Hôm nay,  

Tháng Tư, Tre và Măng

05/05/201900:00:00(Xem: 11523)
Tác giả: Khôi An

Bài số  5681-20-31488-vb8050519

 
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.

 

Khoi An_30-4 Stanford 18
Nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại học Stanford và khách tham dự ngày Nhớ Về Tháng Tư Đen  30 tháng Tư, 2017.

 
**
 

Những nhánh cây thấm đẫm mưa từ mùa Đông năm trước đã đến lúc đẩy bung sức sống ra thành những chồi non. Nắng hây hây cho hoa đào hồng tươi, hoa mận hồng tím, hoa lê hồng phớt lung linh nhảy múa trên khắp nẻo đường.

Tháng Tư về, để khách đi bộ dừng chân, ngỡ ngàng nhìn con đường quen thuộc đã biến thành một bức tranh. Tháng Tư về, để tôi, một lần nữa, chiêm ngưỡng thiên nhiên diễm lệ ngay trong vườn nhà và bâng khuâng nhớ câu nói của một người bạn cũ, “Nếu tôi không phải là người gốc Việt thì hiện giờ tôi đang hoàn toàn hạnh phúc.”

Câu nói đó thường được đáp bằng “???” hoặc một cái nhướng mắt hàm ý “tại sao”.  Tuy nhiên, với một số người, chỉ cần nói vậy là đủ. Là thấm thía.

 

Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa

hoa táo hoa lê nở trắng vườn

quê nhà hun hút sau trùng núi

em mở lòng xem lại vết thương

(Trần Mộng Tú)

 

Đó là những người, giống như nhà thơ Trần Mộng Tú, cưu mang trong lòng một vết thương chưa kín miệng dù họ đã trải qua mấy mươi năm học, làm, xây dựng, đóng góp, và thành đạt – ít nhiều - ở quê hương thứ hai. Nằm trong góc khuất của tâm hồn, vết thương đó đôi khi trở mình, nhức nhối, dù đang ở giữa cảnh vui.

Thường thì chúng tôi hay “xem lại vết thương” khi tháng Tư về. Nhắc những khổ sở, đau đớn, cay đắng, sững sờ, phẫn uất của thời đổi đời đen tối. Nhắc để tưởng niệm ngày quê hương thứ nhất, Việt Nam, bị đẩy vào một chuyến tàu lao xuống dốc mà đến giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu ngừng lại.

Tháng Tư đến rồi đi đã mấy chục lần. Thế hệ tị nạn đã già đi, và thế hệ con cháu - mang quốc tịch của quê hương thứ hai từ lúc chào đời - đã lớn.

Họ đã lớn và rất thông minh, hiểu biết, với vóc dáng thanh xuân vững chãi và tay chân hết sức lẹ làng. Muốn biết điều gì, họ rút smart phone ra, bấm lia lịa và nhận tin tức từ “thầy Google” nhanh như chớp trong khi cha mẹ, chú bác, còn đang ngẩn mặt ra ngẫm nghĩ.

Trong gia đình tôi, lớp trẻ còn được nghe rất nhiều điều chúng tôi đã trải qua. Khi nào có dịp chúng tôi đều kể chuyện người Việt đổi mạng sống đi tìm tự do, chuyện tù chính trị, chuyện kiểm kê tài sản, chuyện chiến tranh, chuyện đấu tố… Tôi tin rằng con cháu tôi, cũng như lớp trẻ gốc Việt ngoài kia, rất giỏi giang, lỗi lạc nên hiểu rằng Cộng Sản quả thật “sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực” (Đức Dalai Lama). Tôi nghĩ rằng nếu tôi biết chống sự độc ác, dã man của phát xít dù chưa từng sống qua thời Thế Chiến Thứ Hai thì lớp con cháu cũng biết rằng chống Cộng chính là chống sự gian ác, vì thế chống Cộng là một điều tất nhiên đúng. Và tôi nghĩ  họ cũng hiểu rằng nhờ có sự hy sinh xương máu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm, thế hệ của tôi và các thế hệ sau mới có cuộc sống ngày hôm nay.

Nhưng, không hẳn là như vậy. Đó là điều tôi nhận ra trong hai năm 2017, 2018.

