Hôm nay,  

"Ban Cướp Biển," Phần Kết

09/04/201900:00:00(Xem: 7219)
Người viết: Hoàng Chi Uyên
Bài số  5658-20-31464-vb3040919

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết  muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ hai của tác giả. Bài đăng 3 kỳ, sau đây là phần kết.
 
***

Chính Tâm rất biết ơn các vị Cao Uỷ nói chung, vì họ đã hết lòng giúp đỡ thuyền nhân Việt nam trong thời gian ở trại tỵ nạn; riêng đối với cô May, Cao Uỷ Phó, nàng càng cảm kích và thương mến cô, như một người chị gái, một người bạn thân của mình. Cô rất chân thành, không xem Chính Tâm như một thuyền nhân tỵ nạn kém cỏi, xa cách, mà đối đãi rất nồng hậu, chân tình.

Vì cô về đất liền với gia đình mỗi cuối tuần, nên thường thì chiều thứ Sáu, cô giao hồ sơ và căn dặn Chính Tâm những việc cần giải quyết trong  ngày thứ Bảy, những lúc gấp rút quá, Chính Tâm làm việc luôn cả ngày Chủ nhật. Khi trở lại đảo vào ngày thứ Hai, bao giờ cô cũng mang quà cáp, thường là thức ăn, cho Chính Tâm: những quả lê vàng mọng, thật to ngọt mà nàng chưa hề thấy ở Việt Nam, những trái đào dòn, chín đỏ thơm phức, cả những phần thịt bò mà không thể tìm ra trên đảo, ngay cả với những người có tiền trên đảo cũng không mua được... Có khi cô lại mang về những lọ đu đủ xanh, xắt miếng, được muối chua ngọt, dòn tan, ăn kèm rất ngon trong bữa cơm. Nhìn bề ngoài, cô nghiêm nghị và rất bộc trực, ngay cả các Cao Uỷ cũng khác đều nể sợ, đâu ai biết cô rất nhân ái và chu đáo như thế.

Một hôm cô May hỏi nhỏ Chính Tâm: "Em có dám tham gia vào một việc quan trọng này với tôi không? Một thanh niên Việt Nam bị lính Mã Lai đánh đập rất nặng, thương tích đầy người, đang nằm điều trị trong bệnh viện Sick Bay. Tôi muốn làm hồ sơ điều tra kỹ, để truy tố những kẻ gây ra tội ác này. Tôi cần phải có người thông dịch vì nạn nhân chỉ nói được tiếng Việt. Tôi thì không sao, nhưng còn em thì rất nguy hiểm nếu em tham gia vào vụ này. Nếu bọn chúng biết được, em có thể sẽ bị chúng hại vì em không ở trong những khu nhà như của Cao Uỷ để được bảo vệ. Em có dám không? Hãy suy nghĩ kỹ đi rồi cho tôi hay nhé. Nếu em không làm, tôi rất thông cảm và hiểu được hoàn cảnh của em, đừng ngại."

Bầu nhiệt huyết của con cháu Hai Bà Trưng dồn dập trong huyết quản, không cần phải suy nghĩ lâu lắc, Chính Tâm khẳng khái nhận lời: "Cô đã hết lòng vì thuyền nhân như vậy, lẽ nào em cùng dòng máu Việt lại không thể giúp người bị nạn sao? Cô yên tâm, em sẽ rất cẩn trọng". Cô May dặn dò nàng rất kỹ lưỡng cách đi vào bệnh viện Sick Bay sao cho không gây sự chú ý, rồi tìm cách lên lầu hai, đi thẳng vào phòng cuối cùng bên tay phải của hành lang, vào giờ đó, ngày đó, cô sẽ đợi sẵn.

Đúng ngày hẹn, như lời dặn của cô May, Chính Tâm lặng lẽ đi từ khu nhà cô ở để đến Sick Bay. May mắn là nàng có một cậu em đệ tử trong đám trẻ hàng ngày dạy học, cậu ta cũng làm công việc cộng đồng giúp các y sĩ trong bệnh viện, nên Chính Tâm vờ như la cà hỏi han chuyện trò với cậu, và trong chốc lát đã vọt thẳng được lên lầu hai và đi tới phòng nạn nhân theo như sự chỉ dẫn trước của cô May.

