Hôm nay,  

Cô Nấu Cơm Tháng

13/03/202000:00:00(Xem: 66228)

 

TRƯƠNG NGOC BAO XUAN-PHUNG ANNIE KIM
Chánh Chủ Khảo Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ Trương Ngọc Bảo Xuân (phải) và cựu Khôi Nguyên Giải Viết Về Nước Mỹ năm 2016 Phùng Annie Kim đến thăm văn phòng mới của Tòa Soạn Tuần Báo Việt Báo, 10517 Garden Grove, CA 92840, hôm Thứ Tư, ngày 11 tháng 3 năm 2020.(Photo Việt Báo)



Hồi ba tháng trước, ống nước nhà tắm bị bể, nước chảy ào ào, ướt hết sàn nhà. Cũng may, sau khi tôi liên lạc với hãng bảo hiểm nhà cửa, chờ đợi, gây gỗ với họ qua điện thoại, họ mới chịu bồi thường nguyên cái sàn.

Sau khi làm khô sàn và vách, họ cho một hãng chuyên lo vụ này tới dọn hết đồ đạc để chứa trong kho, họ gởi vợ chồng tôi tới sống tạm tại khách sạn.

Ngặt một điều là cái khách sạn 5 sao này ở ngay trung tâm khu giải trí  Disney Land, rất tiện lợi cho những ai muốn tới để vui chơi vì gần xịt và có bao luôn ăn sáng. Nhưng với chúng tôi, lại là chuyện cực kỳ bực mình. Lớn tuổi rồi, cần nơi yên tịnh, ai mà chịu nổi cứ từ 9 giờ 45 tối cho tới qua 10 giờ, Disney Land đốt pháo bông chớp chớp sáng, bao cả góc trời và tiếng pháo nổ quá lớn ầm ầm đì đùng điếc tai.

Tối đầu tiên nghe tiếng pháo, quá lớn, quá gần, tôi giựt mình. Nhìn những bông hoa hình dạng thì thấy đẹp nhưng qua vài đêm sau thì nhức cái đầu. Vả lại, tiếng pháo nổ làm giựt mình hết hồn ấy gợi cho tôi nhớ những ngày loạn lạc chiến tranh ở quê nhà, “đại bác đêm đêm dội về thành phố...” gần nửa thế kỷ trước.

Cũng như tiếng pháo bông, bữa ăn sáng toàn là trứng và thịt cùng bánh mì, sau vài ngày làm tôi ứ tới cổ.  

Tôi than với mấy đứa em thì Phượng, nhỏ em thứ bảy hỏi, “Sao chị không lấy cơm tháng?”

Tôi gật đầu, “Ờ, ờ, có lý.”

Tuần sau đó chúng tôi dọn qua khách sạn khác, xa Disney Land, không còn nghe tiếng pháo bông nữa. Nhưng, món ăn sáng cũng y chang khách sạn cũ, vậy thì, muốn lấy cơm tháng, lấy ở đâu?

Em tôi nói:

 “Lên mạng kiếm, thiếu gì. Bây giờ người ta làm nghề này nhiều lắm”

Ờ há. Thời đại cái gì cũng “lên mạng kiếm”, có đủ thứ.

Nhưng, tôi không lên mạng kiếm liền mà lại nhớ. Không hiểu sao khi nghe “lấy cơm tháng”, tôi chợt nhớ tới cô học trò hồi gần 30 năm trước.

Lúc ấy, khoảng năm 1990, 1991, tôi đang dạy nghề ở một trường thẩm mỹ.

 Một hôm, cô hiệu trưởng đem vô lớp một người, nhỏ nhắn, rụt rè. Cô giới thiệu với cả lớp là, “Em mới qua, nhờ cô và các em học sinh giúp đỡ vì em không biết tiếng Anh.”

Dĩ nhiên, đa số học viên vô đây, ai cũng thích vì chúng tôi dạy nghề bằng song ngữ, dễ cho những người yếu tiếng Anh mà.