Tháng 9, 2017 nhiều người gốc Việt ở Mỹ đã háo hức chờ xem phim Việtnam War của Ken Burns. Cuốn phim ra đời bốn mươi hai năm sau cuộc chiến Việt Nam, sau khi vô số tài liệu được giải mật đã vạch rõ âm mưu đánh cầm chừng ngay từ đầu và nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam trong giai đoạn cuối của đồng minh Mỹ. Cho tới lúc đó, những phim về cuộc chiến Việt Nam đều có luận điệu một chiều với tài liệu cũ rích, nhằm xóa hết công sức của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để kết luận rằng đồng minh Nam Việt hèn yếu là một trong những lý do chính đưa đến của sự thất bại của Mỹ. Lần này, mọi người chờ đợi những chi tiết mới, chính xác và công bằng. Gia đình tôi khuân cả cái Tivi đến cạnh bàn ăn để ngày nào ăn tối trễ cũng vẫn xem phim được.

Sau một, hai tập đầu tôi đã thấy Vietnam War cũng chỉ dùng những lập luận cũ như những phim trước nhưng tinh xảo hơn nhiều về cả kỹ thuật làm phim lẫn cách dàn dựng và xử dụng những đòn phép tâm lý. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vì hy vọng phần sau của cuốn phim sẽ khá hơn và cũng vì muốn tìm hiểu thêm trước khi kết luận.

Tôi kiên nhẫn xem đến tập bảy, tập tám, cho đến khi cuốn phim nhắc đến vài tướng VNCH buôn lậu, tham nhũng, và đóng bằng lời nói của một nhân vật Mỹ rằng: quân đội VNCH “dột từ nóc dột xuống” (“leak from the roof”). Lúc đó, tôi biết là tôi đã cho cuốn phim Vietnam War nhiều hơn thì giờ cần cho.

Tôi phiền vì cuốn phim chọn lọc dữ kiện để bôi nhọ quân dân miền Nam. Tôi phiền vì có vẻ lớp trẻ đã nghe và nhớ nhiều điều về chính phủ và quân đội VNCH từ những tài liệu, sách báo, phim ảnh ngoài xã hội hơn là những chuyện họ nghe kể trong gia đình, vì thế, họ nhanh chóng bảo là Vietnam War nói lên sự thật. Tôi phiền nhiều hơn nữa vì có những người không còn trẻ cũng chẳng thấy được sự khập khiễng, một chiều của những điều được trình chiếu, cũng gật gù bảo rằng phim nêu lên sự thật qua tài liệu, nhân chứng.

Tôi đáp lại, “Một nửa cái bánh vẫn là bánh, nhưng một nửa sự thật thường là sự dối trá lợi hại” (dựa theo Benjamin Franklin).

Một nửa sự thật là nhắc đến những vị tướng VNCH tham nhũng nhưng không có một lời về năm vị tướng VNCH đã tuẫn tiết ngày miền Sài Gòn thất thủ, trong đó có một vị đã lấy quân đội làm gia đình, không giữ lại gì cho chính mình, kể cả mạng sống mà ông tự kết liễu.

Một nửa sự thật là nhiều lần mượn lời lính Mỹ nói rằng quân Cộng Sản thiện chiến nhưng gần như không nói về những người lính miền Nam đã từng chiến đấu và chiến thắng.

Một nửa sự thật là nhắc đi nhắc lại Điện Biên Phủ mà không nói gì đến những chiến thắng Quảng Trị, Kontum, An Lộc...

Một nửa sự thật là phỏng vấn nhiều chỉ huy của Bắc quân mà không thấy những vị tướng, tá miền Nam một thời sát cánh với đồng minh Mỹ, đã từng hy sinh sự an toàn của cả gia đình họ để ở lại đánh những trận cuối cùng năm 1975 cho Washington D.C. có thì giờ di tản người.

Một nửa sự thật là chọn dùng lời của nhiều nhân vật Mỹ nhắc tới những hành động xấu của vài cá nhân trong quân đội miền Nam nhưng không chọn những người Mỹ nào từng tham chiến và cảm phục các chiến hữu Việt Nam, chẳng hạn như ông tướng bốn sao Mỹ, người từng nói với một vị chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến VNCH “Bạn chiến đấu rất cừ và là một người lãnh đạo giỏi. Tôi không thể có một chiến hữu tốt hơn bạn.”

Một nửa sự thật là nói về số bom đạn và chất độc da cam Mỹ đã dùng để phá con đường mòn Hồ Chí Minh như là một hành động dã man nhưng cố tình không nói rằng hành động này là Mỹ bắt buộc phải làm để triệt phương tiện vận chuyển khí giới và quân lính để đánh phá miền Nam. Con đường này do Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng địa thế hiểm trở dọc theo biên giới Lào, ngoài vùng kiểm soát của chính quyền VNCH, để ngoan cố chĩa vòi vào khắp nơi trong miền Nam, trắng trợn xâm lăng.

