Hôm nay,  

Tháng Tư, Và Nỗi Nhớ

01/05/202000:00:00(Xem: 7501)

Song-Lam-rev
Tác giả Song Lam  

Song Lam.


Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.  
   

***


Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước.

Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào. Nếu ngày xưa thi hào Nguyễn Du, cụ đã viết “..Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” thì ngày nay ý nghĩa đó cũng chưa nói lên hết sự đông đúc, náo nhiệt của con người ở nơi này với hệ thống xe bus, subway chằng chịt, hoạt động ầm ầm ngày đêm.
 
Những ngày mới đến đây, chúng tôi như mán về rừng, bở ngỡ vì sự to lớn của thành phố, vì không khí tự do trên từng centimet của khoảng đất trời bao la. Chúng tôi ở Brigton Beach với những con đường mang số Brigton một đến Brigton mười, và những con đường này đều đổ ra biển. Brigton Beach trãi dài với sidewalk rộng thênh thang, trên cao với hàng ngàn loài chim Hải Âu bay lượn. Chúng tôi vẫn còn nhớ khu Coney Island, khu vui chơi trẻ nít, và hàng quán dành cho khách du lịch thương hồ mà nơi đây hàng trăm năm trước là vùng hoạt động náo nhiệt của các băng nhóm mafia đến từ nước Ý xa xôi.
 
Từ Brooklyn đi Manhattan, chúng ta phải qua những cây cầu như Brooklyn Bridge, và Manhattan Bridge. New York City là bán đảo nên có rất nhiều cây cầu nên thơ, nổi tiếng nối liền đôi bờ dọc theo dòng Hudson thơ mộng. Từ Brooklyn sang Staten Island chúng ta phải qua cây cầu, mà có tên đọc muốn trẹo bản họng là Verrazzano Narrow Bridge. Cây cầu này rất nổi tiếng, chiều dài cũng có hạng, về đêm hàng ngàn ánh đèn lung linh soi bóng eo biển Brigton mờ ảo.

New York City ở vào cực Đông nước Mỹ với hơn năm mươi triệu du khách hàng năm đến thăm, Những công trình vĩ đại ở đây như Time Square (Quảng trường Thời Đại), Statue of Liberty (Tượng Nữ Thần Tự Do), Central Park – còn gọi la khu vườn Châu Âu, hay Iron Plaza. Hồi đó, dân Việt đều gọi nơi đây là “cái bàn ủi” ở đường Hai Mươi Ba. Ở thành phố này, du khách ít thấy những căn nhà trệt với sân trước, vườn sau, mà chỉ thấy những building chọc trời hàng trăm tầng sừng sững như “..Đưa tay với thử trời cao thấp..” (Hồ Xuân Hương). Thành phố dành cho thương mại, và tiền tệ  quốc tế đúng nghĩa mà!
 
Điều đặc biệt ở đây bây giờ còn đọng lại trong tôi vẫn là tiếng subway chạy rầm rập trong đêm, và tiếng leng keng của chiếc xe kem qua lại trước nhà vào những chiều Hè tắt nắng. Nhịp thở của New York dồn dập không ngớt ngày đêm. Mọi người hối hả uống vội ly cà phê buổi sáng lật bật, tất tả chạy theo từng chuyến xe điện ngầm đêm. Mỗi ga, tàu chỉ dừng ít hơn một phút cho người rảo bước lên. Nếu không có chỗ ngồi, mọi người phải đứng chen chúc như cá mòi trong hộp để chờ ga tới. Các bạn cứ đảo mắt xem nha. Đủ mọi sắc dân, đủ mọi lứa tuổi, già trẻ bé lớn… trên những chuyến xe. Và người người cứ im lặng nhìn nhau. Họ có thể chợp mắt ngủ hờ, đọc báo, hay đọc tin nhắn trên phone, hay nghĩ ngợi về một điều gì đó vừa thoáng hiện trong đầu..

New York City có trên hai mươi tuyến đường xe điện ngầm như thế, xuôi ngược qua năm quận hạt của thành phố, Brooklyn, The Bronx, Queens, Manhattan, và Staten Island. Mỗi ngày có hàng triệu người đi lại không kể sáng tối, ngày đêm, mưa nắng...
New York City được xem là thành phố lớn của tiểu bang. Nếu từ New Jersey, hay Philadelphia (Pennsylvania) đi ngược về hướng Đông chọn highway 81, rồi qua 90, chúng ta sẽ gặp thành phố Syracuse, kế là thành phố Buffalo sẽ dẫn tới biên giới Mỹ-Canada nơi có thác nước Niaraga hùng vĩ, tuyệt đẹp nổi tiếng khắp thế giới.
 
Mặc dù rời xa New York City đã lâu, nhưng thỉnh thoảng gia đình chúng tôi cũng trở về thăm anh em con cháu còn lưu trú ở đây từ hơn bốn mươi năm qua. Tôi dùng chữ “về” vì đây là “điểm đến” đầu tiên của chúng tôi ở đất nước này. Tôi thấy mình thực sự may mắn vì được sinh ra, lớn lên ở Saigon, thành phố hoa lệ bật nhất Việt nam thân yêu. Và khi rời Saigon lại được đến New York, thành phố thương mại hạng A của thế giới. Tháng Mười năm ngoái chúng tôi đã về lại thành phố này, ghé thăm Ground Zero, một chứng tích lịch sử đau buốt của New York. Năm 2001, mà lúc 9:05 sáng ngày 11/9, Tòa tháp đôi – Twins Tower (mà dân Việt hay gọi Tòa nhà Hai chị em) đã bị khủng bố đánh, hoàn toàn đổ sập. Hiện nay, dấu tích của hai tòa tháp này là hai cái hồ vuông vức sâu hút, mỗi hồ với bốn cạnh tường hồ được thiết kế thành thác nước tuôn chảy, róc rách ngày đêm. Tên của 2,977 nạn nhân đã “đi xa” được khắc chạm đẹp đẽ trên nền thép của bề mặt thành hồ, tưởng niệm những người đã khuất. Và phải mất mười năm sau đó, 11/9/2011, chính quyền mới hoàn thành xong Đài tưởng niệm Quốc gia Oculus. Một ngọn tháp mới toanh đứng sừng sững mang tên One World Observatory, 104 tầng, ngay cạnh Westfield World Trade Center (còn gọi là Freedom Tower). Du khách sẽ được thang máy đưa lên tầng thứ 102 chỉ với 43 giây. Mọi người sẽ được nhìn toàn cảnh New York City tráng lệ, đẹp mắt xa tít đến tận chân trời.

Đài tưởng niệm Oculus mang dáng dấp của đôi cánh chim dang rộng, trắng toát nổi bật thanh tú trên nền trời xanh bao la với kết cấu kiến trúc sắc nét, uyển chuyển, mềm mại đến khó tin.  

New York City như là thành phố quê hương thứ hai của chúng tôi với bề dày lịch sử đau thương, nhưng kiêu hùng của nó. Sau cuộc khủng bố đẩm máu 2001, đi đâu chúng tôi cũng thấy khẩu hiệu “America Strong”. Cũng như thành phố Saigon của chúng ta, dù chỉ là ‘quê hương trong trí nhớ”, vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi hình ảnh con người, và sự việc tuy lắm đau thương, nhưng vẫn lẫm liệt, oai hùng!
 
Bây giờ là tháng Tư. Hoa Anh Đào ở Washington D.C vẫn nở, vẫn lung linh ẩn hiện soi bóng bên dòng Potomac hiền hòa, một cảnh quan tuyệt mỹ hoàn hảo, dù thiếu vắng bước chân của hàng triệu khách lãng du.

Mọi người chưa kịp hết thổn thức với bốn mươi lăm năm mất miền Nam Việt nam, thì lại bầm dập với đại dịch 19. Dịch bệnh lan nhanh khắp thế giới. Tỷ xuất người bệnh, người chết tăng cao từng ngày. Cả thế giới đang đối diện với nguy cơ con người bị hủy diệt trong tâm trạng lo sợ, thấm thỏm ngày đêm. Dịch bệnh như kẻ trộm nguy hiểm luôn rình rập con người. Chỉ cần sơ hở, mất cảnh giác là chúng ùa ập vào nhà, luồn lách qua khe cửa, ngỏ ngách..để gây chết chóc, tai họa.
 
Vẫn là tháng Tư. Cả thế giới như đang nín thở vì dịch bệnh. Mọi chỗ, mọi nơi đều vắng lặng, im lìm. Tôi có cảm tưởng như không còn tiếng chim chào sáng. Chỉ nghe thỉnh thoảng xa xa, đâu đó tiếng chuông nhà thờ ngân nga báo giờ - cứ ba tiếng đồng hồ một lần – tử sáng sớm đến giữa khuya… À! “Chuông Gọi Hồn Ai?” (For Whom The Bell Tolls – Ernest Hemingway - Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ). Tôi bỗng chợt nhớ đến tác phẩm này tôi đã đọc rất lâu, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, và chưa bao giờ thấm thía hết ý nghĩa của nó như lúc này, ngay lúc này!!!  Tôi cảm thấy sự sống, và cái chết rất gần ; sự tính toán, hơn thua giữa người, và người gần như vô nghĩa. Hãy sống chậm một chút. Hãy yêu thương nhau thêm, giúp đỡ nhau thêm khi còn có thể :
 
“Đã biết chốn này là  quán trọ.
Hơn thua, hờn oán để mà chi?
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì?”
(Trích Phật Pháp Việt Nam).
 
“Chuông gọi hồn ai”, ai biết được. Chỉ biết hàng ngày trên thế giới này đã, và đang có hàng ngàn người “ra đi” vội vã không kịp nói lời nào giã biệt người thân. Và cũng không được ai thăm, ai viếng. Sự cách ly xã hội (Social Distancing), -với tiêu chuẩn Mỹ 06 feets- vô tình làm cho toàn thể mọi người gặp nhau với ánh mắt ngờ vực, cảnh giác, đã dấy lên trong tôi nỗi buồn da diết, hụt hẩng!
 
Lại nói về New York City, thành phố lớn, hoa lệ nổi tiếng thế giới với dân số trên dưới mười một triệu người, là một trong những nơi tập trung, gặp gỡ của hàng trăm sắc dân. Dân New York hãnh diện mình là New- Yorker bây giờ hoảng loạn với cơn dịch bệnh đứng hàng đầu nước Mỹ, và cả toàn cầu, trở thành tuyến đầu đứng tiên phong về ca nhiễm, và số tử vong kỷ lục. Chẳng riêng về nước Mỹ, mà cả thế giới vẫn đang quan tâm, theo dõi tình hình diễn tiến từng giờ dịch bệnh New York với tâm trạng đồng cảm, xót thương.
 
Tôi muốn phát bệnh vì mỗi ngày dù chán nản cũng phải dán mắt vào TV nghe ngóng tin tức. Tôi nghĩ như thế này mãi, người ta cũng sẽ vướng bệnh tâm thần mất vì cách ly “Shelter in Place”. Ở nhà, ra vô, ăn, ngủ…giữa bốn bức tường vô tri. Tôi khó mà dững dưng trước đại nạn này. Tôi phải làm gì đây?.. Không, không làm được gì cả!!..khi out of work gần cả tháng, ở nhà ra vào mòn mỏi ...Chán!.. Sự sống, cái chết đi liền nhau, hầu như không có biên giới rõ rệt nữa, khi chính quyền New York phải trưng dụng 85 container lạnh dùng để chứa hàng hóa mà để chứa..người “không còn hơi thở” nữa..!!??
Nghe nói tàu bệnh viện SS Comfort đã cặp bến Brooklyn để kịp thời cứu chữa mọi người ở đây với các thiết bị y tế chuyên dụng, hiện đại. Bác sĩ, y tá, chuyên viên y tế đã về hưu của tiểu bang được trưng dụng, hay tự nguyện, cùng với đội ngũ y tế từ các tiểu bang khác được mời gọi đến cứu giúp New York trong giai đoạn tối khẩn cấp này. Tôi cũng có chút phấn chấn, vui sướng khi được biết tin này.
 
