Hôm nay,  

Thêm Một Lần Cảm Ơn.

29/11/201900:00:00(Xem: 63340)

Bài số: 5845-20-31614-vb6112919

 

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả

 

***

 

Buổi sáng Chúa Nhật, bên ngoài chỉ 21oF. Nhiệt độ rớt xuống nhanh dù chưa phải mùa Đông, chúng ta còn đang ở mùa Thu hoa Cúc. Lùa tấm màn che cửa, xin chút nắng của đất trời, tôi thoáng thấy một búp Hồng lẻ loi dưới chân tường sát bên cửa sổ. Chao ôi !, thật là vui rộn trong lòng. Bây giờ, ngoài công việc ở nhà, ở nơi sở làm, tôi tìm vui bên những luống hoa trồng trước sân nhà. Này là hoa Cúc đủ mầu, hoa Mimosa, và đặc biệt mấy cây Hồng già cỗi như tôi. Cắt vội cành hoa còn sót lại đem chưng bên bàn viết, vì thương hoa lạnh lẽo bên ngoài, tôi chợt nhớ câu thơ "Cảm ơn hoa đã vì ta nở" của cố thi sĩ Tô Thùy Yên.

  "Cảm ơn hoa đã vì ta nở", chỉ có tâm hồn tinh tế của người nghệ sĩ mới thốt ra câu nói ân tình đó. Còn tôi, gần ba mươi năm ở đất nước này, tôi phải nói tiếng "cảm ơn" bao nhiêu lần với Người, và việc quanh tôi?

  Tình yêu thương đối với cha mẹ, anh em đã đành ai cũng có, và tiếng "cảm ơn" trong lòng ta là sự rung cảm âm thầm; từng năm, từng tháng, từng ngày.

  Những ngày đầu tiên ở đất nước Hoa Kỳ này, ngoài hai gia đình của người em họ ở Brooklyn - New York chúng tôi còn phải cảm nhận tình yêu thương của người đồng hương đầu tiên, mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn mang nặng ân sâu. Đó là Bác Lại, ông già hơn bảy mươi tuổi lúc ấy, ở cách chúng tôi vài blocks đường. Ông người miền Bắc, hàng ngày đẩy cái xe nhỏ đi lượm lon quanh vùng Brighton Beach. Mỗi cái lon Coca, hay lon bia, ông đổi được năm cents. Cơ cực là vậy, nhưng lúc nào ông cũng lạc quan, yêu đời, được mọi người chung quanh quí mến.

  Ông nói :

  -Coi vậy, chứ mỗi tháng cũng kiếm được trăm bạc, bù vào tiền già. Mấy người Mỹ còn cẩn thận, bỏ mấy cái lon vào túi nylon treo sẵn trước cửa cho tui đó cô!.

  Biết chúng tôi mới đến, mọi sự thiếu thốn, nên ông muốn giúp một chút. Thỉnh thoảng, ông đến cho vật dụng nhà bếp, cái ghế ngồi, hay tấm chăn bông còn mới người ta cho mà ông dư dùng. Lần đầu đến nhà, ông vừa kéo chuông, vừa nói lớn :

 

-Mở cửa cho tôi cô, chú ơi, tôi là bạn của anh Hoàng, anh Hạc đây. Tôi là người Việt nam đây!

  Quí bạn đọc có thấy lòng rưng rưng không !!?? Ông nói tiếng Việt lại xưng mình là người Việt, thương quí là ở chỗ đó.

  Sau một tuần ở nhà người em họ, chúng tôi ra thuê apartment có hai phòng ngủ cũ xì ở đường Neptune, chủ nhà người Ấn độ. Đêm đầu tiên, chúng tôi phải trải giấy báo mà nằm, gối kê đầu là bao quần áo cũ của Hội Từ Thiện VACO (New York City) đem cho. Sau đó, giường chõng, chăn màn có được cũng từ Bác Lại "môi giới chỉ điểm" chỗ người ta bỏ ra đường.

  Bây giờ, tôi vẫn nhớ như in dáng người cao to, nhưng khắc khổ của Bác trai, và bác gái đang vướng vào căn bệnh nan y thời kỳ cuối. Bác gái bị ung-thư vú (breast cancer), và bác sĩ cho biết chỉ sống được không quá sáu tháng. Chúng tôi đến thăm bà, và não lòng thay khi biết được tâm nguyện của người sắp giã từ trần thế :

 -Tôi muốn được về Việt nam. Về bên ấy, tôi có chết đi cũng được rẻ vì... bên này đắt đỏ quá.

  Tôi rơi nước mắt, người đàn bà tội nghiệp, mà con gái mới bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ được vài năm, tuổi già nghèo khó, lại thêm bệnh tật, neo đơn, vì con gái cũng ở xa, có gia đình, con cái riêng tư.

  Đám tang của bà Lại ở nhà thờ Coney Island vỏn vẹn chỉ mười người gồm cả cha xứ, và hai cháu trai giúp việc tông đồ. Tôi nhớ bà đi cũng vào mùa này, mùa ThanksGiving, mà bà nói là mùa Lễ Gà Tây.

  Bây giờ, bác trai chắc cũng đã "đi xa" rồi. Chúng tôi chưa kịp nói lời từ giã, chưa kịp nói lời cảm ơn Bác khi phải rời New York vì công việc mưu sinh. Bác Lại ơi! ở nơi nào đó, ở thế giới nào khác, Bác hãy nhận cho gia đình cháu lời cảm ơn chân tình nha Bác, cảm ơn tấm lòng hào hiệp, ưu ái của Bác, người đồng hương nghèo khó, nhưng tình người lại giàu có vô biên!

