Hôm nay,  

Những Mùa Giáng Sinh Trên Đất Mỹ

21/12/202109:50:00(Xem: 3867)

Thảo Lan
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016 , Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19 và 21.

***

 

Giang Sinh
(nguồn: www.pixabay.com)


Giáng Sinh năm 1990 là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ này. Tất cả đều vừa lạ lùng mà cũng vừa quen thuộc. Dĩ nhiên lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến sự tấp nập của các khu thương mại sầm uất. Những khu nhà giăng đèn nhấp nháy từ trên nóc xuống đến sân vườn. Đồng thời cũng quen thuộc vì cũng những bản nhạc Giáng Sinh réo rắt như Jingle Bells vang lên như những năm xưa tôi đón Noel ở Sài Gòn, hoặc những bản thánh ca êm đềm làm trùng lòng người như Silent Night. Tôi đón Noel đầu ở Mỹ trong hoàn cảnh có thể nói là khá khó khăn. Mới qua Mỹ được hơn tám tháng. Vừa học vừa làm. Học ở community college thì vì thời gian sống ở Virginia chưa đủ nên phải trả tiền học phí out of state do đó tiền Pell Grant của chính phủ chỉ đủ bao cho phân nửa. Công việc ở hãng đóng hộp thịt cua cách nhà tôi không xa tuy không nặng nhọc nhưng có phần ướt át lạnh lẽo, nhất là vào những buổi chiều đứng rửa các thùng cua ngay bên bờ sông sau giờ làm để kiếm thêm chút tiền over time. 

Thông thường trên người tôi chỉ mặc một chiếc T shirt ngắn tay bên trong mặc thêm một áo thun lót và đeo chiếc tạp dề bên ngoài khi làm việc. Vì tính chất  công việc ướt át và nặng mùi tanh của cua nên những hôm trời lạnh tôi chỉ mặc thêm một chiếc áo mưa cũ. Gia tài của tôi khi đó chỉ có một chiếc áo len cũ được cho khi mới qua và chiếc áo khoác mỏng mua từ Việt Nam trước khi đi xuất cảnh mà lúc mua cứ ngỡ sẽ ấm lắm; nhưng khi qua đến Mỹ mới thấy chẳng thấm vào đâu. Hai chiếc áo này được tôi để dành mặc đi học. Năm đầu tôi lấy tất cả các lớp vào buổi sáng sớm để tan trường về còn kịp đón xe bus về để vào hãng làm. Hãng cua này nhỏ mà phần lớn công nhân là Mỹ đen hay những người mới chân ướt chân ráo qua Mỹ như tôi bao gồm đủ các sắc dân: Việt Nam, Pakistan, Afghanistan, Cambodia, v.v... Ngược lại supervisor, manager hay những cô thư ký trên văn phòng đều là Mỹ trắng. Người chủ hãng cho phép tôi được vào làm bất cứ lúc nào sau giờ học. Vì phải đi xe bus lòng vòng thành phố nên tôi luôn tranh thủ vừa ăn trưa bằng hai miếng sandwich kẹp ham vừa làm bài ngay trên xe để khi về đến nhà là chỉ cần thay quần áo lấy xe đạp vọt ra hãng làm ngay. 

Hàng ngày giờ tan ca không cố định vào lúc nào mà tùy thuộc vào số lượng cua mua vào trong ngày nhiều hay ít. Thông thường khoảng hơn 4 giờ chiều là bắt đầu tắt máy. Để ráng kiếm thêm giờ tôi luôn xung phong ở lại dọn dẹp và xịt nước rửa các thùng cua sau khi phòng máy đã đóng cửa. Đây là công việc nhẹ nhàng nhưng ít ai muốn làm vì ướt át và nhất là lạnh lẽo vào mùa đông khi phải đứng ngoài trời ngay bờ sông để làm việc. Và đây cũng là lý do tôi không bị ai cạnh tranh vì thường chỉ có người Việt Nam mình mới ham làm thêm giờ nhưng dạo đó trong số người Việt Nam làm cùng, không ai dám đứng ngoài trời mà xịt nước như tôi giữa thời tiết giá lạnh của mùa Đông Virginia. Trời mùa Đông tối nhanh nên hôm nào cũng thế, khi rửa xong hết các thùng cua và đạp xe về nhà thì đường phố đã lên đèn .Vào một buổi tối đạp xe trên đường về như thế tôi lần đầu biết đến cảm giác chảy máu cam. Từ nhỏ đến lớn khi còn ở Việt Nam tôi không bao giờ bị chảy máu cam. Thế là kể từ đó tôi biết được trời lạnh quá cũng là một nguyên nhân khiến người ta chảy máu mũi.

Ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Noel, đồng thời hãng cũng đóng cửa tạm thời một thời gian do trời lạnh không còn nhiều cua, tôi được dự một buổi ăn trưa do hãng đãi. Món ăn chủ yếu mua từ nhà hàng bán thức ăn nhanh KFC (Kentucky Fried Chicken) nhưng đối với tôi lúc đó cũng đã là một bữa tiệc thịnh soạn. Buổi chiều hôm đó được về sớm tôi bèn nảy ý định đạp xe đến trường để xem kết quả điểm khóa đó của mình ra sao. Vì là semester học đầu tiên trên đất Mỹ nên tôi cứ đinh ninh trường sẽ niêm yết tên học sinh cùng điểm của năm học. Thường ngày đi xe bus đến trường mất gần một tiếng nhưng tính theo khoảng cách tôi áng chừng chắc chỉ cỡ 15~20 km là cùng. Vì ngày xưa tôi đã từng đạp xe không biết bao nhiêu lần qua lại giữa Sài Gòn và Thủ Đức khi còn làm thợ cơ khí trên đó nên tôi nghĩ mình sẽ đạp được đến trường một cách dễ dàng. Nghĩ thì nghĩ thế nhưng đến khi thực hiện mới thấy thấm thía câu "Lực bất tòng tâm". Đạp được qua vài block đường thì hai bàn tay nắm ghi đông xe và hai vành tai đã lạnh cóng nhưng trong người thì đổ mồ hôi ròng ròng có lẽ vì hồi hộp mỗi khi đạp băng qua đường nhiều hơn là do mệt. Chạy được chừng hơn 15 phút tôi quyết định bỏ cuộc quay về nhà.

Năm đó cũng là lần đầu tiên tôi được nhận các món quà Giáng Sinh. Không kể các món quà trao đổi nhau giữa các thành viên trong gia đình trong bữa tiệc reveillon do mẹ tôi chủ trì còn phải kể đến chiếc áo khoác mỏng gửi từ tiểu bang Kansas của chị người bạn gái khi đó còn ở Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên tôi đi mua một hộp thiệp Noel, rẻ hơn mua thiệp riêng rẽ, để gửi cho bao nhiêu người quen trên đất Mỹ. Rồi mùa Giáng Sinh đầu tiên đó cũng qua đi để tôi quay trở về vật lộn mới mớ chữ nghĩa trên giảng đường đại học cùng những thùng nhựa đựng càng cua đầy ắp mà tôi phải đổ vào máy mỗi ngày sau giờ học. Cuộc sống cứ thế trôi để rồi khi khí trời lại trở lạnh và các khu thương xá cũng như những khu dân cư được trang trí bằng những dây đèn màu cùng các bản nhạc thánh ca được vang lên từ đâu đó thì cũng là lúc tôi lại đón một mùa Giáng Sinh nữa trên đất Mỹ. 



Những mùa lễ Giáng Sinh trong không khí lành lạnh đôi khi có tuyết bay lất phất của Virginia không làm cho tôi quên đi những mùa Giáng Sinh xưa ở quê nhà. Những mùa Giáng Sinh giữa lúc tiếng bom đạn vẫn còn quanh quẩn đâu đó không xa Sài Gòn bao nhiêu. Ký ức về những mùa Giáng Sinh khi tôi còn nhỏ gắn liền với các bài tập thủ công cắt giấy làm thành hình cây thông gắn bông gòn để thay cho tuyết, dùng vỏ trứng gà gắn bông gòn và bút màu vẽ để làm mặt ông già Noel. Những bài thủ công được đem về nhà làm này đều có bàn tay của ba hay anh tôi phụ giúp bởi hoa tay là thứ mà tôi không hề có. Trong ký ức tôi lúc này còn có cả những bài hát được cô giáo người Pháp dạy, “Mon beau sapin roi des forets ...”.  Giáng sinh của những năm đầu thập niên 70 đôi khi còn là những lúc nhìn bạn bè hàng xóm diện quần áo đẹp đi lễ nhà thờ rồi quay trở về nhà để dự tiệc reveillon mà bỗng nhiên ao ước mình có đạo thử một lần cho biết mùi vị bữa tiệc nửa đêm như thế nào. Liệu nó có giống bữa tiệc giao thừa hay không? Giáng sinh của những năm cuối thập niên 70 chỉ là những buổi tối đạp xe nhìn thiên hạ đổ ra đường. Là dịp để cho thanh niên quậy phá công khai khiến nhiều người e ngại khi phải ra đường. 

Giáng Sinh năm cuối cùng của thập niên 80 đánh dấu mùa lễ đầu tiên của tôi làm kiếp người tha hương. Buổi tối đi theo một cô nhỏ ở cùng building dự thánh lễ cử hành tại nhà thờ trong trại tị nạn Bataan để cho biết với thiên hạ lại làm tôi liên tưởng đến những buổi lễ tại các nhà thờ ở Sài Gòn cùng những người bạn có đạo vào các Giáng Sinh vài năm trước đó. Xong buổi lễ tôi tiếp tục tham dự party dành cho những người assistant teacher trong trại tị nạn đến khuya mới về đến nhà. Trên bàn là tô cháo thịt mừng Noel của chị ở cùng nhà để dành cho. Tô cháo ngon, hấp dẫn mà bụng vẫn chưa no nhưng không dám ăn vì chứng kiến một vài con gián nhỏ bò quanh miệng tô. Thôi đành đậy lại cất đi để sáng mai đun lại mới dám ăn.

Những mùa Giáng Sinh đầu trên đất Mỹ tuy có khó khăn chật vật, tương lai còn chưa định hình phía trước nhưng vẫn hạnh phúc vì ngoài việc được hít thở không khí tự do tôi còn được sống quây quần cùng với ba mẹ, anh chị trong căn apartment nhỏ nhưng ấm cúng. Cũng ăn tiệc mừng Chúa ra đời như người có đạo, chỉ có khác là không cần phải chờ đến nửa đêm, không cần phải đến nhà thờ dự lễ. Mùa Giáng Sinh năm 1995 là mùa Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ tôi được giã từ sách vở để chính thức có công việc full time thích hợp với chương trình học của mình. Từ đây tôi không còn phải bận rộn trải qua thời gian trước ngày lễ với sách vở hay vật lộn với công việc tay chân mà lúc đó không còn là những thùng cua mà là những mớ chén bát phải rửa dưới bếp của một nhà hàng Tàu. Rồi đến mùa Giáng Sinh năm 1998 chúng tôi bắt đầu phải làm quen với việc vắng bóng hình ảnh của ba tôi. 

Giáng Sinh đầu tiên của thiên niên kỷ mới cũng đánh dấu bước ngoặt lớn chấm dứt cuộc đời độc thân của tôi. Để rồi những mùa Giáng Sinh sau, hai vợ chồng tôi bỗng dưng trở nên bận rộn hơn khi có thêm trách nhiệm thay mặt ông già Noel để phân phát quà. Những mùa Giáng Sinh của các năm đầu của thế kỷ 21 còn đánh dấu bởi những cú điện thoại của vợ gọi vào hãng thông báo rằng con bé ở nhà khi thấy ngoài trời sẩm tối đã tự xỏ giày ra ngồi chờ trước bậc cầu thang để bố về chở đi lòng vòng phố phường xem đèn. Rồi không biết bắt đầu từ lúc nào các con tôi không còn tin rằng việc ông già Noel phát quà cho trẻ nhỏ là chuyện có thật trên cõi đời này. Chỉ có quà của ông bà, bố mẹ, cô chú bác, anh chị em trong nhà mà thôi. Mỗi một mùa Giáng Sinh đến là một lần thấy các con tôi khôn lớn hơn và không còn cần mình nhiều như xưa nữa. Hai ngày trước Giáng Sinh năm 2018, ba bố con tôi có được một kỷ niệm vui đáng nhớ.

Hôm đó tôi chở con gái lớn đến nhà bạn cho cháu tham dự buổi party. Nhà bạn cháu cũng ở cùng một thành phố này nhưng lại là khu hẻo lánh tôi chưa đến bao giờ. Đến tối khi ghé đón cháu thì tôi đã quẹo hơi sớm nên lái vào drive way của căn nhà bên cạnh. Căn nhà này không có drive way đổ bê tông hay trải nhựa hoặc rải đá sỏi mà chỉ là nền đất. Chẳng may cho tôi là trước đó mấy ngày mưa liên tục nên nền đất trở nên mềm nhão. Khi phát giác ra là mình ghé lộn nhà, tôi đã cho xe lùi lại nhưng bánh xe đã bị lún sình quay vòng tròn và chiếc xe bị sa lầy không tiến hay lui được nữa. Người chủ nhà đi ra xem cũng không giúp được gì. Cũng may tôi là thành viên của AAA nên có thể gọi để họ đến kéo xe mình ra. Và năm đó là Noel duy nhất tôi đã gửi thiệp cho một người hoàn toàn xa lạ chính là người chủ căn nhà mà chiếc xe của tôi đã sa lầy và làm nát sân cỏ của ông ta.

Thời gian trước mùa lễ Giáng Sinh năm 2021 này cũng để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Vì tình hình Covid vẫn còn hoành hành nên buổi lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ năm nay đã được tổ chức vào tháng 12 thay vì vào mùa Hè như mọi năm. Nhờ vậy tôi được dự buổi lễ trong không khí Giáng Sinh ấm cúng với cây thông Noel làm nền trang trí. Và ở phần ngược lại, tôi sẽ được đón ngày lễ Giáng Sinh với chút dư âm còn sót lại của buổi lễ phát thưởng, nơi tôi được gặp mặt những người cầm bút chuyên nghiệp lẫn viết lách tài tử như tôi cũng như những cây đại thụ trong làng văn nghệ mà trước đây chỉ biết đến qua hình ảnh, báo chí như nhà văn Doãn Quốc Sỹ, thi sĩ Trần Dạ Từ, nhà văn Nhã Ca, hay ca sĩ Khánh Ly. Cái không khí ấm cúng thân mật của buổi lễ ngày hôm đó như một nét chấm phá mở đầu cho bức họa mùa Giáng Sinh năm 2021 của tôi một cách hoàn hảo.

Và tôi biết rằng trong tương lai khi mùa Giáng Sinh đến, chắc chắn tôi sẽ lại ngồi hồi tưởng đến mùa Giáng Sinh năm nay khi đang ngồi đây viết lên những dòng chữ này.

