Hôm nay,  

Số Ở Nhà “Công Thự”

01/04/202200:00:00(Xem: 3553)

                        

vvnm nursing home
Nhà dưỡng lão (hình minh họa).

 

Lê Đức Luận -  Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt. Trước năm 1975: Sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975: Bị “Tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986 -Thỉnh thoảng viết bài đăng trên các Đặc San: Ức Trai, Biệt Đông Quân, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Sau đây là bài tham dự VVNM mới nhất của ông.

*

Hai Búng vào nhà dưỡng lão hơn bốn tháng nay, thường xuyên gọi điện thoại cho tôi - cà kê đủ thứ chuyện ở viện dưỡng lão và bao giờ cũng kết thúc bằng một câu rất thuyết phục: “Mầy lên xem cơ ngơi mới của tao – Thiên đàng nếu có, cũng đến thế là cùng.” Tôi nghe mê tơi, cũng muốn xin vào viện dưỡng lão …

Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng...  ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”

Hắn căn dặn thêm: “Đến Búng, hỏi tên tao thì ít người biết mà hỏi “Cậu Hai Phạm” thì ai cũng biết. Muốn tìm đến nhà thì hỏi “nhà ông Thầy Năm Tử Vi” thì sẽ ra ngay.”

 Có lần tôi hỏi hắn: - Tại sao mày lớn lên ở đây mà ít người biết tên thật Phạm Bình Nhâm, chắc mày muốn giấu tên để người ta gọi “Cậu Hai Phạm” cho oai?

Hắn giải thích: - Không phải vậy mà do phong tục miền Nam - người ta thường xem cá tính, hình dạng, rồi lấy thứ bậc trong gia đình ghép vào thành tên gọi như: Hai Lúa, Ba Cao …một cách gọi cho gần gũi thân thương. Còn tao, vì hay ăn nói bổ bả, đôi khi làm thơ, đặt vè tố cáo, châm biếm mấy thằng bê bối, ức hiếp dân lành, nên chúng ghét, tìm cách vu cáo: phạm lỗi này, tội kia … Nhưng chúng chẳng làm gì được tao, chỉ gọi “thằng Hai Phạm”- tức là hay phạm lỗi cho bỏ ghét - riết rồi dân trong làng nghe quen tai, họ gọi tao “cậu Hai Phạm”.

Hôm tôi đến thăm Hai Búng – xem căn phòng rộng khoảng mười mấy mét vuông, kê một chiếc giường đơn và một cái tủ nhỏ đã thấy chật - “cơ ngơi” ấy làm sao so sánh được với ngôi nhà ngói cổ ba gian, hai chái, rộng thênh thang, lúc nào cũng mát rượi … nằm giữa một vườn cây ăn trái hơn năm mẫu của cha ông bao đời vun đắp ở gần chợ Búng mà Hai Búng sẽ là người thừa kế. Vậy mà bây giờ Hai Búng kêu tôi tới xem cái “cơ ngơi” này với lời ca tụng: “Thiên đàng nếu có, cũng đến thế là cùng”. Có lẽ Hai Búng đã “ngộ” được lẽ sống ở đời rồi chăng…?

 Nhớ lần đầu tiên Hai Búng đưa tôi về nhà ở chơi mấy ngày trong dịp nghỉ phép sau khi diễn hành ngày Quân Lực 19-6 năm 1967 ở Saigon. Khi trở lại Đà Lạt học năm chót, vùng đất trù phú này với những vườn cây trái êm đềm và sự nhân hậu, chân tình của của cha mẹ Hai Búng, biểu lộ đức tính hiền hòa, mộc mạc của người miền Nam, đã làm tôi lưu luyến … Vì vậy, khi ra trường tôi chọn Sư Đoàn 5 BB, vùng hoạt động gồm ba tinh Bình Dương, Bình Long, Phước Long (danh từ quân sự gọi: Khu 32 Chiến thuật) - Bộ Tư Lệnh đóng ở Lai Khê, chỉ cách Búng hơn 15 cây số. Còn Hai Búng chọn Biệt Động Quân – rày đây mai đó, rất ít khi được về thăm nhà.

