Hôm nay,  

Nụ Cười Cho “VROC”

10/12/201600:00:00(Xem: 14252)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4988-18-30688-vb7121016

Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Tôi còn nhớ mãi không khí buổi sáng ngày mồng một Tết Xuân Giáp Ngọ, các hàng quán, tiệm ăn và con đường Bolsa dập dìu những người Việt Nam từ bốn phương tụ tập về đây để xem xe hoa. Mặt trời lên. Nắng đẹp rực rỡ. Cái ấm áp của thời tiết mùa đông chỉ có ở Cali. Tôi và ông chồng theo dòng người cố tìm một chỗ đứng bên lề đường. Năm nào cũng vậy, không chỉ có đồng hương là người Việt, những người Mỹ, người Mễ, người Hoa và Đại Hàn sống trong vòng thành phố lân cận như Westminster, Garden Grove và Fountain Valley cũng biết đây là ngày “Vietnamese Festival” nên họ đi xem “Tết Việt Nam” từ sáng sớm để tìm chỗ tốt. Kẻ đứng, người ngồi, kẻ đi qua người đi lại dọc suốt con đường chính. Trên tay những người đi xem là những lá cờ vàng ba sọc đỏ, những ly cà phê, những ổ bánh mì, những chiếc ghế nhỏ, giỏ xách, khăn quàng, áo ấm, nón, dù, ai cũng vui cười hớn hở chào đón đoàn xe hoa diễn hành.

Từ đàng xa, tiếng loa phát thanh của hai người MC giới thiệu liên tục những chiếc xe hoa trên đường phố Bolsa đang chầm chậm tiến về phía đường Bushard. Không khí thật là tưng bừng náo nhiệt với cờ, hoa, tiếng pháo, tiếng chào, tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng la hét, tiếng trống múa lân của những đoàn thể binh chủng quân đội Việt Nam Cộng Hòa, võ thuật, trường học, các hội đoàn tôn giáo, thanh niên, sinh viên, cao niên, các công ty thương mại, cơ sở sản xuất…Họ đi bộ trình diễn trên đường phố Bolsa hoặc ngồi trên xe hoa. Họ gửi đến đồng hương những nụ cười, vẫy tay và những tiếng hô to “Happy New Year”.

Hình ảnh đẹp nhất có lẽ là những cô gái Việt nam xinh xắn trong những chiếc áo dài truyền thống rực rỡ đủ màu sắc, nở những nụ cười tươi, vẫy tay chào đón người xem. Những chiếc xe hoa đều có những hình ảnh hay trang trí tiêu biểu. Ngồi trên xe hoa có đủ các thành phần như các ông bà cụ già, trẻ em, thanh niên, thiếu nữ…. Người đứng xem cũng vẫy tay hân hoan chào đón “Happy New Year” khi đoàn xe đi ngang qua. Họ đang cùng nhau chia sẻ niềm vui lớn trong ngày Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, một nơi đã trở thành địa danh lịch sử “Little Saigon”.

Trong dòng xe hoa đó, tôi thấy một chiếc xe hoa trang trí giản dị với các dòng chữ “VROC”.” “Happy New Year” và biểu tượng “logo” là hình chiếc cầu vồng đủ màu. So với những chiếc xe hoa lộng lẫy và bề thế đi trước, chiếc này không ồn ào, không có hình ảnh hay nét gì đặc sắc làm mọi người chú ý ngoại trừ có khoảng mười em thanh niên, thiếu nữ trẻ.

Đoàn xe bất ngờ chạy chậm. Chiếc xe hoa “VOCR” dừng lại vài phút trước mặt tôi nên tôi có dịp nhìn gần các em. Với ánh mắt đầy thiện cảm, các em tươi cười vẫy tay, gửi đến những người đồng hương đứng hai bên đường những tiếng hô to “Happy New Year”. Điều ngạc nhiên là không có nhiều những người đồng hương vẫy tay “Happy New Year” với các em. Cũng như tôi, họ nhìn các thanh niên thiếu nữ trẻ với ánh mắt xa lạ. Tôi tự hỏi không biết xe hoa này thuộc hội đoàn, tổ chức nào, đại diện hay quảng cáo cho công ty thương mại nào trong cộng đồng người Việt.

Tôi quay sang hỏi ông chồng:

- Ủa, “VOCR” là công ty buôn bán gì sao không thấy quảng cáo mặt hàng hả anh? Chỉ có mấy đám trẻ.

Ông chồng tôi lắc đầu:

- Không phải đâu. “VOCR” là hội đồng tính viết tắt của chữ “Viet Rainbow Of Orange County”. Khi nào ra đường, thấy bốn chữ này và hình chiếc cầu vồng đủ màu là biểu tượng của giới đồng tính đó.

Bây giờ tôi mới hiểu vì sao có những ánh mắt xa lạ đó. Có nhiều người đã biết hội “VOCR” và biểu tượng hình chiếc cầu vồng đủ màu.

Chiếc xe đã vượt qua cùng với dòng xe hoa vẫn tiến về phía trước. Xa xa, tôi nhìn dõi theo những nụ cười vẫn đang nở trên môi các em. Tiếc quá! Phải chi lúc nãy mình cười với các em, vẫy tay hoặc hô to “Happy New Year”. Lỡ rồi!

Hiện nay ở quận Cam có một tổ chức của giới đồng tính tên là “VROC”. Hội này đã tranh đấu mạnh mẽ để được tham gia diễn hành hàng năm. Sau này, tôi có dịp biết thêm về nhóm “VROC” khi đọc bài viết “Hãy Yêu Nhau Đi” trong mục “Viết Về Nước Mỹ”. Tác giả bài này đi dự chương trình văn nghệ chủ đề “Hãy Yêu Nhau Đi” và viết về họ với những lời khen ngợi và sự cảm thông.

Cách đây mấy hôm, tôi nhận được cú phone của chị Hưng. Anh chị có đứa con trai là người đồng tính. Chị rủ chúng tôi đi dự buổi dạ hội ngày mười bốn tháng mười sắp tới của nhóm đồng tính “VOCR”. Nhớ lại buổi diễn hành Tết năm con ngựa, tôi đã tiếc không gửi đến các em nụ cười và lời chúc “Happy New Year”. Vừa rồi tôi đã lỡ chương trình văn nghệ “Hãy Yêu Nhau Đi”. Lần này tôi nhận lời ngay. Tôi không ngạc nhiên khi chị Hưng chép miệng thở dài kể rằng chị sẽ đi với vài người bạn, không có anh Hưng cùng đi.

Đó là câu chuyện về một gia đình người Việt thành công ở xứ Mỹ. Anh Hưng là bác sĩ, chị là nha sĩ quen biết với tôi từ Việt Nam. Vượt biên qua Mỹ sớm, hai anh chị đều học lại và hành nghề tại cộng đồng người Việt. Năm 1991, chúng tôi qua Mỹ gặp lại anh chị là lúc Kevin, tên Việt Nam là Khoa, cậu con trai duy nhất vừa lên đại học. Thằng nhỏ có nước da mịn màng, trắng trẻo, đôi mắt long lanh. Kevin hiền lành, học giỏi, lễ phép, nói tiếng Việt rất sõi. Theo nghiệp của bố, Kevin lên New York học ngành bác sĩ gây mê. Tốt nghiệp xong, Kevin hành nghề bác sĩ và định cư luôn trên đó.

Anh Hưng là người Công giáo bảo thủ và thuần thành. Chị Hưng kể mười năm về trước, Kevin dẫn về Cali một thanh niên người Mỹ giới thiệu là bạn trai. Anh Hưng không cho hai đứa về ngủ qua đêm tại nhà anh chị ở Laguna Beach. Chúng phải ngủ khách sạn. Từ đó, hai bố con giận nhau, không liên lạc dù một cú điện thoại.

Chuyện Kevin là người đồng tính lan dần từ gia đình rồi đến họ hàng, bạn bè. Anh Hưng xấu hổ với mọi người. Anh lạt lẽo dần các mối quan hệ họ hàng và xã hội. Anh không muốn ai nhắc nhở đến Kevin và cũng không ai dám hỏi anh về chuyện thằng con trai mà anh xem như không có trong gia đình. Niềm đau nỗi khổ anh giữ kín trong lòng, không chia sẻ với ai ngay cả với chị Hưng.

Vài năm sau Kevin báo tin cho bố mẹ sẽ làm đám cưới. Chú rể là người bạn đồng tính năm xưa, làm nghề nhiếp ảnh, người Mỹ gốc Do Thái tên là Sean. Trái hẳn với anh Hưng, chị Hưng hiểu và thương con, chị năn nỉ anh cùng lên New York dự đám cưới Kevin nhưng anh nhất định không đi.

Hồi đám cưới hai đứa, chị kể lòng mẹ thương con đã giúp chị vượt qua tất cả những thành kiến xã hội, những chướng ngại về ông chồng cực đoan, cố chấp cũng như nỗi đau khổ ngấm ngầm ấp ủ trong lòng chị từ nhiều năm nay về sự mâu thuẫn giữa hai cha con. Chị mạnh mẽ bay lên New York trước một tuần lễ giúp Kevin và Sean chuẩn bị đám cưới. Chị thay mặt anh Hưng đại diện họ nhà gái, cùng với nhà trai, ngoài buổi lễ ở nhà thờ còn có một buổi lễ truyền thống Việt Nam, “cô dâu” Kevin mặc chiếc áo dài đỏ, đội khăn vành dây đỏ còn Sean trong bộ quốc phục, đội chiếc khăn đống xanh, mặc áo dài gấm xanh đi chào hai họ.

Những hình ảnh đẹp về đám cưới của hai đứa trong những bộ quốc phục chị đặt mua từ Việt Nam, thỉnh thoảng nhớ con, chị lấy ra ngắm nghía nhưng không dám đưa cho anh Hưng xem vì biết làm như thế chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Ba năm sau khi làm lễ kết hôn, cặp vợ chồng này sinh con bằng phương pháp IVF (In- Vitro- Fertilization) dùng tinh trùng của hai người cấy với trứng của người đàn bà đẻ thuê. Kết quả thành công. Hai đứa con trai sinh đôi bụ bẫm và xinh xắn ra đời. Ba năm sau nữa, vì muốn có thêm đứa con gái, cặp vợ chồng này quyết định sinh con lần thứ hai cũng bằng phương pháp này. Kết quả thêm một đứa con trai. Tổng cộng ba đứa đều ra đời khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tháng vừa rồi chúng tôi được mời dự đám cưới con trai của em gái chị Hưng cũng là chỗ quen biết với tôi. Đám cưới tổ chức tại khách sạn Mariott. Tất cả các con, cháu và họ hàng bên chị Hưng từ xa về Cali trong đó có gia đình Kevin, Sean và ba đứa con trai.

Mười lăm năm gặp lại, Kevin không thay đổi nhiều. Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ và lễ phép, Kevin trông lạ bởi bộ tóc nhuộm màu vàng sáng, chải dựng đứng trông rất thời trang. Trong bộ “vest” lịch sự và đắt tiền, Kevin nắm tay hai đứa con chạy nhảy tung tăng và dẫn chúng đến bàn chào chúng tôi. Tôi hỏi Kevin về bố các cháu, Kevin chỉ người đàn ông có bộ râu quai nón, dáng người gầy, dong dỏng cao đang chuyện trò với các bạn Mỹ. Còn đứa con trai út một tuổi đang nằm bú sữa bình trong lòng chị vú người Mỹ.

Đám cưới lần này là dịp Kevin về Cali công khai giới thiệu gia đình nhỏ của mình với bố mẹ, bà con họ hàng và bạn bè. Trong khi chị Hưng và mọi người ai cũng lăng xăng chụp hình và vui vẻ trong buổi tiệc cưới, suốt buổi tiệc, anh Hưng lúc nào cũng trầm ngâm. Anh ít nói, ít cười, thỉnh thoảng trao đổi vài câu với hai người bạn ngồi bên. Ánh mắt anh lúc nào cũng đăm chiêu và buồn buồn. Cả buổi tiệc, anh thường nhìn đâu đâu như muốn tránh nhìn hình ảnh cô dâu chú rể và sự vui chơi của mọi người trong đám cưới, một đám cưới bình thường giữa một người nam và người nữ mà anh đã từng mong ước cho Kevin.

Tuy không nói nhưng mọi người đều hiểu niềm đau nỗi khổ và sự thất vọng của anh. Bao nhiêu năm nay anh chạy trốn sự thật này với chính mình. Anh không muốn tin đó là sự thật nhưng sự thật đang diễn ra công khai trước mắt anh. Anh đau khổ vì Kevin lấy chồng là người đồng tính. Anh thất vọng vì chồng Kevin không có bằng cấp cao, không “môn đăng hộ đối”. Anh xa lạ với ba đứa cháu nội không có chút nét Á đông và chút “gene” di truyền nào của họ Hoàng. Chúng sinh ra không tự nhiên và bình thường như những đứa trẻ khác.

Là người Công giáo, anh tôn trọng và bảo vệ quan điểm hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ trước Thiên Chúa. Là người công dân, luật dân sự và xã hội xác định hôn nhân là sự phối hợp giữa hai người khác phái theo sự tự nhiên và đạo đức để duy trì và bảo vệ nòi giống. Thế mà tất cả đều đảo ngược và khác đi. Chỉ còn cách anh tự cô lập mình, quay về với cái vỏ bọc của mình.

Gia đình nhỏ này thật là dễ thương. Họ vui vẻ và thản nhiên tận hưởng buổi tiệc cưới sang trọng trước những ánh mắt tò mò và những tiếng xì xào về “cô dâu” Kevin và ba đứa bé trai xinh đẹp như thiên thần. Trong khi những người lớn, đầu óc cổ điển và hẹp hòi, chịu ảnh hưởng nhiều thành kiến và quy ước xã hội hoặc nền luân lý và đạo đức Á đông cũng như tôn giáo, họ khó chấp nhận một cuộc hôn nhân đồng tính trừ những người có đầu óc cởi mở và cấp tiến. Trái lại, những người trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chúng nhìn những cặp vợ chồng đồng tính với cái nhìn bao dung, thông cảm và thân thiện hơn.

Cặp vợ chồng đồng tính này tỏ ra không cần dư luận chung quanh ngay cả ông bố Hưng. Từ lâu họ đã có đời sống riêng. Hạnh phúc hiện ra trong đôi mắt sáng ngời của Kevin và Sean. Nhìn Kevin vui chơi với hai đứa con và các cháu trong họ hàng. Nhìn cặp vợ chồng đồng tính này ôm nhau nhảy trên sân khấu. Nhìn Kevin và Sean rất tự tin, đến gặp gỡ, chuyện trò, hỏi han và chụp hình chung với mọi người mới thấy sự can đảm của những người đồng tính dám sống trung thực với chính mình.

*

Chúng tôi đến đúng giờ. Các em trai, gái ngồi ở hai bàn tiếp tân hỏi han, kiểm soát vé và dẫn đến chỗ ngồi. Hội trường “Venue” khá lớn, trang trí hoa, đèn rực rỡ, có sân khấu, có màn hình chiếu “slide show”, có ban nhạc chơi DJ, chung quanh có khoảng mười bàn “VIP” là loại vé thượng hạng có rượu và thức ăn nhẹ. Kế đó là những dãy ghế dành cho loại vé thường. Phía sau là quầy rượu và nước giải khát. Một bàn thức ăn tự chọn đủ món ăn Việt Nam nào là xôi chả, bánh bột lọc, gỏi cuốn, chè, bánh ngọt, trái cây… tạm cho những ai chưa dùng cơm chiều.

Thính phòng có sức chứa trên ba trăm đã đầy người. Chương trình bắt đầu khai mạc lúc chín giờ với những tiết mục xen kẽ nhau. Có những tiết mục trình diễn bằng tiếng Việt của những ca sĩ “cây nhà lá vườn VROC” và những tiết mục bằng tiếng Mỹ. Hai người dẫn chương trình bằng tiếng Mỹ là anh Hiếu và tiếng Việt là anh Bình. Họ nói chuyện lưu loát, liên tục và thay phiên nhau điều khiển suốt ba tiếng đồng hồ. Khán giả cũng như các thành viên của nhóm “VROC” đa số là người trẻ. Có những cặp vợ chồng già hay những người lớn tuổi là cha mẹ hoặc thân nhân của các em. Họ tham dự để ủng hộ tinh thần con em mình và bày tỏ thái độ chấp nhận giới tính của chúng trong gia đình và ngoài xã hội.

Thỉnh thoảng trên màn hình trình chiếu buổi phỏng vấn những ông bố bà mẹ tâm sự những khó khăn và trăn trở của họ khi khám phá con em của mình là người đồng tính. Họ kêu gọi các bậc phụ huynh hãy hiểu và thương các em, giúp đỡ các em hơn là xa lánh hoặc xô đuổi các em. Đó cũng là những suy tư của các em trai và gái đau khổ khi khám phá ra sự thật con người mình. Các em sống mặc cảm, mất tự tin, chịu bất công, thiệt thòi có khi chịu đựng sự miệt thị của những người chung quanh bằng những từ ngữ nặng nề.

Chương trình mở đầu là tiếng hát của anh Quang trong bài “Như giọt mưa rơi”. Quang trẻ, đẹp trai, hát hay, trình diễn sôi động. Nổi bật là tiếng hát của anh Hồng với nghệ danh là Cẩm Hương, một tài năng của nhóm “VROC” được mệnh danh là có giọng hát giống Ý Lan. Với vóc dáng cao to, chị mặc áo dài Việt nam khi hát bài “Làm sao biết yêu anh”. Chị mặc áo tứ thân, vấn tóc đuôi gà vừa hát vừa múa quạt. Chị mặc áo gấm, đội mão, đi hia khi ca một trích đoạn cải lương. Lộng lẫy, sáng sân khấu, có giọng hát cao vút, truyền cảm và cách trình diễn chuyên nghiệp, chị được khán giả hoan hô nhiệt liệt.

Một tài năng khác là Thành Lễ, một nghệ sĩ nổi tiếng làm nhiều công tác từ thiện và hát “show”. Anh cũng là thành viên của nhóm “VROC”. Đứng sau một tấm phông, anh đã liên tiếp thay đổi những bộ quần áo, nón, giày bằng các mảnh giấy cứng, vẽ đủ màu khoác lên người. Các bộ quần áo lạ mắt, nét mặt thể hiện được nhiều tính cách nhân vật kèm theo những lời ca tiếng hát và những câu hài hước làm cho tiết mục vui, lạ và hấp dẫn.

Buổi văn nghệ này không có tờ ghi chương trình cụ thể. Trên sân khấu, đa số là các tiết mục nóng bỏng và khêu gợi từ cách trình diễn cho đến y phục của các ca sĩ nhóm “VROC” hát bằng tiếng Mỹ như anh Travis, Peterson, Khánh Hà… (anh tên là Hà, có giọng hát và trình diễn giống ca sĩ Khánh Hà). Hình ảnh “nữ ca sĩ” chuyển giống nam để lộ những vết sẹo trên ngực hoặc các “nam ca sĩ” có thân hình mảnh mai và đôi chân dài, mặc những chiếc váy rực rỡ, vừa hát vừa nhảy theo các điệu nhạc kích động vẫn là tiết mục ưa thích của giới trẻ.

Có cặp bạn tình như Justin người Việt và Amigo người Mễ bị gia đình từ chối giới tính. Có thời gian cả hai bị khủng hoảng tinh thần, bỏ học, bụi đời. Nhờ tham gia vào nhóm “VROC”, hai em đã có chỗ dựa, tiếp tục đi học và đi làm. Có khả năng hát và nhảy, hai em là những ca sĩ trẻ của nhóm “VROC”.

Họ là ai? Họ là những người đồng tính nam (gay), hoặc đồng tính nam có nam tính mọi người không phân biệt được ( gay kin), đồng tính nữ (lesbian), lưỡng tính (bi-sexual), chuyển giống ( transgender), viết tắt là LGBT. Xã hội gọi họ bằng những tiếng lóng đầy miệt thị như “bóng lại cái”, “ bóng lộ”, “pê- đê”, “ hai hệ”…

Trở về với lịch sử, hiện tượng đồng tính đã có từ lâu đời. Cho đến cuối thế kỷ mười chín, những người đồng tính đứng lên, mạnh mẽ bộc lộ khuynh hướng tính dục công khai trên toàn thế giới. Họ kêu gọi và đòi hỏi những quyền lợi hợp pháp như tự do kết hôn, nhận con nuôi, có công ăn việc làm, phục vụ quân đội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chống bắt nạt và bảo vệ trẻ em đồng tính…Vì thế, thái độ cư xử đối với người đồng tính thay đổi theo thời gian. Từ sự chống đối triệt để và quá khích, xã hội đã có cái nhìn hiểu biết, thông cảm và rộng lượng hơn đối với những người đồng tính.

Hiện nay, vấn đề chấp nhận hôn nhân giữa người đồng tính là vấn đề nhạy cảm, tế nhị và tranh cãi giữa hai quan điểm. Dù chấp nhận hay không, nó vẫn xảy ra trong thực tế hàng ngày và có chiều hướng phát triển rộng lớn trong xã hội. Trong khi giới Công giáo bảo thủ phê phán: “ Hôn nhân đồng tính dẫn đến sự kết thúc sự tự do tôn giáo và các đạo đức xã hội” thì có một số giáo phái như Do Thái giáo chấp nhận làm lễ kết hôn cho những người đồng tính. Nhóm theo Anh giáo chấp nhận mục sư đồng tính. Giáo hội Công giáo cho rằng “Tình trạng đồng tính nằm ngoài sự lựa chọn cá nhân”. “Khuynh hướng đồng tính không tội lỗi”. Đối với người đồng tính cần có “sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị” Đạo Mormons lên án bạo hành và giang tay đón nhận những người đồng tính vì Chúa khoan dung với tất cả mọi người. Tổ chức y tế thế giới “WHO” xác nhận họ không phải là người bị bệnh rối loạn tâm thần. Tháng mười hai năm hai ngàn mười một, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công nhận quyền của LGBT. Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-Kimoon tuyên bố: “Họ không đơn độc. Tấn công họ là tấn công các giá trị cốt lõi của Liên Hiệp Quốc”. Ngày mười bảy tháng năm là ngày quốc tế chống kỳ thị hay phân biệt đối xử với những người đồng tính hoặc chuyển giới.

Theo thống kê năm hai ngàn mười ba, trên thế giới hiện nay có mười sáu nước công nhận hôn nhân đồng tính như Tây ban Nha, Mỹ, Mexico… mười bảy nước chấp nhận hình thức sống chung, sáu mươi nước kết vào tội phạm như các nước Á Rập và Châu Phi, tám nước kết tội tử hình.

Trên cơ sở khoa học và xã hội, khuynh hướng tính dục hình thành là do nhiều yếu tố tạo thành. Yếu tố tự nhiên và nuôi dưỡng trong gia đình. Yếu tố di truyền từ thế hệ ông bà, cha mẹ. Sự tham dự của nội tiết tố trong cơ thể mỗi người và môi trường xã hội đã hình thành tính cách đứa trẻ từ bé cho đến khi khôn lớn. Với những nguyên nhân khách quan đó, người đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới không được lựa chọn giới tính của mình từ lúc sinh ra. Đến một lúc nào đó họ khám phá ra giới tính thật của mình. Họ có hai thái độ. Sống thực với giới tính của mình như trường hợp Kevin, con trai của chị Hưng hoặc che dấu sự thật về bản thân trước gia đình và xã hội.

Với chủ đề “Ngôi Sao. Tuyên Bố và Thần Tượng” (Stars, Statements and Legends) nhằm mục đích khuyến khích và cổ võ cho người đồng tính sống thực với chính mình. Đó là một lời “Tuyên bố” can đảm trước xã hội. Sự trung thực, mạnh mẽ và tình thương, họ là những “Ngôi sao”, là “Thần tượng” với bản thân. Chủ đề này giúp cho những người đồng tính có thêm sức mạnh và sự tự tin để vượt qua những khó khăn, chướng ngại từ bản thân, gia đình, xã hội và tiếp tục tranh đấu cho sự bình đẳng của người đồng tính trên tòan thế giới.

Buổi dạ hội văn nghệ và khiêu vũ đêm nay cũng nhằm mục đích gây quỹ cho hội “VROC”. Với sự bảo trợ của nhiều công ty thương mại trong đó có Việt Báo, số tiền gây quỹ lên tới hơn mười ngàn đồng được dùng cho những sinh hoạt như khuyên nhủ các bạn đồng tính rơi vào các trường hợp khó khăn, giúp đỡ các bậc cha mẹ nên chấp nhận và hỗ trợ cho các em chưa được gia đình đồng thuận, hội thảo về sức khỏe chống các bệnh lây lan qua đường tình dục, các dự án cho cộng đồng thấu hiểu và ủng hộ những người đồng tính, chương trình đào tạo những người lãnh đạo, gây quỹ học bổng và làm từ thiện…

Năm nay, không biết hội “VROC” có ghi danh tham dự buổi diễn hành trong dịp Tết Đinh Dậu hai ngàn mười bảy hay không. Nếu có, những người đồng hương có dịp đi xem xe hoa diễn hành ngày mồng một Tết, chúng ta đừng ngần ngại tặng cho các em ngồi trên xe hoa những nụ cười và những cái vẫy tay chào kèm theo những lời chúc “Happy New Year” thật lớn để “Chúc mừng Năm Mới” các em.

Riêng tôi, bài viết này gửi đến các bạn như một lời chia sẻ và cám ơn các bạn “VROC” đã cho tôi cơ hội đến gần với các bạn hơn qua một chương trình văn nghệ độc đáo với chủ đề “Ngôi Sao. Tuyên Bố và Thần Tượng”.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
29/12/201603:36:21
Khách
Trước đây tôi không thích những người đồng tính. Sau này tôi nghĩ nếu con tui là người đồng tính , tôi sẽ nghĩ gì, làm gì.
Mình tự đặt mình trong hoàn cảnh họ, tôi thấy lòng mình mở ra và mình vui hơn nếu mình sống không thành kiến với ai.
29/12/201603:30:59
Khách
Hiểu và thương.Họ rất cần tình thương và sự cảm thông . Chúng tôi muốn tặng họ những nụ cười và chúc mừng năm mới cho họ.
Happy Happy New Year các bạn
29/12/201603:13:53
Khách
Theo tôi, đây là bài viết đầy tính nhân bản.
29/12/201603:10:42
Khách
Thưa "Bạn đọc",
Câu chuyện có thực. Trong đám cưới, tôi ngồi cạnh người em dâu của bà mẹ nên được biết nhiều chi tiết về gia đình này .
Chuyện cả ba đứa trẻ sinh ra từ phương pháp IVF cũng là thực.
Theo sự quan sát của tôi, chúng giống cha nhiều hơn nên tôi viết chúng không có nét Á đông nào.Tôi đã đến cạnh nhìn bà vú Mỹ và đứa trẻ đang bú bình.
Có thể tôi lẫn lộn chi tiết như bạn viết khi diễn đạt các ý . .
Mong rằng bạn và các bạn đọc khác sẽ góp ý thêm nếu có những sai sót khác.
Cám ơn bạn.
21/12/201600:59:47
Khách
Tôi không có thành kiến gì với người đồng tính bởi vì theo nhiều nghiên cứu thì giới tính hay đa giới tính được quyết định từ lúc đứa trẻ chào đời. Tuy nhiên tôi cảm được cho người cha, ông Hưng, trong bài.
Thời buổi này, người ta đôi khi quá chú ý để nói đúng theo nguyên tắc, theo khoa học, theo trào lưu mà quên mất con tim. Mà con người không thể là con người nếu không có tim.
Như tính tình tôi vậy, được tạo thành trong cả 1 cuộc đời, dễ gì thay đô?i, dù tôi muốn hay không.
Cho nên tôi thông cảm ông Hưng. Là tín đồ thuần thành, ông có niềm tin và hy vọng được tạo ra bơ?i những nét văn hóa (dù có thê? xưa cũ) ông đã học hỏi trong cả một đời người. Nay mọi điều bị đảo lộn vì giới tính của đứa con duy nhất. Tôi hy vọng là mọi người đừng quá chú trọng tới chuyện politically correct mà quên đi ông là người đau khổ, dù cái đau đó có đúng hay không. Cha mẹ sinh con nhưng không sinh lòng, đứa con ra sao thì mình vẫn thương nó, nhưng đau khổ, thất vọng nhiều khi không tránh được, và cần thời gian để "làm hòa" với số mạng. Mong rằng gia đình họ sớm đạt được cảm thông ơ? cả hai bên, nếu gia đình này có thật.

Có 1 chi tiết không hợp lý trong bài làm tôi thắc mắc không biết câu chuyện gia đình ông Hưng có phải do tác giả tươ?ng tượng ra hay không. Chi tiết đó là: khúc trước nói hai đứa con trai đầu được thụ tinh từ tinh trùng của hai người (Kevin và Sean), khúc sau nói "ba đứa cháu nội không có chút nét Á đông và chút “gene” di truyền nào của họ Hoàng ". Đúng ra là ít nhất 1 đứa có gene di truyền của họ Hoàng. Có thể là do tác giả sơ ý phạm lỗi (như đã từng có những lỗi nho nhỏ trong các bài viết khác của tác giả)
15/12/201603:11:12
Khách
Cám ơn Phung Annie Kim đã viết một bài rất hay ,rất tình người
Tết năm nay chắc chắn hội VROC diễn hành mình sẽ hết lòng ũng hộ các bạn
13/12/201614:53:34
Khách
Không có lý do gì mà cấm đoán những người đồng tính tham gia diễn hành trong ngày Tết . Cũng như chị, tôi sẽ vẫy tay chào và gởi lời chúc mừng HAPPY NEW YEAR TO ALL OF YOU
13/12/201613:06:52
Khách
Bài viết rất hay về VROC . Chúng ta nên ủng hộ các em , God tạo ra các em . Chúng ta nên có nhiều nụ cười ủng hộ các em , nếu năm nay các em tham dự diễn hành Tết Đinh Dậu .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,318,417
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ, nhận giải từ năm 2000. Liên tục 15 năm qua, ông tiếp tục góp nhiều bài viết giá trị và vừa nhận thêm giải Danh Dự Viết Về Nước My 2015.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016, với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”.
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài viết mới của Song Lam.
Tác giả đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016. Ông là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả từng nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Cô tên thật là Ngọc Diệp. Từng là diễn viên sân khẩu ở Saigon trước khi đi vượt biển năm 1985. Hiện đang định cư ở thành phố Melbourne, Australia,
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học.
Nhân mùa nhập học đang tới, xin mời đọc tâm sự của một nhà giáo. Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota.
Nhạc sĩ Cung Tiến