Viết vào mùa Giáng Sinh 2021

Thảo Lan

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 699,221
Tôi đi như chạy trong hành lang của thương xá đang đóng cửa vắng tanh không một bóng người vì cơn Đại Dich Covid-19. Đây là Mall lớn và duy nhất trong thành phố Lafayette của tôi nhưng đã đóng cửa từ đầu tháng 3 do lệnh từ tiểu bang để chống lại sự lây nhiễm của Con vi rút Corona này ! Mall chưa bao giờ đóng cửa suốt gần 60 năm , cho nên đây chính là biến cố thê thảm nhưng dĩ nhiên không phải chỉ cho thành phố êm đềm của tôi , mà cho cả thế giới !
Hồi mới qua Mỹ, tôi định cư ờ một thành phố nhỏ vùng biển, mà dân chúng đa phần là người Việt, nghe nói nguyên cái làng chài ngoài Trung vượt biển qua hết đây, họ sống túm tụm với nhau , hàng xóm quen biết thân thiện từ hồi nhỏ , gần như nhà nào cũng sống bằng nghề đi biến y như bên nhà, thành phố có việc làm quanh năm cho mọi người khi xây dựng nhà máy chế biến cua ghẹ đóng hộp bán khắp nơi. Cuộc sống dân tình ở đây dĩ nhiên khấm khá gấp mấy lần bên quê nhà, vì tánh cần cù chịu khó của người quen với lao động tay chân dầm mưa dãi nắng, nên bước đầu khởi nghiệp của họ cũng dễ dàng hòa nhập trên quê hương mới, giàu thì sắm được vài chiếc ghe cào tôm, hay tàu cá ,nghèo thì theo làm “ bạn ghe” (người làm thuê cho chủ trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi) cũng có của ăn của để, có nhà đẹp xe sang, nhưng cũng không bỏ được cái tật ham vui những lúc biển động nông nhàn, sau những chuyến ra khơi vất vả, tàu về bến nghĩ ngơi là họ lại rủ nhau đi Casino miệt mài vui thú đỏ đen, nghe đâu có n
Thằng mauricio làm tổ trưởng của nhóm này, nó chuyển đến Đào bang từ Tennessee, tuy nhiên quê quán chánh gốc lại ở tận Chicago. Cha nó đen và mẹ trắng, cái gene trắng mạnh hơn nên nhìn nó chất đen rất ít, tuy nhiên tâm hồn nó lại rặt chất đen. Nó mê đội Bravo và đội Panther như điếu đổ, nó không thích cá độ nhưng thỉnh thoảng cũng có cá cược chút chút theo cả nhóm cho vui. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, nó chơi thân với Steven và cũng vui vẻ hòa đồng với cả nhóm. Steven thường chửi nó:
Trên đây là Email tôi gửi cho Supervisor báo tin ngày Thứ Sáu 10 tháng 09, năm 2021 là ngày cuối cùng của tôi làm công việc Crossing Guard. Ông Supervisor đã điện thoại đề nghị tôi làm thêm vài tuần nữa để ông có thể kiếm người thay thế vì tôi làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và được bà con dành nhiều cảm tình đặc biệt. Tuy nhiên, tôi trả lời với ông là tôi không thể nào tiếp tục được! Dù tôi rất yêu thích công việc này và tôi cũng rất buồn khi phải giã từ công việc mà tôi đã làm nhiều năm, với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Hiện nay, tôi đã lớn tuổi, sức khoẻ không còn tốt và không còn nhanh nhẹn như thời gian vừa qua.
Lúc sau nầy bà Ba lên cân đều đều.Hễ bữa trước có món cá kho tiêu, chấm rau lang luộc do người bạn hái cho, non trong, ngon quá, quất vô một chén cơm đầy thì, hổng nói thừa, bữa sau leo lên cân tăng liền 3 pounds,vì vậy bà Ba chỉ ăn cơm khi nào thèm lắm.Cứ hai tuần bà mới nấu 2 lon gạo, mỗi bữa ăn, chỉ hai muỗng, thêm nhiều rau củ, để cuối năm mới có hy vọng xỏ vô được cái áo dài đi tiệc thường niên.Vậy mà, cũng tại mấy chị bạn trên facebook.Mấy bả đó nghen,“ác” lắm