Khi đơn vị nghỉ dưỡng quân hay được nghỉ phép vài ba ngày, tôi thường ghé thăm ông bà thân sinh của Hai Búng, ông bà rất mừng … Sự hiện diện của tôi, mẹ Hai Búng hình dung ra bóng dáng đứa con trai yêu dấu - thằng Nhâm. Còn tôi, qua hình dáng của bà gợi cho tôi nhớ về người mẹ thân yêu ở tận ngoài Trung - xa lắc. Sự tương giao đó đã tạo nên mối thâm tình và tôi được xem như một thành viên trong gia đình Hai Búng.

 Mỗi lần Hai Búng về phép, tôi cũng xin nghỉ phép vài ngày về chơi với Hai Búng, nếu đơn vị không bận hành quân. Gặp nhau, hai đứa tán đủ thứ chuyện: Ngoài chuyện gian nguy ở chiến trường, chuyện tình yêu, chúng tôi hay nói đến sự phi lý của một cuộc chiến tranh không cần thiết, về nỗi buồn và bất hạnh trong chiến tranh. Đôi khi hai đứa ngồi im lặng hằng giờ, nhâm nhi ly rượu nếp than (do mẹ Hai Búng nấu) nơi chiếc bàn đá sau vườn; nhìn những đàn chim bay về tổ, ríu rít tiếng kêu gọi đàn khi nắng chiều sắp tắt mà mơ về một ngày thanh bình - một ngày giã từ vũ khí.

Có lần tôi nói với Hai Búng: - Một mai hết chiến tranh, mầy về đây vui hưởng thú điền viên như Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa: “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu” và sẽ sống: “Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp / Trong thú yên hà mặc tỉnh say.”

Hai Búng thẩn thờ:

- Số tao không được như vậy. Ông già tao xem số tử vi, bảo rằng: Cung Điền Trạch của tao có chính tinh miếu vượng mà gặp tuần triệt nên khó được thừa kế tài sản của tổ tiên, nhưng lại có các sao Thiên Khôi, Thiên Việt, Hóa Lộc, Hóa Quyền chiếu mạng nên sẽ sống ở khu vực có nhiều cơ quan, nhiều bạn bè, người phú quý lui tới ... Vậy là chỉ ở trong “công thự”?

 -Công thự là nơi ăn ở, làm việc của mấy quan to, cấp cho những người có danh phận, làm gì đến phiên mày?

Hai Búng giải thích:

-Sang thì công thự mà hèn thì chung cư, trại gia binh, nghĩa là lá số cho thấy: tao sẽ không có nhà riêng. 

Tôi không hiểu nhiều về khoa tử vi và cũng không mấy tin vào lá số, nhưng khi nghe Hai Búng nói vậy, tôi không có ý kiến, vì ông già Hai Búng giỏi về khoa tử vi và rất nổi tiếng – trong nhà lúc nào cũng đông khách đến nhờ xem tử vi, đa số là người Saigòn. Bởi vậy tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện:

- Chờ xem!

Ngày tháng trôi qua, cuộc chiến mỗi ngày thêm ác liệt, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Khi cuôc chiến sắp tàn, tôi được tin Hai Búng bị thương nặng trong trận đánh ở Xuân Lộc, đang điều trị ở Tổng y viện Cộng Hòa, nhưng không thể rời đơn vị để về thăm.

Sau đó bao nhiêu biến cố dồn dập, tôi không liên lạc được với Hai Búng trong một thời gian dài. Rồi một hôm vào khoảng tháng Giêng năm 1979, hai đứa gặp nhau ở một nơi cách xa chợ Búng cả ngàn cây số - Trại tù K5, Tân Lập Vĩnh Phú, trên vùng Trung du Việt Bắc.

 Tôi nhớ mãi lần gặp gỡ buổi trưa hôm ấy: mừng mừng ... tủi tủi… Hai Búng đặt bàn tay gầy guộc lên bờ vai xương xẩu của tôi, run run khẽ nói: - Mầy vẫn còn sống?

