Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Những Thằng Bạn Học

26/04/202000:00:00(Xem: 9212)

Cánh Chuồn Chuồn
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất 


*** 

Truyện cười xã nghĩa lượm ở Talawas.org

Bạn học của anh Ba

Một hôm có một ông già tới trước cửa số 6 Hoàng Diệu, gặp cảnh vệ gác cửa xin vào gặp anh Ba. Cảnh vệ hỏi ông là ai, đến có việc gì? Ông già bảo: “Chú cứ việc vào báo anh Ba, có tôi là bạn học cũ tới thăm anh ấy”.

Cậu cảnh vệ lúng túng nhưng rồi cũng bảo: “Thế bác chờ một tí nhé, để cháu gọi thư ký anh Ba ra mời bác vào.” (Thế là đã đẩy khéo được quả bóng sang sân thằng khác).

Thư ký ra, thấy ông già phúc hậu, phương phi, đi giày Tây, mặc bộ đại cán Tôn Trung Sơn, lại nói giọng Quảng Trị thì vội vàng mời ông vào phòng khách. Mời khách an toạ, chạy đi pha ấm trà Hồng Đào, bóc gói thuốc Thủ đô, rồi anh thư ký nhẹ nhàng hỏi:

– Dạ, thưa bác, xin phép bác cho cháu được biết quý danh để cháu vào báo cáo với anh Ba.

– Chú cứ nói với ảnh có tôi là bạn học cũ hồi xưa là ảnh biết liền.

Thư ký nghĩ bụng, ông già này chơi khó mình, anh Ba thì bận nhiều việc, lịch dày đặc, đâu có phải lúc nào cũng bỏ việc ra tiếp khách được đâu, mà không báo thì sau này anh Ba biết, anh ấy lại tát cho “ù tai”. Giờ anh Ba đã ngoài bảy mươi, bạn học có còn thì được mấy người, hẳn là anh Ba quý lắm. Nhưng nếu không phải thì sao? Cũng “bỏ mẹ”!

Thế rồi “cái khó ló cái khôn”, anh thư ký gọi điện thoại sang Cục Bảo vệ, xin gặp Cục trưởng. Cho gặp hay không cho gặp thì tội đâu ông này chịu. (Lại đẩy được quả bóng sang sân khác). Bên Cục Bảo vệ họ nắm vững lý lịch của từng cán bộ, vậy gọi sang bên ấy thì “chắc ăn như bắp”.

Cục trưởng cầm máy, thư ký anh Ba báo cáo lại tình hình và xin chỉ thị.

Vừa mới nói đến ông già này là bạn học anh Ba ngày xưa, Cục trưởng quát vào điện thoại:

– Trói cổ thằng ấy lại! Thằng ấy nó nói láo đấy! Anh Ba làm đ… gì có bạn học, anh ấy có đi học bao giờ đâu!

 

****

 

Tôi thì không!  Tôi sẽ không trói cổ ai hết!  

Mai sau nếu có ai xưng là bạn học mà muốn gặp tôi thì sau khi báo tên họ sẽ được đám lâu la đưa lên tầng thứ chín để “hội kiến”.  Tôi có dặn đám lâu la rồi.

Tôi nhìn xấu trai, dốt dốt vì không học được mấy chữ, nhưng tôi có học được chút nghề để kiếm cơm vì thế tôi có đám bạn học.

 

Tôi sẽ dùng tiếng xưng hô bạn bè thân thiết của người miền Nam để viết trong chuyện này; và tôi sẽ dùng lẫn lộn tên và họ của mấy thằng bạn để người đọc dễ nhớ và biết.  Khi đi học chúng tôi dùng hệ “họ” để gọi nhau, thân lắm mới dùng tên.  Tới bây giờ đám bạn vẫn còn thói quen đó, và gọi nhau bằng “họ” thì ít bị lẫn lộn vì đám bạn bè tuy ít nhưng có tên trùng khá nhiều.  

Chuyện tôi về thăm trường và gặp bạn trải dài hai, ba ngày nhưng tôi viết gọn và sắp xếp lại để đọc cho thông và dễ hiểu.

Nếu muốn biết về những người bạn học của tôi thì mời đọc tiếp.

 

Đầu tháng mười 2019, tôi về lại trường dự lễ họp mặt ba mươi năm tốt nghiệp.

Ngồi trong hội trường với hai cặp vợ chồng thằng Seattle và thằng Troy, nghe ông “hiệu trưởng” (school president) ca ngợi công việc cứu vớt người tị nạn vượt biển Syria của thằng lớp đàn em, làm tôi nhớ lại thuở thiếu thời - tôi từng là thuyền nhân vượt biên tị nạn Cộng Sản được tàu tiếp tế cho giàn khoan Nam Dương cứu vớt.

Đang mơ màng nhớ về dĩ vãng thì thấy thằng Jay bước tới chỗ chúng tôi; nó chào hỏi, bắt tay rồi nói.  

-Tụi bây ngồi đây làm “cóc” gì!  Nghe diễn văn, nói chuyện bá láp chán lắm!  Tụi tao ở bãi sau (back shore), đốt lửa trại, uống bia từ hồi trưa.  Tao biết có vài thằng có não như mấy đứa bây mới ngồi đây, nên tao bỏ uống bia mà lên đây kêu tụi bây đi nhậu.

-Tụi mày còn uống bia ở bãi sau không?  Tôi hỏi.

-Bọn nó đang dọn dẹp để đi ăn tối.  Đừng có ngồi đây nữa, đi ăn với tụi tao.


Chúng tôi rời hội trường, đi bộ tới nhà hàng để gặp đám bạn.  Đám bạn thằng nào, thằng nấy to mập mạnh như mấy con trâu cái có bầu chín tháng, bụng bia bự chang bang, ôm tôi siết chặt muốn tắt thở.  

Sau khi ôm siết, bắt tay xong và lâu năm mới gặp lại nên đám bạn “thân ái” gọi tôi bằng đủ thứ tên - những cái tên gọi không nên viết ra đây.  Đã là người Á Châu mà mang thêm cái họ “Hồ” nữa thì phải chấp nhận nhiều cái tên gọi không mấy thuận tai.  Chữ “hồ” được đọc trại ra từ chữ “whore” - đĩ điếm.  Đám bạn chỉ chọc ghẹo cho vui thôi, chứ không phân biệt hay kỳ thị chủng tộc.  

Đi với ma thì bận áo giấy!  Với đám quỷ sứ này tôi phải dữ hơn mới trị bọn nó được.  Tôi nói lớn.

-Bọn bây muốn gọi tao sao cũng được!  Nhưng tao nói cho tụi bây biết rằng tao chỉ là một con đ… thông minh và cần cù (a smart and hard working Ho).  Đủ rồi!  Ngồi xuống, gọi đồ ăn cho nhà hàng nhờ!

Đám bạn tám đứa và hai người vợ cười ha hả rồi chia nhau ngồi xuống bàn ăn.  Trong bữa ăn, bọn nó uống bia rượu nhiều hơn ăn.

Thừa thắng xông lên, tôi nói tiếp.  

-Lâu quá mới gặp lại!  Tụi bây nói cho tao biết tụi bây đã và đang làm gì.


Thằng Jay ăn to, nói lớn khai pháo.

-Tao 28 năm Hải Quân, Đại Tá về hưu.  Bây giờ tao làm cho Quân Tiếp Vụ.

Thằng Jay là lớp trưởng khi còn đi học.  Nó học tệ nhất khoa, suốt ngày chỉ đi cà nhỏng và nhởn nhơ.  Đúng là trẻ không học, lớn làm Đại Tá.


Thằng Andy kế tiếp.

-Tao 24 năm Hải Quân, Trung Tá Phi Công Trực Thăng về hưu.  Bây giờ tao làm cố vấn cho một hãng ở DC.

Thằng Andy nhỏ con, trầm lặng ít nói.  Nó con nhà nông, sinh trưởng ở tiểu bang Iowa.  Nó chán cảnh ruộng nương nên vào Hải Quân để được sống đời hải hồ, tứ chiếng.


Thằng Ipko ngồi kế tôi lên tiếng.

-Tao 24 năm Hải Quân, Trung Tá về hưu.  Bây giờ tao làm phó hiệu trưởng, và huấn luyện viên cho đội đá banh nam trường trung học.

Thằng Ipkovich này tính tình chân thật, đối xử tốt với bạn bè.  Suốt bữa ăn nó thân ái gọi tôi bằng những cái tên không nên viết  ra đây.  Tức cười muốn chết!  Cha nó người Hungary, lúc Hồng Quân Liên Xô đánh chiếm Hungary thì ông ta chạy qua Mỹ.  Lẽ dĩ nhiên ông ta thù ghét Liên Xô và Cộng Sản.


Thằng Hero ồm ồm. 

-Tao 21 năm Thủy Quân Lục Chiến, Thiếu Tá Phi Công Trực Thăng về hưu.  Bây giờ tao làm phi công cho một hãng bay tư chở VIP ở Dallas.  Lái trực thăng bắn mấy thằng phỉ riết rồi hết “phê”.  “Phê” nhất là lúc tao làm “đề lô” ăn bờ, ngủ bụi theo dõi bọn phỉ rồi gọi pháo dập, hay máy bay tới bắn, thả bom.

-Con bà nó!  Mày là kẻ giết người hàng loạt.  Tôi nói giỡn.

-Đúng vậy!  Nhưng mày nên nhớ là ai đào tạo ra tao?  Thằng Hero đáp lại.

Hình như gia đình thằng Heronemus này có hai thế hệ Thủy Quân Lục Chiến.  Nó làm phi công trực thăng là chính và làm biệt kích là phụ.


Thằng Gary nói.

-Tao 6 năm Hải Quân, Trung Úy về hưu.  Bây giờ tao làm việc cho hãng của ba tao.  Mày biết tao vô Hải Quân chỉ vì muốn bay nhưng mắt tao yếu nên không được vào trường phi công.  

Thằng Gary là con nhà giàu ở New York.  Nó có bằng lái máy bay từ nhỏ.  Hồi còn đi học, mỗi dịp về nhà hay lên trường là nó lái máy bay đi/về.  Nó muốn lái chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm nhưng người tính không bằng trời tính.


Thằng Juan, người Panama.

-Tao là Hoa Tiêu kênh đào Panama mấy chục năm nay.  Trước đó tao làm trên du thuyền.


Thằng Troy.

-Tao là cố vấn tài chính có văn phòng riêng.


Thằng Seattle.

-Tao là kỹ sư trưởng của đội phà thành phố Seattle.

Thằng Seattle là người da đen duy nhứt trong lớp, cũng như tôi là người da vàng duy nhất trong lớp.  Nó họ Seattle và ở thành phố Seattle nên cũng dễ nhớ.  Nó cưới vợ da trắng và có năm đứa con (con em, con anh, và con chúng ta).


Đến phiên, tôi nói.

-Mẹ tao mất được hai tháng. Mẹ tao bịnh nên hai mươi năm nay tao về ở nhà.  Tao là một thằng thợ tiện quèn.  Tao là một kẻ thất bại.

Nghe vậy đám bạn nhao nhao xin lỗi và chia buồn.

Tôi cảm ơn bọn nó và nói.

-Chuyện đời mà!  Đâu có sao!


Còn bốn thằng bạn không có mặt trong bữa ăn tối nhưng sẵn tiện tôi kể về công danh, sự nghiệp tụi nó luôn.

Thằng Griffin là thuyền trưởng một du thuyền.

Thằng Chris là bạn thân của thằng Griffin, làm cho NOAA - Viện Nghiên Cứu Đại Dương và Khí Quyển Quốc Gia (?) ở DC.

Thằng Jim làm trưởng phòng kỹ thuật cho một hãng ở gần Detroit.

Và thằng Sean, bạn thân của tôi, là thủy thủ cho đội phà ở Foxboro, Massachusetts. 


Nghe tụi nó nói chuyện, tôi mới biết là đám bạn tham dự khá nhiều các chiến dịch lớn của quân đội Hoa Kỳ, và các sự kiện đình đám trong nước.

