Hôm nay,  

Chuyến Đi Kinh Hoàng

10/02/202013:38:00(Xem: 8138)


Huyền Thoại-Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau. Sau đây là bài viết mới nhất.  

****


Cả nhà mừng rỡ khi người liên lạc tên Thụ trở lại sau hai tuần lễ với mật hiệu của anh Long.  Qua Thụ, anh đã vượt biên bằng đường bộ từ Việt Nam qua Cambodia rồi từ Cambodia đi thuyền sang Thái Lan.  Gia đình trao cho Thụ hai lượng vàng như đã giao hẹn. Sau bữa cơm trưa cùng gia đình, Thụ nói với bố tôi :


  •  Tổ chức sẽ làm một chuyến nữa trong vòng một tháng.  Nếu bác cần gửi thêm người, cháu sẽ trở lại trong hai tuần.  Điều kiện vẫn như cũ.


Tôi quyết điṇh sẽ ra đi cùng Tuấn, đứa con duy nhất vừa tròn 12 tuổi. Vì anh Long đã thành công nên bảy người nữa hồ hởi tháp tùng chuyến đi.  Giáo sư Vượng - vẫn còn đi dậy do trước đây được miễn quân dịch vì mắt kém. Tuy có chút xíu nợ máu nhưng "nhà nước cách mạng" khoan hồng, cho làm việc trở lại để “đoái công chụôc tội.”  Bị đồng nghiệp bắc phương kỳ thị và bất mãn lối gíao dục nhồi sọ, anh thỉnh thoảng tìm đường chạy trốn. Ngoài ra, còn chị Hồng bạn tôi, và đứa con trai năm tuổi. Chồng Hồng đã vượt biên cùng ba đứa con cách đây hai năm.  Sau chuyến đi của anh Long, Hồng rất tin tưởng nên chạy sang bà chị họ rủ thêm hai cháu gái. Sau cùng, Vạn - em bà con của thầy giáo Vượng - một sĩ quan cấp uý mới đi “cải tạo” về, cũng xin đi theo.


 Đúng hẹn Thụ trở lại nhận khách, thu mỗi người năm chỉ vàng tiền nhà trọ và ăn uống.  Tiền này sẽ không được hoàn trả nếu chuyến đi thất bại. Sau khi khách đã tới traị tị nạn, gia đình sẽ giao thêm mỗi  người một lượng vàng. Một lượng nữa sẽ giao sau đó đúng một tuần.  


Bảy ngày sau, Thụ trở lại vào sáng sớm đón mẹ con tôi ra bến xe đi lục tỉnh.  Những người khác ra bến từ sáng sớm, tự sắp hàng mua vé để tránh sự theo dõi của công an. Tới Hồng Ngự, cô Thanh - vợ Thụ - đón mọi người vào nhà người quen, chờ giờ khởi hành qua Cambodia bằng đường thủy. Hai vợ chồng dặn dò từng người vai trò phải đóng trong trường hợp bị công an biên phòng xét hỏi. Tôi cứ tưởng Thụ phải có giấy tờ đi đường cho mọi người như đã có cho anh Long trước đây. Thụ giải thích là anh ta không thể làm giấy tờ cho gần chục người trong vòng mấy ngày, và với vẻ tự tin, anh ta nóí đường giây này anh cộng tác đã lâu nên quen hầu hết các trạm kiểm soát, chẳng có gì ̣đáng  lo. Anh dặn mọi người chỉ là đề phòng trường hợp có nhân viên mới hay thay ca bất ngờ, một chuỵên hiếm khi xảy ra.  


Khoảng một giờ chiều mọi người xuống thuyền sang Phnom Penh [Nam Vang].  Giòng sông phẳng lặng, thuyền nhẹ nhàng lướt qua những xóm làng nghèo nàn hai ven bờ.  Khách trên thuyền phần đông là bạn hàng buôn bán.  


Khoảng bảy giờ chiều chúng tôi đến Phnom Penh.  Vợ chồng Thụ đem chúng tôi vào nghỉ ngơi và ăn uống trong một quán nhỏ, chắc là  người quen hoặc nằm trong tổ chức của họ. Thỉnh thoảng tôi nghe vài người nói tiếng Việt, đoán có lẽ họ là dân Việt  sống bên này từ lâu .

Lúc này, tôi thấy lòng bâng khuâng, bàng bạc nỗi lo âu, không biết chuyến đi này rồi sẽ ra sao?  Đã nhiều lần mẹ con tôi lặn lội vượt biên từ sau ngày chồng tôi vượt thoát, nhưng luôn bị lừa gạt, bị đem giấu trong ruộng lúa hay đầm lầy ven sông ven biển.  Đêm tới rồi sáng, mọi người biết là bị bể hay bị lừa, vội tìm đường lén lút về nhà. Thường thì dân địa phương rất tốt bụng, cho chúng tôi vào nhà thay đổi aó quần rồi chờ khi công an hết đi ruồng mới cho từng người ra đón xe vì nếu ào ra đón xe một lúc thì thế nào cũng bị lộ.  


Thanh ̣đưa mỗi người phụ nữ một bộ xà rông để cải trang như phụ nữ Cambodia.  Thụ dẫn mấy người đàn ông thanh niên, còn người vợ dẫn phụ nữ. Tất cả lên hai xe tải chở hàng và khách di Kompong Cham, một thị xã ven biển.  Tôi muốn con đi chung xe nhưng Thụ bảo Tuấn đi theo đàn ông thì dễ thuyết phục công an hơn. Họ sẽ khai là cả bọn đi Kompong Cham làm lò than.


 Tạm yên tâm, tôi lên xe.  Mấy chục con người đứng chen chúc, tay vịn vào hai thanh ngang trên mui.  Mùi mồ hôi, mùi áo quần xông lên nồng nặc, khó thở. Thỉnh thoảng có trạm kiểm soát bắt mọi người xuống xe cho họ xét hàng lậu.  Mỗi lần xe bị khám xét tim tôi đập như trống chầu, cố tránh chạm mắt với công an. Nó hỏi tiếng Cambodia mà không biết trả lời thì chỉ có nước về đồn. 

 

Sau hơn hai tiếng chúng tôi tới Kompong Cham nhưng phải vào sâu hai cây số nữa mới đến chỗ trọ.  Moị người lại “tăng bo” lần nữa bằng xe Lambretta ba bánh. Lòng vòng hai mươi phút trên những con ̣đường ̣đất gập ghềnh đầy ổ gà, nhóm phụ nữ cũng đến nhà trọ an toàn.  Vợ Thụ dặn mọi người nói năng nhẹ nhàng, tránh ra ngoài gây sự chú ý của hàng xóm, phần đông là dân Cambodia đến từ những thành phố khác. Họ về đây làm rừng, làm lò than, đánh cá.  Nhóm đàn ông con trai sẽ ở nhà kế bên. Nếu muốn gặp nhau thì nên qua lại vào buổi tối.  


Chừng một tiếng sau, Thụ vào báo tin mọi người đã đến nhà trọ an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm.  Bây giờ có lẽ là những giây phút tôi cảm thấy thoải mái nhất. Tôi khiếp đảm nghĩ mình sẽ sống ra sao nếu lạc con, nguồn an ủi duy nhất của tôi.


Mọi người hồi hộp chờ ngày xuống thuyền ra ̣đi.  Theo Thụ, moị việc sẽ được xếp đặt xong xuôi trong năm bảy ngày nữa.  Nhưng năm bảy ngày qua đi, mười ngày lại đến. Ai cũng nóng lòng. Thụ giải thích chức quyền trại tạm cư bên Thái chưa giải quyết xong số người đã được chấp thuận cho đi định cư nên mình phải chờ, lúc sang mới đủ chỗ cho mình.


 Hai tuần lễ nặng nề trôi qua, moị người bắt đầu lo.  Sống khép mình trong hai căn nhà nhỏ không TV, không radio, không một phương tiện giải trí nào đã làm mọi người chán nản.  Thầy giáo Vượng coi như đã bị mất việc, dù người nhà đã xin giấy bác sĩ chứng nhận anh bị đau nặng trong thời gian đi làm rẫy. Hai cô ch́áu của chị Hồng muốn trở về.   Bị cầm chân trong nhà nhiều ngày, họ thấy nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ những món quà vặt mà ở đây không có. 


Cuối cùng, ngaỳ 19 tháng chạp, Thụ bảo mọi người chuẩn bị, vì anh được lệnh đưa khách ra tầu đêm nay.  Nghe nói mọi người mừng rỡ. Cũng may căn nhà của vợ chồng Thụ ở cuối thôn, sát bìa rừng dẫn ra biển nên chỉ đi chừng mươi phút là ra khỏi khu dân cư.  Ở đây cả tháng trời mà chúng tôi không biết gì về khu vực chung quanh vì ngaỳ đêm chỉ quanh quẩn trong căn nhà chật chội. Theo lời Thụ, đây là khu vực dành cho việc vượt biên sang Thái Lan nên người dân đồng lòng không nuôi chó, tránh việc chó  sủa khi “chuyển quân". Có lần tôi hỏi Thanh:

  •  Bộ dân làng này thuộc một tổ chức hay sao?

  • Dạ không.  Ở đây có bốn hoặc năm đường giây khác nhau, nhưng đôi khi mấy ông chủ cũng làm việc chung vì số khách không đủ để làm riêng một chuyến.  Do vậy không có chuyện cạnh tranh và chủ nào cũng phải lo lót cho chính quyền địa phương.

Hồng thắc mắc:

  •  Đã mua chuộc rồi sao mình vẫn phải lén lút, không được đi tới đi lui tự do?

Thanh cười:

  •  Làm sao có đủ tiền mua chuộc hết mấy làng mấy xã bên cạnh và bộ đội?   


Đêm đó trời sáng trăng.  Bầu trời trong vắt không một gợn mây nên con đường mòn sáng mờ mờ, không làm trở ngại cho đoàn người đang lầm lũi di chuyển hàng một.  Hành khách chỉ tám người nhưng có thêm một thiếu niên khoảng mười bốn, mười lăm đi theo làm thông ngôn vì y biết nói tiếng Việt bập bẹ.  Sau chừng mười lăm phút thì văng vẳng đâu đó nổi lên tiếng chó sói hú nghe rợn người. Thằng bé thông ngôn nói nhỏ:  

  •  Chó sói ở xa, không mấy khi lại khu này.  Hơn nữa chúng không dám tấn công đám đông đâu mà sợ.

 Khoảng hơn nửa giờ thì đến bãi biển.  Không gian bao la, khí trời mát mẻ, trăng sáng tỏ khiến mọi người tạm quên trong chốc lát những hiểm nguy trước mặt.  Chờ một lát thì thấy một con thuyền chừng mười thước từ ngoài khơi tiến vào. Vạn hỏi thằng thông ngôn:

  •  Đi tầu này sao mậy?  Nhỏ quá.

  •  Xí, tầu này mà đi gì.  Xài nó đem mấy người ra tầu lớn chớ!

  •  Tầu lớn đậu chỗ nào?  

  • Tầu lớn đậu tuốt ngoài khơi.  Chừng nào gom đủ cá nhỏ thì nhổ neo.

  • Mầy có đi chuyến này không?

  • Chừng nào chuyến chót mấy ổng mới cho tui ̣đi.  

  • Anh Thụ đâu mậy?

  • Ổng còn lo điều khiển.  Đâu cần ổng dẫn đường. Việc này là việc của tui mà.

  • Ổng cũng đi chuyến chót với mầy hả?

  • Chắc vâỵ.


 Ghe nhỏ ghé sát bãi nên chúng tôi chỉ cần xăn quần lên mà lội ra ghe. Tài công nổ máy, thằng nhỏ đẩy cho ghe có đà rồi nhảy vô vào làm ghe chòng chành nghiêng ngả. Biển lặng như gương, những con sóng nhỏ lăn tăn lóng lánh như bạc.  Tôi cảm thấy phấn khởi, tràn trề hy vọng. Vạn hỏi thằng bé:  

  •  Đi bao lâu mới tới cá lớn?

  • Tui nghe nói chừng gần một giờ.  

Đúng như lời thằng nhỏ, mọi người thấy một hòn đảo khả lớn nằm trải mình vững chãi dưới ańh trăng.  Tất cả im lặng như tờ. Ghe tắt máy đến đậu cạnh một mỏm đá bằng phẳng. Thằng nhỏ lên tiếng: 

  •  Moị người lên đảo.  Tới chỗ rồi.

Vượng ngần ngại:

  •  Sao không thấy cá lớn?  

Nó gắt nhỏ:

  •  Cá lớn chưa tới làm sao ông thấy được!  Phải chờ đủ hết nó mới tới.      

Thấy nó cọc cằn vô lễ ai cũng bất mãn nhưng thời thế không cho phép tỏ thái độ.  Vạn hỏi thêm:

  •  Có nhóm nào tới chưa?

  • Nhóm này tới trước.  Phải đổ khách từ từ chớ!


Sau khi mọi người đã lên hết trên ghềnh đá, ghe bắt đầu nổ máy và hai tên người Miên rời đảo không một lời dặn dò.  Lúc đó ai cũng bối rối, nhưng không hoảng hốt vì anh Long đã vượt thoát qua đường giây này. Từ lúc ghe nhỏ ra đi đã một tiếng đồng hồ mà chưa thấy thêm ghe nào khác, mọi người bắt đầu lo.  Hay là có trục trặc trong bến, cá nhỏ không ra được? Hay cá lớn bỏ rơi họ?  


Ánh trăng bỗng mờ đi và mây đen vần vũ kéo đến mang theo những cơn gió khá mạnh.  Hơi lạnh báo một cơn mưa sắp bắt đầu. Rồi chỉ trong mấy phút nước trút xuống ào ạt.  Cơn mưa đến mau rồi tạnh mau như lúc đến. Moị người thấm lạnh và cơn đói bắt đầu hành hạ bao tử.  Hồi chiều vì có lệnh đi gấp nên không kịp ăn cơm. 


Moị người thức trắng đêm chờ tầu, chờ sáng.  Dù đang ở trong tình trạng nguy khốn, nhưng lúc mắt trời ló dạng tôi không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lộng lẫy của bình minh trên biển khi mầu sắc thay đổi theo vầng thái dương. Từ ửng hồng đến mầu cam rồi sang mầu vàng óng ánh.   Nước biển từ mầu xanh thẫm chuyển sang mầu ngọc bích. Tôi say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên tạm quên trong giây lát nỗi âu lo. Ai cũng lộ vẻ mệt mỏi. Hai cô gái nhìn tôi và Hồng bằng những ánh mắt thảm não.

  •  Hai cô ơi, tuị cháu sợ quá.  Chắc họ bỏ mình rồi. Bây giờ làm sao trở về?

Hồng ứa nước mắt:

  •  Cô cũng không biết gì hơn các chaú.  Đành chờ xem sao.

Vạn lên tiếng:

  •  Để tôi lên mấy mỏm đá xem chừng.  Suốt đêm tôi thức canh gác nhưng không nghe động tĩnh gì.

Tôi theo anh chui ra khỏi hốc đá.  Bãi biển vắng tanh, ngổn ngang những chai lọ, thùng nylon và những thứ linh tinh mà các đợt sóng gom về.  Tuyệt đối không có dấu tích của sinh hoạt con người. Bãi biển có nhiểu mỏm đá gập ghềnh. Sau những mỏm đá là rừng rậm xanh rì.  Bỗng từ xa, xuất hiện một con thuyền máy, loại thuyền chở chúng tôi đêm qua. Khi chiếc thuyền đến gần, hai người trên thuyền là hai kẻ lạ.  Lúc thuyền cặp sát mỏm đá, một trong hai người hỏi chúng tôi bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu:

- Mấy người ̣̣đi Thái Lan hả?

Vạn gật đầu trong khi một số người của chúng tôi lóp ngóp leo lên từ các hốc đá, tưởng chủ tầu mang đồ ăn ra tiếp tế. Tên đó hỏi tiếp:

  •  Có cần mua thức ăn thì gửi tiền tụi tôi vô bờ mua dùm cho.

Vượng lên tiếng:  

  •  Mấy anh là ai?

  • Tuị tôi chaỵ lòng vòng bán dầu và nước cho tầu qua Thái Lan.

Anh đưa mặt nhìn trên ghe. Không có gì chứng nhận cho lời hắn nói.  Anh nói nhỏ đủ cho Vạn và tôi nghe:

  •  Tôi nghĩ bọn này là đồng bọn của mấy tên hôm qua.  Có thể là đàn em tên Thụ . Chắc là không tin được bọn nó đâu.

Vạn ngần ngừ:.

  • Có thể  lắm. Tối nghĩ đây là mánh khoé làm tiền của tuị nó.  Hai thằng kia nghĩ mình có mang theo tiền bạc nên cho hai thằng này ra moi thêm.  Không chừng sẽ báo cho cảnh sát biên phòng bắt mình.

Tôi góp ý:

  • Báo thì chưa chắc nó báo vì mình sẽ khai ra thằng Thụ và đồng bọn trong làng.  Tôi nghĩ bọn nó làm tiền. Băy giờ mình giữ tiền trong người cũng chẳng ích gì.  Hay là mình đánh bài, một ăn hai thua, nhờ nó mua chút đồ ăn?

Vượng quay qua bảo hai tên lái ghe:

  •  Tuị tôi còn chút tiền Campuchia và it́ tiền Bhat, nhờ hai chú mua dùm thùng mì gói, nưởc và bánh mì.  Được không?

  • Được.  Nhưng tới chiều mới đem lại à.

Vượng bảo chúng chờ, rồi mọi người chui xuống hốc đá lục tìm những đồng tiền ít ỏi còn sót lại.  Lúc nhận tiền từ tay Vượng, tên nói tiếng Việt thì thầm với tên lái ghe, rồi quay qua bảo Vượng: 

  • Mua ít vầy làm sao đủ tiền xăng ra vô?  Mấy người đi Thái Lan mà sao kẹo quá vậy ?

Noí xong, chúng rồ máy đi luôn.  Mọi người biết chúng sẽ không trở lại, nhưng có thể sẽ cho toán khác đến.  Vạn vốn ở trong quân đôị, nên anh bàn với mọi người:

  •  Mình phải thay đổi chỗ ẩn trú, sợ bọn này biết mình tay không không chống cự nổi với vũ khí chúng có thể sẽ mang theo.  Phải tìm cách bảo vệ tính mạng mình, nhất là sự an toàn cho mấy em gái kia.


Nghe anh nói mọi người dắt dìu nhau đi xuống mạn dưới cách đó vài cây số và vạch cây đi sâu vô rừng.  Chúng tôi biết đã bị gạt, nhưng không hiểu vì sao. Thụ đã có một chuyến làm ăn trót lọt, đáng lẽ y cần giữ uy tín để làm những chuyến khác.  Lo sợ, tức giận, nhưng ai cũng phải tạm quên để tính chuyện sống còn. Sau khi yên ổn chỗ ẩn trú, moị người lại thấy cơn đói trở về, dữ dội hơn đêm qua.  Nhất là đứa nhỏ con Hồng, nó cứ khóc tỉ tê, dai dẳng.


Đến chiều trời lại đổ mưa.  Không lều bạt, mọi người lại chaỵ ra hốc ̣đá tránh những hạt mưa gắt gao, những cơn gió ào ạt.  Vượng và Vạn đem mấy ca nhựa lượm được trên bãi ra hứng nước mưa. Gần hai ngày nhịn đói và khát, mọi người bắt đầu kiệt sức.  Khi cơn mưa tạnh, ai nấy uà ra múc nước mưa đọng trên các lỗ nhỏ trên ghềnh đá đổ vô lon, sợ ngày mai nắng nước sẽ bốc hơi. Sau mấy ngụm nước mưa moị người lấy laị được chút sinh khí, nhưng cái đói laị  hành hạ bao tử dữ dội hơn. Hai ngày qua không thuyền ghe nào lai vãng, ai cũng bị ám ảnh cái chết vì đói trên biển vắng. Tôi cay đắng cho định mệnh của mình và chợt thương cha mẹ và các em da diết.  Tôi ra đi, dù biết là sẽ bị khổ cực muôn vàn nhưng không trông đơị cái chết quạnh hiu thê thảm như thế này. Giấc mơ gửi tiền và quà cáp vể nuôi gia đình đang tan biến vào biển khơi mù mịt. Buổi chiều tôi và con ra bãi biển, dõi mắt trông chờ một con tầu.  Thấy một con gà chết dạt vào bờ, tôi mừng quýnh. Vi trùng hay bệnh tật lúc này không làm tôi lo lắng nữa. Tôi bảo con:  

  •  Mình lượm con gà này vô trong kia nướng lên để moị người cùng ăn.

  •  Ghê quá mẹ ơi!  Gà chết trôi…

  • Nó chết trên biển, thì coi như mình ướp muối!

Con tôi  lưỡng lự rồi cầm con gà đưa lên mũi ngửi:

  •  Không thấy hôi. Mà mẹ có đem theo thuốc trị tiêu chảy phải không?

  • Ờ, có.

Mọi người thấy chúng tôi trở về với con gà thì tỉnh hẳn người.  Sau khi kê một bếp nướng bắng mấy hòn đá, tôi bảo:

  •  Mấy anh vơ củi rồi châm bếp hộ, tôi và Hồng đi vặt lông.  

Lúc đó mấy người đàn ông mới ngẩn ngơ:

  •  Trời,  đi vội quên cả chiếc Zippo ở nhà thằng Thụ!

Tôi trấn an:

  •  Tôi có.  Đi vượt biên riết nên quen.  Không hút thuốc nhưng lúc nào cũng thủ hộp quẹt và đèn pin.


Sau một tiếng đồng hồ mỗi người chia nhau ăn vài miếng cho đỡ cồn cào bao tử.  Đêm đó chúng tôi gom cây và củi khô trên bãi đốt lửa vừa để sưởi ấm vừa làm dấu hiệu kêu cứu.  Đàn ông chia nhau thức giấc canh chừng thú dữ, cây gậy để sẵn bên cạnh. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng gầm vẳng lại từ những hòn đảo kế bên, nghe như tiếng cọp.  Tôi rùng mình kinh hãi. Rồi trong giấc ngủ chập chờn tôi mơ thấy mình đang uống ly trà đá và ăn một dĩa cơm gà quay. Giật mình tỉnh giấc tôi ngao ngán với hoàn cảnh thực tại. Khát nước làm cho cơ thể tôi mỏi mệt và tôi hay bị hoa mắt, chóng mặt.  


Sáng hôm sau mọi người thức giấc trong nỗi lo âu trước một ngày nữa đói và khát.  Chúng tôi dẫn nhau ra mỏm đá xa nhất rồi ̣đưa mắt nhìn quanh, hy vọng mong manh có con tầu nào đó đi ngang.  Trong khi đó, các cô gái và vài cậu trai xuống các kè đá gỡ mấy con hà đem vào nướng ăn lót dạ. Tôi đau lòng khi thấy con tôi cố gắng nuốt trôi những con hà mà nó đã gỡ từ những hốc đá bằng mấy chiếc muỗng gẫ̃y lượm được đâu đó.  Nó cho tôi xem hai bàn tay rướm máu vì bị đá và hà làm trầy sướt. Bỗng tôi nghe nhiều tiếng reo hò “ Tầu đến, có tầu đến". Vượng quay về phía mấy cô gái, noí nhanh:

  •  Mấy em gái đi vào rừng trốn ngay bây giờ.  Biết đâu chẳng là tầu hải tặc?

Còn lại trên ghềnh đá chỉ có đàn ông.  Khi con tầu lại gần, họ cởi áo làm cờ vẫy goị.  Chiếc tầu có vẻ là tầu buôn, trên boong có ba bốn người đàn ông mặc quần áo dân sự.  Họ chỉ trỏ và nhìn nhau như tham khảo ý kiến. Sau mấy phút ngắm nhìn họ vào bên trong và con tầu từ từ ra khơi, không nhỏ một chút tình thương dù chỉ với vài can nước hay mấy goí mì rẻ tiền.  Chiếc tầu đã khuất mà moị người vẫn đứng ngẩn ngơ vì thất vọng. Tôi khóc không nước mắt. Hình ảnh cha già mẹ yếu lại chập chờn ẩn hiện. Rồi tôi hối hận đã đem con vào chỗ chết.


Suốt mấy ngày liên tiếp không có thêm một chiếc tầu nào ̣đi ngang.  Thấy moị người đã quá kiệt sức tôi rủ Vạn và Vượng đi sâu vào rừng tìm thức ăn.  Đi ngang một buị cây tôi thấy một đám lá giống loại lá mà em gái tôi hay mua về làm sương sáo bèn bảo hai người đàn ông cắt hết đem về chỗ trú ẩn.  Sau khi vò nát số lá trong một can nhựa, tôi múc nước biển đổ vào rồi tiếp tục vò tiếp. Sau đó đổ qua một can khác lọc cho hết bã lợn cợn rồi ng̀ồi chờ.  Hai tiếng sau, nước bắt đầu đông đặc. Moị người mừng rỡ vì ít nhất cũng có chút gì bỏ bụng.   


Một ngày nữa trôi qua.  Bây giờ đoàn ngườ̀i không ngủ trong rừng hay trong hốc đá nữa.  Chúng tôi nằm quây quần quanh đống lứa đốt suốt ngày đêm cho khỏi lạnh và đỡ sợ thú rừng.  Đàn ông thanh niên thay phiên nhau canh gác . Mọi người tự hiểu có lẽ họ không còn sống được bao lâu nữa.  Trong thâm tâm, tôi không muốn chấp nhận ý nghĩ chúng tôi sẽ chết, sẽ bõ xác trên hòn đào hoang vu này. Tôi bỗng trở nên ngoan đạo, đọc kinh cầu nguyện hằng đêm xin cho đoàn người qua khỏi cơn hoạn nạn để về nhà, về với cuộc sống tuy gian khổ nhưng có người thân, có gia đình. Đang khóc thầm tôi chợt thấy hai đốm sáng từ từ tiến lại chỗ chúng tôi.  Thân thể tôi tê dại trong nỗi sợ hãi. Tôi cố nhẹ nhàng lết lại gần Vạn và thì thầm cho anh biết có con vật lạ đang tiến về phía chúng tôi. Vạn tỉnh ngủ trong giây lát rồi với tay cầm khúc cây anh vẫn để bên mình. Nó đứng một chỗ, hai con mắt ngời sáng trong ánh lửa bập bùng. Khi Vạn từ từ ngồi dậy nó bước lùi vài bước rồi quay mình chạy biến vào đêm tối.  Tôi thở phào, mừng rỡ trong nhịp tim đập loạn xạ. Vạn bảo:

  •  Nhìn nó giống một con chó lớn.  Chắc không phải chó sói.

Tôi góp ý:

  • Nếu là chó thì…phải có người trên đảo này? Hay mai ta đi chỗ khác xem sao?


Sáng sớm hôm sau chúng tôi nhổ trại lên đường.  Phần đông đã mệt mỏi rũ rượi , nhưng nghe nói có chó ai cũng lên tinh thần và thêm sinh khí. Phải đi trên những mỏm đá gập ghềnh, tôi đề nghị lượm giây thừng trên bãi biển, kết lại thành một sợi giây dài rồi nắm chặt giây, nối đuôi nhau mà đi cho khỏi ngã.  Cứ một tiếng tôi lại rủ mọi người ngâm mình dưới nước một lát cho cơ thể đỡ khô vì mất nước.


Khỏang giữa trưa chúng tôi không đến một khúc quanh và ai nấy sững sờ khi thấy nhiều cây dừa nằm dọc ven biển.  Sau vài phút im lặng vì quá mừng ai nấy cùng reo lên, “ Có nước uống. Có nước uống!” rồi mau mắn chạy ào đến, ngửa mặt nhìn lên những trái dừa đang đong trưa trên cao, lúng túng không biết làm cách nào hái được những trái dừa quí báu kia. Con tôi muốn trèo lên nhưng Vạn không đồng ý, vì lúc này ai cũng đuối sức, chắc không có đủ hơi để bẻ những trái dừa vốn rất cứng và dai.  Sau khi bàn tán chúng tôi đồng ý đi lượm thêm giây, kết thành một sợi thừng cho thật chắc, quăng lên ngọn dừa rồi cùng nhau đu kéo cho dừa rụng. Phải cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới hái được một trái. Tuy mệt mỏi nhưng ai cũng cố gắng hết sức để kéo dài sự sống, hy vọng một phép lạ đem chúng tôi ra khỏi tình thế nguy nan hiện tại. Trong khi mọi người tiếp tục đu giây hái dừa thì con tôi đi vào  rừng. Lát sau nó trở lại với một con dao rựa đã rỉ sét. Chúng tôi chia nhau uống dè sẻn những muỗng nước dừa ngọt lịm và say sưa ăn cùi dừa tuy cứng mà ngon như chưa bao giờ được ăn món gì ngon như vậy. Cái đói khiến món ăn khiêm tốn nhất thành món cao lương mỹ vị.


Chúng tôi xách theo vài chai nước dừa, tiếp tục cuộc hành trình và dự định sẽ trở lại chỗ này nếu hy vọng chỉ là ảo vọng!  Chí ít chúng tôi cũng đã có một nguồn lương thực quí báu để kéo dài sự sống, chờ phép mầu. Khoảng năm giờ chiều, chúng tôi đến một khúc quanh. Qua khỏi khúc quanh chúng tôi lại một lần nữa bật lên những tiếng reo mừng phấn khởi.  Trước mặt chúng tôi là một miếu thờ bằng gỗ mái lá! Trên sàn miếu là một bàn thờ nhỏ và mấy lọ nhang đã tàn. Vượng lên tiếng đầu tiên:

  • Thế nào cũng có người ở đâu đây, mình phải ráng đi mau trước khi trời sụp tối.

Chúng tôi bước mau vì đã thấy chút ánh sáng lấp ló cuối đường hầm.  Khoảng một tiếng đồng hồ sau chúng tôi sững sờ thấy mình đứng trước hai nhà sàn khá rộng. Trước nhà là một khoảng sân lớn hình như để phơi cá tôm vì tôi thấy có nhiều giàn giá và mâm sấy. Người đàn bà đứng trên hàng ba gọị vào bên trong khi thấy đoàn người ốm đói đứng như trời trồng trước sân.  Hai ba người đàn ông chạy ra, xì xào thứ tiếng chúng tôi đoán là Cambodia. Một ông đứng tuổi bước xuống, lại gần chúng tôi và hỏi bằng tiếng Việt khá sõi:

  •  Mấy người là dân “con chuột”  [vượt biên] Việt Nam phải không?

Tôi vội xác nhận:

  •  Dạ đúng.  Chúng tôi bị đói cả tuần nay, xin ông giúp đỡ.

  • Vậy là mấy người bị gạt rồi đó.  Thái Lan không nhận thuyền nhân cả tháng nay!

Tôi chợt hiểu.  Thụ biết tin này nhưng không cho chúng tôi hay.  Y nhẫn tâm “đem con bỏ chợ”, đẩy chúng tôi vào chỗ chết.  Tôi năn nỉ:

  •  Xin ông mở lòng thương, giúp chúng tôi trở về Việt Nam.

Ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thương hại rồi quay lại nói mấy câu với người đàn bà.  Bà gật đầu rồi đi vào trong. Lát sau bà bưng ra một ấm trà và mấy chiếc ly nhựa. Ông già dặn dò:  

  •  Tui nói bà nấu cháo cá cho moị người ăn, nhưng tôi dặn trước, mỗi người chỉ được ăn một chén thôi.  Nhịn ăn cả tuần lễ nay bao tử teo lại, không làm việc. Nếu cho ăn nhiều quá nó bể ra là mình chết.

Trong khi chờ đợi cháo chín, Vạn kể cho ông ta nghe hành trình tìm tự do trong nỗi chết của chúng tôi hơn một tháng qua.  Nghe chúng tôi nói phải ăn con hà để chống chỏi với cái đói ông lắc đầu thương cảm. Ông cho chúng tôi biết ông đã từng sinh sống bên Việt Nam một thời gian, có biệt danh Ông Hai, vì vậy ông noí tiếng Việt khá rành.  Ông cũng biết nhiều người Việt Nam đã sang được Thái Lan qua đường giây ở Kompong Cham. Có vài nhóm tổ chức mời ông tham gia, nhưng vì lý do nào đó ông không nhận lời. Hiện nay vợ chồng ông và mấy người bà con hành nghề đánh bắt hải sản, thỉnh thoảng về đất liền bán sản phẩm và thăm gia đình.  Đôi khi công an biên phòng Cambodia ghé địa điểm này, vừa để ăn uống nhậu nhẹt, vừa “ nhòm ngó” xem ông và gia đình có làm ăn phi pháp gì không.  


Vạn hỏi ông nghĩ sao về tình trạng của chúng tôi, thì ông bảo chúng tôi không có cách nào hơn là trở về Việt Nam.  Sang Thái Lan lúc này là một ảo vọng. Tôi xin ông giúp cho mọi người phương tiện trở về. Ông nhìn tôi buồn bã, chép miệng:

  •  Có mỗi cách duy nhất, là goị công an biên phòng chở mấy người vô Kompong Cham.  Tôi không thể chở mấy ông mấy bà vô được, vì họ sẽ cho là tôi tổ chức nhưng thất bại.  Tôi và mọi người ở đây tất nhiên sẽ ngồi tù mút chỉ.

Sau khi cho chúng ăn cháo và nghỉ ngơi một lúc, ông Hai cho  biết ông ra đồn biên phòng báo công an. Ông rất ân hận nhưng không có cách nào khác để cứu chúng tôi khỏi vòng tù tội.  Ông an ủi, “ Vào tù ít lâu còn có ngày về, chứ chết là hết”. Tôi lấy ra chiếc nhẩn vàng y một chỉ, đưa tận tay ông, nói chúng tôi xin chi trả tiền xăng dầu phụ ông.  Ông cảm động và cám ơn.


Khoảng nửa đêm, tôi nghe tiếng thuyền máy ngừng ngoài bãi và sau đó là những tiếng xì xào trước sân.  Tôi vẫn chưa ngủ, lòng ngổn ngang nhiều nỗi âu lo. Tuy mừng là sẽ được sống, được có ngày đoàn tụ với gia đình nhưng tôi không khỏi băn khoăn, lo sợ những chuyện không may khác có thể đến với chúng tôi khi lọt vào tay biên phòng Cambodia.  Mấy phút sau, ông già vô đốt đèn đánh thức moị người dậy. Thấy hai người lính Cambodia còn trẻ, súng trong tay đứng chờ với vẻ tò mò, chúng tôi líu ríu thu gom túi xách rồi theo họ ra thuyền. Từ nhà ông Hai đến đồn biên phòng mất hơn nửa tiếng.  Trăng đêm nay vẫn sáng, nhưng trong lòng chúng tôi trĩu nặng ưu phiền nên không còn thấy đẹp và thơ mộng như cách nay hơn một tuần.  


Đồn biên phòng là một hòn đảo nhỏ giữa khơi, gồm ba dãy nhà vách tôn tường xi măng.  Lúc chúng tôi đến, người ta dẫn vào căn chính giữa. Trong nhà tôi thấy đã có nhiều người bị giam giữ, người nói tiếng Việt người nói tiếng Miên.  Hỏi thăm thì họ cho biết họ đã bị bắt trước đây một tuần trong lúc còn lênh đênh trên biển tìm cách vào Thái Lan. Theo họ, ngày mốt mới có tầu lớn ra dẫn độ vô đất liền.  Sau khi chúng tôi ngồi nghỉ chừng một tiếng đồng hồ, người mặc sắc phục công an Việt Nam đi vào lên tiếng:

  •  Nhóm người mới đến chuẩn bị vô làm việc, theo tôi vô văn phòng liền bây giờ.  [Hôm sau tôi được biết anh ta là công an Việt Nam, hợp tác với công an Biên Phòng Cambodia để “xử lý” những người Việt Nam đi chui qua ngả này]


Văn phòng nằm ngay đầu nhà, được ngăn cách với phòng tạm giam bằng bức vách gổ.  Phòng chia làm hai phần. Phần ngoài cho tù nhân ngồi chờ, phòng trong là chỗ “làm việc”.  Tên công an Việt đứng trông chừng bọn tôi khoảng mười phút thì có hai công an Cambodia đi vào, mặt mũi đỏ lừ, hơi rượu hơi bia nồng nặc.  Tên công an Việt bảo chúng tôi :  

  •  Mấy người phải khai thật lý lịch.  Khai sai là bị tù mút mùa.


Người đầu tiên bị gọi vô làm việc là cô cháu gái lớn của chị Hồng.  Tôi nhắm mắt, không dám nghĩ đến những chuyện kinh khủng có thể sắp xảy ra cho cô.  Lòng tôi quặn thắt. Tôi đưa mặt nhìn chị Hồng để chia xẻ nỗi lo. Mười phút trôi qua nặng nề, tôi nóng lòng như lửa đốt, chỉ sợ nghe tiếng thét của cô bé.  Nhưng mười phút sau cô trở ra, gương mặt bẽn lẽn, laị ngồi gần Hồng. Hồng thì thầm:

  •  Nó khám xét thế nào…cháu có …sao không?

  • Nó rờ rẫm khắp người, rờ cả chỗ kín, chắc xem mình có giấu vàng bạc gì không.  Nó kiếm được chiếc nhẩn cháu giấu trong xú chiêng. Chỉ vậy thôi.


Tôi thở phào, lòng nhẹ nhõm. Bọn tôi ai cũng phải cởi bỏ áo quần, chỉ được mặc đồ lót trong lúc bị xét hỏi.  Chúng đâu có bắt khai lý lịch, vì chuyện này sẽ do công an trong đất liền đảm nhận. Tôi bị mất hai chiếc nhẫn vàng y hai chỉ vì khâu trong gấu áo, nhưng chiếc lắc vàng không bị khám phá vì tôi may vào lưng quần.  Con tôi cũng không mất sợi giây chuyền năm chỉ vì tôi may rất khéo vào đáy quần của nó. Tuy nhiên chiếc đồng hồ Seiko không thoát.


Sáng hôm sau, tôi ngồi ngoài sân nhìn cảnh tượng chung quanh mà lòng ngổn ngang trăm mối trước một tương lai mù mịt thì thấy tên công an Việt Nam đi ngang.  Chợt lóe lên một ý tưởng táo bạo, tôi lên tiếng:

  •  Chú công an, chú cho tôi hỏi thăm…

Y ngừng lại chờ đợi.  Lấy hết can đảm, tôi nói:

  •  Chú có cách nào giúp chúng tôi khỏi bị tù lúc vô đất liền không?

  • Chị dỡn hoài.  Đi vượt biên bị bắt lại mà không bị tù mới là lạ.  Nhóm chị mấy người? Dô hồi đêm phải không?

  •  Dạ đúng.  Tụi tôi có tám người.  Nhưng nếu chú có cách nào giúp, tôi hứa xin đền ơn.


Không hiểu sao tôi thường gặp may một cách kỳ lạ, không giải thích được.  Hễ đau là gặp thầy gặp thuốc. Đi vượt biên mấy lần bị bắt lại, gặp công an tử tế, đã không ăn mãi lộ còn giúp đỡ nọ kia.  Thỉnh thoảng coi bói bài, người ta nói tôi có “vong độ”. Tôi chẳng biết vong là ai, không tin, nhưng phải công nhận tôi hay gặp hên.  Tin vào số mình nên tôi thử lại một lần nữa với tên công an này. Và có lẽ lần này y đang đói khách, chưa có tài ngoài bỏ túi nên y ngần ngừ:

  •  Mấy người ở đâu mà qua đây?  Ai dẫn đường?

  • Dạ, tui tôi dân Saì Gòn.  Đi theo đường giây của một ông tên Ba.

  • Có cả trăm ông tên Ba chị ơi.  Hổm rày trại bên đó đóng cửa rồi sao mấy người còn dám đi?  Bị gạt rồi.

  • Tuị tôi không biết nên giờ mới kẹt.  Chú làm phước cứu tuị tôi, tụi tôi xin đền ơn.  


Sau một hồi chuyện trò trả giá, cuối cùng y chịu móc nối cho tụi tôi trốn tù lúc vào tới đất liền.  Theo y, y phải chia chác với đồng bọn trong tổ làm việc mỗi khi có mối lớn, nên tám người chúng tôi phải trả cho bọn họ hai lượng vàng.  Tôi đồng ý, nhưng nói phải tới chợ Kompong Cham bọn tôi mới có thể tìm người mượn vàng đưa cho y, chứ hiện giờ bọn tôi truị lũi, không còn một chỉ trong mình.  Y cười, nói thẳng:

  •  Chị đừng hòng gạt tuị tôi.  Mấy người như cá trong rọ, tụi tôi bắt lại khó khăn gì.

  • Dạ, tôi biết điều đó.  Xin hết lòng cám ơn chú.  Không dám giấu chú, tôi còn giữ được một chiếc nhẫn một chỉ sau buổi lục soát đêm qua, xin tặng riêng cho chú.  Chiều nay tôi xin trao cho chú làm tin.


Rồi y cho tôi biết cách trốn.  Khi tầu vào đến bến, bọn tôi phải chờ lúc sau cùng mới lên cầu tầu.  Trong lúc nhốn nháo vì có vài trăm người bị áp tải, bọn tôi chia ra làm hai nhóm nhỏ đi về phía tay phải, nơi có chiếc cổng nhỏ dành cho nhân viên cảng sang nhà bếp và nhà tạm trú.  Khi đó y sẽ liên lạc đồng bọn, dàn xếp cho hai chiếc xe lambretta ba bánh đến đón chúng tôi cách đó mấy trăm thước rồi chở chúng tôi ra chợ. Chúng tôi phải thanh toán vàng cộng thêm tiền xe chuyên chở cho tài xế ngay ngoài chợ.  Nếu không có vàng thì họ sẽ kêu công an bắt tụi tôi lại.  


Tôi tìm Hồng, thầy Vượng và Vạn để thông báo việc móc nối và giá cả phải chi.  Gom lại, chúng tôi sẽ có đủ số vàng đã hứa. Còn chuyện vay mượn ngoài chợ là tôi nói dối, sợ y biết mình còn giấu được vàng trong mình thì nguy.  Sau nhiều chuyến vượt biên thất bại, chúng tôi đã học được cách dương đông kích tây như vậy để phòng thân.


Hôm sau, tầu lớn đến đảo đón dân vượt biên về đất liền.  Đó là một tầu dân sự chở hợp đồng. Mọi việc diễn tiến đúng như dự định giữa tôi và tên công an.  Qua mấy tiếng đồng hồ căng thẳng, hồi hộp, cuối cùng chúng tôi cũng ra đến chợ Kompong Cham và thanh toán sòng phẳng với tài xế lambretta.  Tôi nhanh chóng bao một chuyến xe chở mọi người về chợ Nam Vang sau khi đã kiếm được chỗ thay đổi y phục cho bớt bẩn thỉu và hôi hám.


Tại chợ Nam Vang tôi lại hối hả tìm cách trở về Saì Gòn.  Lúc này chúng tôi không còn của cải gì ngoài một số tiền lẻ để ăn uống qua loa.  May sao, tôi móc nối được hai bà buôn hàng lậu. Họ đồng ý dẫn chúng tôi về Saìgon, và khi về đến Sàigon chúng tôi phải trả cho họ mỗi đầu người ba chỉ vàng.  Đang trong thế kẹt chúng tôi đồng ý không dám kỳ kèo một lời, nếu không muốn nói là mừng như chết đi sống lại. Hôm sau chúng tôi khởi hành. Sau nhiều chặng kiểm soát gắt gao và những chuyến xe chuyến tầu ngoắt ngoéo để tránh biên phòng, chúng tôi đã về đến Sài Gòn chiều 28 tết khi thành phố đang chuẩn bị đón Xuân và chợ hoa đang sắp sửa khai trương dù không còn rộn rã như những năm chưa có cộng sản và nón cối dép râu.


Bước chân vào nhà, bố mẹ tôi ôm chặt con và cháu trong những cánh tay già nua khẳng khiu và cả gia đình oà khóc trong buồn vui lẫn lộn. 


Cứ mỗi lần Tết đến tôi lại nhớ những ngày đói khát trên đảo và buổi chiều cuối năm trở về nhà trong nước mắt mừng vui.  Vì đã qua gần mười năm thiếu thốn, kham khổ dưới chế độ cộng sản, rồi thêm hơn một tuần đói khát trên hoang đảo, phải ăn hà và gà chết trôi, nên sau khi sang Mỹ định cư, chúng tôi không bao giờ bỏ mứa hay vứt đồ ăn vào thùng rác.  Nhiều khi lỡ nấu quá nhiều đồ ăn chúng tôi luôn bảo nhau ăn thêm vào hôm sau, hay chế biến lại đồ ăn thừa cho đỡ ngán. Tôi vẫn nhớ như in cái thèm day dứt một ly nước lạnh và một dĩa cơm gà lúc nằm thoi thóp trên ghềnh đá năm xưa.


Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
23/07/202005:50:07
Khách
Chuyện thật cảm đông và hay xen lẫn hồi hộp như xem một bộ phim.Mong được đọc tiếp chuyện Chị được định cư sang Mỹ.
15/02/202007:33:34
Khách
Trải qua cam go như vậy mà chị Thịnh Hương thoát được, rõ ràng là nhờ phước lớn, lại thêm nhờ lời cầu nguyện chân thành nên chị và cháu cùng cả đoàn được cứu giúp về nhà không bị "sứt mẻ" gì. Mừng cho chị và cháu!.
14/02/202006:00:21
Khách
ngày xưa đi vượt biên thì còn trẻ măng ,lênh đênh trên biễn , say sóng nằm vùi , bụng đói meo , suốt cả 12 ngày chỉ uống nước cháo cầm hơi ..... tàu đi lạc , biễn nước mênh mông không thấy bờ đâu ......
bây giờ lớn
tuổi nhớ lại sao thấy mình gan thiệt .....
11/02/202017:46:56
Khách
Em chưa bao giờ đi vượt biên, đọc bài của chị em nín thở, đọc đến câu cuối, mừng cho chị & cháu trở về bình yên.
Cảm ơn chị Thịnh Hương, em chờ bài kế tiếp chị viết về hoàng tử bé W đi chị.
11/02/202017:33:08
Khách
kompong som chu khong phai kongpong cham
11/02/202006:36:51
Khách
Không ngờ chị TH cũng quá gian truân trong việc vượt biên. Chuyện được kể liên tục, dễ hiểu, hồi hộp. Câu chuyện ly hương được xây dựng bằng kinh nghiệm đau thương hàng ngàn người đóng góp, sẽ là một biên niên sử cho thế hệ mai sau.
11/02/202005:40:14
Khách
Cám ơn chị Thịnh Hương đã cho em đọc một bài về chuyến đi vượt biển thật kinh hoàng của chị.
Chị kể chuyện vượt biển rất hay và hấp dẫn người đọc.
Ai đã từng trải qua hoàn cảnh này, thì sẽ thông cảm và hiểu ngay những điều tỷ mỷ chị đã kể. Chỉ có bị nhiều hay ít hơn thôi. Nếu không có phép lạ và ơn trên cứu đỡ, có lẽ nhóm chị đã bị ở tù hoặc không có đường trở về nhà nữa rồi!!
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,956
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Tác giả tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan. Bút hiệu: Kim Loan, Hồng Đào. Sinh năm 1966 tại Việt Nam. Là cô giáo tiểu học trước khi vượt biển đến Thailand năm 1989. Hiện sinh sống tại Edmonton, Canada.
Tác giả là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề chăm sóc người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu tiên, "Ông ngoại của Thu đi lấy vợ", tác giả đã nhận giải thưởng đặc biệt năm 2010, và tiếp tục lui tới với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải. Mọi việc suông sẻ nên cảm thấy rất yêu đời, tôi tinh nghịch nhắm bên mắt trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh, rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi lên reo vui, cảnh vật trong trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng Windex. Nhớ lại ngày mổ mắt, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn các thủ tục thông thường
Tác giả lần đầu tham dự chương trình VVNM. Tên thật là Dương Hồng Chi, sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp: Sư Phạm Saigon ở Việt Nam, Ban Cử Nhân ở Mỹ, hiện nghỉ hưu, sống ở Slidell, Tiểu bang Louisiana.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Ngày xưa, trong cái thời hưng thịnh của Thung Lũng Silicon, chúng tôi cũng đã từng trải qua cái thời “tách ly”. Chồng tách (technician) vợ ly (assembly). Ai đã từng ở thành phố này đều nhớ đến cái thời thật huy hoàng đó. Không cần phải bác sĩ, kỹ sư gì cho nó mệt. Cứ hai vợ chồng, người tách người ly là tha hồ cuối tháng đếm tiền mệt nghỉ. Công việc trong các nhà máy thì dễ dàng, lềnh khênh nhiều không kể xiết. Overtime thì vô cùng thoải mái. Chịu khó ngồi ráng thêm vài tiếng là có tiền gấp rưỡi hay nếu là ngày nghỉ thì double pay. Thời đó ai làm việc trong các dây chuyền sản xuất, lãnh lương theo giờ còn sướng hơn mấy ông engineer ăn theo lương tháng nhiều. Làm tiền dễ đến nỗi quên cả thời gian. Nhiều khi cả tuần hai vợ chồng chỉ gặp nhau có một vài lần. Cũng tách ly nhưng quá sướng chứ có đâu như bây giờ cái thời cách ly ôn dịch. Đúng là cái tai hoạ tự nhiên từ trên trời rớt xuống. Có ai ngờ trong cái thời đại tiên tiến của cái thế kỷ thứ 20 có ngày tại cái xứ Mỹ này,