Lẽ ra tôi phải nói những lời ân cần, hỏi han sức khỏe tôi lại buông một câu lãng xẹt: “Trại mày ở đẹp à nghen – tường gạch, mái ngói, giống như …
Tôi chưa nói hết câu, Hai Búng cười ngấc ngưởng, ngắt lời:

-Giống như “công thự”? Số tao ở nhà “công thự” mà mầy.

 Tôi định chen vào để chữa lời nói lãng xẹt vừa rồi: “tường cao, cửa sắt kiên cố thế kia thì đám tù hết phương trốn thoát, chứ đẹp cái nỗi gì?” Nhưng Hai búng cứ nói miết:

-Có cổng tam quan, có thằng đứng gác ngày đêm cho mình ngủ (Hai Búng hạ giọng nhìn quanh, sợ bọn ăn-ten nghe lén) - chỉ khác thời trước là mình ra, vào cổng hắn không bắt súng chào.

Hai Búng cười khùng khục, rồi tiếp:

-Nhưng “công thự” này không đồ sộ bằng cái “công thự” đầu tiên tao được ở.

-Ở đâu? Tôi hỏi.

-Khám Chí Hòa. Hai Búng trả lời.

Tôi thắc mắc hỏi tiếp:

-Làm sao mày lại vô khám Chí Hòa?

 Hai búng vừa nói vừa kéo tôi vào chỗ bóng mát dưới gốc cây bàng:

-Chuyện dài như tiểu thuyết - Trận Xuân Lộc bắt đầu ngày 9-4-1975, Liên Đoàn 7 BĐQ của tao  phối hợp với Trung đoàn 48 của SĐ18 BB phòng thủ từ núi Chứa Chan, Giá Rai đến Xuân Lộc. Bốn ngày sau, ngày 13-4-1975 tao bị thương khá nặng, được trực thăng bốc về Tổng y viện Cộng Hòa. Đang nằm điều trị trong bệnh viện, nghe bản tin buổi sáng ngày 30-4 trên radio: Dương Văn Minh ra lịnh Quân đội VNCH buông súng- chờ bàn giao” – Tao khóc!

-Tao không thể nào quên được nổi thê thảm của những thương binh VNCH bị đuổi ra khỏi nơi điều trị ở Tổng y viện Cộng Hòa vào ngày 1-5 – trong đó có tao. Đau thương, uất hận lắng vào tiềm thức, có lúc trổi dậy, khiến thơ, vè trong tao trào ra. Thế là chúng gán cho cái tội “biệt kích văn nghệ”, tống tao vào khám Chí Hòa.

-Hơn 5 tháng nằm trong cái “công thự” này, chúng điều tra tới, điều tra lui, nhưng thơ, vè của tao chỉ truyền khẩu, không có bằng chứng cụ thể. Môt hôm chúng đưa tao lên văn phòng gặp Vũ Hạnh, chắc là để tên này nhận diện. Tao biết hắn, nhưng hắn đâu biết tao là ai. Hắn hỏi mấy câu: “Bút hiệu của anh là gì? – Anh đã có bao nhiêu tác phẩm đã xuất bản?” Tao trả lời: “Tôi làm gì có bút hiệu, có tác phẩm – Anh hỏi thế là cho tôi lên mây rồi.” Chúng thấy tao chẳng có tên tuổi gì trong giới nhà văn, nhà báo mà chỉ là thằng “phất phơ miệt vườn”, nên chúng chuyển tao vào trại Suối Máu (Biên Hòa). Tháng 7 năm 1977 chúng tống tao xuống tàu đưa ra đây.

-Thôi chuyện còn dài, sắp tới giờ lao động rồi, mầy ở đây chờ tao, tao có chút quà cho mầy, tao mới được thăm nuôi.

-Ông Bà cụ ra đây thăm mầy?

-Không – “người ơn”- Ông Bà già yếu lắm rồi.

 “Người ơn” hay người yêu?

-Chuyên dài như tiểu thuyết. Có dịp tao sẽ kể cho nghe.

