Hôm nay,  

Tâm Tình Cùng Các Bạn Trẻ Hôm Nay

14/01/202200:00:00(Xem: 2227)

VVNM_Pha Le
Hoa hậu Orchid Thanh Lê (hình phải) trao giải cho tác giả Pha Lê (hình trái).
 

Pha Lê  - Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt VVNM 2019 và giải danh dự 2021. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

*                              

Các bạn trẻ thân mến , 
 
Dù những cơn gió lành lạnh cuối đông vẫn đang chờn vờn trên những ngọn cây, nhưng không khí của mùa xuân hình như đã bắt đầu man mác trong không gian. Bên cạnh những nhánh cây khẳng khiu trơ trụi đã có một vài búp lá  xanh non  đâm chồi nẩy lộc .Vạn vật như đang chờ đón những làn gió ấm cho những đóa cúc vàng tươi rực rỡ , cho những cánh mai nhẹ nhàng rung trong nắng sớm. Mùa xuân đã hiện hữu nơi đây để lòng mình vui như trẩy hội và theo truyền thống, các bạn hãy cùng tôi khai bút đầu năm, bạn nhé .
 
Trước khi được song hành cùng các bạn trên trang giấy còn nguyên mùi mực mới để cùng viết lên The Resolutios hay Lời Hứa và sự Quyết Tâm cho một Năm Mới 2022, tôi mong các bạn hiểu rằng những lời tôi sắp viết ra đây chỉ là những câu tâm sự, hay đúng ra, là những lời nhắn nhủ của một thế hệ đi trước,muốn nói với các bạn, những người trẻ của thế hệ đi sau, những kinh nghiệm sống, những thất bại chúng tôi đã vấp phải cùng những thành công chúng tôi  từng nắm lấy, để chuẩn bị cho các bạn như một hành trang bước vào đời .
 
 Chúng tôi cũng có một thời tuổi trẻ như các bạn, cũng từng ôm ấp những hoài bão to lớn, những mơ ước trong sáng như các bạn, cho một tương lai đầy hứa hẹn trước mắt, cho nên những điều mà các bạn, hoặc đang hoang mang trăn trở suy tính, hoặc đã hứng khởi hoàn tất, chúng tôi cũng đều đã phần nào trải nghiệm qua. Vậy các bạn nhé, hãy cho chúng tôi cùng ĐỒNG HÀNH với bạn, trong một nhịp sống vô cùng hối hả, vội vã mà các bạn đang bước đi trong cuộc đời . 
 
 Bây giờ bạn đang ngồi trong công viên vào một buổi sáng thật êm mát. Mặt trời chỉ vừa lấp ló trên các ngọn cây, không khí thật trong lành, và nhất là bạn vừa chạy bộ 2 vòng trong công viên, bạn cảm thấy tinh thần thật sảng khoái, tâm hồn thật thư thái. Bạn ngồi xuống trên một chiếc ghế đá nơi góc công viên. Công việc duy nhất của bạn lúc này là chăm chú mải miết trên chiếc cell phone trong tay. Bạn vừa đọc được một câu chuyện của một anh chàng NÀO ĐÓ đi du lịch sang Phi Châu, bất ngờ bị môt đàn khỉ tấn công, anh chàng dĩ nhiên bị thương nhưng đã được cấp cứu. Nhìn hình anh ta với những vết thương dù đã được băng bó, và dù anh ta đang an lành tĩnh dưỡng trong nhà thương, nhưng bạn vẫn cảm thấy  xúc động, trái tim nhỏ bé, đơn sơ nhưng rất nhạy cảm của bạn thoáng chút  giao động. Thế là bạn bắt đầu viết viết, bấm bấm, gửi tin nhắn với lời an ủi, động viên cho một anh chàng .... lạ hoắc, tại một nơi cũng ...lạ hoắc .
 
