Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Lẽ Đạo Tình Người

03/03/202011:02:00(Xem: 7497)

Chúc Thanh

Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.

**** 

 

          Thời điểm ấy, tôi không còn nhớ rõ lắm ngày tháng nào nhất định, nhiều việc xảy ra như ý và bất như ý.

 

            Cứ nhớ mốc thời gian là bắt đầu câu chuyện là trước thời điểm 30 tháng 4 năm 1975.

 

            Tôi nhớ anh hai tôi là Vương Thế Tiến, sĩ quan không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, còn chị dâu tôi, vợ anh hai, là cô giáo Nguyễn Thị Mộng Tâm.

 

            Anh tôi cao to người, không mập mà đẹp tướng, da đen khoẻ, nét mặt hiền, tóc hơi soăn dợn sóng chút xíu, đặc điểm anh có đôi mắt sâu và sắng ngời, toát ra một chút gì cương nghị nhưng đôn hậu, giọng nói anh nhỏ nhẹ nhưng chắc chắnvà quyết đoán.

 

            Chị hai người tầm thước, chị không sắc sảo như một hoa khôi nhưng phải nhận là chị đẹp và duyên dáng, da trắng mịn và đôi mắt long lanh tròn như bi ve… như có thể đọc nơi đó 2 câu thơ của một tác giả nào ?

                                    …Thôi em xanh mắt bồ câu,

                                     Vàng thau sợi nhỏ, xin chờ kiếp sau…

 

            Nhưng hai người này họ không phải chờ kiếp sau đâu, họ gặp nhau…quen rồi yêu nhau, sau hai năm hò hẹn đi chơi dung dăng dung dẻ mòn khá nhiều con đường phố Sài Gòn, là họ được cha mẹ đôi bên cho phép cưới nhau về, vợ chồng chung sống với gia đình chồng trong căn nhà rộng khang trang tọa lạc nơi một khu đất rộng có vườn cây cảnh, có trại làm mộc, bàn, ghế, tủ, gần ấp Đông Ba, đường Chi Lăng, lối lên Bà Chiểu, có bà thân sinh anh hàng ngày lo lên lăng ông phụng sự việc thờ tự sắp xếp cúng lễ nơi linh thiêng đó. Chi vui vẻ chấp nhận về làm dâu vì anh hay vắng nhà bận rộn công việc trong quân đội.

 

Ở thời điểm của những năm 1965 – 1967 – 1970 đất nước Việt Nam, miền nam thì đúng hơn rối bời vì chiến tranh, vì cộng sản miền bắc và mặt trận giải phóng miền nam lén lút hình thành tiếp tay với miền bắc xâm lược, chúng đang ra sức hoành hành quấy rối và tấn công miền nam cộng hòa.

 

Quê hương miền nam thân yêu tràn đầy khói lửa và những tin chiến sự còn, mất, sống, chết…từ các vùng chiến thuật đưa về thủ đô Sài Gòn từng ngày từng giờ.

 

Anh là một trong những người phi công phản lực A37 xông xáo chiến trận cùng đồng đội, trong vùng không phận của các trận địa đầy gay go, hiểm nghèo như An Lộc, Quảng Trị, komtum v.v…

 

Chị sống, làm việc và chờ đợi chồng ở hậu phương, hậu phương Sài Gòn vững mạnh nhờ có gia đình nội ngoại yểm trợ xung quanh…một tình yêu đôi lứa thật hạnh phúc và cũng luôn luôn giựt mình thảng thốt vì đêm đêm chợt thức giấc bởi tiếng bom đạn từ xa xa vọng về.

 

Hai năm sau ngày cưới họ còn được rảnh rang son rỗi. Rồi bốn năm kế tiếp anh chị cho ra đời 4 đứa con, mỗi năm một cháu : Hòa, Thuận, Nhã, Ái. Hai trai đầu lòng, hai gái tiếp theo sau…cả bốn đứa bé ngoan và xinh đẹp là nguồn vui vô tận của đại gia đình. Chị Tâm chân phương chịu khó, vừa nuôi con, vừa đi làm kiếm tiền thu vén gia đình khéo léo…có lần chị hồn nhiên giải thích là lấy chồng lính, khi đi khi về thất thường làm sao mà nên kế hoạch hoá sanh sản được, nên thôi trời cho liền 4 đứa con, thì cứ lượm đại lượm liền tay cho vui…nói dại, nếu lỡ có một ngày anh đi bay công vụ tác chiến và bay luôn không về nữa, thì ôi thôi, lạy trời đất…cũng còn có mấy mẹ con quây quần đùm bọc bên nhau.

 

Trong khu vườn đất nhà, cách xa xưởng mộc một cái sân gạch rộng, có một vườn bông nhỏ, tọa lạc trong vườn có một cái cốc thờ phật mẫu Quán Thế Âm, xung quanh cốc có cây bông sứ kiểng luôn trổ bông mầu hồng và trắng, rồi cây hoàng lan và tiếp đó là một hàng rào toàn những cây cây ngâu nối tiếp nhau tạo sự yên tĩnh thoáng mát cho nơi thờ tự ; Nhưng vườn cây vẫn có một góc sở hữu của một cụm bông giấy vàng, đỏ, trắng, nở hoa quanh năm rất hồn nhiên là nơi mà các con chị Tâm luôn cùng nhau lúc học bài, lúc chơi đùa đuổi bắt, nhảy lò cò…mỗi buổi chiều, tan trường về…chúng quý cây bông giấy, bảo là bông đó không hề có sâu và bông có rơi nhưng không héo úa…

 

Mẹ con chị chăm lo cốc rất chu đáo, chị sung sướng mang cùng pháp danh với pháp danh của phật mẫu là Diệu Thiện.

 

Những năm tháng với chiến sự dằng co tiếp diễn, chi vẫn đi dạy học đều đều, buổi chiều cho con cái tắm rửa, ăn uống xong, cận tối chị đưa các con sang lễ chùa Quan Âm gần nhà. Cuối tuần mẹ con dành một buổi về với tam bảo, chị cho các con theo học bước đầu phật pháp căn bản để chúng hiểu cuộc đời có vui có buồn…để chúng tập 3 điều căn bản :

- Nên tránh làm điều ác.

- Nên nghĩ và làm điều lành

- Giữ tâm ý thanh tịnh.

 

            Chị luôn nghĩ cuộc đời này có buồn rồi lại có vui, tất cả hòa trộn, tất cả là bình thường, không phải âu lo tối tối mẹ con quây quần học bài, làm bài.

 

            Đêm đêm mẹ con ôm nhau ngủ vùi…mặc kệ tiếng đạn pháo kích ì ùng ở xa xa…các con chị ngây thơ không nghe ra, nhưng chị giật mình, cũng có lúc hơi hoảng loạn, chị nhẹ nhàng đi tìm một ly nước mát uống tự trấn an…

 

            Nhưng trời thương lần nào anh đi bay rồi cũng trở về, hàn huyên ríu rít sum vầy ít ngày rồi anh lại ra đi.

 

            Cho mãi tới ngày đại nạn 30-04-1975 thì không thấy anh về nữa.

 

Chị vẫn nguyện cầu chư phật độ trì cho tất cả mọi người và miên mật cầu nguyện mọi điều an lành. Chi yên trí là anh đã đi theo phi đoàn từ một phi trường quân sự nào đó cất cánh lánh nạn cộng sản sang Thái Lan hay Phi Luật Tân đâu đó.

 

Rồi dò la tin tức mãi tới gần 2 năm sau, chị mới biết anh bị bắt tại trận và bị đưa đi cải tạo ở thật xa, ở Vĩnh Phú, ngoài bắc xa xôi.

………….

 

Gần tết năm 1977 chị nhận được giấy phép thăm nuôi chồng. Ý nghĩ được gặp lại Tiến, Tâm hân hoan mừng trong dạ. Chị sửa soạn đồ ăn, thuốc thang, áo quần gói ghém chặt chẽ, rồi giải thích cho Hòa Thuận Nhã Ái hiểu là cha ở tù khổ ra sao, mẹ phải đi thăm nuôi. Chị mang các con về gửi gấm ông bà 2 tuần lễ, rồi Tâm hăng hái ra đi… ai đi thăm chồng cải tạo cũng có ý lo lắng ủ ê, mà Tâm, ngoài chạnh lòng thương Tiến, Tâm còn có vẻ náo nức như đang xông xáo vào nơi nào cần kíp đến, phải đến gấp.

 

Qua mấy ngày đi đường chen lấn, đổi xe lửa xe đò rồi xe thồ, ngủ nghê vạ vật, ăn uống thất thường, cô nàng có mệt mỏi và ngất ngưởng. Nhưng có lúc ngủ đường, nằm kê đầu trên cỏ, dưới gốc cây, ngắm bóng mát, nhìn trời trong xanh, Tâm lại mơ màng tưởng tượng như mình có dạng một anh hùng con của Như Lai :

 

« Ôm mộng ra đi bàn tay trắng,

Chí lớn không về bàn tay không !»

 

Tâm ý nàng hảo hớn lắm, vậy mà rồi khi gặp lại chồng tiều tụy ốm o, chị suýt ngất sỉu, chị cố vịn vào cây cọc cột nhà mà đứng, nhưng hai đầu gối chân rung rung, môi xám ngắt. Người chồng hiểu ý, đỡ chị ngồi xuống chõng tre :

 

-       Em đi đường xa mỏi mệt tội quá !

 

Chị không trả lời, chỉ có nước mắt lưng tròng. Họ không nói được với nhau nhiều, chỉ có nhìn và nhìn.

 

Rồi giây phút xúc động cũng qua đi, Tâm lấy lại nghị lực, kể vắn tắt cho Tiến nghe tin tức gia đình trong nam cha, mẹ, con cái, đều bình an.

 

Anh biết vợ ngồi yên bình tĩnh, anh nói sơ qua về cuộc sống lao động trong trại tù và kết luận anh khoẻ, không bệnh tật chi cả.

 

Anh bóp nhè nhẹ bàn tay mềm ấm của vợ, nàng tiên hoa mộng của anh ngày nào, nay có vẻ chắc chắn hơn, vững vàng hơn, rắn rỏi hơn…

 

Biết chẳng còn bao nhiêu thì giờ ngồi bên nhau nữa, chị lợi dụng ngay khi người canh gác đi rảo rảo ra vòng ngoài, chị nói rất nhẹ và rất nhanh vào tai chồng :

 

-        « Em lên thăm, em cũng xin phép anh em đưa con đi vùng kinh tế mới ở xa thật xa, nơi cùng quê với người mục sư tin lành đã từng nói « tôi có một giấc mơ… » Anh hiểu ý rất nhanh, gật đầu rồi đáp trả vợ :

 

-     Anh có nghe vùng kinh tế mới tân lập ở miền cao nguyên trung phần đất và khí hậu tốt lắm…vừa lúc người cán bộ quay vào, vừa ngồi xuống cạnh anh Tiến, anh ta góp ý liền :

 

-     Nếu mà chị đưa các con lên đâu…à kinh tế mới hả, ừ cứ thế mà thi hành, có thể là anh ấy sẽ sớm được về, cùng chị sản xuất trồng trọt, tư tưởng cách mạng chị tốt đấy.

                                                         

Tâm cũng hơi chột dạ, lí nhí – cám ơn cán bộ !

 

Và thuận tay nàng đảy bao thuốc lá về phía ông cộng sản đối diện :

 

-               Mời anh, anh dùng một phần thuốc hút cho vui, không để Tiến làm hết lại phải ho nhiều…họ đỡ lạnh lùng căng thẳng với nhau hơn một chút.

 

Buổi chiều Tâm ra về, bịn rịn bắt tay chồng. Anh nắm bàn tay khá lâu, siết nhẹ nhưng nồng nàn, ra chiều đồng ý.

 

Anh muốn hôn chị, một nụ hôn nồng thắm mùi chồng vợ xa vắng đã lâu…làm chị lại ràn rụa nước mắt.

 

-       Anh ráng giữ gìn sức khỏe và học tập tốt !

-       Em, bảo trọng lấy thân !

Hôn các con giùm anh !

 

Tiến nói câu sau cùng và vội khoác giỏ đồ thăm nuôi quay lưng đi…

 

Tâm vẫn đứng đó nhìn theo bóng chồng khuất nẻo ở cuối đường đi.

 

 ---------------

 

 

            Đúng một năm sau ngày đi bắc về. Tâm nhận được thư chồng thêm một lần nữa, vỏn vẹn vài hàng chúc tết gia đình…nhưng cũng cho nàng một cảm nhận yên lòng.

 

            Mùa xuân năm ấy 1978, hôm cả thành phố Sài Gòn tiễn ông táo nghèo về trời, ngày 23 tháng 12 âm lịch, đúng vào ngày cả gia đình phải được sum họp đón tết, ngày thiên hỉ hay ngày thiên khốc, không cần biết đến trời khóc hay trời cười, mẹ con chị Tâm quấn dắt nhau lặng lẽ ra đi vượt biên.

 

            Lênh đênh cả tuần lễ trên biển lớn, vất vả, đói khát, mưa nắng hãi hùng…kinh hoàng với sóng cao như trái núi ụp xuống từng chập từng chập, có lúc Chị Tâm đã ân hận lỡ mang các con đi vào phong ba.

 

            Chị cảm thấy tất cả cái hạnh phúc to lớn nhất của con người ta là những lúc được sống trên mặt đất liền…mà đã xong đâu, chị thổn thức sợ hãi vì người ta chết nhiều quá, chết bằng đủ cách, chết đói, chết khát, bệnh tật, chết chìm.

 

            Có rất nhiều người đặt chân lên Poulo Bidong còn lăn ra chết vì mệt, vì say sóng rồi say cả đất liền…

 

            Chị ôm các con từng đứa mà khóc ròng.

 

            Chị không thể tưởng tượng được là cảnh vượt biển sao nguy hiểm sợ hãi gớm ghê đến như thế. Chị nguyện với lòng sẽ viết thư về nhà nhắn với chồng là đừng bao giờ liều lĩnh như chị, như kẻ điếc không sợ súng mà ra đi cái kiểu thử thách số phận :

 

            « Lênh đênh qua cửa thần phù

            Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. »

 

            Chị run và sợ, chị không dám nhận chị có nhiều phước đức chi cả, chị chỉ lờ mờ linh cảm chắc chắn phật mẫu Quan Thế Âm nghe tiếng kêu cứu và gìn giữ mẹ con chị…

 

            Nhìn người ta chết trôi bên kè đá, xác nổi lều bều chị hoang mang thất thểu đi gọi người sống đến vớt người chết…người và tiền trôi lềnh bềnh bên nhau, chị sợ hãi, chị không biết mình đang ở đâu đây nhỉ…

 

            Rồi chị lẩm bẩm, phải mà có nhà văn Nhã Ca ở đây, chị Nhã Ca sẽ viết được nhiều truyện « giải khăn sô » cho nước Việt Nam.

 

            Chị cắn chặt hai hàm răng vào tay mình, rồi tỉnh lại và như chợt hỏi : Trịnh Công sơn, anh ở đâu giờ này ? Sao anh không hát to lên :

            …Tôi thấy người ta

            Nằm chết quanh đây

            Chết Lòng hận thù

            Chết như đoạ đầy

            Nằm chết như bơi !

 

            Thương thay thân phận con người Việt Nam…

 

            Tâm muốn nhắc đến sư ông làng mai, ngài đang ở đâu, giá như có sư ông nơi này, có thể chắc là ngài sẽ mở tâm từ bi làm trai đàn chẩn tế độ cho bao sinh linh đang trôi dập dờ trong biển rộng !

            A Di Đà Phật….

 --------------

 

            Giông bão ghê gớm bao nhiêu rồi cũng vơi đi. Cả 3, 4 tuần lễ sau, Tâm và các con hoàn hồn lại họ lần hồi ngủ nghỉ và ăn uống khá bình thường.

 

            Sau nhiều tháng học sinh ngữ.

 

            Gia đình nhỏ bé 5 mẹ con được khám bệnh, được hoàn tất hồ sơ và chuyển đi định cư tại Santa Anna, miền nam Cali.

 

            Ra đón mẹ con chị ở phi trường là gia đình một người bạn thân Việt Nam hồi trẻ và ông bà bảo trợ mỹ.

 

            Tất cả họ chu đáo lo cho các bé hòa thuận nhã ái đến trường rất mau mắn.

 

            An tâm việc nhà, chị đi học lại anh văn, chị được hưởng tiền trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con do chính phủ cấp, sau đó chị Tâm xin học tiếp hai năm chương trình medical collège, tốt nghiệp ra, ông bà bảo trợ giới thiệu xin việc làm cho chị trong một trường học ở Santa Anna lo về y tế học đường. 5 mẹ con học và làm việc bên cạnh nhau hàng ngày.

 

            Cuối tuần, chị luôn dành một buổi chiều đến học thêm phật pháp, luôn thể dậy tiếng việt cho các em bé trong gia đình phật tử Quảng Đức ở Bảo Quang Tự.

 

            Thời gian học, làm việc, săn sóc con cái, sinh hoạt phật sự bận rộn giúp chị ít hẳn lo buồn.

 

            Thỉnh thoảng chị có thư về Việt Nam thăm gia đình và dò la tin tức của chồng. Nhưng buồn thay, rất hiếm hoi gần như không có hồi âm. Chị tự hỏi thư đi lạc hay bưu điện làm việc lơ là ?

 

            Có một mùa hè ông bà bảo trợ mỹ thấy chị làm việc luôn luôn, ít nghỉ ngơi, họ có ý đưa mẹ con chị đi nghỉ vacation ở xa ít ngày. Chị đã ngỏ ý và được đi cùng họ đến chiêm ngưỡng thủ đô lịch sử Washington D.C, nơi ấy chị xin đến chiêm bái đài tưởng niệm mục sư Martin Luther king, ngài đứng dáng vẻ rất an nhiên nhân từ bên bờ hồ Tidal Basin …

 

            Rồi khi về trở lại thành phố Santa Anna – Cali chị Tâm lại vùi đầu vào công việc, vào bổn phận, chị có biết đâu rằng mẹ con chị ra đi được hơn 2 năm là anh Tiến, chồng chị được thả về nam.

 -----------------

 

            Anh Tiến được ra trại cải tạo cộng sản năm 1980 anh trở về nam, về Sài Gòn, nơi căn nhà cũ cha mẹ già vẫn còm cõi đợi anh, có lẽ. Cũng ở đó, khi xưa vợ anh, Tâm và anh đã sống những ngày hạnh phúc êm đềm…và các con anh được sinh ra cũng nơi này, chúng đã sống những năm tháng thơ ấu. Bây giờ anh trở về có nhiều hụt hẫng vì vợ và con đã đi xa rồi, họ đã bị xóa tên trong hộ khẩu…cái tờ hộ khẩu tẩy xóa lem nhem, giờ lại có thêm tên anh. May mà còn có cha mẹ già nên anh có một chỗ nương náu, nhưng trong sâu thẳm anh vẫn lẻ loi một mình.

 

            Lẻ loi nhất là lúc anh nhìn thấy đồ chơi của các con anh còn nguyên đâu đó, chỗ này là cái xe hơi cũ của thằng Hòa, chỗ kia là con ngựa gỗ của cu Thuận, xa xa góc này góc kia vẫn còn vài con poupée duyên dáng của bé Nhã, bé Ái…vì bà nội nói là để đâu cứ để nguyên đó cho bà, lâu lâu bà lau chùi bụi bám và có mấy thứ đó, bà cảm thấy các cháu vẫn ở quanh quẩn đâu đây quanh bà.

 

            Anh Tiến đã thử thời vận ra đi tìm kiếm Tâm và các con, anh đã thử 3, 4 lần nhưng không may, lần nào cũng thất bại…khi thì đổ bể ngay trên đường đi, khi thì bị bắt ngay trên bãi bến, anh cũng buồn phiền thêm vì nỗi đã làm tốn quá nhiều tiền vàng của mẹ.

 

            Phần số tận xui tận mạng là lần cuối cùng anh bị bắt tại bến bãi và còn bị giam giữ ở một trại giam xa tít ngoài cánh đồng Cái Vồn, Cái Mơn nào đó. Gần sông Cổ Chiên, cạnh chợ Lách tỉnh Bến Tre. Mẹ già anh lọm khọm yếu. Bà phải thuê cô cháu họ xa của bà đi thăm nuôi và tiếp tế cho anh.

 

            Khôi, cô gái đi thăm anh Tiến phải lội nước sâu quá đầu gối chân, cả hơn nửa ngày, mới vô gặp được anh. Người ta bảo với Khôi là cải tạo viên được tha về mà can tội vượt biên, phải nhốt xa cách biệt với xóm làng, chưa bị xử bắn là còn hên, mà hên thật, khi Khôi gặp mặt Tiến, hai người phải nhúng mì gói xuống nước ruộng mà ăn cho đỡ đói lòng. Thùng mì còn nguyên thì Khôi phải cột chéo đeo bên vai cho khỏi thấm nước.

 

            Nửa năm sau, mẹ Tiến nhờ Khôi đi lo chạy chọt ai đó…cúng lót khá bộn tiền, anh lại được trở về căn nhà cũ.

 

            Anh lại ngày ngày ra phường làm kiểm thảo cam kết không đi đâu xa. Ngày ngày anh buồn thỉu buồn thiu cuồng cẳng trong nhà trong vườn, anh chơi mãi với những đồ chơi cũ của con có lúc buồn đến phát khóc... Khôi đã hồn nhiên nói với Tiến.

 

-       Hồi đó anh cũng dại, phải đừng đi lính không quân, anh mà đi hải quân, giờ có giá lắm đó…

 

Tiến thấy Khôi ngây ngô mà cũng có lý. Anh muốn đi tìm một cuốn sách đọc cũng không còn. Kệ, tủ, trống vắng như lòng người. Anh đi ra đi vào, rồi đến lúc phải thực tập gọi là lao động như mọi người… Anh tập đan giỏ lác, anh đan khá nhanh, vì mấy cái này anh đã làm trong trại tù...dễ ợt…

 

      Nhưng rồi một hôm Khôi đến gom thâu giỏ vào một ngày cuối tuần, vô tình cô thấy Tiến đang đá lung tung mấy cái giỏ lác nhiều màu đan dở dang lăn lóc vào góc nhà, Tiến còn dẫm đạp lên chúng như dẫm đạp lên quân thù. Cô biết là Tiến không ổn, tâm thần anh có hỗn loạn và thất chí.

 

      Một buổi chiều khác Khôi đi hỏi thăm đâu đó và chắc là cô trả tiền khá mắc để đem về cho Tiến một con két mỏ vàng, lông màu hạt dẻ mượt mà rất đẹp, cái lồng mới đan còn thơm mùi tre gỗ mới.

 

      Khôi đặt lồng chim bên cạnh Tiến và hỏi :

 

-       Anh thấy 2 con mắt nhung của nó giống mắt của chị Tâm không ?

-       Rất giống, Khôi mua khéo quá, tìm ở đâu ra vậy ?

-       Bí mật, thôi em tặng anh đó, từ ngày mai đi, anh không phải đan giỏ nữa, anh có việc mới là nuôi và dậy két học nói…nói như người.

-       Khôi muốn dậy két nói cái gì ?

-       Thì cứ dậy như …như ý anh nghĩ.

Thí dụ : Tâm ơi ? Em ở đâu ?

Ái ơi ? Con ở đâu ?

 

-       Cô tưởng dậy câu đó dễ lắm sao ?

-       Thì anh dậy nó câu này dễ hơn.

-       Nói thử coi.

-       Tâm ơi, I love you.

 

Từ đó cái lồng chim được treo vững chắc bên cành cây hoàng lan rợp bóng mát. Kế cạnh là bụi hoa giấy vẫn luôn khoe đủ sắc màu. Tiến yêu con két lắm, anh không nghĩ xa xôi gì ngoài cái cảm nhận nó cũng thân phận giống như anh, cái thân phận cá chậu chim lồng !

 

Rồi anh lại bỏ con chim két ra đi lần nữa cùng với một người bạn thân cùng phi đoàn, sau ba ngày, vẫn không xong, anh quay về kịp trước giờ công an đến kiểm tra. Anh thoát về, ai cũng mừng, mà có lẽ con két vui mừng nhất, nó nhẩy líu lo… Ai đã dậy mà miệng nó nói 3, 4 lần liên tiếp như con chèo bẻo :

                  Anh Tiến ơi, I love you

                  Anh Tiến ơi, I love you…

 

Tiến cảm động lòn tay sờ đầu nó, nó nghiêng má cọ cọ vào những ngón tay anh.

 

      Anh chán nản việc đi ở ở đi, mẹ anh già, mái tóc bạc phơ khuyên anh :

 

« Thôi con, mình đành lỗi hẹn với mẹ con nó, cung thiên di của con xấu lắm…má già rồi, nay mai má theo ông bà con ở với ai ? Con đừng phụ lòng con Khôi, nó cũng ngoan hiền như vợ con vậy…

 

--------------

 

            Năm 1985 anh thành thân với Khôi, cô gái đã vốc nước ruộng thấm mì gói cùng nhau ăn với anh khi thân anh bị tù đầy… xin lỗi Tâm, xin lỗi mình và các con từ trong thâm tâm sâu thẳm này…

 

            Năm 1987, đứa con thứ năm của anh ra đời, Tiến và Khôi đồng ý đặt tên con là Vương Thế Kính.

 

            Mùa xuân 1988, bé kính vừa thôi nôi, chập chững đi bước 1 bước 2 thì Tiến nghe phong phanh có luật HO ra đời (chương trình humaritanian opération). HO ra đời mmở ra con đường ra đi tuần tự cho những người tù binh chiến tranh đã bị giam giữ quá 3 năm trong trại cải tạo.

 

Những gia đình HO1 được làm thủ tục hồ sơ và đặt chân đến mỹ là ngày 5-1-1990.

 

            Tiến ngỡ ngàng như người chết hụt được cứu sống lại, ơ thế là anh có cơ may đi tìm lại được Tâm vằ Hòa, Thuận, Nhã, Ái.

 

            A ha ! Má ơi ! Cung thiên di đã đến giờ thay đổi ! Người mừng kế bên Tiến có lẽ là mẹ già của anh, bà nghĩ ngay đến 4 đứa cháu nội xinh đẹp, giờ này hẳn chúng đã phương trưởng khôn lớn, bà ôm bé Kính vào lòng ân cần vỗ vai Khôi, « con đừng lo gì cả, con vẫn có chỗ của con… » Khôi ngỡ ngàng, buồn vui và âu lo lẫn lộn.

 

            Tiến thì cứ thẳng băng một đường phía trước tiến tới, vì anh đã qua thời gian tù đầy gần 4 năm. Anh lo giấy tờ hồ sơ đi H.O mang theo Khôi và con. Bà mẹ anh mỉm cười nhìn niềm vui rạo rực nơi con trai, lâu lắm mới thấy nụ cươi móm mém già nua của bà, Trái tim người đàn ông có nhiều ngăn…bà tự nhủ trong lòng chan chứa niềm tin…

 

            Mới đầu vợ anh, khôi ngỏ ý ở lại, lấy lý do tế nhị là cần chăm sóc mẹ già 2 bên nội và ngoại và nàng ưng bụng để con trai bé bỏng ra đi với bố.

 

            Nhưng rồi nàng bằng lòng đi vì Tiến năn nỉ và luôn luôn cam đoan là Tâm là người có tâm đạo và biết ứng xử hợp tình hợp lý trong mọi tình huống.

 

            Tuy nhiên giấy tờ gia đình có nhiều rắc rối phức tạp nên cả năm sau Tiến mơi hoàn tất được hồ sơ, anh cũng nhờ bạn bè và các cơ quan có uy tín tìm ra được tin tức và nơi ở của một nửa gia đình anh đang ở nơi xa… để liên lạc.

 

            Tiến rất mong được gặp lại Tâm và rất mong được nhìn tận mắt coi các con anh đã lớn cỡ nào.

 

            Những ngày chờ đợi lên máy bay là những ngày bồn chồn nóng nảy, mẹ anh vẫn niệm phật công phu sớm chiều…

 

            Con két vẫn nói, gọi líu lo, càng ngày như càng tha thiết hơn :

 

-       Anh Tiến ơi, I love you !

-       Anh Tiến ơi, I love you !

 

Tiến, khôi và bé Kính đến mỹ đầu năm 1993. Ra đón họ ở phi trường LAX vào một ngày đẹp trời có nắng vàng tươi và có đầy đủ Tâm và 4 con của họ.

 

            Giây phút trùng phùng thật cảm động, một nửa gia đình đến từ miền nhiệt đới có một chút gì lúng túng, lôi thôi, ngỡ ngàng, Tiến nhanh trí nhìn ra từ xa và dơ cao cả 2 tay vẫy vẫy Tâm và 4 đứa bé. Nói là bé chứ đúng ra 2 con trai lớn Hòa và Thuận đã là 2 thanh niên, cao, đẹp, trưởng thành. Hai cô gái Nhã và Ái xinh xắn, nhu mì và có rất nhiều nét giống cha.

 

            Bé Kính ngơ ngác nhìn mọi người. Tiến đẩy con tới như giới thiệu :

 

-       Đây là má Tâm và các anh chị con !

…Tâm, đây là Khôi mà anh đã nói với em ! Khôi lúng túng một giây, gật đầu chào, nhưng Tâm đã đon đả xoa đầu bé Kính, bế sốc bé lên một tay, một tay kia nàng thân mật để lên vai Khôi :

-       Chào em, cám ơn trời phật gia hộ

Cám ơn H.O nhân đạo mà gia đình

Chúng ta có ngày đoàn tụ hôm nay…

Em, chị rất cám ơn em đã thay chị

lo toan bao nhiêu công việc khó khăn trong những ngày qua…

 

Khôi thấy Tâm sáng rỡ và tươi vui như một bà tiên Tiến ôm hôn các con lần lượt từng đứa, từng đứa. Sau cùng anh sung sướng đối diện vợ, mắt trong mắt như ngày nào, anh nắm chặt hait ay của Tâm, vẫn hai bàn tay ấy mềm và ấm…

 

-       « Anh Tiến ơi ! I love you »

Bé kính chợt kêu ré lên, nhại đúng giọng chú két nhòng !

 

Mọi người bật cười rộ không hiểu bé muốn nói gì, Nhưng Nhã và Ái đứng gần nghe khá rõ, bật lời khen :

 

            Oh, bé biết nói tiếng anh rồi…

 

            Khôi giật mình trước sự ngây ngô của con :

 

-       Không đâu, em nó biết gì tiếng anh mà nói, nó có lẽ đang bắt chước con két ở nhà, chắc là nó đang rất nhớ con chim két nhòng của nó ở Việt Nam…

 

Tâm hôn bé rồi mau mắn đề nghị :

 

Thôi, tụi mình về nhà đi, về nhà ăn cơm đã rồi mình tha hồ nói chuyện.

 

Họ cùng nhau sum vầy hàn huyên trong căn nhà ấm cúng khang trang của mẹ con Tâm ở Santa Anna – Cali. Họ đã có bao nhiêu câu chuyện để kể, để nghe, để tâm sự cùng nhau…

 

Nhưng câu chuyện quan trọng và cảm động hơn cả, vẫn là câu chuyện riêng mà chị Tâm đã thổ lộ cùng chồng sau nhiều tháng năm xa cách.

« ….                ….

 

Anh thấy đó, giờ đây em có còn lo buồn một điều gì nữa đâu.

 

Được gặp lại anh và Khôi và bé Kính là điều mà em không bao giờ dám nghĩ tới mà nay đã là sự thật. Đó là ơn trời phật độ !

 

…Em, cũng mang ơn nước Mỹ rất nhiều. Em đã sống ở đây mấy năm rồi, đất nước này, quê hương này đã cho chúng ta nơi ở và cho cả cơ hội xây dựng lại cuộc đời, cuộc sống với tương lai tươi đẹp cho các con chúng ta. Điều mong ước duy nhất của đời người là thế đó, chỉ mong chờ nhiêu đó là mãn nguyện !

 

Em chân thành mà nói em cảm kích đất nước này họ cũng từng có chiến tranh, nội chiến và ngoại chiến.

 

Nhưng sau bao đổ vỡ, họ can đảm hàn gắn vết thương đau.

 

Họ có tâm từ bi và họ đã lấy thứ tha đáp trả hận thù, nghĩa là họ hoà hợp hòa giải trung thực chứ không như các nước cộng sản bên mình.

 

Em nghĩ giờ mình sống ở đây, nơi nước Hoa - Kỳ này, tụi mình cố gắng sống xứng đáng với lòng ưu ái bao dung y như họ. Nhập gia tùy tục…

…Riêng chuyện chúng ta :

Em vẫn ước nguyện có ngày được gặp lại anh. Tạ ơn trời đất, ngày này đã đến, làm vỡ òa trong tim em một niềm vui…

 

…Là đã đến lúc em được mang cả tâm và cả thân hướng trọn về tam bảo, nơi thể hiện trọn vẹn lẽ đạo tình người.

 

Tiến ơi, mùa xuân năm 1978, một mùa xuân tội nghiệp của cả nước Việt Nam ta sau 3 năm bị cộng sản cưỡng chiếm. Năm đó, em lặn lội từ nam ra bắc thăm anh khổ cực trong lao tù và em đã xin phép anh cho em mang các con đi vượt biển.

 

Anh đã đồng ý,

 

Em đã thành công, dù phải kinh qua bao sợ hãi. Ngày nay, cơ duyên may mình còn gặp nhau. Em không thể nào diễn tả nổi niềm vui tùy duyên tái ngộ. Nhưng em vui lắm, mãn nguyện lắm, vì hoàn cảnh sum vầy êm đẹp này là thuận duyên cho em được đáp trả một trong muôn vàn khấn nguyện của em với đất trời, với chư thiên chư phật, với đất nước bao dung này…với cả tình nhân loại mênh mông. Và em xin em được xuất gia theo ý nguyện.

 

Tiến ơi, nghe em nói thêm một hai phút nữa thôi…

 

Ngày xưa ấy, anh đã quyết tâm đồng ý với em cho em mang con ra đi, ngày nay nhân ngày vui sum họp, em mong anh can đảm chấp nhận với em việc quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là hãy thuận lòng với tâm nguyện chí thành của Diệu Thiện này… Đó là anh yêu thương tất cả mọi người xung quanh, và riêng với em, đó là anh yêu thương em với một tình thương bao la như tận cùng của vũ trụ sâu thẳm cao dầy…

 

Em xin niệm ân %

Chúc Thanh

 

1)    « Tôi có một giấc mơ » của mục sư Martin Luther King

I have a dream

            Là một bài diễn văn tranh đấu cho dân quyền da màu ông được giải nobel hòa bình năm 1964

            Ý trong bài : Tâm nhắc khéo Tiến sẽ hiểu là Tâm mang con vượt biên sang Mỹ.

 

Ý kiến bạn đọc
15/03/202017:52:19
Khách
Truyện của Chúc Thanh đọc cũng tưởng tượng thấy người : dễ thương, chung thủy, nhẹ nhàng mà thắm thía, duyên dáng và rất chân thật .
Ước mong Chúc Thanh còn sáng tác rất nhiều cho chúng ta thưởng thức .
V T T KH
05/03/202018:12:25
Khách
" Trịnh Công sơn, anh ở đâu giờ này ? "- Trích.

Cùng một đồng chí với nhau ai lại công kích vạch ra những tội ác tàn độc của Đảng nhỉ ?! Một đồng chí khác từng chọc trời khuấy nước lũng đoạn chính trị, hậu phương miền Nam 1963-66 cũng có thái độ tương tợ giả mù, giả điếc, giả câm cho đến chết.
04/03/202008:36:37
Khách
Đoản văn của cô Thanh thật là tuyệt vời, không làm khó ai, nhưng thử đánh động tâm tư ai đó ở bất kỳ cõi nào
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,762,983
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Khi được hỏi về những hiểm họa có khả năng đe dọa tới đời sống nhân loại, nhà vật lý siêu đẳng Stephen Hawking nhắc tới bốn điều: thứ nhất, một cuộc chiến tranh hạt nhân bất ngờ; thứ nhì, vi khuẩn biến đổi gen; thứ ba, trái đất ấm dần; và thứ tư, những hiểm họa khác mà con người vẫn chưa biết. Lời tiên đoán của ông ngày hôm nay đang trở thành một hiện thực. Từ khi xuất hiện trên trái đất, vi khuẩn Vũ Hán họ Corona chủng mới tiếp tục đánh gục lần lượt từng quốc gia. Trung Cộng trước tiên, rồi Hàn Quốc, rồi Iran, Ý, và Âu Châu, tiếp nối là Úc và Hoa Kỳ. Mới nhất, Ấn Độ với hơn 1 tỷ người cũng đã phong tỏa. Đến ngày hôm nay, cả thế giới đều chưa kiếm ra vũ khí để chặn đứng vó ngựa bách chiến bách thắng của đoàn vi khuẩn Vũ Hán. Bởi thế, vi khuẩn Corona chủng mới đi tới đâu, nơi đó không còn bóng người.
Cả tuần ở ẩn, sáng trưa chiều tối, anh và em, hai người không xa lạ 24 giờ trên 24 bốn mắt nhìn nhau quen quen mấy mươi năm nay, bỗng tự giam hãm ta với mình cận kề đến đuối sức. Ngày hai buổi cơm hai đứa coi TV quanh quẩn dịch bệnh Tàu cộng, thế sự đó đây toàn cầu mang màu tử khí từ vi khuẩn cô vy 19, Tàu tuyên bố hết bệnh, thế giới bước vào dịch bệnh dãy dụa tức tưởi.
Tôi có anh bạn học cũ thời trung học, lớp đệ nhất C ở trường Võ tánh, Nhatrang, tên Dũng, rất thân. Đậu tú tài 2 năm 1963, Dũng vào làm ngành cảnh sát, lên chức đại úy trưởng ty ở Nhatrang mấy năm thì VC vào năm 75, phải đi tù cải tạo 10 năm. Tôi tuy cũng nhập ngũ nhưng gốc giáo chức, nên chỉ ở tù một năm , sau đó về nhà nai lưng làm đủ thứ nghề lao động tay chân sinh sống qua ngày.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Đặng Hà Nội tên thật là Đặng Thống Nhất đã từng dậy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Thú tiêu khiển của tác giả là viết truyện, hội họa và du lịch trong khi về hưu.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. bài viết mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Khi còn đi học, trong trường tôi có lưu truyền mấy câu thơ về hoàn cảnh lịch sử sang trang của nước nhà sau năm 1975. Mấy câu thơ do một thằng phản động nào đó đã sáng tác, nhưng tôi lại nhớ mãi đến bây giờ những lời thơ như lời nguyền ấy, “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta/ từ trong hang đá chui ra/ vươn vai một cái… lại chui ngay vào.” Thuở còn đi học thì lấy đó làm vui với ngụ ý chế giễu những người trong rừng ra nhưng họ tự hào họ là đỉnh cao trí tuệ, vì thế họ cai trị miền nam chiếm được từ có cơm ăn trong chiến tranh trở thành đói khát sau hoà bình. Bỗng chiều nay nhớ lại thời ngồi nghe mấy ông thầy ngoài trường Sư phạm Hà nội vào Sài gòn giảng dạy về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta đã có bốn ngàn năm lịch sử, nhưng chỉ có bác Hồ vĩ đại là người duy nhất đã lãnh đạo dân tộc tiến tới thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước, giảnh lại được độc lập tự do hạnh phúc cho đất nước và dân tộc ta…
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.