Cuối năm 1981, Hai Búng và tôi được thả cùng ngày từ trại tù Tân Lập – Vĩnh Phú. Trên chuyến tàu xuôi Nam, Hai Búng kể tôi nghe về “người ơn” của hắn. Hắn thẩn thờ nhìn qua khung cửa toa tàu, và với một giọng trầm buồn, hắn bắt đầu câu chuyện:

Khi nghe loa phóng thanh phát ra, cứ khoảng nửa giờ một lần: “Tất cả thương bệnh binh phải rời khỏi nơi đây trong ngày hôm nay ngày 1-5-1975). Lúc bấy giờ người cụt tay dìu kẻ què chân, khập khiễng với đôi nạng gỗ, xiêu vẹo từng bước đi về hướng cổng bệnh viện, nước mắt lưng tròng…Còn  những người cụt cả hai chân hay hai chân bó bột ngay đơ không thể lê bước như tao thì anh em đỡ ra khỏi giường, đặt xuống sàn nhà và nói vài câu an ủi: “ráng lết ra ngoài rồi sẽ có người giúp đỡ, tụi tôi không biết làm sao hơn được”- Họ tiếp tục ra đi…

Những anh em cụt cả hai chân, họ chống hai bàn tay xuống đất lấy thế nhất người lết tới, mỗi lần cũng được vài ba gang tay; máu mủ, cát bụi bầy nhầy dính trên bông băng tơi tả - không có ngôn từ nào diễn tả hết nỗi thương đau. Còn tao, hai chân bó bột, không đứng lên được, cũng bắt chước làm theo thao tác ấy để ra khỏi khu nhà hồi sức.

Con người khi đứng trước lằn ranh sinh tử, bản năng sinh tồn được vực dậy và khi sự khổ đau đến tột cùng, con người hướng về ân sủng thiêng liêng – Tao cầu xin Đức Mẹ Maria và tiếp tục lết ra cổng. Bỗng từ xa có tiếng gọi, rồi một người con gái chạy đến ôm tao. Nàng khóc nức nở: - “làm sao ra nông nổi thế này hở anh?”. Lúc đó sự sống hình như được điều khiển bởi bản năng, tao không còn nhớ rõ làm sao nàng đưa tao vào chiếc taxi đậu trước công bệnh viện. Nàng đỡ tao ngồi bênh cạnh, khẽ nói: - “Em đưa anh về nhà em, rồi sẽ tính sau”. Tao bừng tỉnh nói với nàng: Nhà tôi ở gần chợ Búng, nếu có thể được, cô cho về đó với mẹ tôi”. Nàng quay qua hỏi người tài xế taxi, anh ta đồng ý. Khi xe lăn bánh, tao nhìn lại phía sau cánh cổng bệnh viện khép hờ, còn nhiều thương binh đang bò lết ra cửa – tao bật khóc...và hỏi bâng quơ: “đêm nay họ về đâu, rồi ngày mai sẽ ra sao?”. Nàng cũng khóc và vỗ về: “biết làm sao bây giờ - cầu xin Chúa đoái thương…” Đêm hôm ấy nàng ở lại với tao, sáng hôm sau nàng về và hẹn sẽ lên thăm. Cha mẹ tao đưa nàng ra chợ Búng, đón xe cho nàng về Saigon.

“Nàng là ai? - chắc mầy đang nóng lòng muốn biết? Hắn hỏi, nhưng không đợi tôi trả lời, tiếp tục kể: - Nàng là y tá chăm sóc khoảng 20 thương binh dãy nhà A, nơi tao đang nằm điều trị. Nàng không có nét đẹp kiêu sa để người ta chiêm ngưỡng mà nàng có “đôi mắt biết nói”, trên môi như luôn sẵn nụ cười duyên dáng và đặc biệt cái giọng “bắc kỳ hà nội” êm như ru …Mỗi lần nàng đến chăm sóc vết thương, như mang theo một luồng gió mát cho các thương binh - một chút gì đó mơ hồ như người chị, người em, người tình đang an ủi, vỗ về nỗi đau mất mát …Với tao: nàng là một bà tiên. 

