Hôm nay,  

Người Cha Lao Công

01/06/201900:00:00(Xem: 11421)
Tác giả: Phương Hoa

Bài số 5704-20-31511-vb7060119

 

Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 

***

Buổi trưa, bầu trời trên thành phố biển Berkeley trong xanh. Nắng thật đẹp. Ánh nắng rực rỡ nhưng khí hậu lại man mác, dịu dàng. Hơi mát len nhẹ vào phòng đợi tầng hai của bệnh viện từ cánh cửa tự động mỗi khi có người vào ra, mang theo mùi hương thoang thoảng từ vườn hoa đủ loại ngoài sân thượng bệnh viện.

Đột nhiên trời trở gió. Những cơn gió mạnh ào theo bước chân của khách tạt vào làm bay tốc các tờ tạp chí và làm chao đảo các cành hoa đầy màu sắc trong mấy chiếc độc bình lớn trên bàn, cạnh những bộ sofa khách đang ngồi.

Từ phía sau, một người đàn ông Việt Nam mặc bộ đồ màu xanh xám của nhân viên bệnh viện đẩy chiếc xe chất đầy dụng cụ lau nhà phăng phăng đi ngang qua phòng đợi, vừa đi ông vừa cởi chiếc khẩu trang ra thảy vào trong giỏ rác.

– “Hey! Mr. Lac!” Già Lạc ơi! Cô y tá từ trong phòng lab bước ra gọi. – Ông có thể giúp chỉnh đốn lại mấy bình hoa kia được không? Và cả những khay trái cây luôn, làm ơn nha! Lát nữa đây có phái đoàn trên trung tâm chính xuống khảo sát, mà tất cả mọi người đều bận, kể cả các thiện nguyện viên, nên mới nhờ đến ông đó.

– “Yes Anna! No Problem!” Được cô Anna ơi! Không sao đâu! Ông Lạc cười xởi lởi, khoe hàm răng ngã sang màu ngà vì khói thuốc đã bị mất chiếc răng nanh bên trái. – Để tôi cất cái xe này vào kho đã rồi sẽ làm ngay.

Ông Lạc trở ra sắp xếp mớ tạp chí và lau dọn sạch các mặt bàn rồi ngồi xổm xuống trước một bình hoa, tỉ mỉ sắp xếp lại và đổ thêm nước cho đầy bình để sức gió không thể lung lay. Bình hoa thật lớn. Chen lẫn trong nhóm hoa hồng hoa cúc và hoa huệ, là những đóa hướng dương màu vàng sậm, to lớn giống những chiếc gương tròn, nặng quằn dường như quá sức chịu đựng của cuống lá mảnh mai. Nhưng dù bị gió làm cho nghiêng ngả, chúng vẫn ngoan cường tươi tắn ngạo nghễ nhìn đời, và vẫn luôn cất cao đầu hướng về phía cửa, nơi có ánh nắng mặt trời chói chang vừa bị mây đen kéo qua che khuất.

Ngồi cắm lại những bông hoa xiêu vẹo, ông Lạc tẩn mẩn nghĩ, bịnh nhân ung thư đang điều trị trong khu này cũng giống như những bông hoa mặt trời. Những lần xạ trị đốt cháy thịt da, bao đợt hoá trị phờ người vật vã ói mửa, họ vẫn kiên cường chống chọi. Dù mang bệnh hiểm nghèo, họ gắng sức chiến đấu để giữ lại sự sống. Không biết có phải do vậy mà bệnh viện mới đem chưng loài hoa này ở đây hay chăng, vì ông thấy hầu hết các phòng, chỗ nào cũng có chưng hoa mặt trời.

Những người ngồi chờ nhìn ông làm việc, gật đầu khen ông làm “good job” làm ông cũng thấy vui vui trong lòng.

Làm xong ông Lạc bước lại chỗ kệ để thức uống và trái cây. Trong khay chỉ còn có mấy trái chuối, ông ra nhà bếp bưng tới một rổ táo, chuối, và cam quýt, chất vào cho đầy. Tất cả đều là những loại trái cây hữu cơ “organic” trái nào trái nấy trông sạch sẽ và mạnh mẽ. Nhìn những cái khay đặt cạnh bình nước nóng chứa đầy các loại túi trà, cafe khác nhau kèm theo nhiều túi đường sữa bên cạnh, rồi những bì chips, bánh quy mặn ngọt lạt gì cũng có, ông Lạc thấy khâm phục cách chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo ở đây. Ngày ba bữa sáng trưa tối họ cung cấp thức ăn với đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, ai muốn ăn món gì thì có thể đặt hàng cho mình, y tá sẽ đem tới bất cứ lúc nào. Trong tủ lạnh của khu vực này lúc nào cũng đầy ắp sữa tươi, bánh mì kẹp thịt, cá thu, cheese, yorgut, và các loại kem là những thức ăn vặt cho bệnh nhân đỡ lòng khi nào họ cảm thấy đói mà chưa tới giờ ăn chính.

Làm cái job lao công ở đây mười mấy năm, ông Lạc quen biết tất cả mọi người, từ bác sĩ, y tá đến các chuyên gia dinh dưỡng. Người ta cũng rất thích ông vì sự vui vẻ, hiền lành, và làm việc với sự tận tâm. Bà Hạnh vợ ông bị bịnh ung thư cũng đã được chữa trị ở đây. Các bác sĩ đã hết sức tận tình cứu chữa cho bà lành bệnh. Chỉ tiếc là sau khi hết bệnh bà đã quá ỷ y nên mãi lo đi làm không chú ý theo dõi thường xuyên về sức khỏe. Chục năm sau, khi biết bệnh tái phát thì đã quá muộn màng. Các bác sĩ rất giỏi nên họ cũng giúp bà kéo dài thêm được mấy năm.

– Bố Lạc ơi! Làm dùm cho con một ly cà phê với “đường không ngọt” (nonsweetener) đi!

Ông Lạc giật mình quay lại. Đó là Tazee, cậu bệnh nhân “con bà phước” người Mỹ Trắng trẻ nhất, điều trị lâu nhất trong khu này. Một đứa trẻ tội nghiệp. Ông thường nghĩ vậy mỗi khi gặp Tazee. Cậu chỉ mới hơn 20 tuổi đầu mà mắc chứng ung thư mũi vào gian đoạn III trong khi đang học năm thứ hai ở trường Laney College. Suốt mấy tháng điều trị, không hề thấy có thân nhân nào đến thăm, dù khi cậu bị thuốc hành phải nằm cả tuần trong phòng cấp cứu, cũng chẳng có ai chở dùm đến bệnh viện dù chỉ một lần. Cậu lúc nào cũng tự lái xe đến phòng xạ trị và hoá trị rồi chạy về. Mọi người từ bác sĩ đến y tá đến nhân viên nhà bếp, kể cả nhân viên vệ sinh như ông Lạc cũng đều thương Tazee, vì cậu rất can đảm, chấp nhận điều trị căn bệnh hiểm nghèo, không bao giờ tỏ ra sợ hãi hay than phiền.

Tazee lớn lên bất hạnh. Cha mẹ ly dị khi cậu vừa đủ 18 tuổi phải ra tự lập. Cậu vào học đại học vừa đi làm ở McDolnal để có tiền sinh sống và học phí. Cha mẹ cậu sau đó đã tái hôn và dọn đi tiểu bang khác. Mỗi người tự lo cho hạnh phúc của riêng mình, nên họ không hề nhớ đến đứa con đang bệnh hoạn này. Cậu kể, cả cha mẹ cậu ngày còn ở chung hai người đều hút thuốc lá uống rượu mạnh, cho nên chỉ mười tuổi đầu cậu cũng bắt chước làm theo. Bác sĩ nói, rượu mạnh và thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh của cậu. Ông Lạc thương Tazee hơn ai cả vì cậu ta cũng cỡ tuổi thằng Jimmy con ông. Ông thường vô nhà bếp lấy thức ăn mỗi khi cậu nhờ. Chỉ cần nói cho Tazee là món gì cậu cần nhà bếp cũng cho.

Tazee nhìn ông lạc cười rạng rỡ. Một tay cậu cầm chiếc mặt nạ xạ trị màu xanh lá mạ, tay kia ôm một khung hình.

– Hey bố Lạc! Bác sĩ vừa mới cho con xuất viện khi nãy! Tazee nói, đưa chiếc mặt nạ ra trước mặt ông. – Còn đây là “tấm bằng khen” con đã hoàn thành tốt việc chữa trị! “Ngon lành” chưa! Tazee đùa thêm một câu.

Ở khu này, mỗi khi bệnh nhân nào lành bệnh thì bác sĩ cho xuất viện và cấp một tấm giấy chứng nhận việc chữa trị đã hoàn thành, mọi người gọi đùa đó là “tấm bằng khen” hay là “giấy khai sinh thứ hai.” Điều này rất đúng! Những căn bệnh ung thư chữa hết thì coi như được tái sinh lại lần nữa chứ còn gì. Bác sĩ cũng đưa cho bệnh nhân cái mặt nạ xạ trị được thiết kế riêng cho họ để mang về nhà làm kỷ niệm.

– Wow! Chúc mừng Tazee nha! Ông Lạc kêu lên, nhìn vào tấm bằng trong khung hình và đưa ngón cái lên ra dấu “number one” rồi suýt xoa. – “You did it!” Cậu đã làm được rồi! Giỏi quá! Tôi sẽ làm cho cậu ly cà phê ngon… nhất nước để chúc mừng nghe! Ông đùa xong vội lấy ly pha cà phê cho Tazee.

Nhìn cậu thanh niên, ông Lạc chợt xúc động. Sự can đảm đã cứu lấy cậu trai này. Nhớ lại những ngày chữa trị, Tazee đã trải qua những khổ đau thế nào. Cậu vật vã với ói mửa, đau đớn, mặt mũi bị cháy nám ra tới ngoài da, kể cả ngất xỉu phải đưa lên phòng cấp cứu. Dù chính ông cũng từng chịu đựng bị hành hạ khi ở tù, nhưng chứng kiến cái cảnh bệnh hoành hành, ông không biết

 mình có thể chịu đựng được như Tazee hay chăng.

Nhìn theo dáng đi thật thong thả, thật nhàn nhã của Tazee so với những ngày cậu mới vào đây bước đi không nổi, ông Lạc bất giác thở dài, nghĩ đến thằng con Jimmy của ông. Trong khi Tazee và bao nhiêu bệnh nhân ở đây phải ráng chiến đấu với thần chết để giành lại mạng sống thì thằng con ông lại đi đâm đầu vô chỗ chết. Mấy tháng qua, cuối tuần nào ông cũng lặn lội qua thành phố San Francisco để tìm thằng Jimmy. Có lần tìm thấy nó đứng chung với mấy đứa Mỹ, ông mừng quá chạy vội tới. Trong lúc lính quýnh vừa chạy vừa dòm chừng sợ nó bỏ đi, ông vấp phải cái bục xi măng cạnh lề đường và ngã sóng soài. Đến khi ông lò dò đứng dậy được thì chỉ còn mấy đứa kia, thằng con biến đi đâu mất. Ông chạy lại hỏi, tụi nhóc cười hô hố không trả lời.

Chiều thứ Sáu đi làm về, ông Lạc ăn vội miếng cơm rồi khoác lên bộ đồ đen nhem nhuốc rách rưới, đôi giày cũ mèm mòn hết đế, đội chiếc mũ lát Mễ ông mua ở chợ 99 cent về bôi cho loang lổ. Kỳ này ông thay đổi chiến thuật, giả dạng làm người ăn xin để qua San Francisco lần nữa. Trong mấy ngày nghỉ cuối tuần, ông nhất quyết phải kiếm cho bằng được Jimmy. Với cái bao rác màu đen to đùng, bên trong đựng tấm nilon cùng chiếc mền rách và vài thanh kẹo cốm để đỡ lòng khi đói, ông ra vườn sau vơ mớ đất cát trong chậu cây thoa lên mặt và hai tay phụ họa cho phần cải trang để thằng Jimmy không nhận ra ông. Đón xe Bart qua San Francisco, ông Lạc vác cái bao từ đường Market đi lần về hướng sau lưng Toà Thị Chính.

Trời đã xâm xẩm tối, bầu không khí của thành phố biển trở nên lạnh dần. Dãy đèn đường giăng giăng ánh sáng vàng vọt trên những ngọn cây dọc theo đường Ellis và Olive như rải chút niềm hy vọng chở che cho đám người cùng khổ có chỗ nghỉ ngơi, sau một ngày lang thang tản mác khắp nơi kiếm sống. Đó là lúc các tiệm quán hai bên đường bắt đầu đóng cửa, “trả lại” vỉa hè cho những kẻ không nhà. Quả thật đúng như người ta nói, thành phố San Francisco là nơi dung chứa tốt nhất cho “Homeless.” Trời càng tối thì người ta càng lũ lượt, kẻ đẩy xe shopping cart trên chất ngổn ngang các thứ quần áo chăn mền, người mang cặp, kẻ vác bao, trở lại vị trí cũ của mình, trải những tấm nilon, tấm bạt xuống vỉa hè chuẩn bị cho giấc ngủ.

Ông Lạc cũng chen vào gần với họ vì không muốn ngồi một mình sẽ bị cảnh sát đi tuần để ý. Thấy chỗ góc đường Ellis gần đường Larkin còn một khoảng trống chưa có ai ngồi, ông lò dò bước lại đặt cái bao xuống. Trải tấm nilon ra ngồi, qua chiếc mũ sùm sụp ông quan sát thật kỹ xung quanh. Gần đó, nhiều người đã chui vô chăn trùm kín mít, chỉ còn vài người đang phì phèo thuốc lá, những đóm lửa tỏa sáng trên đầu môi họ.

Thấy hơi đói, ông mở túi nilon lấy một thẻ kẹo trái cây nhai xong, cột túm cái bao lại đặt trên tấm trải và đứng dậy lửng thửng đi ngược về phía con hẻm bên cạnh. Đâu có gì quý giá trong đó mà lo. Những kẻ không nhà này chắc không ai đi trộm đồ “đồng nghiệp” của mình. Tới cuối đường, ông Lạc nhìn vào trong hẻm. Đó là một khu vực tối tăm của đường Eddy, nơi ông đã có lần nhìn thấy Jimmy sau lần gặp nó gần Tòa Thị Chính. Con đường vắng vẻ không thấy bóng dáng ai, ngoài những cụm người đắp chăn nằm lù lù rải rác từ phía xa gần đường Polk.

Trời về khuya, xe cộ lúc này đã giảm bớt qua lại, những kẻ không nhà quanh đây cũng đà ngon giấc. Khu phố thật yên ắng. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe của những người đi làm về trễ chạy chậm chạp mệt mỏi ngang qua, trông buồn tẻ cô đơn như những con nhạn lạc bầy. Ông Lạc ứa nước mắt nghĩ đến thằng con.

Là một người trước đây dù kẻ thù hành hạ cỡ nào nước mắt cũng không rơi, mà từ dạo vợ qua đời rồi đến lượt thằng con giở chứng, ông đâm ra như người “mít ướt,” nước mắt cứ chảy thường xuyên.

 

(Còn tiếp một kỳ)

Phương Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,576,961
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Giống như những bí ẩn "đằng sau mặt trăng," bài viết thứ 15 của Vĩnh Chánh kể về ba thế hệ thuộc một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước. Chuyện 40 năm nhìn lại từ đất Mỹ là phần hồi ký đầy biến động và xúc động.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY đăng 2 kỳ.Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY được ghi “Hè 2019, kỷ niệm 30 năm tìm được “cái xương sườn cụt của tôi”. Bài đăng 2 kỳ.