Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất của Bà, mong tác giả tiếp tục gửi bài.
*
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật!
Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói:
- Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy!
Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Dạo còn ở nhà cũ, sau nhà có một con kênh nhỏ bao quanh khu vực dân cư, trong đó có nhiều cá và rùa. Một sáng mùa hè, lão đang cắt cỏ, trong lúc mụ xới đất nơi khu vườn nhỏ, bất chợt nghe giọng lão réo lên từ góc sân sau gần nơi con kênh:
- Này mình, làm ơn lại đây mau lên!
Mụ buông chiếc xẻng nhỏ trong tay, đứng bật dậy đi nhanh đến chỗ lão đứng, không biết có chuyện gì mà giọng lão có vẻ gấp gáp?! Mụ đến nơi, lão chỉ tay vào một chỗ trũng trong góc sân bảo:
- Mình trông chừng chúng nó, để tôi vào trong garage kiếm cái hộp!
Chúng nó nào vậy trời? Chưa kịp hỏi thì lão đã đi nhanh về phía hông nhà! Mụ dán mắt vào chỗ trũng lão vừa chỉ, chỉ thấy một nhúm con vật gì tròn tròn như đồng xu đang nhúc nhích! Lão trở ra trong tay cầm chiếc hộp giấy nhỏ, nhìn nét mặt ngơ ngác của mụ lão giải thích:
- Đây là những con rùa con! Con rùa mẹ sống dưới nước kia, đến thời kỳ đẻ trứng nó phải lên cạn để đẻ. Xong xuôi nó trở lại dưới nước. Bây giờ những con rùa con đã nở ra và chúng cần phải xuống nước để sống.
Vừa nói lão vừa bỏ những con rùa con vào chiếc hộp giấy!
- Bỏ chúng vào đây làm gì? Mụ hỏi.
- Để mang chúng xuống kênh!
- Tụi nó cũng biết đường đi mà!
- Ừ, thì biết! Nhưng mà tụi nó còn nhỏ, từ đây xuống kênh phải mất thời gian lâu. Với lại nhiều khi trên đường đi nhở mấy con rắn hay mèo hoang bắt gặp ăn thịt chúng thì sao!
Có mình giúp thì chúng đi nhanh và an toàn hơn!
Mụ lằm bằm trong miệng:
- Khéo làm ba cái chuyện bao đồng! Nói vậy chứ mụ cũng đi theo xem lão làm gì. Tới bên bờ kênh lão ngồi xuống vừa bốc từng con rùa nhỏ bỏ xuống nước vừa lẩm bẩm:
- Về với mẹ mày đi, mẹ mày đang chờ ở nhà đó!
Những con rùa con không biết có hiểu lời lão nói không nhưng vừa chạm nước, 4 cái chân bé xíu thò ra dưới cái mai tròn như đồng xu 25 cent bơi thoăn thoắt như vui mừng!
Ngày mới chuyển về thành phố này, trong một lần đi lễ ngày Chúa Nhật, mụ gặp Hiếu & Thủy đôi vợ chồng người Việt Nam có tiệm nail ở đây! Ngày đó rất ít người Việt sinh sống trong thành phố này nên sau nhiều lần gặp gỡ đâm ra gần gũi! Một ngày nọ Hiếu gọi điện thoại:
- Mấy giờ chị đi làm về? Sáng nay em mới kéo cái rọ đặt ở con rạch gần nhà được rất nhiều cua xanh (con ghẹ). Chị có muốn ăn không em đem qua cho chị một ít!
Cha, lời này nghe hấp dẫn đây! Ngày còn ở quê nhà lúc nhỏ và sau này ngay cả khi lớn lên mỗi khi Mẹ đi chợ về thỉnh thoảng trong giỏ chợ vẫn có những xâu ghẹ sống mà người ta mang từ trong làng Thủy Triều, Cam Ranh ra bán, Mẹ đã mua về cho mấy chị em ăn buổi xế! Lâu lắm rồi, cũng đã mấy chục năm chưa được ăn lại, và dỉ nhiên là mụ hân hoan nhận lời ngay!
Buổi chiều Hiếu ghé qua nhà với một cái xô đầy ghẹ! Nhìn những con ghẹ tươi xanh mụ nghĩ đến món ghẹ luộc chấm muối tiêu tối nay! Ngon phải biết!
Một chặp sau lão đi làm về, mụ hớn hở khoe, lão nhìn chăm bẵm rồi nói:
- Chúng nó còn sống mình à!
- Ừ, thì chúng còn sống! Hiếu nó mới kéo cái rọ lên sáng nay mà!
- Mình định làm gì với mấy con cua này?
Mụ hớn hở:
- Thì luộc chúng rồi chấm với muối tiêu chanh, ngon lắm!
Lão e dè nhìn mụ rồi ngập ngừng nói:
- Hay thôi đừng ăn nữa mình à!
Mụ nhìn lão chưng hửng:
- Sao lại đừng ăn?
Lão chỉ tay vào xô ghẹ:
- Chúng nó còn sống mà mình luộc, tội quá! Chân chúng đang nhúc nhích muốn bò đi! Mình nhìn cặp mắt của chúng kìa, chúng nó đang nhìn mình xin đừng bỏ vào nồi nước sôi!
Mụ chẳng có nghĩ ngợi gì trước đó nay thấy lão nói một hơi dài, tự nhiên lòng mụ cũng xuyến xao! Ghé mắt nhìn vào trong xô, những con mắt nhỏ tí, tròn xoe đưa qua đưa lại như van xin!!!
Mụ buông xuôi:
- Vậy thôi chút nữa đem xô ghẹ trả lại cho thằng Hiếu!
- Ý, không được đâu! Đưa lại cho Hiếu thì cũng như không! Nó cũng ăn thịt mấy con cua này!
- Vậy thì làm sao?
Lão đề nghị:
- Đem chúng đến thả ở khu Marina gần downtown đó!
Mụ nhớ ra rồi, chỗ du thuyền đậu này là khu nước lợ nên cua ốc sinh sống ở đây!
Thế là sau đó lão hăm hở lái xe chở mụ đến khu Marina! Ra khỏi xe lão xách xô ghẹ đi trước mụ theo sau, đến gần chỗ bãi nước lợ lão nghiêng xô đổ chúng ra. Những con ghẹ vừa chạm đất, mấy chiếc chân vươn dài ra bước nhanh trên bãi sình như những con chim đang soãi cánh bay trong vùng trời rộng!
Sáng hôm sau Hiếu gọi, giọng vui tươi:
- Sao, tối hôm qua ăn ghẹ ngon không chị?
- Có ăn đâu mà ngon!
- Sao dzậy?
- Anh Chuck đi làm về thấy, nói chúng nó còn sống mà đem luộc tội quá nên tối hôm qua đem thả hết ở khu Marina rồi!
Hiếu kêu lên:
- Trời, uổng chưa!! Mấy con ghẹ mà em đem cho chị là mấy con to nhứt hạng đó! Biết vậy em không cho chị đâu!
Ngưng một giây như ngẫm nghĩ điều gì, giọng Hiếu nhẹ đi:
- Ảnh tâm hiền quá, thôi vậy là quý lắm chị à!
- Quý đâu không biết, chỉ biết là tối hôm qua chị mày đã mất một bữa ăn ghẹ rồi!
Có tiếng cười khanh khách của Hiếu bên kia đầu dây!
Hiếu ơi, vẫn luôn nhớ vợ chồng em và thằng cu Bảo, đặc biệt là nhớ câu chuyện cái xô ghẹ em cho năm nào! Lâu lắm rồi từ ngày vợ chồng em chuyển về Atlanta, chúng ta mất liên lạc. Nếu tình cờ có đọc được bài này em nhắn cho chị vài chữ bên dưới bài.
Bà chị của mụ trong một lần qua ở chơi với vợ chồng mụ một tháng thấy lão hiền như thế đã kết luận là mụ ăn hiếp lão! Trời ạ, trên cuộc đời này ai mà ăn hiếp ai được nhỉ?! Có điều là khi mình nói đúng thì các đấng anh hùng nghe theo, phải không quý phu nhân?!
Ngoài cái tính hiền lành, lão không hề dính líu tới ba cái rượu, bia, cờ bạc, hút xách, cá độ, trai gái....! Tính lão giản dị, áo quần mụ mua gì lão mặc nấy, không chê bai! Được thêm tính dễ chịu, mụ muốn làm gì thì làm, mụ vẽ rồng ra phượng, vẽ trăng ra đèn lão cũng chẳng buồn để ý!
Mụ vốn dĩ vụng về trong việc nấu nướng, nấu ăn bữa tỉnh bữa say, có khi nấu thấy cũng được, có khi nấu ngay cả mụ ăn còn thấy dở mà lão vẫn cắm cúi ăn hết phần ăn, không hề than phiền dù chỉ là nửa lời! Mấy đứa em mụ bảo lão là ông thầy chùa. Mụ kể lại, lão cười hiền lành:
-Được giống người tu hành thì phúc biết chừng nào! Chỉ sợ là không được giống thôi!
Nói tóm lại về mọi mặt mụ không hề phiền hà gì về lão! Nhưng, cuộc đời luôn có chữ nhưng! Lão có những hobbies mà Mụ rất “quoãi”, “quoãi” ghê lắm! Những sở thích mà vừa tốn tiền tốn bạc, vừa chật nhà chật cửa!
Cái sở thích thượng hạng của Lão mà cũng là cái “quoãi” nhứt hạng của mụ là những chiếc xe cổ! Lão mê những chiếc xe “già nua” như điếu đổ. Đàn ông mê gái như thế nào thì lão mê xe cổ như thế đó! Lão luôn tìm cơ hội mang chúng từ garage về nhà để loanh quanh bên chúng, nay siết lại con ốc chiếc này cho chặt, mai chùi cái đèn cho bóng của chiếc kia, bữa nọ lau tới lau lui từng chiếc xe cho sạch…!
Mụ cũng thuộc dạng người “cổ lỗ sĩ” mê những gì xa xưa cũ! Đi chơi xa nhiều khi mụ đứng lặng người trước vẻ đẹp của những ngôi nhà, những lâu đài cổ kính, si mê ngắm nhìn không muốn rời! Nơi mụ ở có những khu toàn là những ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm nên có dịp là mụ lái xe chạy đến đây vài vòng, ngắm tới ngắm lui! Và như thế nên những kiểu dáng của những chiếc xe cách đây cả 100, 90, 80 năm không nằm ngoại lệ! Chúng có một sức quyến rủ đặc biệt! Nhiều khi xem những cuốn phim quay lại cảnh của thập niên 1910, 20, 30, mụ xem tài tử diển xuất thì ít mà dán mắt vào những chiếc xe cổ thì nhiều! Nhưng mê thì mê chứ với mụ có 1 chiếc là được rồi, vừa đủ thời gian dành cho nó, lái đi loanh quanh cuối tuần là đủ vui! Nhưng lão không như thế, phải muôn màu muôn vẻ mới hào hứng!
Lão có tới 4 chiếc, 1 chiếc Buick Century, 1 chiếc Buick LeSabre. Cả 2 tuổi đời còn trẻ, trên dưới 50 tuổi, ít khi mắc chứng trái gió trở trời! 2 chiếc còn lại là chiếc Reo đời 1930, và chiếc Oakland đời 1920! Phải nhìn nhận rằng 2 “nàng” này rất xinh đẹp, nhưng mà tiểu thư quá, “nắng không ưa, mưa không chịu”, hôm nay nhức đầu, ngày mai đau bụng, bữa nọ chóng mặt, ngày kia sổ mũi….!!! Thế là lão phải mang đi “đốc tờ”, mà các “đốc tờ” này chỗ chữa bệnh lại ở xa, phải tốn tiền chuyên chở, và đặc biệt là “chém” tiền chữa bệnh như chém chuối!! Đã thế thời gian này giá xăng tăng cao muốn chóng mặt mà những chiếc xe này uống xăng như uống nước lạnh! Thiệt là ớn!
Garage ở nhà chỉ đủ chỗ cho 2 chiếc xe của mụ và lão, thế mà có thêm 4 chiếc nữa! Chỗ đâu mà đậu xe? Không hề gì! Giải quyết như chơi! Lão thuê một miếng đất, rồi tới chỗ chuyên làm garage, đặt họ làm một cái 4 chỗ đậu xe, cửa nẻo đàng hoàng. Tới ngày hoàn tất người ta đến khu đất đổ nền rồi dựng garage lên. Thế là lão có chỗ để chứa 4 chiếc xe, và mỗi tháng trả hai trăm bạc tiền thuê đất!!
Với lão, sinh ra và lớn lên trong một đất nước phồn thịnh, bình an, không chiến tranh! Cuộc sống đầy đủ từ thuở ấu thơ đến khi khôn lớn, không hề biết qua gian khổ nên có lẽ với lão mọi chuyện đơn giản, thích thì làm không cần phải nghĩ ngợi!
Với mụ, sinh ra và lớn lên trong một đất nước nghèo, lại thêm bom đạn chiến tranh kéo dài suốt nhiều năm tháng! Đặc biệt sau năm 1975 khi mất miền Nam Việt Nam, cuộc sống mọi người đầy khốn khổ! Thế nên cho dù bây giờ đời sống đã chuyển sang một chặng đường khác, an bình mọi mặt nhưng sự đắn đo, tiện tặn, không hoang phí của những ngày khốn khó vẫn như nằm sâu trong tiềm thức của mụ! 1 tháng $200, vị chi 1 năm $2,400, và 10 năm là $24,000! Cứ lẫm nhẫm tính như thế mà mụ bần thần cả người!
Ngoài cái “hobby” xe cổ như đã nói, lão còn có một dàn sưu tập “model cars”(mô hình xe)! Lão bắt đầu sưu tập nó từ năm lão 17 tuổi, và những chiếc xe bắt đầu từ năm 1951 đến khoảng 1974, đủ thứ loại xe: Chevrolet, Buick, Dodge, Ford, Pontiac, Oldmobile, Cadillac, Plymouth, Desoto, Chrysler, Imperial, Mercury, Lincoln, Rambler.v.v…Ngần ấy năm cho ngần ấy xe, lão đóng thùng chất đầy một “closet “ từ sàn lên tới trần nhà!
Một đôi khi lão moi trong trí, chợt nhớ là thiếu hai, ba chiếc gì đó trong bộ sưu tập, thế là lão mò mẫm vào eBay kiếm cho ra! Có khi lão chộp được chiếc người ta bán ngay, nhưng cũng lắm khi thấy đó nhưng phải đấu giá mới mua được. Thế là lão phải “vật lộn” trên mạng với các nhân vật mê xe như lão để tranh mua! Mà công nhận có rất nhiều người “hăng” như lão, đấu qua, đấu về không biết mệt! Có khi lão đấu thắng, có khi lão thua mặt mũi ủ ê, ngồi thừ người cả buổi! Mà khi đã đấu giá là không hề rẻ chút nào! Có một lần mụ tình cờ thấy chiếc xe lão thắng được lên tới $650! Mới thoạt nhìn mụ tưởng $65, ai dè đâu! $650 cho một chiếc xe nhựa như đồ chơi của trẻ con! Mụ hoa cả mắt, hai lỗ tai lùng bùng! Cũng may là lão chỉ thiếu hai, ba chiếc chứ mà thiếu hai ba chục chiếc thì chắc mụ đứt gân máu không biết lúc nào!
Lão còn thêm 02 cái sưu tập nữa mà mụ “quoãi” cũng không kém! Nhưng thôi, nói thêm nữa không khéo lại bị chứng cao huyết áp! Mụ chỉ rình rình vào email của lão, xoá hết mấy cái email người ta gửi báo ngày họ đưa hàng mới ra cho khách hàng mua để lão không order được! Mụ chỉ còn cách đó mới giảm nhiệt thôi!
Con người của lão thích có kỷ niệm và luôn gìn giữ kỷ niệm. Phần hành công việc của lão thuộc về bên International Division nên thường xuyên phải đi các quốc gia khác. Từ Âu sang Á, từ Châu Phi đến Châu Mỹ nơi nào cũng có bước chân của lão! Mỗi lần đi đến một nước nào lão thích nhất là mua vài món đồ ở nước đó đem về làm kỷ niệm! Mà nào có phải lâu lâu lão đi một lần cho cam! Hằng năm lão vắng nhà tổng cộng khoảng từ 4 đến 5 tháng! Ngần ấy thời gian cho rất nhiều quốc gia mỗi năm trong suốt 30 năm! Mỗi một quốc gia lão dừng chân ngắn nhất là 1 tuần và dài nhất là 7 tuần tuỳ theo sự đòi hỏi của công việc!
Mỗi lần về nhà là lão lại hớn hở khi mở vali ra:
- Này mình, cầm cái tô sứ này xem, nó nhẹ tênh phải không?! Đây là một loài sứ đặc biệt, chỉ có ở Ireland. Các nước khác không có đâu đấy nhé!
- Này mình, cái khung gương soi và chiếc hộp này làm bằng xương lạc đà mà Kazakhstan đã nhập từ Iran đấy nhé!
- Này mình, hai khuôn mặt chạm trổ trên hai khối gỗ này có đặc biệt không? Là do người Uganda làm bằng tay đấy!
- Này mình, El Salvador làm con ếch bằng sứ sơn đủ màu sắc, cái này mà treo lên tường thì trông cũng vui mắt phải không?
- Này mình, 2 bức tranh này mình thấy có giống cảnh Việt Nam không? Tuần đầu ở Thái Lan khi nhìn thấy một bức tranh vẽ những ngọn núi, trông giống núi ở VN quá, tôi mua ngay! Tuần sau đó tôi qua Singapore lại thấy bức tranh con đò bên giòng sông, thật là giống cảnh Việt Nam! Hai bức tranh này đã làm tôi nhớ Việt Nam nên đã không thể bỏ đi mà không mua đem về!
Nghe lão nói miên man, mụ biết là lão nói rất thật cảm xúc của mình! Lão yêu mến VN và người VN thì không nói hết được bằng lời! Tình cảm này đến khi lão còn là một chàng thanh niên rất trẻ, đặt bước chân đầu tiên (1972) đến mảnh đất VN rồi “fall in love” với đất nước và dân tộc này từ ngày ấy! Cho đến bây giờ, đúng 50 năm trôi qua, chàng thanh niên trẻ trung ngày nào nay đã là một ông già nhưng tình cảm ấy vẫn còn nguyên vẹn, đi đâu, làm gì, lão như thấy có hình ảnh của VN trong đó! Chuyện của lão với VN thì mụ viết hàng chục trang giấy cũng chưa hết!
Trở lại chuyện mua đồ kỷ niệm của lão! Và rồi với hằng hà sa số lần
- Này mình, cặp hươu cao cổ….
- Này mình, chiếc độc bình…..
- Này mình, gia đình nhà con Nai….
- Này mình…, Này mình….Này mình…
Mà giờ đây sau 30 năm “giang hồ”, dong ruổi khắp mọi nơi mọi chốn, trong nhà chất đầy không biết bao nhiêu là thứ lão khuân về từ bốn phương tám hướng! Những gì chưng được thì đã có chỗ chưng. Những gì không còn chỗ để chưng thì xếp lại trong thùng, đầy nhà đầy cửa!
Cũng may là lão đã về hưu chứ nếu chưa thì cái “mục” này vẫn tiếp tục, và mụ không biết làm sao đây?!
Những sở thích của lão, mụ càm ràm liên miên nhưng không biết vì lão hiền quá, hoặc có thể lão tâm niệm:
“Chó sủa mặc chó, đường ta ta cứ đi“hay sao mà mụ nói gì mặc kệ mụ, lão chẳng thèm nói tới nói lui lời nào! Và việc lão ưng lão cứ làm! Riết rồi mụ cũng chán, vả lại đôi khi thấy lão ngắm nhìn những sở thích của lão với cặp mắt sáng ngời, miệng cười như con trẻ được quà thì mụ cũng đành phải lấy băng keo mà dán miệng mình lại thôi!
Tuy nhiên một trong những sở thích của lão mụ cùng đồng hành đó là bộ sưu tập tài tử những tờ tiền từ các quốc gia mà lão có cơ hội đặt chân đến! Mụ không hề càm ràm cái vụ này! Thứ nhứt, không tốn nhiều tiền nhiều bạc. Thứ hai, không chật nhà chật cửa, chúng chiếm một diện tích rất khiêm tốn trong ngăn tủ! Thứ ba, màu sắc, hình vẽ trong những tờ tiền của từng quốc gia nói lên một chút lịch sử, một cái gì đó đặc trưng trong xứ sở của họ nên thật thú vị để xem! Đôi khi rảnh rỗi mụ mở cuốn album ra xem ngắm tới ngắm lui từng tờ giấy bạc!
Nhưng trên tất cả, cái “hobby” này của lão được mụ nâng niu nhiều là vì trong đó có những tờ tiền cũ của một quê nhà đã rất xa của mụ! Những tờ tiền rất cũ thì mụ không có ý niệm gì nhiều vì lúc đó mụ chưa ra đời, hoặc còn quá nhỏ. Nhưng những tờ tiền sau cùng của đất nước là những tờ tiền mà lúc ấy mụ đã lớn, đã biết tiêu xài, và đặc biệt tháng lương đầu tiên của công việc làm đầu tiên trong đời của mụ là những tờ tiền này nên chi chúng rất đỗi quí giá với mụ!
Những tờ tiền cũ của Việt Nam Cộng Hoà sẽ là sự gợi nhớ cho những người của Miền Nam Việt Nam một quãng thời gian tươi đẹp đã qua trên quê hương!
Hôm nay ngồi tẩn mẩn giở tập album tiền của lão, cũng như bao lần trước đây, lòng mụ lại bồi hồi khi nhìn những tờ bạc lâu lắm rồi của quê cũ! Những tờ bạc này đã gợi lại trong mụ những ngày tháng cũ của một nơi chốn cũ, một vùng đất yêu thương của một thời yêu dấu! Chúng đã nhắc lại trong mụ ký ức một thời tuổi trẻ với biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm, tươi đẹp! Đồng thời cũng gợi lại trong mụ một quê nhà đã trải qua rất nhiều năm chinh chiến, với những chia lìa đớn đau, những người ra đi đã mãi mãi không trở về!!!!
Nhìn để yêu thích nhưng rồi cũng đã ngậm ngùi! Tưởng như mới thấy đó, những tờ bạc tinh tươm, còn thơm mùi giấy mới, thế mà thoáng một cái, đã trở thành những tờ tiền xưa!!!! Và mụ cũng vậy, mới như thấy đó, một thời con gái, một thuở xuân xanh, thế mà nay đã trở thành người rêu phong cũ kỷ mất rồi!!
Có tiếng cửa garage mở, hình như lão đi hớt tóc đã về! Đóng album lại, bỏ vào ngăn tủ, mụ không muốn lão nhìn thấy nỗi buồn nhớ quê nhà của mụ. Một nỗi buồn mà có lần lão đã bảo làm tan nát trái tim lão khi không giúp được gì cho mụ!
Mụ bước ra khỏi phòng, có tiếng huýt sáo một điệu nhạc swing vui nhộn vọng vào từ “garage”! Đúng là lão, một con người đi thì thôi về đến nhà là ca hát véo von! Một con người mà lúc nào cũng “Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm....” đã về đến nhà!
Phi Nguyễn
Tháng 4/2022
Cam on tac gia
Cám ơn bạn đã đọc. Chúc bạn và gia đình một tuần lễ vui!
Cám ơn chị KDung đã thích bài viết. Chúc chị một tuần lễ vui!