Hôm nay,  

Cảm Nhận Giữa Đời Thường

26/06/201911:22:00(Xem: 8367)

Bài số: 5723-20-31530-vb4062619

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.

 

***

Bà cứ đi tới đi lui trong mớ đồ đạc ngổn ngang chất đống ở Garage, ngày mai bà sẽ rời khỏi đây, căn nhà này con gái bà sẽ bán và đưa bà vô Nursing Homes. Đó là chuyện bình thường xảy ra ở Mỹ, nó như điều đương nhiên mà ai cũng phải trãi qua khi đến cái tuổi nào đó con cái không thể chăm sóc cho mình và mình cũng không thể tự lo liệu lấy mọi việc. Biết vậy rồi mà cũng buồn buồn trong bụng.Chồng bà mất hồi năm ngoái ở tuổi 87, bà nhỏ hơn ổng vài tuổi nhưng cũng còn lanh lẹ lắm, chỉ đi đứng chậm chạp và cái trí quên nhớ bất thường, lần đó các con cũng tính chuyện bán nhà nhưng bà cự nự dữ lắm. Bà muốn ở đây, đi ra đi vô như là còn có ông, mỗi lần thấy chúng tôi đi ngang nhà, bà đều ngoắc vô cho bằng được, chỉ vào cái giường trống có niệm gối ngăn nắp sạch sẽ, có vài con gấu bông đặt kế bên và đưa tay lên miệng thì thầm “suỵt, ông ấy đang ngủ”.Những lần như vậy chúng tôi đều nháy nhau đồng tình gật gù cho bà vui “Ừ, để ông ngủ- mình ra ngoài”.

Ở Mỹ này đâu có ai để bà già sống cô đơn một mình, mỗi ngày đều có người đến nấu ăn, chăm sóc thuốc men cho bà, thỉnh thoảng có món gì ngon chúng tôi đều đem qua bà ăn, nán lại vài câu thăm hỏi, có lúc bà ôm tôi rồi khóc “ nhà tôi mất rồi, tôi nhớ ông ấy lắm”. Gương mặt đầm đìa nước mắt của bà hàng xóm Mỹ thân thiện này làm tôi chạnh lòng nhớ hoài.

Ai đó nói đời sống ở bên Mỹ tẻ nhạt lạnh lùng lắm, lối xóm với nhau mà không hề biết mặt, hay có lời chào hỏi, chưa nói đến chuyện khác biệt về văn hóa , ngôn ngữ, nhà này cách nhà kia cả chục thước , chớ không phải thân thiện như làng xóm ở Việt Nam, nhà sát vách hay chỉ ngăn cái hàng rào bông bụp, tối lửa tắt đèn có nhau, chuyện xảy ra đầu trên là xóm dưới ai cũng biết, thậm chí chuyện riêng của nhà A biến thành chuyện chung của nhà B cũng là cách thể hiện tình làng nghĩa xóm...Nhưng cái này lại trật lất khi chúng tôi dọn về ở đây gần chục năm, có thể chúng tôi may mắn khi gặp những người hàng xóm đều dễ thương, mà có nói gì nhiều đâu , chỉ một tiếng “Hi” khi vẫy tay chào và kèm theo nụ cười thân thiện là đủ rồi, nói vụ này mới nhớ bác gái tôi khi mới qua Mỹ, gặp hàng xóm say hi thì về nhà nói với con “sao nó biết Má thứ hai mà kêu vậy?”.

Qua Mỹ được là mừng, gặp người tốt sống chung quanh coi như hên, dĩ nhiên muốn tạo được mối thân tình này cũng phải có một bên chìa tay ra trước. Hôm chúng tôi dọn nhà tới đây, bà Anne đã qua tặng chậu hoa cúc vàng, tôi cũng tự hỏi như bà bác hai của tôi “sao bà biết mình yêu hoa cúc?’.

