Hôm nay,  

Một Tấm Lòng Nhân Hậu

26/10/201800:00:00(Xem: 13182)
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5530-20-31337-vb5102588

 
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain,  mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.

 
***
 

Vào một ngày hè oi ả, tôi đang cặm cụi với công việc bề bộn trong tiệm may. Nghe tiếng người lao xao trước cửa, tôi vội bước ra, thì thấy hai người tuổi tầm trung niên, mới ở Việt Nam qua, đến xin việc.

Tôi mời ông bà vào văn phòng. Qua câu truyện trao đổi, tôi thông cảm cho hoàn cảnh của ông bà. Tiệm lại đang cần thêm thợ, nên tôi nhận hai người luôn. Lúc đó bà hơn tôi cả chục tuổi, nên tay chân chậm chạp, phải mất thời gian dài kiên nhẫn, tôi mới hướng dẫn cho bà cách may ráp quần áo nhanh hơn. Còn ông thì được xếp vào chân nhặt chỉ và phụ với nhóm kiểm hàng.

 Đó là ông bà Lâm, ông 65 bà 60 tuổi. Đến Mỹ không thân nhân, phải nhờ nhà thờ tin lành bảo trợ. Mấy người bạn HO. qua trước mướn cho căn apartment một phòng. Giúp chở đi làm giấy tờ, xin Medical, chở đi khám tổng quát. Bác sĩ nhãn khoa lấy hẹn cho ông đi mổ mắt ngay, vì võng mạc bị tổn thương. Vừa chữa xong mắt, thì vào môt đêm ông bị xây xẩm mặt mày, té nhào, may mà kêu xe cấp cứu đưa ông đến bệnh viện kịp thời, để bác sĩ thông tim gấp. Sau mấy tháng dưỡng bệnh, ở nhà buồn quá lại không có tiền tiêu, nên hai ông bà đến tiệm may xin việc làm.

Khi được biết ông bà qua Mỹ đơn độc không con cái, mọi người đều xúm vào  giúp đỡ. Mỗi lần có ai hỏi đến con cháu, bà lại tủi thân nước mắt ngắn, nước mắt dài. Tôi phải hết lời an ủi, giải thích với bà là ở bên Mỹ này, người già sống một mình là chuyện thường. Như bác Nhẫn ngồi phía trước, có sáu người con ở bên tiểu bang Ohio hết, chỉ có bố mẹ về sống tại Cali tìm hơi nắng ấm. Hoặc có người đông con cái ở cùng tiểu bang, chúng cũng không thích sống chung với cha mẹ vì nhiều lý do. Bà Lâm hiểu ra, không vừa làm vừa khóc như trước nữa. Buổi tối ông bà đi học lớp ESL ở trường Westminster high school, để sửa soạn học thi quốc tịch. Đủ 5 năm có quốc tịch, ông bà sẽ tìm người quen có income, giúp bảo trợ tài chánh, để bảo lãnh cho các con sau này.

 Nhưng làm được mấy tháng thì ông lại đổ bệnh, phải nghỉ ở nhà, chỉ có mình bà mỗi sáng lủi thủi đón xe bus đến tiệm. Sau này ông bà thuê phòng  gần nhà tôi, cần kiệm để dành tiền, Tết  gửi về lì xì cho các cháu.

 Cuối tuần chúng tôi thường chở ông bà đi lễ. Chở bà đi chợ, đi làm, bà Lâm lại có dịp trải lòng mình. Nghe tâm sự của bà tôi như lây nỗi buồn, vì những ngày loạn lạc đau thương ấy, ám ảnh tôi mãi.

                                                            *

Cho đến hôm nay,  bà Lâm vẫn không sao quên được quãng đời đã qua. Từ trước năm 1975, gia đình đang sống tại Ban Mê Thuột một thành phố nhỏ bé, nhưng là một vị trí chiến lược trọng yếu đối với vùng cao nguyên. Cũng là cái nôi kinh tế của miền đất đỏ, với những rẫy cà phê dài hun hút, ngon nổi tiếng. Đồn điền cao su hàng chục ngàn mẫu. Những khu rừng là tài nguyên quý giá, trở thành trung tâm khai thác lâm sản bậc nhất của quốc gia, về các loại gỗ quý như : Bằng lăng, cẩm lai, gụ, lim..v...v…

Ban Mê Thuột còn có những thắng cảnh nên thơ như : Đồi Cỏ Vàng, Suối Hẹn Hò, Thác Drayling… Những ngày nghỉ cuối tuần ông thường chở vợ con đến Vườn Mộng ngắm cỏ úa mùa thu, hay những ngày hè nhìn hoa phượng đỏ rực trong khuôn viên trường Tổng Hợp.

Nhưng tất cả những cảnh vật đó, và sự sống hiền hòa của người dân, bị hủy diệt, bằng các trận mưa pháo, đại bác và hỏa tiễn của quân Bắc Cộng, đem đến nỗi kinh hoàng,  cho những người dân vô tội, trong đó có gia đình ông bà Lâm. Trước hoàn cảnh đó, nhiều gia đình khá giả đã tìm cách rời Ban Mê Thuột, để về Saigon hay ra Nha Trang, với giá máy bay rất đắt, mà có khi không còn chỗ.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, ông Lâm đang đóng tại Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8. Đứa con gái lớn  mười sáu tuổi, đứa bé nhất chưa đầy thôi nôi, bà Lâm cũng tìm cách đưa các con đi di tản, ở nhờ người quen được vài bữa, sốt ruột, mẹ con lại bồng bế nhau về nhà chờ tin ông.

Đơn vị ông được điều động đến giải vây cho tiểu khu Darlac, nhưng bị lực lượng Cộng quân từ Ngã Sáu tràn xuống, chặn đánh . Ông bị tan đàn thất lạc đơn vị, như rắn mất đầu, suýt chết, cũng phải mấy ngày mới chạy về tới  nhà ở cư xá sĩ quan Thiết Giáp, nơi vợ con đang trông chờ.

Trong thâm tâm mỗi người dân Ban Mê Thuột, luôn ghi nhớ lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu, của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, trong  giờ phút lâm nguy, đã hy sinh cố gắng hết sức mình để làm tròn bổn phận. Đối đầu với chiến thuật biển người của Cộng Sản, cho đến phút cuối cùng. Để rồi ngày 11/3/1975, thị xã Ban Mê Thuột, tỉnh Darlac thất thủ, kéo theo sự sụp đổ của Miền Nam Tự Do. Thảm khốc hơn, đã dẫn đến một khúc quanh lịch sử.

Thành phố hôm ấy như một bãi tha ma, những đống tro tàn, bụi khói và gạch vụn, đầy mùi tử khí. Bộ đội chia từng toán nhỏ, lục soát khắp các hang cùng ngõ hẻm. Côn đồ  thời cơ đông lắm, đeo băng đỏ ở cánh tay, đập phá các cơ quan công quyền, dinh thự, cửa tiệm, tư gia. Lục soát các nhà thờ, trường học, lôi đốt hết các loại sách báo, tự điển, giáo khoa. Nhất là những ấn phẩm văn học nghệ thuật, viết bằng Anh hoặc Pháp ngữ.

 Cảnh hôi của lan tràn khắp nơi, đi ngang qua cư xá sĩ quan có căn nhà ông bà Lâm, bọn du kích nằm vùng ập vào khám xét lục lọi, xông xáo, như kẻ đang cầm trong tay uy quyền đầy hung dữ. Họ ra lệnh cho mọi người trong nhà đứng dồn vào một góc để tự nhiên khuân đồ đạc, từ chiếc xe Honda dame của bà, cái máy ảnh hiệu Canon của ông. Đến chiếc TV trắng đen, bộ xa-lông cẩm lai, tủ khảm xà cừ, mà cha mẹ ông Lâm cho từ ngày mới cưới. vào nhà trong khiêng từ cái giường, tủ quần áo, xuống bếp nhặt từ bộ nồi inox, bưng cả chiếc bếp dầu… Như đua nhau xem ai lấy được nhiều hơn. Không chỉ nhà của ông bà Lâm, mà tất cả các nhà trong cư xá đều bị tình trạng này, họ như đang tịch thu những chiến lợi phẩm, sau một trận đánh khốc liệt, chứ không phải đang vơ vét của cải mồ hôi nước mắt của những người dân lành.

