Hôm nay,  

Buổi Cắm Trại Lý Thú

04/06/202100:00:00(Xem: 6572)
                                                           
VVNM
Buổi chiều ở Parker Canyon Lake, Arizona. (hình của tác giả)
 
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019  Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông. 

***

                                                                 

Đoàn xe 3 chiếc gồm 2 chiếc pick-up truck và 1 chiếc van 12 chỗ ngồi, nối đuôi nhau chậm chạp leo dốc một đoạn đèo quanh co, ngoằn ngoèo khoảng 25 dặm nhắm trực chỉ địa danh Parker Canyon Park. Đây là một địa điểm rất xa phố thị và vắng vẻ vì ít người tới lui. Ở đây, bạn chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn đồi núi xinh tươi, thiên nhiên hùng vĩ, một hồ nước trong xanh nhìn thấy đáy, và một trời nước bình yên đến nao lòng. Không khí thoáng đãng và mát rượi.

Như đã hẹn trước, chúng tôi đã gặp nhau tại ngã ba của xa lộ liên bang I-10 và tỉnh lộ 83, từ đó tôi sẽ dẫn đầu đoàn xe do tôi quen thuộc đường xá ở vùng phía Nam này.  Đây là một dãy núi liền nhau chia đôi biên giới Mỹ và nước láng giềng phía Nam, quốc gia Mexico. Nơi chúng tôi đang đến là một công viên của tiểu bang Arizona, một địa điểm mới tôi vừa mới khám phá nhờ một người bạn chuyên chơi xe địa hình, off-roads vehicles, tìm thấy và chỉ cho tôi đến.

Khi đoàn xe lên tới đỉnh, chúng tôi quay cửa kính xuống, bước ra khỏi xe, dừng lại ven đường để thưởng thức bức tranh thiên nhiên và hít thở căng buồng phổi bầu không khí tinh khiết trong lành của núi rừng khi ánh dương đang dần ngả về Tây. Dưới thung lũng là hồ nước nằm yên bình soi bóng hàng cây xanh lả lướt pha lẫn những sắc màu còn rơi rớt lại của mặt trời ban ngày, tạo nên bức tranh thanh bình, màu sắc đan nhau tuyệt vời.

Chúng tôi trở lại xe, tiếp tục lái đi kiếm địa điểm cắm trại theo ý mình. Đoàn chúng tôi gồm tổng cộng 15 người, đa số là thanh niên nam nữ còn độc thân. Chỉ có 2 cặp vợ chồng chúng tôi là người dẫn đường và vợ chồng anh chị trưởng đoàn, tuổi trung niên, và một người bạn Mỹ rất thân của họ tên Johnathan hay đi sinh hoạt cùng nhóm. Anh này ly dị vợ đã lâu, hiện đang sống một mình. Anh rất thích món ăn Việt Nam và muốn kiếm một người vợ Việt nên anh nhiệt tình giúp đem theo lều bạt và tất cả những gì cần thiết cho mấy ngày cắm trại. Anh dẫn theo một con chó săn làm bạn đồng hành và kéo theo một chiếc Pontoon dài 24 feet, một chiếc thuyền khá lớn có thể chở 20 người.

Chúng tôi chọn một khoảng đất trống sát bờ hồ để giăng 3 cái lều. Jonathan ngủ trên xe của anh ta và vợ chồng tôi và vài em sẽ ngủ trên chiếc pontoon. Các em gái chuẩn bị lo nấu nướng cho bữa chiều trong khi các em trai lo dựng lều và đi chặt, gom củi cho buổi lửa trại tối nay. Tôi và Johnathan bận rộn đưa chiếc pontoon xuống hồ nước. Vài em nhân cơ hội, nhảy xuống hồ bơi lội, vùng vẫy thỏa thích. Bếp lửa trại được bao quanh bởi ba chiếc xe phía bên kia và 3 căn lều nằm phía bờ hồ. Không khí thật vui và nhộn nhịp. Tôi thấy như hòa nhập vào không khí năng động, trẻ trung của các em, và thoáng thấy lại hình ảnh những ngày xưa, lúc mình còn là một hướng đạo sinh Việt Nam.