Một nửa sự thật là chiếu một gián điệp Cộng Sản kể chuyện bị chính quyền VNCH đánh đập mà không có một lời nào về những quân nhân Cộng Hòa bị bắt khi nhảy dù xuống miền Bắc, bị hành hạ dã man và chết lõa lồ trong hầm biệt giam.

Một nửa sự thật là giành thì giờ cho một nữ bộ đội kể về cuộc tình của cô ta trong chiến tranh, nhưng không có giờ cho những người vợ và những góa phụ của quân nhân miền Nam.

Một nửa sự thật là phỏng vấn những nữ thanh niên xung phong từ miền Bắc đi mở con đường xâm lược nhưng không có một lời về những hy sinh đẹp hơn cổ tích của vợ các quân, cán, chính miền Nam sau khi bị Mỹ bỏ rơi, những “cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con, thân em lội suối trèo non, vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng, cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường giá rét lạnh căm, chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm đường nào ” (Nguyệt Ánh).

Một nửa sự thật là nói về cô gái miền Bắc đọc văn hào Hemingway trong hầm trú bom, rồi tả cảnh miền Nam bằng hình ảnh các cô gái bán bar. Thủ đoạn bôi nhọ ở đây quá rõ ràng, quá đểu cáng!

Trên hết, sau hơn bốn mươi năm, Ken Burns và những người cộng tác vẫn không dám nói lên một điều đơn giản rằng trong suốt thời gian từ 1954-1975, miền Bắc đã liên tục xâm lăng miền Nam. Bao trùm trên tất cả sự đau khổ, chịu đựng, mất mát của người miền Bắc là một sự lừa dối được thu gọn bằng khẩu hiệu “giải phóng miền Nam”. Những oan khiên người dân hai miền Nam Bắc phải chịu và cả những tang tóc của các gia đình Mỹ - điều được khai thác triệt để trong phim, đã không xảy ra nếu Bắc Việt không liên tục tấn công Nam Việt dưới sự thúc đẩy của Tàu và Liên Sô.

“Nhưng đã gần năm mươi năm rồi, và hận thù – dù là đối với những người hết sức tàn ác – cũng nên bỏ chứ không nên buộc. Các tôn giáo đều nói như thế, chẳng đúng hay sao?” Một người trẻ trong gia đình đã nhìn tôi và nói như thế.

Không, cháu đã hiểu lầm rồi. Những điều tôi nghĩ và làm bây giờ hoàn toàn không phải vì thù hận, cũng không bắt nguồn từ thời khổ cực của riêng tôi.

Thật ra, những gì tôi phải trải qua không thấm thía vào đâu so với rất nhiều hoàn cảnh khác. Cha tôi không là quân nhân nên ông không bị bắt đi tù, không bị hành hạ tới điên loạn hoặc chết trong đói khát. Tôi đi vượt biên không phải vì dựa lưng nỗi chết, nhưng vì nhà cầm quyền Cộng Sản tước đi quyền tự định đoạt tương lai và quyền làm người tử tế của tôi.

Hơn nữa, tôi thoát qua Mỹ đã hơn ba mươi năm. Đời sống ở đây đầy đủ, thanh bình nên sự nghèo khổ ngày xưa không còn làm tôi đau lòng. Đời tôi sẽ vui hơn nếu tôi quên đi hai chữ cuối trong cái thân thế “người Mỹ gốc Việt”. Lòng tôi sẽ nhẹ hơn nếu tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ là một quá khứ buồn, và tôi sẽ không khắc khoải dù nơi đó có bị Tàu chiếm như Tây Tạng.

Nhưng tôi cảm thấy mình có một bổn phận đạo đức với nơi mình sinh ra và tim tôi cũng không cho phép tôi vô cảm trước những sự kiện quan trọng có thể có ảnh hưởng đến sự sống còn của miền đất đó.

Lần đó, tôi và đám trẻ nói chuyện khá lâu. Cuối cùng, họ cũng công nhận rằng Vietnam War là tác phẩm của những tay phù thủy truyền thông dùng sự -thật-được-chọn-lọc để xóa bỏ mọi đóng góp của VNCH và giải thích một phần cho sự thất bại của Mỹ.

Tôi thấy được an ủi phần nào. Dù sao, những người trẻ này vẫn có lòng với Việt Nam nên mới bỏ thì giờ xem phim và thảo luận với tôi.

 

*

Chỉ vài tháng sau đó, tôi lại có dịp nói chuyện với một nhóm người trẻ khác. Lần này là những sinh viên gốc Việt tại Đại học Stanford trong một chương trình có tên là “Nghỉ Xuân Cách Khác” (Alternative Spring Break).

Được tính như một lớp học ngắn, mười mấy sinh viên gốc Việt dùng tuần lễ nghỉ Xuân để gặp gỡ và tìm hiểu về cộng đồng Việt ở vùng Vịnh San Francisco. Nhà tôi là trạm dừng chân của các em trong ngày đầu tiên.

Tôi hì hục dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chỗ ngủ cho mười mấy em, nấu bữa tối với những món “homemade” sở trường, và mời thêm khách để các em thấy được những cái nhìn khác nhau trong cuộc nói chuyện.

Tối hôm đó, chúng tôi nói về nhiều lãnh vực, nhưng các em có vẻ quan tâm nhất tới đề tài sức khỏe tâm thần của người Việt tị nạn.

Các em hỏi về quan niệm của cộng đồng Việt đối với bệnh tâm thần và hội chứng rối loạn sau ác biến (post traumatic stress disorders). Tôi trả lời rằng cộng đồng Việt Nam rất đa dạng nên quan niệm về sức khỏe tâm thần thay đổi tùy theo người. Có những người rất hiểu biết về lãnh vực này và coi đây là một khía cạnh bình thường của con người, nhưng cũng có người nghĩ bệnh tâm thần là điều ghê gớm hay đáng xấu hổ. Một số người có ít nhiều vấn đề về tâm thần sau những biến cố khốc liệt như chiến tranh, tù tội, hay tai nạn trên đường vượt biên. Tuy vậy, khi nhìn chung, tôi nghĩ rằng cộng đồng người Việt không có gì quá khác biệt so với các cộng đồng khác trên phương diện sức khỏe tâm thần.

Riêng với tôi, bệnh tâm thần cũng là bệnh chung của con người giống như những bệnh khác, chúng cần được chẩn đoán và chữa trị xác đáng. Tôi chia sẻ thêm là tôi rất thích nói chuyện với những chuyên gia về tâm lý vì đó là dịp để nhìn kỹ lại mình, để ôn lại những điều đã biết nhưng chưa thực hành được và học hỏi những điều mới để làm cho tâm hồn mình cân bằng, lạc quan, và rộng lượng hơn.

Người khách mời hôm đó cũng nêu lên những suy nghĩ đúng đắn, vững vàng, và phóng khoáng về sức khỏe tâm thần. Không biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng tôi cảm thấy các em hơi ngạc nhiên khi nghe chúng tôi bày tỏ, có vẻ như các em đã dự đoán chúng tôi sẽ phản ứng khác và nói đến những cảm xúc khác.

Ngày hôm sau, các em ăn bữa sáng rồi lên đường đi viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở San Jose theo lời tôi giới thiệu.

Trước khi đi, chúng tôi chụp hình lưu niệm và tôi nói rằng cửa nhà tôi luôn mở để chào đón các em.

(Còn tiếp một kỳ)

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
06/05/201901:18:58
Khách
30 Tháng Tư luôn là một ngày đau buồn, một ngày tang thuơng, nhưng vẫn còn chút nguôi ngoai khi còn đươc đọc bài viết của Huy Phương, Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh, nghe Phan Văn Hưng, Trúc Hồ, Việt Khang và SBTN...

Hôm nay, đặc biệt, được đọc bài mới của Khôi An; quá hay. Ý tưởng tuôn trào mạch lạc, khúc chiết mà lập luận thật sắc bén. Ước chi tôi viết được như Khôi An để bày tỏ cho đám trẻ sau này. Tôi cho sự bất công hèn hạ, có tính toán không chỉ của Ken B mà cả một đám tài phiệt, truyền thông đứng sau lưng hắn. Tôi cũng đau cho vận mệnh cay nghiệt của dân Việt mà không đủ khả năng viết lời biện bạch. Cho nên, hết sức cám ơn Khôi An với những bài viết và tấm lòng với quê huơng.

Nói đến Ken B bằng chữ "đễu cán", Khôi An touch my heart, really. Đó cũng là điều tôi thấy ở hắn sau khi xem hai tập. Đễu cán và trơ trẽn hơn nữa khi hắn họp báo và huyên hoang rằng nhờ xem loạt phim ấy người ta hiểu đươc sụ thât của cuộc chiến Việt Nam. Trơ trẽn và mất lương tri, nhân tính đến thế thì đành thua. Vì khi con người không còn màng đến liêm sỉ, nhân tính thì không ai còn có thể đối thoại và bao dung được.

Hắn mất hết nhân tính khi cố tinh không nghe, không thấy, không màng đến hàng ngàn thuờng dân bị thảm sát ỏ Huế, bị bắn trục xạ trên đường chạy giặc ở Đại Lộ Kinh Hoàng, di tản từ QD 2, dọc QL 13, Đồn điền Xa Cam, ở Bình Long, bị tập trung và bắn giết tại ấp Tân Lập, Long Khánh sau khi gập sức kháng cự dũng mãnh của QLVNCH dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo.

Tôi không khinh người, nhưng quả thật tôi thấy Ken B và his buddies hèn quá, bẩn không còn gì để nói.

Người dân Việt chết thảm ngoài biển Đông, trong rừng sâu vì hai chữ TỤ DO là trò đùa của họ. Vậy thì dựa vào đâu để họ nói về tình người, nhân bản. Bọn đạo đức giả, vô nhân đạo, vô liêm sỉ.

Nhưng sự thiếu trung thực, trơ trẽn cua Ken B và đám phản chiến sau lưng hắn cũng vẫn thua xa sử dối trá cua csVN khi bọn họ lớn tiếng cho rằng "chưa bao giờ Việt Nam được độc lập, dân chủ như hôm nay".
05/05/201919:10:28
Khách
quí vị thích sống với châm ngôn, triết lý của vĩ nhân, đa số của họ là Tây với Mỹ. tui ít học, chỉ sống theo cảm tính. Tui nghĩ là những con người đã nằm xuống cho đất nước đã ngàn đời thuộc về linh hồn của mẹ Việt Nam, bất kỳ họ chiến đấu cho ông vua hay chính nghĩa nào. Nhưng trong tâm tư tui vẫn nghĩ VNCH là đứa con ruột của bà Tây với ông Mỹ.
05/05/201915:18:53
Khách
Khôi An đã cho độc giả thấy những nhận xét sắc bén, những hy sinh đầy chính nghỉa của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà và sự méo mó của những cuốn phim một chiều về chiến tranh Việt Nam.
Cám ơn một bài viết tuyệt vời!
05/05/201915:03:19
Khách
Theo các sử gia Đức tổng kết có tới hơn 125 ngàn cuốn sách viết về Hitler, tức là từ lúc y sinh ra cho tới khi chết có trung bình gần 2300 cuốn sách viết về tội ác của y trong mỗi năm y sống. Mọi nhà sử học gốc Do Thái từng ngày không bao giờ để tội ác của chủ nghĩa Quốc Xã rơi vào quên lãng và muốn nhân loại sẽ mãi mãi coi tên “Hitler” đồng nghĩa với “tội ác”.
Mặc dù con số nạn nhân do chủ nghĩa CS gây ra gấp nhiều lần hơn so với con số nạn nhân do Hitler gây ra, hơn 200 triệu người chết trong hơn 10 quốc gia so với 6 triệu nạn nhân Do Thái trong Holocust, nhưng trên các giá sách của các thư viện thành phố của các quốc gia Tây phương hay Mỹ quốc chỉ trưng bầy lẻ tẻ vài ba cuốn viết về tội ác CS. Vào các thư viện bỏ túi hay các tiệm bán sách tiếng tăm, ta khó có thể kiếm được một cuốn cách viết về tội ác diệt chủng của các tên đồ tể CS như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành hay Hồ Chí Minh.
Ngược lại, qua Trung quốc, tới Nga Sô hay Việt Nam, các kinh điển ca tụng công ơn trời biễn của chúng lại được trang trọng trưng bầy gấp trăm ngàn lần trong mọi thư viện lớn nhỏ, mọi nhà sách bé to. Bắc Hàn thì miễn bàn, tượng và hình ba đời họ Kim được dựng và treo trên mọi con đường, mọi trường học trong Bình Nhưỡng. Cảnh nghèo nàn, thiếu thốn của sách viết về tội ác dã man diệt chủng của CNCS nói lên sự lẻ loi đáng thương của các nạn nhân phải đau khổ chịu đựng ở khắp nơi trên thế giới trong quá khứ cũnh như hiện nay.
Tôi cũng đã nhiều lần tham gia các hội thảo nói về tội ác diệt chủng CS cũng như coi các phim tài liệu về chiến tranh VN. Rất nhiều người cũng thất vọng như tác giả và tôi. Lý do như đã nêu trên, người làm phim có quá nhiều tài liệu sách vở viết khen nịnh CS hơn là mặt thật của VNCH.
Chúng ta hãy học bài học và theo con đường của các nhà văn hay các sử gia Do Thái là nên tập trung nổ lực viết vạch trần tội ác của chúng hơn là tổ chức những buổi họp mặt để phải trả lời những câu hỏi về “quan niệm của cộng đồng Việt đối với bệnh tâm thần và hội chứng rối loạn sau ác biến”. Hãy viết để nhiên tự hậu nhân tìm hiểu và đúc kết sẽ có nhiều kết quả hơn là lời nói trình bầy.
Trân trọng những gì Khôi An giúp cho các thế hệ mai sau hiểu được chính nghĩa và sự hy sinh của thế hệ ông cha chúng ta.
05/05/201914:30:52
Khách
Chúng ta cần lắm những ngòi bút nói lên sự thật và không khuất phục bởi cường quyền của đồng tiền, lợi nhuận.Cảm ơn tác giả đã lên tiếng giùm nhiều người không có cơ hội.Mong cô tiếp tục đấu tranh cho sự thật và chính nghĩa.
05/05/201914:15:20
Khách
Tre Già Bolsa.
Thân gửi Cô Khôi An.
Cô viết:
- “Một nửa cái bánh vẫn là bánh, nhưng một nửa sự thật thường là sự dối trá lợi hại” (dựa theo Benjamin Franklin).
Một nửa sự thật là nhắc đến những vị tướng VNCH tham nhũng nhưng không có một lời về năm vị tướng VNCH đã tuẫn tiết ngày miền Sài Gòn thất thủ, trong đó có một vị đã lấy quân đội làm gia đình, không giữ lại gì cho chính mình, kể cả mạng sống mà ông tự kết liễu.
***
Và những "một nửa" khác nữa trong bài viết của cô tôi thấy đã quá đủ đế cho những ai dù chỉ còn "một nửa" con mắt cũng đã nhận sự thật về nguyên nhân có ngày Tháng Tư đen tối.
Cám ơn cô thật nhiều.
Tôi, tre già, không có đủ lời để khen bài viết hay, nhưng tôi biết cám ơn cô, một tuổi trẻ đã viết giùm chúng tôi những điều chúng tôi muốn nói mà không biết viết.