Nhưng bạn ơi, nếu bạn rời mắt khỏi chiếc cell phone, khỏi THẾ GIỚI ẢO, và bạn nhìn sang bên góc trái của bạn, nơi có một cô gái còn khá trẻ đang ngồi trên chiếc ghế đá cạnh bên. Buổi sáng trời chớm lạnh, nhưng cô gái chỉ mặc phong phanh một chiếc áo chemise mỏng, mái tóc cô rối bung, và trên khuôn mặt xanh xao của cô là đôi mắt bối rối, thoáng nét hoảng loạn. Bây giờ bạn không còn phải bận bịu với chiếc cell phone, nên bạn bắt đầu lặng lẽ quan sát cô bé. Chắc chắn cô bé vừa trải qua một cuộc khủng hoảng nào đó, rồi bạn bất chợt nghe tiếng cô khóc, trái tim dễ cảm xúc của bạn một lần nữa lại giao động, không cầm được lòng, bạn bước tới gần bên cô bé vẫn đang ngồi co ro ủ rũ. Có thể bạn sẽ được " tiếp đón" bằng một ánh mắt nghi ngờ, một cái nhìn tẻ lạnh, và thậm chí cả một hành động xua đuổi, nhưng bạn nhất định vẫn đứng đó với ánh mắt cảm thông chua xót, với lời chia xẻ ân cần, và rồi cô bé đã mở lòng với bạn.
 
Cô gái với giọng nói tức tưởi kể cho bạn nghe những thất bại cô đã trải qua, mất việc, không tiền rồi lại bị tình phụ v.v... nên cô quyết định quyên sinh. Những cú phone vừa rồi là những lời vĩnh biệt  cô nói với mẹ cách xa ngàn dặm. Bây giờ bạn cảm thấy thật choáng váng, rụng rời, rồi cố giữ giọng bình tĩnh, bạn giảng nghĩa cho cô hiểu sự thất bại của cô, của chính bạn và của mọi người trên thế gian này đều là điều rất  bình thường. Bạn thuyết phục cô bằng những lời động viên với niềm tin "Tomrrow will be a better than today, ngày mai rồi sẽ luôn tốt đẹp hơn hôm nay ..." Dù chiếc cell phone trong túi bạn rung lên nhiều lần nhưng bạn chẳng màng, vì bạn vừa nghe giọng nói  của cô gái đã trở nên bình thường, hình như còn thoáng chút reo vui, khi cô gọi về để xin lỗi mẹ vì một hành động thật nông nổi và ngu xuẩn mà cô suýt làm.
 
 
Bây giờ trái tim nhỏ bé nhưng nhân ái của bạn đang đập những nhip đập hạnh phúc, bạn có thấy bạn vừa làm được một việc thật phi thường. 15 phút bạn rời cell phone, bỏ thế giới ảo, bước vào THẾ GIỚI THẬT xung quanh bạn, bạn đã cứu sống không những cô gái đó, nhưng bạn đã trả lại sự sống cho người mẹ đang đau khổ cùng cực khi nghe những lời vĩnh biệt của chính con gái mình. Bạn trẻ thân mến, 15 phút bạn bày tỏ lòng quan tâm, sự đồng cảm của bạn với  THẾ GIỚI CHUNG QUANH BẠN thật vô cùng quý giá, bạn có thấy? 
  
Một buổi chiều cuối năm , bạn ghé qua bệnh viện thăm người chú. Bệnh viện chật ních, chen chúc kẻ đứng người nằm, bạn đành phải bước ra ngoài hành lang đứng chờ. Khung cảnh cũng chẳng khá hơn, nhưng ít nhất bạn còn thở được chút không khí trong lành. Rút cell phone trong túi ra, bạn bắt đầu lục lọi, tìm kiếm đọc những tin nhắn của mọi người. Bạn chợt nhớ tới anh chàng bị khỉ cắn hôm nào. Bạn cảm thấy vui mừng khi nhìn hình anh ta đã bình phục. Rồi bạn vẫn tiếp tục lang thang trên những trang mạng xã hội, bạn chia xẻ chuyện buồn của người này, chúc mừng sự may mắn của kẻ khác, nhưng tất cả, từ câu chuyện  cho đến những nhận vật mà bạn đang quan tâm đến đều có vẻ hư hư ảo ảo, chợt bạn cảm thấy như có một ánh mắt đang chăm chú nhìn mình. Cái cảm giác đó khiến  bạn bực mình, quay đầu nhìn về hướng đó, bạn chợt sững người vì đó là hình ảnh một người đàn ông trung niên gầy gò đen xạm, trên tay ông là một em bé chỉ vài tháng tuổi đang oằn người khóc có lẽ vì đói. Cạnh ông là hai bé trai chỉ khoảng 5, 6 tuổi, ngồi yên bất động, nhưng khuôn mặt lem luốt và quần áo lôi thôi  cho thấy  có lẽ hai bé đã theo cha vào trong bệnh viện này từ sớm. Nếu đó là một ngưới mẹ có lẽ bạn sẽ không xúc động nhiều như vậy, nhưng nhìn người đàn ông lúng túng, vụng về đang cố dỗ dành đứa bé khiến bạn muốn rơi nước mắt . Trái tim nhân ái của bạn thật sự giao động, xao xuyến. Nhét cell phone vào túi xách, bạn tiến về phía ngưới đàn ông, chưa kịp lên tiếng, người đàn ông đã vội nói, giọng ông thật mệt mỏi:


- Thật tình tôi đâu dám làm phiền cô,  nhưng ngặt thằng nhỏ khóc quá vì đói, tính nhờ cô trông dùm mấy cháu vài phút để tôi chạy ra ngoài kia mua nước sôi khuấy sữa cho thằng nhỏ với lại mua  thêm gói xôi, cái bánh cho hai thằng lớn, sáng giờ tụi nó chưa ăn gì hết .
 
Bây giờ bạn đang ngồi xuống cạnh gia đình bé nhỏ này. Khuôn mặt người đàn ông dù đã bớt vẻ mệt nhọc, nhưng vẫn đầy nét lo âu, trên tay ông, đứa bé ngủ yên lành sau khi được một bình sữa đầy. Hai cậu bé trai vẫn đang ngồi ăn nốt những chiếc bánh mà bạn mua dư cho chúng, tiếng cười, tiếng nói của chúng khiến bạn cảm thấy thật hạnh phúc. Đắn đo mãi, bạn hỏi về người mẹ, người đàn ông run run giọng nói :

- Má tụi nó hôm qua gánh xôi ra chợ sớm, suốt đêm mưa ướt lầy lội mà bả hổng để ý , trượt chân té, bây giờ chân đang bó bột, vẫn còn nằm trong nhà thương. Đêm qua thằng nhỏ này sốt nóng hừng hực, tui sợ có chuyện gì nên đem dzào đây cho bác sĩ coi xem sao .
 
Ngừng vài giây , ông thở hắt và nói tiếp  :

- Trời ơi, mấy bữa nữa không biết ra sao đây, tui mà nghỉ đạp xích lô dzài ngày là mẹ con nó đói, khổ quá cô ơi!
 
Tim bạn chợt thắt lại, sao cuộc đời lại khổ ải trầm luân đến như vậy, người đàn ông vẫn nói tiếp: 
 
- Cũng xin cám ơn cô đã giúp đỡ cha con tui, lúc nãy thấy cô còn bận trên phone, tui thiệt đâu dám nhờ, may sao cô tắt phone, cám ơn cô nhiều lắm.
 
Bạn trẻ thân mến, bạn có nhận ra rằng chỉ 15 phút bạn không vướng bận trong thế giới hư ảo trên cell phone, bạn đã tạo được cuộc sống có ý nghĩa hơn bằng sự giúp đỡ , quan tâm của bạn trước những đau thương mất mát mà những người xung quanh bạn đang gánh chịu. 15 phút bạn sống trong THẾ GIỚI THẬT vô cùng quý giá, bạn có thấy?
 
