Hôm nay,  

Làm Lại Cuộc Đời

16/10/202000:00:00(Xem: 8780)

                      

HINH VIET VE NUOC MY
Tác giả VVNM Nguyễn Thượng Chánh, BS Thú Y.

 

Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại  Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên  năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu . Đây là bài mới nhất của Ông.

***

 
Ngày 22/6/1980 chuyến bay charter Wardair cất cánh từ Bangkok đã đưa trên 300 thuyền nhân Việt Nam qua định cư tại Canada.
Sau khi ghé Nhật Bản (căn cứ Guam hay Okinawa?) để lấy thêm nhiên liệu, phi cơ tiếp tục bay đến Canada. Đáp xuống phi trường Edmonton (Alberta) một giờ, xong bay tiếp đến phi trường Mirabel, phía Bắc Tp Montreal

                                                                                                     ***


Cuộc đời trước mặt

Một cảm giác mừng vui, lo âu, bồi hồi, hoang mang, xúc động không thể nào tả hết cho được.

Trên mười chiếc xe bus quân sự loại lớn đưa hết người tị nạn mới đến về tạm trú tại căn cứ quân sự Longue Pointe nằm ngay trên đường Hochelaga,Montreal. Đây là một Immigration processing center hay trung tâm làm thủ tục định cư.

Gia đình người gõ thuộc diện “mồ côi” nên được hội nhà thờ bảo trợ. Một tuần sau, thì được đưa ra phi trường Dorval (nay là phi trường Trudeau) để đi định cư tại Montague, một thành phố nhỏ với 2000 dân cư thuộc tỉnh bang PEI (Prince Edward Island), duyên hải phía Đông Canada.

Nhà thờ Công giáo St Mary’s Parish và nhà thờ Tin Lành United Hillcrest Church tại Montague đã dang rộng vòng tay nhân ái đứng ra bảo trợ gia đình tác giả trong vòng một năm..

Tại nơi đây, người gõ đi làm lặt vặt như hái thuốc lá, hái dâu Tây và làm công nhân lao động trong nhà máy biến chế thủy sản GeorgeTown Seafoods, nhưng chỉ được 3 tháng thì bị cho nghỉ việc vì mùa đông nhà máy đóng cửa.

Tháng 3 năm 1981, gia đình quyết định dọn về Montreal để lập nghiệp.

Trong một hai năm đầu, hai vợ chồng đi làm trong hãng xưởng với lương tối thiểu 3.75$/giờ. Người gõ làm cho một hãng sản xuất phụ tùng điện và plastic tại Ville Mont Royal, Montreal. Nói cho ngon vậy thôi, chớ công việc thật sự là travail genéral, anh cai sai biểu mình làm cái gì thì mình làm cái đó.

Bà nhà thì đi làm cho một xưởng sản xuất nữ trang rẻ tiền tại Ville Saint Laurent, gần phi trường Montreal.

Sau đó thì hai vợ chồng tìm cách đi học lại nghề cũ. 

Cảnh đời phiêu bạt

Nhớ hồi  năm 1980 lúc còn chân ướt chân ráo mới đến định cư tại cái xứ đất lạnh tình nồng nầy… 

Mình thấy cái gì mình cũng ham hết. 
Ôi thôi! nào là bơ, nào là sữa, nào là kẹo, bánh, thịt thà đủ thứ hết…sao mà nó ê hề nhiều quá xá cỡ thợ mộc. 
Để bù đắp lại những ngày thèm khát thiếu thốn ngày xưa lúc miền Nam vừa đổi chủ, hầu như mỗi cuối tuần mình đều bày đặt nhậu nhẹt lu bù với anh em trong nhà hoặc với bạn bè.  


Tiệc tùng làm ngay trên sàn nhà nơi “phòng khách” hoặc cạnh bên nhà bếp vì toàn là dân mới qua, nghèo rớt mồng tơi.

Đi làm lương tối thiểu 3.75$/giờ. Ai cũng đều ở apt mướn hết. Đâu có đứa nào có nhà có cửa riêng đâu. Rồi còn phải tằn tiện, dành dụm để mỗi 6-7 tháng có thể gởi chút đỉnh giúp đỡ gia đình bên Việt Nam. 

Đồ xài trong nhà toàn là đồ nhà thờ cho, mua rẻ từ Salvation Army, hoặc lượm ngoài đường đem về sửa lại qua loa rổi xài đỡ. Đó là thời của dân tị nạn boat people.

Những năm sau nầy thì bà con mình qua theo diện đoàn tụ ODP thì khỏe hơn trăm bề. 

Nhưng hồi đó lại vui.

Vui vì mình biết rằng mình được TỰ DO và con cái mình sẽ có tương lai.

Từ vài năm qua, người Viêt Nam qua Canada du lịch hay du học quá ư là dễ dàng như đi chợ vậy. Theo Chánh phủ Canada cho biết, riêng năm 2012 có trên 3400 du sinh Việt Nam qua học tại Canada trong thời gian 6 tháng hay cao hơn…Và nhớ là cha mẹ du sinh phải có thật nhiều tiền…và thuộc giai cấp COCC.


Ăn nhậu cuối tuần

Thịt heo mua cả ký, để nguyên da và mỡ cho nó béo, bỏ vô nồi luộc chín, đem ra xắt mỏng cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm hay mắm ruốc ăn sao mà thấy nó ngon quá trời quá đất.

Bia thì mua cả thùng cả két, uống hết chai nầy thì khui chai khác. 

Thuốc hút thì mỗi ngày một gói Export A, toàn là thứ nặng không hà, rẻ mạt, hút thả cửa. 

Cũng may cho cái chuyện ghiền thuốc lá.


Nhớ hồi năm 81, lúc đi học lại Thú y tại Đại học Montreal, sáng vô giảng đường, trong khi thầy bà đang giảng ào ào phía trên, tự nhiên thình lình mình bị ngứa cổ kềm hổng nổi nên phải sủa rống liên hồi như súng đại liên khạt đạn khiến thiên hạ đều phải im hết và quay đầu lại nhìn mình có vẻ khó chịu.

 Quê quá trời, mất mặt thiếu điều muốn độn thổ luôn, tức mình bỏ thuốc luôn từ dạo đó.Thế mà hay. 

Chè đậu nước cốt dừa, bánh trái, đồ ngọt nữa…lúc nào cũng đầy ấp cả tủ lạnh, ăn mệt nghỉ. 

Đôi khi cũng đổi món cho đỡ ngán, khi thì thịt bò nhúng giấm, khi thì đổ bánh xèo hay chiên chả giò rồi hú bạn bè lại nhà làm một chầu càng hong ai nấy đều ngất ngư hết.

Có khi thì cháo vịt, có lúc thì cháo lòng.

Còn muốn cho tiện cho lẹ thì xẹt xuống phố Tàu mua bậy một con vịt quay, con gà hấp xì dầu hoặc đôi ba kí thịt heo quay và phá lấu đem về thù tạc với nhau. Hồi đó, mình khoái nhứt là mấy cái cẳng heo sữa quay, chặt khúc nho nhỏ, vừa cạp vừa gặm uống la ve chơi đã lắm.

Tuần này nhậu ở nhà mình, tuần sau thì làm ở nhà người khác.

Mùa hè thì làm thịt nướng barbecue, thịt gà hoặc sườn ướp sả và ngũ vị hương ngon ơi là ngon, nướng lên thơm phức cả làng cả xóm. Toàn là chuyện đớp hít không hà.

Mà cũng ngộ, hồi đó mình ăn uống thả cửa, thả giàn, chẳng cần e dè kiêng cữ gì hết như bây giờ. Cholesterol, mỡ dầu, đường, muối mình coi như nơ pa chẳng làm cho mình lo âu run sợ chút nào hết.Còn ba cái chuyện tập thể dục thể thao cho có sức khoẻ thì mình đâu có huỡn , có ý thức mà làm như bây giờ…

Mà mình cũng chẳng thèm quan tâm đến ba cái vụ lẻ tẻ đó làm chi cho mất công.

Mình mới có 40 tuổi hà, chưa đến nỗi nào gọi là già cả. Mình đang khỏe, còn phong độ, còn sung, máy còn chạy quá ngon lành, bình còn đầy ấp, khỏi cần sạc điện sạc pin,.. tội gì mà không hưởng thụ chút đỉnh cho nó sướng tấm thân.

Không ăn để chết thành ma đói hay sao?