  Chắc cả triệu lần hơn, người Việt chúng ta đã nói lời cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ. Và cũng cả triệu lần hơn, người Việt chúng ta cũng tâm niệm rằng đây là quê hương thứ hai của mình, sẽ "sống gửi, thác về", đã đến đây rồi sẽ ở lại đây, sẽ gửi xương, gửi thịt này bằng cách này, hay cách khác.

  Theo thống kê của Sở Di Trú năm 2010, có một triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn bốn trăm ba mươi ba (1.737.433) người Việt cư trú trên thế giới. Bây giờ sau mười năm, con số này chắc trên cả hai triệu người. Chúng ta là những "Người Di Tản Buồn" (Tựa bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc), và xem đất nước này là nơi "ở tạm", là tạm dung. Nhưng đã gần nửa thế kỷ rồi, có bao nhiêu người Việt trở lại đất nước "thiên đường"?  "...Em có mơ ngày hát câu hồi hương..." (Em Còn Nhớ Mùa Xuân - Ngô Thụy Miên).

 Với tôi, quê hương Việt nam, Saigon của tôi chỉ còn là quê hương trong trí nhớ. Hy vọng quí bạn đọc sẽ đồng ý với tôi, vì còn quê đâu nữa mà về?

  Người Việt giàu có ân tình, thủy chung, chân chất nay đâu rồi, mà thay vào đó những "Chí Phèo" gian trá, lừa lọc! "Ai cho tôi lương thiện"? Câu hỏi đó của nhân vật Chí Phèo xoáy sâu vào tim óc của mỗi người Việt lưu vong : xã hội Việt nam đã tha hóa con người Việt nam từ rất lâu rồi. Văn hóa, nhân bản, tình người Việt nam đã chìm sâu đáy vực chỉ vì một chủ nghĩa điên rồ.

  Chúng ta phải nói lời cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ này bao nhiêu lần cho vừa, cho đủ khi đất nước này đã tạo cơ hội cho con cháu chúng ta ngẩng cao đầu, được sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống, và đặc biệt là sự tự do? Dĩ nhiên, mọi người chúng ta không phải hưởng lợi, há miệng chờ sung, cướp công, cướp của dân nghèo để có được những biệt phủ dát vàng, nghìn tỷ, hay những bữa tiệc thừa mứa, cầu kỳ mặc cho nhiều người nghèo quanh ta đói rét.

  "Cảm ơn" không chỉ ở đầu môi mà xuất phát từ quyết tâm "đền ơn đáp nghĩa" bằng từng bước học tập, vượt khó hướng tới tri thức về khoa học, kỹ thuật hiện đại, tạo dựng đời sống bình đẳng, nhân ái, và tự do.

  Chúng ta vẫn mang nặng ân tình người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã "ở lại Charlie" đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc. Bây giờ, một số anh em thương tật vẫn còn ở Việt nam trong tuổi già cơ cực, thiếu thốn. Điều này đã thể hiện rõ ràng trong chương trình "Cám Ơn Anh" được tổ chức hàng năm ở Hoa Kỳ của đồng hương hải ngoại. Chúng ta tri ân người dang rộng cánh tay cứu giúp mình không chỉ bằng lời, mà còn là hành động cụ thể. Thế hệ thứ hai, hậu duệ của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã cảm ơn nước Mỹ bằng chính cuộc đời binh nghiệp của mình để bảo vệ hòa bình, và thế giới tự do.

  Tháng Mười, có ngày mười, đó là ngày vinh danh Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn. Ông đã nói lời cảm ơn nước Mỹ thật sự, đã cưu mang ông từ lúc nhỏ. Đứa trẻ mới chín tuổi đầu -1968- biến cố Tết Mậu Thân, phải chứng kiến cảnh cha mẹ anh em bị thảm sát một cách bi thương, phút chốc trở thành mồ côi. Đau đớn này bút mực nào nói hết?

Và không chỉ có tướng Nguyễn Từ Huấn, chúng ta cũng hãnh diện khi có thêm những vị tướng Mỹ gốc Việt tài năng  như : Châu Lập Thể (Army), Lương Xuân Việt (Army), William H. Seely II (USMC), và Danielle J. Ngo (Lục Quân). Họ đã trả ơn nước Mỹ bằng tài trí của chính mình, vượt qua gian khổ, học tập, chiến đấu cho lý tưởng tự do,cho nền dân chủ Mỹ.

  Chúng tôi những người tị nạn, những đồng hương của quí vị, xin gửi đến quí vị lời tri ân chân thành.    

  Trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, xin quí bạn đọc, quí bạn văn cho tôi được nói lời cảm ơn đến những vị mà tôi rất kính trọng, rất trân quí. Người đầu tiên chúng tôi muốn thưa chuyện cùng quí vị là người thầy đáng kính của thời sinh viên chúng tôi của năm mươi năm trước. Đó là Giáo sư Lê Hữu Mục, giáo sư hướng dẫn của lớp chúng tôi ở Đại học Sư phạm Saigon năm 1969. Ông là người đỗ Tiến sĩ Quốc gia năm 1973, ưu hạng, là Thủ khoa của khóa thi duy nhất; và Á khoa là Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, hiện đang ở Victorville, California.

