Hôm nay,  

Cám Ơn Nước Mỹ, Cám Ơn Cuộc Đời

26/11/201900:00:00(Xem: 23756)

Bài số 5844-20-31614-vb3112619

 

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn

 

****

 

Như trong bài hát " Khóc một dòng sông" của nhạc sĩ Đức Huy,  " Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn", quay qua quay lại cũng đến ngày về hưu. Mới đó thấm thoát cũng đã trôi qua hơn 20 năm trên nước Mỹ này.

 Gần 70 năm cuộc đời với bao nhiêu gập ghềnh sóng gió. 25 năm dưới chế độ Cộng Hoà, 23 năm  với Cộng Sản và 21 năm trên một miền đất thật xa quê nhà. Những quảng đời với những xúc cảm thật khác nhau. Những ngày hạnh phúc thời Việt Nam Cộng Hoà, những năm tháng tủi nhục sau 1975 và thời gian an bình trên xứ người. Kỷ niệm nhiều không kể xiết. Có những giây phút rất muốn giữ lại trong trí nhớ nhưng cũng có những khoảnh khắc muốn quên nhưng không thể nào quên được.

 Đã đi qua hết ¾ của cuộc đời. Đã đến lúc phải dừng lại những đam mê, những tham vọng, những toan tính. Thanksgiving là ngày tôi chọn để "gác kiếm, qui ẩn". Một ngày rất dễ nhớ cho một quyết định đặc biệt và quan trọng của đời người.

  Vê hưu chính là lúc nhìn lại chặng đường đã qua để chuẩn bị một cuộc sống sắp tới. Nếu ví đời người như thời gian với 4 mùa, thì tôi đang bắt đầu những tháng ngày mùa đông. Nhìn lại không phải để hối tiếc mà để nói với đời một tiếng cám ơn, mặc dầu thế hệ chúng tôi thật sự không may mắn. Sinh ra trong những năm 1950-1951, cho đến ngày mất nước, thời gian thanh bình quá ngăn ngủi. Nhưng cũng trong nhờ vậy chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi bất hạnh của những ngày còn ở lại quê nhà, để tự mình chứng kiến, trải qua những đau khổ tột cùng và do đó mới thấy hết cái giá trị của sự tự do và hạnh phúc nơi quê nguời.

 Ở xứ Mỹ này có rất nhiều ngày để nhớ: lễ mẹ , lễ cha, lễ độc lập, lễ tình nhân...Ngày lễ nào cũng  có một ý nghĩa rất riêng, nhưng có lẽ Thanksgiving là một ngày ưa thích nhất của tôi. Bởi vì không có gì ý nghĩa hơn là lúc nhắc ta nhớ đến  những ơn nặng nghĩa sâu. Nhớ để cám ơn đời, cám ơn người.

 Trên tất cả xin được nói lời cám ơn nước Mỹ, cám ơn miền đất không phải nơi tôi sinh ra nhưng chắc chắn sẽ ôm ấp tôi những ngày còn lại. Cám ơn một đất nước có thể không phải là thiên đường nhưng chắc chắn không là địa ngục. 21 năm sống trên đất nước này, có nhiều điều rất thích nhưng cũng có những việc không bằng lòng. Vẫn còn đó những bất công, vẫn còn đó khoảng chênh lệch quá mức giữa giàu nghèo. Không chiến tranh nhưng vẫn có những bất an của súng đạn. An nhàn nhưng vẫn còn những nỗi lo của những ngày hưu trí. Những băn khoăn về bảo hiểm...Những điều không vừa lòng vẫn còn nhiều lắm, nhưng để ghét, để rời bỏ đất nước này như lần giã biệt quê nhà 21 năm về trước, chắc chắn sẽ không bao giờ vì với tôi, với gia đình tôi, nước Mỹ là ân nhân.

 Và có lẽ chỉ những ai sống trong hoàn cảnh của gia đình tôi, những người con của một sĩ quan Cộng Hoà chết trong trại cải tạo, ở lại lây lất trong một thành phố đầy thù hận suốt mấy mươi năm mới hiểu hết được cái ý nghĩa của cảm kích, ý nghĩa của ân huệ, của tự do và tình người.

 Những năm sau này, mặc dầu vẫn còn quá nhiều người nghèo khổ tại quê nhà, nhưng cũng có những người bằng những cách khác nhau trở nên giàu có. Đi ra nước ngoài để chơi, để định cư là một việc không quá khó khăn. Nhiều người thích đất nước này nhưng cũng có không ít xem miền đất này như một nơi tạm dừng chân. Có người bạn tôi tuyên bố: Việt Nam sướng hơn nhiều, tội gì định cư ở đây. Mỗi người có một hoàn cảnh, chỉ có điều khi tôi thắc mắc hỏi:  "ông chê sao ông qua đây mua nhà, tốn tiền chạy chọt cho con cháu học rồi ở lại luôn". Hình như không có thằng bạn nào trả lời.

 Tôi nhớ có lần thằng bạn thời trung học từ Úc qua thăm, đem cho tôi bảng danh sách những thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Hắn nói Melbourne của Úc đứng nhất nhì gì đó, rồi đến Canada, Na Uy... và hình như không có thành phố nào của Mỹ trong 10 hạng đầu. Hắn nói y tế Mỹ không bằng Úc. Cuối cùng hắn phán một câu xanh rờn. Có dịp mày qua Úc chơi sẽ biết. Tôi thì chưa có dịp đi Úc chỉ biết, nó có 2 đứa con trai, cả hai đứa đều sang Mỹ học, tốt nghiệp ra làm việc và định cư luôn tại Cali.

 Bạn tôi nhiều đứa sau này ở lại Việt Nam, làm ăn khấm khá, năm nào cũng qua Mỹ chơi.

 Hắn nói ở Việt Nam sướng hơn, nhưng con cái thì toàn ở Mỹ. Nhiều người ở đây ba bốn mươi năm nói "nghỉ hưu về Việt Nam dưỡng già". Nói thì nói vậy chứ chuyển từ " dự định" đến "thực hiện" chắc đến hết đời người vẫn chưa xong.

 Mà thôi nói cho vui, ai về thì về,chứ biểu tôi rời bỏ nước Mỹ, không bao giờ. Sẽ không bao giờ tôi rời bỏ đất nước này bởi vì quên làm sao được cái nghĩa tình của những ngày đầu khốn khó.

 Nhớ lại những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi về sống tại Tulsa. Một thành phố nhỏ bé thật hiền hoà, tuy không có nhiều người Việt Nam như  Cali nhưng tình cảm thật đậm đà. Luôn nhớ đến những chăm sóc thật thân tình của những người Việt và cả của những người bản xứ đối với một gia đình đang còn lạ lẫm trên thành phố này. Nhà thờ Việt Nam đem cho những thùng áo quần, nhà chùa đem cho những đồ dùng, nồi cơm điện, nhà thờ Tin Lành đem cho đồ chơi cho hai cháu nhỏ. Những người hàng xóm đem từng món ăn. Những ngày đầu chưa có xe ở tạm nhà em gái, có một mục sư cùng xóm mỗi ngày chở đi làm giấy tờ, đi xin trường cho các cháu, tìm việc làm cho hai vợ chồng.

 Giáng sinh đoàn tụ đầu tiên của đại gia đình chúng tôi thật ấm áp mặc dầu bên ngoài trời mưa tuyết. Tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh của bà người Mỹ già nhà đối diện. Nửa đêm đội mưa gõ cửa nhà chúng tôi để chỉ đưa một dĩa bánh cokkies nóng hổi kèm theo lời chúc "Merry Christmas and Happy New Year". Không bao giờ chúng tôi quên được tình cảm của những người láng giềng dành cho chúng tôi trong thời gian đầu định cư. Ngay cả khi về ở với mẹ tôi trong khu low income Meadow, thời gian đầu vợ chồng con cái ít khi ra khỏi nhà nhất là  vào ban đêm. Cái khu toàn người nghèo, lợi tức thấp đủ mọi sắc dân. Một ít gia đình người châu Á còn toàn là người Mễ và Mỹ đen. Nhìn bộ dạng mấy ông bà to lớn, hay tụ tập thành từng nhóm quanh khu xóm, cười nói ồn ào, nên cũng hơi sợ. Nhưng ở lâu lại thấy mến cái hiền lành và tốt bụng. Có lần trên đường đi làm về, tôi bị trượt xe dạt vào lề vì đường đông đá sau mưa tuyết, phải nhờ  ông Mỹ hàng xóm ra kéo xe về giùm. Ở một thời gian rồi cũng quen dần cái nhộn nhịp và ồn ào của xóm nghèo nhưng cũng rất nghĩa tình này. Có lần mưa đá làm lũng một lỗ thật lớn trên mái nhà phòng ngủ. Nước vào đầy nhà từ mái. Qua hàng xóm cầu cứu báo hại nửa đêm 2 tay Mỹ đen cởi trần trùng trục leo lên mái hì hà hì hục lấy tăng che tạm cho khỏi dột. Sau này dọn nhà  đi chỗ khác nhưng cứ thấy nhớ cái  khu Meadow, lâu lâu lại chạy về thăm lại mấy ông bà hàng xóm.

 Sau này vì cuộc sống vì nỗi khao khát được làm việc trong một công ty kỹ thuật lớn, có công việc phù hợp tôi di chuyển qua San Jose . Mặc dầu chưa bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của mình sau gần 20 năm sống trên miền đất phía Bắc Cali này, nhưng tôi luôn nhớ về thành phố hiền hoà nhỏ bé đó. Tulsa như Huế quê ngoại của tôi, trầm lắng, dễ thương và nghĩa tình.

 

Không chỉ Tulsa, San jose cũng đối xử với tôi thật ấm áp. Người Việt Nam đông, bạn bè nhiều, khí hậu tuyệt vời, Silicon valley cũng giống như thành phố Sài Gòn nhộn nhịp của tôi những năm trước 1975. Nơi bắt đầu lại của tôi và cũng là nơi đã cứu sống mẹ tôi không biết bao nhiêu lần.

 Về sống với gia đình tôi khi bệnh của mẹ trở nặng. Mẹ vừa bị alzheimer, vừa bị tiểu đường, vừa cao huyết áp, vừa cao mở. Nói chung ở cái tuổi 76 khi mẹ vê đây, mẹ có đủ thứ bệnh. Nhờ khí hậu ấm áp, bác sĩ Việt Nam nhiều, vấn đề theo dõi bệnh dể dàng, sức khoẻ mẹ cũng đở hơn. Nhưng ở cái tuổi già thì những rũi ro, biến chứng cũng càng nhiều. Mẹ ra vào nhà thương không biết bao nhiêu lần.

 Có lần đang ngồi coi tivi, cảm thấy hơi mệt nằm xuống sofa, mặt mày tái mét. Đo đường xuống dưới 40. Chưa kịp cho ăn ngọt thì mắt dại ra, mẹ gần như coma. Gọi cấp cứu. May mà chỉ 5 phút xe emergency tới ngay trước cửa nếu không là đi luôn.

 Có lần áp huyết tăng cao (chắc là nửa đêm mở tủ bếp ăn hết chén mắm khoái khẩu), lại xỉu. Lại 911 cấp cứu. May mà tại xứ này chứ ở Việt Nam như mẹ vợ tôi thì ra đi từ lâu. Nội cái đợi xe cấp cứu vô được cái xóm nhỏ, qua hai ba cái chợ chồm hổm đầu đường chắc là không kịp với cái ông thần chết đang đứng chờ chực cạnh giường.

 Phải công nhận với những người ở cái class lưng chừng như tôi thì mới lo chứ với những người già không tài sản như  mẹ tôi, nước Mỹ đúng là thiên đường. Hàng tháng có tiền già, vô bệnh viện, tiền thuốc men không tốn một xu. Mà thuốc đâu phải rẽ. 13 loại thuốc. Vừa uống vừa chích. Nhìn cái giá thuốc chính phủ phải trả thay cho bệnh nhân là đủ chóng mặt. Chưa kể khi vào bệnh viện, nhìn cái bill bảo hiểm trả cho bệnh viện là xỉu.

 Nội cái chi phí chữa chạy cái chân gãy của mẹ chắc cũng mất toi số tiền dành dụm của tôi trong suốt 20 năm trên đất Mỹ. Cũng nhờ vậy dù nhớ nhớ quên quên mẹ vẫn còn sống với chúng tôi cho đến hôm nay.

 Cám ơn đất nước này và cám ơn cuộc đời đã cho tôi sống những thời gian với đầy đủ cung bậc của cảm xúc. Những vô tư của tuổi nhỏ, những lãng mạn của một thời mới lớn, những hạnh phúc của tháng ngày đoàn tụ và tự do. Dù không mong muốn nhưng cũng phải cám ơn cuộc đời đã cho tôi nếm được nỗi đớn đau của những chia xa trong những tháng ngày đen tối. Nỗi cô đơn của những ngày lưu lạc xa quê. Để rồi là những hạnh phúc của những lần gặp lại mẹ, anh em và bạn bè .

 Xin được cám ơn ba, người sĩ quan chế độ Cộng Hoà  chết trong trại cải tạo. Không có ba, không có những hy sinh của cha ông, đồng đội, bạn bè, chúng con đã không có những tháng năm thanh bình. Và khi cuộc chiến kết thúc, ba vẫn kịp đánh đổi mạng sống cùng với những tháng ngày bi thảm trong trại cải tạo để cho mẹ và các con, các cháu của ba cơ hội qua miền đất tự do này. Bao nhiêu năm ba vẫn luôn theo dõi và phù hộ  gia đình chúng tôi.

 Cám ơn mẹ, người đàn bà vĩ đại đã dành hết tuổi thanh xuân và  đời mình cho chồng cho con. Người đàn bà goá chồng ở tuổi 49, một mình với 9 đứa con còn nhỏ dại, lăn lóc để tồn tại qua những nhiểu nhương và hận thù. Người vợ của một sĩ quan thua trận, vượt qua từng ngày, trải qua từng bữa, cuối cùng cũng đem được toàn bộ gia đình đến bến bờ tự do.

 Xin được cám ơn em, đã cùng tôi vượt qua bao gập ghềnh sóng gió. Em đã luôn cạnh tôi trong những giờ phút bi thảm cũng như những khoảnh khắc yêu thương. Mới đó mà chúng ta đã ở bên nhau trọn vẹn 43 năm. Bắt đầu bằng một đám cưới với chiếc nhẫn đính hôn 1 phân vàng và thiệp mừng đám cưới là tấm giấy "mời" đi kinh tế mới vào ngày hôm sau, em đã cùng tôi nếm đủ mùi vị của gian khổ, cay đắng và tủi nhục. Vẫn luôn nhớ mãi cái chặng đường đã qua đó. Cám ơn tình yêu của em.

 Còn phải cám ơn nhiều nhiều nữa. Cám ơn tình nghĩa bạn bè. Cám ơn tấm lòng những đứa cháu. Cám ơn những đứa em. Cám ơn những đứa con lương thiện của tôi. Trong những ngày cuối thu của miền Thung Lũng Silicon, đứa con trai đầu của một người tù chết trong trại cải tạo năm nào đã không còn trẻ nửa.  Đang bước vào tuổi" Thất thập cổ lai hy", rổi sẽ có ngày sẽ nhớ nhớ quên quên như mẹ. Nên trong cái ngày Thanksgiving này không thể nào không viết, không thể nào không nói những lời cảm ơn.

 Sẽ chưa phải là lần cuối cùng, xin được nói tiếng cám ơn Việt Báo và Viết Về Nước Mỹ. Việt Báo đã làm một nhịp cầu cho chúng tôi được trải lòng qua những mẫu chuyện đời. Những câu chuyện thật đời thường nhưng nếu không được ghi, kể lại có lẽ rồi sẽ đi vào quên lãng. Có lẽ sẽ mất hút đâu đó trong cái trí nhớ đang già nua của tôi. Nhờ Việt Báo, qua những bài viết về cuộc đời, tôi đã tìm gặp lại những người bạn, những người thân đang lưu lạc khắp nơi. Như những mãnh vỡ của quê hương được góp nhặt để ghép lại  thành một quê nhà thứ hai trên xứ người. Nhờ vậy chúng tôi sẽ không bao giờ mất đi quê hương Việt Nam yêu dấu.

 

Lê Xuân Mỹ

San Jose, Thanksgiving 2019.

Ý kiến bạn đọc
27/11/201903:44:36
Khách
Tác giả tên Lê xuân Mỷ chứ không phải Trần xuân Mỷ , 2 anhTừ Huy và Đinh văn Hoà đã viết nhầm họ Lê sang Trần
27/11/201903:13:56
Khách
Cám ơn hai bạn LXM và TH, tôi sinh năm 1946 tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, các bạn nếu có đọc mấy bài góp ý ngắn của tôi trong những bài viết gần đây ở mục VVNM rồi ghép lại là biết rõ ngay lai lịch của tôi.
Ngày xưa mừng thọ là 60 tuổi, trung thọ là 70 tuổi, đại thọ là 80 ...v.v. Tôi "mới" mừng trung thọ được 3 năm tức là 73 tuổi.
Cuộc đời tôi mê nhất là đọc sách, thứ nhì là bơi lội, thứ ba là võ thuật. Nhiệm vụ của tôi làm trước năm 1975 là trực điện thoại và nhận văn thư đến và gửi văn thư đi, cho nên trong những lúc rỗi rảnh thì mang sách ra đọc cho khuây khỏa, từ Đông Chu Liệt Quốc...cho đến Liêu Trai Chí Dị rồi Hồng Lâu Mộng ...v.v. (Khi ở tù ct, gần 2,000 tù nhân ôm nhau mà khóc, HLM ngày xưa 2 phủ Ninh Vinh có mấy trăm người đang sung sướng bỗng nhiên bị tai họa ngập đầu, tan tác, ngày nay gần 20 triệu con dân VNCH sẽ ra sao đây?) Truyện võ hiệp thì 15 bộ KD, ngót trăm bộ CL và vài chục bộ nữa của GCTV, TTV, ĐCH...v.v. Bây giờ thì hàng nghìn bộ Tiên hiệp , Sắc hiệp, Đô thị ...v.v. luôn luôn có hai bộ Từ điển Tiếng Việt trước- sau 1975 và bộ HVTĐ để so sánh cho vui.
Bạn TXM xứng đáng là "quân tử". Chữ quân tử có mấy chục nghĩa nhưng nghĩa đầu tiên là : Quân là vua, tử là con. Quân tử khi làm vua thì thương thần dân . Khi làm con thì có hiếu với cha mẹ. Nghĩa thứ hai là quân - thần- phụ - tử : Làm vua thì thương bầy tôi, làm tôi thì phải trung với vua. Làm cha thì thương con, làm con phải có hiếu với cha nẹ (biết rồi khổ lắm nói mãi !?).
Cũng may là bạn TXM chịu gọi tôi là "tiểu sư thúc" thì tôi cũng rất hãnh diện kêu bạn là "đại sư điệt" tức là con lớn của "đại sư huynh" và "đại sư tỷ" đó mà. (Nếu mà bạn TXM không chịu gọi tôi là "tiểu sư thúc" mà còn nói với tôi rằng "ông ĐVH khinh người quá đáng", tôi sẽ nói với bạn thế này :"Tôi cứ khinh người quá đáng đấy, bạn làm gì tôi nào ?. Tôi kêu ông bà ấy là đsh và đst là quyền của tôi, còn bạn có kêu tôi là "tiểu sư thúc" hay không là quyền của bạn ?!. (Đùa chút cho vui, già rồi thích làm trẻ con !?).
Riêng bạn Đặng Q Tâm viết rằng bạn sang Mỹ tháng 12 sau khi ra trường được vài tháng, xin bạn cho biết rõ hơn một chút có được không, năm nào vậy?. Cám ơn bạn trước.
Cái vui nhất của tuổi già là được tâm sự vói bạn bè, nghe bạn bè nói, nói cho bạn bè nghe đủ mọi chuyện xưa chuyện nay, chỉ là nhắc nhở nhau cố gắng tránh bị sập bẫy lý luận "đen-trắng, black-white" hễ mình đúng thì người khác phải sai, mục VVNM này không phải là nơi tranh luận, chỉ là nơi trao đổi những kiến thức, học thức, tình cảm...v.v. Nếu tôi có gì sai sót quý vị cứ nhắc nhở, rất biết ơn. Cẩn bút ĐVH.
26/11/201923:54:53
Khách
Anh Đinh Văn Hoà, hôm trước lúc mới đọc lời bình đầu tiên của anh trên đây, em có nói với người bạn: có đọc lời bình của anh Đinh Văn Hoà chưa? Anh này độ 70 tuổi hay hơn xíu. Lời bình hay, kiến thức rộng.
Mỗi lời bình của anh như một tiểu phẩm. Em thích. Nếu cho dài thêm xíu sẽ thành một bài viết ngắn. Sẽ từ khá trở lên. Bảo đảm không “dở hơi” 🤓
Em tin rằng rồi anh sẽ yêu thương VVNM như em.
Kính.

T.B: Xém tí em quên. Em mới học được từ “trung Thọ” từ anh.
26/11/201923:45:11
Khách
Anh Trần Xuân Mỹ, đọc bài thấy được người viết có tấm lòng thiện lương, hiền lành.
Em cám ơn anh. Xin chúc gia đình anh, mẹ anh mãi bình yên hạnh phúc.
Trân trọng.
26/11/201923:20:16
Khách
Xin cám ơn tất cả các bạn, các anh đã đọc và chia sẻ. Rất tiếc là hồi ở Tulsa không có dịp được gặp chú Hoà để được trò chuyện với chú. Mong chú thật nhiều an lành.Từ ngày qua Mỹ đến giờ chưa về lại VN lần nào vì cũng có những việc không thể nào quên
Thân kính
Xuân Mỹ
26/11/201921:32:52
Khách
Thưa bạn Lê Xuân Mỹ,
Sau khi đọc xong bài viết này của bạn, tôi đồng ý hầu hết với những gì bạn viết trong bài, thấy lý luận của bạn về cuộc đời có vẻ trung dung, tôi lập tức đọc lại 1 lần nữa tất cả các bài viết trước đây của bạn, xin góp vài ý kiến và cũng là để trả ơn bạn đã viết cho tôi đọc Trước hết vẫn là cám ơn VB đã dành cho mục VVNM là nơi để mọi người công dân Mỹ gốc việt (không phân biệt tôn giáo, chính kiến, trí thức, bình dân ...v.v.) viết bài và phản hồi, góp ý đồng thời để hiểu biết lẫn nhau để tăng thêm tình đoàn kết.
Trước năm 1975 tôi phục vụ trong QĐ, sau đó BP qua ngành CS, có thời gian tôi thụ huấn khóa đai đen TKD hơn một năm tại TTVT/BTLCSQG SG, lúc đó trưởng khối huấn luyện là Thiếu tá NNT, vì BTL là cơ quan đứng đầu của CSQG cho nên bao gồm nhiều bộ phận, lúc ấy tôi không được hân hạnh gặp qua thân phụ của bạn, luận về danh phận thì cái gì ông ấy cũng hơn tôi, tuổi tác hơn, cấp bậc hơn, chiến công chắc cũng hơn và cái khổ nạn của ông cũng hơn tôi luôn, vậy tôi xin mạn phép bạn gọi ông là "đại sư huynh", vì chữ đại sư huynh là rất đáng kính trong một môn phái võ thuật, chỉ đứng sau sư phụ, khi sư phụ quy tiên thì dsh lên kế vị. Trong những ngày lễ Tạ ơn từ trước đến nay cả gia đình chúng tôi đều tạ ơn hết mọi người sống, sau đó hợp ý cầu siêu cho tất cả mọi người đã qua đời, nhưng riêng tôi thì cầu cho những người đang sống và đã qua đời trong trại tù cải tạo lời kinh "dài" hơn một chút vì tôi cũng từng được sống trong đó ...6 năm, hihihi...!?. Còn cầu bình an cho những người đang sống thì tôi cầu cho các "đại sư tỷ" trong đó có thân mẫu của bạn LXM.
Tôi đồng ý với bạn, nước Mỹ chưa phải là thiên đường, nhưng cũng không phải là địa ngục. Hơn 3 triệu đảng viên và vài triệu người làm giầu bất chính vì những liên minh ngầm với nhau, ở VN đúng là thiên đường của họ, sang Mỹ họ sẽ làm được gì để mau giầu có như vậy ?!. Không được ăn nho thì chê nho chua !!!?. Mọi người nghĩ sao sau khi một "ông" bộ trưởng ở VN tuyên bố : "Bây giờ đa phần sinh viên du học nước ngoài, sau khi tốt nghiệp đều ở lại nước ngoài làm việc, ngay hai con của tôi cũng ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp, thôi thì chúng xây dựng hạnh phúc ở bên đó cũng tốt thôi".
Ngay trong xóm tôi đang ở đây, một bạn già của tôi bảo lãnh hai vợ chồng người em và một cháu trai 20 tuổi, sang ở Mỹ được 2 tháng thì mua vé máy bay quay về cố quốc VN, lý do : Khổ quá, không biết tiếng Mỹ, nghề nghiệp không vừa ý, lái xe khó quá vì đường freeway (Houston, TX) rộng mênh mông và đi lung tung lái xe bị lạc đường hoài hoài cả tháng !?. Ở VN làm xưởng mộc chỉ huy được 3 thợ ?!. Sướng khổ tùy thuộc hoàn cảnh, tuổi tác, ý thức ...v.v.
Tôi đồng ý với bạn là có cái quên được, có cái không, thù ghét buông bỏ càng nhiều càng dễ đắc đạo, nhưng bảo thương yêu những kẻ đã tàn nhẫn với tôi, với gia đình tôi, với những chiến hữu và đồng đội của tôi và ngay cả với dân tộc tôi thì hơi "bị" khó, vì tôi chưa phải là Tiên, Phật, Thánh.
Cám ơn bạn đã viết hết những điều mà tôi muốn viết, có gì sai sót nhắc nhở dùm nha, dù sao bạn cũng là con của đại sư huynh và đại sư tỷ của tôi mà ?!. TS. Tôi hiện đang sống ở OKC, mỗi lần đi câu cá ở gần Tulsa tôi lại liếc mắt về khu mà bạn đã ở đấy 20 năm trước, lại nhớ đến đại sư huynh đã quy tiên, đại sư tỷ vẫn đang sống tại thế gian,điều sung sướng nhất của tôi là : Bạn và tôi đã có được những cái đáng giá gấp trăm nghìn lần những cái đã mất trong quá khứ.
26/11/201915:18:44
Khách
Cám ơn tác giả. Chúc ông và gia đình luôn được bình an và hạnh phúc.
26/11/201914:58:46
Khách
Nguyên do nào khiến người Việt nam được Mỹ chấp nhận cho định cư ở Mỹ ? (
Stephen B. Young – tiến sĩ luật ; phục vụ ở Việt nam 1968-71 trong chương trình CORDS, thuật lại:

TT Ford và ngoại trưởng Kissinger đều không có kế hoạch cứu giúp nhân đạo người dân Việt nam nào hết cả. Thái độ của họ đối với người dân Nam Việt nam là bỏ rơi luôn.
Sở dĩ có cuộc đón tiếp đó là do ý chí nỗ lực của một nhóm anh em trẻ , trong đó có tôi, Stephen Young. Ngày 31/3/75, Stephen Young thuyết phục mấy anh bạn đang làm việc cho Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc để đề nghị họ tổ chức một chương trình đón người Việt di tản. Parker Borg – lúc đó làm phụ tá cho Ngoại Trưởng Kissenger , Parker Borg trả lời: “Cả Kissinger và TT Ford bây giờ không muốn để ý một chút nào về Việt nam nữa. Họ chỉ muốn rửa tay, quên đi càng sớm càng tốt cái chiến tranh đầu tiên mà Hoa Kỳ không thắng được. Họ không muốn có ý kiến nào về một chương trình đón người Việt di tản và cho định cư ở Hoa Kỳ”. Lionel Rosenblatt (vừa thay Parker Borg), Ken Quinn, Al Adams, Jean Sauvageot, và rồi cuối cùng đạt được thắng lợi. Parker Borg được bổ nhiệm làm chủ tịch chương trình di cư, Lionel Rosenblatt vận động với phó chủ tịch Thượng Viện là Ted Kennedy đồng ý cho số người Việt vào Hoa Kỳ bằng với số lượng người Cuba được phép vào Hoa Kỳ năm 1965, tức là 150000 người.
Cuộc di tản bắt đầu từ ngày 4/4/1975 với chiến dịch Babylift đưa trẻ con mồ cô rời khỏi Việt nam .
Cho đến ngày 25/4, đại sứ Graham Martin ở Việt nam mới nhận được lịnh cho phép ông di tản 50000 người Việt.– thân nhân của công dân Mỹ / những người làm việc cho Mỹ / nhân viên cao cấp VNCH/ những người sẽ là đối tượng trả thù của Cộng sản .
Khi được cho phép di tản 50000 người Việt như trên, ông đại sứ Martin cho là ít quá nên ông kiếm cách gia tăng bằng cách ông giải thích rộng rãi là 50000 “chủ gia đình “, nhờ vậy mà số người Việt di tản lên lên đến 130000 người.
26/11/201914:51:58
Khách
Nguyên do nào khiến người Việt nam được Mỹ chấp nhận cho định cư ở Mỹ ?
( Trích đoạn ) Cựu đại sứ Mỹ ở Việt nam Graham Martin ( 1973-75) thuật lại :

Tháng 3/ 1975 , Washington đã có lệnh cho di tản nhân viên làm việc tại văn phòng Tuỳ viên quốc phòng DAO (Defense Artache Office).
Trước ngày 14-4, toà đại sứ chỉ có quyền cấp giấy phép “tạm dung” (parole authority) cho 2000 trẻ mồ côi được di chuyển bằng máy bay vào Mỹ .
Ngày 14-4, toà đại sứ nhận được quyền cho tạm dung thân nhân đang có mặt tại Việt nam của những người Mỹ cũng đang có mặt tại Việt nam .
Ngày 19-4, toà đại sứ chỉ nhận được quyền cho tạm dung những thân nhân của công dân Mỹ và những người Việt nam thường trú (có thẻ xanh) dù không có mặt tại Việt nam nhưng với điều kiện là họ đã được thân nhân xin visa cho và đã được sở Di trú chấp thuận .
Sau cùng, mãi tới ngày 25-4 – tức là năm ngày trước khi Sài gon thất thủ, toà đại sứ mới nhận được quyền cho tạm dung thêm các bà con, thân nhân của công dân Mỹ (khoảng 80000 người) và 50000 người Việt nam có “mức rủi ro cao độ”, tổng cộng là 130000 người - nhân viên làm việc cho Mỹ/ Thân nhân của công dân Mỹ / Viên chức cao cấp VNCH/ những người sẽ là đối tượng trả thù của Cộng sản .
Trước đó , ngày 14-4, Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện đến họp tại toà Bạch Ốc. Khi Kissinger trình bày là trong số trên một triệu người đã có những liên hệ với Mỹ, có 174000 người là đặc biệt bị nguy hiểm với Cộng sản nên Mỹ phải cứu nếu có thể được. Các nghị sĩ đều thoái thác.
Tổng thống Ford cảnh cáo các nghị sĩ: “Nếu quý vị tuyên bố “không di tản người Việt nam”, quý vị sẽ có khó khăn lớn trong việc di tản 6000 người Mỹ” (vì sẽ gặp sự chống cự của miền Nam)”; ( Văn Trần : Bắt giữ người Mỹ làm con tin) .
.
26/11/201912:14:34
Khách
Lại thêm một bài viết rất cảm động Anh Mỹ. Tôi sang Mỹ tháng 12 sau khi ra trường được vài tháng. Nước Mỹ có cái hay cái dở của nó, nhưng nó cho mình một cơ hội anh Mỹ à. Nếu anh có giấc mơ, nước Mỹ giúp anh thực hiện giấc mơ. Cám ơn Anh viết một bài rất hay và rất cảm động. Cám ơn nước Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,564,362
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.