Xã hội lúc bấy giờ không luật pháp, thảm khốc diễn ra khắp nơi. Bộ đội tiếp tay với đặc công, trả thù, thanh lọc dân chúng, truy lùng các viên chức chính phủ, sĩ quan và binh lính. Nhiều người bị đánh đập, bị đấu tố,  mà vợ con thân nhân không biết kêu vào đâu?!

Nhưng tất cả không đáng sợ bằng vào một buổi tối, họ xông vào bắt ông Lâm đi. Bà Lâm bắt đầu cuộc việt dã đầy nước mắt. Tìm ông đủ mọi nơi trong vô vọng. Vì trước ngày 1 tháng 5 năm 1975,  Cộng Sản chưa lập ra cái mà họ gọi hoa mỹ là trại “cải tạo”, nếu ai bị bắt thì vợ con không biết đâu mà mò. Mãi cả năm sau, sức lực đã kiệt quệ thì bà nhận được thư ông gửi về từ trại tù “cải tạo” Gia Trung,  Gia Lai gần Pleiku.

Bà Lâm vừa lo cho tính mạng và sự an nguy của ông,  vừa lo cho đàn con dại, không biết rồi sẽ ra sao? Bà quay cuồng, xoay sở để sống còn giữa muôn vàn khó khăn. Bao nhiêu âu lo bất định dồn dập, bà lặng lẽ khóc mỗi đêm nhìn các con ngủ lăn lóc, trên những tấm chiếu cũ trải dài không giường, trên sàn nhà. Mưa trên vùng cao nguyên rả rích, cũng không dầm dề bằng nước mắt của bà Lâm, khi công an khu vực liên tục tới khuyến dụ :

-Những gia đình có chồng đang “cải tạo” nếu tình nguyện đi “kinh tế mới”, thì cách mạng sẽ khoan hồng cho về sớm để đoàn tụ với gia đình.

Biết được mục đích của Cộng Sản, là đuổi những gia đình đang sống trong cư xá đi, để tịch thu nhà cửa, nên không ai hưởng ứng. Thấy sự kêu gọi không kết quả, chính quyền mới  liền ra thông báo:

-Bắt buộc tất cả vợ con “ngụy quân” trong cư xá, phải lên văn phòng “đăng ký “ để lập danh sách đi vùng “kinh tế mới”. Mẫu giấy đã để sẵn trên bàn chỉ việc ký tên, nếu ai đi sớm sẽ được cấp nhà cấp đất. Nhà nước nói gì, nhân dân phải thi hành, đó là mệnh lệnh.

Vợ con các sĩ quan lúc bấy giờ ai cũng ngán Cộng Sản, lại cả tin lời đường mật, đồng ý ký tên đi. Rốt cuộc mẹ con bà Lâm và một số gia đình khăn gói lên đường đi “kinh tế mới”.

Sống khổ cực lầm than năm này qua tháng nọ, mà người chồng người cha vẫn bặt tăm. Trong khi nhà cửa bị tịch thu để cấp cho gia đình cán bộ cách mạng.

Thực ra “kinh tế mới” là chính sách “giãn dân”, trong kế hoặch quản lý hành chánh, không liên quan gì đến những người đi tù “cải tạo” được về nhà đoàn tụ với gia đình. Cộng Sản Lại chơi một cú lừa ngoạn mục nữa. sau khi đã lùa hết các Quân, Cán, Chính của “ngụy” vào tròng.

 Vào đầu mùa đông, cái lạnh vùng cao nguyên buốt da nứt thịt, mẹ con bà Lâm và những người cùng xóm co ro cúm rúm trong manh áo không đủ ấm, người khuân, kẻ vác, nào:  nồi, niêu, chén bát, quần áo và những đồ dùng cá nhân đủ thứ lỉnh kỉnh, lật đật lên xe cho kịp.

Một hàng xe dài lăn bánh, chở mọi người đến xã Hòa Lê, Huyện Krong-Bong. Ra khỏi đường tráng nhựa đi vào đường đất đỏ, len lỏi trong khu rừng cao su rậm rạp, dưới những tàn cây âm u che khuất mặt trời. Hai, ba tiếng đồng hồ, không biết qua bao nhiêu khu rừng thì đến một chân đồi, xe bò từ từ xuống khu đất gần một dòng suối.