Mình nghĩ rằng ba cái chuyện bệnh hoạn là chuyện của người ta, của mấy ông già bà cả chớ đâu phải là chuyện của mình. Lo chi cho thêm mệt.

Ngày nay nghĩ lại thấy hết hồn hết vía...Mình năm nay cũng nằm trong nhóm lão ông  rồi.

Xây dựng tương lai

Rồi thì hai vợ chồng phải đi học lại để mong có được một tương lai tươi sáng hơn, chớ hổng suốt đời làm “lao động chân tay” hoài hay sao?.

Cũng may là nhờ ở cái xứ tuyết giá này, nhà nước có chánh sách nâng đỡ sinh viên nghèo khó cho nên mỗi năm mình được cấp cho vài xấp gọi là học bổng, rồi còn được quyền vay mượn (loan) nhà băng thêm chút đỉnh nữa đủ để gia đình sống cầm hơi.

Khi ra trường nhớ trả lại và đóng thuế luôn thể cho tiện... 

Trong bốn năm dài đăng đẳng phải sống trong sự căng thẳng, thiếu thốn, nhọc nhằn, khó khăn, phập phòng, thử thách đủ mọi bề, trần ai lai khổ, lo sợ hổng biết mình học có nổi hay không.

Phân khoa Thú Y thuộc Université de Montréal nằm ngay tại tại thành phố St Hyacinthe cách Montreal 45 phút xe. Hồi đó mình đâu có tiền mà mua xe để đi học nên bắt buộc phải mướn phòng trọ (30$/tuần) ở luôn dưới đó những ngày trong tuần. Chỉ về Montreal mỗi cuối tuần mà thôi. Thứ sáu, sau giờ học là lúc mình náo nức nhứt để mong được gặp mặt lại vợ con…nhớ lắm.

Chiều chúa nhựt má sắp nhỏ cụ bị cho mình mấy lon thịt kho, có thêm vài cái hột gà để mình cầm cự trong suốt một tuần ở dưới đó. Có khi đổi món chiên sẵn cho 5-6 miếng sườn ướp sả thơm phức, đủ ăn trong 5 ngày. Bả còn nhét thêm cho mình năm sáu gói mě hŕnh Ramen để phòng hờ lỡ có kiến cắn bụng giữa khuya. Rồi cũng không quên dặn dò đủ thứ... trước khi khép cửa lại. Mình bước lùi ra mà trong lòng buồn man mác…

Sau đó thì lấy xe bus đầu đường, ra Métro Longueuil, rồi lại lấy xe bus khác để xuống thành phố St Hyacinthe để ngủ cho khỏe, sáng còn cuốc bộ đi học sớm nữa.

Nhưng, mình còn khỏe hơn vợ mình rất nhiều.

Bả ở Montreal rất cực vì vừa đi học, và đồng thời cũng vừa phải lo cho hai đứa nhỏ nữa. Tụi nó đứa thì đi nhà trẻ, đứa thì đi học mẫu giáo… Làm sao đây?

Đó là một vấn đề hết sức nan giải cho tụi nầy. Nghĩ lại lúc hai vợ chồng còn đi học sao ớn quá trời  quá đất.

Trong suốt bốn năm dài đăng đẳng, bà xã mình thường nói giỡn là bả có chồng bán thời gian part time mà.

Bả vừa đi học lại ngành dược tại Université de Montreal mà cũng còn phải chăm lo cho chồng và quán xuyến luôn hai đứa con nhỏ nữa. Chuyện học hành cũng đâu phải đơn giản vì ngày xưa khác với mình, bả học chương trình Việt, vốn liếng tiếng Tây tiếng U phần lớn đã trả lại cho thầy bên VN.

Tiền học bổng và tiền vay mượn nhà băng cũng không là bao nhiêu, chật vật lắm, nhưng nhờ vợ mình  khéo quản lý chi tiêu, cần kiệm tối đa nên cũng qua cầu được…Chỉ có người gõ nhờ theo học toàn thời gian ( full time) nên được cấp học bổng và còn có quyền vay mượn thêm tiền (loan) không lãi. Vợ mình thì học bán thời gia (part time).

Cuối cùng nhờ Trời Phật phù hộ, nhờ phước đức ông bà, hay nhờ may mắn gì đó nên rồi cũng xong.

Đúng là hay không bằng hên.

Hú hồn hú vía! Hai vợ chồng đều trở lại nghề cũ của mình ngày xưa bên nhà.

Làm lại cuộc đời lúc 42 tuổi

Mình nhảy vô chánh phủ làm nghề khám thịt cho chắc ăn và khỏi sợ bị mất việc bất tử.

Khi ra trường vì cần có việc làm ngay để nuôi vợ con nên mình chấp nhận đi xa.

Tháng 6,1985 vừa lãnh bằng Bs Thú y xong hồi trưa thì 6.30 pm chiều hôm đó tôi lấy xe lửa Via Rail dông tuốt xuống Moncton thuộc tỉnh bang New Brunswick, cách Montreal gần 1000 km để trình diện Regional Office Agriculture Canada vùng Maritime. Họ cho hai tuần để làm orientation và thu xếp, ổn định nơi ăn chốn ở. Xong xuôi mình mới quay về Montreal rước vợ con xuống.

Thế là bắt đầu làm lại cuộc đời vào năm 1985, lúc đúng 42 tuổi.



Rồi phải học lái xe, rồi phải gấp rút mua một chiếc xế hộp, mới có thể đi làm được. Vấn đề là từ nhỏ lớn tui chưa từng cầm volant lần nào cả. Học lấy bằng thì dễ nhưng khi chính mình cầm tay lái thật sự thì khác. Lo quá. 

Lấy cái xe Toyota Tercel Hatchback mới toanh về nhà dượt sơ sơ quanh xóm chừng đâu hai ba bữa thì phải lái đi làm xa. Phải đối đầu với đường cao tốc expressway, với xa lộ và bắt buộc chạy cho lẹ, cho nhanh như mọi người. Thấy xe người ta chạy ào ào hai bên, sợ lắm thiếu điều... 

Trong hai năm đầu làm việc, mình lôi vợ con đi theo trên bước đường sương gió vùng duyên hải phía Đông Canada.

Hồi những năm 85-86, người Việt định cư ít lắm. Mua nước mắm hay đồ ăn Á Đông phải lái xe qua tận thành phố Halifax, thủ phủ của tỉnh bang Nova Scotia kế cận, cách nhà 200km mới có, bất tiện quá. 

Sau hai năm, mình làm đơn xin đổi về tỉnh bang Québec nơi có nhiều đồng hương VN để thấy bớt lẻ loi hơn và nhứt là tiện cho bà xã dễ hành nghề cũng như thuận lợi cho con cái học hành sau nầy. Mà đúng vậy.

Tại Quebec mình làm bất kể giờ giấc để gom bạc cắc. Thường, mùa hè cũng như mùa đông, 5.30 sáng là phải ra khỏi nhà vì 6.30 là nhà máy khởi sự cho chạy khi đã có sự hiện diện của thú y sĩ. Đó là luật bắt buộc. Lái xe trong mùa đông, trong mùa bão tuyết là nỗi ám ảnh triền miên của tôi cho mãi tới ngày hôm nay. Chuyện đường trơn, xe tự nhiên lủi vô cột đèn hay quay ngược đầu bê tuốt xuống vệ đường mình cũng đã từng nếm mùi đôi lần rồi. Sợ lắm.

Chỗ nào hơi hắc ám và xa lắc xa lơ, inspector da trắng chê là có tui nhận liền. Chổ nào cần tui thì tui có, chổ nào khó là có tui đây. 

Ban ngày làm tới 4 giờ. Ca chiều lỡ thiếu người, tui vô long te ở lại làm luôn để có tiền “ô quờ thêm” overtime Đôi khi thứ bảy cuối tuần, hay trúng nhầm ngày lễ nhà máy làm thêm ca bất thường, tui cũng nhận luôn. No problem.

Mấy thằng bạn da trắng từ chối đi làm vì weekend phải ở nhà hú hí với vợ với con. Tui nhảy vào vô lông te thế chỗ, xếp tui mừng lắm, cám ơn tui lia lịa mẹt xi bổ cu đốc tơ Chánh.

Còn tui thì cũng mừng thầm vì mình có cơ hội kiếm thêm chút cháo để dành lo tương lai và hậu sự... Có cái hơi đau là tiền phụ trội “ô quờ thêm” đều bị trừ thuế mất toi hết 50%. Thôi cũng được. Ít còn hơn không đúng với câu Less is more.

Trong 23 năm ngụp lặn trong nghề đâm heo thuốc chó tại xứ người, tôi đã đặt chân vào hầu hết các nhà sát sanh tại khắp các tỉnh bang Quebec, New Brunswick và Nova Scotia của Canada. Làm việc ngay tuyến đầu của ngành thịt, Hằng ngày và hằng đêm (nhà máy chạy cả hai ca) mình phải chứng kiến biết bao nhiêu là cảnh máu đổ thịt rơi, cùng những âm thanh la rống ghê rợn hãi hùng của các sanh linh khốn khổ trước giờ bị hành quyết.

Thủ phạm thật sự của tội lỗi và độc ác trên cõi đời nầy vẫn là từ con người có tư duy và lý trí.

Tôi là nhân chứng của bao nhiêu sự đổi thay, thăng trầm, hỉ nộ ái ố trong kỹ nghệ thực phẩm nói chung và kỹ nghệ thịt nói riêng.

Bởi lý do nầy, những đề tài tôi viết thường xoáy quanh những mối ưu tư của bà con mình trong vấn đề dinh dưỡng sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh thịt thà cá mắm rau cải, v.v…Khi tôi viết bài đăng báo, tôi thường hay tham khảo về chuyên môn với bạn bè đồng nghiệp (da trắng) và cấp chỉ huy nên họ biết tôi có cái đam mê lạ đời nầy.

 

Lên voi xuống chó

Nhớ hồi những năm 78-79, lúc cuộc đời hai đứa đang trên đà xuống dốc thảm thương vì những chuyến vượt biên bất thành, hết hai lần nằm khám, thì từ ngôi vị một chủ nhân và đúng theo chủ trương lao động là vinh quang, lang thang là chết đói hay nói là ủ tờ của nhà nước, bà xã tui đã can đảm nhảy phóc xuống một cách tỉnh bơ làm một cô bán xôi, bán cà phê (hổng phải cà phê ôm đâu) trên vỉa hè sát bên tiệm thuốc Tây cũ của mình mà lúc bấy giờ thì nó đã được người khác quản lý rồi.

Cũng có nhiều lúc, phường khóm cũng gởi tụi cách mạng 30 đến dò la tư tưởng, nói xa nói gần chẳng hạn như sao chị là dược sĩ mà hổng chịu xin đi làm trong ngành nghề của mình mà lại đi bán cà phê làm chi cho phí cuộc đời.

Đó, dân miền Nam là như thế đó, hoàn cảnh nào cũng sống được hết, hổng cần phải cầu cạnh xin xỏ ai hết. Lao động trí óc làm được, lúc cần thì lao động chân tay cũng coi như pha chẳng nhầm nhò gì hết.

Nghề bán xôi cũng được bả đem theo qua Thái Lan trong thời gian tạm cư tại trại tị nạn Laem Sing.

 Sau nầy có mấy người bạn đã gặp lại tụi nầy ở bên đây và họ có nhắc lại chuyện hồi năm xửa năm xưa lúc còn ở trại tị nạn, mỗi sáng họ mua xôi vì tội nghiệp, thương hại và cũng vì muốn ủng hộ giúp đỡ vợ chồng tụi nầy, “chớ xôi của chị nấu ăn sao nhão nhoẹt, có khi thì khen khét, có khi thì xừng xực sống nhăn, ăn vừa ngán ngược, vừa nuốt không vô chán thấy mẹ”. 

Mà họ nói cũng đúng thôi, vì có đủ củi lửa đâu mà nấu cho chín cho ngon được. Có khi đang nấu ngoài sân thì trời lại trút mưa xuống bất tử, củi lửa ướt mẹ nó hết, khiên nồi vô ra ba lần bốn lược thì làm sao mà xôi chín cho được.

Khi lên đến trại Thái Lan thì mình không còn một chỉ, hay một đồng xu dính túi vì bị mấy thằng hải tặc chiếu cố quá kỹ lúc còn lênh đênh ngoài biển.

Nhờ bà xã chịu khó tảo tần như thế nên mỗi ngày mình mới có chút tiền còm để mua vài thùng nước tắm cho hai đứa nhỏ, cũng như để mình mới có thể ngồi quán cóc bà Nòi gần cổng trại mà nhâm nhi ly cà phê đắng, phì phà điếu Samit và dệt mộng cho tương lai…

 

Gõ cho đời thêm vui

Nói rõ là tôi không phải là một nhà văn hay một nhà báo gì cả. Tôi chỉ là một nhà gõ mà thôi. 

Tôi gõ chùa, không vì tiền nhưng gõ cho vui, để tự mình trau dồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...

Thế cho nên tôi gõ cho người nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn. 
Tôi rất vui sướng vì ít nhứt mình cũng có được tự do làm một cái gì mình ưa thích.                                   

 

Nghỉ hưu 2008-Một giai đoạn mới trong cuộc đời.

Trong đời sống của mọi người, đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải ngưng làm việc để nghỉ hưu. Phải nghỉ lúc chúng ta còn chút ít sức khỏe để có thể đi đây đi đó.

Rồi tối ngày, đi vô đi ra tà tà...chờ lệnh bà, cũng như chờ đến ngày hẹn để đi khám bác sĩ thử máu, thử tim, thử đủ thứ…

Biết chừng đâu, cũng có thể là chờ ngày mình phải...Sayonara Good Bye đi luôn.Tôi cũng như mọi người, cũng sợ bệnh sợ chết như như ai vậy.

Một số bạn bè đã lác đác bỏ đi rồi. Những người còn lại thì có người thì lo thiền, có người thì lo tu, khiến cho tôi cũng phải bắt đầu suy nghĩ.

Nhưng, tôi biết rằng căn duyên của mình chưa tới. Biết sao bây giờ?

Hai vợ chồng đã gác kiếm từ quan từ 9-10 năm nay rồi.

Đây là một giai đoạn mới vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.

  

Cám ơn hai chữ Tự Do, cám ơn cuộc đời

Mới đây mà mình đã phải rời bỏ quê hương được 40 năm rồi...(2020)

30 năm thật sự sống trong không khí tự do trên một đất nước rộng lớn và hòa bình, một chốn tạm dung cho hằng triệu người khốn khổ đến từ khắp các miền đau thương trên thế giới.

Canada, tuyết lạnh mà tình nồng. Đất lành thì chim đậu.

Như hằng triệu người Việt Nam phải liều chết ra đi để tìm tự do, mình cũng phải cam phận đánh đổi nhiều mất mát, tù đày, đắng cay, bầm dập, v.v...trước khi đến được miền đất hứa.

Cũng như hằng triệu gia đình VN, mình vượt biên vì hai chữ Tự Do!

Mình xót xa phải bỏ lại tất cả, bỏ lại người thân, bỏ lại mồ mã tổ tiên, bỏ lại tài sản, sự nghiệp, bỏ lại những kỷ niệm vui buồn, và nhất là phải bỏ lại những gì thân thương và thiêng liêng nhất:

Đó chính là Quê Hương Việt Nam Yêu Dấu.

Mình không ân hận một chút nào cả, nhưng ngược lại nhờ những năm tháng bị kẹt lại bên nhà mình mới hiểu được thế nào là... thiên đường cộng sản (sic).

Tại miền đất tự do, cũng như tất cả đồng bào khác, mình đã phải nhẫn nại, phải cố gắng chịu đựng nhiều nhọc nhằn và khó khăn trong sự hội nhập, phải phấn đấu rất cam go để vươn lên hầu có được một chỗ đứng khiêm nhường như ngày hôm nay.

Miền đất hứa rất bao dung. Canada đã thật sự mở rộng vòng tay nhân ái, đón nhận và đã giúp đỡ tất cả mọi người tị nạn, di dân khốn khổ, để họ có thể làm lại cuộc đời trong tự do, bình đẳng và nhất là được quyền sống thật sự như một con người.

Cũng như tất cả các bậc cha mẹ di dân thuộc thế hệ thứ nhứt, mình rất sung sướng và rất tự hào là đầu cầu vững chắc cho những thế hệ con cháu nối tiếp tiến lên.

Và nay, thế hệ thứ hai và thứ ba cũng đang vững bước tiếp nối thế hệ cha, ông trong niềm lạc quan và hy vọng tràn đầy.

Mong rằng chúng sẽ không bao giờ quên ơn Canada, quê hương thứ hai đã cưu mang, tận tình giúp đỡ cũng như đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng sống, ăn học để trở thành những công dân hữu dụng trong một đất nước thật sự tự do, dân chủ và bình đẳng.

Nhưng trên hết, mình ước mong và hy vọng rằng con cháu mình cũng sẽ không bao giờ quên cội nguồn của chúng là người Việt Nam.

Tre tàn thì măng mọc. 

 

Bước chân Việt Nam là biểu tượng cho sự bất khuất, cho lòng yêu chuộng tự do, hòa bình và cũng là niềm kiêu hảnh chung cho tất cả các người tị nạn trên thế giới.

 

Nhờ Trời Phật phù hộ mình đã đạt được ước nguyện ban đầu.

Mình rất tự hào là một thuyền nhân, một boat people, một ngưới tị nạn CS vì lý tưởng Tự Do.

Một lần nữa, tháng tư đen lại trở về.

Cố quên nhưng lòng vẫn nhớ./.

vvnm2
Hai vợ chồng CHÁNH-LAN Cùng già bên nhau.…

 

Tình già là báu vật

Vợ chồng già như bình rượu hiếm, như gừng già càng già càng cay nhưng đôi khi cũng cần phải có tiếng qua tiếng lại chút chút để tình càng thêm mặn nồng hơn.

Mà rượu càng cũ thì càng quý có phải vậy không các ông anh? 

Coi vậy mà tôi đã đụng bả được trên 40 năm rồi…40 năm mặn nồng sương gió, vui buồn, thăng trầm sướng khổ đều có nhau.Nay thì cả hai vợ chồng đều bước vào tuổi thất thập cổ lai hy hết rồi.

Giờ đây, nhà chỉ còn có tui với bà, sớm tối hủ hỉ bên nhau và tay trong tay, đôi ta chậm bước bên nhau trong quãng đời còn lại để cùng già bên nhau./.     

Ý kiến bạn đọc
19/10/202015:36:53
Khách
Ông Chánh có một bà vợ tuyệt vời, vừa đi làm nuôi con, vưà đi học, chấp nhận gánh nặng cho chồng đi học full time .
Nguyễn Công Trứ cũng có bà vợ hiền gánh gạo lặn lội đưa chồng đi thi:
"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Lộ diệt vũ trùng trung chi nhất
Thuơng cái cò lặn lội bờ sông"
Hay Tản Ðà :
"Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi nấng đàn con với một chồng
Lặn lội thân cò trên quãng vắng
Eo sèo mặt nuớc buổi chiều đông"
Ở Canada mà bà xã lặn lội đi làm nuôi con những buổi chiều đông thật tuyệt vời . Xin chúc gia đình tác giả sức khoẻ an vui .
19/10/202015:25:49
Khách
"Vợ chồng già như bình rượu hiếm, như gừng già càng già càng cay nhưng đôi khi cũng cần phải có tiếng qua tiếng lại chút chút để tình càng thêm mặn nồng hơn ". Trích.

