Hôm nay,  

Phan Rang, Mười Năm Tình Cũ

30/11/201600:00:00(Xem: 23126)

Tác Giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 4981-18-30671-vb4113016

Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.

* * *

Sau lần về thăm nhà đầu 2006, tôi đã thề sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam. Công an xuất cảnh Phan Rang cố tình kiếm chuyện phạt oan tôi 2 triệu bạc với tội danh vô lý “đăng ký tạm trú tạm vắng sai qui định” (đi Sài Gòn chơi về lại Phan Rang mà không chịu “tái” đăng ký?) để trả thù vụ tôi giúp thông dịch cho một ông sư Ấn Độ từ Sài Gòn ra Phan Rang mà họ ngỡ là Mỹ đen. Hôm đó ông này tạm trú chùa tỉnh hội. Ông tò mò về cách tu đạo Bà La Môn của mấy ông “cha cả” người Champa ở các làng Chàm phía nam Ninh Thuận, muốn gặp, mà không ai hiểu tiếng Anh. Thời điểm đó nhằm lúc dân làng này biểu tình chống người Việt làng bên lỡ tay giết chết một dân Chàm, nên công an tưởng “Mỹ đen” này từ Mỹ theo tôi về Ninh Thuận điều tra vi phạm nhân quyền, nói dối họ đi làm ruộng hết, không cho gặp mặt.

Năm nay, 2016, coi tử vi mình và các em thấy đa số có sao “tang, hổ, hao, khốc, khách”…. đoán nhà sắp có đại tang, chắc là má mất, đành mua vé trở về thăm sức khỏe bà cụ ra sao. Năm nay má đã qua 90 rồi. Thăm lúc còn tỉnh táo chứ lần sau về lỡ má hôn mê, á khẩu, hay hấp hối, thì ân hận lắm. Tuổi già như ngọn đèn trước gió, biết tắt khi nào. Về một tháng thôi, rồi qua lại. Mấy em tôi ngày xưa du học, vuợt biên, nay ngoài 60, cũng đã về hưu, lục tục từ Úc, Nhật, Thụy sĩ tề tựu về tổ chức sinh nhật cho mẹ cả tháng nay, thêm tôi nữa càng đông vui.

Mười năm rồi. Mọi thứ ở VN chắc thay đổi nhiều lắm, xe cộ, nhà cửa, đường xá, kẻ còn người mất… Thủ tục ở phi trường, không biết còn nạn hối lộ nhét tiền vào passport không, còn nạn lục soát va li kiếm chác không. Đọc tin thấy Việt kiều về gửi hành lý bị rạch ăn cắp hàng hóa lia chia, nên tôi chỉ xách một vali nhỏ kéo tay cho gọn, cho chắc ăn. Gửi hành lý, mất đồ không nói gì, vì có chi quí giá đâu, chỉ sợ họ nhét tài liệu chính trị bậy bạ vào rồi vu vạ rắc rối. Tới Tân Sơn Nhất, gọi taxi về nhà ai, tìm mướn hotel “Tây ba lô”, hay gọi người nhà ra đón? Ở đâu? Ngủ tạm Sài Gòn một đêm, hay về luôn Phan Rang trong ngày bằng xe lửa, xe đò. Mà không, ngày mai lại là lễ cưới con của Hoàng Anh em tôi, nên phải về cùng ngày cho kịp để họp mặt đông đủ cả nhà.

Tôi liên lạc qua email với Xuân Minh, con nuôi tôi, ngày xưa mới một tháng tuổi mẹ đột tử chết bỏ lại, anh Quang nhờ tôi mang về nuôi giùm, còn đỏ hỏn, nay đã là bác sĩ, cai quản một bệnh viện tư đa khoa uy tín ở Quận 10 Sài Gòn. Minh vẫn hay email khuyên tôi về thăm “bà một chuyến, lỡ nay mai bà mất thì ân hận lắm. Kỳ này, nghe tôi về, mừng lắm, sốt sắng hứa ra phi truờng đón, đưa tôi về Phan Rang tối đó cùng ngày, còn rủ tôi bay ra đảo Phú Quốc chơi.

- Nên đi xe đò hay xe lửa, Minh? Nghe nói xe đò chạy đêm sáng tới Phan Rang, xe lửa thì phải ra ga đi buổi trưa.

- Chú đừng lo, con mua vé máy bay đi với chú về Cam Ranh, rồi mình lấy taxi vô Phan Rang ban đêm kịp mà.

Tôi hơi ngại vì tốn tiền Minh, nhưng nó hai lần lập đi lập lại chắc nịch, nên cũng an tâm. Thế là trưa chủ nhật 4 tháng Chín, con trai tôi lái xe chở ra phi trường LAX. Ngủ gà ngủ gật xuống phi trường Seoul đã là 6 - 9 (bên đó đi trước bên Mỹ một ngày) phải ngồi mấy tiếng chờ phi cơ về TSN, thấy một đám VK cũng ngồi chờ gần bên, nghe nói chuyện, biết họ đi đi về về như đi chợ, bèn hỏi việc khám xét ở Tân Sơn Nhứt bây giờ ra sao. Hai ba người trấn an đừng lo, hết nạn hối lộ kẹp tiền rồi, người dân, facebook và báo chí phản ảnh lên án quá xá nên thủ tục check-out, check-in bây giờ mau chóng, gọn gàng, không phải đứng xếp hàng cho hải quan lục khám như xưa nữa. Nghe vậy cũng mừng thầm. Quả nhiên, xuống máy bay, vô phi trường, kéo ro ro cái vali tới khu “All Passports”, nhập vô hàng chờ tới phiên trình giấy tờ. Có khoảng 8 quày, mỗi quày cách nhau 2 thước, 8 hàng hành khách đứng trước 8 quày, mỗi quày ngồi một nhân viên mặt mày lạnh lùng, lẳng lặng đóng dấu vô hộ chiếu, hỏi đi về tỉnh nào. Sau đó, qua phía bên kia, bỏ vali lên cái bàn lăn cho chạy chui qua hầm tối rà soát. Thấy “máy rà” không phát hiện gì lạ, cô nhân viên ra hiệu cho tôi đi, ung dung xách kéo ra cổng. Đưa mắt láo liên nhìn ra thấy trong biển người đông đen nhốn nháo đứng đón bà con, Minh đang ngẩng cổ lên, tươi cười dơ tay ngoắc, mừng rỡ đi vội ra. Minh ôm lấy vai tôi, “khỏe không chú?” kéo vali ra một xe hơi đỏ mới toanh đậu vỉa hè, có tài xế ngồi sẵn, bật cốp xe bỏ va li vào. Tôi buột miệng hỏi:

- Taxi hả, taxi gì lạ vậy?

- Xe con mua đó chú, tài xế con mướn, chú vô ngồi đi…về nhà con nghỉ cái đã.

Tôi ngỡ ngàng, không ngờ Minh bây giờ sang thế. Mới bảy tám năm trước, giúp Minh chút tiền để hùn mở clinic tư với em gái cũng là bác sỹ và thầy dạy y khoa cũ, bây giờ đã có nhà, có xe, có tài xế riêng. Xe chạy đua chen với vô số xe máy trên các tuyến đường dông đúc, chốc chốc có đèn đỏ, ngừng lại. Tiệm buôn hai bên đường buôn bán tấp nập, rực rỡ với những bảng hiệu màu mè to tướng lớn nhỏ không đều. Sau cùng xe vào hẽm chung cư. Có hầm đậu xe, có bảo vệ gác. Minh kéo va li dẫn đường cho tôi theo vô thang máy lên tầng 5, cửa mở ra là thấy ngay căn hộ Minh, cửa đã mở toang sẵn. Bước vô, thấy phòng khách gạch vuông trắng to láng mướt, sofa, bàn ăn, bếp, lối đi dài, ba phòng ngủ, 2 restrooms… và cô người làm. Cửa lớn phòng khách mở ra lan can sáng sủa, nhìn xuống đường hẽm,nhà cửa nhấp nhô, ba cửa kính kéo qua lại có màn trắng, màn đen che nắng, cột dây hai bên tiện dụng.

- Chú nằm nghỉ, con đi chút công việc rồi về ăn cơm chiều với chú, xong tài xế chở mình lên phi trường đi Cam Ranh. Con gọi đặt vé rồi.

Mọi sự diễn ra như dự định. Minh quen giám đốc quày vé máy bay VN Airlines nên đuợc xếp cho 2 chỗ ngồi hàng đầu. Đúng là “nhất thân nhì thế”, ở Mỹ còn lâu mới vậy. Tôi hỏi giá vé bao nhiêu. Minh nói Việt Jet giá vé rẻ hơn nhiều, nhưng hôm nay không có Jet, chỉ có VN Airlines, nên phải đi giá đắt, một triệu 8 một vé. Bay 40 phút là hạ cánh phi trường Cam Ranh, bước ra thấy một đám tài xế taxi kéo tới mời chào. Minh chọn chiếc 4 chỗ ngồi về Phan Rang, bao 600 ngàn. Chạy một tiếng thì tới nhà, đồng hồ chỉ gần 12 giờ khuya. Minh cho xe ngừng trước ngôi nhà lầu 5 tầng, phía sau tiệm buôn lớn gia đình tôi, mở cốp xách vali xuống rồi hẹn mai gặp, lên xe chạy tiếp về nhà Quang, ba Minh ở ngoại ô.

* * *

Sáng hôm sau là đám cưới con gái của Hoàng Anh, Lâm là chồng, chủ tiệm buôn điện tử ở mặt tiền đường cái, cho mượn bộ áo vest đen mặc để cùng đón nhà trai tới. Cũng cần nói thêm là anh em tôi 9 người, mà sau 75 ra ngoại quốc ở hết 7, chỉ còn Hoàng Anh ở lại Phan Rang cùng chồng săn sóc mẹ, khai thác tiệm buôn phát triển thành công lớn, xây tiệm từ trệt lên lầu 4 tầng, còn em trai út là Dũng lập nghiệp Sài Gòn, lâu lâu về thăm. Các em trai gái tôi chuẩn bị tươm tất, lịch sự áo quần, kéo nhau lên lầu 3 buồng thờ Phật và ông bà. Má mặc áo gấm thêu hoa, cầm hờ cái gậy, vịn thang lầu lên xuống một mình không cần ai đỡ. Nhà ở 5 tầng, phòng má ở tầng 2, sáng sủa lịch sự, hai hàng tủ gỗ cao áp tường nhiều ngăn, mở cửa rộng bước ra lan can trông ra hông nhà thờ, không khí thoáng mát nhờ gió Nam thổi. Có cả buồng tắm, toa lét riêng đặc biệt an toàn cho người già dễ vấp ngã. Phòng còn có cửa xoay thông qua phòng Hoàng Anh bên cạnh, đề phòng nửa đêm có gì nguy cấp, Anh chạy qua cứu... Mười năm trước khi tôi về chơi, Lâm chưa xây ngôi lầu 5 tầng này, gia đình còn ở lầu 3 phía trước, chung với tiệm buôn. Bây giờ buôn bán máy móc dồn ra 4 tầng phía trước, nhưng mỗi tầng có 1 cửa thông qua 4 tầng lầu phía sau là nhà ở (không kể sân thượng. Mỗi tầng đều có hai ba phòng ngủ và một restroom. Chưa kể tầng trệt là tầng hầm basement, chứa đầy xe máy của gia đình và một số nhân viên bán hàng gửi tạm, từ ngõ hẽm vô, kéo cửa sắt ra chạy vào.

Nhà trai đến, ông mai, bạn học cũ em Chung, trịnh trọng điều khiển chuơng trình, giới thiệu hai họ, cô dâu chú rễ ra chào, bà con dì cậu chú bác chúc tụng cho quà cưới hơn một tiếng đồng hồ, xong tất cả lên xe lên chùa làm lễ. Ở chùa ra, tới nhà hàng ăn trưa. Anh em ruột, em dâu, em rễ, ngồi chung một bàn dài, ăn uống nói chuyện oang oang vì lâu ngày gặp lại. Tối đến đi party dạ tiệc, tiệc tổ chức ở nhà hàng dưới biển Ninh Chữ, có hồ bơi lớn hình số 8 ở giữa sân rộng, nước xanh mát mẻ, các bàn ăn xếp quanh hồ, hướng về sân khấu có MC giới thiệu dâu rễ cha mẹ hai bên, có ca hát. Chụp ảnh tới tấp. Nhiều người lâu không gặp khen tôi trẻ quá, so với tuổi. Gặp nhiều nguời quen cũ Phan Rang, hàng xóm, bạn bè, học trò cũ lui tới bắt tay chào hỏi. Vợ chồng bác Đạt và vợ chồng anh Phúc ở Sài Gòn cũng ra dự. Anh Quang cùng vợ và Xuân Minh tới, ngồi hai bên tôi ở bàn ăn. Phúc và bác Đạt trước mặt, chuyện trò rôm rả.

Qua hôm sau, có Doãn (đọc “Người lấy bốn vợ”, mục VVNM năm 2013), bạn cũ ở Nha Trang, đi “honda ôm” vô ghé nhà, lấy giấy tờ mình đem về từ Mỹ để công an Nha Trang làm thủ tục cho nhập hộ khẩu nhà vợ. Biết ông này tánh xài hoang, lúc nào cũng túng thiếu, hỏi tốn bao nhiêu tiền xe, nói 300 ngàn, bèn chìa tờ 500 ngàn cho luôn, hẹn hôm nào rảnh ra chơi, thăm nhà cho biết. Tối đến, anh Quang hẹn mấy anh em tôi ở quán nhậu hải sản nổi tiếng Hoa Thiên Lý, đãi ăn đồ biển. Anh thuê phòng riêng VIP để mấy anh em ngồi lai rai ba sợi thoải mái. Tôi kể chuyện 10 năm xa xứ, lạ nuớc lạ cái, may nhờ có Minh ra phi trường đón, mua vé bay về Cam Ranh, thuê taxi về Phan Rang bình yên mau lẹ. Quang ôn lại cho Lâm và Cầm nghe chuyện ngày xưa anh giao Xuân Minh tôi nuôi như thế nào, những ngày đen tối xa xưa…ngày vợ anh chết hậu sản và con trai đầu tôi bị viêm não (biến chứng sởi) cùng chết một giờ một ngày, khiến anh gửi hai đứa con lớn cho một người bạn, và Minh còn đỏ hỏn vào nhà tôi làm con. Mấy năm sau, anh tục huyền, đem Minh và 2 đứa lớn về đoàn tụ lại một chỗ.

Hôm sau, bắt đầu đi thăm bạn cũ nghèo, tàn tật vì tai biến, và cho từ thiện. Đưa phong bì một nghìn đô cho Hoàng Anh, góp vào quỹ từ thiện của gia đình Từ sơn xưa nay chuyên đi phát gạo,thuốc men, xe đạp, sách vở cho dân nghèo ở các làng mạc xa xôi trong tỉnh. Thăm Trần Khanh, bạn thân thời trung học cũ gần nhà. Khanh ngày đi học đẹp trai như tài tử mà nay gầy ốm tóc bạc hom hem như ông già, bị tiểu đường, áp huyết, không còn đạp xe đi chợ nấu ăn nữa mà mua đồ sẵn ngoài tiệm về nuôi vợ. Vợ Khanh chầm chậm vịn vách tường đi ra, mừng rỡ kêu:” Trời...ông Chương, về hồi nào vậy?”

- Chị sao vậy? Bị bệnh gì?

- Tui bị thấp khớp, uống glucosamine bên Mỹ gửi về mà không hết…

- Để mai tôi cho ít vĩ Anthro 7 uống, hay lắm.

Khanh trào phúng kể: “Mấy năm trước, mấy đứa trẻ trẻ kêu mình bằng bác, bây giờ chúng đồng loạt kêu là “ông ngoại”.Tôi lắc đầu cười. Mấy hôm sau tới rủ Khanh đi ăn, vợ suýt xoa khen thuốc thấp khớp hay quá, bớt hơn một nửa, thuốc nhỏ mắt Thuy sĩ ông cho hay thiệt, hết xót con mắt ngay.

Ghé thăm Phan Thị Minh, bạn học cũ, có chồng cùng học một trường là Thiều, bị tai biến lâu nay, ngồi bất động ở ghế với cái gậy 2 chân trước mặt, ngồi yên như pho tượng nghe vợ và mình nói chuyện huyên thuyên không lộ sắc mặt vui buồn. Như sống đời sống thực vật. Như người ngồi đó mà hồn để nơi đâu. Minh kể Thiều cứ ngồi vậy suốt ngày, yên lặng. Minh phải săn sóc đái ỉa, tắm rửa, không bỏ một mình ở nhà được lâu. Lương giáo chức hưu Minh có 3 triệu, nhờ mặt tiền phía trước cho thuê và con gái làm hãng tư khá giả ở Sài Gòn.

- Ổng có hiểu mình nói gì không Minh?

- Hiểu chứ… nhưng mà chỉ nói tiếng một thôi. Anh à, biết ai đó không?

- Chương.

- Ở đâu tới đây?

- Mỹ.

Tôi cười, nắm chặt tay Thiều lắc lắc.

Muốn mượn xe gắn máy ở hầm nhà đi một vòng phố xá Phan Rang nhưng không có bằng lái và ghét đội nón sắt nặng, nên dùng xe đạp của em Chung (ở Úc về) đi. Đường xá tấp nập xe máy chạy ào ào, rất ít xe đạp, nhà cửa hai bên toàn lầu hai, lầu ba, có khi cả 6 tầng, bảng hiệu treo đầy, vừa đạp vừa ngó qua ngó lại, ngó lên ngó xuống. Chưa kể phải luôn lo ngó lui, tránh honda phía sau bóp còi inh ỏi. Muốn thoải mái, lần sau đành đi bộ cho an tâm, ngắm phố cho đã mắt. Đi theo đuờng Thống Nhất ra thăm hàng xóm ngày xưa ở trước khi vuợt biên, nhiều người láng giềng bán nhà cho nguời khác xây mặt tiền buôn bán lạ hoắc. Bị mời mua vé số liên tục, thay vì mua, móc tiền ra cho vài ba ngàn.Vậy mà có kẻ thấy tướng mình sang, ăn mặc khác người địa phương, cứ nằn nì đứng lại nài nỉ xin thêm. Gặp vài nguời quen lối xóm cũ nhận ra chào hỏi. Vỉa hè đầy xe gắn máy đậu, hay hàng rong, quay nhỏ bán vé số, phải đi xuống đường cái. Rác trong nhà chủ nhà gói bao nylon vứt ra lề đường hai ba gói, làm mình phải bước tránh, kẻo đạp trúng. Ngoài cầu Xóm Độnng có mấy tiệm bán áo quần thời trang bày một loạt trước cửa các mannequins thanh niên Âu Mỹ cao lớn vạm vỡ, dang tay, dang chân với áo thun, quần jean đủ màu, bó sát ngực đùi, sexy, trông rất lạ mắt. Bên Mỹ mannequins chỉ bày phía trong, lác đác một hai chỗ, ở đây thì cả lũ năm sáu chàng Tây đẹp trai cao lớn đứng trước cửa thi đua dương oai điệu võ quyến rũ khách hàng. Có tiệm bán thời trang phụ nữ, cũng bày hình nhân đàn bà Tây phương mặc áo quần mẫu dịu dàng, xinh đẹp, yểu điệu, hấp dẫn. Vậy mà chả thấy ai vào mua gì, thiên hạ thản nhiên lo kiếm ăn, bán vé số, mắt ngó thẳng, ào ào chạy xe ngoài đường.

Chiều đạp xe ra Đài Sơn, tìm thăm Đông, “thầy” tử vi ngày xưa cùng tôi bàn luận tâm đầu ý hợp suốt một năm trước khi đi lọt. Mười năm nay không liên lạc Đông, không gửi tiền về giúp Đông vì địa chỉ ở nhà quê. Đông tuổi Tỵ, bằng tuổi em Cầm (ở Nhật về) nhỏ hơn tôi 9 tuổi, nhưng lúc đó nhiều kinh nghiệm tử vi hơn. Nhờ Đông một hôm đoán chắc tôi sẽ đi lọt năm ấy vì tiểu hạn có “Nhật Nguyệt sáng + Đào hồng hỷ, khôi việt xương khúc tả hữu” mà tôi mạnh dạn dẫn con ra đi và qua tới Mỹ, tạo dựng sự nghiệp thành công, hai con đều khá như ngày hôm nay. Nhớ Đông hay nói tôi sướng nhờ cung Phúc đức, cung Phúc có “Tử phủ vũ tướng, quang quý, Khoa quyền lộc” tốt hơn cung Mệnh ở Dần bị Không kiếp may rủi liền nhau, nên gặp nhiều may mắn Trời ban. Tuy nhiên, Mệnh tôi nhờ con Thiên Mã đầy nghị lực tọa thủ mà vuợt qua hết mọi trở ngại ở xứ người. Câu nói của Đông quả thật chí lý, sau này qua Mỹ học hỏi thêm, trải nghiệm nhiều, tôi mới thấy là đúng. Mệnh Thân có Song lộc Mã thì suốt đời không bao giờ túng thiếu, Mệnh có Tham lang và Trường sinh tọa thủ ở Dần thì thọ như ông “Bành tổ”.Thân cư Di thì ngoài 35 tuổi phải ra nước ngoài sống, và số chết xa quê vì:

“Thiên di Địa kiếp ở gần
Hồn quy dặm liễu cách thân xa vời”

Mò mẫm hỏi nhà một lúc thì tới nhà, nay đã cũ, thằng con lớn ra chào, vào gọi ba. Dựng xe đạp bước vô thấy Đông yếu ớt nằm võng, chậm chạp ngồi dậy:

- Trời, anh Chương? Về hồi nào vậy? Lâu quá, có đến 10 năm rồi hả anh?

Đông hai cánh tay đen bầm vì mạch máu vỡ chảy tràn lan dưới da, tay chân khẳng khiu vì teo cơ. Đông kể mấy tháng trước bị tai biến, 2 động mạch vành bị nghẹt, vô Sài Gòn 8 lần, 2 lần đầu mổ để nong ra, đặt stunt, 6 lần sau tái khám, bác sĩ theo dõi, cho thuốc uống, tốn hết 250 triệu. Tôi giựt mình vì số tiền lớn quá, Đông nhà gạch nhỏ, nằm trên mấy sào đất cha già để lại, trồng dừa, nho, ớt, vớ vẩn, tiền đâu mà trả nợ. Đông kể bạn bè cũ thương, góp cho trả đuợc hơn trăm triệu, còn hơn trăm triệu, con trai thứ mỗi tháng trả góp 3 triệu và mượn thêm nhà bank trả off, rồi trả góp. Con lớn 30 tuổi thì bị tâm thần, làm đâu cũng bị cho nghỉ, Đông mua cho 2 con bò tơ ở nhà cắt cỏ nuôi cho lớn, bán kiếm lời. Con trai thứ khá hơn, làm tòa án nhà nước, lương được 5 triệu, nên được vay tiền nhà bank trả góp tiền nhà thương và mua thuốc cho cha.


- Thằng con thứ em, tử vi tốt lắm, anh coi nè. Còn số em chắc không thọ anh à, Mệnh có Hóa kỵ, cung Tài Quan Di không ra gì, chỉ có cung Nô (bạn bè) là tốt. Sang năm anh về lại, e là em không còn ngồi đây nữa.

Tôi cầm toa thuốc có tới 8 thứ thuốc tây. Đông nói thuốc mua ở pharmacy bệnh viện không thấy bớt, mà thuốc ngoại, tốt, thì nhà không có tiền mua. Đông sai đứa con thứ dong dỏng cao, khá đẹp trai, ra vườn khều dừa chặt cho tôi uống. Tôi ái ngại nhìn cô vợ quê mùa hiền hậu gầy gò, đứa con lớn 2 mắt to tròn mà ngơ ngác, hẹn mai tới chơi lâu hơn.

Hôm sau tôi ra kiếm Xuân Minh đi theo coi bịnh Đông, nhưng Minh đã vô lại Sài Gòn, bèn đưa Quang, ba Minh, trước đây là thầy thuốc, trưởng khoa đông y ở bệnh viện Phan Rang, tới xem bệnh tình Đông. Cho Đông 500 đô để trả bớt nợ và mua thuốc tốt uống cho mau khỏi. Mấy lần sau tới thăm bàn chuyện tử vi, tôi cũng cho 2 con Đông vài trăm ngàn mỗi đứa, vợ Đông than nhổ răng tới 200 ngàn tôi cũng móc tiền ra cho. Cô thiệt thà kể ngày tôi tới thăm cho Đông số tiền lớn trả nợ nhà thương, Đông mừng thức cả đêm không ngủ đuợc. Thấy mà tội nghiệp, hoàn cảnh cha mẹ già không có hưu, đau bệnh tốn tiền cả trăm triệu mà con đi làm công chức ở tỉnh nhỏ như vầy chắc nhiều lắm ở Việt Nam, làm sao đây.

Hôm sau nhờ Chung chở tới nhà Nam “què” ở ngỏ hẽm Đạo Long để cho tiền. Ngày xưa, Nam học 1 lớp với Chung, đi lính mang lon trung úy, một lần nằm dưới hầm bị pháo kích gãy tay chân được giải ngũ, thất thểu chống nạng, chân đi khuệnh khoạng, ăn tiền tàn phế. Sau 75, Mỹ rút về nước, hết tiền cấp dưỡng, mượn sách tử vi tôi học để ra chợ ngồi bói cho các bà hảo tâm. Làm đơn xin đi Mỹ diện H.O bị từ chối vì giải ngũ trước 75, sống đời ăn xin vất vưởng nhiều năm. Chung và tôi ở Úc, Mỹ, vẫn thuờng gửi tiền cho. Mấy năm trước, Nam nghe lời tôi, làm hồ sơ kèm tấm ảnh tàn tật chống nạng gửi qua, tôi nộp Hội Thương Phế Binh của bà Hạnh Nhơn ở Quận Cam, Nam nhận đuợc 200 đô một năm. Qua năm sau, vì không có tiền gửi bảo đảm, Nam gửi hồ sơ qua Mỹ bằng tem thường nên bị bưu điện VN xé ra coi, hủy hồ sơ, còn sai người tới nhà cấm Nam không được gửi thư xin tiền ngoại quốc, xin như vậy là nhục nhã, để phường cho mỗi tháng vài trăm ngàn trợ cấp tàn phế. Thế là Nam nương dựa vào bà chị ngoài 80 sống trong căn nhà nhỏ xíu trong hẽm, lâu lâu bạn bè gửi tiền cho, sống lây lất. Tôi đưa chị 100 đô và cho riêng Nam 20 bỏ túi, chị suýt xoa cảm ơn, nói: “Cảm ơn cậu, tiền này công với tiền phường cho đủ ăn cho 2 chị em 5 tháng tới…”. Tôi giật mình: “Những 5 tháng sao? Tiền đô ở VN giá trị như vậy sao?”

Tôi cũng nhờ anh Quang sẵn xe máy chở tới thăm Phan, bạn nhà giáo người Huế bị tai biến nằm liệt giường ở hẽm đuờng Quang Trung. Vợ là cựu y tá, thấp người, kể lể:

- Anh bị tai biến 8 năm nay nhưng vẫn đi được, nói đuợc, lúc thúc trong nhà, chỉ mới năm ngoái đây, đang nằm ráng ngồi dậy, bỗng gục xuống rồi á khẩu luôn, tay chân liệt hết nửa người.

- Ảnh nghe mình nói có hiểu không, chị?

- Nghe hiểu hết, chỉ là không nói được, như người câm.

Tôi nắm tay Phan, hỏi han nhưng Phan chỉ trố măt nhìn, miệng mấp máy muốn nói nhưng không nói được, hai mắt xa xôi buồn bã thấy tội.

Ngày hôm sau có học trò cũ tôi là Nhị, cô giáo cũng đã về hưu, rủ mấy người bạn, trai có gái có, đem xe hơi tới rước tôi cùng lên vùng kinh tế mới Nhị Hà thăm Quy, thầy cũ, cũng là bạn học, bạn đồng nghiệp, bạn tù cải tạo tôi ngày xưa, cũng đang bán thân bất toại nằm liệt giường y như Phan. Các con Quy đa sô cũng còn ở quanh quẩn làng Nhị Hà này, chỉ có một đứa đi làm ở Sài Gòn,vợ Quy kể.

- Ổng tai biến đã lâu… nhưng nhẹ thôi, vẫn đi lại nói chuyện được, chỉ mới bị xuống cấp á khẩu và liệt nửa người mấy tháng nay.

Quy nằm ngoan ngoãn như con mèo lim dim ngủ, nhìn tôi và học trò cũ, nhe mấy chiếc răng cửa nhô ra khỏi miệng, cười toe toét, đầu gật gật. Bệnh Quy cũng y hệt Phan, nằm một chỗ vợ lo ăn uống đái ỉa. Vợ kể có lần 5 giờ sáng ra ruộng gieo mạ 7 giờ về thấy bàn chân bại của Quy chảy máu đỏ ướt giường, kiến bu cắn mà mất cảm giác, không thấy đau. Tôi nhìn Quy mà nhớ tới Khai và Tâm cũng bạn nhà giáo cùng trường mới chết trước sau cách nhau một tháng năm ngoái, cũng xấp xỉ 70, 72 như tôi. Đến bao giờ tới lượt mình, tôi thầm tự hỏi. Thật là thê thảm, biết đổ thừa cho ai, tại thời cuộc? Ăn uống bừa bãi? Nghèo khổ? Hay chỉ là số mệnh không đuợc may mắn như mình thôi. Năm 75, giáo chức có đi lính bị đi học cải tạo, Quy được thả về cùng một ngày với mình tháng 8 năm 76, vài tháng sau vợ ngã bệnh chết. 32 tuổi, đi vấn thuốc lá lậu lấy tiền công sống lây lất, Quy bị đuổi lên kinh tế mới với 2 đứa con vì ở thuê, không có nhà cửa gì. Lấy vợ sau ở kinh tế mới, còn trẻ, đẻ thêm 3 đứa nữa, khổ sở vô cùng. Tôi ở Mỹ về, thấy Lâm buôn bán có tiền, dở nhà cũ lên lầu, xin cho Quy một xe cây kèo, ván gỗ cũ thợ tháo ra, đem lên kinh tế mới dựng quán bán tạp hóa trước nhà đắp đổi. Lần sau về lên thăm, lại nghe nói con Quy đi chân không ban đêm ngoài rừng bị rắn độc cắn, phải vay tiền chở vô Sài Gòn cứu cấp, thằng nhỏ may mắn sống nhưng bị tật ở chân. Tôi đã cho Quy 300 đô trả nợ. Bây giờ hỏi thăm nó thế nào thì vợ cười, kể nhờ chân có tật mà khỏi đi nghĩa vụ, bây giờ có việc làm ở Sài Gòn cũng tạm ổn, nhưng phải đi xe máy cũ đi làm. Tôi cho tiền, bảo viết địa chỉ xuống để sau này gửi tiền về cho dịch vụ giao ngay tại nhà, như 2 cô bạn đồng nghiệp khác của Quy đã làm, khỏi phải nhờ ai ở thành phố mò lên đây giao lại phiền phức.

Tôi cũng không quên đạp xe lên chùa ở Văn Sơn thăm thầy Cảnh, nhỏ hơn tôi một tuổi, trù trì chùa 30 năm nay. Ngày trước khi vượt biên, vẫn hay đàm đạo ngao du với thầy và chú Hường vùng Văn Sơn, Ninh Chữ. Chú Hường yểu mệnh chết sau khi tôi đi vài năm, mộ chôn trên Núi Đá Chồng, nay ở đó chễm chệ mấy ngôi chùa Thiền Trúc Lâm mỹ lệ xây theo kiểu Tàu của thầy Thanh Từ. Ăn cơm chay, nghỉ trưa ở chùa, tâm sự chuyện trò đến chiều đạp về.

Ở nhà ngoài giờ đi thăm bạn bè cũ bất hạnh, tôi dành thời gian hủ hỉ với má, phải nói thật to má mới nghe. Lưng má khòm xuống, sáng tối hai lần ngồi lẩm nhẩm tụng kinh ở bàn thờ Phật nhỏ cạnh đầu giường. Mỗi sáng, Lâm cũng pha một cốc sâm và nấm Linh Chi mua ở Nhật hay Đại Hàn về cho má uống, em gái hỏi má muốn ăn gì, bưng điểm tâm tới giường. Chị làm công quét dọn lau chùi phòng má, phòng khách, thu áo quần dơ bỏ máy giặt, đi chợ nấu ăn. Bữa cơm, má và các em gái ăn chay trường ngồi riêng nửa bàn, nửa kia anh em trai ăn mặn thanh đạm sơ sài. Lúc nào cũng có trái cây tráng miệng, hồng, sabochê, cam, bưởi, chuối… Trí nhớ má lãng đãng, hay nhắc chuyện cũ nhưng sai nhiều chi tiết. Tôi lục lọi xem lại các tấm hình gia đình đen trắng xưa chụp trước và sau 1950 mà sau mấy chục năm, vì albums cũ bị ẩm mốc, mối mọt, Lâm tháo bỏ vào các hộp sắt cất. Trong nhà các em không thiết tha tới hình ảnh kỉ niệm, chỉ có Lâm và tôi thích chắt chiu lưu trữ, hay save vào computer. Tôi ra tiệm mua mấy albums mới, bỏ hình cũ vào theo thứ tự thời gian, cất vào một ngăn tủ riêng, rồi đi rọi to các hình hiếm quí chụp ba má hồi đám cưới, sinh ra bồng anh em tôi lúc nhỏ xíu.

Sáng hôm sau, em Cầm (về hưu từ Nhật về VN ở luôn), sáng nào cũng dậy sớm đi tắm biển, hỏi tôi muốn đi tắm không, tôi nói muốn, Cầm chở tôi xuống Ninh chữ, gửi xe chỗ quen có 5 ngàn, hai anh em xuống nước lội. Lúc còn ở Mỹ, nghe vụ cá chết biển nhiễm độc ở Vũng Áng, tôi đã tự nhủ sẽ không xuống biển tắm, mặc dù Phan Rang cách xa Hà Tĩnh hơn ngàn cây số. Bây giờ thấy thiên hạ tắm ở Nha Trang, Phan Rang tỉnh bơ không sao cả, nên cũng “nhập gia tùy tục”, bơi mười phút rồi lên thay đồ. Cầm trả tiền, chỉ vòi nước máy và chòi tắm nhỏ bằng tole, hỏi tôi có muốn tắm lại nước ngọt không. Tôi lắc đầu. Cầm chỉ tòa nhà đồ sộ xa xa, kể tôi nghe:

- Nó lấy giá rẽ, lại vui vẻ dễ chịu, nên nhiều khách gửi xe nó giữ. Đàng kia là nhà giữ xe của nhà nước, có phòng thay đồ, phòng tắm nước ngọt, bán giải khát, xây to lớn đồ sộ, nhưng giá đắt hơn, nên không ai tới cả, bây giờ bỏ trống, chả có ai làm việc vì ế quá.

- Sao có một mình nó mở cạnh tranh được với nhà nước hay vậy?

- Gốc bự. Bà con đảng viên cao cấp. Nó nhờ gốc bự mới được làm ăn chỗ này, xây chòi tắm thay đồ, bắt ống nước máy, sáng chiều 2 lần, ngày kiếm sơ sơ hơn 1 trăm ngàn dư ăn.

Lại “nhất thân nhì thế” nữa, tôi cười. Chiều về, Doãn gọi vô nhắn sáng mai, taxi sẽ đón tôi chở ra Ba Ngòi, ngã ba Cam Ranh gì đó giá 500 ngàn, Doãn có mặt ở quán ngay đó đưa tôi về Nha Trang bằng xe bus, rồi gọi xe về Thành thăm nhà vợ chồng Doãn ở. Ngồi taxi, tôi hỏi lên Dalat thì bao nhiêu, tài xế nói 900 ngàn. Đắt quá, thôi, khỏi lên thăm Sơn, bạn Sư phạm Huế cũ. Ba Ngòi bây giờ cũng lớn, đông đúc, nhà cửa khang trang khác xưa nhiều. Thấy Doãn ngồi uống cà phê ngay đó. Doãn gọi honda ôm chở 2 đứa về Thành, chỗ nhà Doãn trong đường làng. Nhà gạch 4 phòng, có vườn hẹp xung quanh; vợ ra chào hỏi lễ phép, rót nước mời. Doãn nói vợ chồng thằng con riêng vợ đã dọn về ở chung, hết còn dám hỗn với Doãn nữa. Chị kể xưa là y tá công chức bệnh viện, lấy Doãn nên bỏ nghề, bây giờ không có tiền hưu, nuôi gà trồng rau, chích dạo, và sống nhờ vào đồng lương hưu bên Mỹ chuyển về của Doãn. Tôi hỏi lương hưu 670 đô mà sao tháng nào mới 20 tây là Doãn hết tiền, phải vay mượn. Chị kể là anh ấy phát cho em có 4 triệu mấy lo cơm nước tiền bills, còn thì ảnh giữ hết đi uống cà phê với bạn bè, em đâu có biết.Tôi nhìn Doãn có ý hỏi, anh chàng nín thinh nhìn tránh chỗ khác. Chuyện một lúc, Doãn xin vợ 200 ngàn đưa tôi đi lên Nha Trang thăm trường Võ tánh cũ và xuống biển chơi. Chị vợ lấm lét vội vô trong lấy tiền mang ra. Tôi thấy bất nhẫn, móc túi đưa cho tờ 500 ngàn, chị không nhận, nhưng rồi cũng đưa tay cầm lấy cảm ơn, không dấu đuợc nét mừng rỡ. Hai đứa xuống xe trước chùa Long Sơn, ở Mã Giồng. Chùa mở tiệm cơm chay lớn, rộng to, lợp mái tôn trước cổng, bán đủ các món chay, du khách rất đông, kể cả khách Tây và Tàu. Tôi coi menu, gọi món mì quãng, có 20 ngàn 1 tô, công nhận rất ngon, ngon hơn cả mì quãng mặn, bèn đặt thêm 3 tô lớn “to go” mang về cho má và 2 em ăn chay thưởng thức. Ăn xong ra biển chơi. Trời nóng không có gió, khách Âu Châu Liên Xô mướn ghế có dù che ngồi nằm dưới bãi tắm la liệt. Hai đứa không tắm, đứng dưới hàng dừa ngắm cảnh, chụp hình, tôi cởi trần mà mồ hôi ra nhễ nhại. Bãi biển vẫn như xưa, ngoài khơi 2 hòn đảo nhỏ vẫn còn đó, chỗ tôi ôm con ngủ dựa gốc cây, rạng sáng xuống ghe vuợt biên 33 năm trước, đăm đăm ngoái lại nhìn bãi tắm này. Cũng vẫn bãi này, hơn 54 năm trước, hai đứa từ trường hay đi bộ xuống đây ngồi chơi, nói chuyện học, chuyện bạn bè, thày cô. Hai giờ sau, chúng tôi đón xe ôm đi lại về Mã Giồng, gần chùa, nghe nói ở đó có nhà xe Đức lập gì đó, mỗi giờ có một chuyến chạy về Phan Rang, chỉ 60 ngàn một người.

Doãn ở đây mấy năm, mà không biết đi xe đò rẽ như vậy, hôm nọ dám thuê xe ôm 300 ngàn về Phan Rang gặp mình, còn gọi taxi 500 ngàn mình trả, chạy ra Cam Ranh gặp Doãn. Thảo nào mà tháng nào mới 15 tây đã cạn tiền hưu, phải xin bạn, xin vợ. Lắc đầu, đúng là cung Tài có sao Đại hao, lại thêm bị Triệt chận, già chừng đó làm sao mà sửa tính được nữa.

Về Phan Rang thì hôm sau có Thuận bạn học cũ tới thăm, chở xe máy vô Cà Ná thăm Tốt, chủ quán ăn hải sản ven bờ biển. Tốt cũng là bạn học cũ, năm đệ lục đệ ngũ ngồi cạnh tôi cùng bàn. Mười năm truớc về, tôi cũng đuợc Khôi chở xuống đây thăm.Tốt theo VC năm học 12 ở Sài Gòn, bỏ lên mật khu, được đưa ra Bắc huấn luyện, kết nạp Đảng, sau 75 đuợc đưa làm chủ tịch huyện gì đó ở Ninh Thuận, sau nghỉ hưu sớm, vô Ca Ná mở tiệm ăn lớn ở bờ biển làm ăn. Tốt mừng rỡ gặp bạn xưa, kêu bồi dọn thức ăn lên, cá hấp, lẩu, bún, cơm niêu. Vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Tôi bắt Tốt kể lại tại sao hồi đó theo VC, vô Đảng, làm đuợc những gì. Tốt kể tỉ mỉ xong, lại hỏi tôi từ ngày qua Mỹ làm những gì trước khi học lại ra nghề giáo. Gió dưới biển lan man thổi lên.Thuận nhắc chuyện học trò đời xửa đời xưa, nhớ rõ từng chi tiết và lý lịch mỗi bạn thời đó. Ngồi chơi mấy tiếng mới từ giã về, hẹn sang năm về gặp lại. Thuận chở tôi đi lung tung bên Thuận Hòa, Thương Diêm, Phú Quý, đi cầu Đạo Long 2 mới xây chạy qua Phủ Hà, đường xuống Hải Chữ…Nhà cửa bằng gạch, lầu hai lầu ba…mọc như nấm ở các vùng nhà quê này, Không còn là nhà quê nũa, mà như những khu ngoại ô thành phố nào đó hoàn toàn xa lạ với tôi.

Ngày chót ở Phan Rang ra thăm Quang lần chót, Quang đưa đi ăn hải sản ốc sò gì đó. Cùng nhắc lại anh em ngày xưa khổ sở nuôi con mà giờ đây đưa nào cũng khá giả, cơ ngơi đầy đủ. Nhờ Lâm mua vé xe bà Cầu có giường nằm tối nay vô Saigon. Lần đầu nghe nói mãi mới thấy giường nằm 2 tầng ra sao. Giá tầng dưới mắc hơn nằm tầng trên, có gối, có mền đắp. Cũng thoải mái. Bốn giờ sáng tới Saigon, vô nhà xe nằm một lát thì Minh đi xe nhà tới đón về nhà, chở tới Clinic Ngọc Minh của Minh, “tham quan” khắp các tầng lầu, phòng ốc. Minh ra lệnh cho đám y tá mặc áp blouse xanh làm thủ tục khám sức khỏe tổng quát cho mình, do áp huyết 120/80, thử máu, X-ray ngực, kê bàn chân vô máy đo rỗng xương, siêu âm rà rà các nội tạng gan, thận, lá lách, nhiếp hộ tuyến …bên trong bụng. Công nhận ở đây khám kỹ hơn bên Mỹ, chỉ thử máu, phân và nước tiểu, chỉ khi nào có “vấn đề” mới siêu âm.

Trưa, nhờ Minh cho chở tới nhà Phúc, ông anh họ bằng tuổi ngày đó du học Pháp về, dạy đại học Saigon và làm Viện trưởng đại học Nhatrang, nay đã về hưu. Phúc nhỏ hơn tôi 3 tháng, nhưng già hơn tôi nhiều, tóc bạc, da mặt xệ, đi đứng chậm chạp. Minh ngồi bảo tài xế chở Phúc và tôi đi ăn trưa ở một khu vườn rộng có hồ nuớc, cây xanh, hòn non bộ lớn, nhà sàn dài. Quán ăn có cái tên quái dị “Xẻo lá”. Có 3 người mà MInh order đủ thứ ê hề, gỏi cuốn, lẩu, cơm cá hấp, tôm rim, bồi ăn mặc đồng phục chiêu đãi lễ phép, ráng ăn 4 chén mà vẫn còn thức ăn ê hề…Trả tiền xong, Minh chở Phúc tới căn hộ thằng con trai út Phúc mới mua coi cho biết, mở cửa lan can đứng nhìn xuống một góc lớn của Sài Gòn hai bên một con kênh rạch chảy mút về phía Nam.

Chiều tối, Minh nói:

- Sáng mai hai chú cháu mình bay ra Phú Quốc. Có nửa giờ bay thôi. Con cho chú coi mấy mẫu đất con đầu tư xây resorts, hotels với ông thầy và bạn con. Mua mấy năm trước, nay đã có lời bộn, nếu chỉ bán đất thôi, không cần xây nhà. Có hai người dành mua rồi, nhưng con chưa bán.

Tới đây, xin dừng lại, vì chuyến đi và những gì kỳ thú tôi chứng kiến, thăm viếng, chơi, ăn, và mua sắm ở đảo Phú Quốc kể ra nhiều lắm, phải viết riêng một truyện dài khác mới đủ. Phú Quốc như một Đài Loan hay Hải Nam của Tàu, dài 60 km từ Bắc xuống Nam, rừng nguyên sinh chiếm 80% chưa khai thác, thác suối, bãi tắm, chùa chiền, hãng nuôi ngọc trai bán, nước mắm, nhà cửa trù phú….Vô số dân ngoại quốc và đại gia Việt Tàu đang đầu tư làm giàu ở đó, hotels, tiệm ăn, resorts, nhà ở cao chọc trời... Một ngày nào đó, tôi nghĩ, khi TQ xâm chiếm toàn cõi VN, có thể những người khá giả tài trí nhất sẽ nhanh chân chạy ra đó định cư, lập thành một nước Việt nhỏ tự trị độc lập như Đài Loan.

PHC

Ý kiến bạn đọc
20/05/201911:56:57
Khách
Tôi là dân Phan rang, xa xứ hơn 40 năm, đọc bài nầy mà bồi hồi làm sao. Cám ơn anh Chương.
05/12/201611:25:54
Khách
Câu chuyện đọc xong nặng mùi áo gấm về làng. Chữ "cho tiền" được lập đi lập lại rất nhiều lần khi kể chuyện. Tác giả có vẻ khuyến khích người Việt trở về sinh sống tại VN vì.."Khám bệnh ở đây tốt hơn tại Mỹ".?!? Hy vọng tác giả không có chuyện phải vào nhà thương tại VN để thấy quan tài mới đổ lệ...!!!
05/12/201610:11:55
Khách
Tôi cũng thấy bài hát "mười năm tình cũ " là truyên tình hay và nổi tiếng của hai người yêu nhau mà không cưới nhau nên bài này không nên lấy tựa đề như vậy. Tác giả nên chọn tựa đề khác hợp với bài viết hơn
05/12/201601:36:59
Khách
Có lẽ ông nên thay thế các dư luận viên bên VN để tuyên truyền cho du lich VN thì sẽ có tiền hơn để lần sau ông tiếp tục viết bài ca tụng ngành du lịch của VN ông à !
04/12/201608:34:28
Khách
"Mười năm tình cũ" là tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Quảng Nam..
Mong rằng tác giả khi dùng tên bài hát này nên cho vào cặp ngoặc kép để tỏ lòng tôn trọng người sáng tác ra bốn chữ này
02/12/201618:31:18
Khách
Tác giả là Công dân MỸ từ MỸ đi du lịch thê giới, so sánh tự cảm thấy lucky hơn các người quen cũ vì được sống ở MỸ. Sao gọi là không dính tới nuớc Mỹ?
Chả lẽ tác giả là người Marốc đi Vietnam?
30/11/201621:16:14
Khách
hai bài gần nhất của tác giả này chẳng liên quan gì đến nước Mỹ mà lại được đăng trên VVNM.
30/11/201617:59:51
Khách
Đọc truyện dài thật là dài... mà kể ro ro chỗ này chỗ kia lên bổng xuống trầm rất là hào hứng, như đang coi một phim về du lịch ở VN. Cảm ơn tác giả.
30/11/201614:34:30
Khách
Ông này người miền Trung nên viết nhiều dấu ~ quá. Thí dụ: mì Quãng, hẽm, chú rễ, rẽ quá...
Ngoài ra còn bị lây chữ nghĩa "mới" nên bác sĩ thì viết là bác sỹ.
Coi hơi kỳ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,317,162
Tác giả là cư dân San Jose, vừa mở một “Câu Lạc Bộ nuôi ong”, tại một khu đồi núi gần ngoại thành. Sau đây là lời Nguyễn Viết Tân giới thiệu ông bạn:
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC,
Thứ hai đầu tuần, 31-10, là Halloween 2016. Mời đọc truyện ma. Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, với sức viết mạnh mẽ, Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951 tại Bình Dương, nguyên là giáo viên dạy anh ngữ, sang Mỹ năm 1985, hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản:
Nhạc sĩ Cung Tiến