Hôm nay,  

Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ 2019

20/08/201900:00:00(Xem: 7674)

Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ 2019

Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số: 5768-20-31575-vb3082019

 

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Họp mặt năm thứ 20, cô vừa nhận thêm Giải Vinh Danh Tác Phẩm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Bài viết mới của cô kể chuyện vui quanh ngày họp mặt.

 

To Nguyen-Nhã Ca

 “Cô Nhã Ca ân cần trao giải thưởng cho A Tố với nụ cười ấm áp.“

 

   ***

 

Một năm trôi thật nhanh, thoáng cái mà tháng tám lại về. Tháng tám năm nay vui hơn mọi khi,  vì A Tố đã là thành viên của mái nhà Việt Bút được tròn năm, không còn những bỡ ngỡ của buổi đầu e ấp. 

Họp mặt chính thức Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai mươi tổ chức vào chiều Chủ Nhật 11 tháng 8. Như thường lệ, nhóm thân hữu Việt Bút -gồm các tác giả từng tham dự Viết Về Nước Mỹ- tổ chức tiệc "tiền họp mặt" ngày thứ bảy ở nhà cô Annie. Cô Đoàn Thị từ bên trời Tây, chú Hồ Nguyễn từ Florida, gia đình anh chị Thanh Mai từ Minnesota, Cô Tím Trương Ngọc Anh và anh Phan từ xứ cao bồi Texas, cô Song Lam từ New Jersey, cô Châu Hà từ Oregon, cô Iris, cô Mão, cô Hằng, cô Thịnh Hương, cô Kim Dung, cô Phương Hoa anh chị Phương Dung-Thy, anh Thái NC, cô Tường Vân, chị Donna từ Bắc Cali. . . là những thành viên ở  xa cũng náo nức về tham dự.

Danh sách đã được soạn ra từ cả tháng trước, phân công mỗi người lo một việc. Cô Annie ưu ái chọn A Tố vào ban đầu bếp, thế là hết xiêm áo lượt là.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai không có sương lẫn gió, A Tố khệ nệ bưng hai nồi cà ri anh Quang đã dậy sớm nấu sẵn và đồ nghề nhà bếp chất vào xe. A Vy muốn ôm theo búp bê, A Phi thì muốn cầm theo xe toy truck, rồi sực nhớ ra quên cái nọ cái kia…, cứ loay hoay từ sáng đến giữa trưa thì A Tố cũng gom được hết “gánh hát bầu Tèo" lên xe.

Tuy anh Quang phải đi làm ngày thứ bảy, nhưng “gánh hát” vẫn khởi hành với tổng số đào kép y như năm trước vì có ông ngoại từ Việt Nam sang. Nắng sớm Cali vàng rực rỡ, ”con  chiến mã" của A Tố “phi” trong nền nhạc tưng bừng  "Anh xin đưa em về, về quê hương уêu dấu, anh xin đưa em về,  về quê hương tuуệt trần..." Lòng nôn nao gặp lại gia đình Việt Bút nên lái xe băng qua những xa lộ trên đất Mỹ mà A Tố cứ ngỡ như mình đang đi trên quê hương dấu yêu xưa.

 Sau khi bỏ hết “gánh hát” xuống nhà bạn, A Tố một mình tới nhà cô Annie trong khu townhouse kín cổng cao tường nằm giữa thủ đô tỵ nạn. Từ bên ngoài, cô Annie đã chu đáo dựng tấm bảng "Chào Mừng Các Bạn Việt Bút". Cô Iris đã ở ngoài phòng khách lo chuyện ký sách trong khi Cô Annie tất bật sửa soạn thức ăn. A Tố cất nồi cà ri rồi lại tất tả chạy ra chợ và đặt thêm vài món đồ chay cho các thành viên Việt Bút muốn giữ trọn "trai giới" trong tháng bảy âm lịch.

Cả nhà ngóng anh Phan vì nghe nói trưa nay ảnh đến. Chờ hoài mà không nghe gọi mở cổng, thì anh Phan đột ngột kéo vali vào. Các thành viên Việt Bút từ từ về đông đủ, ai cũng tay xách nách mang, chẳng mấy chốc mà món ăn đã bày ra đầy bàn, không đủ chỗ phải để sang cả bên kệ bếp.