Với băng quấn đầy người, ngay cả việc trở mình cũng rất khó khăn đối với anh thanh niên Việt Nam bị đánh đập; tuy nhiên, cặp mắt anh sáng lên mừng rỡ khi biết rằng cô Cao Uỷ đang tìm cách đòi lại công lý cho anh. Cô hỏi hết sức tỉ mỉ, ngày giờ, nguyên cớ ban đầu anh bị hại, bọn chúng có bao nhiêu tên, có đeo bảng tên hay không, những bộ phận nào trên người anh bị xâm phạm, mức độ đau đớn..v..v.. Có lúc, người thanh niên dề cập đến cả bộ phận kín của người nam trên cơ thể anh cũng bị xâm phạm nặng nề; Chính Tâm dịch phần này cho cô May nghe, nhưng do cô không nghe rõ tên bộ phận, Chính Tâm vì mắc cở nên không dám nói to, phần nữa là vì cuộc trò chuyện cũng phải kín tiếng, nên nàng viết tên bộ phận kín của nạn nhân vào trong mảnh giấy nhỏ dể trao cho cô May. Cô xem thấy, à lên một tiếng, rồi cũng thoáng ửng hồng trên nét mặt: cô hiểu ra tại sao Chính Tâm cảm thấy ngượng mà không dám nhắc đến lần thứ hai tên của bộ phận này. Cô xem xong rồi vội vã nhét mảnh giấy nhỏ vào giữa tập hồ sơ của mình.

Buổi phỏng vấn vô cùng thuận lợi, kết thúc bằng cái siết tay chặt chẽ của cô May dành cho Chính Tâm thay lời cám ơn, cùng với ánh mắt hàm chứa cảm xúc đầy trân trọng của người bệnh.

Ngay chiều hôm phỏng vấn bệnh nhân xong, Chính Tâm đi làm như bình thường, trong lúc cùng soạn giấy tờ với cô May (bàn làm việc của cô phía trong cùng của hội trường, ngay trước lối vào văn phòng cùa Ban Cướp Biển), Vô tình thế nào mà cô lại làm bay ra một mảnh giấy nhỏ từ giữa mớ giấy tờ của cô. Mảnh giấy tung tăng bay tự do, uốn lượn vài vòng, la đà ra đến giữa hội trường rồi sà xuống phơi mình giữa nơi đông đúc nhất, ông đi qua bà đi lại, như trêu ngươi hai cô trò Chính Tâm: đó chính là mảnh giấy ban sáng nàng đã viết tên bộ phận kín của người nam, và cô May đem kẹp trong sổ, để bây giờ bay ra nằm giữa hội trường cho bàn dân thiên hạ có dịp chiêm ngưỡng! Cũng may là Chính Tâm chạy theo và chụp kịp, xé nhỏ nó ra để vất vào giỏ rác trước khi có cặp mắt tò mò của ai đó chạm đến! Hai cô trò cùng rũ ra cười: lần sau cả hai chắc không dám viết những điều "nguy hiểm nhạy cảm" như vậy lên giấy trắng mực đen nữa!

Một thời gian ngắn sau, cô May hân hoan báo tin cho Chính Tâm biết là những kẻ tham gia vào vụ hành hung người thanh niên Việt đã phải chịu hình phạt thích đáng.

. . .

Chính Tâm nhớ lại một câu nàng đã đọc được: "Mọi thứ trong đời sống đều có ghi giá một cách kín đáo". Ngẫm lại những diễn biến trong cuộc đời nàng, Chính Tâm càng thấy tâm đắc với câu nói trên: Nhờ những ngày tháng làm việc miệt mài không quản giờ giấc và các thử thách, Chính Tâm đã được hai vị Phó và Trưởng Cao Uỷ dành cho những lời giới thiệu nồng nhiệt nhất khi tới phiên nàng gặp phái đoàn Mỹ.