Tôi có nhiệm vụ dạy lớp sơ đẳng, cả hai môn lý thuyết và thực hành. Khi các học viên đã thực tập nhuần nhuyễn rồi thì sẽ được giao qua lớp thực tập với khách hàng.

Nghề cắt tóc, dưỡng da mặt và làm móng tay, móng chân cùng đắp móng bột, cần sự kiên nhẫn, chăm chỉ và khéo tay.

Những người có hoa tay, có khiếu sẵn, chỉ vài ngày tập cầm kéo cầm dao hay cây cọ thì hầu như biết ngay người này có thể kiếm sống bằng bàn tay và óc tưởng tượng của mình. Bàn tay tạo nên những mái tóc khéo léo, óc tưởng tượng giúp cho người thợ tạo thêm những kiểu được ưa chuộng theo thời trang, phát minh những phương pháp, những kỹ thuật mới lạ trong nghề. Phải vượt qua phần căn bản, có khả năng chế biến trong nghề nghiệp thì sự thành công lớn và hơn người là điểu hẳn nhiên.

Với em học trò mới này, tên Lang (em vừa cười lỏn lẻn vừa nói –I… hi hi… Lang có G đó cô, là lang thang chớ hổng phải hoa Lan đâu cô. Ba em đi lính đổi chỗ hoài, má mang bụng bầu lết thết đi theo sống trong trại gia binh, sanh em ra mới đặt tên là Lang… I… hi hi…)

Sau hai tuần lễ, cả hai chúng tôi cùng dùng hết kinh nghiệm dạy của thầy và sự cố gắng chăm chỉ của trò, tôi thấy em này sẽ khó theo nghề. Làm sao thành công được khi em không hiểu không nhớ điều căn bản, cái sọ đầu có hình dạng tròn tròn chớ không phải mặt phẳng, khi cắt tóc phải theo hình dạng tròn ấy, nếu không, sẽ để lại nhiều dấu lõm, xén mất tóc của khách rồi thì chỉ có nước khóc bằng tiếng “ma rốc” thôi. Tóc cắt ra rồi làm sao gắn trở lại? Chẳng lẽ khi ra nghề, có thầy cô kè kè một bên để sửa?. Đâu phải ai cũng thích hợp với mái tóc bên dài bên ngắn? bên đầy bên hóp?. Tóc có nhiều loại, dày mỏng khác nhau; thuốc có nhiều cường độ, mạnh nhẹ hay trung bình. Nếu không biết phân biệt loại tóc để dùng đúng thuốc, mái tóc bị cháy nhừ sau khi em để loại thuốc uốn tóc quá mạnh ngấm quá lâu trên mái tóc mỏng manh, làm sao mà sửa?

Học nghề tóc thấy khó cho em, tài nấu ăn thì em “thượng thừa”. Một hôm em đem vô cho tôi một cái hộp, tay vừa dở nắp, miệng vừa nói:

-Ăn đi cô, em nấu đó, ngon lắm.

Tôi thấy cái hộp có nhiều ngăn. Có cơm trắng, có gà chặt từng miếng nhỏ xíu, xào lâu cho tới màu vàng nâu, thơm lừng mùi sả ớt, khoai môn xào mỡ hành, một hộp nhỏ nhìn là biết nước mắm tỏi ớt hấp dẫn và một hộp đựng món canh rau mồng tơi với thịt bằm.

Em cho biết hồi còn bên nhà em làm phụ bếp ở nhà hàng nên học được nhiều món lắm, ở nhà em nấu ăn ai cũng khen.

Mà ngon thiệt. Hôm ấy tôi đã ăn bữa cơm nhớ đời và gợi nhớ luôn bốn tuần được ăn cơm tháng khi Má tôi sanh em gái út. Lúc ấy chị em tôi còn đi học, dở việc bếp núc nên đi chợ búa nấu ăn quá bất tiện. Sau khi chị tôi cho cả nhà ăn bắp cải xào và cá lóc kho cả tuần, Ba tôi đề nghị lấy cơm tháng cho tiện. Đó là lần tôi được ăn món khoai môn xào mỡ hành quá lạ miệng thơm ngon. Bây giờ, nhìn món này nhớ ngày xưa quá.

