Hôm nay,  

7,000 Nữ Hướng Đạo Qua Cầu Golden Gate

20/05/201700:00:00(Xem: 10015)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 5122-18-30802-vb7052017

Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration; Đã tham gia VVNM từ 2003 với 4 bài viết tươi tắn, tử tế. Tiếp tục nhịp viết mới, sau đây là một du ký theo chân hơn 7,000 nữ hướng đạo đi bộ qua cầu Golden Gate.

* * *

blank
Các em Nữ Hướng Đạo ngành thiếu qua cầu Golden Gate.

Golden Gate Bridging là ngày hội lớn nhất trong năm của Phong Trào Nữ Hướng Đạo tại California.

Hàng năm, để đánh dấu việc các em Nữ hướng đạo ngành thiếu (Girl Scout Juniors) đến tuổi được chuyển tiếp lên ngành tráng (Girl Scout Cadettes), phong trào Nữ Hướng Đạo tổ chức cho các em tập họp ở San Francisco, cùng nhau đi bộ qua cầu Golden Gate. Sau cuộc đi bộ sẽ là lễ hội vui vẻ tại Crissy Field, với chương trình trình diễn âm nhạc và nhiều hoạt động vui vẻ. Ngày “Đi Bộ Qua Cầu” năm nay là Thứ Bảy, 29 tháng Tư 2017, với sự tham dự của hơn 7000 nữ hướng đạo trên khắp tiểu bang California.

Vì các em còn nhỏ cho nên phong trào bắt buộc một phụ huynh đi cùng các em. Nhân dịp này, cả nhà tôi đi theo con gái lên San Francisco. Ngoài gia đình tôi, có ba gia đình khác trong nhóm của con gái tôi cũng đi theo con gái của họ. Nhóm của con gái tôi có 8 thành viên. Vì mỗi em được mẹ đi theo, cộng thêm 4 gia đình có bố và anh, chị hay em đi theo, phái đoàn chúng tôi có 26 người. Ngoài mục đích tường thuật chuyến đi bộ qua cầu ở San Francisco, hy vọng bài này sẽ giúp người đọc hiểu thêm về phong trào hướng đạo nữ của Hoa kỳ.

Sáng sớm thứ Sáu ngày 28 tháng 4, gia đinh chúng tôi lái xe tới phi trường Long beach. Phi trường Long beach thật nhỏ bé so với phi trường LAX. Sáng hôm đó, cả phi trường tràn ngập các em nữ hướng đạo. Khoảng 8:15, chúng tôi được cho lên máy bay. Vì phi trường nhỏ cho nên chúng tôi đi thẳng ra sân bay và leo lên chiếc thang ngoài trời để lên máy bay. Lên máy bay kiểu này làm tôi nhớ lại cách đây gần 26 năm khi gia đình tôi rời VN đi đoàn tụ. Sau khi cât hành lý trên đầu, vừa an tọa được vài phút thì tôi thấy anh nhân viên hãng hàng không khi nãy soát vé trước khi cho chúng tôi leo lên thang máy bay bước vào. Tôi đoán ngay là có chuyện chẳng lành vì các nhân viên soát vé ít khi nào vào máy bay. Trong máy bay bình thường chỉ có chiêu đãi viên. Anh nhân viên soát vé cầm máy phóng thanh thông báo:

"Vì đường băng của phi trường San Francisco đang được tu bổ, họ giới hạn số máy bay đáp xuống. Vì thế, họ mới báo cho chúng tôi biết là chuyến bay của quí vị sẽ bị trì hoãn khoảng 90 phút. Yêu cầu mọi người lấy hành lý và rời khỏi máy bay để xuống khu chờ đợi."

Theo ý kiến bà xã, nhóm chúng tôi ngồi chờ mọi người xuống tới phút cuối, lỡ khi tình hình thay đổi thì mình khỏi phải xuống.

Ngoài chúng tôi còn có hai nhóm nữ hướng đạo khác cũng chơi trò chờ đợi này. Thấy mọi người xuống hết mà ba nhóm hướng đạo vẫn cứng đầu bám trụ, cô chiêu đãi viên đành xách máy lên:

"Chúng tôi cần tất cả mọi người xuống máy bay."

Vì không muốn bị lôi xuống máy bay sau khi gãy vài cái răng cửa cũng những gãy sóng mũi như bác sĩ David Đào, chúng tôi đứng lên lấy hành lý để rời máy bay.

Vào lại phòng chờ đợi, tôi để ý một nét đặc trưng của phi trường Long Beach: nhiều đàn chim sẻ bay và hót líu lo bên trong phi trường. Tiếng chim hót làm tôi phần nào giảm bớt căng thẳng và thất vọng khi chuyến bay bị trì hoãn.

Nhìn các em nữ hướng đạo ngồi tràn lan trong phòng chờ đợi, tôi ngược dòng thời gian lại bốn năm trước khi con gái tham gia phong trào hướng đạo. Ai cũng có thể tham gia hướng đạo. Trong trường của con gái tôi có hai nhóm hướng đạo cho những em cùng tuổi với con gái. Mỗi nhóm được lãnh đạo bởi một phụ huynh. Vì tất cả thành viên trong nhóm đều học cùng trường, các em và phụ huynh đều biết và thân với nhau như một đại gia đình.

Mỗi tháng một lần, các em họp tại một phòng mượn của nhà thờ và bà lãnh đạo hướng dẫn các em nhiều sinh hoạt khác nhau. Lúc thì các em làm thủ công, lúc thì các em đọc sách và làm báo báo; gần lễ Tạ ơn thì các em giúp đóng thùng -gởi quà cho các binh lính xa nhà. Có lẽ sinh hoạt nổi bật nhất của nữ hướng đạo là bán bánh cookies vào đầu tháng 2 mỗi năm. Hai năm đầu, khi nhận bánh để bán, chúng tôi mang bánh lên nhà nội và ngoại khi ăn mừng tết Nguyên đán để "dụ" mọi người dùng tiền lì xì mua bánh cookies. Dù được họ hàng hộ nhiệt tình, "thương vụ" bán cookies trong gia đình cũng chỉ giúp con gái bán được 10% số bánh phải bán. Phong trào kêu gọi chúng tôi cho con gái mang bánh ra chợ bán nhưng chúng tôi từ chối vì nghĩ rằng chẳng bán được bao nhiêu

Thế là cả nhà chúng tôi ăn bánh cookies ế trừ cơm. Sau hai năm "nhậu" cookies ế, trước nguy cơ bị đái đường, tôi làm liều rủ cả nhà mang bánh ra trước các chợ Mỹ bán. Đương nhiên là chúng tôi chỉ có thể bán ở những nơi và vào thời điểm mà phong trào hướng đạo đã sắp xếp trước.

Thật ra thì tôi muốn đi bán cho biết kinh nghiệm ra sao chứ chẳng hy vọng bán được bao nhiêu. Trước khi con gái tham gia hướng đạo, bản thân tôi chẳng bao giờ mua bánh cookies do các em hướng đạo bán trước cửa chợ. Suy bụng ta ra bụng người, tôi nghĩ hầu hết khách đi chợ cũng sẽ từ chối mua bánh do con gái bán. Tôi đã lầm. Phải công nhận là người Mỹ họ rất ủng hộ các công việc đem lại tốt lành cho các em. Trung bình mỗi tiếng đồng hồ, chúng tôi bàn được khoảng 20 hộp bánh, tương đương với $100. Có nhiều người bị tiểu đường không ăn bánh được thì họ mua và nhờ phong trào gởi bánh ra chiến trường cho binh lính xa nhà.

