau nên đặt tên cho nó là gì. Rồi hai chúng tôi cùng suy nghĩ, gợi ý tên này, tên kia. Nhờ vậy mà vợ tôi, và cả tôi, đã bớt đau buồn về chuyện Bambi ra đi.

Cuối cùng, chúng tôi chọn tên cho nó là LêTôn Pino. “LêTôn” là tên ghép họ của tôi và của vợ tôi; còn “Pino” là tên của một họa sĩ người Ý, người có những bức tranh mà cả hai chúng tôi đều rất thích. Hơn nữa, từ “PINO” còn có chữ “P” và “N” là tên tắt của tôi và của vợ tôi. “LêTôn Pino” sẽ là tên chính thức trên giấy tờ, còn tên gọi ở nhà chúng tôi cũng đặt cho nó là “Bambi”. Chúng tôi thích tên “Bambi” nên con nào cũng đặt tên này.

Vợ chồng tôi chưa thấy mặt Pino, nhưng nó đã làm cho hai chúng tôi, nhất là vợ tôi, vơi buồn rất nhiều. Tôi xem nó như là cứu tinh của chúng tôi.
 
Bambi1
Bambi (hình tác giả cung cấp)
 
Sau khi trở lại Hawaii, vợ chồng tôi đi đón Bambi về liền.

Kể từ ngày bồng Bambi (Pino) về nhà, chẳng hiểu sao nó quyến luyến tôi và tỏ vẻ thương tôi hơn thương vợ tôi. Đây là một điều lạ. Từ trước đến giờ, chúng tôi nuôi nhiều con, nhưng con nào cũng thương vợ tôi hơn thương tôi. Chỉ có con Bambi này là khác đời.

Vợ tôi rất thích các loại chó nhỏ. Vợ tôi bồng ẵm, nựng nịu, hôn hít, chiều chuộng và không bao giờ la rầy, nên con nào cũng thương và quấn quít vợ tôi; còn tôi tụi nó coi như cơm nguội.

Mấy con trước đây thương vợ tôi là điều dễ hiểu, nhưng con Bambi này thì trái lại. Vợ chồng tôi suy nghĩ hoài mà không tìm ra được lý do tại sao nó thương tôi hơn thương vợ tôi.

Những khi hai vợ chồng ngồi ghế sofa xem TV, Bambi nhảy lên nằm gác đầu trên đùi tôi. Thấy thương chi lạ! Vợ tôi kêu nó qua, nó vẫn nằm im không nhúc nhích, coi như không nghe thấy.

Mỗi khi tôi lên nằm trên giường, Bambi nhảy lên theo, leo nằm trên ngực tôi, đưa miệng hôn tôi lia lịa. Hoặc khi vợ chồng tôi ăn cơm, Bambi ngồi trên ghế sofa nhìn sang bàn ăn canh chừng. Đến khi thấy tôi buông đũa là nó nhảy xuống, chạy lại đòi bồng. Tôi bồng nó lên, cho nằm trong lòng. Bambi nằm im, đến khi nào tôi kêu xuống là nó nhảy xuống. Những việc thường ngày như vậy Bambi không bao giờ làm với vợ tôi.

Ở trong nhà, tôi đi đâu là Bambi đi theo đó. Vợ tôi nói nó là cái đuôi của tôi. Tôi vào phòng tắm, Bambi nằm chờ ngoài cửa. Tôi ngồi vào bàn làm việc, nó nhảy lên ghế nằm sau lưng tôi, chiếm hết nửa ghế. Ngồi lâu, tôi mỏi lưng, nhưng không dựa lưng được vì Bambi nằm phía sau. Thấy thương, không nỡ đuổi nó xuống, nên tôi đành phải ráng chịu.

Mỗi lúc hai vợ chồng tôi đi đâu về, vừa mở cửa là Bambi chạy ra mừng tôi rối rít, rồi chạy lại đụng chân vợ tôi một cái, cho phải lẽ, xong quay lại mừng tôi tiếp. Nó mừng điên cuồng, hết nhảy loi choi lên hôn mặt tôi, rồi lại xoay vòng vòng, rồi lại nằm ngửa ra, rồi lại bật dậy nhảy lên hôn mặt tiếp... Nếu tôi không đứng dậy thì nó vẫn tiếp tục mừng, không dứt.