 Mà lạ, đang sống ở nơi tối tăm bùn lầy được cơ hội bước qua chỗ sáng sủa yên lành tự dưng thấy lòng thanh thản hết sức. Nhìn đâu cũng thấy người thấy cảnh đáng mến đáng yêu, chắc tại tánh tôi lạc quan và cả tin, khi nghĩ ở Mỹ bình an hơn quê nhà, nên tối ngủ thẳng giấc, có bửa quên khóa cửa luôn, ra đường chạy xe đúng luật không sợ có tên nào quẹo ẩu đụng mình, lâu lâu đi xa bỏ nhà cả tháng về mọi thứ cũng y nguyên, tai mắt hàng xóm coi vậy cũng đở lắm, nếu xui xẻo bị trộm thì nó đem xe tới dọn nguyên căn chứ không có lấy lặt vặt.

 Nhưng cô bạn tôi hay phàn nàn về hàng xóm của cổ “lá rụng qua sân nhà họ cũng complain, có party mở nhạc khuya chút cũng qua gõ cửa, đúng là dân Mỹ khó ưa”.Thật ra khó dễ cũng do mình, xử sự cho đúng mực thì đâu làm mích lòng nhau, cô bạn quên rằng khi cây táo nhà họ có trái, dù cách xa hàng rào chung mà tụi nhỏ cũng thò cây qua giật rụng trái tơi tả, không thèm sorry một lời, dắt chó đi dạo mà không đem theo bao hốt kít chó, để nó ị trên sân cỏ nhà người ta rồi bỏ đi tỉnh bơ thì dù Mỹ hay Việt cũng khó mà chấp nhận được. Chỉ kể sơ sơ vậy thôi chớ không phải ai cũng sống kỳ cục như cô bạn tôi thì chắc lâu ngày không tránh khỏi nạn kỳ thị.

Vì được ở trong khu xóm thân thiện yên bình nên thỉnh thoảng thấy nhà ai treo bảng bán là chúng tôi buồn lắm, giống như mình sắp mất một người láng giềng tốt bụng. Thường thì họ sẽ bán Garage Sale trước đó vài ngày, xe cộ đậu dài dài, người mua kẻ bán lăng xăng cười nói như cái chợ, mọi người có dịp tò mò vào ngăn tủ riêng tư của họ khi bày bán đủ thứ trên sân nhà, cái nào có giá trị còn xài được thì họ bán rẻ, còn đồ linh tinh vụn vặt thì bỏ vào cái thùng để chữ Free là ai muốn lấy gì tùy thích.

Thú thật từ hồi qua đây tới giờ, việc đi Garage Sale cuối tuần vẫn là điều thú vị đối với tôi, như một nét văn hóa đặc trưng của xứ Mỹ mà tôi không thấy ở những nơi khác, như Thụy Sĩ, Canada hay Pháp chỉ có chợ trời tùy theo địa phương mà mở thường xuyên hay trong hai ngày cuối tuần. Riêng ở Mỹ, garage sale chỉ mở thứ bảy và chủ nhật , sau này có nơi lấn qua thứ sáu nữa, dĩ nhiên phải có luật lệ trật tự và xin phép County đàng hoàng

Nếu xếp theo mức độ giá cả thì rẻ nhất là Garage sale, kế đến là Chợ trời, rồi mới tới mấy cửa hàng bề thế khác như  Home Depot hay Walmart, thí dụ như mua cây kéo cắt cành, Garage sale giá $2 Chợ trời giá $4, và Home Depot giá $12. Nói vậy để thấy tại sao nhiều người cuối tuần vẫn thích xách xe chạy vòng vòng quanh mấy khu nhà có cắm mũi tên dán giấy xanh giấy đỏ như một quy ước bất thành văn “ Ở đây có garage sale”. Mà vui thiệt nhe, giống như chơi trò tìm kho báu hồi nhỏ , cứ theo mũi tên dẫn đường cắm dài dài từ đường lớn sang đường nhỏ, rồi quẹo trái quẹo phải, có khi tới nơi thì không thấy gì hoặc hàng hóa lèo tèo không đáng mua, nhưng tức cười nhất là sau lưng mình cũng có nhiều chiếc xe bị hố như vậy mà kéo cửa kiếng xuống nhìn nhau cười trừ.

 Không hẳn là có nhu cầu mua sắm, nhưng đi cũng thấy nhiều chuyện vui vui, thỉnh thoảng mua được món gì ưng ý thì khoái lắm, có nhiều người ghiền đi garage sale đến độ dù nhà chật chội, món hàng chưa cần xài nhưng thấy rẻ là cứ tha về. Dĩ nhiên bị chồng con phản đối  lại phân bua “người ta xài hàng hiệu mấy trăm đồng, đây mua có vài đồng mà la gì”. Tôi biết có nhiều người cụ bị mua gởi về cho VN theo kiểu nhà nghèo “cũ người mới ta”, bên nhà bây giờ cũng có bán hàng cũ gọi là hàng Sida, không hiểu sao lại có cái tên nghe giống HIV quá.

Ai cũng biết Garage Sale hay Yard Sale là chủ nhà bày bán những đồ đã dùng trong gia đình ra ngoài sân với đủ thứ mặt hàng từ cuộn len đến chiếc xe đạp, đôi bông tay rớt hột hay cái kệ đựng sách, tuy không thượng vàng hạ cám như ngoài chợ trời, nhưng cũng có nhiều thứ độc đáo lắm nếu gặp phải chủ nhân là người khoái sưu tầm, hay khu khá giả, chứ gặp khu nghèo thì đồ đạc chẳng có chi đáng giá. Còn Estate Sale là bán ngay trong nhà khi họ sắp sửa dọn đi, người mua có thể đi khắp các phòng trong nhà để xem, quần áo chăn màn ở phòng ngủ, bàn ghế ti vi ở phòng khách, nồi niêu ly chén ở nhà bếp, dụng cụ làm vườn, ghế xích đu ở sân sau..

Dĩ nhiên hầu hết là đồ cũ, có cái quá cũ nếu chủ nhân là những người già, nhưng sẽ có nhiều đồ mới , nhất là quần áo giầy dép trẻ con và người lớn còn nguyên trong hộp, nếu chủ nhân là người trẻ và nhà cửa kha khá. Họ bán bớt đồ đạc không cần dùng, dư thừa bề bộn để làm sạch thoáng ngôi nhà của họ, hoặc khi dọn nhà cũng bớt sự cồng kềnh tốn kém chi phí vận chuyển.

Mỹ là thị trường lớn nhất để thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mọi người thuộc mọi tầng lớp, nhất là trong những dịp lễ hội, chương trình giảm giá có khi lên đến 70-80%, cái này thì ngược đời với bên Việt Nam, các doanh nghiệp lợi dụng thời điểm này để nâng giá cao hơn, bày hàng dỏm nhiều hơn mong chụp giựt lợi nhuận, buôn bán như vậy ai mà thèm shopping!

So sánh để thấy buồn bực, đừng đổ thừa tại nước mình nghèo à nhe, mua sắm nhiều mới thúc đẩy được nền kinh tế phát triển trong sự cạnh tranh lành mạnh để sản phẩm tốt hơn, và đó cũng là lý do nước người ta ăn xài dư giả hơn nước mình. Hồi mới qua, tôi ngạc nhiên khi thấy nhà ai cũng đồ đạc chất đống, lâu lâu đổ ra bán garage sale hay đem cho Goodwill, có khi đồ còn tốt chưa kịp xài.

Chuyện mua bán này cũng có nhiều cảm xúc thú vị lắm, nếu bạn chịu khó lang thang và quan sát, garage sale đâu hẳn dành riêng cho người nghèo, thu nhập thấp mà mua được bộ bàn ghế tốt giá rẻ, đem về đặt trong Mobile Home cũng thấy sang như thường, mấy ông Mễ thì thấy cuốc xẻng, máy cắt máy cưa là chất ngay lên xe, giá rẻ gấp mấy lần Home Depot sao không lấy?

Tôi đã từng thấy những chiếc xe hạng sang của mấy ông chuyên đi tìm mua vàng bạc đá quý lẫn lộn trong đống nữ trang rối nùi của bà nội bà cố để lại mà con cháu hổng biết giá trị thật của nó,  hay đồng hồ kiểu xưa, đồng tiền cổ, những vật lưu niệm độc lạ hoặc mấy tranh ảnh đời cố lũy nào mà chỉ có con mắt chuyên gia mới nhận ra hàng quý,  nghe nói có người đã trúng mánh khi mua bức tranh giá chỉ có $5 mà ai dè nó được rao bán trên mạng cả mấy trăm ngàn, thiệt là chuyện hi hữu.

Mua bán mắc hay rẻ cũng tùy người đối diện, người Châu Á hét giá hơn chợ trời, người già bán mắc hơn người trẻ, đàn ông bán rẻ hơn phụ nữ...Mấy cái vụ này đi hoài, để ý chút sẽ thấy, nhưng biết đâu chỉ là nhận xét khách quan của vài người hay lê la cuối tuần, tôi đã từng thấy bà già bày ra bán, nhưng hỏi món nào bà cũng nói như giá trong siêu thị để cho người khác nãn không mua, lý do đơn giản đó là đồ kỹ niệm mà bà không muốn rời bỏ nó Nhưng để hoài chật nhà thì con cái cằn nhằn.Tôi thường tránh mua những món quà này vì không muốn nhìn thấy ánh mắt tiếc nuối của họ khi trông theo. Có lẽ tánh tôi vốn nhạy cảm.

Còn đồ chơi của em bé nữa, có khi đổ đống trên sân sạch sẽ như mới, nhìn cái nào cũng thích, nhớ hồi nhỏ nhà nghèo thèm có con gấu bông mềm mại hay con búp bê biết nhắm mắt mở mắt mà con nhỏ hàng xóm chảnh chọe không cho rờ sợ dơ. Nghĩ lại thấy thương tuổi thơ dữ dội của mình, và mấy đứa trẻ nhà quê ở VN bây giờ chắc cũng thèm ôm một con gấu bông bự xự như vậy lắm.

 Bên này người nghèo giàu gì cũng thấy tươm tất, cuộc sống vật chất đủ đầy, đôi khi dư giả thừa mứa, dĩ nhiên cũng có những cảnh đời khốn khó như homeless , nhưng con số này  không nhiều và luôn được sự hổ trợ của xã hội. Garage Sale, chợ trời là cơ hội để giải quyết sự thừa mứa đó, Goodwill cũng vậy

Và bữa nay thì nhà bà Anne treo bảng “ Garage Sale”, mai mốt sẽ là House for sale. Tôi biết bà sẽ có nhiều đồ vật để lưu luyến khi chia tay với nó, những món quà mà ông đã tặng bà trong mỗi dịp Holiday, Valentine, hay Sinh nhật, món quà có thể không đắc giá lắm nhưng đó là niềm vui là hạnh phúc mà bà tha thiết muốn giữ lại mãi mãi, cả ngôi nhà này nữa, nơi chốn mà họ đã từng có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Bà sẽ buồn biết bao nhiêu khi phải rời xa tất cả để đến một điểm cuối cùng của đời người trên đất nước này: Nursing Homes..

Thấy bà loay hoay trong mớ đồ đạc ngổn ngang, nâng niu từng món rồi lại buông xuống , khuôn mặt buồn ngẩn ngơ, tôi muốn bước sang ôm bà một cái để chia sẻ nỗi niềm u uất của bà, tôi nghĩ đến tuổi già của mình, biết đâu chừng mươi năm nữa, con gái tôi cũng treo bảng Yard Sale y như vậy. Buồn ơi!

(tháng 6/2019)

 

Trần Ngọc Ánh 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,413
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, Bà tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 7 của bà được viết trong ngày lễ Phật Đản.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada từ năm 1981. Mong bà tiếp tục viết.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bai mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. (Ấn bản chủ nhật có sự sai sót. Xin đăng lại phần đúng và trân trọng cáo lỗi.)
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19. Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Bài viết mới của tấc giả đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.