Mùa Hè ở Arizona rất nóng, nhất là ở thủ phủ Phoenix, có thể lên đến 120 F. Thành phố Tucson ở phía Nam đỡ nóng hơn khoảng 5-10 độ, nhưng ở đây thì mát rượi vì hồ Parker nằm ở trên núi, một khu rừng xanh tươi rất cao so với hai thành phố nói trên dù cách xa nhau chỉ 150 dặm. Địa điểm này ít người biết đến vì xa thành phố và vì nó nằm trên dãy núi sát biên giới hai nước Mỹ-Mễ nên không mấy người muốn đến vì lo ngại gặp những di dân lậu hoặc bọn chuyên mang vác thuốc phiện và ma túy. Cuộc cắm trại được dự định sẽ kéo dài 4 ngày từ thứ Sáu qua đến thứ Hai tuần sau.

Sau bữa cơm chiều ngon miệng, chúng tôi đi dạo quanh hồ chờ hoàng hôn xuống thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên cuối một ngày. Ráng chiều pha sắc tím trải bóng hàng cây hai bên bờ hồ trên mặt nước như một bức tranh thủy mặc đẹp tuyệt vời. Chúng tôi cứ ngồi đó ngắm buổi chiều dần xuống, tâm hồn thư thái nhẹ nhàng, không còn vướng bận đến bất cứ điều gì ngoài lâng lâng tận hưởng những giây phút thoát tục này. Danh lợi, công việc, con cái cũng mặc, giờ chỉ còn ta với trời đất, cây cỏ và mặt nước phẳng lặng, yên bình.

Trở lại lều, chúng tôi đốt lửa trại, ngồi quây quần chung quanh, trên ngọn lửa là ấm pha cà phê kho, tức cà phê vớ. Tiếng hát quyện với tiếng đàn guitar trong ánh lửa bập bùng nhảy múa tươi vui trên từng khuôn mặt. Sau những bài tình ca êm đềm và những bài du ca hào hùng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang như các bài “Việt Nam quê hương ngạo ngễ”, “Về với mẹ cha”, hay “Xin chọn nơi này làm quê hương” Giọng hát cứ tiếp nối nhau không dứt trong bầu không khí huyền hoặc ấm cúng, chúng tôi kết thúc đêm lửa trại bằng bài hát rất quen thuộc của ngày xưa khi đi sinh hoạt đoàn thể:

-  “Nhìn vào mặt nhau đi, và hãy nói với nhau, thật tình như chưa bao giờ, còn ngần ngại nhau chi mà không nói với nhau lời tha thiết trong tâm hồn”.

Tôi còn nhớ sau ngày 30/4, chính quyền cộng sản cấm không cho người dân được thành lập bất cứ đoàn thể hay tổ chức nào ngoài đoàn và đảng cộng sản. Ngay cả mở võ đường, họ cũng không cho phép. Họ lo sợ bất cứ một sự tập hợp nào của dân chúng cũng có thể là cơ hội cho người dân liên kết chống lại họ. Hơn ai hết, họ biết họ không có chính nghĩa nên họ thà bắt lầm hơn thả lầm.

Ai nấy đã về lều của mình rồi mà âm hưởng bài hát vẫn còn vọng lại trong tôi. Kéo tay bà xã ngồi lại, tôi chăm chăm nhìn vào ánh lửa mà nhớ về ngày xưa. Dạo này không hiểu sao tôi hay để tâm hồn lang thang trở lại với những mảnh vụn kỷ niệm ngày xưa cũ. Nhìn ánh lửa cháy reo vui trước mắt mà tôi như thấy lại khung cảnh tương tự ở một quá khứ cách đây hơn 40 năm, như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi nhắc chuyện ngày xưa, chuyện buồn nhiều hơn vui. Thời đó trong nước, ai cũng đói nghèo, khổ sở vì chính quyền ngu muội, lấy đâu có chuyện vui mà kể. Vợ tôi cười nhẹ với nụ cười đồng cảm pha chút diễu cợt “chắc tại anh già rồi”. Hai chữ già rồi cứ luẩn quẩn bám theo tôi cả buổi tối hôm đó. Tiếng lửa vẫn reo vui, than củi nổ lách tách mang hơi ấm lan tỏa vào không gian…

Ánh lửa trại đêm nay đưa tôi ngược về một bếp lửa giữa rừng sâu của năm 1976. Hai khuôn mặt gân guốc khắc khổ của tôi và thằng bạn thân thoáng ẩn hiện chập chờn trong ký ức. Tiếng lửa than cũng lách tách vang lên trong đêm tối giữa cánh rừng già khi sương đêm đã nặng trĩu trên cành lá. Trời cũng lạnh, mà có lẽ lạnh hơn bây giờ vì hai đứa chúng tôi đều gầy guộc và chỉ khoác trên người 2 cái áo đi rừng là 2 cái áo lính cũ tả tơi như chủ nó. Ngồi gần đống lửa với cái điếu cày kế bên, chúng tôi liên tục hút thuốc lào. Tiếng rít của cái nõ điếu rít lên với âm vực cao vút trong màn đêm mịt mùng.

Trải tạm 2 cái mền tồi tàn lên mảnh vạc tre được bổ xẹ để làm giường. Gác cái rựa và cái búa ở đầu vạc, hai thằng nằm bên nhau cạnh đống lửa, nói đủ chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng ngồi dậy hút thuốc lào nghe sòng sọc. Ngày đó, nó và tôi, hai thằng thanh niên trẻ, không được đi học, bỏ ghế nhà trường vào rừng sâu khai phá đất trồng trọt. Hành trang chỉ là một cây rựa to bản và một cái búa chặt cây và ít lương khô. Vào rừng mà chẳng biết phải chặt cây phá rừng như thế nào khi nhìn thấy những thân cây to 2, 3 người ôm không hết. Hai thằng chặt những nhát đầu tiên vào thân cây, cái rựa dội ra, tay tê rần. Nhìn lên ngọn cây cao vút mà dở khóc dở cười vì cứ tưởng người ta làm được, mình cũng làm được. Ngày ấy, tuy đói khổ nhưng tình bạn thật chân thành, vui buồn gian khổ đều xẻ chia. Giờ nó đang ở Wichita, Kansas, quyết định ở độc thân, sống như một triết gia, chưa bao giờ lập gia đình. Mới hay lâu lắm rồi, tôi, nó, đều bận rộn ít liên lạc với nhau. Nơi chốn bình yên mà tình bạn hình như xa cách hơn.


Nhìn các em vui chơi ca hát bên ngọn lửa hồng bập bùng, tôi vui vì các em không phải trải qua những ngày khốn khổ như thế hệ chúng tôi khi còn ở trong nước. Đa số các em sinh ra tại Việt Nam, qua Mỹ khi tuổi vị thành niên. Các em ăn học và trưởng thành ở xứ này nên các em hiểu và mang ơn cuộc sống hiện tại nhưng tâm hồn vẫn còn đậm chất Việt Nam. Các em thích đi chơi và cắm trại ngoài trời với thiên nhiên. Các em yêu cầu tôi đi chơi cùng để dạy các em những bài hát sinh hoạt đoàn thể trước năm 1975 mà các em rất thích nhưng không thuộc lời.

Sương xuống lành lạnh trên vai áo, trời chắc khuya lắm rồi mà tôi vẫn còn ngồi kể chuyện cho vợ tôi nghe những ngày còn trong rừng đốt rẫy, cuốc đất, gieo hạt rồi gặt hái. Cả ngày phơi nắng làm lụng đổ mồ hôi, bạc trắng lưng áo, không biết mệt là gì. Nhìn lại cứ tưởng mới hôm qua. Thoắt một cái mình đã tóc muối tiêu.

Sáng hôm sau, chúng tôi gói ghém ba lô hành trang với lương thực và nước uống đầy đủ. Giày dã ngoại, hiking boots, gậy leo núi, trekking poles, chuẩn bị cho buổi leo núi nguyên ngày. Khởi hành sớm để tránh cái nắng vẫn còn khá chói chang khi tiết trời đang dần chuyển sang Thu. Chúng tôi người trước kẻ sau, hăng hái, tràn đầy năng lượng, sẵn sàng lên đường chinh phục đỉnh núi cao kế bên, chỉ có Johnathan tình nguyện ở lại để coi trại.

Đường lên núi không dốc lắm, lại có nhiều bóng cây nên chúng tôi cũng đỡ vất vả. Chúng tôi vừa đi vừa hát những bài đoàn ca tràn đầy hào khí để quên đi mệt nhọc. Khi chúng tôi chinh phục được ngọn núi kế bên thì đã quá trưa. Đứng trên đỉnh cao nhìn xuống núi rừng bạt ngàn dưới chân, gió thổi tung tóc rối, một cảm giác chiến thắng tràn ngập tâm hồn, một niềm vui mãn nguyện của người đi chinh phục trên một vùng đất mới.

Ăn uống qua loa xong, chúng tôi bắt đầu xuống núi, đi lên thì dễ mà đi xuống thì không dễ chút nào. Vài người bị trượt chân chúi nhũi về phía trước, té trầy trụa tay chân. Chúng tôi khá thấm đòn nhưng các em thì vẫn ung dung như chẳng biết mệt mỏi là gì, vẫn vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Chúng tôi về lại nơi cắm trại, Johnathan đã chờ sẵn với một bình nước trà chanh mát lạnh và một vài thân củi khô thật to, hứa hẹn một buổi tối lửa trại đầy hào hứng và dài hơn.

Tối đó khi đi ngủ, ai nấy đều mỏi mệt sau một ngày dài leo núi nên ngủ thật say. Tiếng con chó sủa vang đánh thức mọi người, nó phát giác ra một tên trộm lẻn vào ăn cắp đồ ăn. Nó tiếp tục sủa và gầm gừ, vẫn bám theo sát nút, quyết cắn và bắt cho được kẻ đạo chích mới thôi. Mọi người bật dậy, vớ lấy đèn pin soi vào bóng đêm dày đặc, nhưng cũng chẳng thấy gì ngoài những tiếng sột soạt của lá và tiếng cành khô bị đạp gãy. Johnathan lên đạn khẩu súng trường và rượt theo. Tôi từ dưới thuyền cũng phóng theo với cây gậy bóng chày trong tay.

Chợt chúng tôi cùng đồng loạt dừng lại vì một mùi kinh khủng vừa ập vào mũi. Một mùi hôi tanh tệ hơn mùi trứng thối pha lẫn mùi lưu huỳnh. Nó xộc vào mũi như ai đó vừa giáng một nhát gậy vào giữa mặt chúng tôi. Ai nấy lấy tay bịt mũi và lùi lại. Lúc đó, con chó cũng chạy ngược trở về và rên lên ư ử. Cả người nó run lên bần bật và toát lên cái mùi khinh khủng đó. Johnathan thảng thốt kêu lên “Oh my gosh, it’s a skunk”. Thì ra kẻ phạm pháp là một con chồn hôi.

Chồn hôi là một loài vật hoang dã có vú và nhỏ như con mèo, chuyên sống ở vùng Bắc và Nam Mỹ. Hình dáng và màu lông đen trắng nổi bật tương phản nhau rất đẹp. Nét đặc biệt là cái đuôi cong vồng lên thật đẹp của nó có chứa một tuyến nước được coi như là một vũ khí tự vệ, defense mechanism, để chống lại kẻ truy đuổi. Khi bị dồn vào đường cùng, đuôi nó sẽ dựng lên và phun ra chất dầu lỏng có chứa mùi kinh khủng này khiến bất cứ địch thủ nào cũng phải tránh xa, bỏ của chạy lấy người. Con người mà bị nó phun trúng thì có tắm bằng nước hoa Channel thượng hạng cả tuần cũng không hết mùi.

Chúng tôi phải lấy khăn bịt mũi và đem con chó ra bờ hồ tắm cho nó hết 1 chai shampoo mà cũng chỉ bớt đi một chút mùi hôi. Một tuần sau gặp lại Johnathan và con chó, mùi hôi vẫn còn như phảng phất đâu đây. Ngẫm ra mới biết trời sinh ra muôn loài thụ tạo với muôn vẻ khác nhau. Trong cái mạnh mẽ vẫn xen lẫn sự nhẹ nhàng êm dịu. Trong cái yếu mềm của nước vẫn tiềm ẩn một sức mạnh dời non lấp biển, và trong cái đẹp đầy màu sắc rực rỡ, vẫn không phải luôn luôn là sự dịu ngọt của mật thơm.

Đêm hôm đó, chúng tôi phải dời 2 chiếc xe lên đầu ngọn gió để tránh cái mùi chết người đó. Một số ngủ tạm trên xe, tôi và một số em xuống ngủ dưới thuyền. Khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, tôi một mình, lặng nhìn mặt nước lao xao lấp lánh sao trời, ký ức lại trở về những ngày đi chặt củi, chèo thuyền trên sông Lòng Tàu vào ban đêm, lợi dụng con nước rong (nước lớn) để xuôi theo giòng về lại thành phố Sài Gòn. Con thuyền gỗ dài 12 thước, ngang 3 1/2 thước, chở 14 thước khối củi Đước, ghe khẳm, nước mấp mé mạn thuyền.

Ban đêm tĩnh lặng. Trời nước mênh mông. Con thuyền chậm trôi. Tôi đều tay chèo. Ánh sáng bạc như lân tinh tỏa ra hai bên bản mái chèo đang rẽ nước, làm thành hình vòng cung, như muôn ngàn vì sao nhỏ lung linh đẹp tuyệt vời. Giòng nước cứ nhẹ nhàng, rượt đuổi nhau xuôi về phía lái thuyền trong đêm đen tĩnh mịch. Những đêm chèo thuyền nửa tỉnh nửa mơ như thế, tôi để hồn mình lạc vào cõi mông lung mong quên đi cái hiện tại phũ phàng, khốn khổ, ăn không đủ no mà phải làm quần quật cả ngày. Lúc đó tôi như mơ, tôi xuất hồn về một thế giới đầy mộng mị, nó giúp tôi quên đi cả tháng năm dài khốn khó đeo bám đời mình.

Giật mình khi nghe tiếng vợ tôi nói gần sáng rồi, sao chưa đi ngủ. Tôi thong thả đứng dậy, vươn vai hít một hơi dài, nhìn lên bầu trời đầy trăng sao mà tưởng như nửa hồn kia vẫn đang chèo thuyền ở Việt Nam, nửa đang chơi vơi trở về với thực tại.

Sáng hôm sau, chúng tôi bơi lội, vui đùa với sóng nước cả ngày. Ai nấy mệt nhoài, gương mặt rám nắng nhưng bừng sáng niềm vui. Lác đác đó đây có vài chiếc thuyền máy của những gia đình khác cũng qua lại. Tiếng cười đùa trẻ em vang động một góc hồ. Hình như mọi người cố vui và tận hưởng cho hết ngày Chủ Nhật cuối tuần trước khi trở về với cuộc sống thường ngày nơi phố thị.

Nắng chiều nhạt dần và ngày vui cũng tàn theo. Chúng tôi tháo dây buộc thuyền chạy về bến và kéo thuyền lên. Qua đêm lửa trại cuối cùng, chúng tôi biết ngày mai, ai sẽ về nhà nấy, mỗi người lại trở về với những lo toan đời thường. Lưu luyến chia tay nhau, trong đêm thâu, bên lửa trại bập bùng, chúng tôi cùng cất cao tiếng hát “Bài Ca Tạm Biệt” của nhạc sĩ Viết Chung, một bài hát rất quen thuộc đối với tất cả những ai từng sinh hoạt đoàn thể trước năm 1975.