Thằng Grif (Griffin) nói.

-Mày biết chuyện giàn khoan Deepwater Horizon chứ?  Một ngày tao làm được $800.  Vớt dầu bảy tháng, tao chỉ nghỉ có mười bốn ngày; mày giỏi toán vậy mày tính thử tao làm được bao nhiêu tiền?  Vợ tao không thích tao vắng nhà lâu như vậy, nhưng khi tao đưa chi phiếu lương ra bả biểu tao đi làm tiếp.

Tôi cười muốn té ghế.  


Nói chuyện công danh, sự nghiệp, hỏi han tin tức về những thằng bạn không về họp mặt, cũng như ôn lại chuyện cũ trong bữa ăn không đủ, nên sau đó chúng tôi kéo qua quán rượu kế bên nói dóc tiếp.  

Quán rượu chật cứng người, ồn hơn cái chợ; phần đông là đám cựu sinh viên về trường họp mặt.  Ở đây tôi gặp thêm một mớ bạn nữa, cùng năm nhưng khác khoa nên không thân lắm.  Tôi cầm chai nước suối đi lòng vòng, chào hỏi, nghe và gật đầu nhiều nhưng không có mấy câu lọt vào lỗ tai vì quá ồn.


Sáng hôm sau, sau khi du ngoạn trên vịnh bằng chiếc thuyền buồm của trường, thằng Jay, Chris và tôi đi về sân banh của trường để đi diễn hành - dành cho đám cựu sinh viên năm năm, mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm, v.v…  Ngày hôm qua nhậu nhẹt, uống bia, rượu nhiều,  tôi tưởng đám bạn sẽ trốn hết nhưng không ngờ bọn nó đã tỉnh táo và tụ tập đông đủ.  Quá bất ngờ!

Bốn năm học ở trường, tôi có chứng kiến những buổi lễ họp mặt cựu sinh viên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi dự lễ nên tôi khá ngạc nhiên vì đám cựu sinh viên về trường dự khá đông.  Trong đám đó có vài người thầy và cũng là lớp đàn anh của tôi.

 

Vừa tan hàng sau khi diễn hành thì thằng Seattle kéo tôi ra một góc sân, nó tâm lý nói.

-Tấn!  Không biết có ai nói điều này với mày chưa?  Tao muốn “tuyên dương” mày!  Mày làm được điều mà tụi tao làm không được - mày về ở nhà để chăm sóc người mẹ bệnh của mày.  Tao kính phục quyết định của mày.  Tao tin là mày đã làm tốt với hoàn cảnh của mày.  Mày không được quyền nghĩ hay nói là mình thất bại!  Mày không có thất bại!  Nhớ chưa!?!

Nó đã nói như vậy thì tôi chỉ còn một đường để “binh”.

-Tuân lệnh, sếp!  Cảm ơn mày thông cảm và hiểu tao.

-Chuyện nhỏ!  Chúng mình là bạn mà!

Nói xong hai thằng đi ra để nhập chung với đám bạn thì nghe thằng Ipko kêu lớn.

-Tấn!  Tới đây!  Mày còn nhớ ai đây không?

-Lẽ dĩ nhiên là tao nhớ rồi!  Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư (câu này tôi thêm vào).

Tôi bắt tay, chào hỏi người thầy và cũng là đàn anh của tôi.  Ông này họ là Chase, tốt nghiệp trước chúng tôi mười năm.

-Tấn, sao mày không liên lạc với trường?  Tao theo dõi thấy mấy năm mới ra trường mày lên chức ào ào, bỗng nhiên mày mất tích, im hơi, bặt tiếng.

Không muốn lấy cây đàn violin ra kéo bản nhạc cũ buồn nên tôi nói tránh.

-Tôi dọn nhà từ Boston về Los Angeles.  Đổi công việc và xa xăm nên không tiện liên lạc với trường.

Thằng Ipko và thằng Juan đứng kế bên hiểu ý nên cũng lơ luôn; chúng tôi chỉ chụp hình và ôn lại chuyện cũ.

Chúng tôi đứng ở cuối sân banh, vừa uống bia, nướng thịt, xúc xích, vừa coi trận dã cầu (football) đang chơi trong sân, vừa nói chuyện, trả lời vấn đáp, khích lệ đám sinh viên đang đi học.


Tối hôm qua nói chuyện về công danh, sự nghiệp, chuyện cũ, bạn cũ.  Hôm nay tụi tôi nói chuyện về cuộc sống và gia đình.

Tôi hỏi thằng bạn.

-Vợ con mày ra sao?

-Có đứa nào nói với mày - tao là dân đồng tình, luyến ái chưa?  Tao với thằng bồ tới lui tám năm rồi mà chẳng tới đâu.  Chuyện tình cảm của tao phức tạp lắm.

-Mày nói vậy thì tao hay vậy!  Chúc may mắn!


Tôi hỏi thằng Hero, nó tự hào, ưỡn ngực đáp.

-Tấn!  Tao không ngờ là tao cưới được vợ đẹp.

Vừa nói, nó vừa móc điện thoại di động, bật hình vợ nó lên cho tôi xem.  Vợ nó đẹp thiệt - nhìn trẻ và có mái tóc vàng dài. 

-Tụi tao không có con; nên chúng tao nhận một thằng nhóc Nam Hàn mười tuổi làm con nuôi.  Bây giờ nó là cuộc sống và tình yêu của tao.  Nó bật hình trong điện thoại đưa cho tôi coi.

Thằng Hero nói tiếp.

-Bây giờ tao có việc nhẹ, lương cao,  tiền xài không hết.  Vợ đẹp, con ngoan, nhà to, xe mới.  Tao không còn đòi hỏi gì nữa.  Tao rất may mắn, và quá hạnh phúc!

-Chúc mừng mày!

Hồi còn mài đũng quần dưới mái trường, trong các lớp học thằng Hero thường đặt nhiều câu hỏi để hỏi các giáo sư.  Tôi nhớ là tôi có nói với nó, “Mấy thứ này dễ và đơn giản lắm!  Mày hỏi thầy cho nhiều vào chỉ làm thêm phức tạp.”  Bây giờ mới thấy mình dốt, thân làm cu li, còn nó thì bay bổng trên trời.


Thằng Chris.

-Mày có biết tao là ông nội không?  Tao có đứa cháu nội bốn tuổi.  Tao ly dị, con trai tao cũng ly dị.  Ba thế hệ đực rựa sống chung một nhà thoải mái!


Thằng Grif nịnh đầm vì có vợ nó ngồi kế bên.

-Vợ tao giỏi hơn tao nhiều!  Bả bây giờ làm nhiều tiền hơn tao.  Ba má tao già rồi nên sống chung với tụi tao.  Đứa con gái của tao làm y tá nhưng vẫn còn ở nhà.  Còn thằng con trai thì chiếm lãnh căn nhà của ba má tao.  Nó muốn nối nghiệp của ông nội - làm ngư dân bắt tôm hùm.  Tao nói nó muốn làm ngư dân cũng được; nhưng phải học một nghề để dự phòng.  Nó nghe lời tao nên đang học sửa máy tàu.

Vợ chồng thằng Griffin rất dễ thương.  Dân ở thị trấn nhỏ - hai đứa nó sống và lớn lên cùng xóm, đi học cùng trường tiểu học, trung học.  Vợ nó học đại học chung với chị thằng Grif.  Sau khi tốt nghiệp đại học thì chúng nó cưới.

 

Thằng Andy có đem vợ theo.  

-Chúng tao có hai đứa con đã trưởng thành.  Tao lo cho bọn nó ăn học đầy đủ.  Bây giờ tụi nó có đủ lông cánh thì tự sống, tự lập thôi.  Ở nhà chỉ còn hai vợ chồng già.

Đây là phong cách của cha mẹ/gia đình Hoa Kỳ.


Thằng Sean tâm sự.

-Mày biết tao đã ly dị hai lần không?  Tao có đứa con gái hai mươi tám tuổi, làm dược sĩ ở Glendale cũng gần thành phố mày ở.  Mấy năm trước tao có hỏi ba tao có buồn không khi bỏ tiền ra nuôi tao ăn học.  Ba tao nói đó là nhiệm vụ của cha mẹ; nếu tao hạnh phúc thì ba tao hạnh phúc.  Tao vừa lòng với cuộc sống của tao!  Tao biết tụi bây tham công danh, sự nghiệp; nhưng đối với tao mấy thứ đó không quan trọng.  Có bia và ghệ là tao vui rồi.

-Còn mày thì sao?  Thằng Sean hỏi lại tôi.

-Vợ không có, còn con thì phải đi tìm.  Ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu là cách nói chuyện của tôi.

-Như vậy mới đúng!  Tao biết mày là thằng thông minh mà!  

-Hoàn cảnh thôi!  

Tôi trả lời một cách “nhún nhường” và “khiêm tốn”.  Nói chơi cho vui thôi!  Đừng có tin lời tôi mà bán lúa giống!  Tôi sống thực tế, với phương châm là “học hành”; tôi vừa học được câu “Vì hoàn cảnh thôi!” từ thằng Seattle, liền đem trả lời thằng Sean.


Chúng tôi ai cũng hơn năm mươi tuổi, trên đầu đã có hai màu tóc hoặc không còn tóc, nhưng khi tụ lại thì phá phách, ồn ào và chọc ghẹo nhau như đám học sinh tiểu học - nhứt là hai thằng Grif và Chris.   

Còn khi nói chuyện đàng hoàng, phân tích hay thảo luận một vấn đề gì đó thì tôi thấy được sự già dặn, lối nhìn khác biệt, kinh nghiệm và kiến thức sâu dày của bọn nó.  Thằng Troy đang tranh cử để ngồi vào một ghế nào đó của Hội Cựu Sinh Viên.  Nó ở gần trường và là cố vấn tài chính nên có lẽ muốn kiếm thêm quan hệ, khách/thân chủ; nó nêu lên vấn đề về gây quỹ để phát triển trường và tạo học bổng cho đám sinh viên.  Nó và thằng Chris tranh cãi với nhau gần cả tiếng đồng hồ.


****


Ngày 11 tháng 11 lễ Cựu Chiến Binh, tôi gửi tin nhắn ra cho đám bạn - tri ân công sức, thời gian trong đời của bọn nó đã bỏ ra để bảo vệ đất nước và quyền lợi của Hoa Kỳ.

Phần đông thì bọn nó nhắn lại là “Không có chi!”

Thằng Andy thì sâu sắc hơn.   

-Phục vụ trong quân đội là quyền lợi và vinh hạnh của tao.

-Biết là vậy!  Nhưng lâu nay tao không có một lời cảm ơn tụi bây.  

-Mày biết sự nghiệp, công danh, cuộc sống của tao có được là nhờ tiền thuế của mày và người dân Hoa Kỳ đóng góp.  Lời đáp của một thằng trung tá Hải Quân được đào tạo bài bản. 

-Vậy là tốt rồi!  Tao là một thằng bạn tồi nhưng ít nhất tao vẫn muốn tụi mày biết là tao luôn trân trọng sự hy sinh tụi mày!

-Không có chi!


Mặc dù tôi đang ở Đà Nẵng vào dịp lễ Tạ Ơn Thanskgiving, nhưng tôi không quên gửi tin nhắn chúc tụi bạn và gia đình. 


Sáng sớm Noel, 2019, tôi là người đầu tiên gửi tin nhắn chúc Noel đám bạn.  Chúng tôi trao đổi những lời chúc tụng thông thường của mùa Noel ở xứ sở Hoa Kỳ - chúc an bình, vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc, v. v….  Nhưng câu nhắn của thằng Chris làm cho tôi ấm lòng còn hơn được mặc áo len ngồi trước lò sưởi.

-We’re friends.  We love you, Tan!

Đối với tôi, lời nhắn đó quý hơn tất cả các món quà Noel.  Nói thật ra thì hơi  xấu hổ, vì tôi không có nhận được món quà Noel nào hết.  