“Từ hôm đưa tao về nhà, sau đó mỗi tuần hai ngày, nàng lên chăm sóc vết thương cho tao, nhờ vậy, chỉ mấy tháng sau đôi chân tao lành lặn, đi đứng được. Nhưng rồi tao bị bắt - một lần nữa lại làm khổ thân nàng. Nàng dò hỏi khắp nơi, cuối cùng biết tao bị giam trong khám Chí Hòa, nàng đưa ba tao vào thăm. Ba tao là người rất có nghị lực, đứng trước những nghịch cảnh, ông vẫn giữ thái độ bình thản, nhưng hôm ấy đôi mắt ông thật buồn như báo trước một điềm chẳng lành. Tao cố làm ra vẻ chuyện bị giam ở đây không có gì quan trọng cho ba tao đỡ lo, tao bông đùa: “số con được ở trong công thự mà ba - cái công thự này to hết biết.” Ba tao không cười mà chi nói: “Lá số tử vi chấm đúng thì lời bàn ít khi sai.” Không ngờ buổi thăm nuôi hôm đó là lần gặp gỡ cuối cùng - Từ đây, tao không bao giờ còn được nghe tiếng nói của ba tao. Ông đã chết ở trại tập trung Bù Gia Mập.

Nói đến đây hắn mếu máo, nghẹn lời, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Một lát sau hắn tiếp: “Lần thăm nuôi mới đây, nàng đưa lá thư của mẹ tao viết ngắn gọn mấy câu: “Nhâm à – Ba con đã mất gần hai năm nay rồi. Lúc trước mẹ sợ con buồn, hại đến sức khỏe, không cho con biết. Nhưng không thể dấu mãi được, nay thì mẹ cũng ngui ngoai và nhờ Trời thương đã cho mẹ thêm một đứa con gái, chăm sóc mẹ rất chu đáo và an ủi mẹ trong lúc cô đơn. Con an tâm học tập tốt để sớm về với mẹ.”

“Lợi dụng lúc tên quản giáo cho phép nàng ra bếp nấu đồ ăn, nàng kể chuyện bị bắt và cái chết của ba tao: - Khoảng năm 1978, trong nhà luôn luôn có người đến nhờ ba tao xem số tử vi có đi vượt biên được không. Chính quyền kết tội ba tao lợi dụng sự mê tín di đoan để xúi dục người ta vượt biên. Họ bắt ba tao đưa vào trại tập trung Bù Gia Mập. Ở đây, mỗi tháng một lần, nàng dẫn mẹ tao vào thăm nuôi. Ba tao không phải chết vì đói hay suy dinh dưỡng mà bị rắn độc cắn, trong lúc vào rừng chặt nứa. Nàng nói: - khi hay tin ba mất mẹ ngất xỉu và mê man mấy ngày liền, khi tỉnh lại mẹ sống như người mất hồn. Em đã lên ở với mẹ, chăm sóc cho mẹ, mẹ hồi phục dần dần… Một hôm em ngỏ lời với mẹ: “Từ nay con xin làm con gái của mẹ - mẹ chịu không? Mẹ ôm em vào lòng, khóc nức nở… mẹ thổn thức nói: “cảm ơn Trời Phật đã cho ta thêm một đứa con gái.” Đến đây thì tao không còn kềm được xúc động, nắm lấy tay nàng, run run khẽ nói: - Em là “người ơn” của gia đình anh. Nàng ngước lên, “đôi mắt biết nói” ấy rưng rưng nhìn tao, nàng nói qua hơi thở “bây giờ em là em gái của anh…”

Con tàu tiếp tục xuôi Nam, đến ga Tuy Hòa tôi chia tay Hai Búng. Từ đây chúng tôi ít có dịp gặp nhau - một phần vì xa xôi cách trở (tôi ở ngoài Trung, còn Hai Búng ở trong Nam), một phần bị quản chế không thể ra khỏi nơi cư trú, và tiền bạc cũng rất eo hẹp. Mãi đến khi được gọi vào Sài gòn phỏng vấn để đi Mỹ theo chương trình HO, tôi mới có dịp ghé thăm Hai Búng. Lúc này thì “người ơn” đã trở thành “người vợ” yêu quý của Hai Búng.