Những món ngon vật lạ của cả ba miền Bắc Trung Nam và "hiệp chủng quốc" cùng hội tụ trong căn bếp giữa Sài Gòn Nhỏ nhờ tấm lòng thơm thảo của các thành viên Việt Bút. Cô Đoàn Thị mang pa-tê gan và phô mai Bò Cười từ đất Pháp, cô Xuân góp khay nem nướng Ninh Hoà, cô Phương Hoa làm khay xôi lá cẩm chay, anh Phan góp món chả giò, cô Song Lam thức khuya dậy sớm xào bò ngũ sắc còn gồng gánh thêm cả món cơm chiên và súp cua cùng cô Annie. Chị Như Ý với khay gỏi mít, chị Thanh Mai góp  cá smelt kho, bánh bột lọc, bánh ít trần "sánh vai" cùng khay  bánh ướt chả lụa của cô Bích Ngà. Cô Tím Ngọc Anh góp dĩa, ly muỗng, nĩa, nước ngọt cùng các món linh tinh cho buổi tiệc. Cô Châu Hà cũng đến sớm với những đoá hoa tươi thắm như thành phố hoa hồng Oregon của cô.

Món gỏi đu đủ kiểu Thái của A Tố tưởng đơn giản nhưng lại tốn nhiều công chuẩn bị, nhất là việc bào đu đủ. Cái dao bào  là đồ nghề nhà bếp "gia bảo"  của mẹ chồng mua tận bên Đài Loan, A Tố chưa từng đụng đến. Thấy A Tố cứ loay hoay, máu đã đổ. . . vì đứt tay, cô Mão, cô Châu Hà thay nhau nhận phần khó nhọc. Cô Hằng thì lo phần luộc tôm, bổ đôi và làm sạch sẽ. Vì món gỏi của A Tố mà 3 Cô phải ở miết trong bếp không được hàn huyên với  bạn bè, A Tố thật là đắc tội! Cũng may đĩa  gỏi dọn ra thật đẹp, được bà con Việt Bút ủng hộ nhiệt tình, là món đầu tiên biến mất  trên bàn tiệc!

Món tráng miệng cũng đầy đủ  mặt anh tài. Bác Hân mang  bánh trung thu và bánh dừa, cô Annie góp thêm bánh chuối, cô Bảo Trân mang bánh bò đều là những món bánh thơm ngon tự nướng tại nhà. Cô Bảo Trân còn có thêm khay “đào tiên” chua chua ngọt ngọt hái trong vườn. Nằm chễm chệ ngay lò sưởi là  với bình nước thơm ngọt  pha từ những trái chanh dây sau vườn cô Annie, vại nước mủ trôm hạt chia mát rượi của cô Ngọc Ánh và  món chè béo bùi  của bác Tân. 

Nhóm Bắc Cali các cô Mão, cô Hằng, cô Kim Dung, cô Thịnh Hương, cô Iris, cô Hoàng Chi Uyên góp chả và chiếc bánh sinh nhật Việt Bút thật đẹp.  Đẹp đến nỗi sau khi chụp hình không ai nỡ lòng cắt ra xơi, đành cất đi để mang đến trưng bày trong buổi tiệc trao giải. Cô  Tường Vân, chị Donna,  vợ chồng anh Thái MC từ Bắc Cali cũng mang theo lỉnh kỉnh bánh trái đến góp phần. Cả "cây vông" Thụy Nhã dù không đến dự cũng đóng góp xôi và trái cây.

Các ông cũng không chịu thua chị kém em như chú Thời, anh Cao Minh Hưng, anh Quang cũng mang đến thêm nhiều chai rượu "không say không dìa". Cô Song Lam còn hào phóng cho thêm những chai bia ướp lạnh để các ông nhâm nhi cùng món bò ngũ sắc trứ danh New Jersey của cô.

Bắt đầu buổi tiệc, cô Song Lam trong vai MC, váy áo chỉn chu, còn đội thêm chiếc nón cho giống "nữ hoàng. . Em" nồng nhiệt chào mừng và giới thiệu thành viên mới như chú Lê  Xuân Mỹ,  cô Kim Dung, cô Năng Khiếu,  cô Trần Ngọc Ánh,  chú Hồ Nguyễn, riêng cô Hoàng Chi Uyên vì bận việc nhà không dự được kỳ này.

Sau những tràng vỗ tay mừng thành viên mới, đại gia đình Việt Bút hơn 40 người bắt đầu thưởng thức các món ăn và thay nhau ký sách.  Nhờ  ý kiến bán sách Viết Về Nước Mỹ với giá ủng hộ $100/quyển của Thụy Nhã cộng với tài năng "marketing" của cô Annie, số sách bán cho các thành viên Việt Bút đã vượt ngoài mong đợi. Cô Iris đã chu đáo xếp sẵn 35 quyển sách Viết Về Nước Mỹ trên bàn cho các tác giả lần lượt ký tên vào để mang đến lễ trao giải hôm sau.

Sau phần ký sách, bác Trần Đức Hân bắt đầu chương trình văn nghệ  với bài hát Sơn Nữ Ca. Các ca sĩ, thi sĩ với độ tuổi trải dài từ 40 đến trên dưới 80 lần lượt lên sân khấu. Cô Bảo Trân hát Hoa Tím Đợi Chờ, cô Song Lam nức nở với bài Niệm Khúc Cuối, cô Kim Dung  ngân nga vọng cổ  Hoa Mộc Lan Tùng Chinh, anh Thái NC hát Chuyện Giàn Thiên Lý, chú Lê Xuân Mỹ ra mắt cả nhà bằng bài hát Tình Khúc Mùa Xuân,  A Tố cũng trầy trật theo đàn ca bài Áo Mới Cà Mau góp vui cùng cô, chú, bác. Em Lộc con trai chị Thanh Mai và em Quân con trai cô Annie trình diễn  hai màn độc tấu piano điêu luyện. Đặc biệt, cô Xuân với bài Dạ Cổ Hoài Lang và cô Phương Hoa với bài Sớ Việt Bút giành được tràng vỗ tay giòn giã của cả khán phòng.

Như những cánh chim từ bốn phương trời tìm về tổ ấm, những mái đầu bạc ríu rít làm dáng chụp hình y hệt trẻ thơ, không còn biên giới  của “hoa hậu, á hậu”, trẻ già, giàu nghèo, xấu đẹp…

Thương anh nhạc sĩ Cao Minh Hưng phải  toát mồ hôi với chiếc keyboard đàn rượt theo các giọng ca "có tuổi", thương cô Song Lam và cô Annie, chú Phong nấu nướng vất vả, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, sân khấu từ vài ngày trước, thương cô Iris ngồi bàn lo ký sách đến khi xuống bếp thì đã sắp hết món khai vị, thương chị Thanh Mai kho 50 hộp cá từ Minnesota mang sang biếu mọi người, thương chú Hồ lần đầu ra mắt đã mang đến một giỏ quà bự từ Florida (có món chuối khô thơm ngon tuyệt vời), thương cô Mão "anh hùng xa lộ" không quản "đường xa ướt nhem" đã chở các Cô Bắc Cali xuôi nam từ hôm thứ sáu… Còn nhiều nhiều cô, chú bác nữa A Tố xin cáo lỗi vì chưa kể hết ra đây, chỉ biết tình cảm của các thành viên Việt Bút mãi còn nồng nàn trong lòng A Tố trên đường lái xe về qua những con phố quận Cam tĩnh lặng dưới ánh đèn đêm.

Ngày chủ nhật, anh Quang biết tính "cô vợ nhà quê" nên đã đặt sẵn chỗ cho A Tố đi "mần tóc" và "mần mặt".  Vậy mà loay hay mãi đến trưa, anh  lại phải giục A Tố đi một mình cho kịp, để lại cả "gánh hát bầu Tèo" cho anh đưa đến nhà hàng sau.

A Tố đến tiệm tóc, mở tấm hình "người mẫu" ra đưa cho chị hair stylist, chị ấy nhìn hình rồi phán: "Vấn kiểu tóc này thì mặt mũi phải coi được được chút", làm A Tố thiệt chột dạ! Theo lời chỉ bày của cô Hoa Hậu kiêm đệ nhất stylist Iris, A Tố "mần" phiên bản Cô Ba Trà Vinh "Hôm nay em mặc áo hường, vẫn là em đó... " với chiếc áo dài gửi may ở Việt Nam. Cô Iris còn tặng Tố sợi dây chuyền to nhiều lớp vàng lóng lánh, làm “Cô Ba Trà Vinh” luôn phải dáo dác nhìn quanh trước khi bước xuống xe, sợ đang lúc giá vàng Kitco lên trên $1500/oz, có chú cướp nào đi ngang qua tưởng đâu vàng thật thì toi!

Xong phần trang điểm, A Tố đến rước cô Song Lam và chú Vẹn. Cả nhà hăm hở lên xe, ra đến đầu đường chú Vẹn nhìn xuống chân thì thấy chú còn mang đôi dép hai quai lẹt xẹt! Thế là tài xế A Tố phải vòng về.

Sau bao gian nan thì A Tố cũng đến được nhà hàng Grand Garden, nơi tổ chức tiệc họp mặt trao giải Viết Về Nước Mỹ. Vừa bước vào cổng thì A Tố đã được cô Châu Hà, cô Annie đến khen tíu tít, còn được giới thiệu đến "phỏng vấn lên tidi" với phóng viên đài SBTN, dù khi được hỏi A Tố cũng ngẩn tò te trả lời "Dạ em biết em được giải thôi nhưng không biết là giải gì ạ!" Tiếc là run quá nên A Tố quên mất câu "Em thi để học hỏi thôi, còn giải thưởng chỉ là phần phụ" cho giống các thí sinh thi hoa hậu.

Buổi họp mặt năm nay còn tưng bừng hơn cả năm trước với những tà áo dài đỏ thắm của các cô trong ban tổ chức tất bật chào đón quan khách, các vị đại diện cho cộng đồng, các tác giả và gia đình tác giả. Kỳ này A Tố không còn bỡ ngỡ nữa, mà tiến đến chào hỏi Nhà Thơ Trần Dạ Từ và Nhà Văn Nhã Ca. Cô Chú thật là gần gũi và thân thiện, cười tươi khích lệ "mầm non" A Tố ráng viết thêm nhiều.

Sau phần giới thiệu quan khách, buổi lễ bắt đầu bằng  phần văn nghệ của các bé con từ trung tâm Bee Uyên Phương và  trao giải Bé Viết Văn Việt. Khán giả bên dưới vừa ngẩn ngơ với cô giáo Lâm Quỳnh duyên dáng xinh tươi, vừa thích thú với màn trình diễn của các “ca sĩ  nhí” mà hát tiếng Việt thật rõ và đúng nhịp.

Những vị đã theo cùng chương trình Viết Về Nước Mỹ từ những ngày đầu như tài tử điện ảnh Kiều Chinh, ca sĩ Khánh Ly, các đại diện  cộng đồng và quận hạt, thành phố đều lần lượt lên sân khấu chia sẻ niềm vui về sự thành công lâu dài của cuộc thi văn chương Việt. Phần trao giải thưởng cũng diễn ra tuần tự như năm trước, bắt đầu với các giải đặc biệt rồi đến giải danh dự. Các tác giả thắng giải bước lên với nụ cười rạng rỡ và trong tiếng vỗ tay  tưng bừng của quan khách.

Năm nay giải thưởng Trùng Quang được trao cho cô Trần Ngọc Ánh, một cây bút mới của cuộc thi Viết Về Nước Mỹ -nhưng không mới với những người yêu văn chương hải ngoại. Cô Ngọc Ánh với quyển hồi ký "Ngày Tháng Buồn Hiu" đã khiến bao độc giả nghiêng mình cảm phục sự kiên cường của cô. Bài viết đoạt giải Trùng Quang mang tên "Ông Đồ Già Trên Đất Mỹ", kể về phu quân của cô, giáo sư Nguyễn Văn Sâm, người đã dành  tâm huyết cả đời gìn giữ chữ Nôm cho thế hệ mai sau.

Chờ mãi không thấy tên mình được gọi, tim A Tố đập thình thịch biết mình đã lọt vào vòng cuối. Trái với tâm trạng hạnh phúc của A Tố, bé A Vy ôm bó hoa từ đầu buổi tiệc đến giờ vẫn chưa được trao đi, đã phụng phịu cằn nhằn: "Máma sao năm nay lâu quá"!

A Tố khích lệ bé con: "Ráng lên con, má có giải bự hơn năm rồi, nên mình phải chịu khó chờ lâu chút!" A Tố chợt nhớ đến Chú Chín Cali với lời "tiên tri": "Ai ngồi chung bàn với tui năm sau đều có giải bự hơn năm trước á"! Lúc đó lao xao quan khách, A Tố không biết chú ở đâu mà tìm để nói lời đa tạ. Quả thật Chú Chín Cali có phong thuỷ tuyệt vời, lần sau quý vị tác giả nào muốn giải cao hơn xin liên lạc trước với Chú Chín Cali để được xếp  chung bàn.

Lúc bấy giờ, anh chị  Thy - Phương Dung (đã từng đoạt giải "Hoa Hậu" Viết Về Nưóc Mỹ) lên sân khấu với vai trò MC, bắt đầu màn đố vui có thưởng. Rồi đến lúc xổ số, mẹ A Tố còn trúng được một bình nấu nước nóng của Nhật ôm về nhà. Thật là là phước… có trùng lai!

Kế tiếp chương trình là phần giới thiệu sách Viết Về Nước Mỹ năm 2019 với bìa sách màu đỏ rực thu hút sự chú ý của nhiều quan khách. Đặc biệt, nhiều vị thân hữu Việt Bút đã vui vẻ nhường lại quyển sách có chữ ký khi thấy những quyển này quá đắt hàng. Một quyển sách bán được đến hai lần với giá "ủng hộ" cao gấp 4 lần giá gốc, quả là chuyện cảm động chỉ có ở chương trình Viết Về nước Mỹ!

Đêm về khuya, giây phút mong chờ cũng đến, giải Á Hậu-vinh danh tác phẩm được trao giải cho tác giả Nguyễn Văn Tới, với bài "Đời Phi Công Không Người Lái". Bài viết với thông tin thú vị về những chiếc phi cơ được điều khiển từ xa, được lồng vào trong những cảm xúc bay bổng lãng mạn của người phi công gốc Việt hân hạnh được phục vụ cho quê hương thứ hai- nước Mỹ. Thật tiếc chú Tới không về dự được, phu nhân của chú phải lên nhận giải thay. A Tố mong năm sau chú Tới sẽ "tới" Sài Gòn nhỏ để cho A Tố gặp gỡ mà bày tỏ niềm hâm mộ.

Và rồi, tên A Tố được xướng lên cùng với bài "Mẹ Tôi Thành Công Dân Mỹ" dành cho giải thưởng về Tác Giả. Bài viết này A Tố chỉ muốn ghi lại kỷ niệm cho gia đình, không ngờ được ban giám khảo yêu thích và  nhận giải vinh danh tác phẩm, một trong hai giải thường được gọi đùa là Á hậu. Giây phút ấy, A Tố  thấy niềm cảm động dâng trào trong đôi mắt người mẹ đã hy sinh nhiều cho Tố suốt gần 40 năm qua, lại nhớ đến mấy ngày nay mẹ cũng nôn nao chọn áo dài để cùng con gái đi lãnh thưởng. 

A Tố lên lễ đài, run hơn  vì vòng cuối cùng, sân khấu trống vắng  hơn là khi A Tố đứng giữa nhiều tác giả nhận giải năm rồi. Bé A Vy mừng rỡ được  giải thoát  khỏi bó hoa, chạy vù lên sân khấu tặng cho mẹ. Cô Nhã Ca ân cần trao giải thưởng cho A Tố với nụ cười ấm áp. Không chuẩn bị trước nên A Tố thật lúng túng, chỉ biết nói cảm ơn ban giám khảo, quý độc giả đã ưu ái khích lệ "mầm non văn nghệ" mà quên mất lời cảm ơn nồng thắm gửi đến anh Quang. Nhờ anh Quang không bao giờ… đọc bài viết của vợ (tuy anh hay "xúi, bắt" người quen đọc), nên A Tố luôn tự tin cầm bút.

Phần sau cùng và quan trọng nhất của buổi tiệc, giải Hoa Hậu -Vinh danh Tác giả & Tác phẩm- được trao cho Bác Sĩ Vĩnh Chánh với bài hồi ký đầy cảm xúc ghi lại bao chìm nổi thăng trầm của phận nước phận người dân Việt. Bác sĩ Vĩnh Chánh nói lời cảm tạ và hào phóng trao lại nửa phần thưởng cho Việt Báo Foundation, phần còn lại sẽ dành tặng các tổ chức từ thiện trong ngoài nước và… mua chiếc tủ lạnh mới cho phu nhân.

Trong tiếng vỗ tay vang dội của quan khách, Bác Sĩ Vĩnh Chánh còn nhận được bó hoa chúc mừng từ vị thầy tóc bạc phơ của ông là Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Huế (1969-1975). Phu nhân của Bác sĩ Vĩnh Chánh với bộ áo dài vàng rực rỡ  cũng lên trao hoa và “tặng chàng” một nụ hôn âu yếm. 

Từ trên sân khấu, A Tố có thể thấy ánh mắt cảm động của nhiều quan khách trước hình ảnh tuyệt đẹp của bác sĩ Vĩnh Chánh và phu nhân: hai mái đầu pha sương rưng rưng kề nhau dưới ánh đèn,  như đang thì thầm “Qua hết rồi  những "tháng ngày tao loạn"  của kiếp nhân sinh…”

Buổi lễ trao giải kết thúc trong sự chia tay quyến luyến của các tác giả và quan khách. Ngày mai thôi, nhiều vị sẽ phải trở lại với cuộc sống tất bật đời thường trên đất Mỹ, phải tạm xa rời văn chương ngôn ngữ Việt để hoà vào dòng sống ở xứ người. Những chuyến bay, những chuyến xe sẽ chở bao "con tim thổn thức" của các thân hữu Việt Bút-Việt Báo rời Nam Cali nhưng dư âm nghĩa tình nồng thắm giữa "khách thơ, bạn văn" sẽ còn đọng mãi trong lòng kẻ ở người đi.

Cảm tạ Ơn Trên đã cho A Tố có đủ nhân duyên để tham dự chương trình Viết Về Nước Mỹ, cơ hội quen biết và làm bạn với những vị "khách thơ văn". A Tố cũng rất  cám ơn ban giám khảo Viết  Về Nước Mỹ và quý độc giả xa gần đã ưu ái khích lệ những bài viết còn nhiều vụng về của "mầm non văn nghệ".

Ông bà chủ của A Tố  vì bận việc vào phút  cuối  nên đã không đến chung vui với cô nhân viên mà bà đã "nâng cấp" thành "partner" của bà. Tuy vậy, ngày hôm sau đến sở làm, A Tố lại thêm một lần cảm động khi bà đã chuẩn bị sẵn phong bì lì xì đỏ rực theo đúng lệ của người Á  Châu, bên trên ghi dòng chữ "To, We are proud of you" và tỏ ý rất hối tiếc  vì đã không dự được. 

Niềm vui nối tiếp niềm vui, không ngờ A Tố nhận được quá nhiều từ cuộc thi Viết Về Nước Mỹ. Nhất là ông Ngoại A Tố ở tuổi 93 lại có cơ hội nhìn cô cháu ngoại duy nhất lên lãnh thưởng, như ông đã luôn theo cháu đi  lãnh thưởng trong suốt những năm tháng A Tố còn thơ bé. 

Những ánh mắt, gương mặt ngời sáng niềm vui trong đêm tiệc, những tấm lòng của "mạnh thường quân" đã theo cùng chương trình Viết Về Nước Mỹ suốt 19 năm qua cho A Tố  tin rằng văn hoá, ngôn ngữ Việt sẽ luôn được gìn giữ trên đất Mỹ. Mong sẽ  có nhiều “cây bút tài tử” tham dự Viết Về Nước Mỹ, để mỗi ngày qua sẽ được  thêm câu chuyện về niềm vui nỗi buồn của người Việt trên bước đường gầy dựng lại tương lai.

 

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
21/08/201918:05:08
Khách
Cô Đoàn Thị mến,

Dư âm "pate phô mai Tây" vẫn còn đây,cả gánh hát nhà Út Tố vẫn còn lâng lâng trong niềm hạnh phúc được hội ngộ với gia đình Việt Bút, nhất là ông ngoại cháu,ông còn vui đến tận hôm nay.
Mong sao có dịp cả gánh hát được đi Tây để đến thăm Cô Chú. Giờ này chắc Cô Chú đã về lại bên ấy rồi,Tố mến chúc Cô Chú cùng gia đình luôn vui khoẻ nha.

Cháu- A Tố
21/08/201907:26:21
Khách
Anh Nguyễn Văn Tới, vừa rồi đọc bài phiếm của anh tui khoái quá nên quên lửng chuyện chúc mừng anh đoạt giải Á Hậu VVNM kỳ này. Sẵn đây cho tôi được trân trọng chúc mừng anh!
Thiệt tình sao tự dưng thấy dzui wá dzậy hổng biết. Chắc được đấu hót với hai Á Hậu còn nóng hổi🥳🎶🎶‼️ Sao nghe có mùi thơm... lây🤓
Cầu sao năm sau... “Hia” Tới, A Tố cùng được thăng chức hoa hậu. Khoan cười. Chuyện đời hổng nói được đâu🤓🌹👍‼️
Thân mến.
21/08/201902:11:33
Khách
Từ Philippines nhìn về bữa tiệc Little Saigon mà cục trái cấm chạy lên chạy xuống đến khổ sở vì thèm. 3 tháng nay không được ăn đồ VN, lại còn bị tra tấn bởi những món nem công, chả phụng, râu rồng etc... mà A Tố diễn tả. Chúc mừng Á Hậu VVNM nhé, người đồng giải( vô duyên)không về được, coi như mất một niềm vui lớn trong cuộc đời. Chẳng biết cô Ba Trà Vinh ra sao, nhưng cô Ba trong hình, ôm giải thưởng, rất đẹp, rất tươi, tươi không cần tưới. Sang năm chắc chắn sẽ về tham dự, gặp mặt mọi người.
20/08/201912:11:03
Khách
Đọc bài này mới biết - gánh hát bầu tèo - nhà Út Tố nhộn nhịp rân trời để tham gia tiệc hội ngộ ace Việt Bút. Đông, Vui, Hao & Vất Vả nhưng thành viên VB ai cũng vui đóng góp 1 món ăn cho buổi tiệc được trọn vẹn.
Cảm ơn Út Tố đã chia sẻ niềm vui gặp gỡ gia đình Việt Bút, tái ngộ ông ngoại
và đăng quang Á Hậu VVNM.
Hẹn gặp lại năm sau hy vọng Út sẽ đi xa hơn nhé, cô gửi lời thăm ông ngoại vui khỏe những ngày o Mỹ ben con chau.
20/08/201909:21:33
Khách
Anh mong bài viết của A Tố hổm rày. Giờ thì cảm thấy mãn nguyện vì được dự phần hạnh phúc... hàm thụ🤓‼️
Anh khoái nhứt hạng câu này: “Em thi để học hỏi thôi, còn giải thưởng chỉ là phần phụ.” Lần tới được giải hoa hậu A Tố nhớ trả lời vậy nghen🤓🥳‼️
A Tố biết điều gì làm anh sáng mắt đang khi đọc bài của A Tố không? Là biết được có ông ngoại A Tố từ Việt Nam qua. Anh thấy lòng mình vui lắm lắm. Anh xin được chúc mừng A Tố và gia đình🌹❤️‼️ Anh cầu nguyện cho những ngày ông ngoại A Tố ở Mỹ được ngập tràn yêu thương, hạnh phúc.
Nói với ông ngoại A Tố rằng: “Có một độc giả đọc bài A Tố kể về ông bà ngoại ngày xưa, giờ ái mộ ông ngoại lắm lắm!” Cho anh gởi lời chúc bình an hạnh phúc đến ông ngoại A Tố nha!
Anh có lời chúc mừng những ngày đoàn tụ trọn vẹn yêu thương của gia đình A Tố🌹🌹🌹‼️
Anh Từhuy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,526,641
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.