Theo như thông lệ, không bao giờ phái đoàn Mỹ chấp thuận cho một thuyền nhân đi định cư nếu người đó có thân nhân trực hệ ở các quốc gia khác. Đàng này Chính Tâm lại có những hai anh trai ở Canada, một chị ở Úc, và chỉ có một chị ở Mỹ. Thế nhưng với lời giới thiệu của Cao Uỷ, cộng với hồ sơ ông cụ thân sinh đã từng làm việc tại Toà đại sứ Hoa Kỳ trước khi mất nước, Chính Tâm đã được phái đoàn Mỹ nhận một cách dễ dàng, sau khi nàng đã làm đúng thủ tục xin Canada và Úc từ chối.

Hôm gặp phái đoàn Úc, nàng đã được các cậu bé chuyên việc chạy giấy tờ cho hay trước rằng ông trưởng phái đoàn Úc rất khó tính, từng nổi tiếng là đánh rớt nhiều người trong buổi phỏng vấn. Chính Tâm nhủ thầm: "Cũng đâu có sao, thì mình cốt yếu là xin phái đoàn "xù" mình mà!"

Bước vào bàn phỏng vấn, Chính Tâm chào vị trưởng phái đoàn Úc, trong lúc người thông dịch cho phái đoàn đứng dậy đi ra vì ông biết Chính Tâm có thể đối thoại trực tiếp. Viên chức người Úc đại lợi bắt đầu bằng những câu hỏi thông thường, hỏi tên tuổi Chính Tâm và những chi tiết về người chị và anh rể của nàng ở Úc. Ngay sau đó, ông cầm một tờ giấy lên và hỏi: "Cô có biết là cô có người đứng ra bảo lãnh cho cô sang Úc theo diện hôn thê không?" Nàng xác nhận: "Vâng, tôi có nghe anh ấy dề cập. Nhưng tôi cũng đã nói rõ ràng với anh ta là tôi chưa có tình cảm riêng tư gì với anh." Viên chức người Úc không dấu nổi vẻ ngạc nhiên: "Cô có hiểu rằng câu nói vừa rồi của cô có thể làm mất cơ hội để cô đi định cư tại Úc hay không?" _"Vâng, tôi biết rất rõ như vậy; nhưng tôi cũng không muốn lợi dụng tờ giấy bảo lãnh này để sang Úc rồi sau đó quay sang nói "Không" với người ta trong khi tôi không hề yêu thương anh ấy; như vậy là tôi đã dối gạt hai lần: lừa gạt với anh ta và lừa gạt nước Úc nữa. Chuyện tệ hại như thế tôi không thể làm được!"

Viên trưởng phái đoàn Úc có lẽ khá bất ngờ khi nghe Chính Tâm ôn tồn trình bày sự việc; ông ta lại lật xem hồ sơ của nàng và hỏi: "Tôi thấy phái đoàn Canada đã từ chối cô. Tôi đang thắc mắc tại sao lại lạ vậy?" Chính Tâm mỉm cười nói đùa: "Có lẽ họ thấy trình độ Anh Văn của tôi kém quá, họ muốn tôi ở lại đảo học thêm chăng?" Viên chức Úc lần này phá lên cười lớn, làm Chính Tâm cũng phải cười theo. Người ngoài nhìn vào cứ tưởng như đây là hai người bạn thân mới có thể vui vẻ cười thoải mái đến thế; các cậu giúp việc hội trường cũng ngạc nhiên không kém vì họ làm việc với phái đoàn này mấy lần mà chưa bao giờ thấy vị trưởng đoàn có thái độ thân thiện vậy.

Khi Chính Tâm quay trở lại phòng làm việc, viên Cao Uỷ Trưởng hỏi thăm: "Sao? Phái đoàn Úc nhận cô xong rồi chứ?" -"Không, họ từ chối tôi rồi!" Với vẻ mặt ngạc nhiên, viên Cao Uỷ Trưởng vội vã rời bàn làm việc đi ra ngoài; Chính Tâm không mấy chú ý và vẫn quay về với công việc thường lệ của mình. Chiều tối hôm ấy, nàng nghe câu chuyện khá thú vị do các cậu bé làm việc ở hội trường thuật lại: "Chị vừa về chưa được bao lâu thì ông Allen sang chất vấn ông trưởng đoàn:"Tai sao ông lại có thể từ chối một nhân viên tốt như vậy của chúng tôi?" Viên chức Úc ngắt lời: "Cô ta từ chối chúng tôi chứ không phải là chúng tôi từ chối cô ấy!"

Ngày nàng lên đường đi My định cư, thật là bùi ngùi: nơi làm việc thân quen, văn phòng với cánh cửa sổ rộng mở ra biển, những thuyền nhân ngày ngày mong mỏi được gặp phái đoàn, được sớm định cư...Nhưng thương mến nhất vẫn là các em thiếu nhi hàng ngày vẫn ăn cơm chung, vẫn được học hành dưới sự chỉ dạy của nàng. Chúng khóc như ri làm ầm lên cả khu vực; chúng thi nhau đòi xách dùm nàng túi hành lý ra mãi tận chân cầu Jetty, bắt nàng hứa sẽ giữ liên lạc với chúng, sau khi tất cả đều được yên vị đi định cư. Bước chân ra đi mà nàng tan nát cả ruột gan, hệt như phải chia tay đàn em nhỏ trong chính gia đình mình.

*

Nhiều năm sau, một chiều thứ Sáu, vừa nêm xong nồi canh chuẩn bị cho bữa ăn tối, chuông điện thoại reo từng hồi. Nhìn vào số lạ hoắc, Chính Tâm đã định không bắt phone, vì dạo này robots quảng cáo tràn ngập. Nhưng không hiểu sao nàng lại cầm máy lên trả lời:"Hello?" Đầu giây bên kia giọng oang oang: "Chính Tâm hả? Khoẻ không? Dạo này ra sao rồi? Quân Cướp Biển đây!" Vẫn là giọng nói quen, tuy nhiều năm không nghe lại, nhưng vẫn không thể lẫn với ai khác.

Đã nhiều năm mất liên lạc do dọn nhà nhiều lần, không hiểu sao Đặng Quân lại biết ra số điện thoại hiện tại của nàng. Chính Tâm reo vui: "Hello anh Quân, sao mà diều tra ra số của Tâm tài tình vậy?"

Thì ra là nhờ một hoạt động giúp cho cộng đồng địa phương mà Chính Tâm đã thực hiện, tên tuổi và hình ảnh các video phóng sự có trên Youtube, mà Quân đã liên lạc được với nhà báo và năn nỉ lắm, họ mới chịu cho số điện thoại của Chính Tâm, sau khi cam kết đủ điều với chủ bút của tờ báo.

Sau những lời thăm hỏi, Đặng Quân cho biết anh vẫn giữ liên lạc với vài bạn trong Ban Cướp Biển cũ, và rồi cả nhóm hẹn gặp mặt trong hai tuần lễ nữa.

Sau hơn ba mươi mấy năm không hội ngộ, dung nhan mọi người đều thay đổi nhiều. Đặng Quân giờ tóc cũng lưa thưa trước trán, phong cách tuy có trầm tĩnh, nhưng vẫn giữ nét sinh động hoạt bát thời trẻ. Anh Vũ Nuôi đã có thêm cặp kính lão, hơi ốm đi nhưng vẫn điềm đạm ôn tồn; anh cho biết có thời gian bị đau cột sống khá nặng, nay cũng đỡ bớt nhiều nên có thể đi làm thêm một năm nữa để vừa đủ tuổi hưu.

Mọi người cười vui trêu chọc Chính Tâm:"Ủa, mái tóc dài của Chính Tâm đâu mất tiêu rồi? Nhưng công nhận mái tóc ngắn này cũng hợp với gương mặt Tâm lắm đó!" Anh Thọ đi đứng cũng hơi khó khăn do anh bị thoái hoá xương đầu gối, anh cho biết rằng cả hai anh chị đều đã nghỉ hưu từ chục năm trước, cậu con trai bị Down Syndrome cũng tốt nghiệp đại học và hiện làm việc cho tiểu bang. Chú Quang và chú Trực không đi ra khỏi nhà nhiều, cả nhóm hẹn sẽ đến nhà thăm hai chú trong một dịp khác. Chú Phúc đã mất hai năm trước. Anh Thuyết và Phạm Ngọc thì ở mãi Canada xứ lạnh tình nồng nên chưa tham dự được, MInh Châu cũng thế, mãi tận xứ Úc Kăng gu ru..

Một điều rất đáng nói là tinh thần của Ban Cướp Biển vẫn được tiếp tục sau khi mọi người đã an ổn trong việc định cư: không ai bảo ai mà tất cả cùng sốt sắng lao mình vào những công việc phục vụ công ích cho cộng đồng, bên cạnh những việc làm chính hàng ngày để kiếm sống của mỗi người: Đặng Quân hiện là nha sĩ, anh thường xuyên tham gia những chuyến công tác để khám bệnh cho những người không có bảo hiểm sức khoẻ, cùng với nhóm các bạn là bác sĩ, y tá, dược sĩ ở những khu lao động nghèo.

Cả hai vợ chồng Anh Thọ thường xuyên giúp cho các chùa chiền khi có những dịp lễ, Tết theo truyền thống dân tộc. Chú Quang lúc còn sinh thời cũng hết sức nhiệt thành trong việc giúp giới trẻ tổ chức hội chợ và các sinh hoạt văn hoá ở địa phương nơi anh cư ngụ.

Chính Tâm chưa kịp nói về mình thì Đặng Quân đã nhanh nhẹn loan báo với mọi người: "Chính Tâm thì khỏi phải nói! Hoạt động cộng đồng nhiều nên bọn mình mới tìm ra được cổ đó chứ!"

Quả đúng như lời Đặng Quân, Chính Tâm rất sốt sắng trong các việc giúp những hội đoàn phục vụ cơm theo định kỳ cho những người vô gia cư, gia nhập các cơ sở bất vụ lợi trong các dịp cứu nạn nhân bão lụt, hoặc nhóm Habitat for Humanity thỉnh thoảng xây hoặc sửa chữa nhà cho những người có lợi tức thấp, bên cạnh công việc chính của cô là nhân viên phòng tài chánh của quận hạt.

Đành rằng mỗi người được nuôi dạy và trưởng thành trong những điều kiện gia đình khác nhau, nhưng nhóm Cướp Biển ngày xưa đã gắn bó với nhau như anh em một nhà, nhờ vào việc cùng  chia sẻ lý tưởng hiệp nghĩa của cụ Đồ Chiểu với nhân vật Lục Vân Tiên: "Giữa đàng thấy việc bất bình chẳng tha". Tinh thần ấy giờ đây càng có cơ hội thăng hoa trên miền đất tự do, khuyến khích nhiều người có dịp làm công tác cộng đồng trên đất nước Hoa Kỳ.

Ban Cướp Biển thật không hổ danh là những người con của đất Việt! Giây phút chia tay, mọi người hẹn ngày gặp lại và thêm một lần cùng hát vang lên bài ca quen thuộc mà cả ban thường cất tiếng mỗi lần họp mặt khi xưa: "Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn, Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang..." **

Ban Cướp Biển ơi, xin cám ơn mọi người! Mong sớm gặp lại tất cả!

Hoàng Chi Uyên

* Bài hát "How Can I Tell Her" của Lobo nổi tiếng trong thập niên 80 với lời hát:
"How can I tell her about you
Girl please tell me what to do
Everything seems right whenever I'm with you..."  

**Hai câu hát mở đầu trong tác phẩm "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang.

Ý kiến bạn đọc
23/05/201919:17:46
Khách
@ Hồng Điệp: Dạ đúng là vì tình thân như trong một gia đình, do cùng một chí hướng, nên những người trong Ban Chống Cướp Biển luôn bảo bọc, thương mến nhau. Xin cám ơn cô Điệp và cũng xin chúc cô sức khoẻ và may mắn trong cuộc sống.
26/04/201923:46:11
Khách
Ban Cướp Biển dễ thương quá , đầy tình người .
Cầu chúc toàn ban nhiều sức khoẻ , giữ mãi được tình đoàn kết .
Tôi hâm mộ " Ban cướp biển " này quá .
10/04/201904:20:46
Khách
@Gió Đồng Nội: Rất đa tạ thạnh tình của Gió Đồng Nội ạ. Thật ra, khi cống hiến phần hành mình cho cộng đồng cũng là lúc mình nhận được rất nhiều phần thưởng tinh thần: lòng thương mến của cộng đồng nơi mình hoạt động, học được trước mắt tinh thần và phong cách làm việc của những vị Cao Uỷ người ngoại quốc, quý lắm ạ, thưa Gió Đồng Nội. Thân chúc sức khoẻ và may mắn!
10/04/201904:11:57
Khách
@Nguyễn văn Tới: Mình phục vụ cộng đồng vì mình cùng dòng máu đỏ da vàng Việt Nam, anh Tới ạ. Xin cám ơn anh đã khen tặng. Đáng phục nhất là những vị Cao Uỷ làm việc trên đảo, họ hy sinh phục vụ đồng bào mình mặc dù không cùng nòi giống. Theo như tôi được biết thì vị Cao Uỷ trưởng là Allen Vernon (đã giúp trên Bidong nhiều năm) sau đó nhiều năm, dù các đảo đóng cửa, vẫn phục vụ cho người tỵ nạn cũng trong công việc của Khối Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp quốc, ở Đông Nam Á. Rất trân trọng những lời khích lệ của anh Tới. Xin chúc anh may mắn trong mọi việc.
10/04/201904:02:47
Khách
@Tiên Nguyen: Kỷ niệm Pulau Bidong ngập tràn trong tôi khi viết những dòng chữ này; nhất là những đau khổ của nạn nhân bị cướp biển. Đúng là những ai đã từng ở trên đảo này khó quên được những kỷ niệm buồn vui này. Đa tạ sự khuyến khích của Tien Nguyen. Xin chúc sức khoẻ.
10/04/201903:58:53
Khách
@Diệu Hương: Rất mong Diêu Hương liên lạc với toà soạn để lại địa chỉ email rồi mình liên lạc nhé; gặp thêm một thành viên Ban Cướp Biển, vui quá! Mình đã biết thế nào khi bài này lên khuôn báo, chắc chắn sẽ có những thành viên Cướp Biển ngày xưa lên tiếng để mình gặp lại. Mong được gặp Diệu Hương sớm!
09/04/201921:20:11
Khách
Chào tác giả
Em cũng là cựu "nhân viên Ban Cướp Biển", là "Tracing girl" của Cao Ủy Deang, và Cao Ủy May tháng 6- tháng 12 1988, thời anh HT Đức là "chief cướp biển" thay anh VĐ Thọ đi định Cư ở Mỹ.
Nguyễn Trần Diệu Hương
09/04/201917:23:53
Khách
Gió Đồng Nội cũng xin được gửi lời chào trang trọng và lòng ngưỡng mộ tinh thần phục vụ tha nhân của Hoàng Chi Uyên và “Ban Cướp Biển”.
GĐN
09/04/201915:09:32
Khách
Biết nói gì hơn, xin ngả mũ cảm phục tinh thần dấn thân phục vụ cộng đồng của tác giả H. C. Uyên, từ những ngày ở đảo qua đến xứ định cư. Cũng là 1 thuyền nhân, tôi gặp gỡ và biết nhiều chuyện đau lòng lắm. Đọc mà nước mắt rưng rưng.
09/04/201909:15:55
Khách
Bài viết rất sống động,những dòng chữ chị viết đã dẫn dắt tôi về Bidong ngày nào, thật nhớ Bidong với tình người ty nạn buồn vui gian khổ đều nâng đỡ nhau.Cảm ơn chị. Mong sẽ được đọc nhiều bài mới của chị.
Tiên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,186
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ: Bà tên thật Nguyễn Lệ Chi, một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên thành phố Milpitas, Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà dựa trên những tình tiết có thật, tuy nhiên tên nhân vật đã được chỉnh sửa đôi chút để giữ sự riêng tư. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn và Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô từng góp nhiều bài và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.