Gia đình tôi đi đâu cũng đi cả nhà. Thằng con nhỏ của tôi rất thích bắt chước chị khi thấy khách tới là chạy ra mời khách mua. Thấy thằng nhỏ 4 tuổi nhỏ thó trong bộ áo lạnh với mũ (hood) trên đầu, rất nhiều người không muốn mua cũng phải bỏ tiền ra vì thương thằng nhỏ rao bán giúp chị. Phải công nhận là chuyện bán bánh giúp con gái tôi biết phán đoán là ai sẽ mua bánh của mình và ai sẽ từ chối. Lúc ban đầu, con gái tôi mời hết mọi người đi qua bàn bán bánh. Dĩ nhiên là số người từ chối mua rất nhiều. Có người từ chối lịch sự nhưng cũng có người làm ngơ một cách rất lạnh lùng và bất lịch sự. Thằng em nhỏ vì quá hưng phấn với chuyện được đi bán bánh với chị gặp ai cũng mời. Con gái tôi thì sau khi rút kinh nghiệm chỉ mời những ai mà con thấy có vẻ là khách hàng tiềm ẩn. Theo quan sát của chúng tôi thì người Mỹ trắng, nhất là các vị lớn tuổi hay thanh niên mua bánh cho con gái nhiều nhất. Người Mỹ Phi châu hay Mễ thì hầu như không mua. Người Á châu thì Việt nam cũng có người mua. Có hai vợ chồng của cô chú Việt nam ghé vào mua những 6 hộp bánh ($30) vì cô nói là con gái cô(khoảng hai mươi mấy tuổi) mê món cookies của nữ hướng đạo. Một số khách hàng người Việt nam khác là các thanh nữ khi xưa cũng đã từng ở trong phong trào hướng đạo khi còn nhỏ.

Dù khách có mua hay không mua, từ chối lịch sự hay lạnh lùng, các em hướng đạo được phong trào dạy phải nói câu: "Thank you and have a nice day."

Điều này làm tôi suy nghĩ nhiều. Khi xưa còn ở VN, tôi nhớ có mấy lần ra chợ khu Kiến thiết thấy một bà bán thịt heo vác dao rượt một người khách vì người này... dám từ chối không mua thịt heo. Hôm nào thấy vui trong người thì bà chửi cả dòng họ cửa ai không mua thịt cho bà.

Cách giáo dục của phong trào hướng đạo của Mỹ cho tôi hiểu là tại sao người Mỹ họ đối xử lịch sự. Mình không mua hàng thì họ vẫn tươi cười cám ơn tử tế.


Ngoài đi bán cookies, nhóm của con gái tôi còn đi bán pizza và nước uống tại hội chợ do nhà thờ tổ chức để gây quĩ. Tất cả tiền lời từ việc bán cookies, bán hội chợ và các dịp khác được dùng để chi trả cho các em cho chuyến đi vượt cầu hôm nay.

Đang mông lung nghĩ về các sinh hoạt của các em nữ hướng đạo trong suốt năm cũng như hình ảnh dữ dằn của bà bán thịt lợn tại chợ Kiến thiết năm nào thì thông báo của nhân viên hãng máy bay kéo tôi về với hiện tại. Vậy là sau hơn một tiếng ngồi chờ, chúng tôi được cho lên máy bay vào lúc 10:10. Mọi người lại lục đục tay xách nách mang xếp hàng tuần tự để leo lên cầu thang ngoài trời để lên máy bay. Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, phi công thông báo là vì phải chạy một khoảng khá xa từ bến đậu ra phi đạo (khoảng 15 phút), chúng tôi sẽ đáp xuống phi trường San Francisco vào lúc 11:40. Sau 15 phút chạy lòng vòng, máy bay chúng tôi ra tới phi đao. Phi công lại thông báo:

"Tin mới nhất từ San Francisco cho biết là chúng ta phải ngồi đây chờ thêm 45 phút nữa trước khi được cất cánh." Mọi người trong máy bay đều ồ lên một cách thất vọng. Bản thân tôi cảm thấy giận hãng máy bay vì sự trì hoãn chuyến bay sẽ làm chương trình du lịch của chúng tôi bị đảo lộn.