Tú Lắc : "Đôi khi có chuyện bất bình/ Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau/ Nhưng mà giận chẳng được lâu/Giận nhau hôm trước hôm sau lại hòa/Nhìn mình tôi bật cười xòa/Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi/Chúng mình như đũa có đôi/Có đôi để gọi: “Mình ơi… Mình à!”/Khi nào thấy vắng bóng tôi/ Thì mình lại gọi: “Mình ơi… Mình à!"/Khi nào tôi thấy vắng bà/Thì tôi lại gọi: “Mình à… Mình ơi!”/Gọi nhau cho trọn cuộc đời…".
19/10/202003:53:09
Khách
Hai vợ chồng tác giả dù đã về hưu ngót nghét gần mười năm, tiền bạc không túng thiếu ( nếu không nói là dư thừa), sức khỏe vẫn dồi dào, nhưng không một lần dự tính đi du lịch Việt nam. Đây là một điểm đáng khen ngợi, không như những kẻ ăn no rửng mỡ mò về đất giặc du hí.
19/10/202003:45:58
Khách
Bài viết thật hay. "Người gõ " viết dễ dàng như đang nói. Thân tình, chân thành, trung hậu. Thêm tình nghĩa sâu đậm của lứa đôi! Xin được chung vui cùng tác giả với những hạnh phúc mà ông đã may mắn có được. Tôi đã đến thăm vùng PE và để lại hơn một nửa trái tim cho vùng đất xinh đẹp này. Mê những cái lighthouses Sơn trắng bên biển xanh như card postage. Canada thật sự là một đất nước được nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Tác giả viết thêm nhé.
19/10/202000:28:53
Khách
Đây là bài viết hay nhất trong tất cả những truyện sách tôi đã từng đọc và sẽ chẳng bao giờ có được một bài hay cỡ nầy trong tương lai! Quị vị sẽ hiểu tại sao! (talking about being subjective!!!)
Cái tuyệt vời ở đây là anh viết vừa sống động vừa giản dị như anh đang ngồi trước mặt kể chuyện . Cái tuyệt vời thứ hai là cái đề tài mà hàng triệu người chúng ta ai cũng có thể là nhân vật trong bài. Anh có cách kể chuyện xưa mà như đang xảy ra, quá trình di cư, hội nhập từ những ngày đầu với những niềm vui không bao giờ tìm lại được, cái ấm cúng thân tình của những ngày hàn vi...Cái mày mắn của anh đã đến được một đất nước rộng lớn, xinh đẹp, thanh bình và hiền hậu. Đến PEI, một hòn đảo đẹp như mơ và nổi tiếng vì nó là bối cảnh của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng - Anne of Green Gables.
Đọc tới đoạn anh chị dọn đi Montreal tiếc quá chừng nhưng dĩ nhiên muốn có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp tương lại anh chị phải đến một thành phố lớn hơn, Montreal.
Rồi first job in Moncton New Brunswick- một tỉnh có cả hai official languages Pháp và Anh, đi chợ ở Halifax Nova Scotia rồi trở về Quebec...Cuộc đời anh chị phong phú quá! Tiếp tục viết nữa nghe anh Chánh! À anh có về PEI thăm lại lần nào không?

P.S. Tôi cũng như anh được nhà thờ ở một thành phố nhỏ xíu của tỉnh British Columbia bảo lãnh, 1 năm sau dọn về Vancouver để đi học, ra trường trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" (figure of speak), Fort St. John, làm việc và sống đến bây giờ. (Có đổi đi làm nơi khác 1 năm nhưng nhớ "làng quê, xóm giềng" quá nên đã quay trở về!!!)
17/10/202022:40:16
Khách
Xin chúc gia đình tác giả luôn được bình an và mạnh khỏe.
16/10/202012:33:08
Khách
"...hú bạn bè lại nhà làm một chầu càng hong ai nấy đều ngất ngư hết."
hình như là 'cành hông' thì phải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,943
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nghỉ hưu sau gần 20 năm làm y tá tâm thần tại một bệnh viện tiểu bang Cali. Là cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975 đi tù Cộng sản 6 năm. Là cựu thuyền nhân được thuyền trưởng Nam Hàn tên Jeon Je Yong cứu vớt trên biển Đông năm 1985. Ông cũng là tác giả Hồi Ký "Tấm Lòng Biển"(2007) nói về thuyền trưởng Jeon bị trừng phạt sau khi vớt thuyền nhân. Tham gia "Viết về Nước Mỹ" với bài "Nhà Mobilehome và Di Dân Việt Nam" (Giải Danh Dự 2010) Tham gia công tác thiện nguyện cho thành phố Westminster, Nam Cali, từ 1994 đến nay.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. bài viết mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Huyền Thoại-Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau. Sau đây là bài viết mới nhất.
Đây là bài đầu tiên tác giả gởi cho Việt báo "Viết về nước Mỹ". Tác giả sinh ra và lớn lên tại Saigon. Ba của cô là sĩ quan QLVNCH và phải đi "học tập cải tạo" 8 năm qua các trại từ miền Nam ra Bắc. Gia đình cô qua Mỹ vào năm 1992 theo chương trình HO.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau khi trở lại họp mặt với Viết Về Nước Mỹ 2018, cô đều đặn viết lại bằng tiếng Việt và vừa nhận giải đặc biệt năm nay với bài "Kêu Khóc Bằng Tiếng Việt".
Đây là lần đầu tiên tác giả tham gia dự thi “Viết Về Nước Mỹ”. Sinh trưởng và lớn lên ở Saigon, tác giả cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện HO. Là cư dân của thành phố Chapel Hill, North Carolina, tác giả làm việc cho một công ty dược phẩm & kỹ thuật sinh học ở khu Research Triangle Park tại NC.