Bỏ mấy chục gia đình xuống cạnh những dãy chòi lợp tranh, chung quanh chưa có vách, trống trơn, rồi đoàn xe quay đầu lặng lẽ bỏ đi. Ngày hôm sau được lãnh gạo theo nhân khẩu, mỗi gia đình vài chục ký gạo mọt, nổi lều bều trong nước vì rỗng ruột. Đúng là “Đem con bỏ chợ”, hàng chục gia đình ngơ ngác nhìn nhau.  Không nơi thờ phượng, không trường học, chỉ một trạm y tế nhỏ như lỗ mũi, đừng nói gì chợ búa. Mọi người phải mua rau cải, bí, bầu, măng, mướp của người thượng ở làng bên, gùi đến bán.

Phải qua nhiều ngày mẹ con bà Lâm mới quen được tiếng chồn cáo gọi nhau ăn đêm. Tiếng chim cú gáy, xa xa trong rừng sâu. Ban ngày ồn ào với tiếng cây cối bị đốn hạ, chất thành đống chờ xe be đến chở đi. Do đội thanh niên xung phong không biết khởi công từ bao giờ, chỉ thấy các em mặt mũi non choẹt, hay ghé vào nhà dân xin nước.

Như câu thơ không biết xuất xứ từ đâu: Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ / Mũ tai bèo che lấp cả tương lai.

 Biết bao gian nan khổ cực kể sao cho xiết, nhiều nguời bỏ đi. Nhưng mẹ con bà Lâm xem ra không còn nơi nào để đến  “tay làm hàm nhai” bữa đói, bữa no. Trời thương! Nhờ vùng đất đỏ đầy màu mỡ, cây cối tốt tươi, những luống rau xanh lớn nhanh theo giọt mồ hôi, nước mắt. Để mẹ con bà Lâm đem bán, rồi mua đường, bột, mắm, muối, đi tiếp tế thăm nuôi ông.

 

 Ông Lâm lê gót qua nhiều nhà tù từ Nam ra Bắc, bảy, tám năm trời, cuối cùng cũng được thả về. Tìm vợ con ở vùng “kinh tế mới”, vừa đi vừa hỏi thăm tên huyện Krông Bông, thị trấn Krông Kmar nghe là lạ, đường đi chỉ thấy rừng xa hun hút, mặt đường đầy dấu bánh xe tải cày xới, đất đỏ nhão nhoẹt thành từng vũng lầy nhớp nhúa.

Gặp lại vợ con, mừng mừng tủi tủi. Ra ngoài mà cuộc sống cũng không khá hơn ở trong tù bao nhiêu. Trong thời gian quản chế, ông không được đi đâu khỏi địa phương nếu chưa có giấy phép, không được buôn bán hay làm nghề gì, ngoài việc cuốc đất trồng cây.

Tuy vậy  tại đây hàng ngày ông không bị công an khu vực đến “động viên” đi “kinh tế mới”, bị mời lên mời xuống, bị chặn đường mượn tiền mua thuốc lá… như những người bạn còn ở trong thành phố. Nhưng ở cái nơi tận cùng trái đất này, ông Lâm không được tiếp xúc nhiều, cũng không thường xuyên về thăm anh em họ hàng ngoài thành phố Ban Mê Thuột, cách sáu, bảy chục cây số, nên không biết gì về chương trình HO. (Humanitarian Operation) mà thời đó không sẵn điện thoại hay internet như bây giờ. Gặp mấy người bạn cùng ở  “vùng sâu, vùng xa”  cho biết thì ông lại không tin Cộng Sản cho đi thật, nên không làm giấy tờ. Sau này thấy có người đi êm xuôi rồi, ông mới tìm hiểu lo làm thủ tục giấy tờ xuất cảnh thì khá muộn.

                                                *

Năm đó cả nhà ông bà Lâm không ai còn tinh thần mà ăn Tết, vì ngày mùng bốn tháng Giêng năm 1997 ông bà đi Mỹ theo chương trình tị nạn HO. 36.