Sau hai lần trì hoãn, cuối cùng chúng tôi đáp xuống phi trường San Francisco vào lúc 12:40 trưa. Theo dự định ban đầu, chúng tôi sẽ đón xe điện (bart) từ phi trường về khách sạn. Tuy nhiên, vì đã mất gần 4 tiếng đồng hồ do chuyến bay bị trì hoãn, chúng tôi quyết định đi taxi để tiết kiệm thời gian.

Làm thủ tục giấy tờ khách sạn xong, đồng hồ đã chỉ 15 giờ. Phái đoàn chúng tôi gồm 26 người đi bộ khoảng 10 phút từ khách sạn ra trạm xe buýt hai tầng, mui trần (Hop on Hop off bus) tại quảng trường Union. Con gái tôi cũng như các bạn nữ hướng đạo không phải trả tiền vé xe buýt vì số tiền các em gây quĩ qua việc bán cookies cũng như các cuộc gây quĩ khác được dùng để mua vé cho các em. Những người đi "ăn ké" theo như các phụ huynh và con trai tôi phải bỏ tiền túi ra mua vé. Giá vé cho xe buýt là $58 cho hai ngày. Xe buýt chạy quanh các khu phố từ 8:40 sáng tới 18:00 chiếu. Khách có thể lên xuống xe tại bất cứ trạm nào mình muốn. Xe buýt này chạy qua hầu hết các thắng cảnh nổi tiếng của thành phố.

Từ quảng trường Union, xe buýt chạy đến phố Tàu. Bà lãnh đạo (troop leader) của nhóm hướng đạo quyết định cho nhóm xuống xe để vào thăm. Tôi vốn tẩy chay hàng Tàu hơn 20 năm nay nên chỉ đi theo nhóm cho có lệ chứ không hứng thú hay mua sắm gì cả. Bố mẹ của các bạn Mỹ của con gái có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi hững hờ trước hàng hóa rẻ như bèo của Tàu. Tôi nói với họ:

"Tôi không phải người Tàu. Các bạn Mỹ cứ thấy Á châu là nghĩ chúng tôi đều là Tàu. Tôi tẩy chay Tàu từ lâu rồi"

Mua sắm và tham quan phố Tàu khoảng 30 phút, chúng tôi leo lên xe buýt để đi xuống quảng trường Ghiradelli nơi có tổng hành dinh của hãng làm sô-cô-la nổi tiếng. Tại đây, phái đoàn chúng tôi vào tiệm kem của hãng Ghi radelli. Các em nữ hướng đạo lại dùng tiền quĩ để mua kem trong khi hai vợ chồng tôi bỏ tiền túi ra mua một phần kem banana split. Phải công nhận là chưa có chỗ nào bán món này ngon như Ghiradelli. Có lẽ là ngoài các thành phần thông thường của món này như chuối, cherry, đậu phộng, tiêm Ghi radelli còn cho khóm bằm nhỏ vào phần kem làm tăng thêm khẩu vị.

Ăn kem xong thì chúng tôi mới nhận ra là xe buýt đã ngừng chạy. Thế là chúng tôi phải ra bến xe cáp (cable car) để đón xe về lại quảng trường Union. Xe cáp này không có động cơ vì nó được kéo đi bởi hẹ thống dây cáp. Xe cáp là một trong những điểm đặc trưng của San Francisco. Vé cho xe cáp là $7. Chúng tôi phải xếp hàng hơn môt tiếng đồng hồ để lên xe cáp.

Về đến quảng trường Union, chúng tôi ghé vào tiệm pizza ăn qua loa để còn về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho sự kiện chính cùa chuyến đi: vượt cầu Cựu kim sơn sáng thứ bảy.

Sáng thứ bảy, chúng tôi đón xe buýt hai tầng đi xuống Fisherman's Wharf. Tại đây, các em hướng đạo và mẹ lên xe buýt 58 chỗ ngồi để đi tiếp qua phía bắc của cầu Cựu kim sơn. Những tay ăn ké như tôi, các ông bố và anh em của các hướng đạo leo lên chiếc xe buýt hai tầng (blue line) để đi đến phía nam của cầu. Tại đây, chúng tôi lại đổi xe sang xe buýt khác để qua phía bắc cầu, nơi các em nữ hướng đạo sẽ xuất phát để đi bộ qua cầu, từ phía bắc về phía nam.