... Và bây giờ bạn đang ở nhà. Một năm bạn chỉ về thăm gia đình vài lần. Hôm nay cả nhà đang quây quần trong buổi tiệc cuối năm. Trên bàn bày ê hề thật nhiều món ăn. Mọi người cười nói vui vẻ khi cha bạn kể về một kỷ niệm nào đó của gia đình. Bạn ngồi đó, cũng cười góp với mọi người, nhưng trước mặt bạn là chiếc cell phone, chỉ cần một tín hiệu nhấp nháy là bạn vội chụp lấy chiếc phone. Bạn cắm cúi đọc, bạn mải miết viết trả lời, dù tin nhắn chỉ là của một anh chàng 'kăng chú kiết" nào đó, bạn quên mất chung quanh bạn là những người thân thương yêu nhất của bạn. Thậm chí có lúc bạn còn rời bàn ăn, bước hẳn ra ngoài để có thể "chit chat " với ai đó . Bạn không nhận thấy những món ăn trên đĩa của bạn hôm nay chính là những món ăn ngày xưa khi còn bé bạn thường chầu chực trong bếp chỉ mong mẹ cho bạn nếm thử trước khi được dọn ra bàn. Bạn cũng chẳng nhìn thấy ánh mắt thật buồn của mẹ khi bạn thờ ơ, lãnh đạm trước những món ăn kỷ niệm mà mẹ bạn đã lui cui, tận tụy nấu trước nhiều ngày để chờ đón bạn về .
 
Sau bữa cơm  gia đình, cả nhà bạn thường quây quần tụ họp nơi phòng khách ấm cúng.  Không gian thật êm đền hạnh phúc với những tiếng cười rộn rã của mọi người mỗi khi một câu chuyện xa xưa được kể lại. Bây giờ bạn đang tham dự trò chơi Bầu Cua Cá Cọp cùng với cả nhà. Trò chơi thật sôi nổi khiến bạn hào hứng cười đùa rôm rả, chợt chiếc cell phone trong túi bạn rung lên, nhìn thoáng tên người nhắn, bạn vội đứng lên bỏ dở cuộc chơi, dù tin nhắn chỉ là của một người bạn cùng trường với những câu chuyện "đầu Ngô mình Sở ", nhưng bạn vẫn quan tâm mà quên hẳn những khoảng khắc thật quý giá bạn đang an hưởng cùng gia đình, cùng những người thân thương yêu của bạn. 
 
Rồi bạn lặng lẽ rút lui về phòng, bạn bước ngang qua cây thông rực rỡ đèn màu được đặt ở góc phòng. Trên đó, ngoài những trái cầu, những bông hoa trang trí màu sắc thật sặc sỡ là nhựng hình ảnh bạn còn bé thơ với những nét vẽ nguệch ngoặc, đơn sơ. Bạn có nhớ đây là bức hình kỷ niệm  bạn khóc mếu máo ngày đầu tiên trong lớp Mẫu Giáo, còn kia là tấm ảnh bạn nhẩy cẫng vui sướng khi bạn thắng cuộc thi Spelling B, và còn nhiều , nhiều lắm những tấm cards mà mỗi một hình ảnh là một gợi nhớ về kỷ niệm thơ ấu nào đó của bạn. Bạn có biết suốt mấy ngày qua, cha bạn đã lụi cụi  trện căn gác xép lạnh cóng, mó mẫm tìm kiếm những bức hình kỷ niệm vô giá ấy. Bạn đã thờ ơ, lãnh đạm đến độ bạn không nhìn thấy nỗi thất vọng cùng cực, cùng ánh mắt chua xót của cha khi ông chờ mong nơi bạn một sư chia xẻ để ông có thể rưng rưng kể lại với bạn những tháng ngày thương yêu xa xưa đó .
 
Bạn ơi ,
Khi bạn có một nơi chốn đi về, bạn đang có một MÁI NHÀ.
Khi bạn có những người để thương yêu, và được yêu thương, bạn đang có một GIA ĐÌNH.
Và khi bạn có cả hai điều đó, bạn đang là người có HẠNH PHÚC.
Vậy mà bạn có biết bạn đang chối bỏ HẠNH PHÚC vô giá đó khi bạn chỉ chăm chút quan tâm đến THẾ GIỚI ẢO, mà lại rất vô tình,  vô tâm với THẾ GIỚI THẬT chung quanh bạn .
 
