Hôm nay,  

Người Mỹ và Chùa Việt

11/06/201700:00:00(Xem: 18884)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 514018-30820-vb7061017

Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Mùa Phật Đản năm nay, tác giả vừa có cơ duyên thăm “White Sands Buddhist Center tại Florida, do Thầy Thích Tâm Thiện trụ trì.

* * *

blank
Tượng Phật Nhập Niết Bàn tại Tu viện Cát Trắng.

Nắng. Nóng. Không một cơn gió. Mùa hè của thành phố Mims thuộc tiểu bang Florida bắt đầu là những giọt mồ hôi thấm rít trên da thịt. Đứng bên này hồ nhìn sang bên kia là bức tượng Phật nằm. Từ đàng xa, những người đứng lố nhố dưới bệ tượng Phật trông nhỏ tí so với tượng Phật khổng lồ. Người trong chùa dễ nhận ra ông Ron Henderson cao lớn với chiếc mũ rơm rộng vành. Chung quanh ông là những du khách ngoại quốc. Có những nhóm đông năm bảy người. Có nhóm chỉ có vài ba người. Họ là những khách du lịch từ các nơi trên thế giới hay từ các vùng phụ cận như Daytona Beach, Orlando, Titusville, Palm Bay.

Ông Ron làm công quả cho chùa. Công việc chính của ông hướng dẫn khách du lịch đi xem thắng cảnh của ngôi chùa có tên tu viện Cát Trắng (White Sands Buddhist Center). Du khách có nhu cầu đi thăm tu viện sẽ gọi lấy hẹn với ông vào những ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần, buổi sáng từ mười đến mười một giờ, buổi chiều từ một đến ba giờ. Vào những ngày cao điểm, số du khách có khi lên tới cả trăm người. Vắng nhất vào những tháng hè nóng bức.

Tọa lạc trên một khoảng đất rộng ba mươi mẫu, con đường dẫn vào tu viện quanh co, ngoằn ngoèo, hai bên là rừng nguyên sinh, cây cối xanh tươi rợp bóng mát. Yên tĩnh. Biệt lập. Vắng tiếng xe và tiếng người. Chỉ nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng gió thổi xào xạc và tiếng róc rách của con suối gần đó. Đất ở đây là đất cát màu trắng. Có lẽ vì thế Thầy Viện Trưởng Thích Tâm Thiện đặt tên là Tu Viện Cát Trắng để ghi nhớ loại thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất duyên hải nhiệt đới này.

Tôi có dịp theo ông Ron và những người khách đi một vòng xem các pho tượng và nghe ông kể chuyện về tu viện. Lộ trình của ông thường bắt đầu từ thiền đường. Đi bộ một khoảng khá xa, băng sang bên kia hồ là pho tượng Phật nhập Niết Bàn. Tại đây, ông nói về ý nghĩa tượng Phật nằm trong tư thế nghiêng, tay phải kê trên đầu, tay trái đặt thẳng trên đùi, đầu hướng về hướng Tây, có chiều dài ba mươi “feet” và nặng bốn mươi tấn. Là một Phật tử đã quy y với Thầy Viện trưởng với Pháp danh Dharma Sun, ông Ron hẳn đã từng nghiên cứu đạo Phật. “Dharma” có nghĩa là Phật pháp. “Sun” là ánh nắng mặt trời. Đó cũng là hình ảnh của ông đội mũ, phơi nắng, da mặt ửng hồng, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, hòa lẫn trong nhóm du khách đi thăm tu viện.

Ông Ron nhớ và kể khá chi tiết về cuộc đời của hoàng tử Sĩ Đạt Ta bỏ hoàng cung đi tu. Sau khi đắc đạo quả vị Phật và hoằng pháp suốt bốn mươi lăm năm, Phật nhập Niết Bàn lúc tám mươi tuổi.

Từ tượng Phật nhập Niết bàn, đi dọc theo bờ hồ một đoạn hướng về bên phải, ông Ron và du khách dừng chân trước tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao ba mươi “feet” và nặng sáu mươi tấn. Ông giải thích về vị Bồ Tát tượng trưng cho lòng từ bi và sự bình an. Những người gặp tai nạn hay đau khổ đều cầu nguyện và xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm vì Ngài biết lắng nghe và hóa thân dưới nhiều hình thức để cứu giúp họ. Lòng thương của Ngài được ví như người Mẹ thương con cho nên Ngài còn có tên là “Mother Avalokitesvara”, Mẹ hiền Quán Thế Âm.