Tháng Tư…từng ngày đi qua. Mùa Xuân lại trở về miền Đông-Bắc với muôn ngàn sắc hoa rực rỡ, nhưng sao trong lòng chúng ta vẫn ảm đạm mùa Đông !!? Tôi nghĩ đến những cái chết vội vàng, âm thầm trong nursing home, bệnh viện, nhà riêng.. nào đó. ICU quá tải, nhà quàn hết chỗ, và toàn xã hội cũng đang đắm chìm trong suy sụp kinh tế tạm thời. Trong ba tuần lễ gần đây, đơn xin chính phủ Mỹ trợ cấp thất nghiệp cả nước chưa từng có trước đây lên tới con số trên dưới…mười sáu triệu. Thế giới, và nước Mỹ sẽ còn đương đầu với cơn dịch quái ác này bao lâu nữa..!! ??
 
Tôi đang nghĩ đến phận mình, những người thân, cũng như những người bạn vong niên của tôi trong hạn tuổi “thất thập cổ lai hy” trở về sau. Chúng tôi đang ở triền dốc xuống của cuộc đời. Điều này dễ cho sự lây nhiễm, và có tỉ lệ nguy cơ rất cao. Cái chuyện high risk không chừa một ai… Hên..xui…

Thêm một hồi chuông nhà thờ vọng lại. Ôi! Tiếng chuông ngân, buồn theo ánh nắng vàng đang tắt dần sau vườn nhà. Tôi lại nghe văng vẳng tiếng xe cứu thương ngoài xa lộ. Tôi sợ tiếng hú inh ỏi đó lắm, vì hay khiến tôi nghĩ đến chuyện sinh tử của một con người.

Cái im ắng lạ thường của đất trời mùa Covid19 này khiến lòng tôi quá đổi xót xa.Tôi thèm tiếng trẻ nít nô đùa, quang cảnh chúng chơi thả diều, đá banh..la hét inh ỏi thường ngày. Tôi thèm tiếng xe lao vun vút, chật cứng ngoài đường những giờ tan sở. Tôi thèm được trở lại làm việc với hàng trăm khách hàng thân thiết của tôi mỗi ngày. Cực nhọc lắm, mà cũng hạnh phúc lắm. Mấy ngày nay trời nắng ấm, tôi bỗng muốn đi dạo quanh công viên, hay ra bờ sông ngắm đàn vịt trời bơi lội tung tăng, vui đùa trong nước.
 
Qua cửa sổ phòng bếp, tôi giật mình thoáng thấy bóng trăng tròn vành vạnh giữa trời đêm. “Đêm nay rằm, đèn sẽ tắt vì trăng”. Trăng sáng lắm, nhưng trăng vẫn một mình, đơn côi như tôi, không có ai bầu bạn trong lúc này. Tôi nhốt trăng ngoài vườn, thay vì ngồi ngắm trăng hàng giờ, như cùng trò chuyện với nó đôi lần vào những ngày xa xưa.,lúc đó đã lâu lắm rồi

“…
Tìm đâu những ngày xinh như mộng.
Tìm đâu những ngày thơ.
Tìm đâu những chiều mơ.
Tìm đâu biết tìm đâu, đâu giờ…?”
(Hoàng Thi Thơ – Những Ngày Thơ Mộng).
 
Chúng tôi đang ở miền Nam New Jersey. Chỉ cần một giờ lái xe sẽ đến New Jersey City. Bên này bờ Hudson là New Jersey, bên kia bờ sông là địa phận New York City. Qua sông bằng phà, xe lửa Amtrack, hay subway. Đêm xuống, và nếu là đêm rằm như đêm nay, quý bạn sẽ thấy toàn cảnh New York City với hàng triệu ánh đèn đủ mầu, chỗ sang, chỗ tối, và trùng điệp building lớn, nhỏ cao ngất, hòa quyện nhau như  một bức tranh vô biên, khổng lồ, sinh động. Mầu sắc, đường nét, cảnh vật chìm, nổi của thành phố lồng lộng in bóng xuống dòng Hudson trong xanh. Bức tranh sống động, lung linh, mờ ảo với vẻ đẹp không thể tượng nổi, không bút mực nào tả nổi…Tuyệt đẹp… Vậy mà giờ nó đang tuyệt vọng, chìm đắm trong đại dịch.. Cô-Vi khủng khiếp. Thật đáng buồn thương.

Chúng ta đang im hơi, lặng tiếng chờ mong phép lạ, cộng theo thành quả qua nổ lực của con người để thế giới này trở lại với đời sống bình thường. Và tôi cũng không quên. Tôi không quên nghĩ về anh em, con cháu, đồng bào tôi bên kia bờ đại dương cũng cùng chung số phận với chúng ta.
 
Tháng Tư, tháng mà thế giới đang trong cao trào dịch bệnh. Tháng Tư của tôi xao xuyến, buồn lo. Tháng Tư của người Việt với trầm tích lắng đọng đau thương trong mỗi con người ngày mất miền Nam Việt nam yêu thương. Và nơi này, đồng bào tôi lại chất chồng thêm thương đau, sợ hãi, lo âu, vì dịch bệnh.
 
Ôi! Tháng Tư hãy qua mau, và…hãy mang theo dịch bệnh qua mau, để các con em chúng ta được đến trường vui học, để mọi người được trở lại làm việc vui sống, để mọi người cùng có được, cùng vui hưởng được mùa Hè vui thú của đất trời. Và xã hội con người khắp thế giới sẽ được hồi sinh.
Với người Việt lưu vong ở khắp năm Châu, chúng ta cũng hãy cùng nhau góp lời cầu nguyện cho thế giới con người được duyên lành, cuộc sống con người được bình an. Một thế giới không dịch bệnh.
 
Và chúng ta -những người Việt chân chính- trong tâm khảm bất an, tháng Tư năm nay không chỉ có ngày Ba Mươi.
  
Song Lam.
Cherry Hill, NJ
Tháng 4/2020.    

Ý kiến bạn đọc
24/05/202000:09:49
Khách
Bài viết trong tâm trạng lo âu , rối vời theo trận đại dịch Coronavirus , cùng những hoài niệm về mùa đau thương tháng tư mất nước , chúng ta chỉ biết trang trải nỗi niềm và dựa vào lời cầu nguyện để trấn an tinh thần . Cám ơn tác giả bài viết hay
07/05/202003:50:05
Khách
ngày tháng vẫn cứ trôi...chuyện vui buồn vẫn có..chuyện vui khi nghĩ tới các bác sĩ y khoa và các nhân viên y tế ngày đêm hy sinh trên tuyến đầu bệnh viện...các bác sĩ tâm linh ngày đêm khẩn nguyện và khích lệ mọi người hướng về Đấng tối cao xin ơn an ủi và cứu chữa loài người trong cơn đại dịch kinh hoàng . Các nhà khoa học đang cố công chạy đua với thời gian để tìm thuốc ngừa, thuốc chống chọi với cô vít ..các nhà lãnh đạo tìm phương cách sao cho cứu bệnh, cứu kinh tế..một cách hữu hiệu nhất..Nhiều nhà mạnh thường quân cứu đói, hỗ trợ vật dụng y tế..
Nhưng chuyện buồn...vẫn có đó..ôi sao nỡ tâm lợi dụng dịp này để gom hàng, tung tin thất thiệt...bán phá giá..lương lẹo, gian dối..giành giật với người nghèo...chỉ lo bới móc...chẳng nhẽ tất cả mọi người đều chết vì cô vi..không ai chết già...không ai chết vỉ bệnh khác???? Lương tâm con người ở đâu trước sự sống và cái chết mong manh..Xin thêm lời cầu nguyện ơn trên gia ân giáng phúc và ban ơn hoán cải..
02/05/202015:00:32
Khách
Theo bác sĩ Anne Schucha- Viện Kiểm Dịch Và Ngăn Ngừa Bệnh Dịch CDC, thì một trong những lý do chính khiến cho nước Mỹ có con số người bị nhiễm corornavirus cao hàng đầu thế giới là vì trong tháng Hai, nước Mỹ tuy cấm du khách đến từ Trung cộng , thế nhưng vẫn để cho gần hai triệu du khách Âu châu vào - trong số này có cả những người đang mang vi rút trong người . Mãi cho đến ngày 11 tháng Ba, nước Mỹ mới ban hành lệnh cấm du khách Âu châu. Báo động quá muộn, " đich quân" vi rút đã lan tràn vào nội địa !
02/05/202000:32:04
Khách
"Và chúng ta -những người Việt chân chính- trong tâm khảm bất an, tháng Tư năm nay không chỉ có ngày Ba Mươi." Thật đúng như vậy. Những người Việt lưu vong có đôi chút tấm lòng hướng về đất mẹ thật đau lòng khi mỗi dịp tháng Tư trở lại. Và tháng Tư năm nay đại dịch virus là thảm họa toàn cầu. Bài viết thật hay, có tính thời sự, gợi lại cho người đọc nỗi nhớ quê hương sau ngày mất miền Nam, nỗi lòng thương cảm đối với tha nhân trong cơn hoạn nạn của tác giả. Rất cảm ơn, và chúc tác giả luôn được hạnh phúc.
01/05/202018:00:53
Khách
Vâng, tháng 4 năm nay không chỉ có ngày 30, mà còn có nhiều ngày của những kỷ niệm xa xưa tràn về, của những ngày đầu bỡ ngỡ trên vùng đất mới, của những ngày mải mê xây dựng tương lai, rồi những ngày đau xé lòng của Twin Towers. Một cõi mộng mị giữa hư thực của cuộc đời đi qua trước mắt như một cõi "mờ mờ nhân ảnh đi qua" khi nhìn lại mới chợt thấy lòng bồi hồi, muốn sống thật chậm lại để mình còn có thời gian thương yêu nhau. Cám ơn tác giả đã gợi lên trong mọi người những thức giấc cần có giữa cuộc đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,680,528
Ngày 6 tháng 1, 2021, cả nước Mỹ sững sờ theo dõi một cảnh tượng không thể ngờ: một đám đông mang vũ khí tràn chiếm và đập phá Điện Capitol -- trụ sở của ngành lập pháp Hoa Kỳ, đòi treo cổ Phó Tổng Thống Mike Pence và “trừng trị” các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ trong khi họ đang làm một nhiệm vụ quan trọng theo hiến pháp là xác nhận kết quả bầu cử Tổng Thống. Hầu hết người dân Hoa Kỳ lo lắng, buồn phiền, tức giận, xấu hổ. Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản phải đối mặt với nỗi đau nhân đôi, bởi vì nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ đã xuất hiện trong đám bạo loạn.
Cô bé tẻo teo mà giết cả triệu người trong một năm; nạn nhân và thân nhân của họ không hề nhìn thấy hình dạng cô thế nào; cô là một hung thủ vô hình vô ảnh, biến hóa lợi hại còn hơn triệu lần sợi lông của Tôn hành giả. Mỗi nạn nhân của cô kéo theo nỗi đau khổ của cả chục thân nhân, bằng hữu.
Niềm mơ ước và mong chờ nhất của tất cả người dân đã trở thành sự thật, Hoa Kỳ đã có những loại thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna. Cả hai loại vaccine này đều chích 2 mũi. Vaccine Pfizer cần nơi có nhiệt độ rất lạnh, -94 độ F, còn vaccine của Moderna có thể giữ trong tủ lạnh. Qua sự giải thích của những vị Bác Sĩ trong Youtube, tôi hiểu rằng, vaccine là một vật thể, được đưa vào cơ thể chúng ta, để kích thích hệ miễn dịch, dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta khoẻ hơn.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.. Sau đây, là bài viết mới.
Hôm nay trời trong, nắng đẹp, không âm u như mọi hôm. Mùa Thu mát mẻ dịu dàng. Một số lá vàng còn sót trên cành từ từ rơi theo từng cơn gió nhẹ. Đám cúc nhiều màu: vàng, tím trước sân đang nở rộ. Vài con sóc nhanh nhẹn chạy qua lại rồi leo lên cây, con trước con sau như đùa nhau. Sân sau họ hàng nhà nai, ba con lớn hai con nhỏ thong thả, nhơn nhơ ăn cỏ non. Hai con nai nhỏ này thật mau lớn. Tháng trước chúng còn lẽo đẽo theo gần mẹ, nay đi cách khoảng xa xa. Chúng rất dạn, chẳng hề sợ hãi khi thấy bóng người.
Rời xa quê nhà đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ những củ khoai ngày cũ mà mình ưa thích! Mỗi lần đi vào tiệm thực phẩm hay để ý tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy! Cách đây khoảng hơn năm, rất tình cờ tôi nhìn thấy những củ khoai lang tím nằm bên cạnh những loại khoai khác trong một tiệm bán thực phẩm gần nhà! Ôi, xa xôi ngộ cố tri! Vui gì đâu! Mua ngay một mớ mang về, mặc dù họ bán không rẻ, $3.99/1 pound, trong khi các loại khoai khác chỉ $1.49 hoặc $1.99/1pound! Bán mắc như thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiện diện trên quầy hàng! Hên thì tuần nào cũng có, không hên thì 2, 3 tuần mới có một lần!
Tác giả là cây viết quen thuộc của chương trình VVNM, được nhận giải “Danh dự” và giải chung kết “Vinh danh tác phẩm”. Ông về hưu và đang định cư tại Orange County.
Tuổi mới lớn và mối tình đầu với nhiều say đắm, hai đứa lén lút trong mỗi lần hẹn hò vì gia đình em khe khắt, ngăn cấm cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này, loay hoay thế nào thì em có thai trước ngày cưới, Mẹ em giận dữ biết bao nhiêu, nhưng cũng ép lòng cho tổ chức đám cưới, chính xác là bên nhà em đình đám để khỏi tai tiếng với họ hàng, đàng trai không có ai đến vì mặc cảm, tôi nghèo đến độ phải mượn bạn bộ đồ vest cho tươm tất để làm chú rể, không có rước dâu hay quà cáp linh đình, tôi biết em không vui nhưng vì yêu tôi , em chấp nhận mọi thiệt thòi trong ngày thành hôn trọng đại của một thời con gái. Tôi cảm kích tình yêu của em và thấy như mình có tội, cái tội quá nghèo không xứng tầm với em.
Đôi dòng về tác giả: -Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966 - Là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam -Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993 -Định cư tại Canada từ 1994 đến nay.
Nhớ lại lúc mới qua Mỹ, đám cưới kỷ niệm đúng ngày Noel để tiện con cháu về nhà nghỉ lễ, và bà con từ xa đến. Lúc đó gia đình chỉ khoảng 20 người vì còn nhiều em chưa lập gia đình. Các cô các chú lấy chồng lấy vợ tăng dần thêm nhiều cháu, hiện tại đại gia đình đã vượt hơn bốn mươi người, điều may mắn con cái ở gần ngôi nhà của ba mẹ chỉ khoảng 10 phút, 15 phút hay xa lắm chỉ mất 30 phút lái xe. Ba mẹ chồng tôi luôn nhớ người đã khuất, hạnh phúc của ông bà mong có ngôi nhà Từ Đường thờ cúng từ vế Cố Ngoại Nội trở xuống, ngoài ra còn thêm cậu, cô, dì...v...v... Nhập gia tùy tục… Ngoài những buổi kỵ giỗ, con cái họp lại vào dịp lễ Thanksgiving, Noel, Newyear countdown và Tết Việt Nam .