Không đáng trách những em "du học sinh" có ý nghĩ khác về Tháng Tư đen, vì họ sinh ra và lớn lên ở cái xã hội "xạo hết chỗ nói" và "thiếu đói" (ngôn ngữ XHCN), mà nay thừa hưởng cái "thiếu đói Mỹ Quốc" (tức thừa no). Cái đáng trách là chính những "gốc tre già" không nhìn ra mình mà còn cung cấp "kinh nghiệm" bản thân để những người Mỹ làm phim có cớ xuyên tạc đồng đội mình, thuộc cấp của mình!
Cô Khôi An thử tìm giúp tôi trong 1 cuốn phim do người Mỹ làm, cũng đã nói sai sự thật, bởi vì trong đó có 1 "gốc" tre già, già quá nên lẩm cẩm tuyên bố tuyên mẹ rằng: "Các tướng lãnh VNCH tham nhũng...". Gốc tre này là ai vậy cô? Ông ta co mặt trong hàng ngủ (dấu hỏi) đó không?
Chúc măng KhA vững tiến trước cuồng phong để mang tiếng nói chân chính trả lại công bằng cho mọi người.
Ước mong những "gốc tre già", nếu không làm guốc cho tuổi trẻ tiếp bước thì cũng giúp ich cho những người luộc bánh chưng không có củi, đừng "tuyên mẹ" nhảm nhí
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,075
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ hai của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây, bài viết thứ ba là chuyện về mùa xuân và hoa đào.
Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1972, đã dạy văn tại Huế 18 năm. Đến Mỹ 1990, đi học và trở lại nghề nhà giáo. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento, California. Bà cũng từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết về nước Mỹ 2009, với bài viết Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975.
Tác Giả lần đầu tham dự VVNM từ tháng 7/2018. Tại Saigon trước 1975, Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa, có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.