Bạn trẻ thân mến , cám ơn bạn đã cho chúng tôi được san sẻ với bạn  một vài khía cạnh trong cuộc sống của các bạn. Biết rằng muốn thuyết phục và nhắn nhủ các bạn ,  chúng tôi phải có  những dữ kiện để các bạn tin tưởng. Những con số mà chúng tôi sắp liệt kê dưới đây hy vọng các bạn trẻ vẫn sẽ đặt niềm tin vào chúng tôi.
Dân số thế giới ngày nay là khoảng 7.6 tỷ, trong đó có khoảng 1/3, hay 2.5 tỷ là những người trẻ như các bạn. Dù  lạc quan chúng tôi chỉ mong ước 10 phần trăm của 2 tỷ rưỡi, khoảng 250 triệu, là những người như các bạn: biết lo lắng, quan tâm đến thế giới chung quanh.  Bây giờ bạn hãy làm thử một bài toán nhỏ, 250 triệu người cùng "QUÊN" cell phone trong một khoảnh khắc thật nhỏ, 15 phút, để làm được một việc THIỆN, để quan tâm giúp đỡ, để chia sẻ những khổ đau của nhân loại, hay đơn giản chỉ để sống những giây phút thật, thế giới sẽ hạnh phúc và tốt đẹp biết bao! Vậy bạn còn chần chờ gì nữa, xin bạn hãy cũng bỏ phone xuống với chúng tôi, bạn nhé.
 
Bây giờ bạn chắc chắn đang lắng đọng tâm tư, bạn hãy cùng chúng tôi lắng nghe lời nhắn nhủ đầy tình yêu thương của John Lennon :
                                   
You may say  I 'm a dreamer ,
But I ' m not the only one 
I hope someday you ' ll join us
And the World will live as one ...
                                      
Bạn trách tôi sao hoài mộng mơ,
Mà nào có riêng đâu mình tôi 
Lòng ước mong một ngày không xa,
Bạn và tôi, cùng xây đắp Thế Giới...
 
Và một câu nói của thánh Gandhi mong các bạn trẻ giữ lấy như một lời tâm niệm khi các bạn bước vào cuộc đời thật nhiều khó khăn, đầy rẫy cạm bẫy:
 
WHERE THERE IS LOVE,  THERE IS LIFE! 
 
NƠI NÀO CÓ TÌNH YÊU, NƠI ĐÓ CÓ SỰ SỐNG!

Ý kiến bạn đọc
17/01/202203:09:03
Khách
Anh Thảo Lan thân kính,
Cảm ơn anh TL đã ghé mắt đọc bài viết ... nhăng cuội này của PL.
Được gặp gỡ mọi người rất "Thật" trong ngày hôm đó , PL vui và hạnh phúc lắm!( Không biết như anh TL viết một PL "ảo" với một PL " Thật" mà anh TL gặp có ... khác nhau " một trời một vực " không ???)
Cầu xin Thế Giới nhanh chóng thoát cơn Đại Dịch kinh hoàng này, thiên hạ thái bình để VB sẽ tổ chức ngày Họp Mặt lần thứ 22 này cho mọi người được gặp gỡ nhau trong một Thế Giới "Thật" : rất thân thương và gần gũi :-)
Thân kính
PL
16/01/202217:21:15
Khách
Hay lắm chị Pha Lê à. Biết được chị một cách rất "ảo" trên các trang báo online nhưng cũng được có duyên gặp chị trong thế giới thực của buổi lễ phát thưởng. Mong được đọc tiếp nhiều bài viết của chị

Thảo Lan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,579
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Ngồi một mình trong căn phòng vắng, mọi người đang vui chơi ở đâu đó cuối tuần để lại cho tôi một cơ hội, một dịp mà tôi thích lắm, thích nhất từ ngày đặt chân đến đất Mỹ, đó là một không gian riêng tư cho mình Những ngày bơ vơ lạc loài bước chân ngỡ ngàng đến Mỹ. Ngày đó ai cũng như nhau là cùng sống chen chút nhau thật đông trong những căn nhà mướn, căn phòng quá tải… nhưng thôi điều đó không thật sự làm buồn phiền tôi, nhưng tôi chỉ ao ước cho tôi một khoảng không gian, thời gian yên tĩnh cho tôi quá khó , không hề có...
Vắt qua dòng sông có đến mười mấy cây cầu, những cây cầu bằng sắt thép, kiểu cách như cầu Bình Lợi, Bình Triệu vậy… Những cây cầu có tuổi đời năm mươi năm, một trăm năm nhưng vẫn tiếp tục trách vụ kết nối đôi bờ. Có những cây cầu quay, mở ra để cho tàu thuyền qua lại, ngày nay nó đã không còn được sử dụng nữa. Nó được kéo cao lên và giữ nguyên như thế để làm di tích lịch sử. Những cây cầu mở ngày xưa giờ trở thành nhân chứng cho một thời vàng son chưa xa lắm.
Ba cứ khăng khăng là không có tay trồng trọt. Tôi không tin, phần thì ăn xà lách hoài cũng ngán, chúng tôi thèm những thứ rau có mùi, mang hương vị quê nhà. Thử tưởng tượng ăn thịt gà trộn muối tiêu mà không có rau răm, ăn bánh tráng cuốn thịt ba rọi cũng chỉ với xà lách. Hành ngò thì cũng có nhưng khá đắt, kể cả những thứ rau mùi cũng có bán ở chợ Việt Nam, chợ Thái Lan nhưng rất mắc và quan trọng là không có ai chở mình đi chợ. Tôi lải nhải nhắc Ba: Không có việc gì khó, chỉ sợ mình… không trồng!
Ông Chương thức dậy thật sớm sau một đêm khó ngủ trằn trọc, dù ông đã nghe mấy bài phật pháp do thầy Pháp Hòa giảng để dỗ giấc ngủ. Bên ngoài cây cỏ còn ngái ngủ dưới lớp sương dày đặc, chưa thấy mặt trời lên. Ông rón rén đi pha cà phê thật nhẹ nhàng, cố gắng không gây tiếng động làm mất giấc ngủ cả nhà...Tách cà phê thơm phức nóng hổi gây cho ông cảm giác dễ chịu. Ông lặng yên như đang lật trang đời từ ngày qua định cư nước Mỹ …Nhớ ngày miền Nam bị mất, ông đi tù 5 năm trở về, lúc ấy ông chỉ mới ngoài 30 tuổi, người yêu đã sang ngang, cùng lúc mất tất cả. Ông chán chường cuộc sống chẳng thiết gì nữa, nhưng mấy năm sau duyên nợ đến cho ông gặp được cô giáo dạy mầm non tên Dung, không chê ông nghèo tối ngày đi “dọc đường gió bụi”. Hai người nên duyên và hơn năm sau cháu Việt ra đời, đến cháu Nga, cháu Nguyệt, và con trai út là cháu Quân. Gia đình ông ở ké nhà mẹ vợ, ông làm đủ thứ nghề ai kêu gì chạy đó, sau có được chiếc xe đạp thồ đón khách.
Sáng thứ Bảy cuối tháng 5 trời trở lạnh với mây mù và vài thoáng mưa phùn. Tự nhiên tôi chạnh lòng nhớ đến đàn chị Nguyễn Tinh Châu. Mai là ngày giỗ 3 năm của Chị. Thời gian qua thật nhanh. Sự ra đi của Chị quả là một mất mát lớn cho Hội YKH chúng ta, không những vì Chị là một trong những hội viên kỳ cựu, mà vì những hoạt động xã hội đắc lực của chị trong kêu gọi và thành lập quỹ cứu trợ nạn nhân cho nhiều thiên tai tại Mỹ, Nhật (Tsunami, 2011), Phi Luật Tân (Typhon Haiyan, 2013) và ngay cả Việt Nam (Bão Xangsane, 2006)…Và nhất là quỹ tương trợ hàng năm nhằm giúp đỡ các Thương Phế Binh sống cùng cực tại quê nhà. Con số đóng góp luân chuyển từ 8 ngàn đô cho đến 10 ngàn đô nói lên được sự nhiệt tình của Chị và của anh chị em chúng ta cho một mục đích chung, đúng, xứng đáng, nhân nghĩa và truyền thống.
Hồi đó, trong những kỹ sư mới ra trường về làm cho Bưu Điện, anh là một người tôi không ưa nhất, và có lẽ tôi cũng là người anh ghét nhất. Anh đẹp trai, con nhà giàu, mỗi cái tội mặt kênh kênh và cái giọng Huế. Cái giọng nói nặng trịch, oang oang sao mà khó ưa. Không những tôi mà cả mấy đứa bạn cùng cơ quan mỗi khi thấy anh đi ngang là che miệng cười nhái: đi mô rứa tề. Tôi ghét nhất là có lần anh lái xế hộp chở mấy ông bạn đi uống cafe, thấy tôi đi ngang mấy người bạn bảo dừng xe rủ tôi đi cùng, anh nói kệ nó, cái con nhỏ phách lối. Sau này thân nhau rồi, có lần tôi hỏi tại sao anh làm vậy, anh trả lời, “Lúc nào cũng thấy mấy thằng bạn cùng lớp xoay quanh em, mà mặt em cứ tỉnh bơ như thể ta là cái rốn vũ trụ, nhìn xốn mắt!”
Bà tiếp tục: Gia đình chúng tôi vượt biên theo diện “bán chánh thức” do nhà nước tổ chức. Mỗi đầu người phải đóng đủ 15 “cây” vàng. Gia đình gồm 10 người đúng ra phải đóng 150 cây nhưng đứa gái út lúc đó mới có 10 tuổi (giờ đây đã là bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở thành phố này) nên nhà nước “ nhân đạo” cho đóng nửa suất là 7 cây rưỡi. Vậy là gia đình đóng tổng cộng 145 cây rưỡi để được ra khơi, còn có thoát được hay không thì không ai chịu trách nhiệm. Con tàu có sức chứa 180 người nhưng người ta đã thu vàng và cho lên tàu đến 240!” “Bước đầu mới đến Mỹ cũng như biết bao thuyền nhân khác, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn và làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh, ổn định đời sống và tiếp tục cho con ăn học thì không phải là dễ dàng gì, nhưng cũng không phải là khó lắm nếu mình có quyết tâm. Ông thì sang một cửa hàng bán sandwich và thức ăn nhanh (fast food ) học chế biến thức ăn và tự điều hành cửa hàng, còn tôi thì đi làm trong hãng đóng gói đồ nữ trang,
Nhưng, định mệnh vẫn còn muốn trêu ngươi tôi. Cơn bệnh ung thư ngực quái ác đã tìm đến với tôi, như thêm một đòn giáng chí mạng vào cuộc đời bất hạnh. Tiền bạc không có. Bảo hiểm sức khỏe không có. Người thân không có. Luật lệ, kiến thức của xứ người tôi cũng không có. Sẽ như thế nào, những ngày trước mắt của ba mẹ con tôi?
Nói đến những chuyện lừa gạt, hẳn mọi người cũng đã biết qua, từ tin tức báo chí, trên đài truyền hình, và rất nhiều chuyện phỉnh gạt thường xuyên xảy ra được truyền miệng từ người này qua người khác đã lâu rồi. Trong thời gian dịch bệnh, cấm cửa, lạm phát, kinh tế khó khăn, nên đã sinh ra nhiều chuyện lường gạt đảo điên không ai lường trước được. Con người nghĩ ra đủ cách để mà lường gạt nhau. Cùng lúc, đã vậy lại còn nhiều điều không may đã ập đến, không trở tay kịp, khiến cho cuộc đời đang lo toan dịch bệnh lại thêm lo lắng, vừa tình hình dịch bệnh, lại thêm thế thái nhân tình, nhân cơ hội, lợi dụng tình thế mà gia tăng, đã làm cho tinh thần mọi người càng thêm căng thẳng gấp bội.
Nhạc sĩ Cung Tiến