Chúng tôi được đi cùng chuyến HO 5, cùng xin định cư ở Tiểu bang Virginia (VA). Hai gia đình chúng tôi cùng xin về quận Fairfax, thuê apartement trong cùng trong một building để bầu bạn có nhau. Thời gian đầu ở xứ lạ quê người, ai cũng trải qua những khó khăn nhất định. Nhưng được sống trong môi trường tự do với sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan từ thiện và xã hội, làm cho mọi người lên tinh thần và nhìn thấy tương lai. Hai Búng vì cặp giò không khỏe, chỉ xin được việc làm nhẹ; vợ Hai Búng xin làm phụ bếp - đồng lương hai người đều thấp, nên đủ điều kiện xin housing. Hai Búng là người may mắn được cấp nhà housing trước tiên. Hôm dọn nhà, Hai Búng vui vẻ nói với mọi người: “không phải tôi có thân thế hay lo lót, chạy chọt gì đâu, đừng nghĩ như khi mình còn ở trong nước. Tôi được nhà sớm là do lá số tử vi chiếu mạng - số tôi được ở nhà “công thự”.

Mấy năm sau, vợ chồng tôi dành dụm đủ tiền đặt cọc mua một căn townhouse, tôi rủ Hai Búng, nhưng hắn bảo: “số tao không có nhà riêng, chỉ ở công thự thôi”. Vợ chồng Hai Búng an phận và bằng lòng với căn housing này. Họ sống hạnh phúc bên nhau, đi đâu cũng có đôi có bạn như hình với bóng… Rồi một ngày đau buồn chợt đến, không sao tả xiết: Nhung - vợ Hai Búng đột ngột qua đời vì bịnh tim (heart attack). Hai Búng hụt hẫng, đau thương đến cùng cực - phát cuồng … Ngày ngày Hai Búng thơ thẩn ra vào trong căn housing đầy ắp kỷ niêm, nói lảm nhảm một mình: “Sao bà ra đi nhanh thế, chẳng nói với tôi lời nào? – Sao bà không để tôi săn sóc cho bà?” Đến bữa ăn, Hai Búng xới bát cơm, so đôi đũa để trên miệng chén, rồi nói: - Bà ăn đi kẻo nguội … Có hôm tìm được món ăn lạ trên internet, Hai Búng cặm cụi nấu nướng theo chỉ dẫn, rồi bày biện tươm tất trên bàn thờ, đốt nhang thì thầm khấn vái. Bốn bề tĩnh lặng như tờ, Hai Búng ứa nước mắt, nhìn lên ảnh vợ lồng trong khung kính, nói như trách móc:  Sao bà không ăn miếng nào, cứ ngồi đó cười?”

Chỉ hơn ba tháng, sau ngày vợ mất, tinh thần lẫn thể xác của Hai Búng suy sụp thảm hại. Đứa con gái duy nhất, theo chồng ở CA, thỉnh thoảng lên thăm, thấy tình cảnh bi đát của bố, cố năn nỉ, thuyết phục mời bố về ở với nó, nhưng Hai Búng từ chối và nói với con gái: “Ở đây hằng đêm, mẹ con vẫn về nói chuyện với bố - xuống dưới đó mẹ con có chịu đi theo không?”

Thấy tình cảnh cô đơn như vầy, có thể không bao lâu Hai Búng sẽ suy sụp hoàn toàn, nên hằng tuần tôi đến thăm, an ủi và bà nhà tôi làm vài món ăn khô mặn tiếp tế cho Hai Búng. Tình bạn thâm giao giữa hai chúng tôi, Hai Búng có nghe những lời khuyên giải của tôi mà ngui ngoai phần nào sầu muộn. Nhưng nhà dưỡng lão mới là nơi Hai Búng “ngộ” được cái lẽ vô thường trong kiếp nhân sinh và thân  phận tuổi già … từ đó Hai Búng tìm được sự thanh thản trong tâm hồn.  