Như loài cỏ dại đang thời nở hoa, Bé vẫn đang ưu tư với những ước mơ vươn lên cố chạm được đến cái tinh tuý trong lối giáo dục của Nước Mỹ để sau này Bé có thể áp dụng phần nào vào công việc nhà giáo hiện tại để giúp cho trẻ em Việt Nam. Đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh bơ vơ như loài cỏ dại không tên không tuổi, nhưng biết là hoa dại có sắc và có hương vẫn gửi vào trong gió bay …
Họ là dân ở vùng Trung Mỹ. Trung Mỹ có 7 quốc gia, nhưng nhập cư vào Hoa Kỳ đông nhất là người: El Salvador, Guatemala, Honduras… Họ nói tiếng Spanish nên người mình gọi họ là “dân Xì”. Họ đi qua nước Mễ Tây Cơ (Mexico) để vào Mỹ nên gọi là “Mễ – “Mễ” hay “Xì” cũng rứa – Dù khác quốc tịch, nhưng họ nói cùng ngôn ngữ, nhân dạng giống nhau: mũi cao, da sậm. Đàn ông: cổ rụt, vai ngang, ngực gồ, chân ngắn, chiều cao trung bình như người Á Đông, nhưng trông họ vạm vỡ, mạnh khỏe hơn. Con gái “Xì” khá xinh, nhưng qua tuổi hai mươi lăm, phần đông phát triển quá khổ ở vòng số 2 và số 3 nên trông họ hơi xồ xề (có lẽ do chế độ ăn uống) nhưng nét lai Âu châu của họ làm cho: “quyến rũ - ưa nhìn”…
Khi Lisa càng lúc càng nghi chồng nàng có thể làm những chuyện đen tối sau lưng mình, Lisa nhất quyết phải tìm cho ra bằng chứng để chứng minh sự nghi ngờ của mình. Từ một mảnh giấy vụn Jerry vất vào xọt rác, nàng tìm thấy mật hiệu để vào máy vi tính của Jerry tìm đọc, xem những thư từ, hình ảnh chồng mình cất giấu từ bao năm qua. Trước đây nàng không nghĩ là mình cần phải làm những điều như vậy, nhưng đến nước này thì sự cần thiết cho một giải thích chính đáng đã khiến nàng vượt qua sự tò mò thông thường của các bà vợ theo dõi chồng mình. Sau một hồi lục soạn bao nhiêu danh mục riêng của Jerry, Lisa không tin mắt mình khi nhìn thấy một tấm hình làm tan nát tim nàng. Quả là nàng đoán không sai, người chồng mà nàng từng tin tưởng tuyệt đối nay lại có thể làm những điều tệ hại như thế này sao!
Đặc biệt sau biến cố năm 1975, dân chúng Việt Nam tỵ nạn được đồng minh và chính quyền Mỹ cho phép định cư vĩnh viễn trên đất nước dân chủ hòa bình tự do bình đẳng cuả họ, thì không chỉ phụ nữ được giaỉ phóng mà ngay cả những mớ bòng bong thời cổ, những rắc rối phiền toái thời phong kiến cũng không cánh mà bay vào dĩ vãng, chẳng ai phải tốn một viên đạn nào, chắng cơ quan xã hội, tự do dân chủ nào phải tổ chức hội họp tuyên truyền biểu tình mít tinh đòi hỏi, chống đối! Tự nó ngoan ngoãn đi vào ngăn cất của thời gian một cách nhẹ nhàng! Những ai còn cố chấp, sẽ bị chính bản thân họ dày vò, bất mãn, bất an, sầu đau, tủi phận…và bị xã hội đào thải, gia đình buông bỏ, sống một mình cô đơn ôm nuối tiếc cho một thời oanh liệt, vàng son đã qua… chờ ngày ngậm ngụi nơi chín suôí!
Tôi có nhân duyên được trang chủ Minh Châu Trời Đông gồm chị Ngọc Hà và chị Đỗ Dung làm moderator và Cô Gái Việt là bà bầu Phương Thuý mời gia nhập hội. Đặt biệt hai hội này dành riêng giới phụ nữ, chị em sinh hoạt tâm tình, làm thơ nối đuôi chung đề tài nào đó hoặc vốn liếng thơ văn, nhạc rất dồi dào, gởi cho nhau đọc và nghe giải trí. Tiếp theo tôi được chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc là chị Hồng Thuỷ mời nhập hội viên, từ đó tôi quen chị Phan Lang, một phụ nữ Việt Nam đầu tiên gia nhập quân đội Mỹ với chức vụ Trung Tá, người đàn bà tài sắc vẹn toàn.