Hôm nay,  

Dấu Chân Tình Hè

03/09/202100:00:00(Xem: 5559)

·

HINH VIET VE NUOC MY 01
Hình của tác giả cung cấp


Minh Thuý Thành Nội - 
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở.”  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.

 

***

 

Bao nhiêu giai đoạn lo âu lần lượt từ khi dịch bệnh Covid-19, giờ lại nghe tin tức những biến thể Delta. Chúng tôi gồm có chị Đỗ Dung, chị Phương Hoa, chị Lê Diễm tin tưởng mình đã chích 2 liều Pfizer hoặc Moderna nên có ý làm cánh chim bay theo trời hạ, sau khi được chị Phan Lang mời về thăm nhà mới của chị ở “Thành Phố Lướt Sóng" tại Mỹ, nơi có bãi biển Huntington Beach xinh đẹp.  

Tôi có nhân duyên được trang chủ Minh Châu Trời Đông gồm chị Ngọc Hà và chị Đỗ Dung làm moderator và Cô Gái Việt là bà bầu Phương Thuý mời gia nhập hội. Đặt biệt hai hội này dành riêng giới phụ nữ, chị em sinh hoạt tâm tình, làm thơ nối đuôi chung đề tài nào đó hoặc vốn liếng thơ văn, nhạc rất dồi dào, gởi cho nhau đọc và nghe giải trí. Tiếp theo tôi được chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc là chị Hồng Thuỷ mời nhập hội viên, từ đó tôi quen chị Phan Lang, một phụ nữ Việt Nam đầu tiên gia nhập quân đội Mỹ với chức vụ Trung Tá, người đàn bà tài sắc vẹn toàn. Chị có bản tính lạc quan, mạnh mẽ hay nghĩ thoáng về mọi chuyện, quyết định nhanh chóng và năng nổ trong các việc. Khi nhớ những kỷ niệm buồn, duyên phận dang dở với người chồng xấu số của chị đã qua đời, nhớ về quê hương đang đau khổ hoặc nhớ thương cha mẹ già ở bên kia quả địa cầu… thì chị dâng lên cảm xúc tràn trên những bài thơ đọc rất buồn và cảm động.

Được biết chồng chị là anh Phạm văn Diên, một cựu thiếu tá trước 75 đã từng chỉ huy chiến hạm PGM615 (loại nhỏ). Đến Mỹ năm 75 anh chị đã làm đủ nghề sinh sống như thợ mộc, thợ hồ, rửa bát đĩa cho nhà hàng, nhổ cỏ, hái trái cây, trông nom trại gà. Anh Diên hoạt động hăng say cùng thân hữu vận động thành lập hội Ái Hữu người Việt đầu tiên tại Columbia, mở trường dạy Việt Ngữ, tổ chức lễ hội truyền thống, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, tranh đấu nhân quyền, tự do ở Việt Nam, gây quỹ cứu thuyền nhân...v…v…

Anh chị vừa làm vừa theo học chương trình đại học tại University of Maryland, Eastern Shore. Chị tốt nghiệp 2 bằng cử nhân, trong đó có bằng Nutrition và Dietetics (dinh dưỡng học), chị vẫn tiếp tục học lên thạc sĩ, và chị chọn chương trình Army (quân đội).

Anh Diên mất năm 1985 vào dịp lễ Độc Lập, trong buổi tiệc picnic ở bờ biển Foley Beach, SC nằm cách Columbia 3 tiếng đồng hồ lái xe từ nhà anh chị, vì trẻ con bị sóng cuốn, anh cứu con cùng vài trẻ khác sống, nhưng anh đã bỏ mạng, thượng nghĩ sĩ South Carolina (thời đó ban bằng khen cũng như báo chí, mọi người thương tiếc ngưỡng mộ xem anh như một vị anh hùng.

Năm 2002 chị “Phan Lang về hưu, các con đều ăn học thành tài. Chị lập gia đình với Barry (người Mỹ), trước kia là sĩ quan Không quân trong Quân Lực Hoa Kỳ, Barry học lại tốt nghiệp bằng PhD, dạy trường University of Hawaii vài năm, sau này làm việc cho US Navy/Submarine, công việc của Barry là Technical Director at Theater Antisubmarine Warfare Force US Pacific Fleet cho đến ngày về hưu. (Mời đọc bài phỏng vấn rất tỉ mỉ của ông Phạm Tín An Ninh về Trung Tá Phan Lang trên Google).

Hiện nay anh chị sinh sống trên hòn đảo Oahu / Hawaii. Thời gian gần đây vợ chồng chị về mua thêm căn nhà vùng Huntington Beach. Tánh chị thích sống với bạn bè, luôn tham dự họp mặt trung học trường Võ Tánh Nha Trang, bạn mấy diễn đàn MCTĐ, CGV kể cả VBVNHNVĐBHK. Chị mở lòng mời tất cả các chị em về nhà chơi không phân biệt, chỉ đến bằng cái tình thân thiện vui vẻ và cởi mở, chính thái độ hòa nhã nhiệt tình đó làm chúng tôi hứng chí. 

Bắc Cali gồm chị Đỗ Dung, chị Phương Hoa, chị Lê Diễm và tôi rủ nhau về. Ban đầu dự tính chị Lê Diễm lái xe, chị LD là người sinh hoạt năng nổ ngoài cộng đồng những việc lợi ích, viết báo, phóng viên, rất mạnh mẽ tài giỏi, nhưng chúng tôi cũng mong có người đàn ông thay phiên chị lái xe, vì còn lại ba người này yếu tay lái chẳng dám, cuối cùng bạn chị giúp lái phụ.

Đúng lúc tin tức cảnh báo những biến thể của Delta, ông xã chị Phương Hoa lo sợ hăm he “đi về phải cách ly nửa tháng”, chị im lặng âm thầm cuốn gói ra đi. Ông xã chị Đỗ Dung thấy vợ đi chơi với sự háo hức mạnh mẽ nên thương và chìu chuộng, anh cùng hai con đưa chị đến tập trung nhà tôi đầy vẻ khuyến khích. 

Chúng tôi khởi hành ngày 16/7 từ 12 giờ trưa đến hơn 7 giờ tối đến nhà chị Phan Lang. Chúc Anh và chồng đến thăm hẹn mai sẽ chở chúng tôi đi nhiều cảnh đặc biệt của LA, gặp lúc vùng LA có lệnh phải đeo khẩu trang, tính lui tính tới cũng hơi ngán nên dự định hủy bỏ. Chủ nhà dọn sẵn buổi tiệc tối gồm bánh bèo, bánh lọc, món xào chay, gỏi và bún bò. Phần đói lại thấy các món VN do một tay chị PL đứng bếp đảm trách, và vui quá với không khí ấm cúng nên ăn thật ngon miệng.

Barry (chồng chị PL) có nét mặt hiền hậu như tiên ông, ít nói và vô cùng lịch sự với khách. Phe đàn bà ham chụp hình nên chị PL kêu gọi Barry mãi hoài, ông mỉm cười hòa chung niềm vui của vợ trông rất dễ mến.

Đêm nói chuyện râm ran, thức dậy sớm tiếp tục nói, nghe các chị kể chuyện cùng không khí ăn hưởng, tinh thần tôi thấy sảng khoái chị lạ. Sáng các chị em phụ chị PL lột mít, lặt rau, còn chị PL đứng suốt buổi làm đủ món mới, bún xáo tôm thịt bò, nem chả, đổ bánh, nấu món chay cho chị Phương Hoa dùng. Bày ra một bàn xong, lại lẹ làng chớp hình, hối thúc chuyển hình qua các phone, mỗi người đều say sưa dán con mắt vào phone chẳng thiết ăn uống, cho đến khi có chị Như Hảo (đài Mẹ Việt Nam) và chị Kiều Mỹ Duyên (phóng viên chiến trường trước 75) đến thăm mới buông phone vào nhập tiệc.
Chiều có khách đến thăm, dùng chung buổi cơm chiều với món cá kho tộ, tôm thịt kho thật đậm đà, cứ thế vì vui, vì được ngồi chung nên ăn đến cứng bụng ...tới đâu thì tới, lên cân thì mặc lên cân…Tối chị PL chở đi xem biển và khu shopping chốc lát, đêm về xem hình từ máy chị PL edit cẩn thẩn từng tấm một rất công phu.

Sáng kế tiếp thức dậy thấy cảnh nhà yên ắng, nghĩ chị PL có lẽ nấu ăn phục vụ bạn quá mệt, nên không dám thức dậy, chị em chạy ra biển lội nước nhìn từng đợt sóng trắng dập dồ thật đẹp, chị Lê Diễm đứng tập thể dục, chị Phương Hoa nhặt từng con sò màu đen, trắng, vàng xinh xắn dạt vào theo từng đợt sóng, tôi dầm chân dưới nước nhìn ngắm mây trời lửng thừng bay, nước xanh mát mênh mông thả hồn về khoảng thời gian đi vượt biên năm nào...

Tiếp tục chương trình các chị đi thăm bạn, có lẽ vì ăn chơi vui quá nên mọi người hồn tự đi xa, bước xuống quên khoá cửa xe, leo lên xe mò chìa khoá không có, chạy vào văn phòng chị Như Hảo tìm. Ghé khu Phước Lộc Thọ mua áo dài, giày dép mỗi người một bao lớn. Thỏa mãn xong, chị Lê Diễm đang cầm phone chị Đỗ Dung lấy địa chỉ, ghé vào nhà khác đón bạn chị, lúc trở ra xe nổ máy, chị Đỗ Dung tìm phone không thấy, chị Lê Diễm chạy trở vào thấy để quên trên bàn. Chị Kiều Mỹ Duyên gọi Lê Diễm không hay, nên gọi chị Phan Lang nhờ chuyển máy, chị PL đưa phone qua chị LD nói chuyện.

Ra về chia tay, ôm nhau bịn rịn hồi lâu, khi xe chạy được 2/3 đường về trong đêm tối, tình cờ chị Đỗ Dung mở phone đọc email, thấy chị Phan Lang nhắn “phone lạc đâu rồi, các chị xem giúp, PL không có internet connection cho TV, GPS cho xe, và không có số phone bạn bè dù dùng phone Barry để gọi”, chị Phương Hoa vội vàng dùng phone gọi số của chị PL thì nó reng trong túi xách của chị Lê Diễm!!! Đọc email vừa thương nhưng cũng mắc cười nghĩ trớ trêu nghịch cảnh, tiếng cười vỡ oang đến nghẹn vì không thể đè nén.  

Đến San Jose hơn 1 giờ sáng, chị Lê Diễm đầy tình cảm chịu khó chở chị Đỗ Dung về tận nhà. Anh Thọ ra đón mừng rỡ, chị Đỗ Dung chỉ chồng lấy các thứ trên xe xuống. Xe chạy gần đến nhà tôi thì chị Đỗ Dung gọi “Mình quên gói quần áo mua nơi khu Phước Lộc Thọ”!!!

“Tới rồi …tới rồi…” tiếng chị Lê Diễm thoải mái nói. Xe leo lên thềm đậu, chị Phương Hoa nhanh nhẹn nhảy xuống chuyền đồ của chị xuống mở sẵn xe và nhờ tôi chuyền qua, trong khi chị tranh thủ dọn thùng sách phía trên. Trước khi ra về chị PH kỹ càng kiểm lại các thứ mới phát hiện tôi bỏ …lộn các thứ trở lại xe chị Lê Diễm!!! (may mắn chị LD chưa về).

Ôi thôi …lứa tuổi này còn được đi xa, gặp bạn bè chị em là điều hiếm hoi và quý hoá, chứ cái đầu ai hình như cũng lơ lửng bay cao…hay tại vui quá nên dư âm vẫn còn ngây ngất những ngày bên nhau?!!!

Cám ơn chị Phan Lang đã bày tỏ tình cảm qua nghĩa cử thương yêu trải rộng cùng bạn bè, tất cả kỷ niệm sẽ được nâng niu giữ gìn trong ký ức như cất giữ tinh hoa đẹp trong cuộc sống.
 
Bóng Mát Trường Xưa 
            
Cuối tháng bảy, tin tức bên Việt Nam bị dịch Covid_19 lây lan nặng nề, trí óc bị chi phối, những việc làm theo dự tính của group trường học vẫn phải bước tới. Trước khi về Sacramento tôi nhờ ông xã chuyển tiền của chị em trong gia đình đóng góp, gởi về Huế cũng như Sài Gòn nhờ người nhà bên đó giúp đỡ những kẻ nghèo khổ hoặc người bán hàng rong, bán vé số bị bế tắt, trong lòng mới thấy nhẹ nhàng bớt ray rức là mình không vô cảm.    
   
HINH VIET VE NUOC MY 02
Hình của tác giả cung cấp
Ngày xưa ngôi trường Nữ Trung Học Thành Nội nằm trong thành, học sinh ở ngoài thành học Đồng Khánh, ai ở trong thành học trường Thành Nội. Cô Tôn nữ Tiểu Bích làm Hiệu Trưởng thời đó đã bỏ công rất nhiều từ thuở khai sơ, khi trường Đồng Khánh quá đông không cung ứng đủ lớp học, ty giáo dục cho xây thêm ngôi trường nữ trong thành chỉ có đệ nhất cấp, lên đệ tam lại trở qua trường Đồng Khánh học tiếp, sau thời gian Cô Tiểu Bích vận động xin xây thêm lên đệ nhị cấp hoàn thành. Ngôi trường thọ được 10 năm cho đến tháng tư năm 75 thì thay tên và đổi hiệu trưởng.

Thời đó Cô xã giao bên ngoài rất lanh lẹ. Còn nhớ mỗi cuối kỳ nghỉ hè Cô xin được xe nhà binh đến chở học sinh đi biển Cảnh Dương, biển Thuận An, có lần tàu hải quân đón tại bờ sông Hương chở thầy trò đi thăm Điện Hòn Chén thật ngoạn mục. Cô luôn có những thông báo yêu cầu học sinh thêu khăn để nhà trường gởi ra tiền tuyến làm quà cho các anh chiến sĩ, hoặc dẫn học sinh vào thăm các anh bị thương nằm Quân y Viện trong Mang Cá, năm vừa qua Cô Tiểu Bích cùng cô Thanh Tâm (hiệu trưởng trường Đồng Khánh), phối hợp quyên góp cựu học sinh tiền gởi các anh Thương Phế Binh ở quê nhà, do các cựu học sinh bên đó chia nhau đến tận địa chỉ theo danh sách. Cô sống rất tình cảm, mùa đông thường đan len phát cho các học sinh nghèo, chính vì vậy mà chị Xuân Ba tuy chỉ học một năm và sau đổi vào Nha Trang, nhưng mối ân tình nhận chiếc áo len ngày ấy vẫn nằm trong trái tim của chị. Qua Mỹ chị vẫn trăn trở thương yêu Cô nên bỏ công tìm kiếm những đứa con trường Thành Nội lưu lạc trên xứ người liên kết và tổ chức những buổi họp mặt tình nghĩa.

Cô Tiểu Bích và một số học sinh lọt ra nước ngoài ở rải rác. Năm nay Cô đã 84 tuổi làm bạn đời với một bác sĩ người Mỹ tên Fred, hiện ở tại thủ phủ Sacramento thuộc Bắc Cali. Tháng này là Sinh Nhật 89 của Thầy Fred.

Nói về tình nghĩa Thầy trò thật là tinh khiết chứa đựng tình thương, lòng biết ơn quý mến sâu đậm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Chờ đợi qua mùa dịch dự định một nhóm tổ chức về thăm Cô hiệu trưởng nay cũng lớn tuổi, ngày tháng qua mau nào ai biết hôm mai, nên muốn tạo cho cô niềm vui được lúc nào hay lúc đó.

SÁNG THỨ SÁU ngày 23/7 tôi cùng Thanh Xuân, Phương Chi và cô giáo Đạm Tuyết thuê xe Uber về nhà Cô Hiệu Trưởng, đặc biệt, Phương Chi từ San Diego tình cờ lên thăm con trên SF, ghé nhà tôi chơi, nghe về chuyến họp mặt liền đổi vé máy bay ở lại thêm hai ngày để đi chung. Từng đợt đến kế tiếp, chị Xuân Ba đến từ New York, chị Mễ Khuê từ Colorado, Hoàng Yến từ Texas, vợ chồng anh Tân, Dạ Điểm cũng như vài bạn đến từ Santa Ana. Tại Sacramento có 4 cặp vợ chồng khởi xướng nhiệt tình lo phần ăn uống trong mấy ngày. Vậy là học trò xông pha đại náo nhà Cô hiệu trưởng. Người ta thường nói “chật bụng chứ không chật nhà”. Cô và Phu Quân hân hoan đón chào tất cả. Chúng tôi chiếm giữ phòng ốc cho đến phòng khách, từ dưới thảm lên ghế sofa.

Chiều thứ sáu tập trung tay bắt mặt mừng. Thức ăn tràn ngập do bốn đầu bếp Kim Xuân, Huỳnh Thơ, Dạ Minh, Phạm Vinh tự tay nấu nào là miếng gà, nem chả, bánh lọc trần, bánh gói, bún bò chạo tôm, xôi trắng, xôi đậu đỏ, gà bóp rau răm, chè bột lọc, đậu xanh, và nhiều món lạ, chưa kể Dạ Điểm và rể Tân từ Santa Ana vác cả gia tài gồm bịch Vả to, hũ tôm chua bự lớn, giỏ trái cây, và nhổ cả vườn rau đem đến, Chị Thí anh Phước đặt áo đồng phục màu cam tặng và mấy chục đòn bánh tét, ngoài ra các chị em khác còn mang những món ăn vặt linh tinh, cô Đạm Tuyết mang mấy bịch kẹo chocolate lớn, lem thèm dân bị tiểu đường chơi.

Kể thêm hai cặp Dạ Điểm & Tân, Phước & Thí luôn làm người hùng nhiệt tình mọi việc từ tài chánh, vật chất cũng như công lao để chị em có những cuộc họp thật đầy đủ. Lần này Thao Thao bỏ công hướng dẫn cuộc vui với nhiều địa danh tuyệt vời.

Đêm nhộn nhịp ăn hưởng, nói chuyện râm ran, nói say sưa, nhắc nhở kỷ niệm thời đi học, nhắc tên Thầy Cô ngày ấy. Cô Tiểu Bích ngồi nhìn đàn con cười sung sướng và giỡn hết ga, rể Tân có một bụng chuyện tếu xổ ra làm chị em cười thắt ruột. Còn nhớ những lần họp mặt trước, chị Xuân Ba kể chuyện tiếu lâm, cô Đạm Tuyết nhăn mặt

- đừng nói rứa

Nhưng chị Xuân Ba không nghe và vẫn thao thao bất tuyệt, cô không biết gọi ai quay qua tôi

- Thuý...Thuý ...mấy người ni ...mấy người ni… chi… lạ…

Tức thì rể khác quay nhìn cô cười  
            
- “Đừng nói rứa” thì mần răng cô cho ra những “nhi đồng cứu quốc” đó tề

Cô biết không trả lời được với lũ “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nên đành im lặng trong khi lũ này cười ngắc nghẻo. Có người còn nói

- “đừng nói rứa” chứ sau này sẽ có một ngày cô nói “kể nữa đi” cho mà xem

Giờ đây rể Tân kể đều đều cô Đạm Tuyết im lặng nghe và cười “hiểu rồi...hiểu rồi’ cô Tiểu Bích khoái trá nhái lại

- “đừng nói rứa” hay là “nói nữa đi”… ha...ha...”đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” 

Vì đề tài tạo những trận cười dòn dã nên rể Tân càng hăng hái, cống hiến thêm nhiều chuyện vui nữa.

SÁNG THỨ BẢY, Cô trò ra William B Pond Recreation Area trong William B Pond Regional Park, bên bờ sông American River, người khiêng kẻ vác thức ăn, các ông rể ra trước dựng lều che nắng. Vui hơn nữa có anh Luận & chị Dạ Minh, chị Yến, chị Hồng Soan và chị Minh Thu đến.

Chị em trường Nữ Thành Nội lại điệu đà trong tà áo dài tha thướt chụp chung, chụp riêng, làm mấy ông rể Tân, Phước, Hào, Huy và đặc biệt là rể Lâm chạy ê càng chiều lòng quý nữ. Chưa xong, ...màn hai thay đổi xiêm y đồng phục quần trắng áo cam đứng ngồi nghiêng ngả, trong khi trời nóng trên 100 độ, mấy ông rể mồ hôi nhễ nhại thật dễ thương vẫn vui vẻ bị mấy bà la gọi ơi ới, khi hình chất như núi mới thỏa mãn bày biện thức ăn trưa. Chị Yến (khóa đàn chị) đem món bánh ướt chả lụa chay do tự tay chị làm thật ngon miệng. Thỏa mãn bao tử xong, cô trò xuống suối lội nước trong veo thấy từng viên sỏi, giòng nước mát rượi giữa trưa nắng hè, mọi người ngâm chân hưởng làn gió mát dễ chịu, rồi khoái quá ngâm mình ướt từ cổ đến chân.

Trở về nhà chị em mệt lả, nằm nghỉ dưỡng sức cho tỉnh táo, chờ khoẻ chơi tiếp. Bốn chị em đầu bếp lại tiếp tục sửa soạn thức ăn khác cho buổi tối để mừng sinh nhật thầy Fred, đặc biệt chị Dạ Minh đặt món Tira Misu tại tiệm bánh Ettore’s nổi tiếng tặng cô thầy rất ngon, kế tiếp Huỳnh Thơ làm chè Khúc Bạch, tôi thấy món lạ quá nên muốn học hỏi, bạn cho biết loại chè này gồm có: Gelatine, Sữa Tươi, Sữa Đặc, trái cây (Xoài, Nhãn, Vải, Chôm Chôm, Strawberry… v..v...) Đêm văn nghệ bỏ túi thân mật, có hai giọng ca hay nhất là rể Phước và Kim Xuân được yêu cầu hát hoài, tới khuya cuộc vui dừng lại để ngày mai chuẩn bị lên đường đi chơi nơi khác.

SÁNG CHỦ NHẬT mờ sương mọi người thức dậy chào nhau, tiếng nói râm ran, mùi cà phê thơm phức, chị Thí luôn là người nội trợ giỏi, đảm đang lo hâm nồi bún bò, cắt bánh tét phục vụ mọi người ăn sáng no nê. Đúng 9 giờ cả đoàn tập trung tại nhà cô Tiểu Bích. Xe chạy khoảng hơn 2 tiếng đến Hotel Tahoe Hacienda Inn thuộc South Lake Tahoe Meadows, ăn trưa xong chờ lấy chìa khoá phòng đẩy hành lý vào. Chúng tôi đi bộ ra biển, trên đường nhìn toàn những cây thông cao bao bọc dẫn đến bãi, khách đạp xe nhàn lãm, người đông trên biển, chị em lội nước vui chơi mấy tiếng đồng hồ rồi trở về thay đổi xiêm y chuẩn bị đi ăn tối. Một… hiền phụ chạy qua phòng tôi thở dài

- Mình đem hai bộ áo dài, ba bộ đầm nhưng quên mang giày dép

Tôi trố mắt 

- rứa thì khi leo lên xe mi đi chân đất à? mi ở Stockton chứ mô có xa

- mình…mình…quên 

Lại được trận cười nữa, chị em đem dư giày đưa thử, sau cũng có đôi mang vừa, 10 phút sau bạn tôi trong chiếc dress thật sang trọng, càng đẹp thêm nhờ bạn có dáng cao ráo, thon thả quý phái, cộng thêm lối nói chuyện nhẹ nhàng ngọt ngào với nụ cười luôn nở trên môi thoải mái. Ơi chao! đến cái tuổi …quên…quên đủ thứ xảy ra trong nhóm liên tục mấy ngày qua.

Thao Thao tìm ra quán Thai On Ski Run, trời đêm gió mát ngồi ngoài sân say sưa nói chuyện trong lúc chờ đợi, không ngờ quán đông khách quá, chúng tôi bắt đầu thấy đói bụng nhưng phải đợi hơn một tiếng đồng hồ thức ăn mới đem ra từ từ. Ngồi ăn cùng nhau không phải là điều dễ nên chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lâng lâng biết quý những giây phút hiện tại.

SÁNG THỨ HAI đoàn tiếp tục đi tới Nevada Beach, bãi biển này vào cửa đóng $10 mỗi xe, nơi cắm trại với khung cảnh chung quanh là những cây thông cao vợi. Sáng sớm biển vắng người yên tĩnh, nắng hạ đang còn lưng chừng, một vùng sương mù bên kia những dãy núi, nước màu xanh ngọc dịu mát, bãi cát vàng mịn màng êm như nhung. Các chị em tha hồ tung tăng lội nước, chờ những con sóng nhào tới nhảy lên đầy thích thú. Nhìn Hoàng Yến nhảy liên tục dưới nước khiến tôi đầy kinh ngạc, vì đêm đầu tiên mới đến, Hoàng Yến vô ý bị vấp chân nơi bậc thềm va chạm mạnh, chân sưng vù, chị em hoảng sợ, người lấy đá, người lấy thau cho bạn ngâm chân, từ đó bạn đi cà nhắc từng bước và chân vẫn còn sưng...Đang còn ngơ ngẩn bỗng thấy Thanh Xuân chạy trên cát, có điều gì đó làm tôi khựng lại suy nghĩ chưa ra, sau sực nhớ Thanh Xuân bị gãy xương, một chân bắt vít ốc đã mấy năm, vì vậy Thanh Xuân không thể tham dự những cuộc họp mặt vì hễ chân đi bộ một đoạn là sẽ đau và sưng vù, lần này trước khi tham dự, Thanh Xuân cũng hơi lo chuyện đi bộ sẽ ảnh hưởng đến cổ chân...vậy mà bây giờ nhìn Hoàng Yến và Thanh Xuân chạy nhảy, thật hết sức ngạc nhiên, đến hỏi hai người có đau chân không? cả hai cười khì lắc đầu. Niềm vui giúp tinh thần mạnh mẽ đến như vậy, giúp vượt qua vết thương của thể xác đến không còn biết đau đớn gì, tôi mỉm cười như vừa tìm ra chân lý.

Vẫn tiếp tục đeo nhau xúm xít hành các ông rể chụp hình không biết bao nhiêu là đủ, có hai cặp còn ngồi lên lưng chồng nhờ rể khác chụp hình nữa…Vậy đó! toàn những cô nữ sinh Thành Nội một thời áo trắng đội nón bài thơ, tan trường như bươm bướm lượn hướng về cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ hay Cầu Kho, Tây Lộc hoặc trên đường Phượng Bay có bóng mát êm dịu của hàng cây xanh, có hồ Sen tươi mát trước cổng Đại Nội. Nay tỵ nạn trên xứ người, gầy công cày bừa chăm nuôi các con ăn học nên người, đạt danh phận cao hãnh diện, giờ họ đã thành bà nội, bà ngoại cả rồi chứ đâu còn trẻ nhỏ, nhưng chị em bạn học cũ gặp nhau bỗng sống lại thời nghịch ngợm hồn nhiên. Ôi! cuộc gặp gỡ giữa tình thầy trò, tình bạn thật đáng giá níu lại tuổi thanh xuân và cũng sẽ được tăng tuổi thọ, tôi nghĩ vậy. 

Dọc theo bờ biển thong dong hưởng khí trời trong mát, nắng đã lên cao chiếu hồng rực rỡ, thương quá tiếng sóng rì rào êm ái. Thả mặc các bạn vẫn say mê chụp hình, tôi ngồi xuống duỗi thẳng đôi chân chờ những đợt sóng cuồng cuộn tấp đến, trời xanh dịu theo những cụm mây trắng nhẹ nhàng, biển mênh mông bát ngát, vài cánh buồm nhấp nhô xa tít đưa tâm hồn tôi trở về ngôi trường Thành Nội, nhớ bạn bè, thầy cô, số còn sống, số đã qua đời, cứ vậy miên man từ hình ảnh này qua kỷ niệm khác say sưa cho đến khi chị em gọi đi về.

Dọn dẹp hành lý check out ra về vẫn còn luyến tiếc khung cảnh Nevada Beach quá đẹp. Anh Tân và Dạ Điểm mời cả đoàn ăn trưa, muốn những người thổ địa vùng Sacramento chọn dùm nhà hàng, nghe cô Tiểu Bích và các em nói có nhà hàng Lemon Grass rất ngon cũng như khung cảnh lịch sự, nhưng rất tiếc thứ hai đóng cửa. Cô Tiểu Bích nhờ thầy Fred chọn dùm tên tiệm là Summer 52 nằm trong khu shopping rộng lớn. Tiệm dành cho cả đoàn theo sự đặt chỗ của thầy Fred vào gian phòng riêng biệt, cho nên phe ta lại hát hò, hợp ca thoải mái dù ồn ào vẫn không ảnh hưởng bên ngoài. Rể Tân trả tiền nhưng Cô Thầy đã thanh toán tự hồi nào làm anh khựng người chẳng nói nên lời. Tuy ăn trưa nhưng cũng kéo dài tới chiều thong thả.

Về nhà cô Tiểu Bích phát hiện mất chùm chìa khoá và các giấy tờ tùy thân, học trò lớp xổ tung vali cũng như túi xách của Cô ra tìm, lớp gọi phone liên lạc hotel nhờ kiếm giúp, vẫn không có kết quả, thầy Fred lên máy gọi cancel số các thẻ visa.

Đêm cuối cùng, cô muốn ngồi nói chuyện hoài dù cô Đạm Tuyết nhắc nhở bao nhiêu lần là “đã khuya rồi” 

Cô Tiểu Bích nói

- Rất vui vì cuối đời có được hạnh phúc bên thầy Fred, và thêm bầy học trò luôn xúm xít quanh cô, lại được chị Xuân Ba tìm kiếm thêm cựu nữ sinh, tổ chức những cuộc họp mặt đầy tình nghĩa thầy trò, hôm nay dù sau mùa dịch, chỉ là cuộc văn nghệ bỏ túi nhưng thật sự quá vui, trò chơi đâu kéo cô theo đó, có ai sung sướng bằng cô không?

Giờ khuya cả nhà ngủ say, thầy Fred nghe tiếng nước chảy ầm ầm sau vườn, dậy phát hiện ống nước bể, rể Tân thức theo phụ hứng nước nhiều bình trước khi khoá ống.

SÁNG THỨ BA thức sớm, cô lo nước và bánh trái cho chúng tôi bới theo, Dạ Điếm và anh Tân cùng về một lượt. Tôi muốn học tánh cô dù gặp xui xẻo điều gì, Cô vẫn nhanh chóng đẩy lùi nhường bước cho sự vui vẻ và nụ cười lạc quan tiếp tục, thầy cô chở ra bến xe đò Hoàng, chúng tôi leo xe ngồi thúc giục cô trở về, nhưng thầy cô vẫn đứng đợi cho đến khi xe chạy.

Chuyến đi như được hồi sinh lại cuộc sống, tươi vui trọn vẹn. Trước tiên em cám ơn thầy Fred và cô Tiểu Bích, đã để tụi em tới phá nhà phá cửa, ăn sạch hết tủ lạnh, và buổi cuối được thầy cô đãi ăn nhà hàng đắt tiền, cám ơn Huỳnh Thơ và anh Minh, Phạm Vinh và anh Huy, Chị Dạ Minh và anh Luận, Kim Xuân và Lâm đã lo phần ẩm thực ê hề, cám ơn chị Thí anh Phước, Dạ Điểm anh Tân cung cấp thêm thực phẩm ngập mặt, thương lắm những người ở xa đầy nhiệt huyết như chị Mễ Khuê, chị Xuân Ba và Hoàng Yến cùng các chị em khác đã góp mặt, cám ơn Thao Thao tìm tòi những phong cảnh đẹp, thuê khách sạn, sắp xếp tổ chức chu đáo và người quan trọng nữa là cô Đạm Tuyết đã kêu gọi, liên lạc thông tin gói trọn niềm vui dâng đến Cô Tiểu Bích của mùa hè 2021.
 
Ngày Hè Của Lính

Chủ nhật ngày 8 /8 quý hội đoàn cựu quân nhân tổ chức buổi picnic tại Lake Cunningham Park tại thành phố San Jose (Bắc Cali). Ngày rực nắng họp mặt vui chơi văn nghệ. Nhìn các chú, các anh trong mọi binh chủng QLVNCH, mái đầu điểm sương trắng, có chú đi chậm chạp chống gậy vẫn cố gắng tham dự để gặp bạn hữu tìm kiếm niềm vui tuổi già, tôi đi quanh quan sát và thật sự xúc động nhìn họ tay bắt mặt mừng với nét mặt rạng rỡ.

Tôi hồi tưởng đến những ngày xa xưa, thời nữ sinh mặc áo dài trắng cắp sách đến trường, thì các anh phải xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi non sông, thời các anh chiến đấu dũng cảm với quân thù để bảo vệ đất nước, cho chúng tôi 20 năm sống trong tự do no ấm. Đối với tôi người lính VNCH ngày ấy đã hy sinh công lao xương máu cho tổ quốc thật kiên cường. Biết bao nhiêu trận chiến thắng từ trong Nam ra đến miền Trung, tôi nhớ có lần được cô Hiệu Trưởng điều động học trò ra Phu Vân Lâu,  dưới sự sắp xếp hướng dẫn của các nữ quân nhân để choàng vòng hoa chiến thắng cho các anh trong trận đánh tại Quảng Trị, cảm giác hồi hộp e dè đứng trước mặt người lính, nhạc vang rộn ràng  “Vòng hoa chiến thắng, chúng em xin dâng tặng anh ...” cho đến khi nhạc ngừng với tiếng nói trên loa “Các em nữ sinh choàng vòng hoa chiến thắng cho các anh chiến sĩ VNCH “, tay tôi run run pha lẫn chút mắc cỡ mà trong lòng vui theo niềm vui của các anh. Bên cạnh đó chiến tranh cũng đem đến nỗi đau khổ cho người lính Thương Phế Binh, hay những vị anh hùng tử trận, đã để lại bao nhiêu hình ảnh bi thương cô nhi quả phụ mặt còn non trẻ đã quấn vành khăn tang ẵm con thơ đi đầy đường.
            
Sau 75 miền Nam thất thủ lại càng điêu đứng cảnh vào tù, những người vợ khổ cực gánh gồng bươn chải thật tội nghiệp. Nay nhờ sự ân huệ cứu giúp của đất nước Mỹ, một phần lớn Cựu Quân Nhân VNCH và gia đình được qua Mỹ tỵ nạn. Nhưng trong lòng các anh vẫn mang nỗi buồn nhục không nguôi, dù vậy, các anh chị vẫn bắt tay vào đời sống thực tế, làm lụng nuôi con. Thế hệ con cháu nay đã thành danh rạng rỡ trên xứ Mỹ, thì người cha bắt đầu mỏi gối lưng còng, tuy vậy họ vẫn vận dụng tối đa sức lực bằng cách tổ chức gây quỹ hay quyên góp tiền bạc để chia sẻ các anh TPBVNCH còn lại ở trong nước.

Nhìn những khuôn mặt già nua tươi cười, có số mặc lại bộ quân phục ngày nào, họ chào nhau, ngồi lại với nhau từng nhóm trò chuyện ăn uống, tôi cảm nhận ra mình cũng đang vui theo niềm vui của các chú các anh. Nhóm chị em chúng tôi góp hai tiết mục hợp ca bài “Việt Nam” và “Cô Gái Việt” cũng như hát chào cờ..Mùa hè nhen lên sinh khí yêu đời của một ngày nắng rực rỡ, tạm quên nỗi lo lắng về dịch Delta...
 
Lễ Vu Lan 
Mùa báo hiếu đã đến, nhận nhiều thư mời dự từ các Chùa, trước tiên tôi đến Chùa Phổ Từ đúng ngày rằm tháng bảy. Không khí Chùa vẫn còn e dè theo dịch bịnh Covid chưa xong nay lại thêm nạn Delta. Rằm tháng bảy niềm tin của người con Phật theo câu chuyện ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên, chỉ biết làm phước và hồi hướng công đức cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp cũng như hiện tại luôn được siêu thoát vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, cầu nguyện nạn dịch Covid -19 đi khỏi cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng được nhận mọi sự bình an trở lại, nhất là quê hương dân hiền đang đói khổ thảm hại. 
         
Quý Thầy cho thời pháp về câu chuyện của ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát, tứ chúng bịt khẩu trang ngồi tụng kinh thành tâm, các em gia đình Phật tử Chánh Hoà mừng ngày kỷ niệm 16 năm thành lập, gia đình Phật tử Chánh Tâm sau giờ hành lễ, tề tựu trong chánh điện thưởng thức màn trình diễn âm nhạc đặt biệt của cô Vân Ánh Võ và dàn nhạc Trăng Máu (Blood Moon Orchestra),  một chương trình âm nhạc miễn phí  dành cho cộng đồng với sự hỗ trợ của rất nhiều cá nhân và các quỹ văn hoá của tiểu bang: Vietnamese Educational & Cultural Association (Veca), Alliance for California Traditional Arts (ACTA), California Arts Council (CAC), Vietnamese American Non-governmental Network(VANGO), và quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của chính họ lập ra: “Music Bridge” . Mọi người được thưởng thức bé Kira đàn bài “Lòng Mẹ”, cô Vân Ánh bài “Mưa Trên Phố Huế”, dân ca miền Trung… v...v... thật hay và thấm thía.          
Mùa thu lãng vãng đó đây theo luồng gió mát, bóng nắng yếu ớt mơn man những giàn hoa vàng, đỏ tươi thắm, mùa hạ sắp ra đi, nhưng tình hạ đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm thân thương nhẹ nhàng vô cùng.
  
Minh Thuý Thành Nội 2021

Ý kiến bạn đọc
09/11/202103:56:38
Khách
Chị Minh Thúy ơi, những bài viết này như một cột mốc đánh dấu "lịch sử" những ngày ăn chơi sum vầy bên nhau của những nhóm bạn, từ nhỏ đến lớn tuổi, cũng là những duyên gặp gỡ để rồi chia tay thật bùi ngùi thương tiếc!
tiếp tục viết nữa chị nhé, em đọc mà cứ tưởng mình đang sống vào những thời điểm thật dễ thương ấy cùng chị vậy!
Ngọc Huyền
09/11/202102:20:06
Khách
Cám ơn chị Minh Thúy bài viết về những cuôc họp mặt, sinh hoạt thật ý nghĩa sau cơn dich bệnh hoành hành, từ cuôc HM của nhóm các chị CGV, Nhóm Nữ Sinh Thành Nội, đến Ngày Hè Của Lính, Lễ Vu Lan. Những bài viết thật chi tiết , sống động, hấp dẫn lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối .Thật hay!
Hồng Thúy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,826
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.
Một tiếng động ngắn, gọn, của một vật gì nặng vừa rơi xuống nước, vang giữa không gian biển trời lúc ấy.Thời khắc ấy, tất cả đều im lặng trên chiếc ghe đầy người, đang trôi lênh đênh giữa biển Đông, chỉ còn tiếng sóng biển gờn gợn đập nhẹ vào mạn ghe. Một buổi sáng mai trên biển, biển rất êm, biển rất thanh bình, thế mà đã xảy ra một cuộc thủy táng trên biển. “Nam Mô A Di Đà Phật! Thương cho chị, cầu xin cho chị sớm được về nơi cỏi Phật!”Tiếng ai đó phá tan bầu không khí đang đặt sệt mùi chết chóc, lẩn ai oán, vừa đưa tiển một người xuống lòng biển. Hiền nằm đó trong phòng lái, nghe hết, nhưng không dám mở mắt ra, phải một lúc lâu sau, nàng mới dám hé mắt nhìn ra mặt biển, thế mà nàng vẩn nhìn thấy thân xác của một cô gái đang trôi dập dềnh cạnh chiếc ghe.
Tôi cũng không ngoại lệ, lớn tuổi rồi nên cũng đã buông bỏ được nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời, có cái mình tự buông, có chuyện thì trí nhớ như đám mây mù bảng lảng, lúc nhớ lúc quên. Nhưng rồi có vài mảnh đời trong quá khứ, chợt hiện lên mồn một như mới xảy vào hôm qua. Thôi thì ghi lại một lần để khép lại một trang đời chơi vơi buồn bã. Những quyết định xé lòng người khi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xa hết người thân yêu không mong một lần gặp lại. Đau lòng lắm chứ nhưng quê hương đã không cho mình một nơi chốn dung thân. Một lần đi là một lần vĩnh biệt!
Đây là một câu chuyện có thật, đã được nhân vật chính cho phép ghi lại và phổ biến. Hiện nay, nhân vật chính đang sống ở Mỹ, bên cạnh các con cháu thành đạt và hết lòng thương yêu Cô. Ngoài chuyện kể về con đường phấn đấu đem các con sang Mỹ của một người mẹ, câu chuyện còn ghi lại nhiều chi tiết trung thực trong bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam ngay sau tháng Tư, 1975, cũng như tấm lòng của người dân miền Nam đối với nhau trong gian đoạn vô cùng đen tối đó.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016 , Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Hai năm sau, một người đàn bà Việt Nam, trạc tuổi trên sáu mươi và đứa con gái khoảng tuổi đôi mươi dọn vào căn nhà cuối xóm. Họ giữ nếp sống âm thầm và khép kín. Nhưng sự gặp gỡ thường ngày và cái tình đồng hương trên đất khách quê người đã đem lại sự cởi mở, thân tình… Chúng tôi được biết: Đứa con gái sang đây học y tá, cha mẹ còn ở trong nước, nhưng họ mua căn nhà này để cho con gái có nơi ăn ở, tiếp tục việc học hành. Còn người đàn bà nêu trên là cô ruột đứa con gái. Trước năm 1975, bà là giáo sư dạy việt văn ở trường Trung học Phan Chu Trinh – Đà Nẵng. Sau năm 1975, người chồng bị đưa vào “trại tập trung cải taọ”, còn bà “mất dạy”. Cuộc đổi đời dâu bể đem đến cho bà biết bao đau khổ - không thể tả hết bằng lời. Bảy năm sau chồng bà trở về, cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng cơ cực…Phong trào vượt biên, vượt biển bùng phát. Đây là cơ hội cho vợ chồng thoát cảnh lầm than. Chồng bà vốn Sĩ quan Hải quân đã từng làm Hạm trưởng, nên có rất nhiều “mối lái” đến khẩn khoản yêu cầu ông lái thuyề
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đến Mỹ năm 1995 theo diện HO, cư ngụ tại Virginia từ năm 1995 đến nay. Đồng sáng lập Vietnam Film Club từ năm 2010 với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Đã thực hiện và phát hành trên 40 DVD hoặc Video trên YouTube gồm các phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn các nhân vật lịch sử Việt Nam và ngoại quốc, trong số này có Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, The Soul of Vietnam.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đến Mỹ năm 1995 theo diện HO, cư ngụ tại Virginia từ năm 1995 đến nay. Đồng sáng lập Vietnam Film Club từ năm 2010 với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Đã thực hiện và phát hành trên 40 DVD hoặc Video trên YouTube gồm các phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn các nhân vật lịch sử Việt Nam và ngoại quốc, trong số này có Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, The Soul of Vietnam.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Mới đó mà thời gian qua thật mau, lại tới ngày tôi chuẩn bị cho một chuyến công tác mới vào đầu tháng 3 năm 2021. Lần này tôi sẽ đi Iraq, nơi mới nghe tên, ai cũng hình dung ra chiến tranh, chết chóc, khủng bố và nguy hiểm đang chực chờ. Mọi người trên thế giới vẫn còn nhớ cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh dẫn đầu, lật đổ nhà độc tài Sadam Hussein vì tội ác diệt chủng người Kurd trong chiến tranh và sự xâm lăng đất nước Kuwait. Cuộc chiến Vùng Vịnh, Gulf War, kéo dài 6 tháng từ ngày 2 tháng 8, năm 1990 đến ngày 28 tháng 2, năm 1991.