Những người bạn học của tôi thành công, hạnh phúc, tánh hay, tật xấu đều có đủ nhưng không có đứa nào đọc được tiếng Việt.  Cho nên sau này có ai muốn được lên tầng thứ chín để gặp tôi thì làm ơn báo tên họ Mỹ, còn không sẽ bị đám lâu la của tôi thọc lét hai bàn chân.  Tôi có dặn tụi nó rồi.


Cuộc đời sắc sắc không không,

Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau.

Cánh Chuồn Chuồn

Lễ Phục Sinh 2020

Ý kiến bạn đọc
06/05/202001:29:37
Khách
hahahahaha , họ Hồ đọc ra tiếng Mỹ là whore buồn cười quá , chuyện kể về lão and Ba cũng mắc cuoi - tếu thiệt
28/04/202017:59:34
Khách
TAC GIA ra truong Westpoint hay Indianapolis. 1990.... Viet that hay va tuyet voi.
28/04/202001:17:45
Khách
Ha ha ! Câu chuyện "Bạn học của anh Ba" là nhằm chửi xéo tên đồ tể Lê Duẫn. Nhỏ không học, lớn làm tổng bí thư đảng Cộng sản.Trước khi gia nhập Việt Minh, Duẫn làm công nhân Sở Hỏa Xa Đông Dương, giữ việc bẻ ghi đường tàu. Duẫn sinh ở Quảng Trị. Thường được gọi là Ba Duẫn.

"Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp chúng ta ". Người Sài gòn chế thành "Bác Hồ sống mãi trong quần chúng ta ". Nay tác giả Cánh Chuồn Chuồn chêm vô " chữ “hồ” được đọc trại ra từ chữ “whore” - đĩ điếm ". Ha ha!
27/04/202016:03:08
Khách
Hay ! Tác giả khi rời Việt nam hẳn là lúc đó vẫn còn rất trẻ, vậy mà viết văn trào lộng rất ư...Việt nam !
27/04/202004:07:11
Khách
Chị luôn cảm phục em, một người con hy sinh cuộc sống riêng mình cho chữ hiếu. Điều này ít ai làm được. Mong đọc thêm nhiều bài nữa của em.
T.Hương
26/04/202020:13:18
Khách
Cánh Chuồn Chuồn,
Nãy mở lên thấy tên Cánh Chuồn Chuồn mắt tui sáng rỡ, tui “sướng rên mé đìu hiu”. Nói như vậy để biết tui ái... quan tài Cánh Chuồn Chuồn cỡ nào.
Sau mấy tháng bị cô Vy hành, Cánh Chuồn Chuồn là bài tui đọc đầu tiên. Khác hoàn toàn với những bài trước đây nhưng tui biết bản chất thật của cánh chuồn chuồn là khả năng đem hạnh phúc, nụ cười cho thiên hạ mỗi khi mọi người nghĩ tới.
Tui ước tui được hiếu đễ với má tui như Cánh Chuồn Chuồn. Tui biết rõ một điều. Tui có chọc trời khuấy nước cỡ nào thì cũng sẽ chỉ là phù du thoáng qua. Nhưng nếu tui hiếu kính, phụng dưỡng mẹ già thì niềm hạnh phúc diễm tuyệt đó sẽ theo tui đến suốt đời này và mãi những đời sau.
Tui xin chào Cánh Chuồn Chuồn!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,762,920
Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng khi mùa xuân đang trở lại. Dấu hiệu của mùa xuân, đối với cô Thơm, là những gốc mai già cỗi cả trăm năm bắt đầu rụng lá, như những cô gái e ấp muốn khoác vào bộ áo mới để đón xuân.
Cho đến nay con người cũng không biết chắc được loài chuột có mặt trên hành tinh này từ bao giờ, vì những cuộc khảo cổ với phương tiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn cứ tiếp tục tìm ra những bằng chứng về loài chuột có tuổi ngày càng cao hơn những khám phá trước đó.
Tôi xuýt kêu lên vì vui mừng. Tôi nhớ có lần ông nói ông không biết bé Na nào hết, làm tôi chưng hửng. Đó là sau khi ông bị stroke, ông không nhớ có đứa cháu ngoại là Na. Ông và tôi đã phải đi lại từ đầu.