Thập niên 90, chưa có nhiều nhà hàng hay quán ăn, chợ búa, chuyên bán cơm phần đủ thứ món, muốn mua món nào chỉ món đó riết thành danh “cơm chỉ” như bây giờ. Tôi cùng hai cô giảng viên, đề nghị em nấu cơm tháng và em đồng ý ngay, có vẻ mừng lắm.

Tôi có hơi ngạc nhiên về gia cảnh của em. Được chồng bảo lãnh qua Mỹ đoàn tụ, sao lúc nào em cũng dàu dàu nét mặt. Một hôm, vào giờ nghỉ giải lao, trong khi bạn bè tuôn ra ngoài vui vẻ ăn uống thì em ngồi trong phòng học, ngó mông lung ra cửa sổ. Tôi lại gần hỏi em có chuyện gì buồn sao? thì nghe em kể bằng một giọng đượm đầy nước mắt.  

Năm mười sáu tuổi em có chồng, vài tháng sau gia đình chồng đã gom góp tất cả để mua cho chồng em một chỗ vượt biên. Vừa cấn thai và đang bịnh, em đành phải gạt nước mắt tiển chồng. Sau đó, em bị sẩy thai. Mới cưới nhau, xa chồng, mất con, cuộc sống trong địa ngục của xã hội “đỏ”, đã tưởng em tiêu đời rồi. Thế mà em cũng vượt qua 10 năm. 10 năm chờ đợi mỏi mòn. Những tưởng qua đây rồi em sẽ sống hạnh phúc bên chồng, nào ngờ…

Khi bảo lảnh em qua thì chồng em mướn cho một cái giường trong nhà để xe của người bạn cho em ở. Y viện cớ vì nhà của y là hùn hạp và sống chung với anh bạn, đem em về bất tiện, tạm thời em ở riêng rồi anh sẽ tính. Mới qua, lạ nước lạ cái, phần không biết tiếng Anh, em râm rấp nghe theo mọi sự sắp xếp của chồng, nhưng em nghi ngờ. Sau đó em khám phá ra rằng anh đang sống chung với người đàn bà khác. 

Em cứ nghĩ chồng em cũng thủy chung như em, nào ngờ…

Em rất đau khổ về tinh thần lẫn thiếu thốn về vật chất.  

Nhận được cái mối nấu cơm tháng cho mấy cô và sau đó, thêm vài người học trò, em có đồng tiền do chính tay mình làm ra nên em vui lắm. Em nói, từ đây về sau em ráng để dành, khi có khả năng rồi em sẽ mướn chỗ cho riêng mình, thoát khỏi tay người chồng phản bội, vẫn còn tới lui ép buộc.

Vô đây học để kiếm cái nghề nhưng em thấy chắc là mình không thích hợp. Em thích nấu ăn hơn.

Những món ăn em nấu, nêm nếm mặn ngọt rất ngon và vừa miệng.  Những món thật giản dị như canh rau cải xanh với xương heo, canh bí đao tôm khô, mà em đã quảng cáo với miệng cười hiền lành rất tươi “mùa hè nóng nực cô ăn canh này cho mát cô ơi…” đã lâu không ăn và đã lâu không nghe ai nói. Những lát bí đao rất mỏng, nấu còn xanh, y như hồi xưa thường ăn trong gia đình. Khoái khẩu nhứt là các món mặn, gà xào gừng, sườn heo ram mặn, tép rang với lác đác vài miếng thịt ba rọi, cá kho tiêu đậm đà, ăn với cơm trắng…

Em hay nói:

-Đồ ăn em nấu cô đừng lo, em hổng xài nhiều bột ngọt đâu. 10 năm ở bển, nấu nồi canh kiếm miếng bột ngọt hổng ra, đó là loại hiếm quí mà, có tiền cũng phải mua chợ đen. Lần hồi em tập nêm chút xíu đường làm ngọt nồi canh. Qua đây em học thêm cách xài trái cây. Em mua trái lê về để cho chín, gọt vỏ xong em xâm lỗ rồi bỏ vô nồi hầm. Có khi em bầm nát ra rồi ướp thịt bò, vừa làm thịt mềm vừa thơm đó cô. Qua Mỹ lâu rồi chắc cô thèm nhiều món ăn bình dân lắm phải hông cô? Cô thèm món gì nói em nấu cô ăn.

Tôi buột miệng nói:

-Ờ ờ cô hay thèm mắm ruốc với sả xào thịt bò băm hay thịt ba rọi bằm… mà ở đây cô đâu dám nấu món này trong nhà vì mùi hôi chắc làm chồng con dọn ra khỏi nhà đó em.

Hôm sau em đem vô cho tôi hộp, mở ra thì bay mùi thơm của món mắm ruốc trộn sả ớt xào thịt ba rọi làm tôi chảy nước miếng.

Tới Tết ta, trong hộp có thêm món bánh tét và dưa món. Nhìn mấy khoanh bánh tét ba màu, tím hồng màu lá cẩm, xanh xanh màu lá dứa, ngà ngà màu nếp cùng lớp thịt mỡ và nhưn đậu xanh, tôi ngạc nhiên hỏi em: 

-Khéo quá. Bếp núc chắc là hạn chế lắm làm sao em nấu được đủ thứ vậy?

Em cười:

-Em nấu luôn cho vợ chồng chủ nhà mà cô.

Ạ… hèn chi.

Một phần ăn ba món chỉ có 5 mỹ kim, vì ăn có một mình, tôi ăn bữa tối không hết, còn dư đủ để ăn bữa trưa hôm sau. Nếu tự nấu nướng, làm sao chỉ với 5 đô mà có những món ngon lành, đổi món hàng ngày như thế?

Chẳng những thưởng thức được hương vị của món ăn ngon mà em còn làm cho tôi sống lại thời gian còn sống chung dưới mái nhà với cha mẹ chị em đông đủ.

Tôi lấy cơm tháng của em cho tới ngày tôi rời khỏi trường vì thi đậu vào làm việc cho tiểu bang. Tôi đã rất tiếc vì trái đường, không thể lấy cơm tháng của em nữa. Thời gian qua như chớp, chìm đắm vào công việc mới và phải tuân thủ theo quy định của nghề giám khảo, không được giao tiếp với trường và học viên cũ, lâu dần, tôi quên bẵng em.

………..

Đã hăm mấy năm trôi qua, biết bao vật đổi sao dời, bây giờ em đang ở đâu? làm nghề gì? Nếu vẫn còn theo nghề nấu cơm cho người ta ăn thì chắc chắn là “nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh” rồi.

Tôi mong em đã gặp được người yêu thương em thật lòng, có một gia đình hạnh phúc, không còn bị kẹt giữa chuyện tình tay ba đau khổ như xưa.

“Cô nấu cơm tháng” ơi, em vừa xinh đẹp, hiền lành, chu đáo, có tâm nghĩ tới người khác, biết hỏi han, biết ý thích của từng khách hàng, em nấu ăn để cả tấm lòng vào, thảo nào món ăn ngon miệng như vậy.

Với đà phát triển của cộng đồng người Việt trong xã hội Mỹ này, chị em bạn gái đi làm ngoài xã hội càng ngày càng đông, khó có thì giờ nấu ăn, biết đâu em đã làm chủ một công ty chuyên giao cơm tháng cho những người cần dịch vụ này. Nghề “cầm đầu thiên hạ” chắc em không xong nhưng đi luôn vô bao tử của người thì là chuyện chắc chắn rồi.

Người tốt như em, phải được hưởng một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp và an lành, đời mới công bằng.

Tôi chợt nghe văng vẳng câu em hay nói “Em nấu nè, ăn đi cô. Mùa hè nóng nực em nấu canh này cô ăn cho mát cô ơi…”

Tết năm nay, em cũng trên năm mươi rồi. Tôi hy vọng được gặp lại em, để cùng nhau nhắc lại chuyện xưa.

Tôi phải lên mạng tìm em mới được. Em Lang, Lang có G./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
10/03/202308:59:50
Khách
Nau com thang
01/01/202318:09:13
Khách
Xin cho số phone của cô nấu cơm tha
18/03/202023:32:33
Khách
Hình như cuộc đời là một chuỗi ngày đánh mất những gì mình yêu thương. Câu chuyện đậm tính nhân văn, lòng nhân hậu, quý mến với người đã cho mình những bữa cơm quê hương tuyệt vời. Cám ơn tác giả đã có tấm lòng.
18/03/202014:47:28
Khách
JCam Nhung mến, ước gì câu chuyện này có hậu, gặp lại em Lang, tui sẽ nấu cho em ăn bữa cơm ngon như em đã từng nấu. Tui cũng mong em đã có gia đình ấm cúng.
Cám ơn JCam Nhung đã đọc bài và cho nhận xét.
18/03/202014:43:06
Khách
Kim Dung à, tui cũng thích ăn nhưng dở nấu cho nên tui rất tôn trọng những người biết nấu ăn và yêu nghề. Lạ quá, những món ăn cùng đầy đủ màu sắc và hương vị không phai trong lòng mình.
18/03/202014:39:13
Khách
Nguyen Bao ơi, những lúc cần mua "cơm chỉ" trong chợ hay nhà hàng, tôi luôn nhìn nhìn, hy vọng rất mong manh, thấy được hình ảnh cô gái ngày xưa, ăn lại những món ăn cô nấu. Bây giờ cô cũng đã hơn 50 tuổi rồi, chắc gì còn đủ sức khỏe để theo nghề này, một nghề mà theo tôi thấy, rất cực. Cám ơn Nguyen Bao đã đọc bài.
18/03/202014:35:09
Khách
Thanh Mai ơi, chị cũng mong tìm được em Lang mà y như thể "tìm chim" Mai ơi.
17/03/202014:33:03
Khách
Nếu có thông tin về cô đầu bếp thì bài viết có ý nghĩa hơn. Có lẽ nhiều người cũng như tôi, muốn ủng hộ cô ấy nhưng không biết làm sao liên lạc.
15/03/202003:17:36
Khách
KD xin mượn câu này của Thanh Mai nhé!
Trích: Nếu bài viết có thêm phần chị kiếm ra cô nấu cơm tháng này thì tuyệt vời để bài viết có hậu. Tiếc quá!
Chị Trương Ngọc Bảo Xuân nè, em có tâm hồn ăn uống lắm, nên đọc bài này chị kể toàn là món ăn quen,
ngon thấy thèm quá chừng. Người hảo nếp mà được ăn bánh tét ba màu là thích lắm chị ơi (KD vừa được ăn bánh tét ba màu hàm thụ....hihi!!)
Ptkd
14/03/202014:11:34
Khách
Đọc câu chuyện này làm tôi mong ước một ngày nào đó cũng tìm được một người nấu ăn giống như cô Lang- thức ăn ngon mà giá cả lại phải chăng, thêm nữa là người có tính tình hiền lành. Tôi sẽ chẳng ngại đường xa vì sẽ đặt cơm hàng tuần, chớ không cần mỗi ngày.

Một bài viết hay với lời văn tình cảm nhẹ nhàng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,671,076
Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng khi mùa xuân đang trở lại. Dấu hiệu của mùa xuân, đối với cô Thơm, là những gốc mai già cỗi cả trăm năm bắt đầu rụng lá, như những cô gái e ấp muốn khoác vào bộ áo mới để đón xuân.
Cho đến nay con người cũng không biết chắc được loài chuột có mặt trên hành tinh này từ bao giờ, vì những cuộc khảo cổ với phương tiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn cứ tiếp tục tìm ra những bằng chứng về loài chuột có tuổi ngày càng cao hơn những khám phá trước đó.
Tôi xuýt kêu lên vì vui mừng. Tôi nhớ có lần ông nói ông không biết bé Na nào hết, làm tôi chưng hửng. Đó là sau khi ông bị stroke, ông không nhớ có đứa cháu ngoại là Na. Ông và tôi đã phải đi lại từ đầu.