 

Chúng tôi vẫn còn mang nặng trong lòng niềm hối tiếc, đó là không có dịp thăm lại Thầy Mục, dù Thầy mới ra đi vài năm trở lại đây thôi. Niềm ân hận đó khiến tôi trăn trở, ưu tư, và hay tự trách mình. Tôi còn nhớ mãi lần gặp gỡ thầy trò ở quán cơm Thanh Bạch trước chợ Saigon năm 1973.

 

Thầy nói :

-Lam à ! mi đừng lấy chồng nghe, học tiếp cao học rồi trở lại trường làm việc với thầy.

 

Lúc đó tôi chỉ cười trừ, và nói :

-Bi nhiêu đây là ế chỏng gọng rồi thầy, học thêm nữa chắc em ở giá.

 

Thầy cười ha hả :

 

-Ta biết mi có thể học lên, "hữu mục" là "có mắt". Ta có con mắt tinh đời; không dễ gì có được một đứa học trò như mi.

 

Thầy Mục ơi! SL xin cảm ơn Thầy, và nơi thiên đường chắc Thầy nghe được tiếng lòng con..?

 

Nhớ Thầy, SL xin gửi lời cảm ơn Thầy qua người bạn "tri âm" của Thầy, là Giáo sư Nguyễn Văn Sâm ; ông đồ già trên đất Mỹ.

 

Kế tiếp, chúng tôi thêm một lần cảm ơn Tòa soạn Việt Báo (California) mà chúng tôi đã lui tới sinh hoạt, giao lưu với các bạn trong chương mục "Viết Về Nước Mỹ" được tổ chức phát giải thưởng, và ra mắt Tuyển tập sách hàng năm. Ở đó, người viết, và người đọc là một, để chia xẻ, an ủi, cảm thông. Tôi đã vui sống với những trang viết, những mảnh đời đâu đó của những cây bút không chuyên, để thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm kéo dài từ nhiều năm, nhiều tháng. "Viêt Về Nước Mỹ" là công trình, là tâm huyết của người chủ biên sáng lập    Nhà văn Nhã Ca Trần Thị Thu Vân - , là nơi hội tụ, gặp gỡ của những người già cô đơn muốn dàn trải tâm sự mình, như tôi là ví dụ.

 

Và sau cùng, xin một lần cảm ơn người bạn đường đã đi cùng tôi quảng đường bốn mươi lăm năm lao nhọc để các con có được cuộc sống an vui, sung túc như hôm nay. Chúng tôi không phải là "thanh mai, trúc mã" cũng không là bạn học, bạn tình, không có một "tình yêu sấm chớp", hẹn hò lãng mạn, mà chỉ có đời sống vợ chồng bình lặng, tình ít nghĩa nhiều.

Cảm ơn "ba sấp nhỏ" đã chịu đựng một phụ nữ nóng vội, ồn ào như tôi trong khi ông lúc nào cũng trầm tĩnh, ít nói. Có thể nói chúng tôi là hai "nghịch lý" của cuộc đời này. Chúng tôi không có sự ngọt ngào săn đuổi lúc ban đầu, nhưng có được sự tôn trọng, biết thương nhau,và chia xẻ những thăng trầm của cuộc đời dâu bể trong giai đoạn khổ đau nhất của "phận người, vận nước" từ sau 1975.

 

Bây giờ chúng tôi đã già hom hem, bệnh tật. Những di chấn của tháng ngày lao khổ, đói lạnh đó ở biên giới Việt    Trung làm cho ông mang nhiều căn bệnh khó chữa. Xin ông hãy cố gắng vượt qua. May mà có các con làm việc trong ngành y-tế, nên nhà tôi cũng được an ủi phần nào.

 

Cuộc đời là giấc mộng dài, và hạnh phúc như bóng ma chờn vờn, mờ ảo. Tôi biết vậy, và đã bằng lòng với hiện tại, với hạnh phúc nhỏ nhoi mình có được trong tuổi già "bóng xế đầu non".

Đã nhiều lần nói về mình, tôi chẳng có gì ưu điểm đâu, chỉ có sự ân cần nghĩ đến người bất hạnh hơn mình, biết lắng nghe, và chia xẻ.

 

Cành Hồng mong manh còn sót lại ở sân nhà đang bên tôi. Đó là hạnh phúc, là niềm vui ngày Chúa Nhật đời thường khi bên ngoài đất trời buồn thiu, lạnh giá. Cho tôi xin chút hơi ấm của tình người, và chúng ta hãy trao nhau nụ cười phát xuất từ nhịp đập của trái tim để nói tiếng "Cảm ơn"

 

Cảm ơn các bạn văn, cảm ơn quí bạn đọc đã theo tôi qua bài viết này. Thân chúc hết thảy mọi người mùa Lễ Tạ Ơn đầm ấm, hạnh phúc, để chúng ta cùng nhau cảm ơn cuộc đời.

 

"...Dù đến rồi đi

Tôi cũng xin tạ ơn người,

Tạ ơn đời, tạ ơn ai

Đã cho tôi còn những ngày

Quên kiếp sống lẻ loi.

Dù đến rồi đi

Tôi cũng xin tạ ơn người,

Tạ ơn đời, tạ ơn ai

Đã cho tôi tình sáng ngời

Như sao xuống từ Trời."

 

(Tạ Ơn Trịnh Công Sơn 1964).