Khi đi xe, vợ tôi thường ngồi ghế sau để dễ tránh nắng. Vợ tôi bồng Bambi lên cửa sau, vừa thả ra là nó nhảy liền lên phía trước để nằm vào ghế bên cạnh tôi. Nó nằm nhìn tôi không chớp mắt, khiến vợ tôi cũng thấy tức cười. Đến khi ngừng xe, Bambi luôn đòi tôi bồng xuống, không chịu để cho vợ tôi bồng. Trăm lần như một.

Những khi tôi có việc đi ra ngoài một mình, đến khi về lại, Bambi mừng tôi hết cỡ. Vừa mừng, nó vừa khóc rí rí, như trách sao cha đi lâu vậy, làm con chờ quá trời luôn. Vợ tôi kể là nó nằm chờ tôi bên trong cửa suốt thời gian tôi vắng nhà, không rời nửa bước. Nghe mà thấy thương!

Buổi tối, tôi đóng cửa phòng ngủ lại, không cho Bambi vào vì nó thích nằm trên ngực tôi, khiến tôi không ngủ được. Nửa đêm thức giấc, tôi mở cửa phòng, thấy Bambi đã nằm ngay trước cửa từ hồi nào. Thấy tôi, nó nằm lật ngửa ra, chờ tôi gãi bụng. Tôi mắt nhắm mắt mở nhưng cũng ngồi xuống massage cho Bambi chừng vài phút. Nó có vẻ thích thú lắm, miệng rên ư ử đã quá, đã quá. Thiệt hết biết!

Đến nay, sau gần sáu năm, vẫn còn có một điều không thể hiểu về con Bambi này là tại sao nó lại thương tôi hơn thương vợ tôi.

Những ai đã từng ở vùng nông thôn đều biết là khi thả vịt ăn ngoài đồng, người ta phải lùa vịt đi chung một đàn, không để cho vịt đi lạc. Bambi cũng vậy.
Vợ chồng tôi dẫn Bambi đi bộ tập thể dục ở một công viên sát bờ biển Ala Moana. Vợ tôi đẩy nó trên một chiếc xe dành cho chó, giống như xe đẩy con nít. Mỗi lần tôi đi nhanh về phía trước, Bambi sủa lớn, như có ý kêu cha đi chậm lại, chờ con với. Hoặc khi tôi đẩy xe, nó thấy vợ tôi đi tụt lại sau, cũng sủa lớn, kêu mẹ đi lẹ lên mẹ, coi chừng lạc bây giờ. Ai thấy vậy cũng mắc cười.

Khi cả ba chúng tôi đi phố, nếu tôi bồng Bambi, thì nó ngoái đầu nhìn vợ tôi; còn nếu vợ tôi bồng Bambi, thì nó nhìn theo tôi. Bambi muốn biết chắc là tôi và vợ tôi không đi lạc.

Cho Bambi về quê chăn vịt là hết sẩy.

Mỗi khi tôi đi đâu về, sau khi mừng đã đời, là Bambi ngậm chiếc dép đem vào cho tôi. Nó đem vào để ngay chỗ cái tủ cất đồ ăn dùng để thưởng cho nó. Vậy là tôi phải mở tủ lấy một miếng thưởng cho Bambi. Lúc đầu nó ngậm dép mang vào cho tôi, khiến tôi bất ngờ vì tôi không hề dạy nó. Vậy mà Bambi cũng nghĩ ra cách xách dép để được thưởng. Thiệt khôn hết chỗ nói!

Vợ chồng tôi ở trong một chung cư cao tầng. Chúng tôi lười dẫn Bambi xuống đất đi vệ sinh nên mua tả lót ở ngoài balcon. Mỗi lần đi vệ sinh xong, nó vào nhà nhìn tôi hoặc vợ tôi, ý nói là con đi xong rồi, thưởng đi nha. Bambi cứ đứng nhìn miết, cho đến khi nào được thưởng thì thôi. Đôi khi muốn được thưởng quá, nó giả bộ đi ra ngoài balcon một lát, rồi vào nhìn tôi đòi thưởng. Tôi ra coi không thấy gì hết, nói đừng có xạo nha Bambi. Vậy là nó bèn tiu nghỉu bỏ đi, chắc đang nghĩ thầm trong bụng lừa keo này không được ta sẽ lừa keo khác. Đúng là Bambi sẽ lừa keo khác thiệt. Nó vẫn tiếp tục lừa dài dài...
 
Bambi
Bambi (hình tác giả cung cấp)
 
Bambi rất thích theo vợ chồng tôi đi ra ngoài. Khi nào đi công chuyện mà không thể đem nó theo được, là nó sủa vang trời vang đất, như la lên cho con theo với, cho con theo với. Từ nhỏ đến giờ, cái tật đòi đi theo này không hề thay đổi. Vậy mà lạ một điều là khi nào chúng tôi đi xuống xuống tắm hồ trong chung cư là Bambi để cho đi, không sủa một tiếng, dù mặt buồn thiu. Chúng tôi đi công chuyện hay đi tắm hồ thì cũng đều là đi ra ngoài. Tại sao nó không cho đi công chuyện mà lại cho đi tắm hồ? Khó hiểu. Có lần vợ chồng tôi thử lừa Bambi. Chúng tôi đi công chuyện, nhưng khoác khăn tắm lên người, giả bộ như đi tắm hồ. Tôi vừa đóng cửa là nghe nó sủa sau cánh cửa, ý nói đi phố mà làm như đi tắm, đừng có lừa con nha. Chúng tôi chịu thua, không qua mặt nó được.

Đến giờ này Bambi hầu như hiểu hết những gì vợ chồng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Nó nghe tôi nói với vợ tôi “sửa soạn đi chợ” là nó chộn rộn, lăng xăng, lít xít, hết chạy theo tôi lại chạy theo vợ tôi, đòi đi theo. Hay khi nghe tôi nói “tắm Bambi” và “cắt lông Bambi” là nó chạy trốn. Những khi kiểm soát miếng tả ngoài balcon, thấy Bambi tiêu tiểu từ hồi nào, tôi lớn tiếng nói “đứa nào tiêu tiểu giỏi quá”, thế là nó chạy lại đòi thưởng. Hoặc khi ra khỏi nhà mà không thể dẫn Bambi theo được, tôi nói “con ở nhà nha”; nghe vậy, nó liền nhảy lên nằm trên ghế sofa, mặt buồn thiu.

Bây giờ mỗi khi tắm hay cắt lông cho Bambi, vợ chồng tôi phải nói lái để nó khỏi biết mà chạy trốn. Thông minh quá cũng phiền!

Bambi vô cùng thính tai và năng khiếu giữ nhà thì số một. Căn hộ của chúng tôi luôn đóng cửa ra ngoài hành lang. Vậy mà nghe có ai đi ngoài hành lang là nó sủa inh ỏi. Vừa sủa nó vừa chạy  tìm tôi, như muốn báo rằng có người lạ kìa, có người lạ kìa. Tôi phải nói với nó biết rồi, biết rồi, đừng sủa nữa. Thế nó mới im.

Có dạo cứ khoảng năm giờ sáng là Bambi sủa, tôi phải nhảy xuống giường chạy ra la nó đừng sủa nữa. Về sau mới biết là có người đến giao báo cho căn hộ bên cạnh. Tôi rất khổ tâm khi Bambi sủa sớm như vậy. Dù mỗi căn hộ đều có hệ thống cách âm rất tốt, nhưng thế nào người ta cũng nghe tiếng sủa vào lúc sáng tinh mơ. Không biết có phải vì Bambi sủa hay sao mà căn hộ bên cạnh không còn mua báo nữa.

Khi đi vacation, chúng tôi gởi Bambi nhờ cô cháu giữ giùm. Nghe cô kể lại là Bambi nằm trong nhà, hễ nghe có tiếng động bên ngoài là nhào ra cửa sủa inh ỏi. Tiếng động đó có thể là tiếng chân người ta đi bên ngoài, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người làm vườn, và cả tiếng lá rơi. Cô cháu không thấy phiền mà lại rất khoái việc sủa giữ nhà này của Bambi, vì nhờ nó mà cô bớt lo sợ khi ở một mình.

Những con tôi nuôi trước đây, tuy cùng giống Toy Poodle, nhưng rất thân thiện, không sủa người lạ bao giờ. Chỉ có con Bambi này là khác người.

Ngoài việc giữ nhà, Bambi còn có một đặc tính nữa là giữ của. Khi tôi mướn thợ đến thay thảm, nó ngồi từ xa theo dõi thợ làm việc. Đến khi họ thu dọn đồ đạc mang về là Bambi nhào tới sủa dữ dội, như la lên bỏ xuống, đồ của cha tôi, bỏ xuống, bỏ xuống... Những lần sau, mỗi khi mang đồ về, những người thợ đều phải nói với Bambi đây là đồ của chú, không phải đồ của cha con, cho chú đem về nha. Bambi ngồi im như muốn nói OK, chú mang về đi.
Nhớ có lần vợ chồng anh vợ tôi đến nhà chơi. Cả nhà đang cùng nhau ngồi nói chuyện, còn Bambi thì nằm trong lòng tôi. Bà chị bỗng đứng dậy, đến cạnh cái bàn để ở góc nhà. Chị quay lưng lại, lục tìm món gì trong xách tay của chị, nghe rột rột. Bambi nghe vậy liền đứng thẳng dậy, sủa lớn mấy tiếng, như muốn hỏi mợ làm gì vậy, mợ làm gì vậy. Thấy vậy ai cũng cười về tính giữ của của nó. Nhưng chắc phải cho Bambi đi học môn công dân giáo dục để nó biết thế nào là lễ phép, thế nào tôn trọng bậc trưởng thượng.

Bambi nhỏ con, nặng khoảng bốn ký. Vậy mà nó không sợ con chó nào, dù lớn hơn nó gấp mấy lần. Nhớ có lần vợ chồng tôi đi picnic ngoài công viên, đang ngồi ăn bánh mì, thì Bambi vụt chạy, rượt theo hai con chó lớn. Nó nhào tới như muốn cắn hai con kia, khiến người chủ phải đứng giữa chận lại. Hai con kia hiền, chỉ đứng nhìn Bambi, chứ nếu cắn một cái là Bambi sẽ bị đứt làm hai. Tôi hoảng hồn, vội tuôn chạy theo bồng nó về. Tôi đã sơ ý, cột Bambi không kỹ, nên khi nó kéo mạnh, dây bị sút ra.

Mỗi lần dẫn Bambi đi ngoài đường, thấy có chó lớn, là chúng tôi bồng nó lên hay kéo nó đi lối khác. Nếu không, Bambi nhà ta sẽ anh hùng đánh nhau với giặc, không cần biết giặc to lớn cỡ nào.

Anh hùng kiểu Bambi coi bộ đau tim quá.

Có lần vợ tôi bồng Bambi đi Chinatown làm chân (pedicure). Khi cô thợ massage chân cho vợ tôi lên tới đầu gối, thì Bambi đang nằm trong lòng vợ tôi bỗng chồm xuống cắn tay cô thợ, khiến cô ta hoảng hồn rụt nhanh tay lại. Bambi nghĩ là cô thợ đang đánh vợ tôi, nên nó bênh vực mẹ. Từ đó về sau, trước khi massage cho vợ tôi, cô thợ đều xin phép Bambi cho cô massage cho mẹ nha, cho cô massage cho mẹ nha, Bambi good boy nha. Thế là nó nằm im, không cắn tay cô thợ nữa.

Năm nào cộng đồng người Việt tại Honolulu cũng tổ chức Hội Chợ Tết tại một công viên rộng lớn, với đầy đủ các mục múa lân, văn nghệ, và dĩ nhiên là không thiếu các gian hàng bán đủ các loại thức ăn, quà bánh. Chúng tôi bồng Bambi đi chợ Tết. Vợ tôi mua thức ăn tại gian hàng của một cô quen. Khi vợ tôi trả tiền thì cô chủ không chịu lấy. Vợ tôi dúi tiền vào tay cô ta, cô ta liền dúi tiền trả lại cho vợ tôi. Bambi lúc ấy đang được vợ tôi bồng, thấy vậy tưởng cô chủ quán đánh vợ tôi, nó liền chồm xuống cắn mạnh vào tay cô chủ, chảy máu. Cũng may cô chủ là người quen và Bambi đã được chính ngừa bệnh dại; nếu không, chắc chắn chúng tôi đã bị rắc rối to.

Buồn buồn, vợ chồng tôi chơi trò đánh nhau để chọc Bambi. Tôi giả bộ đánh vợ tôi, là Bambi nhào tới ngậm tay tôi kéo ra; đến khi vợ tôi giả bộ đánh tôi, thì nó cũng kéo tay vợ tôi ra. Hoặc khi chúng tôi giả bộ to tiếng với nhau, là Bambi sủa lớn lên, như nạt vợ chồng tôi im đi, không cãi nhau nữa, im đi.

Bambi tự bổ nhiệm mình làm Body Guard và Peace Keeper. Nó làm rất sốt sắng và rất có trách nhiệm. Nó làm không lương.

Chỗ ngồi thích nhất của Bambi là chỗ tay dựa của ghế sofa trong phòng khách. Nó ngồi đó quan sát mọi hoạt động của vợ chồng tôi.

Bambi ghét nhất khi thấy tôi đem dụng cụ ra tập thể dục. Mười lần như một, vừa thấy tôi mang đồ tập ra là nó sủa, như muốn nói dẹp đi, lại đây chơi với con, không được chơi một mình. Hoặc khi tôi đang ngồi trên ghế sofa với nó, bỗng đứng dậy bỏ đi, là nghe nó sủa vói theo, như muốn kêu đừng đi, lại ngồi với con, đừng đi.

Mỗi khi tôi nói chuyện điện thoại là Bambi nhìn tôi chằm chằm. Nó thấy tôi nói hơi lâu một chút là sủa lớn một tiếng, như cảnh cáo đủ rồi nha, đừng nói nữa.

Có lần vợ tôi đẩy xe đưa Bambi đi Chinatown. Đang loanh quanh đi chợ, vợ tôi gặp người quen, đứng lại nói chuyện hơi lâu. Bambi vừa nhìn thẳng mặt vợ tôi vừa sủa lớn, như la lên đi đi chớ, tám hoài vậy mẹ.

Có con chó nào lại cấm chủ nói chuyện lâu với bạn như Bambi không? Sợ nó luôn!

Còn khi Bambi thấy vợ tôi làm bếp, đi tới đi lui hoài, nó nhìn chướng mắt, bèn sủa lên đứng lại cái coi, chóng mặt lắm nha.

Vợ chồng tôi cưng Bambi, không nỡ la rầy nó, riết rồi nó coi mình như chủ nhà, muốn chửi chúng tôi lúc nào thì chửi. Chịu hết nổi!

Nhà tôi có một con robot hút bụi tự động, màu đen, nên tôi đặt tên là Cu Đen. Còn Bambi tôi đặt là Cu Trắng vì bộ lông nó màu trắng.

Khi lần đầu thấy Cu Đen chạy quanh quẩn trong nhà, Cu Trắng bèn đón đầu, vừa sủa dọa nạt vừa nhảy chồm qua chồm lại. Cu Đen lầm lũi tiến tới, ra vẻ đường ta, ta cứ đi, không sợ thằng Tây nào. Cu Trắng vừa sủa vừa nhảy lùi lại. Cu Đen vẫn hùng dũng xông tới. Cu Trắng hoảng hồn bỏ chạy.

Từ đó về sau, mỗi lần tôi bấm nút cho Cu Đen đi hút bụi là Cu Trắng Bambi chạy trốn. Thế mới biết cao nhơn tất hữu cao nhơn trị.

Bambi thương tôi nhất nhà, mà cũng cắn tôi nhất nhà. Nó có nhiều kiểu cắn. Nhẹ nhất là cắn dọa, chỉ hả miệng ra, cảnh cáo đối phương. Nếu đối phương tiếp tục làm điều mà nó không thích, nó sẽ ngậm tay đối phương, day qua day lại. Nếu đối phương lì, tiếp tục chọc giận nó, thì nó sẽ cắn mạnh, đau ráng chịu.

Bambi không thích tắm, nên khi tôi tắm cho nó, là nó cắn hai tay tôi ê ẩm. Về sau, tôi phải mang găng tay mỗi khi tắm Bambi. Cũng lạ, khi nó biết tôi không thấy đau nữa, thì nó cũng ít cắn hơn.

Chải lông cho Bambi cũng là một cực hình đối với tôi. Chải chỗ nào cũng OK nhưng không được đụng vào bốn chân của nó, nhất là hai chân trước. Đụng vào chân nó, là nó sẽ cắn cấp độ ba, nghĩa là đau ráng chịu.

Để cho Bambi bớt cắn, tôi lật ngửa nó nằm trên bàn, rồi lấy cây roi giấy để ngang cổ nó. Bambi cũng biết sợ, nằm im được một lúc. Nhờ đó, tôi chải được lông chân của nó. Nhưng tôi phải chải thay đổi bốn chân; nếu chải hoài một chân, nó bực mình, sẽ chồm dậy cắn tay. Dữ hết biết!

Người Mỹ thường nói “No free lunch”, nghĩa là không có chuyện gì là Free cả, là cho không cả. Bambi cũng áp dụng câu này sát nút.

Bambi rất thông minh, nó hiểu chúng tôi muốn gì. Nó hiểu hết, biết hết, nhưng lì không chịu nghe lời nếu không cho ăn. Khi nghe nói có ăn là bảo làm gì nó cũng làm theo, và làm rất sốt sắng. Đối với Bambi, không có gì là Free. Có cho ăn, thì ta làm; không cho ăn, thì ta không làm. Vậy thôi.

Vợ tôi kể cứ nửa đêm là Bambi khều khều vợ tôi đòi gãi đầu, gãi bụng cho nó, khiến vợ tôi không ngủ được. Nên những lúc gần đây, vợ tôi không cho Bambi ngủ chung nữa. Sáng vợ tôi mở cửa phòng, thấy Bambi nằm bên ngoài. Vợ tôi kêu nó vào, nó không vào, lại ngoay ngoảy bỏ đi, sang nằm trước cửa phòng tôi.

Như đã nói, tối ngủ, tôi đóng cửa phòng, không cho Bambi vào. Sáng thức dậy, tôi mở cửa, thấy nó đã nằm chờ tôi ngoài cửa. Vậy mà khi tôi kêu nó vào, nó không chịu vào. Tôi năn nỉ lắm, Bambi mới lửng thửng bước từng bước một, vừa đi vừa uốn mình, đến nằm cách tôi chừng nửa thước. Tôi lại năn nỉ tiếp, nó chậm rãi lết lết lại gần thêm một chút.

Bambi chảnh thầy chạy!

Mỗi lần vợ chồng tôi đi ra ngoài mà không cho Bambi theo, nó giận dữ lắm. Dù đã dỗ dành nó hết lời và nó đã chịu lên ghế sofa ngồi, nhưng khi tôi vừa đóng cửa là đã nghe nó sủa inh ỏi sau cánh cửa. Chúng tôi biết là ở nhà Bambi thế nào cũng trừng phạt vợ chồng tôi về tội không dẫn nó theo.

Có lần vợ chồng tôi về nhà vào một buổi tối. Vừa bước vào phòng ngủ, tôi ngửi thấy mùi hôi. Bật đèn lên, tôi tá hỏa khi thấy mấy cục phân nằm trên giường. Thì ra Bambi đã nhảy lên và ị trên giường tôi. Nó trừng phạt tôi vì không bồng nó theo. Ngoài balcon có đèn sáng, nhưng Bambi không xài tả ngoài balcon, mà lại vào phòng ngủ tối thui của tôi để ị. Thiệt hết nói!

Hình phạt Bambi thường áp dụng ất là tiểu trong nhà. Mỗi lần về nhà là tôi đi vòng vòng trong nhà tìm chỗ nó tiểu bậy và thế nào cũng tìm thấy nếu hôm đó chúng tôi đi lâu. Tôi cầm cây roi giấy, hỏi lớn đứa nào tiểu bậy đây. Vậy là Bambi lò dò đi đến dù thấy trên tay tôi có cây roi. Nó đến bên cạnh tôi, nằm ngửa ra, đưa mông chịu đòn. Bambi rất gan lì. Nó chấp nhận có sức chơi, thì có sức chịu.

Bambi có cá tính mạnh mẽ, đôi khi cũng hung dữ, nhưng không bao giờ để bụng hoặc thù dai. Mỗi khi nó phạm lỗi, tôi đánh vào mông nó một roi. Xong nó quay lại mừng tôi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Bambi có lẽ được nghe Thầy Pháp Hòa giảng pháp Phật nhiều, nên đã dùng ân để báo oán.
Phải chi ai cũng không có tâm thù hận như Bambi thì thế giới này sẽ bình an biết bao nhiêu!
 
Picture3
Bambi (hình tác giả cung cấp)
 
⁂   ⁂   ⁂
 
Người ta nói rằng nếu muốn có thú cưng để vuốt ve, nựng nịu thì hãy nuôi mèo; còn nếu muốn có thú cưng trung thành và yêu mến chủ thì hãy nuôi chó. Bambi có cả hai đặc tính của mèo và chó. Bambi có cá tính mạnh mẽ, nhưng nó lại nhõng nhẽo, thích được bồng ẵm, vuốt ve, nựng nịu... Còn về khoản trung thành và yêu mến chủ thì khỏi nói; Bambi có thể bỏ ăn bỏ uống đi theo tôi nếu một ngày nào đó tôi đi theo ông bà.

Thiệt tình là Bambi không nói được, chỉ vì gần gũi nó lâu ngày nên vợ chồng tôi hiểu nó muốn nói gì. Với sự thông minh vượt bực và tính khí ngang tàng của Bambi, nếu nó nói được, chắc vợ chồng tôi sẽ điên đầu vì nó.

May quá, Bambi không biết nói!
 

Ý kiến bạn đọc
13/07/202217:42:08
Khách
Bambi này lẹ làng lắm! Em đã đề phòng rồi mà nó "Phập" một cái, rút tay không kịp.
11/07/202210:54:09
Khách
Chuyện thật của Bambi tuyệt vời nhất của cô Út!
11/07/202207:02:00
Khách
Bài viết vừa hay vừa cảm động. Cảm ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,340
Mấy nay công việc trong hãng chậm quá, đơn hàng hổng có, mọi người tụm năm tụm ba nói dóc, bàn tán cả ngày. Mỗi nhóm có đề tài khác nhau. Nhóm đen tụi thằng Kieth, thằng Eddie, thằng Aaron… thì lúc nào cũng chuyện cá độ bóng chày, bóng rổ, bóng cà na, chuyện cầu thủ này chơi đẹp, cầu thủ kia xuất sắc, chuyện thằng Willi tát xướng ngôn viên trên thảm đỏ giải Oscar… Nhóm gốc mít như anh Tuấn, thằng Khôi thì toàn chuyện Việt kiều về nước ăn chơi, chuyện ông này bà nọ ăn bẩn...Nhóm thằng Andre, Jose… thì tám chuyện Mễ Tây Cơ. Nhóm đàn bà thì hổng biết nói chuyện chi nhưng chưa bao giờ thấy miệng nghỉ ngơi, kể cả lúc ăn uống, tám liên tu bất tận.
Dưới ánh nắng chiều chói chang, nhìn những quân nhân huấn luyện oai vệ với tác phong nghiêm chỉnh, các nam nữ tân binh mạnh mẽ, nhanh lẹ trong quân phục của người lính, ba-lô nặng trĩu trên vai đi đứng thao tác gọn gàng ngoài sân trường, các cô cậu học sinh thích thú xầm xì to nhỏ với người thân. Đi ngang cổng chính chúng tôi thấy câu phương châm của trường được ghi đậm trên cao “ We will not lie, steal, or cheat, nor tolerate among us anyone who does ” như một huấn từ của khóa sinh. Kế tiếp, chúng tôi được đưa tới sân cờ nơi có một bức tường đá đen dài gần ba thước hơi uốn cong có ghi tên các sĩ quan tử trận trong chiến tranh với dòng chữ được khắc như sau “ In Memory Of Our Fellow Graduates Who Have Fallen in Battle.” để mặc niệm!
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều, lần cuối trong đời cha được ôm chặt bé Bi vào lòng nghe con khẽ gọi hai tiếng “Cha ơi!…”
Quốc Kỳ của một quốc gia dĩ nhiên luôn luôn phải được tôn kính, yêu mến và trân trọng từ người dân của đất nước đó, bởi mỗi một đất nước vĩnh viễn chỉ có một Tổ Quốc và một Màu Cờ, nhưng bất hạnh thay lịch sử đã ghi lại biết bao nhiêu quốc gia sau cơn binh biến, hay sau những cuộc chiến tàn khốc, đất nước đã phải thay tên đổi họ, và lá quốc kỳ cũng đành ngậm ngùi thay hình đổi dáng cho phù hợp với tình trạng đất nước. Việt Nam của Thu Quỳnh cũng cùng chung số phận bi đát đau thương như thế khi cuộc chiến Nam Bắc tương tàn vừa kết thúc.
Thằng tôi lại lợi dụng mùa đông lạnh lẽo cùng với mùa đại dịch Cô Vi dai dẳng bị nằm nhà tù lỏng nên lấy sơn dầu, khung vải và cọ vẽ vung vít làm vui. Có chị bạn rất thích tranh tôi trưng lên Facebook và than ông trời bất công quá vì tài vẽ vời và viết văn vớ va vớ vẩn của tôi. Thật ra ai cũng có tài năng không ít thì nhiều mà nếu không dùng và luyện tập thì tài năng có hay chi mấy cũng bị hao mòn và mất mát. Nên tôi sáng tác hơi nhiều tranh, chất đầy trong phòng ngủ của cậu con trai đã dọn đi San Francisco làm thầy lang. Hai chúng tôi đã phải bàn nhau “xuất cảng” số lượng tranh trong nhà. Bạn bè ai biết thưởng thức nghệ thuật của mình thì cho không biếu không, khi thì trưng bán trên mạng saachiart.com và Instagram, bầy tranh bán khi mùa garage sale bắt đầu và có khi liều lĩnh dựng lều bán tại các Hội Chợ nghệ thuật địa phương để ai ngưỡng mộ tranh của mình thì khuân về nhà giùm.
Còn niềm sung sướng nào bằng khi được tiếp xúc các đàn chị đàn anh, bậc thầy cô xuất chúng. Mỗi ngày tôi được tắm gội trong biển thơ, và tưởi tẩm suối văn chương. Đọc tác phẩm nào cũng đều thấy có cái hay riêng để học hỏi, tác giả này có lối văn trong sáng, tác giả kia ý tưởng hay, tác giả nọ nội dung câu chuyện luôn hướng thiện, tác giả khác sưu tập những tài liệu bổ ích..v..v...Ngoài ra hội có nhiều trò chơi thú vị như làm thơ nối tiếp vần cuối, nạp bài về chủ đề này hay chủ đề nọ để ra sách, đóng góp câu chuyện ngắn dưới 100 chữ, hoặc mục tán gẫu đùa giỡn của 2 hội đàn bà.
Ông bà trùm Nguyện là một trong những người sáng lập ra họ đạo lẻ này. Ông bà đã bước vào lứa tuổi “bát thập cổ lai hy”, định cư ở đây từ những ngày còn chân ướt chân ráo, hoang mang lẫn vui mừng, bắt đầu cuộc sống mới, tự do trên đất nước được mệnh danh là Vùng Đất của những người Can Đảm (Land of the Braves). Ông Nguyện là một cựu hạ sĩ quan ngành truyền tin của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biển và đến Mỹ năm 1980. Bà Hồng, vợ ông, cùng 2 con vượt biển 3 năm sau đó rồi đoàn tụ với ông vào năm 1984. Nhiều người tỵ nạn Việt Nam khác cũng dần tìm về đây, họ sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Thấm thoát cho đến nay, khi cộng đồng người Việt tại Nam California phát triển không ngừng, người kéo đến “đất lành chim đậu” ngày càng tăng, các chị đã là những nhân viên thâm niên kỳ cựu tại đây, rành rẽ các luật welfare, an sinh xã hội, góp phần giúp cộng đồng Mỹ và cộng đồng Việt bằng những kinh nghiệm và bằng niềm yêu thích công việc. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đó đây mà công việc đã cho cơ hội gặp gỡ, với tất cả niềm vui và hãnh diện, tôi cảm thấy đó cũng là sự thành công trong nghề nghiệp của các chị.
Chồng bà đánh cá ngoài biển, rồi theo người ta vượt biên đi mất. Một tay bà ở lại chèo chống nuôi con. Thời gian đầu không có tin tức gì của ông ấy. Gần chục năm sau mới thấy thơ về, nói ổng đã lấy vợ khác rồi. Ổng xin lỗi bà mong bà thông cảm, vì cuộc sống nơi xứ người khó khăn và bơ vơ quá. Bà kêu thằng hai viết thơ trả lời ba, rằng “Má hiểu hoàn cảnh của ba. Má không buồn đâu. Ba đừng lo, ráng giữ gìn sức khỏe“. Khi đọc những lời đó cho con, mắt bà ráo hoảnh. Nhưng buổi tối bà ngồi nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nước mắt ở đâu mà cứ tuôn hoài.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc một tâm tình khác, một ước mơ to lớn hơn mang tính cách cộng đồng. Hoài bão của một người bạn mà tôi tình cờ quen biết mới đây, có dịp viếng thăm khu vườn cây trái đang hình thành và một ước mơ, muốn khơi dậy tâm tình của cộng đồng người Việt rất đáng khích lệ của anh.Truyện bắt đầu từ vài năm trước, anh liên lạc và đến khu vườn của chúng tôi mua các loại cây giống như: Mận chuông, sapoche, chuối sứ...dần dần nói đến việc mò cua, bắt ốc, câu cá trong hồ, các loại cá anh thích ăn, thỉnh thoảng bắt được các loại cá này thì tôi nhắn tin anh đến lấy.Đường Colonial là trục lộ chính của Orlando, đặc biệt của người Việt. Chúng tôi đi lại trên con đường này hầu như mỗi ngày, trông thấy tấm bảng hiệu để tên Việt Plaza, lại có tượng đức Trần Hưng Đạo thật to ở ngay lối vào. Biết là của người Việt nhưng cũng không để ý lắm. Mới đây anh đến lấy cá và biếu lại một bọc trái trứng cá. Cái xe tải anh lái có dán chữ VIET PLAZA. Hỏi ra mới biết anh chính là chủ củ
Nhạc sĩ Cung Tiến