Hôm tôi đến thăm Hai Búng ở nhà dưõng lão, Hai Búng thuyết về: chuyện đạo, chuyện đời, chuyện tu, chuyện tập (tập thể dục) – nói miết-quên thôi! Mấy giờ ở chơi với Hai Búng, điều làm tôi xúc động khi Hai Búng kéo ngăn tủ nhỏ, chỉ cho tôi xem và giải thích lai lịch của mỗi kỷ vật: “đây chiếc áo dài ngày cưới, còn đây là chiếc áo bả mặc trong ngày “lễ hâm hôn” cách đây mấy năm; những chiếc cà vạt, găng tay, mũ nỉ này bả mua tặng tao trong ngày sinh nhật; mấy tập album và một hộp nhỏ để hai chiếc nhẫn cưới và chiếc nhẫn ra trường của Hai Búng. Hai Búng kết luận: “gia sản của tao bây giờ chỉ còn từng ấy – đó là bảo vật.”

Nắng chiều đã tắt, tôi chào tạm biệt. Hai Búng đưa tôi ra tận chỗ đậu xe. Tôi nổ máy, Hai Búng quay lại đứng trước cửa nhà dưỡng lão vẫy vẫy tay chào... Trên sân vắng lặng, chẳng có bóng người, Hai Búng vẫn còn đứng đó, mắt thoáng buồn núp sau cặp kính lão… Tôi nhẹ chân “ga” vòng xe lại trước cửa nhà dưỡng lão, hạ kính cửa xe, định nói vài lời. Nhưng lúc đó Hai Búng quay lưng, cố giấu những giọt nước mắt đang lăn trên má. Tôi nhấn “ga” cho xe chạy thẳng, nhìn kính chiếu hậu thấy cánh cửa nhà dưỡng lão Elmwood House đã khép lại – im lìm …

Chiều nay, mây trời như thấp xuống, sương thu rơi nhẹ như làn khói mỏng tỏa mờ khu rừng phía trước và khói sương cũng phủ mờ các tầng cao của building làm cho khu dưỡng lão trở nên tịch mịch, buồn hiu… trong đó, giờ này có những người một thời vang bóng đang sống: như Cụ Vỹ, râu tóc bạc phơ như một “tiên ông”, luôn xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống cộng ở công viên Lafayette (Presidents Park) , Washington DC; hay như ông Công tử Hà Đông ( HHT) đã từng phóng bút “giữa rừng phong” với nhiều bài phiếm luận khinh bạc và bây giờ có thêm Hai Búng…

Ý kiến bạn đọc
04/04/202218:33:34
Khách
Sau tháng Tư Đen 75, mặc dù anh Hai Búng mất cơ hội được thừa kế " ngôi nhà ngói cổ ba gian " tuy nhiên, sau Tháng Tư đó , anh lại có cơ hội hãnh diện khoe với mọi người rằng " Tôi có nhà tôi ( người vợ) thật tuyệt vời ".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,825
Bố mẹ nuôi của tôi là người Mỹ gốc di dân Ba Lan nhiều đời, lập nghiệp tại phía Tây thánh phố Chicago, tiểu bang Illinois. Bố mẹ có một trang trại rộng trong Làng Ba Lan Cổ ( Old Polonia), trong đó, ngoài căn nhà cổ trăm năm, bố xây một biệt thự hai tầng kiểu mới. Trong căn nhà cổ, có một thư viện gia đình với nhiều sách, báo, tranh ảnh, đồ cổ quí giá. Bố dùng tòa nhà mới cho những sinh hoạt thường ngày và những dịp lễ hằng năm tụ họp khách mời, bằng hữu, họ hàng.
Ban Tổ Chức Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Giải Thưởng VVNM 2022 sẽ không trao giải năm 2022 vì tình hình số lượng và chất lượng bài viết, đồng thời ban tổ chức cần thời gian để thực hiện một số củng cố và thay đổi thể lệ cần thiết.
Ở xứ này mọi người đều phải tuân thủ pháp luật, không thể giỡn mặt với luật pháp. Dưới là ăn mày trên cao nhất là tổng thống, ai cũng có thể bị kiện, bị lôi ra tòa như chơi. Ai cũng có thể kiện, việc gì cũng kiện được, bởi vậy mà luật sư là cái nghề sống khỏe, sống mạnh, cái nghề không sợ thất nghiệp. Luât sư chuyên nghiên cứu luật, tìm mọi kẽ hở của luật để đấu lý với quan tòa. Ở xứ này quan tòa với luật sư dùng lý lẽ và luật pháp mà đấu trí nhau chứ không thể dùng quyền lực mà xử như quan tòa ở những xứ độc tài toàn trị.
Đã mấy lần các cháu, con của cô Kim Thanh, là cô em kế tôi muốn mời má của các cháu đi du lịch Hawaii, nhưng đều bị má từ chối. Đến lần này thì cô em tôi mới thay đổi ý, nhất quyết đi chơi với con gái đầu lòng Hoàng Anh và vài người bạn thân từ thuở xa xưa. Đôi lúc cô Kim Thanh phân vân, lo lắng vì phải để bà ngoại ở nhà một mình, nhưng con gái Út của cô đã nhanh ý, cháu nói với má là cháu sẽ xin ông xếp cho phép làm việc ở nhà nguyên một tuần có mặt ở nhà với bà ngoại, để cho má cháu vững tâm đi chơi cho biết xứ Hawaii. Khi được biết chuyện này, cô em Hồng Loan của chúng tôi thì nhận đến ngủ với bà ngoại ban đêm, còn tôi thì xin tình nguyện ghé qua chơi, hàn huyên và chăm nom, lo những bữa ăn cho bà ngoại vào ban ngày, như vậy là tạm ổn. Đó là niềm hạnh phúc vô biên cho chị em chúng tôi.
Xưa thật là xưa, nó là đứa bé trai mà tôi chưa từng được thấy hay nghe ai không thích nó. Bởi ai mà không thích, ai mà ghét được đứa bé trai tròn trĩnh, hiền, đẹp trai, đặc biệt là lễ phép. Hồi mới qua Mỹ thì nhà tôi với nhà nó là hai căn chung cư cách nhau có mấy căn. Tôi với cha nó thỉnh thoảng có uống với nhau chai bia sau chiều đi làm về, hôm nhà này nấu món ngon thì múc cho nhà kia một tô, một dĩa ăn lấy thảo. Câu họ hàng xa không qua láng giềng gần thấm thía cái tết mới xa quê, hai nhà nấu chung mấy đòn bánh tét không cái nào giống cái nào vì ai cũng làm lần đầu nên chưa có kinh nghiệm.
Những ai thuộc hàng trí thức trước 1975, chắc sẽ không quên tên Lê Thanh Hoàng Dân— Phó Giám đốc Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Giáo sư, Nhà Nghiên cứu và Dịch giả. Bác viết nhiều sách về giáo dục & tâm lý & sư phạm như “Luân lý chức nghiệp “, “Tâm lý giáo dục”, “Sư phạm lý thuyết”… Ngoài ra, bác còn dịch các tác phẩm “Thân phận con người” (Andre Malraux), “Kẻ xa lạ” (Camus)…
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.
Cách đây vài tháng tôi bị đau bụng trên âm ý hơn một tuần lễ. Cơn đau bụng làm tôi nhớ lại câu chuyện của một anh bạn học cùng trường khi mới qua Mỹ. Cách đây mười năm, anh bị đau bụng kéo dài cả tháng. Sau đó mắt và da của anh chuyển sang màu vàng. Khi đi khám bệnh, bác sĩ cho biết anh bị ung thư lá lách giai đoạn cuối. Anh mất sáu tháng sau đó.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2019. Đây là bài viết mới nhất của tg.
Tôi sắp kể chuyện đời tôi, một câu chuyện nhạt-nhẽo về một phụ nữ bình thường, và tầm thường; vì tôi chẳng có một tài năng gì đặc biệt, chẳng có một ước vọng gì cao cả, xa vời.
Nhạc sĩ Cung Tiến