Tiểu sử tác giả: Helen Nguyễn
Đây là lần đầu tiên tác giả tham gia dự thi “Viết Về Nước Mỹ”. Sinh trưởng và lớn lên ở Saigon, tác giả cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện HO. Là cư dân của thành phố Chapel Hill, North Carolina, tác giả làm việc cho một công ty dược phẩm & kỹ thuật sinh học ở khu Research Triangle Park tại NC.
***
Tôi là con lớn nhất của một gia đình đông con sống trong một hẻm nhỏ ở quận 3, khu chợ Bàn Cờ, đường Cao Thắng - Phan đình Phùng, Saìgon. Trước năm 75 thì có thể gọi tôi thuộc gia đình quân nhân, bố tôi làm việc trong quân đội VNCH. Còn sau năm 75 thì người ta gọi tôi là con cái của sỹ quan ngụy. Bố tôi bị đi tù cải tạo. Mẹ tôi một mình tất tả ngược xuôi, thay chồng lo nuôi dưỡng, dạy dỗ một đàn con nheo nhóc. Chị em chúng tôi phải phụ giúp Mẹ, không những làm việc nhà mà còn phải phụ kiếm thêm tiền bạc ngoài giờ đi học, để có thể tạm đủ kiếm cái gọi là “thức ăn” cho vào bao tử mỗi ngày. Thôi thì tất cả những nghề nghiệp có thể có được lúc đó: đan lát thêu móc cho các tổ hợp xuất khẩu, may vá gia công, phụ bán guốc, bán rau ở chợ… chị em chúng tôi đều làm qua hết.
Sau khi học xong lớp 12 trung học, như bao nhiêu các bạn học sinh khác, tôi cũng nộp đơn xin thi vào đại học với ước mơ được tiếp tục đeo đuổi con đường học vấn, mở mang kiến thức và có được một nghề nghiệp chuyên môn vững chắc hợp với khả năng của mình. Không còn đi học nữa, mà kết quả thi đại học thì tôi chẳng có hy vọng gì mấy, tôi phải lo kiếm một việc làm nào đó để mưu sinh. Việc thêu may đan móc... là chuyện bình thường phải làm hàng ngày, mỗi tối. Tôi phải kiếm thêm một việc làm toàn thời gian ban ngày để có thể kiếm thêm được đồng cháo, đồng khoai cho gia đình.
Mùa hè năm đó, Mẹ tôi lần đầu tiên sửa soạn ra ngoài Bắc thăm Bố tôi đang ở tù cải tạo tại trại Hà Nam Ninh. Tôi ở nhà trông các em cho Mẹ mang quà ra tiếp tế, thăm nuôi Bố. Bác tôi cho tôi biết có người quen muốn sang lại một chỗ bán bánh chưng chiên ở trên lề đường Trần Quốc Toản, gần hẻm bán than cạnh đường Trần văn Văn, trước cửa Viện Hóa Đạo. Đang thất nghiệp, nghe có việc làm kiếm thêm tiền, tôi nhận lời liền mặc dù hơi hồi hộp vì tôi chưa hề biết buôn bán bao giờ, chỉ biết đan len, may vá …. từ sau năm 75 mà thôi. Tôi được dạy dỗ rằng chỉ có người hèn chứ không có nghề nào hèn cả. Vậy thì chẳng có gì phải lo sợ hết, hãy lên đường đi bán bánh chưng chiên thôi.
Công việc của tôi là mỗi tờ mờ sáng, cùng với cô em gái út, chúng tôi chở nhau trên cái xe đạp cà tàng, mang cái bếp than cùng với cái chảo, bao than đá, chai dầu ăn cùng những thứ lỉnh kỉnh khác lên đường đi làm kiếm sống. Bánh chưng này là loại bé bằng lòng bàn tay, có được tí thịt và ít đậu xanh bên trong, đã luộc chín, sẽ có người mang ra bỏ mối ngay tại lề đường cho tôi mỗi sáng sớm. Ra đến vỉa hè góc đường Trần quốc Toản và hẻm bán than ở gần đường Trần văn Văn, chị em chúng tôi bày hàng ra bán. Tôi nhóm lửa để than cháy hồng rồi đặt cái chảo lên chiên bánh chưng và bán ngay tại đó. Buổi sáng dân lao động, người đi làm mua bánh chưng chiên ăn điểm tâm cũng khá nhiều. Chừng sau khoảng 10 giờ sáng là tôi có thể biết hôm đó mình bán đắt hàng, có lời hay không rồi. Hôm nào bán ế, chị em chúng tôi phải mang bánh về nhà ăn trừ cơm. Coi như hôm đó chị em chúng tôi được ăn sang lắm: ăn bánh chưng chiên thay vì phải ăn bo bo hay khoai sắn với đậu, bắp... Những ngày buôn bán đó của tôi coi như không có lời, có khi còn lỗ vốn nữa.
Sau giờ cao điểm hay vào những lúc thưa khách, tôi có chút thì giờ ngồi tán gẫu với bà Tàu chủ xe bánh mì bên cạnh, hay với mấy anh chàng lái xe ba gác, chở than mướn, đậu nghỉ mệt sau khi giao xong than cho khách… Bà Tàu có lần hỏi tôi bộ chắc tôi còn đi học hả. Tôi hỏi lại là làm sao mà bà biết. Bả nói nhìn bàn tay tôi là biết liền, bàn tay của học trò. Còn một lần khác, một chú đạp xích lô ghé lại mua cho tôi một cái bánh chưng chiên. Vừa lấy cái bánh cắn ăn, chú vừa nói: "Cháu không cần phải thối tiền lại cho chú". Tôi chưa kịp mở miệng cám ơn thì chú đã hỏi tiếp: "Ba của cháu chắc là đi học tập cải tạo phải không?". "Sao chú biết?". " Nhìn là biết". Rồi chú leo lên xe, vừa ăn vừa đạp xe đi. Tôi không hiểu diện mạo của chị em tôi có cái gì đặc biệt mà người ta có thể đoán hết ra được như vậy. Nhưng mà thôi cũng được đi, miễn là chị em chúng tôi không bị đoán là phường xấu xa, trộm cắp là được rồi.
Bán bánh chưng chiên ngoài vỉa hè được vài tuần là tôi xuống tinh thần thấy rõ. Cuộc đời chẳng lẽ phải ngồi ngoài lề đường buôn bán như thế này mãi sao? Tiền lời kiếm được chẳng có bao nhiêu, không khéo lại ăn hết vào vốn. Mà cái quan trọng hơn cả, là cuộc sống của tôi không có lối thoát: biết làm gì đây với mảnh bằng trung học và với cái lý lịch con cái sỹ quan ngụy. Ban ngày buổi sáng đi bán bánh chưng chiên, buổi chiều và ban đêm chị em chúng tôi vẫn nhận đan móc, may vá từ các tổ hợp gia công để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống thiếu thốn, chật vật trăm bề. Mẹ tôi ra Bắc thăm Bố, nhân tiện cũng ghé thăm họ hàng sau bao năm chia cách...sau một vài tuần rồi cũng về nhà. Tiền bạc, của cải trong nhà cứ tiếp tục vơi cạn dần...chẳng còn gì nữa cả. Tôi vẫn cam chịu với hoàn cảnh sáng sáng vác bếp than, chảo, dầu ra lề đường ngồi bán bánh chưng chiên.
Rồi đến một hôm, cô bạn thân của tôi đạp xe ra chỗ tôi ngồi bán bánh chưng chiên, vừa táp vào lề đường đã hét toáng lên "ĐHBK có niêm yết danh sách thí sinh thi đậu rồi H ơi ! Q đi coi rồi. Có tên Q và cả tên H nữa. Đi bán xong rồi chạy lên trường, coi điểm đi H ơi”. Tôi nghe có cái gì đó lùng bùng trong lỗ tai, vẫn chưa hiểu là nhỏ bạn này nói có nghĩa lý gì. Tôi không hy vọng gì mấy về kết quả kỳ thi tuyển vào đại học của tôi. Tôi đi thi vì tất cả bạn bè tôi đều làm như thế. Phải chọn một trường nào đó để nộp đơn. Nộp đơn thì phải đi thi. Phải thử xem. Vậy thôi !
Tôi đạp xe lên trường ĐHBK, đến khoa KTHH để xem danh sách học sinh được trúng tuyển. Tôi thấy có tên mình, và tên của một số các bạn của tôi nữa. Có tiếng reo vui ở đâu đây... tia nắng bỗng dưng trong veo… bầu trời trở nên xanh ngắt. Cuộc đời này bỗng chốc trở nên lý thú hơn…. cuộc sống này trở nên hấp dẫn hơn, vì sẽ có nhiều điều mới lạ sẽ được học hỏi, tìm tòi, khám phá. Đẹp quá ! Vậy là tôi được đi học rồi, trời đất ơi !
Mẹ tôi rất vui mừng về kết quả kỳ thi của tôi. Mẹ tôi bảo tôi cứ yên tâm lo đi học đi, mọi chuyện khác ở nhà để Mẹ lo. Tôi đi học, điều đó có nghĩa là “sự nghiệp” đi bán bánh chưng chiên của tôi sẽ phải chấm dứt. Hỏi tìm mãi rồi tôi cũng kiếm được người sang lại cái chỗ ngồi bán bánh chưng đó. Ngày cuối ngồi ở lề đường, tôi không biết mình nên buồn hay vui. Vui thì chắc chắn rồi. Tôi đã đạt được giấc mơ mà mình ấp ủ bấy lâu nay... Tôi không cảm thấy có gì xấu hổ với cái nghề bán bánh chưng chiên của tôi cả. Tôi đã có dịp được sống và thấy thêm nhiều khía cạnh khác của cuộc đời mà nhà trường, gia đình chưa hề dạy cho tôi biết. Nhưng nếu phải đi bán bánh chưng chiên như là một phương kế sinh nhai thì tôi không muốn tí nào. Tôi muốn có những khả năng khác để mưu sinh, những khả năng thích hợp với con người của tôi hơn, những khả năng sinh kế với hiệu quả cao hơn. Đi học đại học sẽ cho tôi khả năng đó. Vậy mà sao tôi vẫn thấy man mác một nỗi thẫn thờ... không tả được.
Vậy là tôi sẽ không còn dịp ngồi quan sát cảnh phố xá tấp nập, xe cộ ồn ào, người lao động tất tưởi, hối hả mưu sinh dưới cái nắng gay gắt lẫn bụi xe và bụi than của con đường lớn Trần quốc Toản. Tôi sẽ không còn dịp bàn chuyện phiếm với bà Tàu về tuồng hát bội, vở cải lương tối qua bằng cái giọng Nam rặt mà tôi tự đổi giọng để cho phù hợp khi nói chuyện với bà. Tôi sẽ không còn dịp cảm thấy tội nghiệp cho mấy anh chàng chở mướn xe than đói bụng, năn nỉ xin mua ăn chịu bánh chưng chiên của tôi, để ngày hôm sau có tiền rồi sẽ trả. Tôi sẽ không còn dịp buồn ngẩn ngơ với mấy chú nhóc bán vé số, mỗi khi đi ngang qua chảo bánh chưng thơm lừng của tôi, cứ xuýt xoa: “Ngon quá chị ơi, mà em không có tiền mua….”. Tôi sẽ không còn được dịp biết đến thực tế ngoài đời của cái xã hội lao động nhọc nhằn, vất vả, khác hẳn với thế giới êm ả, yên tịnh của lý thuyết, sách vở trong trường học của tôi.
Tạm biệt nhé vỉa hè, chia tay nhé cái bếp than, cái chảo ... cùng bánh chưng. Cám ơn các bạn đã cho tôi sống được một khoảng thời gian hữu ích cho gia đình, cho tôi kinh nghiệm sống phong phú mà không ai có thể truyền dạy cho tôi được, cho tôi được quen biết với những người xa lạ, thú vị mà tôi chưa bao giờ được có cơ hội quen biết từ trước. Các bạn sẽ làm cho hành trang trên đường đời của tôi thêm đa dạng và phong phú. Tôi tự hứa là sẽ học hành chăm chỉ cho cái cơ hội ngàn năm một thuở này của tôi. Và tôi sẽ không bao giờ ra vỉa hè, ngồi trên lề đường để buôn bán nữa trong cuộc đời còn lại của tôi sau này.
Cuộc đời như một quyển sách mà đến lúc tôi phải lật sang trang khác thôi.
****
Thời gian thấm thoát trôi qua. Bố tôi rồi cũng được thả ra từ những trại tù cải tạo ở Sơn La, Hà Nam Ninh, Hàm Tân, Thuận Hải. Sau đó Bố tôi nộp đơn xin cho cả gia đình tôi đi tị nạn sang Mỹ theo diện HO. Gia đình tôi cuối cùng cũng được đặt chân đến bến bờ tự do, xứ sở của cơ hội, của thành công nếu bạn thực sự làm việc chăm chỉ, cần mẫn. Chị em chúng tôi đi làm, rồi đi học; tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định; lần lượt lập gia đình, có con cái; sống cuộc đời bận rộn như bao nhiêu người khác.
Quá khứ ở Việt Nam cùng kỷ niệm đi bán bánh chưng ngồi ở vỉa hè của tôi đã bị bụi thời gian phủ mờ, chìm dần vào quên lãng.
****
Gia đình nhỏ của tôi có 2 cháu, một trai và một gái. Các cháu lớn dần theo thời gian, đi học từ day-care, lên trường mẫu giáo rồi vào tiểu học. Ngoài giờ học ở trường, vợ chồng chúng tôi cũng cho các cháu tham gia những sinh hoạt khác để có thêm những kỹ năng hữu ích cho cá tính. Hai vợ chồng chúng tôi rất đồng lòng để cho hai cháu tham gia sinh hoạt Hướng Đạo (HĐ). Ở thành phố và tiểu bang chúng tôi cư ngụ không có nhiều người Việt sinh sống, nên không thể có được các Liên Đoàn HĐ Việt Nam. Cháu trai lớn đi sinh hoạt HĐ trước (BSA: Boys Scouts of America). Chồng tôi có nhiệm vụ lo toan cho mọi yêu cầu sinh hoạt của đội HĐ của cháu. Đến khi cháu gái của tôi đến tuổi đi sinh hoạt HĐ (GSUSA: Girl Scouts of the United States of America) thì đến lượt tôi làm nhiệm vụ chăm lo cho cháu đi sinh hoạt HĐ.
Hoạt động HĐ quen thuộc nhất với công chúng nước Mỹ có thể cho là việc bán Girl Scout Cookies hàng năm, như là một cơ hội kiếm tiền cho các hội đồng quản trị HĐ và các đội HĐ của địa phương đó.
Lần đầu tiên đội HĐ của con gái tôi đi bán bánh cookies là lúc cháu đang ở cấp Brownie. Các cô bé và các bà mẹ - mà tôi gọi là bà Mom - chúng tôi đã được huấn luyện về những điều cơ bản của việc buôn bán GS cookies. Chúng tôi bầu ra một bà Cookies Mom làm đội trưởng đội bán cookies. Bà này sẽ chịu trách nhiệm về việc order bánh, đi nhận bánh ở warehouse, mang bánh về nhà của bà cất giữ, chịu trách nhiệm về sổ sách tiền bạc và tài khoản trong nhà băng của đội, phân phối bánh cho mỗi lần ra bán hàng và kiểm soát bánh tồn kho. Còn một bà Mom sẽ khác lo việc xin giấy phép bán hàng với Council - Hội đồng cố vấn HĐ của quận địa hạt, với chính quyền của thành phố và với manager của cửa tiệm mà chúng tôi xin đứng bán bên ngoài cửa tiệm của họ.
Chúng tôi cũng còn phải ghi danh để xin bốc thăm về thời gian và địa điểm bán bánh nữa. (Ở những cửa tiệm đông đúc người qua lại vào giờ cao điểm thì chắc chắn việc bán bánh của các cô bé HĐ sẽ đắt như tôm tươi. Còn những chỗ vắng vẻ khác hay là vào những giờ ít người qua lại thì sao? Vì vậy để có được sự công bằng cho tất cả các đội HĐ, Council- Hội đồng cố vấn HĐ đã đưa ra luật bốc thăm này). Sau khi có được địa điểm và thời gian bán bánh cho đội của mình, các bà Mom chúng tôi sẽ chọn và ghi danh nhận đi ra bán bánh vào địa điểm và thời gian thích hợp với thời khóa biểu của các cô bé HĐ và của bà Mom đó. Chúng tôi còn được huấn luyện là không được nài ép khách qua đường mua bánh, luôn luôn phải nói “cám ơn quý vị đã ủng hộ bánh cookies của nữ HĐ” hoặc là khi khách từ chối không mua cũng vẫn phải vui vẻ lịch sự nói “cám ơn”.
Sau khi ký nhận các giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục pháp lý đi bán bánh của hai mẹ con chúng tôi, con gái tôi hớn hở, vui mừng trông chờ đến ngày cô ta được đi bán bánh cookies cho đội nữ HĐ của cô. Điều đó có nghĩ là chúng tôi sẽ phải ra đứng ngoài vỉa hè của một cửa tiệm nào đó (Walmart, Target, Lowes, Home Depot, etc.) hay cửa hàng thực phẩm (Harris Teeter, Whole Food, Krogers, etc) hay Bưu điện, Thư viện công cộng, hay trên lề đường đông đúc ở dưới phố - dowtown, trong cái thời tiết mùa đông của tháng 1 và tháng 2 tại tiểu bang NC của tôi. Tôi cũng hồi hộp khi nghĩ đến việc đi bán bánh cookies vì tôi chưa hề biết buôn bán ở xứ Mỹ này bao giờ, tôi chỉ biết đi học và đi làm ở hãng xưởng như là cái nghề chính kiếm cơm bấy lâu nay của tôi thôi. Tôi được dạy dỗ rằng chỉ có người hèn chứ không có nghề nào hèn cả. Vậy thì chẳng có gì phải lo sợ hết, nào lên đường đi bán bánh cookies đi.
Có cái gì không ổn ở đây. Đi bán bánh ở ngoài lề đường, trên vỉa hè, tại nước Mỹ này !
Ngày đầu tiên hôm đó, tôi lái xe ra sớm, phụ với một bà Mom đi bán chung shift với tôi: bày bàn, dọn bánh, mang hộp tiền kiểm lại, giăng bảng quảng cáo mời chào mua bánh do các cô bé HĐ tự vẽ lấy. Các cô bé sẽ đứng bán tại bàn, còn các bà Mom chúng tôi (tối thiểu phải có 2 bà) sẽ đứng đằng sau các cháu, kiểm soát trông chừng mọi thứ (tiền bạc, bánh được giao bán đúng loại, cử chỉ và tư cách trong khi buôn bán của các cháu và của cả khách hàng, v.v…). May mắn cho chúng tôi là thời tiết hôm đó lại rất ấm áp, mặc dù cây cành đều đã trơ trọi trụi lá. Đứng trên lề đường bán bánh trong ánh nắng vàng đẹp, trời xanh trong ngắt ... bỗng dưng ký ức năm nào nơi quê nhà, trên vỉa hè bụi bặm, con đường lớn ồn ào, tấp nập xe cộ qua lại … với cái chảo, với bếp than, và bánh chưng chiên… chợt ùa về… Đường đời của tôi lại một lần nữa quẹo cua bất ngờ, cho tôi quay về với kỷ niệm trong quá khứ cùng kinh nghiệm ngàn năm một thuở mà tôi ngỡ rằng đã bị vùi chôn mất rồi.Tôi bỗng thấy cay cay ở mắt … mà đâu có bụi khói than gì ở đây đâu !
Bà troop leader - trưởng đội HĐ của chúng tôi là một người phụ nữ làm việc toàn thời gian - full time. Về sau này tôi mới biết là bà giữ chức vụ rất cao trong một hãng công nghệ điện toán. Đi bán bánh cookies chung với bà, tôi đã học hỏi rất nhiều ở thái độ lịch sự, hòa nhã, vui vẻ và thân thiện của bà, và nhất là ở nghệ thuật tiếp thị - marketting của bà nữa. Tôi thì cứ tưởng là buôn bán ở nước Mỹ này thì cứ việc bày hàng hóa ra, niêm yết giá, rồi thì sẽ có người đến mua. Vậy mà bà trưởng đội HĐ đã làm thay đổi hoàn tòan quan niệm của tôi. Bà thường không đứng sau lưng các cô bé HĐ, mà bà cầm hộp bánh cookies đứng ra xa gian hàng …. chào mời những người qua lại “ Would you like to buy some Girl Scout Cookies? Quý vị có muốn mua bánh cookies không?”; hay bắt chuyện về thời tiết , thể thao football, basketball; hay chỉ là một lời khen ngợi về cái áo len dễ thương của cô bé đi qua đường, về đôi giày Nike trông bắt mắt của cậu bé con hối hả chạy theo ông bố. Thật là thú vị khi thấy những người Mỹ không hề quen biết nhau cũng có thể tiếp chuyện lẫn nhau một cách lịch sự và cởi mở như vậy. Có khi câu trả lời là “Xin lỗi tôi đã mua bánh cookies cho cô bé hàng xóm rồi”, “Xin lỗi tôi không ăn ngọt được”, “Không sao đâu. Chúc bạn có được một ngày vui vẻ nhé”, “Được rồi, để tôi thử xem. Các cô bé này có loại bánh gì đây.” … Cứ như thế cuộc chuyện trò, đối thoại sinh động cứ tiếp tục, với khách hàng, người qua lại bên đường cho đến khi hết giờ bán bánh.
Lúc đầu không quen, tôi cứ đứng ỳ ra, chẳng biết nói năng gì. Khác với năm nào ở quê nhà ngồi ở vỉa hè bán bánh chưng, tôi còn phải bận rộn chiên bánh, đẩy củi, tiếp than vào lò để có lửa mà chiên bánh. Tôi không có thì giờ rao hàng, chào mời khách, mà từ trước tới giờ tôi cũng không quen làm chuyện đó nữa. Bây giờ ở Mỹ đi bán bánh cookies thì lại khác, tôi không phải làm gì hết, chỉ đứng trông chừng gian hàng vậy thôi. Bạn cứ thử tưởng tượng đi: tôi, một người đàn bà Châu Á - duy nhất trong đội - đứng bán bánh cookies ở một khu vực đa số toàn là người Mỹ, mà cứ ù lỳ đứng một chỗ, khuôn mặt tôi chắc cứ thộn ra…. Chính tôi cũng cảm thấy kỳ kỳ, không thân thiện... làm sao đấy.
Vậy là tôi tập thay đổi, bắt chước làm giống như bà đội trưởng HĐ, đổi sang cách hành xử chuyên nghiệp như khi đi làm ở sở. Ban đầu tôi còn ngượng ngùng, về sau quen dần, tôi cũng tập bắt chuyện, vui vẻ mời chào khách hàng. Trong lúc buôn bán nói chuyện thì mình phải tươi tắn lên, chứ không lẽ mình nói chuyện với bộ mặt cau có như là… mới cãi nhau với ông xã sao. Rồì cũng thành quen, tôi cứ “nhe răng ra tươi cười” nói chuyện … một hồi rồi tôi cũng thấy vui vẻ và linh hoạt hơn. Nhờ vậy mà shift bán bánh của tôi, có khi 2 tiếng, có khi 3 tiếng, trôi qua cũng không đến nỗi khó khăn.
Có một hôm đội của chúng tôi được phép đứng bán ở trước cửa Thư viện công cộng của thành phố. Hôm đó chúng tôi tiên đoán là sẽ không bán được bao nhiêu, bởi vì người đi thư viện không có khuynh hướng mua bánh mà cũng không hay mang theo tiền. Quả đúng như vậy, chúng tôi đứng bán ế sưng ra. Có một cậu thanh niên trông dáng vẻ như sinh viên người ngọai quốc với backpack nặng chịch đi ngang qua gian hàng của chúng tôi. Các cô bé HĐ mời chào mua bánh. Cậu ta dừng lại hỏi về bánh cookies, về đội HĐ, về dự tính dùng số tiền kiếm được của các cô bé HĐ. Rồi cuối cùng cậu ta nói: “Trong thư viện người ta cấm không cho ăn bánh mà tôi cũng không có tiền …. Nhưng tôi có cách này… Đợi tôi một chút”. Nói rồi cậu quày quả đi trở lại ra bãi đậu xe. Lát sau cậu ta tiến đến gian hàng của chúng tôi, đưa cho chúng tôi một vốc lớn bạc cắc: “Tôi tin tưởng vào lý tưởng HĐ của các bạn. Đây là tòan bộ số tiền mà tôi có được ở trong xe của tôi. Tôi không mua bánh đâu, tôi chỉ muốn ủng hộ các bạn thôi. Chúc các bạn thành công nhé.” Cậu vẫy chào rồi đi vào thư viện.
Cuối tuần đi bán bánh, tôi thích chọn shift đi bán bánh vào buổi sáng sớm để sau đó tôi còn có thì giờ còn lại trong ngày làm công việc nhà. Cái khổ của shift sáng vào tháng 1 và tháng 2 ở vùng tôi ở, là thời tiết thường rất lạnh, nhiệt độ trung bình là trong khoảng 300F , có khi 200F . Các bà Mom và các cô bé người Mỹ cũng có than thở về trời lạnh. Nhưng đối với bà Mom gốc Việt Nam như tôi thì đó là cả một sự thử thách. Tôi không dám nói với bất cứ ai, ngay cả với ông xã nhà tôi, là tôi đã phải chuẩn bị quần áo đặc biệt cho những ngày đứng bán bánh ở ngoài trời trong thời tiết lạnh lẽo này, như thế nào. Này nhé tôi đã phải mua cái quần jean lớn hơn một số mà tôi thường mặc, để có chỗ mặc thêm bên trong cái quần jean này 2 cái quần thermal nữa. Còn áo thì khỏi nói: nào là áo thermal, áo len mỏng, áo len dày, rồi còn áo coat mùa đông to tướng có mũ đội trên đầu, găng đeo tay phải là loại thật dầy… Tôi trông giống như một quả banh tròn - puffy ball khi đi bán bánh vào những buổi sáng như vậy đó. Con gái tôi được đẻ ở Mỹ không hề than vãn về chuyện lạnh lẽo, ăn mặc như mấy cô bé Mỹ khác mà tôi hay gọi là "phong phanh", chẳng thấy nó bị cảm lạnh, sổ mũi gì hết.
Còn một hôm nữa, đội của chúng tôi được phép đứng bán ở lề đường cạnh một cửa hàng thực phẩm. Tôi thường xuyên đi chợ ở siêu thị này, nên thường hay thấy một ông nhân viên Mỹ già, làm công việc đẩy các xe shopping cart ở bãi đậu xe, mang vô trở lại trong tiệm. Không biết lương của ông là bao nhiêu với cái job đẩy xe này mà tôi thấy ông chỉ làm có mỗi một công việc này thôi: lúc trời nắng nóng nực mùa hạ hay trong trời lạnh buốt giá mùa đông. Trông ông có vẻ yếu đuối, chậm chạp, vậy mà cũng vẫn còn sức lực đi làm cái công việc nhọc nhằn như thế. Trời hôm đó lạnh lắm. Tôi thấy ông mặc nhiều lớp quần áo, lại đeo găng tay dầy để đẩy xe, giống như tôi vậy đó. Ông ghé qua gian hàng bán bánh của đội HĐ của chúng tôi, đưa ra tờ 5 dollar và nói: "Tôi không mua bánh đâu, tôi chỉ muốn ủng hộ các cháu thôi. Trời lạnh quá mà các cháu làm việc chăm chỉ, siêng năng ghê. Thật là đáng khen". Các cô bé tranh nhau nói lời cám ơn ông trong khi ông quay trở lại với hàng xe shopping cart dài ngoằng ngoẵn, ra sức kéo nó vào bên trong cửa tiệm.
Trong đầu tôi chợt vút qua hình ảnh chú đạp xích lô năm nào cho tôi tiền thối còn dư lại. Chú đạp xích lô… ông Mỹ già đẩy xe ở chợ…. cậu sinh viên người ngoại quốc đi học thư viện…. chẳng ai giàu có cả. Vậy mà tấm lòng của họ đâu có nghèo nàn đâu nhỉ. Tôi lại thấy cay cay ở mắt... Chắc tại trời lạnh, tôi có bệnh mắt khô mà không chịu nhỏ thuốc vào mắt lúc sáng dậy ngày hôm nay.
Tôi còn nhớ mãi lần đó đi bán bánh, có một bà Mom hỏi tôi nguyên quán từ đâu tới, Việt Nam có phải là một tỉnh của Tàu không. Những câu hỏi này làm tôi - một người phụ nữ Châu Á rụt rè, ít nói - trở nên nộ khí xung thiên. Tôi lôi hết vốn liếng tiếng Mỹ mà tôi có được, cộng thêm với quơ tay múa chân, ra sức thuyết giảng một hồi cho bà về lịch sử Việt nam và chiến tranh VN. Để chấm dứt bài “đít cua“ này, tôi còn phán một câu xanh rờn với bà “Do your homework before saying something”. Những tưởng là bà Mom này sẽ phật lòng, giận tôi. Vậy mà lần đi bán cookies sau đó, bà ta bắt chuyện lại với tôi. Bà hỏi tôi về địa lý VN trúng phong phóc, về thời sự và du lịch VN, về thời thơ ấu của tôi trong chiến tranh VN, v.v… Trời đất ơi, tôi mà làm cô giáo đi dạy học, có được bà học trò này làm homework giỏi đến như vậy, thì sự nghiệp của tôi sẽ lên đến tận ... chín từng mây xanh đấy chứ nhỉ. Sau đó bà còn đề nghị đưa đội HĐ của chúng tôi đi dự Hội Chợ Tết của Cộng Đồng VN như là một cơ hội tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Bà còn dắt theo chồng bà đến dự Hội Chợ Tết VN với chúng tôi nữa. Mãi về sau tôi mới biết bà là kỹ sư thảo chương, còn ông chồng bà là giáo sư của trường Đại học Y khoa nổi tiếng ở thành phố bên cạnh.
****
Con gái tôi đã nhập học Đại học năm ngoái và không còn đi sinh hoạt HĐ nữa. Tôi không còn phải đưa cháu đi họp HĐ hàng tuần. Tôi cảm thấy một nỗi trống vắng không tên. Tôi đâm ra nhớ đội HĐ, nhớ các bà Mom của đội HĐ - các bà bạn Mỹ của tôi. Ừ, của tôi ! Đội HĐ không còn là của riêng con gái tôi nữa, mà còn là của tôi, như là một cái gia đình nhỏ khác của tôi vậy. Tạm biệt nhé những buổi họp bàn luận để tham gia đi cắm trại, đi hiking, đi học các lớp để lấy huy hiệu - badges, đi thăm các viện bảo tàng, đưa các cô bé đi học các lớp võ tự vệ, học sơ cấp cứu, học trông trẻ nhỏ-babysitting, học chụp hình, v.v… Không có các sinh hoạt HĐ này, một người đàn bà gốc Châu Á như tôi sẽ không có cơ hội tìm hiểu, học hỏi, tham gia và hòa nhập vào cuộc sống của quê hương thứ hai này.
Cám ơn HĐ đã cho tôi có cơ hội được đi cắm trại vào muà hè trong cái nóng ẩm 100 F, ban đêm đốt lửa trại , ngủ ở trong lều mà muỗi bay vo ve bên ngoài … làm tôi lại nhớ đến những buổi tối cúp điện nóng nực ở quê nhà. Cám ơn HĐ đã cho tôi có cơ hội phải tập luyện thể dục thường xuyên để còn có sức lực đi làm chaperone - mà tôi hay gọi đùa là đi “chăn” - các cô thiếu nữ Mỹ khỏe mạnh, dạn dĩ, tràn đầy sức sống, lòng yêu đời, yêu người, mỗi khi đội chúng tôi đi chơi chèo thuyền kayacking, leo núi, hiking, cắm trại. Cám ơn HĐ đã rèn luyện cho các em gái, các thiếu nữ trong đó có con gái tôi, và cả bà Mom gốc VN của cô ta nữa, về tính trung trực & thẳng thắn, tinh thần đồng đội, tính tháo vát, trí phiêu lưu & mạo hiểm, lòng tự tin vào bản thân và vào lý tưởng có thể làm thay đổi cho thế giới này tốt đẹp hơn, bằng cách trau giồi thể lực, kiến thức để học hỏi, thực hành về khả năng tổ chức, về lên kế hoạch, về quản trị thương mại, về STEM (Science, Technology, Engineering, Math). Cám ơn. Xin cám ơn.
Bây giờ là January, tháng một của một năm mới. Mùa bán cookies của các nữ Hướng Đạo sinh lại về. Trên TV, internet... người ta quảng cáo để ủng hộ Cookies của nữ HĐ. Rồi đây khi xuống phố hay đi chợ, tôi sẽ gặp các đội nữ HĐ với các cô bé gái đứng bán, chào mời mua cookies trên lề đường cùng với các bà Mom đứng đằng sau trông chừng, cũng giống như hình ảnh con gái tôi và tôi, của năm ngoái và của những năm trước đó. Vậy là từ bây giờ trở đi tôi không còn dịp đi họp HĐ để bàn bạc chuyện đi bán bánh cookies nữa. Vậy là tôi sẽ không còn dịp thử độ chịu đựng của tôi về cái lạnh ở xứ Mỹ này, bằng cách lôi những bộ quần áo dành riêng cho đi bán cookies mà mỗi năm nó càng bớt dày đi. Vậy có nghĩa là tôi sẽ không còn dịp gặp các bà Mom để nói chuyện gẫu trong khi vắng khách: từ chuyện ca cẩm về các ông chồng (Mỹ hay Việt Nam đều giống nhau cả thôi), chuyện nấu nướng, đến chuyện nuôi dạy con cái, lo chở chúng nó đi bơi, học đàn, đá banh, hay là chuyện than vãn trong sở làm về boss, về đồng nghiệp. Vậy là tôi sẽ không còn có dịp quan sát những người Mỹ thật sự ngoài đời thường, trên đường phố với đủ ngành nghề, ăn mặc đủ thứ kiểu cọ khác nhau, nói tiếng Mỹ với đủ giọng accent của địa phương; các cô cậu sinh viên của trường Đại học ở dưới phố bàn cãi trận đấu bóng rổ sắp tới v.v..., chứ không phải những người Mỹ tác phong đứng đắn, ăn mặc lịch sự, nói năng nhã nhặn như trong sở làm của tôi. Không còn nữa rồi…
Khoảng gần bốn mươi năm trước, tôi đã tưởng là mình sẽ giải nghệ nghề “đi bán bánh” ở lề đường.
Bây giờ đây tôi có nên tuyên bố là mình sẽ không bao giờ “đi bán bánh” trên vỉa hè nữa không nhỉ ?
Helen Nguyễn,
January 2020
Năm 1973 , quân viện của Mỹ cho VNCH là 2 tỷ 1, sang năm 1974 chỉ còn 1 tỷ 4, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu - trong đó 300 triệu để trả lương cho nhân viên cơ quân tuỳ viên quân sự DAO của Mỹ. Rồi trong buổi họp kín ngày 12/ 3/75, đảng Dân Chủ ở Thượng và Hạ Viện đã phán quyết: Không cấp thêm viện trợ quân sự cho VNCH nữa. So sánh với người lính Mỹ, trong thời gian 1966-71, ngoài tiền bạc dồi dào, họ còn được trang bị các vũ khí tối tân , được yểm trợ bởi từng dàn các phản lực cơ siêu âm - oanh tạc cơ hiện đại như B52, Phantom F4, Thunder chief F5, Intruder A6..., mấy ngàn chiếc trực thăng đủ cỡ. Ngoài khơi, lại còn có Đệ Thất hạm đội . Quân phí cho người lính Mỹ : Năm 1967: 485600 lính Mỹ - 20 tỷ đô la. Năm 1968: 536100 lính - 26.5 tỷ đô la. Năm 1969: 475000 lính - 29 tỷ đô la.
Ngoài ra, miền Bắc lại còn có nguồn nhân lực vượt trội hơn miền Nam. Thời 1954, dân số miền Bắc 23 triệu, dân số miền Nam 17 triệu. Năm 1975 , cả nước có 47,6 triệu người, trong đó miền Nam khoảng 20-21 triệu. Sau Hiệp Định Paris 1973, Hà nội lại tiếp tục tăng cưởng thêm quân vào miền Nam .
Nếu không có cái Hiệp Định "Hòa Bình què quặt " ngày 27/1/73 thì đâu có những lời văn buồn đến nẫu người như vầy ! Hiệp Định này cho phép 300000 bộ đội Bắc Việt với đầy đủ súng ống, đạn dược được tiếp tục ở lại miền Nam , trong khi Mỹ rút hết các lực lượng chiến đấu và cắt giảm viện trợ cho miền Nam. Tác giả John Ehrlichman , trong cuốn "Witness to Power, the Nixon Years " đã thuật lại rằng sau khi Hiệp Định được ký kết 27/1/1973, ngày hôm sau , ông đã hỏi Kissinger: " Theo anh thì Miền Nam Việt Nam có thể còn tồn tại được bao lâu nữa " ? Kissinger trả lời:" Tôi nghĩ rằng nếu may mắn thì họ có thể giữ được chừng một năm rưỡi ".
1960: Lợi tức bình quân của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1960 : Việt Nam Cộng Hoà 223 USD, Đại Hàn 155 USD, Thái Lan 101 USD, Trung Quốc 92 USD, Ấn Độ 84 USD, Bắc Việt 73 USD.
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Nhìn lại quá khứ thật đáng nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm. Câu chuyện của tác giả phản ánh sự trung thực trong tất cả các g/đ có cha anh đi học tập cải tạo thời lúc bấy giờ. Không cầu kỳ hay trau chuốt, văn giản dị bình dân nhưng rất lôi cuốn. Một câu chuyện thật làm bao người hồi ức lại 1 thời dĩ vãng không có gì đẹp cho lắm ! Thanks,
Thú thật là khi thấy các em thiếu nhi mặc dù phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên vẫn hồn nhiên, vui vẻ mời chào những người qua lại mua bánh, góp nhặt từng đồng từ khách thập phương , tôi cảm thấy ái ngại thương cảm cho các em, vì trong khi đó, các ông các bà ở Tòa Bạch Ốc, ở Quốc Hội đang vung tay chi tiêu hàng muôn tỷ tiền thuế của dân như những nắm giấy lộn vào những kinh phí không cần thiết hay vào những chi tiêu vô ích ở địa phương , mà mục đích chỉ là để cho họ, cho đảng của họ được tái đắc cữ trong những nhiệm kỳ nối tiếp.