Từ tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tiếp tục đi theo vòng bờ hồ và lên con dốc thấp sẽ thấy ông Ron và nhóm du khách có mặt trước “gift shop”, một loại cửa hàng bán đồ lưu niệm. Đang ở ngoài trời nóng bức, du khách sẽ cảm thấy sảng khoái và mát mẻ khi vào trong căn phòng nhỏ gắn máy lạnh thật yên tĩnh, nhìn ngắm những món quà lưu niệm xinh xắn như các xâu chuỗi hạt, vòng đeo tay đủ màu sắc nhập từ Việt nam, Ấn độ hay mua từ Cali, các chuông, tranh ảnh, tượng Phật, áo tràng, áo “T shirt”, túi xách, nón lá… Vài người phụ nữ Mỹ tự nguyện đến phụ giúp việc bán hàng vào những ngày cuối tuần đông khách. Bà Charlotte Henderson vợ của ông Ron lúc nào cũng bận rộn với cái máy tính, viết hóa đơn, thu tiền và tiếp khách.

Với đầu óc thực tiễn, cửa hàng này được thành lập do sáng kiến của ông Ray có pháp danh là Dharma King và vợ là bà Susan Rivera có pháp danh là Dharma Queen. Họ là những người Phật tử Mỹ đầu tiên quy y với Thầy Tâm Thiện tại tu viện. Cách đây hơn năm năm, họ làm đám cưới ở chùa dưới sự chứng minh của Thầy. Sau này vì bận đi làm, Ông Ron và bà Charlotte về hưu nên có thì giờ trông nom và điều hành cửa hàng. Tuy nhiên, công việc chính của ông Ron vẫn là hướng dẫn du khách đi xem cảnh tu viện.

Với số vốn đầu tư bắt đầu hơn hai trăm đồng và sự đóng góp bằng những món quà của các Phật tử gửi cúng dường để bán gây quỹ cho cửa hàng, hiện nay giá trị hàng tồn kho được báo cáo lên ban trị sự của chùa lên đến vài chục ngàn. Có số vốn luân chuyển cộng với tiền lời giúp cho các mặt hàng càng ngày càng phong phú nhất là những hàng thủ công mỹ nghệ Phật giáo nhập từ Việt Nam. Tiền lời còn giúp cho việc bảo trì và sửa chữa những thiết bị hư hỏng trong chùa. Nhờ đó ban trị sự của chùa yên tâm có một nguồn lợi tức đủ để giữ gìn cho ngôi chùa khang trang, sạch, đẹp, xứng đáng là một thắng cảnh của thành phố Orlando.

Đi qua những khu vườn nhỏ có tên là “Adopt Garden” phong cảnh xinh xắn như những khu vườn Nhật có hoa lá, hòn non bộ, cầu nhỏ, đá, sỏi và cây cỏ xanh tươi, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy các bảng tên của những người Mỹ như Ray & Susan, Nilhia & Hector, Patrich & Shirley. Họ là những người Mỹ tự nguyện đến chùa làm công quả vào những ngày thứ tư. Họ chăm sóc khu vườn như trồng hoa mới, nhổ cỏ úa, bón phân, tỉa và tưới cây nên các khu vườn lúc nào cũng sạch, đẹp và rực rỡ các sắc hoa. Có những loài hoa gợi hình ảnh quê hương Việt nam hay vào ngày Tết như hoa mẫu đơn, vạn thọ, mồng gà...

Từ những khu vườn này, ông Ron hướng dẫn du khách đi qua phòng ăn, cạnh đó là thiền đường cũng là ngôi chánh điện rộng lớn, thoáng mát, cả hai đều có sức chứa vài trăm người trong mỗi khóa tu. Trong hai năm du học tại Nhật, mặc dù vắng Thầy, tu viện vẫn giữ được nề nếp sinh hoạt hàng tuần. Sư cô Cát Tường làm chủ lễ trong những khóa lễ ngày chủ nhật. Khi Thầy về, các Phật tử trung kiên người Việt cũng như người Mỹ cùng với Thầy tổ chức lễ Phật Đản, Tết Nguyên Đán hay mở những khóa tu cho người Việt và người Mỹ. Họ là những người Phật tử đi tiên phong và hết lòng phụng sự Phật pháp trong việc tìm và mua đất từ những ngày đầu tiên thành lập tu viện lúc đó chỉ mới là một căn nhà nhỏ chung quanh là rừng và đất cát. Sau mười hai năm đóng góp của cải và công sức của Phật tử khắp nơi, Tu Viện Cát Trắng đã thành hình.

Ngoài ra sư cô Cát Tường còn là bếp trưởng của tu viện. Với sự hỗ trợ của một ban trai soạn gồm những tay đầu bếp chuyên nghiệp đến làm công quả, họ nấu những thức ăn chay ngon, lành và bổ dưỡng, phục vụ cho hàng trăm thiền sinh Mỹ, Việt từ các tiểu bang xa hay tại địa phương về tham dự khóa tu.

Trang nghiêm. Giản dị. Yên tĩnh. Ông Ron và đoàn du khách đứng ngắm pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni với khuôn mặt từ bi ngồi trên đài sen trong tư thế tọa thiền. Ông giải thích ý nghĩa của câu thiền ngữ trên con đường đi vào tu viện: “Every step of the journey is the journey”. Đây cũng là pháp môn thực tập Thiền của tu viện. Thiền hành là đi trong chánh niệm, đếm hơi thở ra vào theo từng bước chân, không để tâm hướng về một điểm đến. “Mỗi bước đi” gắn liền với hơi thở. Khi đi, ý thức được sự an lạc trong giây phút hiện tại và ở đây. Không quan tâm đến mục đích xa xôi trong tương lai cũng không quay về với quá khứ đã qua. “Mỗi bước đi” vững chãi nối tiếp, liên kết với nhau sẽ làm nên “cuộc hành trình” tu tập. Hạnh phúc và sự an lạc chính là hơi thở và bước chân trong “cuộc hành trình”.

Bước gần đến chiếc mõ bằng gỗ khắc hình con cá trên bàn thờ Phật, ông Ron kiên nhẫn kể chuyện sự tích về chiếc mõ và công dụng của tiếng mõ giúp cho việc giữ nhịp khi tụng kinh hay trì chú. Mõ khắc hình con cá mở mắt còn có ý nghĩa con cá là con vật khi ngủ mắt vẫn mở. Mắt mở tượng trưng cho sự tỉnh thức, chánh niệm của người tu tập.

Kể chuyện về cái mõ không thể thiếu cái chuông. Đây là hai pháp khí chính trong các nghi lễ ở chùa. Nếu mõ được đặt bên tay phải thì chuông đặt bên tay trái đối diện nhau trước bàn thờ Phật. Ông giải thích âm thanh của tiếng chuông “Bell of Wisdom And Compassion” tại Tu Viện Cát Trắng là âm thanh nhắc nhở người tu tập trở về với chánh niệm và sự tỉnh thức. Âm thanh của tiếng chuông có công năng xóa đi những buồn phiền, mang sự an lạc và thanh tịnh cho thân và tâm. Ba hồi chuông gióng lên là nghi thức quen thuộc trong các buổi lễ của Phật giáo Bắc tông cùng với lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, hòa bình an lạc cho mọi loài. Tiếng chuông còn để nhắc nhở các Phật tử tập trung vào chánh điện để hành lễ.

Từ cửa chánh điện bước xuống sân, ông cùng với nhóm Phật tử đến xem chiếc đại hồng chung nặng hai ngàn hai trăm “pounds” đúc vào năm hai ngàn mười hai từ Phường Đúc Huế, một nơi nổi tiếng chuyên đúc các loại chuông lớn cho các chùa tại Việt Nam. Đây là công đức của một Phật tử cúng dường mười hai ngàn đô la để đúc chuông này. Tiếng chuông thật trầm hùng, ngân nga vang lên vào buổi trưa hè như đánh thức mọi người thức tỉnh giấc ngủ mê. Ông nói: “Its about reaching enlightenment”. “Youre not suddenly smarter. You just give up all desires which are very difficult for humans”.

Ngồi dưới bóng mát nghỉ ngơi và uống nước, một vị du khách hỏi ông để trở thành một vị Phật tử, ông phải làm gì. Ông nói: “The Master will hold a ceremony and I take refuge in Three Jewels: Buddha, Dharma, Sangha”. “I am asked to take an oath in front of the abbot and promise not to kill. lie, steal, abuse subtances or engage in sexual misconduct. I will have a Dharma name from the Master….”

blank
Thiếu niên Phật tử Mỹ làm lễ Tắm Phật.

Trên con đường đi vào tu viện cũng là con đường thiền hành, khách du lịch sẽ nhìn thấy thấp thoáng từ xa, qua bãi đậu xe khá rộng, pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ ngồi trong tư thế tọa thiền. Sắp đến giờ ăn trưa, Ông Ron vẫn nhiệt tình làm tròn công việc của mình. Ông nói đây là pho tượng Phật được xem là lớn nhất tiểu bang Florida, cao ba mươi lăm “feet”, nặng hai trăm tấn. Ông giải thích thêm Tu Viện Cát Trắng không chỉ đơn thuần là một thắng cảnh với các tôn tượng lớn. Tu viện cũng không phải chỉ là nơi dừng chân để chụp hình hoặc ngắm cảnh đẹp. Tu Viện Cát Trắng chính là nơi thực tập thiền để đạt đến sự tỉnh thức và xa hơn nữa đạt đến cứu cánh là sự giác ngộ (meditation, awareness and enlightenment). Các Phật tử hầu hết là người Việt Nam và sau này là những người Mỹ, họ đến đây để học phương pháp tọa thiền hay dự những khóa lễ vào ngày chủ nhật. Một vị tăng sĩ sẽ gióng chuông chánh niệm. Buổi lễ bắt đầu từ chín giờ rưỡi sáng và kéo dài khoảng hơn hai tiếng đồng hồ. Họ tụng kinh, tọa thiền, nghe Pháp thoại bằng tiếng Việt và tiếng Mỹ, sau đó dùng cơm chay vào buổi trưa.

Đi sâu phía sau tôn tượng là một dãy nhà nghỉ của Thầy Viện trưởng, các sư cô và cạnh đó là nhà bếp. Ông Ron vẫn chưa muốn dừng chân ở đây. Ông mời các du khách đến xem một “brochure” quảng cáo treo trên tường. Ông nói ngày hai mươi tám tháng năm sắp tới đánh dấu một sự kiện lớn của Tu Viện Cát Trắng. Đó là buổi tiệc chay và đêm văn nghệ gây quỹ đầu tiên, hỗ trợ kinh phí vận chuyển tượng Phật Đản Sinh. Đây là tượng Phật cuối cùng của tu viện cao ba mươi lăm “feet”, nặng khoảng hai trăm tấn. Theo chương trình, từ Việt Nam, tượng sẽ được chở qua Mỹ vào mùa hè. Tất cả chi phí đúc tượng và chuyên chở tùy thuộc vào sự đóng góp của các Phật tử trong buổi tiệc chay gây quỹ này. Buổi tiệc này cũng là cái mốc quan trọng kỷ niệm mười hai năm thành lập Tu Viện Cát Trắng.

Tôi đứng nhìn tờ “brochure” thật lớn dán trước cửa thiền đường. Sự có mặt của người dẫn chương trình nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn và các ca sĩ quen thuộc được ái mộ như Thanh Tuyền, Ánh Minh, Lâm Nhật Tiến cùng với các ca sĩ địa phương, hy vọng họ sẽ làm cho buổi tiệc chay gây quỹ thêm phần hào hứng và sôi động. Họ đến đây với hạnh nguyện cùng góp một bàn tay với Thầy vào Phật sự to lớn này. Khoảng sân trống của chùa đối diện với Phật Quan Âm sẽ có thêm một tượng Phật thứ tư vây chung quanh chiếc hồ, làm cho cảnh đẹp của ngôi chùa được hài hòa và cân xứng, để tu viện trở thành một thắng cảnh du lịch cho người Mỹ, một cái nôi bảo tồn văn hóa và tôn giáo của cộng đồng người Việt và là một quê hương tâm linh để người con Phật trở về.

Tôi đến Tu Viện Cát Trắng cũng là dịp tu viện tổ chức khóa tu mùa xuân kéo dài ba ngày với sự tham dự của các thiền sinh người Việt và người Mỹ. Sáng ngày thứ sáu đầu tiên, các thiền sinh tham dự khóa tu mặc áo tràng nâu chỉnh tề, làm thủ tục ghi danh, tập trung ở thiền đường và dự lễ khai mạc.Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, Thầy Viện trưởng làm lễ sái tịnh và sám hối (Purification and Repentance Ceremony). Tiếp đó là phần hướng dẫn thiền tập. Sau bữa cơm chiều là tọa thiền, tụng kinh và nghe Pháp thoại.

Ngày thứ bảy là ngày lễ Phật Đản chính thức. Buổi chiều có Pháp đàm và Lễ Mộc Dục. Buổi tối có chương trình văn nghệ mừng ngày Phật Đản và kỷ niệm mười hai năm thành lập tu viện.

Ngày chủ nhật là ngày tu học dành cho người Mỹ. Bãi đậu xe chật kín và thiền đường không còn chỗ ngồi. Khi biết tu viện mở khóa tu, từ các nơi, khoảng ba trăm người Mỹ theo nhiều tôn giáo khác nhau tụ tập về đây để tụng kinh, thiền hành, thực tập tọa thiền, hát những bài hát dễ thuộc về sự thực tập hơi thở, ăn trưa trong chánh niệm, nghe Pháp thoại và vấn đáp.Thầy đã từng nói: “There is no discrimination here. It doesnt matter your gender, your race, your education, your religion”. “Buddhists do not believe their practices conflict with other religions because youre not worshipping a God”. Những thắc mắc về Phật pháp được nêu lên trong suốt khóa tu được Thầy Viện trưởng và SenSei Morris người Mỹ thay nhau giải đáp. Cùng ngày, lúc bảy giờ tối tại hội trường Enchanted Nights, buổi tiệc chay và đêm văn nghệ gây quỹ cho chùa sẽ bắt đầu với năm trăm vé đã bán hết.

Lễ Mộc Dục hay còn gọi là lễ tắm Phật trong ngày Phật Đản là một truyền thống đẹp của Phật giáo Bắc tông trên toàn thế giới. Tại thiền đường, các Phật tử người Mỹ rất thích thú được tham dự sau khi nghe Thầy giải thích ý nghĩa của buổi lễ tắm Phật chính là tắm gội cho vị Phật trong tâm của mỗi người. Ai cũng có Phật tánh như nhau. Ai cũng đều có thể tu hành giác ngộ và giải thoát như Phật. Phật nói: “ Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Do sự vô minh tham sân si là tam độc che lấp gây ra khiến con người tạo “nghiệp” và trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.

Các trẻ em Mỹ hân hoan và nôn nóng dự lễ tắm Phật cùng với bố mẹ. Trên bàn thờ đầy hoa, “Baby Buddha” là một pho tượng nhỏ, bụ bẫm, cao chỉ hơn một gang tay, khoác chiếc y vàng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đứng trong một cái thau nước bằng pha lê rải những cánh hoa hồng. Một chiếc gáo nhỏ xinh xắn để bên cạnh. Các em và những người Mỹ được hướng dẫn tham dự nghi thức tắm Phật như chắp hai tay xá “Baby Buddha” và cầm gáo múc nước dội ba lần trên tượng Phật. Ba gáo nước này tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và ba môn học Giới, Định, Tuệ. Niềm tin Tam Bảo và pháp môn tu học giúp cho người Phật tử phát triển bồ đề tâm, gội rửa những tập khí là những thói hư tật xấu như tham lam, ích kỷ, ganh ghét, kiêu mạn, ác độc.. hay phiền não trong tâm, còn lại là cái chân tâm thanh tịnh, trong sáng có sẵn trong tâm của mỗi người. Người tu Phật lấy “tâm” làm gốc. Hiểu như thế mới thật đúng nghĩa tắm Phật.

Sáng ngày thứ bảy, trong buổi Pháp thoại, Thầy Viện Trưởng kể chuyện ngày Lễ Phật Đản ở Nhật có tên là “Hana Matsuri” đúng vào tháng tư trùng với mùa hoa anh đào nở. “Hana” có nghĩa là hoa. “Matsuri” có nghĩa là lễ hội. Các em bé gái Nhật cầm hoa, mặc quốc phục “kimono”, hát hợp ca, làm lễ tắm Phật. Các em điều khiển nghi thức buổi lễ Phật Đản thay cho người lớn bởi vì hình ảnh “Baby Buddha” rất thân thiện và gần gũi với trẻ em. Ngày lễ này dành cho các em.

Trong buổi Pháp thoại này, Thầy Viện trưởng giảng đề tài về sự quán chiếu chân lý thực tại là sự vô thường. Thầy dẫn câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Dù muốn hay không, chúng ta phải lao vào thế giới của sự vô thường. Đó là cái chết”.

Trong buổi pháp thoại,Thầy nêu lên một báu vật của con người đó là khả năng quán chiếu các sự vật bằng tư duy và thiền định. Khả năng quý báu này nếu biết sử dụng sẽ giúp cho con người có sự an lạc. Do sự cố chấp và thành kiến, con người tự trói buộc với thế gian. Nếu biết quán chiếu mọi pháp vô thường theo tiến trình sinh, trụ. hoại, diệt và quán chiếu tâm vô ngã sẽ đạt được tâm an bình, giải thoát, tự tại.

Thầy Viện trưởng kể câu chuyện về người Nhật có văn hóa “trà đạo” khi uống trà với hai tay nâng tách trà một cách cung kính. Người Nhật còn có “hương đạo” khi đốt nén hương. Quán chiếu sự vô thường sẽ thấy khi khói trầm bốc lên thơm ngào ngạt thắp sáng đời sống thì đó cũng là lúc nén hương tàn lụi dần. Sinh, tử xảy ra cùng một lúc trong một nén hương.Quán chiếu sự vô thường xảy ra rất nhanh và đối diện với vấn đề sinh tử, con người có tự do và có khả năng vượt thoát những phiền não của nội tâm.

Nhắc đến vấn đề sinh tử và sự vô thường trong đạo Phật, Thầy kể câu chuyện về sự giác ngộ của một vị thiền sinh học đạo khi nghe vị thầy của mình là Thiền Sư Như Tịnh đánh người học trò cũng là người bạn của mình ngủ gục trong khi thiền định. Thiền sinh đó sau này chứng ngộ bằng thực tại đó là Ngài Đạo Nguyên, tổ sư của phái Thiền Tào Động tại Nhật Bản được người Nhật kính ngưỡng như một vị Bồ Tát.

Trong câu thiền ngữ của Ngài Đạo Nguyên: “Có Phật không có sinh tử. Vì không có Phật nên có sinh tử”, nếu hiểu Phật là người giác ngộ, đạo Phật là đạo tỉnh thức, chữ “Phật” có nghĩa là tính giác, “sinh tử” là một chuỗi hiện tượng biến đổi vô thường thì tính giác là cái “vô sanh bất diệt”. Vì không có sanh nên không có tử. Tu theo đạo Phật là vượt được sự vô thường của sinh tử để tâm trở về trạng thái vô sanh. Vì thế tu đạt đến bậc A-La- Hán là đạt đến vô sanh pháp nhẫn, không còn tái sanh trong cõi luân hồi sinh tử nữa.

Thầy nhắc đến bài kệ của thiền sư Mãn Giác đời Lý:

“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai (1)

Người tu giỏi là người sống tự tại trong sinh tử. Hoa mai tượng trưng cho sự vô thường. Cành mai tượng trưng cho Phật tánh thường hằng. “Một cành mai” “nhất chi mai” cũng là sự tỏ ngộ của nội tâm.

Để kết thúc bài Pháp thoại, Thầy nêu ra con đường tu tập của người Phật tử là luôn luôn phát huy trí tuệ, phát huy chánh kiến để thấy sự thật cũng chính là chân lý và luôn luôn tự quán chiếu để thấy được con người thật của chính mình.

*

blank
Ông Ron và người viết.

Tôi hỏi ông Ron khi đến tu viện làm công quả với cái “job” là người hướng dẫn du khách đi thăm cảnh đẹp của tu viện, ông có cảm nghĩ gì ? Ông cười và trả lời tâm ông an vui và thân ông khỏe mạnh. Ông rất thích công việc này vì nó hợp với khả năng của ông. Tôi hỏi khi làm công quả cho tu viện, ông có mong cầu điều gì không vì trong kinh dạy làm công quả cho chùa hay làm những việc từ thiện ngoài đời đều được phước báu (merits) cho mình trong đời này hay đời sau. Ông lắc đầu. Ông chỉ thấy tu viện cần có người giúp đỡ và khả năng ông làm được nên ông tự nguyện.

Khi tôi hỏi về niềm tin của ông xin quy y Tam Bảo, ông suy nghĩ một lát và nói: “Với Phật là sự quay về nương tựa một bậc giác ngộ. Với Pháp là trí tuệ và sự hiểu biết. Với Tăng là người đang sống cuộc đời tỉnh thức”. Khi được hỏi ông nghĩ gì về những tượng Phật lớn trong chùa. Ông cười, chỉ tay trên ngực và nói về một vị Phật trong tâm và niềm tin vào chính mình. Mỗi người phải là ngọn đuốc và mình phải tự thắp sáng lên mà đi. Các tượng Phật chỉ là hình tướng hoặc là phương tiện cho sự tu tập. Đứng trước tượng Phật nhập Niết Bàn, ông quán chiếu Niết Bàn không ở đâu xa mà ở cõi đời này. Sống an lạc, hạnh phúc chính là Niết Bàn. Đứng trước tượng Phật giác ngộ, ông quán chiếu ai cũng đều có khả năng giác ngộ như Phật. Với Phật Đản Sinh, ông quán chiếu về chân tâm trong sáng của một “Baby Buddha” có trong tâm mỗi người. Trước tượng Phật Quán Thế Âm, ộng quán chiếu về lòng từ bi và tu tập nuôi dưỡng lòng từ bi.

Giáo lý về đạo Phật đến với người Mỹ này đơn giản, không cao siêu và phức tạp như trong các kinh điển. Còn phương pháp tu tập đã có những câu thiền ngữ “Every step of the journey is the journey”.“All the way to Nirvana is Nirvana”.

Đạo Phật du nhập vào các nước Tây Phương và nước Mỹ vào thế kỷ mười chín, khởi đầu từ giới trí thức như những triết gia người Đức Schopenhauer nghiên cứu đạo Phật. Henry David Thoreau nhà văn và triết gia người Mỹ dịch các bản kinh Phật từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Nhà triết học Đức Friedrich Nietzsche viết những cuốn sách về đạo Phật. Thế kỷ mười chín còn là những dòng người nhập cư từ Trung Hoa vào nước Mỹ làm lao động như xây đường rầy xe lửa, xây các nông trại. Ngôi chùa đầu tiên tại nước Mỹ được xây cất vào năm một tám năm ba tại San Francisco bởi một người Mỹ gốc Hoa. Năm một ngàn tám trăm tám mươi, người Mỹ đầu tiên theo đạo Phật nguyên thủy tại Tích Lan quy y và trở thành tăng sĩ là một vị đại tá trong quân đội Mỹ, một nhà báo và là luật sư tên là Henry Steel Olcott.

Ngày nay, đạo Phật đã trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Riêng tại nước Mỹ, đạo Phật trong cộng đồng người Việt càng ngày phát triển sau năm một chín bảy lăm khi dòng người Việt Nam vượt biển Đông, di tản hay định cư chính thức tại Mỹ càng ngày càng nhiều. Người Việt tha hương đi đến đâu mang theo quê hương tâm linh nhất là sau khi họ đã thích nghi và ổn định đời sống mới. Ngôi chùa đầu tiên ở quận Cam nơi có đông người Việt định cư và có nhiều người Mỹ đến tu học thiền là tu viện Quốc Tế (International Buddhist Meditation Center ) do Thầy Thích Thiên Ân xây dựng vào năm một chín bảy mươi tại Los Angeles. Thầy là vị tăng sĩ du học tại Nhật. Sau đó Thầy sang Mỹ dạy học, bảo trợ cho nhiều tăng sĩ được nhập cư tại Mỹ. Năm một chín bảy lăm, Thầy xây dựng ngôi chùa thứ hai là chùa Việt Nam cũng tại Los Angeles. Năm một chín bảy tám, Thầy bảo trợ cho Thầy Thích Mãn Giác từ Pháp qua Mỹ. Khi Thầy Thiên Ân viên tịch, Thầy Thích Mãn Giác kế thừa trụ trì và tiếp tục bảo trợ cho các Thầy và ni cô từ các trại tị nạn qua Mỹ để hoằng dương Phật pháp tại vùng đất hứa này.

Từ đó, các chùa từ các tiểu bang được thành lập càng ngày càng nhiều theo nhu cầu tâm linh của Phật tử người Việt tha thiết tìm về cội nguồn dân tộc và quê hương tâm linh:

“... Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông...(2)

Từ ngôi tổ đình là chùa Việt Nam, các vị Thầy trẻ như những cánh chim với đôi cánh đã vững vàng đã lần lượt tung bay trên năm mươi hai tiểu bang của nước Mỹ để hoằng pháp độ sinh trong số đó có Thầy Thích Tâm Thiện trụ trì Tu Viện Cát Trắng tại Florida.

Nước Mỹ đã bao dung cho người Việt tị nạn, cho họ được hưởng nhiều quyền tự do trong đó có tự do tôn giáo. Từ đây, người Mỹ có cơ hội đến với đạo Phật tại những ngôi chùa Việt và cộng đồng người Việt và những Phật tử người Mỹ đã quy y Tam Bảo, đến chùa nghe Pháp, tu tập Thiền và làm công quả cho chùa.

Ông Ron và những Phật tử người Mỹ đã và đang bước những bước đi vững chãi tại ThiềnViện Cát Trắng. “Cuộc hành trình” của ông Ron đã chọn lựa không có điểm bắt đầu và điểm đến. Đó chính là cuộc hành trình của từng bước đi và hơi thở tỉnh thức mà ông đang thực tập mỗi ngày với sự an lạc và thảnh thơi./.

Phùng Annie Kim

Chú thích:

(1) Bài kệ của Thiền Sư Mãn Giác. Ngô Tất Tố dịch.

(2) Bài thơ “Nhớ Chùa” của nhà thơ Huyền Không tức Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, người kế vị Hòa Thượng Thích Thiên Ân làm Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ..

Ý kiến bạn đọc
19/06/201700:25:09
Khách
Cảm ơn chị Kim Anne Nguyễn về con số 50.
Trí nhớ về con số Annie rất tệ. Nhất là với cái tuổi này.
Một lần nữa cảm ơn chị
16/06/201701:46:22
Khách
To Mrs. Phung Annie Kim,

Please correct: There are only 50 states , not 52 states as you wrote.
Chi co 50 tieu bang thoi khong phai 52 tieu bang .
Thank you.
15/06/201716:46:32
Khách
Tác giả đưa ra ý kiến rằng: "Trăm năm trong cõi người ta. Cái gì không biết thì tra Google."

Giời ạ, sao mà đúng thế !!! Cụ họ Nguyễn, nếu còn sống tới bây giờ và biết xử dụng iPhone hoặc iGìgìđó, cũng phải gật gù, cười mỉm chi và thốt lên rằng: "Hậu Sinh Khả Úy".

Nhưng người đọc, qua kinh nghiệm, lại nghĩ thêm là Google như con dao hai lưỡi í và nếu người tra thiếu bản lãnh hoặc không phải chuyên môn thì việc xử dụng Google có thể gây hại nhiều, nhất là trong hai lãnh vực Chính Trị và Y Khoa.

P.S:

Why bother with Google when I have a wife who knows everything about everything !

Akshay Kumar
15/06/201704:11:14
Khách
Tôi được biết pháp môn tu học ở Làng Mai rất phù hợp với người Tây phương và người Mỹ bởi lẽ đạo Phật đi vào cuộc đời và cuộc đời này là bể khổ. Đạo Phật hiện đại và thực tiễn giúp họ giải tỏa niềm đau nổi khổ, có sự an lạc bằng sự thực tập Thiền quán.Đề tài thuyết pháp là sự vô thường. Sự nhìn sâu (quán) soi rọi (chiếu) về sự vô thường sẽ bớt sợ hãi trước cái chết. Bài viết hấp dẫn và để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ về sự tu tập Thiền trong đạo Phật.
14/06/201716:02:21
Khách
Annie xin chào các bạn đọc quý mến.
Cảm ơn các bạn đọc có những lời góp ý chân thành để Annie có cơ hội được viết nhiều hơn,
Riêng câu hỏi của cháu LG Kevin , cô xin trả lời:
Các từ ngữ Phật học trong bài viết, cháu chịu khó tra Google.( Có câu này "Trăm năm trong cõi người ta . Cái gì không biết thì tra Google) Có đầy đủ hết cháu ơi.
Các câu chuyện về Thiền khó hiểu lắm. Nếu cháu có Thầy ở chùa, nên gặp Thầy để học hỏi là tốt nhất.
Còn Thầy đánh trò, theo cô nghĩ không phải Thầy đánh vì ghét trò hay tại thầy dữ ( mean) đâu. Các câu chuyện Thiền kể rằng các Thầy có khi phải la, hét, đánh, đập trò. Dùng bạo lực như vây để trò ngộ đạo vì Thầy nói trò không hiểu.
Trò cũng biết rằng khi thầy làm như vậy là để mình hiểu đạo thôi chứ không giận Thầy.
Chúc cháu an vui.
14/06/201715:45:11
Khách
Tôi không phải là Phật tử, đọc bài viết này thấy hay muốn góp vài ý kiến sơ thiển như sau;
-Đạo Phật là bình đẳng vì giai cấp Thủ Đà la nghèo tận cùng của xứ Ấn cũng được Phật nhận cho tu.
- Đạo Phật là đạo từ bi và hòa bình vì lịch sử thế giới cho thấy không có cuộc thánh chiến nào
_ Đạo Phật tự do không ép ai cải đạo và dụ tín đồ theo đạo bằng các lợi vật chất.
- Đạo Phật dựa trên lý trí và niềm tin. Phật nói tin ta mà không hiều ta là phỉ báng ta.
- Đạo Phật giải thích được những câu hỏi về con người từ đâu đến và đi về đâu (Nghiệp).
- Đạo Phật nhân bản và tôn trọng con người. Phật nói mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi .Pháp của Phật chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Phật là vị đạo sư chỉ đường.
- Đạo Phật không chỉ là tôn giáo mà là nghệ thuật sống một cách sống. Người Mỹ hay Tây Phương đến với Đạo Phật vì đạo Phật cho họ cách sống an lạc giảm bớt nổi khổ hay bế tắc , căng thẳng trong xã hội văn minh.
bài viết kể chuyện người Mỹ đến với đạo Phật ở xứ Mỹ vì họ tìm ra phương pháp tu tập thiền, Pháp tu này bây giờ đã phổ biến trong nhà tù, trường học, bện viện tâm thần...
Tôi chưa già, còn chấp ngã và đa đoan nhiều việc đời nên biết đạo Phật hay như thế mà vẫn chưa chịu quy y.Sẽ có một ngày đủ duyên xin nương tựa vào Tam Bảo.
Cám ơn tác giả .
12/06/201715:26:11
Khách
Học trò đi hoc đạo Phật còn bị Thầy đánh như ngoài đời. Thây đi tu rồi mà còn đánh học trò trong chùa. Sao Thầy dữ vậy. Bên Mỹ không có đánh học trò,
Cô Annnie ơi, cháu đọc bài của Cô bài nào cũng hay. bài này có nhiều chuyện cô kể cháu không hiểu. Có các chữ cháu hơi hiều cháu đoán như chữ quán chiếu, hoàng pháp độ sinh Đạo Phật hiểu khó quá.Để cháu tra tự điền.\hay lên chùa hõi Thầy.
12/06/201715:10:47
Khách
Tôi năm nay đã ngoài bảy mươi già rồi. Tình cờ đọc bài viết này thấy hay quá.Câu chuyện kể về cây hương đốt và câu nói của Ngài Đạt Lai Lat Ma thật là tuyệt vời cho tôi nhìn lại mình nhiều hơn.
Tác giả vẫn giữ được phong độ cùa cách viết và đề tài viết hay. Giải thưởng năm ngoái của bà thật xứng đáng.Cám ơn. Bà viết nhiều nữa nhé
12/06/201714:54:56
Khách
Văn kể chuyện của tác giả hấp dẫn người đọc từ cái mới này đến cái mới khác. đọc xong tôi suy nghĩ hoài về người Mỹ học đạo Phật . Đề tài độc đáo lắm .Tác giả vẫn cho người đọc những bài viết hay và mới lạ. Xin cám ơn nhiều.
12/06/201714:45:28
Khách
Bài viết là môt bài pháp. Bài thuyết pháp này ghi lại kinh nghiệm sống của tác giả đi tu học tại một tu viện và trở về với một sự an lạc và giải thoát.
Tôi không theo một tôn giáo nào nhưng đọc bài này rất hợp với tôi ở điểm đạo Phật dạy mình phải tư thắp đuốc mà đi và tôn trọng đạo của của ngưới khác.
Bài viết hay. Sâu sắc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,395,987
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Nhạc sĩ Cung Tiến