- “Gặp nhau đây, rồi chia tay. Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy”.
Riêng tôi, hôm sau, trên đường lái xe trở về, lòng vẫn còn lâng lâng một niềm vui rộn ràng và ý nghĩa của buổi cắm trại đầy hào hứng. Sau những năm tháng vất vả với công việc, con cái, bận rộn trong cuộc sống quá nhanh, chúng ta nên có những ngày sống chậm lại cho chính mình. Tìm đến thiên nhiên để hồn mình lắng xuống. Tìm nơi yên tĩnh để mình thấy lại mình và nghe được tiếng nói thì thầm của trái tim. Tìm đến sông hồ để soi gương đời mình trên mặt nước phẳng lặng mong tìm thấy những mảnh vụn quá khứ và cả tương lai của đời mình. Dòng sông đời vẫn xuôi chảy miên man, nhưng tâm hồn thì như muốn dang tay níu lại. Hình bóng ấy trong gương soi có phải là tôi của ngày hôm nay hay tôi của một quá khứ vừa vụt qua.

Nguyễn Văn Tới
5/2021 
 

Ý kiến bạn đọc
14/06/202113:26:19
Khách
Muốn Chắc hơn Nguyễn văn Tới đã ở Indiantown gap Khu 5, và có bạn tên Sơn ? cho email hay phone noi chuyen choi. [email protected] .
12/06/202111:43:10
Khách
Cám ơn chị ĐT, vậy chị và em cùng môn phái rồi. Ngày xưa họp đoàn vui làm sao, giờ tìm lại cũng không còn nữa. Bọn trẻ không có tâm hồn như thế hệ chị em mình. Cám ơn nhà thơ Thành Nội có chung một cảm nghĩ. Em vốn năng động và vùng vẫy khắp nơi, nhưng đôi khi cũng cần có những giây phút tĩnh lặng tìm về chính mình để hòa vào thiên nhiên tuyệt đẹp.
12/06/202103:28:42
Khách
Tác giả tả rất chi li mấy ngày đi cắm trái , làm người đọc có cảm tưởng đang được đi theo . Tác giả tả cảnh nghe thích quá. Cám ơn bài viết truyền cảm giác thoải mái.
06/06/202112:34:24
Khách
Mấy bài hát này chị từng hát trước năm 75 khi đi cắm trại.
Vậy là chú em từng là "con cha thầy ", như chị cũng là con bà sơ.
Cảm ơn bài viết rất hay.
05/06/202110:38:11
Khách
Đúng rồi anh Dinh. Trước 75 tôi ở TCV. Chắc anh là 1 trong những người bạn học ở đó? Cám ơn anh bạn đã ghé đọc.
04/06/202113:01:55
Khách
Có phải Nguyễn van Tới trước 75 ở tiểu chủng viện Cần thơ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,597
Dù ngày đó Hà còn ít tuổi nhưng cô đã tự cho mình là người lớn lắm rồi. Này nhé, cô là chị dâu trưởng trong gia đình nhà Thanh, đã là cô giáo của mấy trường trung học tư thục. Dù là dạy giờ nhưng cũng được gọi là “giáo sư”. Em chồng cô, chú Quyền thời đó cũng là một sinh viên của trường Chính Trị Kinh Doanh. Cô cảm thấy mình đã là một người đã trưởng thành, có nhiều trách nhiệm. Ấy thế mà mỗi lần họp đại gia đình, rất thường xuyên, là anh Long lại trêu chọc cô, coi cô như trẻ con.
Xưa nay khi coi phim, truyền hình, đọc báo hay đọc truyện, thấy nước này xài mỹ nhân kế để lấy trộm tin tức tối mật của nước kia, phe này gài bẫy phe kia vì những mưu đồ chính trị như đang xảy ra trên nước Mỹ, hoặc các công ty lớn dùng đàn bà đẹp để tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của bên kia; lúc đó, tôi nghĩ coi cho biết để khi ngồi uống cà phê với bạn bè có câu chuyện hay đề tài tán gẫu cho thêm phần hào hứng. Không ngờ, Mỹ Nhân Kế lại xảy ra với một người bạn làm cùng một chỗ với tôi. Anh này người Mỹ trắng, một cựu quân nhân binh chủng Không Quân Hoa Kỳ, đi xe chung (carpool) với tôi mỗi ngày. Sau khi sự việc kết thúc vào tháng 11 năm ngoái, tất cả mọi người nơi tôi làm việc chắp nối các mắt xích lại với nhau, cùng đi đến kết luận rằng Mỹ Nhân Kế là có thật
Nhạc sĩ Cung Tiến