Hôm nay,  

Tình Già!

01/12/201800:00:00(Xem: 14105)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5561-20-31367-vb5120118

 
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.

 
***

 
Đang nấu ăn, nghe có tiếng chuông, tôi vội bước qua phòng khách, nhìn ra. Bà hàng xóm bên cạnh đứng trước nhà. Mở cửa, tôi thật ngại quá vì chỉ mới tình cờ gặp bà hôm qua trong giây lát thôi, ngay cả bà tên gì, thứ mấy tôi cũng chưa biết luôn. Bà vừa dọn đến khu appartment này hai ngày nay.  Tôi gặp bà cùng một cô cũng cỡ tuổi tôi, đang ở ngoài hàng ba cạnh nhà lúc vừa bước ra để đưa con gái tôi đi bác sĩ khám định kỳ. Cô đó chào tôi và nói:

- Chị ở đây sao? Đây là mẹ tôi từ Việt Nam mới tới hôm qua. May quá, có chị là láng giềng, chứ mẹ tôi chỉ ở đây có một mình thôi.

Nghe giọng nói thì tôi được biết chị người Bắc, bà mẹ mỉm cười nhìn tôi thân thiện. Cả hai đều có nét đẹp sang trọng, ăn mặc lịch sự, thanh nhã. Sợ trễ hẹn, tôi chỉ kịp chào bà và người con, nói vội:

- Dạ chào bác, chào chị. Mừng bác mới tới Mỹ. Giờ cháu phải đi có việc , hôm khác cháu xin phép được qua thăm bác nha!

Nói xong, tôi lật đật ẩm đứa con gái nhỏ tới nhà đứa em để nhờ chở đi giùm.

Tôi chưa qua nhà bà như đã hứa thì sáng nay bà đã qua nhà tôi rồi. Mời bà ngồi, tôi lúng túng không biết mở đầu câu chuyện ra sao. Như hiểu ý tôi, bà nói:

- Bác mới tới đây, lạ nước lạ cái, lại ở có một mình. May cho bác lại có cháu là người Việt Nam ở sát bên, vậy là từ nay bác cháu mình coi nhau như người nhà cháu nhé!

Giọng Bắc của bà trong trẻo, êm ái lắm. Dáng người bà  phương phi, cao ráo, tóc bới gọn có cái trâm cài xuyên qua,  làm tăng nét quý phái trên gương mặt kiều diễm, được trang điểm rất khéo. Hai mắt bà sáng như biết cười, làm cho người đối diện có cảm tình ngay. Bà cho biết cô con gái hôm qua là con bà, chị tên Phương, qua Mỹ từ 1975, có chồng và bốn con. Chị Phương bảo lãnh bà qua nhưng thuê nhà cho bà ở riêng vì bà đã quen sống độc lập  ở quê nhà mấy chục năm nay rồi.

Tuy chưa từng quen nhau nhưng bà nói chuyện rất cởi mở. Bà hỏi tên tôi và tự giới thiệu tên là An, bà biểu tôi hãy gọi bà là bác cho thân mật.

Bác An qua nhà hỏi thăm tôi về những người cùng cư ngụ nơi này, về tình hình an ninh. Tôi thật không ngờ khi bác cho biết, hết năm này là đã tám mươi. Bác trẻ quá, làn da thẳng thót, tiếng nói sang sảng.  Bác nói chuyện rất duyên dáng, lại thỉnh thoảng xen vô  những câu chuyện tếu thật ý nhị thành ra tôi không còn cảm thấy bỡ ngỡ như lúc đầu mới gặp nữa. Chuyện vãn hồi lâu, bác đứng lên ra về, nói tôi thỉnh thoảng dắt cháu qua nhà bác chơi.

Từ đó, chúng tôi đã là đôi bạn, một  già mà vẫn thanh xuân, một trẻ, lại như cụ bà vì lúc nào cũng đầu tắt mặt tối với mấy đứa con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… Bác An nói mỗi sáng thức dậy, bác phải trang điểm, bới tóc cho đẹp, thay áo quần tươm tất rồi mới ra ngoài nhà bếp lo bữa ăn sáng. Nếu có khách đến thình lình khi bác chưa chuẩn bị thì bác sẽ không bao giờ mở cửa, bác không muốn người ta thấy bác lôi thôi, dù đã là một bà cụ tám mươi!

Độ một tháng sau, như thường lệ, tôi đưa Bình con gái nhỏ xíu, lúc đó mới vừa hai tuổi, qua nhà bà chơi. Mở cửa ra là một ông cụ tóc bạc trắng như tơ, da dẻ hồng hào, dáng người khỏe mạnh. Tôi hết hồn, tưởng mình lầm nhà. Đang định xin lỗi rồi tháo lui, thình lình, tiếng bà vang lên trong bếp:

- Bình sang thăm bà đấy à! Vào đây, vào đây bà nói cho hai mẹ con tin này vui lắm!

Tôi dắt con gái nhỏ bước vô. Bà đang dọn bữa điểm tâm. Trên bàn hai tô cháo bốc hơi thơm ngào ngạt mùi hành, mùi tiêu, mùi thịt...

Bà nói:

- Sẵn bữa hai mẹ con cùng dùng cháo với hai bác luôn nhé. Ngồi đó đi, bác múc thêm ngay.

Tôi vội từ chối, nói đã ăn ở nhà rồi nhưng bà nhứt định bắt phải ăn. Cháo gà ngon lắm , hương vị đậm đà, bốn người chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, tuy nhiên trong lòng tôi vẫn cứ thắc mắc về sự hiện diện bất ngờ của ông cụ. Tôi đi vắng mấy tuần nay, về nhà thì trong nhà bà đã có thêm người. Bác An cứ bí mật, chưa chịu nói gì hết! Bác huyên thuyên đủ chuyện, hỏi thăm tôi về chuyến đi California mới về ...nhưng tuyệt nhiên không nói cho tôi biết ông là ai!

Tô cháo nóng đã làm tan đi cái lạnh buốt xương bên ngoài. Ăn xong, bác kêu tôi bước qua phòng khách ngồi uống trà, Ông cụ thì cứ ôm con bé vào lòng trìu mến, như đã quen biết tự lúc nào.

Bác An chỉ ông rồi nói:

- Đây là ‘nhà’ bác, mới từ bên Pháp qua với bác tuần rồi. Cháu đi vắng mấy hôm nay nên chưa biết đấy.  Hồi còn ở Việt Nam, mỗi sáng chúng tôi đi tập thể dục tại vườn Tao Đàn và quen biết nhau. Bác thì đang chờ Phương (con gái bác) lãnh sang đây, còn bác trai thì đang chờ ngày định cư với các con bên Tây. Gặp nhau mỗi ngày,  chuyện trò tâm sự, hai bác dần quý nhau. Chúng tôi hẹn sau khi rời khỏi quê nhà sẽ cùng nhau chung sống, để cùng nhau chăm sóc, an ủi nhau những vui buồn cuối đời nơi xứ người. À, tin cho cháu vui, sau khi bác trai qua được ba hôm, hai bác đã được Phương đưa đến nhà thờ tin lành để xin mục sư chứng nhận hôn lễ của hai bác rồi đó cháu. Trong thời gian quen biết với ông nhà, bác có nói cho Phương biết ước muốn của bác, Phương vui lắm và hứa khi hai bác gặp nhau bên này, Phương sẽ lo cho hai bác.

Tôi thật xúc động và vui cùng hai ông bà. Tôi cũng vô cùng khâm phục chị Phương.  Sống ở Mỹ trên mười năm rồi, nên chị cũng có những tư tưởng rất phóng khoáng. Chị không hề cản trở việc mẹ chị bước thêm bước nữa, trái lại, còn lo chu đáo, hợp thức hoá chuyện hôn nhân, cùng mái ấm sẵn sàng khi bà đặt chân đến đây.

Từ đó, thỉnh thoảng qua nhà bà chơi, tôi luôn nhìn được cái hạnh phúc dù muộn màng của hai ông bà trên nét mặt, lời nói,  tiếng cười của nhau.

Đâu chừng ba tháng sau, như thường lệ, một buổi sáng, tôi dẫn Bình qua thăm ông bà. Ông vừa thấy cháu bé là tới ôm thật chặt, nét mặt buồn hiu. Ông nói:

- May quá, bác vừa định sang thăm mẹ con cháu để từ giã, lát nữa bác sẽ ra phi trường về lại bên Pháp rồi.

- Oh, hai bác đi chơi sao? Thích quá, cháu chúc hai bác chuyến đi thật vui nha.

Giọng bác An buồn buồn:

-Không phải đâu cháu à! Bác trai phải về Pháp luôn vì bên Mỹ từ chối không cho bác trai ở đây đã hết hạn visa, không thể gia hạn được, với lại nếu đi lâu quá thì bị mất tiền trợ cấp hằng tháng nên bác trai đành phải về lại bên đó.

Tôi nghe bác An nói, cũng cảm thấy buồn lây. Lối xóm nhau mấy tháng nay, gặp nhau mỗi ngày, tôi quý mến ông bà như cha mẹ. Nay ông bắt buộc phải rời khỏi nơi này tôi nghe có chút gì quyến luyến. Rồi còn bác An nữa? Mới sum họp không bao lâu, giờ phải chia tay!

Hai bác cứ lăng xăng, ông nhắc bà tối ngủ sớm, nhớ mặc áo ấm, uống thuốc tiểu đường mỗi ngày, bà dặn dò ông đừng ăn mặn quá, phải uống thuốc cao huyết áp đều đặn… hai ông bà cứ nhớ gì dặn nhau đó, tôi nghe mà ngưỡng mộ và cũng cảm thương cho mối tình già của ông bà.


Độ nửa tiếng sau thì chị Phương tới. Chị ôm hôn ông bà, một thói quen mỗi khi chị ghé qua. Xong chị lại nói lời gửi gắm bà cho tôi sau khi ông về Pháp, rồi chị xách va li ra xe. Tôi nhìn theo, lòng buồn vô hạn, mới quen đó giờ đã chia tay, tôi linh cảm như đây là lần gặp gỡ sau cùng.

Đã quen những ngày đầm ấm bên nhau, nay vắng ông, bà ra vào quạnh hiu, trên nét mặt không còn rạng rỡ, đôi mắt biết cười giờ  luôn nhìn về hướng trời tây, nơi đó, ông của bà chắc cũng đang ngày đêm thương nhớ, mỏi mòn mong tin bà.

Vài tháng sau, tôi dời nhà đi nơi khác, từ đó, tôi ít được gặp bà vì tôi chưa biết lái xe, chỉ thỉnh thoảng chị Phương rãnh mới chở bà đến thăm tôi thôi.

Một hôm, chị Phương  gọi cho tôi hay bác An đang trong bệnh viện. Chị nói, như thường lệ, sáng đi làm về chị ghé qua thăm bà. Mở cửa vô, chị hết hồn khi nhìn thấy bà nằm trên sàn nhà bất tỉnh. Hoảng hốt, chị vội gọi 911. Sau khi được đưa tới nhà thương, bác sĩ cho biết đường trong máu lên quá cao nên bà bị xỉu và kết quả siêu âm thấy một trái thận của bà đã hư, phải mổ gấp.

Tôi thật bàng hoàng trước tin trên nhưng cũng không làm sao đi thăm bà được. Nơi tôi ở là một thành phố nhỏ, do đó phần nhiều dân ở đây đều phải biết lái xe. Phương tiện công cộng duy nhất chỉ là taxi mà mỗi lần ngồi lên, xe vừa lăn bánh, nhìn đồng hồ tính tiền nhảy vùn vụt là tôi phát chóng mặt luôn. Thôi đành gởi lời thăm hỏi bà, chúc bà chóng bình phục vậy.

Chị Phương nói với tôi chị không thể nghỉ làm để ở đó chăm sóc bà mà bà thì lại không biết tiếng Anh, chị không biết phải làm sao.

Tôi nghe vậy liền bàn với chị:

- Hay là chị viết ra nhiều tờ giấy nhỏ. Trong đó, chị ghi một câu tiếng Việt, thí dụ

- Tôi cần đi tiểu,

- Tôi đói bụng

- Tôi khát nước...

Dưới mỗi câu chị viết tiếng Anh rồi dặn bác cần gì thì bấm chuông gọi y tá, xong lựa miếng giấy nào cần thì đưa cho người ta.

Chị Phương nghe tôi nói mừng quá, chị vội làm ngay. Cũng may, Bác An tuy lớn tuổi, dù đang đau nhưng bác vẫn rất sáng suốt. Suốt trong hai tuần nằm trong đó, tôi mỗi ngày đều gọi hỏi thăm, chị Phương thì cũng chỉ ghé hai buổi sáng chiều nhưng mọi việc vẫn thuận lợi. Bác nói có  bữa lính quýnh, cần đi tiểu bác lại đưa miếng giấy đói bụng. Cô y tá lập tức đem crackers tới, còn bác thì ôm bụng nói thầm:

- Quái lạ cái cô khỉ này! Mình cần đi tiểu mà cô lại mang bánh đến là sao?

Rồi bác xua tay từ chối. Cô y tá tưởng bác chê, đem món khác tới bác vẫn cứ lắc đầu. Cũng may, cô ta đưa tờ giấy ban nãy cho bà coi, biết mình đưa trật, bà cười ngất rồi lấy đúng tờ giấy mình cần cho cô… ha ha… lần này thì bà nghe nhẹ bụng rồi thì lại tiếp tục đưa trở lại miếng giấy cần ăn...cứ vậy mà những ngày ở đó, dầu một mình nhưng bà vẫn được y tá, bác sĩ quan tâm, chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ. Tôi cũng rất cảm phục cho cái nghị lực của bà. Đã tám mươi, biết con mình bận với công việc và gia đình, bà không hề đòi hỏi gì ở con cháu, chấp nhận cuộc sống đơn lẻ thật dễ dàng.

Sau khi xuất viện được khoảng hai tháng, ông bay qua Mỹ báo tin mừng cho bà là mọi thủ tục đưa bà qua đó đã hoàn tất. Bà sẽ được định cư với ông ở kinh đô ánh sáng, cùng hưởng hạnh phúc bên nhau đến cuối đời.

Nghe tin trên, tôi tuy buồn vì sẽ chia tay với bà vĩnh viễn nhưng mừng cho bà. Từ nay bà không còn những tháng ngày hiu quạnh vào trông ra ngóng, không mỏi mắt mong chờ nữa. Tôi chúc mừng và cầu xin ông bà luôn vui, khỏe mạnh nơi trời tây.

Sang Pháp được hai tuần là ông bà đã gởi thơ cho tôi. Nhìn con tem, tên người gởi, tôi mừng lắm, mừng như thuở nào được thơ bồ gởi về từ chiến trường vậy đó. Bây giờ thời đại văn minh, thường liên lạc nhau bằng điện thoại, do đó, cầm lá thư trên tay, tôi không vội xé, mà cứ ngắm nghía từng nét chữ xiêu vẹo, bìa bao thơ với những lằn xanh đỏ, con dấu -PAR AVION- làm tôi nhớ tới những ngày xa xưa khi còn ở Việt Nam quá.

Cẩn thận mở thơ ra, mấy tấm hình màu thật đẹp ông bà chụp chung ở phòng khách, ở công viên. Tôi đã tìm lại được đôi mắt biết cười của bà, tôi đã thấy lại nét phúc hậu của ông. Những dòng chữ tuy rằng không ngay ngắn, chỉ vỏn vẹn vài dòng thăm hỏi, vậy mà tôi nghe mừng vui lắm. Ông bà vẫn không quên mấy mẹ con tôi, vẫn luôn coi chúng tôi như con cháu dù quen biết chưa được bao lâu.

Thơ qua thơ lại được một năm thì sau đó, việc liên lạc nhau bằng điện thoại trên thế giới đã bắt đầu dễ dàng. Tôi thỉnh thoảng mua thẻ gọi thăm đế được nghe tiếng nói của ông bà. Bà vui lắm với cuộc sống hiện tại. Bà kể cho tôi nghe đủ chuyện bên đó. Những người con riêng của ông cũng ở gần nên mỗi cuối tuần đều đến thăm, đưa ông bà đi chợ, đi coi thắng cảnh, lúc Khải Hoàn Môn, khi tháp Eiffel hồi đi ra ngồi trên ghế đá ngắm sông Seine. Ngoài ra, sau dãy nhà nơi bà cư ngụ là một khu đất trống , mỗi thứ ba có phiên chợ của các nông gia từ trong quê ra. Họ họ đem nào trứng gà, rau cải, trái cây rồi tụ họp lại bán rất vui. Người mua kẻ bán tấp nập làm bà nhớ lại những ngày ấu thơ bên cha mẹ ở ngoài Bắc thuở nào.

Thỉnh thoảng ông bà lại còn gởi qua bưu điện cho tôi khi gói chocolate, lúc là mấy cái áo thun với hình ảnh in những nơi nổi tiếng của Pháp.

Cho tới một ngày, chị Phương  đến nhà, nét mặt buồn hiu, hai mắt thâm quầng. Chị cho hay bà mới mất cách nay hai tuần. Được tin , chị vội thu xếp để qua Pháp lo tang lễ cho bác An. Chị nói các con ông rất thương bà, khi bà ngã bệnh thình lình, mấy người đó đưa bà vô bệnh viện , thay nhau chăm sóc cho bà. Những ngày tang lễ, họ có mặt đông đủ như con ruột.

Sau khi chôn cất bà xong, ông có gọi cho tôi, giọng nói mệt mỏi, buồn rầu. Ông hỏi thăm tôi và mấy đứa nhỏ. Đột nhiên, ông gọi lớn lên:

-Này mình ơi, có cô Đông đây!

Tôi sững sờ khi nghe ông gọi bà! Chẳng lẻ ông không biết bà đã qua đời, hay con cháu giấu ông?

Qua tuần sau ông cũng lại gọi tôi, nhắc lại những ngày bên Mỹ. Ông nói nhớ Bình quá, thèm nghe được tiếng cười của con bé… rồi thì ông lại biểu tôi chờ để ông gọi bà dậy vì trưa rồi, bà chưa ăn uống gì hết… thôi rồi… ông đã lẫn rồi, ông không nhớ rằng bà đã mất… thương cho ông quá, tôi lặng lẽ gác điện thoại, mắt nhạt nhoà, hình ảnh ông bà, mấy tô cháo bốc hơi thơm ngào ngạt… rồi bóng bà từ từ bay theo làn khói mỏng!

Một chiều thu, ngồi bên cửa sổ nhìn lá vàng bay trong gió, sân cỏ đã úa màu. Chị Phương đến và cho tôi hay ông đã yên giấc ngàn thu bên bà, một giấc ngủ êm ái, nhẹ nhàng, nhanh chóng. Chị đã qua chịu tang dù không phải cha ruột nhưng ông đã dành cho bà cả trời thương yêu.

Tôi nghẹn ngào nói lời chia buồn cùng chị. Từ nay, tôi không còn nhận những lá thơ PAR AVION, không còn nghe giọng Bắc kỳ thân ái của hai ông bà nữa.

Hai bác ơi, giờ thì hai bác đã thật sự bên nhau rồi. Hai bác dù đến với nhau trễ tràng ở tuổi chiều bóng xế nhưng tình của hai bác sẽ vĩnh cửu đời đời kiếp kiếp hai bác nhé!

 
- Mình ơi! tôi gọi là nhà,

Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi. (Thơ Bùi Giáng)
 

Fort Smith, Nov 15, 2018

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
13/12/201803:05:06
Khách
Tính ra hai cụ ông, cụ bà này vẫn còn may mắn được hưởng cái lạc thú yêu thương thêm một lần nữa khi tuổi tác đã gần đất xa trời. Bài viết hay. Cám ơn tác giả. Mong bài viết sau
07/12/201820:57:22
Khách
Ngạn ngữ của Pháp :" Còn trẻ yêu như điên, về già điên mới yêu ."
02/12/201823:27:30
Khách
Tình mãi không già ! Với thời gian còn có già và trẻ. Với mối tình tình chân thật, thời gian là mãi mãi .
02/12/201803:25:09
Khách
chuyện cảm động lắm chị Đông, mới biết khi người ta già thì tình yêu còn mặn nồng hơn thời trẻ
01/12/201817:00:27
Khách
Người sẽ già. Tình có thể mất, nhưng nếu còn sẽ mãi mãi trẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,252,364
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến