Hôm nay,  

Hoa Thịnh Đốn và Bức Tường Đá Đen

08/06/201900:00:00(Xem: 11222)
Tác giả: Ngọc Hạnh
Bài số  5709-20-31516-vb7060819

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình  tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ sáu của bà kể về mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.

1 Buc Tuong Da DenA2 Buc Tuong Da Den
Bức Tường Đá  Đen  hình chữ V.

3 dien hanh mo to4 dien hanh VN
Diễn hành với cờ VNCH và Đòan Mô Tô  Rolling Thunder.

***

Tuần lễ vừa qua  vợ chồng người cháu gọi bằng cô từ Cali đến Virginia thăm tôi. Đã lâu cô cháu  chưa gặp nhau, chỉ liên lạc qua điện thoại hay điện thư mà thôi. Mấy lần hai cháu đinh đi thăm cô nhưng việc nhà việc sở lần lữa mãi.

Nhân dịp được nghỉ  lễ “Chiến Sĩ Trận Vong“ (Memorial Day)  hai cháu quyết đinh ghé Virginia thăm  cô và các em họ, trên đường đi Luân Đôn dự lễ tốt nghiệp con gái. Từ Cali bay thẳng đến Luân Đôn  giá  máy bay  rẻ hơn từ Washington DC đi Luân Đôn dù đường bay ngắn hơn.

Tháng 5 vẫn còn mùa Xuân, thời tiết mát mẻ, khí hậu Virginia rất đẹp. Trời không lạnh cũng không  nóng nực. Mưa xuân đủ ướt đất cho hoa cỏ xanh tươi mát mắt. Công viên và tư gia sân cỏ xanh mướt, hoa các loại  đua nhau nở rộ quyến rũ  bướm ong.

Cháu cho biết San Jose thời tiết năm nay hơi bất thường, tháng 5 mà có hôm còn lạnh, ra đường phải mặc ấm. Hai cháu chẳng lạ gì vùng Hoa Thinh Đốn nên chỉ loanh quanh ở nhà với cô và các em cho đến một hôm vào gần cuối tuần, lúc đi thủ đô  Washington DC, hai cháu muốn ghé  thăm bức tường đá đen “Đài tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam” (VietNam Veterans Memorial).

Tôi cũng chưa biết bức tường,  dù cư ngụ ngay tại vùng thủ đô gần 40 năm. Đến đài Tưởng Niệm các chiến sĩ tôi bùi ngùi xót xa cho gia đình họ, cho những góa phụ cô đơn và các con mồ côi thiếu sự chăm sóc của cha thân yêu. Tôi  có đọc báo, xem tin tức cách đây mấy mươi  năm khi  mới khánh thành bức Tường Đá  Đen nhưng toàn là hàm thụ, chưa thấy tận nơi bao giờ. Bà con bạn bè ở xa về chơi đều được các con cháu đưa đi thăm thủ đô và bức tường ghi tên những chiến binh Hoa Kỳ và người ngoại quốc đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Lần này tôi cùng đi với các cháu  có lẽ vì thấy một số xe mô tô ồn ào chạy trên đường phố nhắc tôi nhớ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ “Chiến Sĩ Trận Vong“. Các cựu chiến binh  năm nào cũng đến thủ đô đến từ  các tiểu bang khác để dự lễ, mỗi người một chiếc mô tô, chẳng ai đèo ai.

Chúng tôi đến khu công viên quốc gia Washington DC., tìm chỗ  đậu xe cũng dễ vì không phải ngày cuối tuần nhưng phải đi bộ khoảng ngắn. Đi vào cuối tuần gay go hơn nhiều, khó tìm chỗ đậu, tốt hơn là đi Metro vừa nhanh vừa khỏi  tìm chỗ đậu xe khó khăn.

Bức tường Đá Đen nằm trong khu công viên quốc gia, diện tích 8.100 m2, gần khu vườn cây. Nơi đây mát mẻ nhờ cây cao cho bóng mát,  dưới đất thảm cỏ xanh mượt êm như nhung, lối đi bằng thẳng phẳng phiu. Những băng gỗ đặt rải rác theo lối đi cho khách nghỉ chân. Những người  viếng bức tường đủ sắc tộc, Ấn Độ, người da trắng, da đen, da vàng, trẻ em, người lớn, nam, nữ, cụ già, có em bé  trong xe  nôi cho mẹ đẩy đi. Ngày thường không mấy đông nhưng vào cuối tuần hay ngày lễ nơi này rất đông người thăm viếng. Người già, trẻ, thanh niên thanh nữ, chen chúc trên con đường ngắn.  Hôm tôi đến có những vị mặc quân phục đứng tuổi  đến viếng bức tường, dò tìm tên người  thân trên bảng đá đen.

Dưới chân bức tường rải rác một vài cành hoa hay nguyên cả bó hoa tươi.

Mới vào khu vườn đã thấy  tượng 3 quân nhân mang súng bằng đồng đứng trên bục gần bức tường. Ba người nhưng khác màu da: một da đen, một da trắng, và một người quốc tịch khác, người Á Châu?

Một số du khách đứng chờ chụp ảnh kỷ niệm với bức tượng, có người chăm chỉ đọc  những  dòng chữ ghi trên bảng đồng dưới chân tượng.

Cách khoảng ngắn cũng trong công viên có tượng mấy phụ nữ cũng bằng đồng, đang đỡ người nam mặc quân phục, một thương binh?  Tôi  không xem được bảng chú thích nơi chân tượng nên không  biết họ là ai. Mọi người chỉ muốn vào xem bức tường Đá Đen. Tuy khu vực này mát mẻ nhờ có bóng cây nhưng nơi  bức tường thì nắng, chẳng có bóng cây nào cả.

Từ trước, tôi vẫn nghĩ Bức Tường Đá Đen hình vuông dài nhưng không phải quý vi ơi, tường hình chữ V, trải dài từ  cao đến thấp,  không  cùng một chiều cao  đâu. Chỗ cao nhất 3 mét và chỗ thấp nhất 20cm, dài 150 m ghép lại bằng  72 tấm đá hoa cương quý màu đen mang về từ Ấn Độ (Bungalore), ghi tên hơn 58,276 người Mỹ và ngoại quốc đã chết hay mất tích trong chiến tranh Việt Nam (tháng 5/2019). Trong số này có 8 phụ nữ phần lớn là y tá, 16 nhà truyền nhà giáo, 1,200 người mất tích. Lúc đầu chỉ có 57, 937 người có tên trên bảng đá đen lạnh lẽo mà thôi.

Đứng nơi “Bức Tường” quý vị  có thể nhìn thấy cây “bút chì”(Washington Monument ) đỉnh nhọn và cao ở xa xa.

Theo tài liệu công viên Tường Đá Đen xây từ 26/3/82 khánh thành 9/11/82, tốn khoảng 9 triệu mỹ kim. Tác giả bản vẽ  là cô Maya Lin, sinh viên kiến trúc đại học Yale lúc cô mới 21 tuổi, người Mỹ gốc Hoa. Tuy gốc người Hoa nhưng cô sinh trưởng ở Ohio, Hoa Kỳ. Bản vẽ cô được chọn trong hơn cả ngàn bản vẽ của các kiến trúc sư khác gửi về thm dự cuộc thi tuyển. Bức tường màu đen, tên người khắc vào bức tường màu trắng.

Dù hơn 30 năm tường vẫn sạch sẽ không  bám bụi bẩn. Được biết mỗi chủ nhật thứ II trong tháng  từ tháng 4 đến tháng 10 có nhóm người tình nguyện nam và nữ đến sắn tay áo nhúng khăn vào nước sà phòng cọ  rửa bức tường kỷ niệm. Họ là cựu nam, nữ chiến binh Hoa kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Tôi liên tưởng hình ảnh những người mang hoa  thăm mộ người thân trong  các nghĩa trang. Họ đâu chờ đến đúng ngày kỷ niệm. Việc làm của họ người ngoài nhìn vào có vẻ như nhàm chán vô nghĩa nhưng thực ra được gần bức tường có ghi tên người thân cũng ấm áp,làm nhẹ nỗi đau buồn ít nhiều. Nếu không đoàn người đi mô tô đâu bỏ công vượt hàng ngàn dặm đường xa thăm  bức tưng kỷ niệm mỗi năm.

Tôi chợt nhớ bà hàng xóm cũ. Hai vợ chồng bà có người con trai duy nhất đã  tham gia chiến tranh Việt Nam và mất trước khi Mỹ rút quân 2 tuần.  Bà kể lại với giọng  thản nhiên nhưng tôi biết bà đau lòng  khi nhắc lại chuyện cũ.

Thật không hiểu  được, tuổi trẻ, con một, nhà khá giả lại đi tham dự cuộc chiến ở quốc gia xa lắc xa lơ, thiếu tiện nghi vật chất, để cho cha mẹ lo sợ nhớ thương. Sau  này ông bà bán gian nhà đang ở rộng rãi, mua nhà khác nhỏ  hơn có 1 một tầng thôi. Lúc bán nhà Bà mời tôi  sang nhà bà chơi bảo thích gì thì lấy và bà nói đùa là” trừ cái đàn piano” vì bà là giáo  sư dạy đàn. Nhìn hình con trai  bà, một thanh niên khôi ngô  sớm vĩnh viễn ra đi cho quê hương Việt Nam, buồn ơi là buồn.

Định mệnh trớ  trêu, tre khóc măng.  Chồng  bệnh, con mất sớm nhưng xem bà có vẻ bình an có lẻ nhờ ở đức tin mạnh mẽ chăng. Tôi thấy ông bà đi nhà thờ mỗi chủ nhật và thường đến thăm bức Tường  Đá Đen ở thủ đô dù chẳng phải ngày lễ.

Thật ra Bức Tường Đá Đen  cách hồ Tidal  Basin thơ mộng thủ đô  Washington DC không bao xa, có thể đi tản bộ trước hay sau khi thăm Bức Tường cũng tiện lắm: gió mát, cảnh trí an lành thanh  nhã.

Theo cháu tôi công viên quốc gia  thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi có các đài kỷ niệm đã thu hút  người thăm viếng đông nhất nước, 4, 5 triệu du khách  mỗi năm…Hai vợ chồng cháu tôi rời Virginia vài ngày trước lễ”Chiến Sĩ Trận Vong” nhưng đã thấy các đoàn mô tô to  ồn ào chạy trên đường  lộ hướng về thủ đô. Tuy nhiên họ chưa vào thành phố chỉ ngụ các khách sạn ở ngoại ô vùng Virginia. Nhìn là biết họ từ xa về, áo da chắn gió, mũ bảo vệ, kính đen thật to… Chiếc xe thì to gấp rưỡi chiếc xe mô tô bình thường, tiếng máy nổ cũng ồn ào hơn các xe mô tô nhỏ.   

Theo  tôi biết các tiểu bang Hoa kỳ đều có tổ chức lễ “Chiến Sĩ Trận Vong” vào thứ hai tuần lễ cuối cùng của tháng 5 nhưng có lẻ thủ đô Hoa Thịnh Đốn tổ chức trọng thể nhất. Các cuộc diễn hành đẹp mắt, y phục, đi đứng trang nghiêm từ các học sinh đến các đòan thể, các  binh chủng khác nhau... Các đoàn quân nhạc với nhạc khí sáng ngời, y phục thẳng nếp. Các màn múa súng điêu luyện vui mắt. Ở nghĩa trang quân đội Arlington Washington DC  trước mỗi mộ bia đều có cắm lá cờ Hoa kỳ nhỏ.

Có lẽ  quý vị  cũng đã  xem diễn hành trên màn ảnh rồi. Tôi chỉ muốn nói đến sự hiện diện của  các Hội Đoàn và công đồng người Việt vùng Maryland, Virginia và Washington DC trong buổi diễn hành. Đồng bào hải ngoại cũng vui thấy đại kỳ và cờ Việt Nam  Cộng Hòa phất phới trong buổi lễ, các tà áo dài phụ nữ Việt tha thướt xuất hiện trong đoàn diễn hành long trọng và trang nghiêm ở Washington DC.

Trong 32 năm nay, vào ngày lễ “Chiến sĩ Trận Vong” từ các tiểu bang khác, cả ngàn cưu chiến binh lái mô tô trải qua bao nhiêu ngàn dặm, chịu nắng gió nhọc nhằn về Washington DC.

Có tài liệu cho biết năm 2018  khoảng 100,000 người lái xe mô tô về  thủ đô dự buổi diễn hành ngày lễ Memorial Day. Tuy đường xa  nhưng họ về vừa dự diễn hành vừa thăm tường kỷ niệm, tưởng nhớ, vinh danh các cựu chiến binh anh dũng, các đồng đội đã vì lý tưởng cao quý, hy sinh cuộc sống riêng tư an lành tốt đẹp, tham gia chiến tranh Viêt Nam, một quốc gia  xa xôi khác tiếng nói màu da với người Hoa kỳ. Một số lớn những người này bỏ mình nơi xa lạ, không ai ruột thịt thân yêu trong giờ phút lâm chung, vĩnh biệt trần gian vì nước Mỹ từng muốn giúp một quốc gia đồng minh chống Cộng.

Đoàn xe mô tô phủ bụi đường xa được dân chúng thủ đô nhiệt liệt hoan nghênh, đón chào. Tiếng máy xe ồn ào, ầm ĩ vang dội cả khu phố khi đoàn xe đi qua.Ngày thứ hai 27/ 5/19 họ tâp trung và khởi hành từ bãi đậu Pentagon vào buổi trưa, đi qua Memorial  Bridge, đại lộ Constitution đến West Potomac Park. Xe nào cũng có lá cờ Hoa Kỳ  mới rực  rỡ như  một rừng cờ di động, Điểm cuối đoàn xe là Vietnam Veterans Memorial.  

Thường đoàn Rolling Thunder đến Washington DC vào cuối tuần, thăm viếng vài nơi  thủ đô, chuyện trò với các đoàn thể, người quen... và chính thức dự lễ Chiến sĩ Trận Vong vào ngày thứ hai.

Năm nay, 2019, là năm  cuối cùng  đoàn Rolling Thunder tham dự diễn hành ngày lễ Memorial Day ở Washington DC. Tôi nghĩ họ mệt mỏi  do tuổi cao và đường xa, vì các cưu chiến binh người trẻ nhất cũng trên 60 tuổi. Nhưng, theo báo chí nguyên nhân họ không tiếp tục tham dự vì lý do tài chính. Tiền thuê bãi đậu xe và mướn người giữ an ninh  ở Pentagon cao.  Đoàn  mô tô  Rolling Thunder diễn hành  ngày “Chiến Sĩ Trận Vong” mấy chục năm  quen lệ như  một “truyền thống”, vắng đòan xe  sẽ có nhiều người tiếc nhớ.

Được biết  Rolling Thunder thành lập năm 1987 với số thành viên khiêm tốn, năm kế tiếp 1988 có 2,500 người tham dự và từ đó đến nay năm nào họ cũng về thủ đô dự lễ Chiến Sĩ Trận Vong.

Từ đây về sau mỗi năm  vào tháng  5, dân chúng vùng thủ đô hết còn nghe tiếng máy xe mô tô ồn ào và rồi những cựu chiến binh trên đường phố, hình ảnh quen thuộc với dân chúng.

Nhìn bề ngoài những người này trông bặm trợn, hùng hổ  nhưng thật ra  tình cảm  họ cũng nồng nàn, tha thiết  với chiến hữu, đồng đội. Trông cách họ chịu khó vượt bao nghìn dặm đến thăm đài kỷ niệm, nhẹ nhàng dò tìm tên người thân hay đồng đội trên bức tượng đá vô tri lạnh ngắt thì biết.

Đi viếng đài tưởng niệm  tôi xót xa nghĩ đến những người đã nằm xuống cho quê hương tôi dù họ là người Hoa kỳ hay nước khác.Tôi nhớ nghĩa trang Biên Hòa không  người thăm viếng thường xuyên như ngày trước và liên tưởng hậu quả tang thương do chiến tranh. Riêng nước VN cả triệu người phải rời bỏ quê hương, cửa nhà tan nát, gia đình ly tán. Họ  vượt biển, một số chìm sâu trong lòng biển cả hay mất xác trong rừng rậm, làm mồi cho thú dữ...

Phần lớn những người có tên trên bức tường đen đã có gia đình,có cuộc sống êm đềm với vợ trẻ con thơ hay cha mẹ  thân yêu nhưng họ đã chết cho đất  nước Việt Nam và con số không nhỏ. Xin vô cùng tri ân  các cựu chiến binh  chiến tranh Việt Nam, dù họ  qua đời hay còn khỏe mạnh, lành lặn hay thương tật. Quân nhân nhất là chiến binh trong thời  chiến  theo tôi là những người  cực nhất trong các ngành nghề. Họ không quản ngại nắng mưa, vào rừng lên núi , xa gia đình, người thân yêu... Xin ơn trên ban phước lành cho  các cựu chiến binh  và gia đình họ. Cầu mong họ có đời sống tốt đẹp an vui. Bên ngoài  nắng nhẹ, trời trong, đàn chim  hót líu lo, nhảy nhót tung tăng và bướm vờn  quanh khóm hoa  Xuân rực rỡ màu sắc...

Ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019
Ngọc Hạnh

Ý kiến bạn đọc
18/01/202100:54:00
Khách
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật xin một nén nhang lòng cho các chiến binh đồng bào tử nạn... chiến tranh đã lùi xa ... cầu xin cho thế giới hoà bình chúng sinh an lạc
Nhân loại yêu thương nhau để đừng xảy ra một cuộc binh đao nào nữa
Nam Mô A Di Đà Phật 🙏🙏🙏❤️❤️❤️🌺🌺🌺🌸🌸🌸
08/06/201918:56:45
Khách
Nếu quí vị nhìn bức tường này qua không ảnh (từ trên cao), quí vị sẽ hiểu nỗi lòng người Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam. Một vùng cỏ xanh mịn màng, yên lành bị một vật thể khổng lồ có gốc cạnh vuông, sắc nhọn rơi xuống từ trên không, va đập mạnh, để lại một vết rách tàn nhẫn... để lại một nỗi đau không nguôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,109
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.