Gần cuối chầu, vì từ gia đình HO.1 đầu tiên đặt chân đến Mỹ là ngày 5 tháng 1 năm 1990, sự cứu xét cho đi rộng rãi hơn, có gia đình đi được cả ba thế hệ. Nhưng “Chậm chân uống nước đục” từ tháng tư năm 1995 Cơ quan INS và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thay đổi, họ từ chối cha mẹ già , những người con có gia đình hoặc còn độc thân mà trên 21 tuổi, không được đi theo định cư tại Mỹ nữa.

Ông bà Lâm đi trơ trọi, buồn thiu, bỏ lại đàn con tám đứa, năm gái, ba trai. Hai cô con gái và cậu trai lớn có gia đình, biết thân biết phận không làm đơn theo. Nhưng còn năm đứa độc thân, đang sống chung cùng hộ khẩu với cha mẹ, ra dịch vụ làm hồ sơ, vào thời điểm đang được chấp thuận. Về ăn chay ở vậy hai ba năm trời chờ đợi, với hàng đống tin tức lệch lạc cho đến ngày phỏng vấn. Rốt cuộc năm đứa “tu tại gia” đều bị từ chối. Bà Lâm chép miệng, tội nghiệp nhất là Chi Mai cô con gái út, hai mươi mốt tuổi rưỡi cũng bị lọt sổ luôn.

Để rồi nguyên đàn con cháu, cùng với anh em, bạn bè, âm thầm kéo nhau đến phi trường Tân Sơn Nhất, đưa tiễn ông bà Lâm bằng một cuộc chia ly đẫm nước mắt. Ông bà lưỡng lự mãi không nỡ bước chân đi. Nhưng nghĩ lại những ngày tháng sống cơ khổ quá, đã thúc đẩy ông bà “ra đi tìm đường cứu gia” hy vọng sau này có cơ hội bảo lãnh con cái.

Sở dĩ tôi phải kể dài dòng văn tự, để thấy cảnh các con ông bà Lâm sống cực khổ làm vậy, mà khi cha mẹ ra đi “về miền đất hứa”, con cái không được đi theo mới thấm nỗi khổ tâm của ông bà, bước chân ra đi mà thương đàn con không  ai lo toan, dạy dỗ chúng trong độ tuổi trưởng thành.

 

 *

 Khỏang giữa năm 2001, cả tiệm may bất ngờ khi bà Lâm báo tin, bà xin nghỉ ba ngày để đi đón con từ Việt Nam qua. Rồi vài tuần sau bà dắt con gái, cùng chồng và đứa cháu trai hai tuổi, đến tiệm giới thiệu với mọi người và xin việc luôn.

Bà mừng rỡ nói huyên thuyên, đây là Chi Mai, con gái út xinh đẹp, ngoan ngoãn của tôi, năm 19 tuổi cô yêu thương Lãng một anh bạn cùng xóm, nhưng vì nghe lời cha mẹ, cô phải dứt khoát không liên lạc với Lãng, để chờ đi.  Anh chàng thất tình bỏ làng đi thật xa, hơn hai năm trời, để quên mối tình đầu dang dở. Khi nghe Chi Mai phải ở lại Viêt Nam, Lãng ta như mở cờ trong bụng trở về ca bản :  “Về đây bên nhau ta nối lại tình xưa…..Rồi sau cơn mưa, giông tố sẽ vượt qua.….” Thế là hai đứa làm đám cưới năm 1998. Cứ nghĩ rằng suốt kiếp chôn vùi tương lai nơi xó rừng.

   Nhưng rồi có “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”. Đúng vậy,  nhờ McCain Amendement đã là cánh cửa mở ra cho các con ông bà Lâm và nhiều người con của các cựu tù nhân Việt Nam Cộng Hòa, tưởng là hết hy vọng được đi định cư tại Mỹ.

 Năm 1997, Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, đã đề xuất một dự luật phục hồi quy chế tị nạn phụ thuộc, cho các con em độc thân trên 21 tuổi của những cựu tù nhân, đã bị Bộ Ngoại Giao từ chối không chấp thuận, cho phép qua Mỹ định cư cùng cha mẹ, từ sau năm 1995. Nay dù những đứa con đó đã kết hôn, vẫn được nộp đơn để xin cứu xét đem theo gia đình. Dự Luật này được Quốc Hội Mỹ thông qua và được Tổng Thống Bill Clinton, ký ban hành ngày 1/5/1998, có hiệu lực đến 30/9/1999. Sau đó lại tiếp tục được Tổng Thống kế nhiệm George W. Bush gia hạn thêm, đến 30/9/2003. Thật là “Tiền xung hậu kiết”.

 Thế nên năm người con của ông bà Lâm, từ lúc nhận được giấy báo, chờ đợi, rồi giấy phỏng vấn cầm trong tay, mà cứ như mơ. Hơn một năm sau, đã lần lượt đến Hoa kỳ đoàn tụ với cha mẹ già. Như một phép lạ! Ông bà Lâm mừng khôn tả, mà những chuyến đi sau này lại có lời, thêm con, thêm cháu. Chỉ tội nghiệp những người con của ông bà Lâm ở Việt Nam đã không có phương tiện học hành, qua đến Mỹ thì tuổi đã muộn, lại không có trình độ căn bản, nên vừa vất vả học Anh văn vừa học nghề, nhưng tương lai con cháu tươi sáng trước mặt. Hiện giờ Chi Mai con út bà Lâm đang làm chủ tiệm nail khá lớn ở Los Angeles.

Theo tôi được biết thì chương trình này, đã cứu được gần hai chục ngàn người con, của các cựu tù nhân. Họ như những hạt giống được gieo trong đất tốt. Sẵn đức tính hiếu học lại cần cù, nhiều người đã học thành tài, đã thành công trên mọi lãnh vực, đóng góp nhiều cho Hoa Kỳ. Có người đã ưu ái gọi những đứa con này là : “The children of John McCain”.

 John McCain là ai? Ông là một Trung Tá Phi Công của Hải Quân, bị bắn rơi trong một phi vụ oanh kích tháng 10/1967. Rồi sau đó bị giam cầm ở Bắc Việt hơn 5 năm tại Hỏa Lò. Ông được trả tự do ngày 14/3/1973,  sau khi Washington và Hà Nội ký hiệp ước trao trả tù binh.

Từng là một cựu tù nhân chiến tranh, chịu sự giam cầm của Cộng Sản Bắc Việt, chịu đựng những hành hạ khổ nhục của Cộng Sản Việt Nam. Với tấm lòng nhân hậu và cảm thông, Thượng Nghị Sĩ John McCain đã hăng hái góp tay cùng  các ông Shef Lawman nhân viên Bộ Ngoại Giao. Ông Robert Funseth Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách chương trình tỵ nạn, đã vận động Tổng Thống Reagan và Quốc Hội Hoa Kỳ. Bên Lập Pháp còn có ông Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy và phần đông những Nghị Sĩ, Dân Biểu, ngày xưa là cựu chiến binh Hoa Kỳ họ hiểu hoàn cảnh của những người anh em, nên rất ủng hộ tiến trình cứu giúp những tù nhân chính trị Việt Nam Cộng Hòa. Vận động chính phủ Mỹ và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đồng thuận trao đổi, để các cựu tù nhân và gia đình được định cư tại Hoa Kỳ.

Ông Lâm vẫn nhắc nhở con cái: “Các con được như ngày hôm nay, là nhờ sự can thiệp  của ông John McCain, cùng nhiều vị trong giới chức chính quyền, về diện tuổi của con em HO.  mà nước Mỹ đã mở lòng đón nhận. Các con phải ghi nhớ mãi mãi”.

Sau này, chúng tôi và ông bà Lâm không còn ở cùng xóm như hồi mới qua, nhưng vẫn liên lạc và thỉnh thoảng ghé thăm. Ông bà tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn.

Hôm Thứ Bảy, ngày 25/8/ 2018. Trên thuyền thông báo chí đưa tin ông John McCain từ trần, hưởng thọ 81 tuổi. Ông Lâm điện thoại nói chuyện với nhà tôi, ông muốn được đến trước linh cửu ông Thượng Nghị Sĩ McCain để nói lời cám ơn chân thành.