Thấy thằng con trai bốn tuổi của tôi, mọi người trong đoàn đều hỏi là tôi dự định đi bao xa thì quay lại phía bắc cầu để lên xe buýt về lại bãi đậu xe phía nam. Tôi cười:

"Trời! Cái cầu này chỉ có 1.7 dặm nhằm nhò gì. Năm ngoái đi châu Âu chúng tôi đi bộ rất nhiều và tôi bế thằng nhóc này vài dặm như không."

Thế là chúng tôi hòa vào cùng trên dưới 7000 nữ hướng đạo và các phụ huynh để vượt cầu. Hôm đó trời mát mẻ cho nên việc đi qua cầu tương đối dễ dàng. Tới giữa cầu, đoàn chúng tôi dừng lại, lấy thức ăn và nước uống ra, ngồi xuống bên đường để vừa ăn nhẹ vừa thưởng thức cảnh đẹp của vùng vịnh.

Trong chuyến qua cầu này, có lẽ con gái tôi là đi đúng theo ý nghĩa cũa cuộc đi bộ. Bà xã tôi vì bị té cầu thang ở nhà một tuần trước chuyến đi cho nên phải gọi là lết qua cầu thì đúng hơn. Nhìn dáng đi theo chấm phẩy của mụ vợ mà thấy tội nghiệp. Thằng con trai 4 tuổi đi khoảng một nửa thì bắt bế. Dù đi kiểu nào, tất cả chúng tôi đều đến nơi, về đến chốn, không ai sứt mẻ tí nào.

Sau khi đi qua cầu, các em nữ hướng đạo trong nhóm tôi được bà lãnh đạo cho đi ăn ở tiệm Rain Forest Cafe. Vì đã ăn ở nhà hàng này tại Costa Mesa, tôi dắt thằng con đi ăn đặc sản San Francisco ở cầu tàu 39 (Pier 39).

Đúng 18 giờ, rút kinh nghiệm chiều hôm trước, chúng tôi ra trạm xe buýt để kịp đi chuyến tham quan thành phố ban đêm. Chuyến xe đêm không chạy tuyến đường xe buýt ban ngày chạy. Người hướng dẫn du lịch có tự do chọn tuyến đường. Hướng dẫn viên du lịch tối đó cho chúng tôi chạy qua cầu Oakland. Theo hướng dẫn viên du lịch thì cầu Oakland mới được gắn hệ thống đèn LED rất đẹp nhưng vì mùa xuân cho nên khi chúng tôi qua cầu, đèn LED chưa được bật lên. Cầu Oakland có hai tầng và dài gần gấp năm lần cầu Cựu kim sơn. Tuy nhiên, cầu Cựu kim sơn đẹp hơn và nổi tiếng lấn áp cầu Oakland. Tối thứ bảy chúng tôi có một giấc ngủ ngon vì cuộc đi bộ qua cầu sáng hôm đó.

Ngày Chúa nhật chúng tôi ra thăm nhà tù Ao cá tra (Alcatraz). Tuy chẳng ai muốn phải ở trong cái nhà tù này nhưng phài nói là đứng từ khuôn viên nhà tù nhìn xung quanh, tôi thấy cảnh trời nước của vịnh San Francisco tuyệt đẹp. Cảnh đẹp thiên nhiên làm tôi quên đi là cách đây hơn nửa thế kỷ, nơi đây giam giữ các tay tội phạm khét tiếng.

Sau Alcatraz, chúng tôi ghé thăm Palace of The Fine Art, một nơi với những kiến trúc cổ làm tôi nhớ tới các nơi gia đình chúng tôi tham quan khi du lịch châu Âu năm ngoái.

Vì là Chúa nhật, chúng tôi dành thời gian đi lễ tại thánh đường thánh Phê rô và Phao lô. Thánh đường này được xây theo kiểu Gothic giống các thánh đường bên châu Âu.

Sau thánh lễ, chúng tôi đón xe điện ra phi trường để về lại quận Cam. Chuyến đi tuy ngắn ngày nhưng nhiều ý nghĩa và nhiều kỷ niệm. Con gái tôi rất vui vì được đi cùng các bạn học chung lớp. Năm sau, một số em sẽ tiếp tục tham gia phong trào hướng đạo trong khi vài em sẽ ngừng. Chuyến đi này sẽ là một kỷ niệm khó quên không những cho các em mà cho cả gia đình các em, những người đi "ăn ké" như tôi.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
21/06/201715:48:50
Khách
Nếu tác giả viết về nghề programmer của mình, xin đề nghị đừng dùng 'phần mềm' hay 'lập trình'. Ngay ở VN bây giờ, người ta dùng tiếng Anh khắp nơi, thí dụ như 'video', 'gam' màu, 'catwalk', 'software', 'viết program' v.v...
'code', 'program', 'software' giờ đã thành gần như từ ngữ quốc tế. Nhất là tác giả đang đi làm ở Mỹ.
Dùng 'lập trình' với 'phần mềm' nghe vừa khó hiểu vừa làm cho tôi có cảm tưởng đọc sách kỹ thuật do CS dịch. Hơn nữa, rất nhiều người không hiểu 'lập trình' nghĩa là gì cả.
09/06/201718:47:40
Khách
Cám ơn hai bác Lê Như Đức và nguyen về góp ý chữ "mụ vợ" . Thật ra thì trong bài này, em có dùng từ bà xã. Tuy nhiên khi tả tới cảnh bà xã khập khễnh đi bộ qua cầu, em muốn dùng từ "mụ vợ" để lột tả được tình trạng thê thảm của một người với cái chân xưng to tướng mà phải đi bộ quá xa. Ngụ ý chỉ là muốn cho bài viết thêm màu sắc. Cho em xin lỗi nếu từ "mụ vợ" làm phiền lòng quí vị
20/05/201721:17:31
Khách
Chữ "Mụ Vợ" khiến tôi liên tưởng tới sự miệt thị coi thường vợ của người chồng. Mặc dù tôi biết tác giả chỉ viết cho vui thôi.
20/05/201716:10:47
Khách
Trong Hướng Đạo VN, từ Thiếu lên Kha rồi mới lên Tráng. Nhỏ nhất là Sói. Tôi không rành cách tổ chức của HĐ Hoa Kỳ. Gia đình tôi có truyền thống HĐ vì chú tôi là Trại Trưởng trại HĐ VN năm xưa và cô tôi là hội trưởng hội nữ HĐ.
Đề nghị tác giả không nên dùng chữ mụ vợ. Dùng chữ bà xã hay nhà tôi nghe hay hơn. Chữ mụ có vẻ già và không thanh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,401,693
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là Y Sĩ và là Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Texas Woman's University Houston Texas / TWU. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017.
Hội chợ Tết Sinh Viên tại San Jose năm Đinh Dậu tại San Jose tưng bừng khai trương vào dịp Rằm Tháng Giêng. Đặc biệt, năm nay một số tác giả trong nhóm bạn Việt Bút đã góp phần đưa sách Viết Về Nước Mỹ
Tác giả tham gia VVNM gần đây và được giải danh dự năm 2016. Ông là một nhà giáo, một sĩ quan QLVNCH, một chuyên viên về hưu, đang sinh sống tại Orange County.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Hôm nay, 14 tháng Hai, Velentine 2017, mời đọc một chuyện tình thời chiến của tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Ngày 14 tháng Hai sẽ là Velentine 2017. Mời đọc một truyện ngắn về người tình Việt kiều của Bồ Tùng Ma, trích từ báo xuân Việt Báo 2017. Tác giả tên thật là Nguyễn Tân.
Ngày 14 tháng Hai sẽ là Velentine 2017. Mời đọc bài viết mới và lời chúc “Happy Valentine” của Lệ Hoa Wilson. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa,
Nhạc sĩ Cung Tiến