 

Song Lam.

Thanks Giving - 2019. 

Ý kiến bạn đọc
02/12/201916:29:59
Khách
Thưa bạn Từhuy,
Cảm ơn bạn đã đọc mấy bài còm của tôi và còn bỏ chút thời gian phản hồi, rất trân trọng. Bài này tôi muốn dùng EQ (tình cảm), không dính dáng gì đến IQ (thông minh, lý trí). Vì bài viết chủ nói về cảm ơn... cho nên tôi viết "ké" một bài góp ý cho vui, cũng rất biết ơn tác giả bài viết chủ, VB và mục VVNM, đồng thời xin quý vị độc giả niệm tình đồng hương mà bỏ qua cho tôi nếu có viết lan man, lạc đề....
Những điều bạn góp ý tôi thấy rất thích, vì nó là sự thật đã xảy ra trong thực tế, mọi người đều đã nghe thấy và nhìn thấy (facts), còn chuyện ý kiến, nhận xét , quan điểm và kết luận (opinions) thì lại là chuyện khác, chúng ta thấy cái gì hay thì làm theo, cái dở thì bỏ đi. Bạn viết đúng như vậy thì lấy cớ gì mà chê hay giận cho được. Văn hóa mà những người đang ở hải ngoại sử dụng là văn hóa thuần túy VNCH (trừ vài nước ở đông Âu có dính dáng ít nhiều đến văn hóa XHCN ).
Trước 1975, miền Nam ta (VNCH) dùng từ Hán Việt thì miền Bắc (VNDCCH) lại dùng từ thuần việt và ngược lại. Theo tôi nghĩ có lẽ lúc đó nó là "văn hóa chính trị", cho nên hễ cái gì mình dùng là đúng thì địch phải là sai ?!. Thí dụ : Thủy Quân Lục Chiến (lính thủy đánh bộ), máy bay trực thăng (máy bay lên thẳng), đi lính (đi bộ đội)....v.v. Ở đây tôi viết những chuyện này là để cho mọi người thấy rõ Quốc Ngữ Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú, chỉ là tùy lúc tùy chỗ mà sử dụng vậy thôi. (Bạn đã học triết học thì biết rõ câu : mọi thứ đều có giá trị không gian và thời gian). Hồi tôi mới qua Mỹ, khổ sở vì phải điều chuẩn lại một số từ ngữ Việt, vì trước đó đã sinh hoạt gần 20 năm trong nước !!!?. Tôi vừa khoe với mấy đứa bạn : Hồi đó tụi mày cho tiền tao đi mua xe "tay ga" và "khẩn trương" đi "đăng ký"... Bọn hắn chặn lại ngay, mày đang dùng từ ngữ gì vậy, bọn chúng "chửi" tôi tet tua, nhưng sau khi chửi thì dẫn đi chợ mua cho đủ mọi thứ ...hihi !?. Tôi nghe "chửi" nhiều quá rồi cho nên nó quen (mặt dầy !?), bây giờ ai khen tôi thì thích lắm, ai chê thì tôi sửa, ai "chửi" tôi cũng rất vui vì biết rằng mọi người ở đất Mỹ này rất thương tôi, giận thì giận, thương vẫn thương. Ngay khi đang viết bài này thì chuẩn bị đi tiễn đưa một niên trưởng của tôi đang chuẩn bị "về quê thật", nơi đó không còn hận thù....Không còn văn hóa bạn, thù...
Bây giờ nếu bạn thử đọc mấy tờ báo lớn trong nước (VN) thì sẽ thấy họ đã "đổi cũ" thay vì "đổi mới" VH/XHCN bao nhiêu phần trăm. Bạn đã đọc lịch sử Trung Hoa thì thấy rõ, nhà Nguyên xâm lược TH rồi sau hàng trăm năm cai trị TH thì bị đồng hóa với TH (người thắng trở thành người thua).
Tôi nhắc lại là tôi rất thích đọc những bài viết của bạn, thương mến nhau thì nhìn vào cái tốt cái hay của nhau mà sống, mình là công dân Mỹ rồi thì mình sống theo kiểu Mỹ, tôn trọng tự do ngôn luận. Tôi định viết vài bài chủ về Y Võ Dưỡng Sinh, sức khỏe và bệnh tật....Vì thấy ít có ai viết về đề tài này, những người trên 65 tuổi thì thấy rõ : Sức khỏe quý hơn vàng bạc kim cương ?. Quan điểm của tôi là sống có chất lượng, không phải cứ sống lâu là tốt, nghĩa là sống thế nào để không bị bệnh tật hành hạ đau đớn "sống không bằng chết", vậy thôi.
Nếu bạn đọc nhiều bài VVNM thì chỉ cho tôi biết những bài viết thuộc về đề mục nêu trên, rất biết ơn bạn, vì tôi "lười" đi kiếm lắm. Cảm ơn nhiều. ĐVH
02/12/201912:53:08
Khách
Lạ hén, một bài viết mà có nhiều ý kiến giống như tranh luận, nhưng mà hổng phải dành cho tác giả, thế mới biết có nhiều vấn đề mà người ta phải nén trong lòng quá lâu để có cơ hội nói ra cho đỡ buồn.( dù nói vui hay nói bực)
Chuyện ơn nghĩa ở đời thì ai cũng mang nặng nhưng cách nói ra như bài viết của chị Song Lam thì rất đáng trân trọng, chúc chị có những năm tháng còn lại an vui thanh thản bên gia đình và bạn bè
02/12/201907:10:27
Khách
Thưa anh Đinh Văn Hoà,
Văn chương thời Việt Nam Cộng Hòa ra sao em không rành lắm vì khi ấy em còn bé xíu.
Nhưng văn chương em dùng xưa nay em có thể chọn lựa giữa viết đúng chính tả, hay viết theo kiểu ngôn ngữ vùng miền. Với điều kiện đã chọn cái nào thì giữ nguyên như vậy suốt bài viết. Nhất là đối với dạng văn đối thoại.
“Cái lồi ngồi trên cái cốc” em đã bỏ trong ngoặc kép. Em nghĩ mọi người cũng hiểu ý em muốn nhấn mạnh khoảng thời gian... vượn về thành. Mỗi khi có ai nhắc về các “đồng rận” thời sinh Bắc tử Nam thì em liên tưởng ngay đến chuyện “Cái lồi ngồi trên cái cốc.” Nuôi cá trong bồn cầu, hay những chuyện tương tự như vậy.
Em sinh trưởng ở Sài Gòn, xóm em rặt người miền Nam. Từ lúc rời Việt Nam thì bạn bè em có thuộc đủ mọi miền đất nước. Bạn bè em, và cả em nữa luôn hãnh diện với bản sắc vùng miền của mình. Có đôi khi chọc nhau chỉ để được dịp cười nôn ruột với nhau.
Nếu em có vô tình làm anh không vui em xin anh bỏ qua cho.

“Of Mice and Men” của John Steinbeck. Ngày... xưa em đọc ngất ngư luôn vì dùng toàn dạng ngôn ngữ vùng miền 🤓

Sẵn em xin nói luôn. Anh lớn hơn em rất nhiều. Em xin lỗi vì gọi anh là anh. Nhưng em tin mọi người đều có thể thấy được sự tôn kính em dành cho bậc trưởng thượng.
Anh con dì em sinh năm 1949, dân lính ngày xưa. Mấy anh con rể của dì em cũng là lính VNCH.
Em xin được mượn ý của anh. Hai người đứng cách nhau đôi con đường gọi điện thoại cho nhau. Một người nói trời đang mưa, người kia nói trời không mưa. Cả hai đều đúng.
Kính mến.
02/12/201901:48:20
Khách
Thưa bạn Nguyen Bao,
Tôi thấy những trải nghiệm của tác giả bài viết chủ này và gia đình tôi có nhiều điểm giống nhau : Ở tù ct , bị quản chế tại gia và sau đó còn ở lại VN một thời gian khá dài trước khi đi định cư tại Mỹ cho nên tôi hỏi chị để xem chị trả lời thế nào cho vui chứ không có ý gì khác (chưa thấy chị trả lời ?).
Khi ở tù ct, các niên trưởng của tôi luôn luôn nhắc nhở tôi như vầy : Không lấy thắng thua để luận anh hùng, người quân tử "thông minh thủ chi dĩ ngu", người quân tử giữ lễ độ với kẻ vô lễ với mình.
Trong thời gian đó có ba điều phải chịu là : bị bỏ đói, nghe chửi và lao động khổ sai. Mãi sau này khi đi định cư tại Mỹ rồi thì tôi mới được nghe những lời "chửi" giống như của bạn viết trên đây. Thưa thật với bạn, trong thời gian sống trong quân ngũ 10 năm tôi được thụ huấn nhiều khóa học, nhưng chưa có khóa học nào dạy cho tôi biết là khi muốn đi định cư nước ngoài thì phải làm đơn nhờ kẻ tử thù của mình ký duyệt (điều kiện ắt có) rồi sau đó mới được nước ngoài xét tiếp (điều kiện đủ) và chấp nhận. Tôi nhìn sự việc này thấy nó buồn cười thế nào ấy !?. Vì nhờ cái nhìn sự việc đa chiều cho nên luôn thấy vui vẻ chấp nhận tất cả may rủi trong cuộc sống đặc biệt là khi ở tù ct với gần 2,000 niên trưởng và đồng niên.
Những lời lẽ bạn "chửi" rất hay, có bài bản, nghe dễ hiểu, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Ý của tôi muốn hỏi là khi làm đơn đi định cư nước ngoài mà ký đơn lại là kẻ tử thù của mình, thấy nó dở khóc dở cười mới hỏi một câu cho vui vậy thôi.
Bạn chưa cho tôi biết đó là "ơn" hay "oán" thì bạn đã vội kết luận tôi là thế này thế nọ....Tôi chỉ cần câu trả lời như bạn Trung đạo là đủ rồi, còn những vấn đề khác thì ở đây không phải là chỗ tranh luận
Đặt trường hợp bạn là thầy giáo dạy học, nếu có học sinh hỏi bạn là : Thưa thầy 2 cộng với 2 là 4 hay là 5 ạ ?. Đúng ra bạn phải trả lời là 4, thay vào đó bạn lại nói với học trò là : Đồ con nít, lớp học này xấu hổ vì trò, trường học này xấu hổ vì trò. Học trò của bạn ngơ ngác...!!!?. ( trò này dốt vẫn hoàn dốt).
Có nhiều câu hỏi mà ai cũng biết rồi, nhưng vẫn có người hỏi để muốn biết rằng ai sẽ trả lời, trả lời đúng hay sai vì "người là văn, văn là người", chỉ đọc vài lời văn hay nghe vài câu nói là biết rõ đối tượng là ai ngay thôi ?!.
Cảm ơn bạn đã góp ý và cũng cảm ơn các bạn đọc mục VVNM này. Cẩn bút.
01/12/201921:12:29
Khách
Trung đạo :" anh đuợc đi .H O là chính sách của MỸ giúp người lính dồng minh cũ bị bỏ rơi để xóa bỏ mặc cảm, chứ công an , nhà nước làm gì có quyền cho anh đi. Đó khong phải là ơn ". Trích.

Không ai cấm ông Đinh văn Hòa viết còm trên diễn đàn này, tuy nhiên, là một cựu sĩ quan VNCH mà ông hỏi "công an xét đơn nói với em như vầy : Anh phải biết "ơn" Đảng và nhà nước rất nhiều : Thứ nhất là tha chết cho anh khi ở trong trại cải tạo, thứ hai là bây giờ ký giấy cho anh đi Mỹ định cư, nếu không có Đảng và nhà nước ta ký vào hồ sơ này, không bao giờ anh ra khỏi VN này được. Chị chỉ cho em hai trường hợp mà em đã trải nghiệm trên đây là ơn hay oán ? ", thì tôi nghĩ cái câu hỏi của ông không những làm người dân miền Nam lấy làm hổ thẹn có một người dân VNCH ngây thơ như con nít mới lên ba như ông mà người lính VNCH cũng lấy làm xấu hổ có một quân nhân như ông không hiểu tí gì vể Cộng sản cả.

Cộng sản là lũ đểu cáng, giả dối, điêu ngoa ,lừa bịp , láo lường , gian ác...thế mà chúng nó nói gì ông cũng tin sao ông?! Trong các trại tù "cải tạo", bọn quản giáo luôn miệng nói " Các anh cũng thấy nhân dân căm thù các anh như sao rồi. Nếu không tập trung các anh lại trong trại, tánh mệnh các anh sẽ rất nguy hiểm ". Tôi đoán bao lâu nay, chắc hẳn trong lòng ông đã mang " ơn" chúng nó đã giữ ông trong trại "cải tạo" chớ nếu không,thì ông đâu còn sống sót cho đến ngày hôm nay nhỉ "! Trong khi sự thật của chính sách "cải tạo" của cộng sản Hà nội là sách lược trả thù vô cùng thâm độc và nham hiểm , Cộng sản không những đã giam cầm vô thời hạn những Quân, Cán, Chính của VNCH trong các lao tù tận nơi rừng sâu, nước độc, bắt lao động khổ sai, cho ăn uống thiếu thốn, không ngoài mục đích giết dần, giết mòn tù nhân kham chịu khổ nhục không nổi, đành phải tử vong vi kiệt sức, đói khát và bệnh hoạn, không thuốc men chữa trị mà chúng còn bắt cả gia đình thân nhân liên hệ cũng phải mòn mỏi thăm nuôi trông chờ người thân trở về cũng không tránh khỏi kiệt sức và tán gia bại sản cùng chung số phận.
01/12/201909:43:18
Khách
Cảm ơn bạn Trung đạo đã giúp tôi phân biệt rõ hai chữ "ân" và "oán". Hồi đó có "thằng" bạn rủa tôi là thằng Bờm, tôi thích quá, chắc bạn đã biết rồi, bờm có cô vợ đẹp như mơ, nhưng Bờm học chữ Nho thì hơi "bị" kém một chút, lúc vợ Bờm dẫn ra sân dạy Bờm bài học đầu tiên, nhất là 1 gạch ngang, nhị là hai gạch ngang, tam là ba gạch ngang....Bờm ta không cần gia sư nữa mà vừa cầm que nhỏ vừa đọc vừa viết : Tứ là bốn gạch ngang...thập là mười gạch ngang, bách là 100 gạch ngang, thiên là một nghìn gạch ngang....Bờm viết được nghìn gạch ngang là hết chỗ để gạch...hihi ?!. Nhưng Bờm rất thực tế, khi Bờm có cái quạt mo, phú ông xin đổi ba bò chín trâu và đủ thứ trên đời mà Bờm vẫn lắc đầu không chịu cho đến khi phú ông đưa nắm xôi ra đổi là Bờm cười ngay. Lũ bạn của tôi nó la tôi nhiều tôi càng thích vì chữ la mà có chữ đô đi trước thì ...càng la càng mập, chả bù khi ở trong tù càng nghe la càng ...gầy !?. Cũng vì ông Mác Kên nghe la mắng ở nhà tù Hỏa Lò HN mấy năm mà anh em chúng tôi được ông ấy giúp đõ bằng cách vận động đưa tù nhân ct đi Mỹ đấy.
Anh Chương Phạm kính,
Anh CP nhắc đến những năm mà sinh viên bãi khóa đó có anh NL (hiện đang ở CA), "anh" Huỳnh Tấn Mẫm và rất nhiều "anh" khác nữa mà sau này khi em tiếp nhận công tác trong một văn phòng (anh CP đoán ra cũng biết văn phòng gì rồi) cứ phải theo dõi xem "các anh ấy" làm lợi cho quốc gia dân tộc được nhiều hay ít ?!. Năm 1970 em được đơn vị cử đi học khóa TKD đặc biệt ở Saigon hơn 1 năm, ăn ở ngoại trú, lãnh lương "đúp", ngày luyện 6 tiếng đồng hồ, thầy ĐHĐ trực tiếp huấn luyện. Ban đêm em đến võ đường QT học thêm JD với thầy Tâm Giác. Võ đường của thầy TG có lúc lên đến 40 nghìn võ sinh, trong đó có rất nhiều nam thanh nữ tú, đặc biệt là có rất nhiều "đại sư tỷ" và "sư tỷ" đẹp như mơ, cái động lực khiến bản thân em cố gắng học JD là được ngắm các tỷ muội luyện tập, ra đòn ....(Dĩ nhiên nam nữ học riêng táp-pi để tránh nam võ sinh lấy cớ nhập nội để "chiếm tiện nghi" các tỷ muội...Hihi. Chỉ được nhìn thôi nha. Ý em muốn nói là em không được may mắn như anh CP, em gặp đâu học đó cho nên em có nhiều sư phụ, khi ở tù ct em có thêm mấy sư phụ nữa, có dịp em sẽ kể cho anh và quý vị nghe cho vui.
Ngày đầu tiên đến hồ bơi NBK, rồi hồ bơi Thiên Nga, sau khi ngắm các "thiên nga" bơi lội, hôm sau em ghi tên học khóa bơi lội ngay tức thì. Thời niên thiếu chúng em đi tập bơi ở khu cầu sắt (HXH, DL) gần trường trung học Yersin Dalat, ở cái xứ Dalat thanh lịch làm gì có cơ hội được ngắm nhiều "thiên nga" bơi lội như vầy... Hihi, thật không công bằng mà !?. Em lại có thêm thầy dạy bơi lội nữa, nhưng cái động lực làm cho em bơi lội giỏi là nhờ các "tỷ muội" đấy. Chắc Anh CP lại "chửi" em là tên Giả Bảo Ngọc thời đại, nhưng em thề với anh là em không có đi quá giới hạn đâu nha, có chính em làm chứng cho em là đủ rồi ?!. Hơn một năm ở Saigon em có thời giờ để đọc thêm rất nhiều sách, sau này khi ở tù ct em dùng thời gian để "nhai lại" những gì mà em đã đọc trước đó.
Thưa bạn Từhuy,
Tôi chào đời ngay tại vùng "ông não nè nưỡi niếm nòng nợn nuộc" đây. Sau này tôi mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu thêm về cách phát âm tiếng Việt, hình như vùng đất và nước uống khiến cách phát âm khác biệt ?. Miền Bắc phát âm sai một số phụ âm đầu, miền Trung phát âm sai một số cả âm đầu và âm cuối, miền nam phát âm sai phụ âm cuối và dấu hỏi ngã đôi khi lẫn lộn ...v.v. nhưng khi viết chính tả thì lại viết rất đúng !?. Mình nói ra vấn đề này để thông cảm nhau vậy thôi, ai thấy có gì sai sót thì chỉ thêm, vì ở đây giới hạn không nói nhiều hơn được, hẹn dịp khác.
Cón cách dùng từ ngữ thì sau khi chia đôi đất nước, miền Bắc dùng từ thuần Việt thì miền Nam dùng H-V và ngược lại. Văn hóa Việt nam thì được miền Nam giữ lại rất nhiều từ thời xa xưa, còn bây giờ thì họ (cs) dùng văn hóa XHCN. Văn hóa Trung Hoa (không phải văn hóa Trung Cộng) và Văn hóa Việt Nam thuần túy có nhiều "dây mơ rễ má" với nhau từ thời xa xưa.
Cảm ơn bạn đã đọc, nếu có gì sai sót mong bạn và quý vị chỉ dẫn thêm, Đa ta.
01/12/201904:15:38
Khách
Anh Đinh Văn Hòa,

Anh viết lan man
Nhưng đọc khoái màng (nhĩ)

Y như chuyện tiếu lâm thời... “Cái lồi ngồi trên cái cốc!”
Chắc nhiều người cũng... khoái giống em! 🤓👍
01/12/201903:49:26
Khách
Ông Lê hữu Mục có dạy tôi Dự bị văn khoa năm 63-64 lúc tôi học Đại học Sư pham Huế khóa 4 năm 63-67, sau đó ông đổi vô Sg.
Còn tôi năm 1966 ( 22 tuổi) vì sinh viên Phật giáo bãi khóa tùm lum nên mới xin dổi vô SHSP Saigon năm chót , ra trường 67, đi dạy trong Nam luôn. Thày Mục người Bắc,dạy Việt văn rất hay., hấp dẫn. Không biết giờ này thày ở đâu? hay đã quy tiên rồi?
01/12/201903:41:03
Khách
Tôi nghĩ bạn bè qua MỸ tuy chửi nhưng gửi quà về cho anh sửa sang nhà cửa,mua xe đi thòi buổi bao cấp ở VN là quý quá ròi. Đó là cái ƠN.
Còn chuyện anh đuợc đi .H O là chính sách của MỸ giúp người lính dồng minh cũ bị bỏ rơi để xóa bỏ mặc cảm, chứ công an , nhà nước làm gì có quyền cho anh đi. Đó khong phải là ơn.
30/11/201919:58:08
Khách
Đọc đi đọc lại bài viết của chị thì thấy những điều chị nêu ra khá đầy đủ về chữ "ơn", em cảm ơn chị đã viết ra những điều mà em rất muốn viết, nhưng sở thích của em là chỉ thích "đọc" mà lại lười viết, mà có khi cũng chẳng đủ sức mà viết một bài cho ra hồn ấy chứ !?.
Điều em muốn nói ở đây là muốn nhờ chị giúp em phân xử xem những gì mà em đã trải nghiệm qua nó là ơn hay là "oán".
Khoảng những năm sau 1981 khi em được "phóng sinh" khỏi trại tù ct về thì bắt đầu nhận được thư của mấy "thằng" bạn từ nước Mỹ gởi về, trong thư đại khái bọn hắn "chửi" em te tua, lúc đó em còn trẻ tuổi nên cũng nổi "điên" chửi lại bọn chúng cũng te tua để trả đũa cho bõ tức.
Đại khái mấy đứa nó chửi em như vầy : Thằng Hòa mầy ngu vừa thôi nhé, để cho thiên hạ ngu ké đi có được không....Chạy đâu không chạy, chui vào tù gì mà lâu thế, chúng ông đây qua Mỹ thấp nhất cũng có BA, còn có thằng đậu tiến sỹ "Ma" nữa đấy....(Mãi sau này sang định cư tại Mỹ và vào "học đại" mấy năm mới biết tiến sỹ MA mà bọn chúng lòe em là cái bằng gì)...và nhiều câu rất khó nghe nữa.
Em chửi bọn hắn như vầy : "Chúng ông" đây buông súng đầu hàng là theo lệnh đó nha, "chúng mày" di tản trước khi có lệnh đầu hàng là đào ngũ...v.v ". Rồi em còn dọa bọn chúng là nếu chúng mày chửi tao quá tao sẽ tung hê cho cả thế giới biết rằng ngày xưa ở Dalat lúc 17 tuổi có nhiều thằng vương bát đản, hỗn đản, xú tiểu tử đạp xe đến cổng trường nữ Bùi Thị Xuân để ngắm các hoa khôi, trong đó có tên của mấy đứa mày đó nha.
Một thằng thì cãi : Tao lái F5 di tản sau khi có lệnh đầu hàng là được chưa ?. Một thằng nữa thì cãi : Tao lái tàu chiến nhỏ di tản khỏi bến BĐ sau lệnh đầu hàng... Một thằng nữa cãi : Tao nhảy lên tàu hải quân di tản sau lệnh đầu hàng....hihi.
Cãi qua cãi lại em chịu thua, dĩ nhiên kẻ thắng phải giúp kẻ thua, bọn chúng sau khi chửi em đã đời rồi thì gửi quà về, nhờ số tiền quà đó mà em có tiền sửa nhà và trang trải cuộc sống cho đến khi lên máy bay đi tỵ nạn, đồng thời mua được một xe gắn máy mới tinh !. (Cái vụ em chịu thua mấy đứa bạn là do em học được của Bất giới Hòa thượng (Tiếu ngạo giang hồ) khi ông ấy đấu võ với Đào cốc lục tiên, BGHT chịu thua và cãi rằng kẻ thắng phải giúp kẻ thua làm một việc, sáu ông tiên cãi lại là kẻ thua thì phải giúp kẻ thắng, BGHT cãi lại là thua thì làm sao giúp được kẻ thắng, sáu ông tiên đành phải giúp BGHT làm một việc...Muốn biết việc gì thì mời đọc TNGH sẽ rõ.
Chị cho em biết đây là ơn hay oán, chúng "chửi" em rồi lại gửi quà cho vô điều kiện ?!. Bây giờ xin hỏi chị tiếp nhé :
Lúc làm đơn đi định cư Mỹ theo diện "Làm ăn sinh sống" (HO) cán bộ công an xét đơn nói với em như vầy : Anh phải biết "ơn" Đảng và nhà nước rất nhiều : Thứ nhất là tha chết cho anh khi ở trong trại cải tạo, thứ hai là bây giờ ký giấy cho anh đi Mỹ định cư, nếu không có Đảng và nhà nước ta ký vào hồ sơ này, không bao giờ anh ra khỏi VN này được.
Chị chỉ cho em hai trường hợp mà em đã trải nghiệm trên đây là ơn hay oán ?.
Em đoán là chị thua em cỡ ... 2 tuổi (em sinh 1946), nhưng em vẫn gọi chị là chị, vì trước 1975 em chưa xứng là học trò của chị. "Người bạn đường" của chị chắc hơn tuổi em, cấp bậc chắc cũng hơn em, chiến công cũng hơn....Cho em gửi lời thăm ông anh nhé. (năm 1976 khi đang ở tù thì vào ban đêm nghe cửa phòng giam mở ra, thấy một cán bộ c.a đeo súng K54, đứng sau là 4 c.a chĩa súng AK, đọc tên 2 người trong phòng, có tên em, sau đó dẫn giải về cơ quan làm bản khai lý lịch, hơn 100 tù nhân nhận giấy bút bắt đầu khai lại lý lịch, khoảng 3 tiếng đồng hồ sau thì cho một số tù nhân về phòng giam cũ, còn lại mấy chục người lên xe bít bùng đi khỏi trại tù, sau này mới biết là đi ra Bắc để ở tù tiếp. Em biết lý do em "được" ở lại trại tù Miền Nam vì em làm công việc văn thư, còn các bạn khác lớp thì mang "lon" cao cấp hoặc làm những công việc họ cần thẩm vấn thêm).
Em nói lan man sợ lạc đề, xin chị và quý vị lượng thứ, đa tạ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,025
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.