 Trong ngày 29/8/2018, linh cửu của Nghị Sĩ John McCain đã được đưa đến điện Capitol Arizona, ở thành phố Phoenix. Nhiều người Mỹ gốc Việt, từ các cộng đồng việt Nam ở Arizona và California, đã  có mặt để cùng với hàng ngàn người xếp hàng, chờ dịp được bày tỏ lòng kính phục cố Thượng Nghị Sĩ. Ông Lâm cũng theo những người Việt đầu tiên từ Quận Cam trên hai chuyến xe bus, mất sáu tiếng đồng hồ mới đến nơi, cùng dòng người Việt Nam mỗi lúc một dài, để vào viếng và tiễn đưa ông lần cuối.

Nước Mỹ mất đi một thượng Nghị Sĩ  kỳ cựu, một người luôn tận tụy và hy sinh cho quốc gia. Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ đã mất đi một người bạn tốt, một ân nhân. Nhất là đối với các cựu tù nhân Việt Nam Cộng Hòa. Từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu, đều được hưởng ân huệ đổi đời.  Việt Nam chúng tôi có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Xin cám ơn ông John McCain.

Vào ngày thứ sáu, linh cửu ông John McCain được đặt ở tòa nhà Quốc Hội, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi các chính khách và người dân được vào thăm viếng. Đến Chúa nhật, ngày 2/9/2018, ông được an táng tại nghĩa trang trường Sĩ Quan Hải Quân ở Maryland, bên cạnh Đô Đốc Chuck Larson là một trong những người bạn thân nhất của ông.

Chi Mai cùng anh chị là con của ông bà Lâm, cũng có mặt trong nhóm con cháu hậu duệ HO. Để đến dự tang lễ Thượng Nghị Sĩ John McCain ở Hoa Thịnh Đốn. Với hai tấm banners :

  1. “Hậu duệ HO. ngàn đời không quên ơn Thượng Nghị Sĩ John McCain”

  2. “The Vietnamese Political Prisoners’ Children Will Never Forget The Man Who Saved Our Lives:  Senator JOHN MCCAIN.”

Xin vĩnh biệt ông John McCain, người có tấm lòng bao dung và nhân hậu. Chúng tôi là những gia đình HO.  Không bao giờ quên ơn ông.

 
Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
29/10/201801:03:58
Khách
Cảm ơn chị Năng Khiếu đã viết một bài rất hay rất cảm động về HỌ và hậu duệ, để góp vào VVNM, lịch sử của người Việt tị nạn trên đất Mỹ, được viết bởi chính người Việt. Chúc chị nhiều sức khỏe, và mong được đọc nhũng bài kế tiếp.
27/10/201816:29:33
Khách
Rất cám ơn chị NK đã khơi lại tình nghĩa người Việt Nam đối với người hùng McCain. Em không có mặt tại tiểu bang nhà Arizona khi TNS McCain qua đời, từ xa em đã dâng 1 lời cầu đặc biệt cho linh hồn ông. Em biết nhiều người VN ở AZ đã đoàn tụ gia đình qua văn phòng của TNS McCain. Mong đọc thêm thật nhiều bài thấm đậm tính nhân văn của chị.
26/10/201818:32:54
Khách
Cám ơn bác Trương Tấn Thục và Như Ý đã đọc bài và chia sẻ. Xin chúc mọi người luôn an lành và mạnh khỏe.
26/10/201818:07:57
Khách
Cám ơn tác giả đã kể lại câu truyện của người tị nạn diện HO rất chi tiết và cảm động. Khi đọc đến phần cuối, người cha già HO đến viếng thăm người ân nhân lần cuối làm cho tôi rơi lệ với cử chỉ của người ăn quả nhớ kẻ trồng cây. ❤️
26/10/201815:08:16
Khách
VIỆT BÁO là "Nguồn Sống Cuối Đời" của chúng tôi. Nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu tinh thần trên khắp lảnh vực của Đời Sống của Đọc giả - nhất là Cao Niên - Thành thật cảm ơn VIỆT BÁO và toàn thể quý vị trong Tòa Báo và thân chúc Quý Vị khỏe Vui để phục vu5Ngo6n Luận.
Thân mến.
Trương Tấn Thục 93t
559-696-6719
e mail:[email protected]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,251,619
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến