Hôm nay,  

Nắm Tay…

29/10/201600:00:00(Xem: 15216)

Tác giả: Phan
Bài số 4952-18-30652-vb7102916

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, với sức viết mạnh mẽ, Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc. Sau đây, thêm một bài viết mới, về “đôi tay của người nữ biết nói”.

* * *

Là đàn ông nên chuyện bắt tay thường tình đến chẳng ai nhớ là đã từng bắt tay ai. Rồi xã hội văn minh lên, thời đại bình đẳng hơn. Mọi người dần quen mắt với hình ảnh phụ nữ bắt tay nam giới trên truyền hình, nơi công cộng, trong sở làm, đồng nghiệp nam nữ bắt tay nhau trong nhà máy, bạn bè nam nữ bắt tay nhau khi gặp lại… Nhưng tôi lại cảm nhận từ bàn tay nữ giới qua cái bắt tay của họ là họ nắm tay người đối diện một cách rất phụ nữ chứ không hoàn toàn xã giao như cái bắt tay của đàn ông.

Có lẽ chiều qua, mọi người ra về vui vẻ với cuối tuần nghỉ lễ. Riêng tôi đem về nhà cái nắm tay của bà bạn làm chung trong hãng. Trước hết, tôi không biết bà bao nhiêu tuổi, là người gì, chồng con ra sao, vui buồn tâm tư, hoàn cảnh thế nào… Thú thật không ưa tính nết bà nên tôi không quan tâm. Chỉ biết bà nói tiếng Anh rất khó nghe đến ông sếp người Mỹ còn ngán bà phân bua, nên tôi sợ hơn nữa vì bà hay nói nhỏ với tôi mới khổ. Khổ nhất là hôm bị cô em người Việt bắt quả tang bà dúi tiền vô tay tôi, rồi lại thì thầm vào tai tôi… Cô tra khảo mãi là chuyện gì, nhưng tôi không nói được vì biết cô cũng không ưa bà. Nói làm sao được với nỗi khổ của người khác ngoài sự thấu hiểu và chia sẻ.

Trời ơi, khi thương củ ấu cũng tròn/ khi ghét bồ hòn cũng méo. Tôi ước gì bà ấy biết và hiểu câu tiếng Việt đó để giữ thân làm việc chung với người Việt mà tánh bà lại ưa than phiền người này với người kia. Tánh tình gì mà càm ràm tới chính mình cũng không tha, cứ mỗi lần bà làm sai, tôi nhắc nhở bà làm việc phải tập trung hơn. Bà cằn nhằn luôn cả bà, "Ông có biết là tôi giận tôi lắm không, tôi chẳng làm được việc gì cho đúng cả!" Rồi bà khóc.

Từ đó, tôi cẩn thận hơn với những đôi mắt không ưa bà để cho bà mượn năm đồng đi ăn trưa, mười đồng đi chợ chiều, hai chục đổ xăng giữa tuần… Bà phiền đến tôi muốn đưa bà đi chỗ khác để tôi hết bị sếp trên càm ràm vì bà làm thì dở, hay quên, thiếu sót, sai lộn… Bà chỉ giỏi nhất là làm chậm vô địch và than phiền người khác. Nhưng lòng tôi lại chùng xuống khi nghĩ đến khả năng mất việc của bà sẽ cao lắm nếu đẩy bà đi chỗ khác.

Trời thương đôi bạn già nên cho lắm lúc bà cũng dễ thương ra phết, nữ tính bể bờ. Như hôm sáng sớm, bà đến chỗ tôi, cười một nụ bát quái trận đồ, rồi hỏi tôi màu son môi có hợp với bà không? Trời ơi, tôi bị say sóng thần tới hấp hối. Bà đi rồi, người bạn trẻ ngồi bên lên tiếng, "Đúng là con mẹ điên!" Nhưng tôi thương bà lắm, từ hôm bà hồn nhiên đi vào tim tôi, "hôm qua tôi làm bánh, may là kịp nhớ đến ông chứ không thì mấy đứa con tôi đã ăn hết…" Bà cho tôi cái bánh gói trong miếng lụa hồng. Làm tôi ăn thì sợ câm với bùa mê Ả Rập. Nhưng ai lại vứt bỏ một tấm lòng.

Đến hôm đám trẻ tựu trường, bà lại nói nhỏ với tôi, bà cần mượn tôi hai trăm để sắm sửa cho tụi nhỏ chút đỉnh tựu trường. Lòng tôi bâng khuâng xa, nhớ những năm sau biến cố ở quê nhà. Mẹ tôi xuôi ngược chợ sáng chợ chiều để may cho con cái áo lành, mua cho đôi giày mới để đi tựu trường. Người mẹ nào rồi cũng về trời, nhưng lòng mẹ tại thế truyền đời những vất vả, lo toan. Những lúc bà rối trí, bù đầu với mọi người la làng bà làm chậm, làm sai... làm cản trở công việc của họ. Tôi đến giúp bà một tay cho kịp supply cho mọi người bớt ồn. Qua vai bà thấp thoáng hình ảnh mẹ tôi đổ xà bông giặt vào nồi cá kho hôm 30 tháng 04 năm 1975 mà cứ ngỡ là đường. Đầu tóc mẹ tôi cũng rối bời, ngơ ngác, lạc thần ánh mắt khổ đau của người mẹ với bầy con nhỏ thời tao loạn.

Tôi đưa bà hai trăm như tạ ơn những người mẹ, nên chỉ nói được với bà hai điều, "một là không cần trả tiền lời cho tôi. Hai là bao giờ có thì trả, không cần gấp."

Nhưng chiều qua bà gởi lại tôi hai trăm, chúc tôi về nghỉ lễ vui vẻ. Tôi yên tâm khi nghe bà nói, mấy tuần nay chúng ta làm thêm giờ nhiều. Tôi để dành được nên xin gởi lại ông. Tôi không muốn cầm lại từ khi cho vay vì cứ nghĩ trong đầu, trong đời đã nhận nhiều vất vả, lo toan từ lòng mẹ, sao không trả cho lòng mẹ lo toan, vất vả khác cũng là trả, đâu nhất thiết phải trả đúng mẹ mình. Tôi thấy tường u mê thủng một lỗ kim. Chỉ cần nhỏ lại lòng ích kỷ bằng sợi chỉ là chui qua được. Tôi cảm ơn bà lắm! Những chiều về muộn trời chao đảo cánh chim đơn. Tôi nghĩ người mẹ nào cũng là những vất vả cả đời để lo toan từng ngày cho đàn con vong ơn. Nhưng liệu bà có hiểu khám phá mới của tôi không? Cái lỗ mọt có thể làm đắm thuyền thì cái lỗ kim có thể làm xập đổ bức tường u mê. Nhưng cái bà ấm ớ như mảnh lụa hồng gói cái bánh vàng mỡ gà thơm phức đi tặng cho đời mà chẳng hiểu đời là bể khổ…

Nhìn đi nhìn lại chỉ còn tôi với bà trong chỗ làm. Mọi người đã ra cửa cả rồi. Tôi cứ ngập ngừng hai ba lần không nói được câu, "Thôi, bà cũng về nghỉ lễ vui vẻ đi. Chuyện nhỏ không cần ơn nghĩa nhiều." Nhưng bà cứ nắm tay tôi làm không nói được. Ông sếp đã có mặt ở công tắc đèn, chỉ đợi hai chúng tôi rời chỗ làm là ông tắt đèn để về nghỉ lễ. Nhưng ông sếp đứng lặng thinh chờ đợi. Ông biết tôi thấy ông, nên ông kiên nhẫn. Nhưng bà cứ nắm tay tôi như xạc điện; luồng cảm ơn chân thành, lòng biết ơn không quên, tình cảm nhớ mãi…

Tôi không biết bàn tay mình còn mấy ngón trong tay bà càm ràm. Chỉ thấy đời nhạt thết những lời răn vì người ta vẫn ưu ái người này, ghét bỏ người kia đến quên cả phận người đều bơi chung trong bể khổ. Chia nhau que diêm thắp sáng linh hồn, niềm tin trong khó nghèo cần hơn cái pháp danh, tên thánh…

Tôi lái về nhà, bỏ cuộc vui với mấy ông bạn đã hẹn hò từ trưa. Định gọi chúc lễ vui vẻ cho người bạn vừa gởi điện thư chúc lành cho tôi những ngày nghỉ. Những ngày kế đó sẽ chúc sau. Ngần ấy đã đủ cho những ngày nghỉ tủm tỉm cười với người tử tế quá sinh nghi!

Về ngồi trong những ngày. Nhìn từng hôm nắng tàn… Có lẽ cái nắm tay cũ nhất mà tôi còn nhớ được là năm tôi sắp đi học. Thường thì tôi phải ở nhà - dưới sự trông coi của bà vú. Nhưng hôm đó tôi được ra chơi chỗ cha mẹ tôi có cái xưởng trên bờ dưới bến. Những ghe chuối từ đâu chả biết, cứ nối đuôi nhau cặp bến sau nhà. Thế là nhiều người khuân vác những quầy chuối thật to, họ đi trên miếng ván dài như làm xiếc. Tôi lõ mắt trông chờ ai đó té xuống sông để cười vỡ bụng. Nhưng chẳng có ai té ngã cả.

Rồi tôi vào nhà xem những người ra chuối. Một quầy chuối to đến cả chục nải, nhưng chỉ lấy hai, ba nải to trái nhất. Đến những người khác đóng chuối vào thùng gỗ thưa, chêm rơm cho êm. Rồi lại những người khuân vác cũ, họ chất những thùng chuối lên xe vận tải. Đầy xe thì tài xế nổ máy, lái đi. Xe khác lại nối đuôi trên bờ như ghe này nối đuôi ghe khác dưới bến…

Chả có gì vui hơn miếng ván dài từ ghe bắc lên sàn gỗ sau nhà. Tôi đợi hết người lớn thiu thiu ngủ trưa, tôi làm nhà ảo thuật một mình. Nhưng trọng lượng của tôi không đủ nặng để tạo ra độ nhúng theo mỗi bước chân. Tôi đi xuống ghe nó không nhúng; tôi cố vác một quầy chuối để mình nặng hơn thì không nổi. Tôi. Tôi chỉ có cái bóng mình ngắn ngủn trên miếng ván đòn làm bạn, nhưng hai đứa cũng nghĩ ra được cách tăng trọng lượng. Tôi trở lên nhà thử sức, thì khuân nổi một cái thùng không. Tôi mừng vui với cái thùng gỗ mỏng đóng ô ca-rô thì mình vẫn thấy đường đi, là miếng ván đòn để đừng bước trật chân mà rớt xuống sông.

Thế mà miếng ván đòn vẫn không nhúng. Tôi quyết định tự nhúng… bằng cách nhắm mắt lại! Tôi thật sự có cảm thấy miếng ván đòn trũng xuống theo bước chân tôi, rồi trồi lên theo bước tiếp. Thích quá. Tôi bước nhanh chân cho nó nhúng nhanh hơn.

Tôi bước xuống sông.

Là trẻ con miền sông nước thì ba tuổi đã lội như rái. Tôi năm, sáu tuổi, sắp đi học rồi thì qua sông một mình là chuyện nhỏ. Nhưng ngặt cái lời trù ẻo cho người ta té thì mình ngã. Mà ngã khỏi bơi luôn vì cái thùng gỗ cứ trùm lên đầu tên gian ác ốc tiêu.

Khi bản năng đạp tung được cái thùng gỗ thì vừa lúc hết hơi, bụng đã uống đầy nước sông quê hương nên tôi đi thăm hà bá. Nhưng bỗng thấy lờ mờ trên ván đòn có một bàn tay vươn ra. Tôi cố ngoi lên bằng được để nắm bàn tay ấy.

Bàn tay người cứu mạng nay đâu? Giá gặp lại con gái bà chủ ghe chuối năm xưa thì lấy thân đền đáp cũng cam lòng. Nhưng nợ trả được chứ ơn thì chỉ mang suốt đời này thôi. Cứ nhớ bàn tay cứu mạng nhỏ nhoi mà chừa gian ác lớn, hết dám trù ẻo ai trong đời phất phưởng nữa.

Ngoài kia nắng tàn, mây trôi gió ngàn. Cảm giác ngày mai không phải đi làm len lỏi vào từng mạch máu. Làm nhớ quá đi thôi cái nắm tay thị thành,

Tuổi nhỏ qua nhanh như mưa nắng quê nhà. Chiến tranh leo thang xé nát những vùng quê. Tôi về thành đi học. Chiều Sở thú thích lắm. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thật thơ mộng với tuổi học trò hay do con gái bên trường Trưng Vương đẹp nức nở... Nên mấy thằng Vỏ Trứng Thối (Võ Trường Toản) cứ chiều là ngẩn tò te như Huy Cận đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ, từ đàn anh Đệ Tam, Đệ Nhị, tới mấy thằng nhóc con Đệ Thất, Đệ Lục… đều treo ngược linh hồn ở cành cây hết trọi. Vì thế mà tôi tông vô xe hơi, chứ không phải xe hơi đụng tôi.

Trời ơi thảm họa. Con ngựa sắt của chàng dũng sĩ tí hon đã què chân trước là cái bánh xe đạp đã hình số 8. Dũng sĩ không què nhưng ê mông, đau điếng với đầu gối, cùi chõ đỏ lè. Phần tiếc cái xe đạp là gia tài nên tôi nhắm mắt dưỡng thần, mặc người ta nói tôi đau tới ngồi luôn dưới mặt đường trước phủ thủ tướng mà không biết xấu hổ nam nhi.

Rồi người đàn ông rất lịch sự trong trí nhớ tôi. Ông bước xuống xe để đỡ tôi đứng dậy. Tôi nhớ đã bảo ông, "Chờ cháu chút. Cháu không bị gãy chân đâu. Chỉ đau thôi." Ông khom người xuống, định bồng bế tôi vô lề đường. Tôi cũng không chịu.

Nhưng định mệnh đến thì phải cúi đầu. Ai mà ngờ được định mệnh là trong xe có con Tiểu Long Nữ bên Trưng Vương. Nó mở cửa sau, bước xuống xe làm lóa mắt như xe chở mây, mây bay ra kìa… Đẹp não nùng hơn mấy bà chị bên ấy nhiều. Dương Hoá mê liền cái giọng ngọt lừ như nước mía ép ở hồ bơi Yết Kiêu, "anh chảy máu rồi đó cha ơi! Chở anh đi nhà thương mau đi cha."

Rồi Tiểu nói với Dương, "anh đau lắm phải không! …em xin lỗi." Tiểu chìa cả hai tay cho Dương, "anh ráng đứng lên đi…"

Tôi nắm bàn tay nhỏ bé nhưng nỗi nhớ lâu dài vì bàn tay biết nói. Chỉ một cái xiết tay yếu xìu con gái mà hết đau. Nhưng lại rất đau khi lạc mất tay nhau theo cuộc đổi đời. Mấy mươi năm rồi vẫn nhớ hơi ấm bàn tay thay băng đầu gối cho tôi những chiều tan trường về. Vết thương da thịt không muốn lành thì lên sẹo, vết thương lòng không sẹo nên rỉ máu tháng năm, cứ hè về lại nhớ đến lần đó chia tay, gió đêm không nhiều sao lá rơi bay/ đường dài suốt như đêm dài thao thức…

Cái nắm tay giữa người với người lạ lắm! Điện thân tương hợp là chan hoà ngay, quý mến nhau sâu… cứ như quen thuở nào. Cái nắm tay giữa người với người không duyên cũng nợ nói gì nhân duyên. Nhớ tôi nằm mê man mấy ngày vì sốt rét khi đi dạy học xa. Tay thằng bạn thay cho cái áo đẫm mồ hôi lúc nửa đêm thật chan chứa ân tình như trăng côi cút lùa vào cửa sổ. Tay cô giáo phòng bên thay cho cái khăn hạ nhiệt trên trán lại thấy mát lòng như uống nước chanh mùa hạ. Nhưng cái nắm tay trong cơn mê sảng của người vượt sóng băng rừng đến ngay. Vì mấy thằng bạn tôi sợ tôi chết quá nên đánh điện tín gấp.

Tôi hôn mê rất sâu vì đâu có thuốc men gì. Cứ vắt sức trẻ ra mà chịu đựng những cơn sốt hết nóng rồi lạnh đến mơ hồ, ảo giác… Nhưng chỉ cái nắm tay đúng người tôi mong là đả thông kinh mạch, sốt rét lùi xa… để chiều còn ra biển ngắm mặt trời lặn. Thì ra buồn chán, tuyệt vọng, cả bệnh hoạ, nếu nắm được bàn tay cho ta cảm giác được che chở, thấu hiểu, chia sẻ… những buồn đau vơi đi nhiều lắm!

Khác với cái bắt tay xã giao của nam giới. Tôi cảm nhận nữ giới, họ nắm tay người đối diện hơn là bắt tay. Cái nắm tay của nữ giới như được đặc ân từ tạo hoá cho họ biết diễn tả, bàn tay họ biết truyền đi những thông điệp, chứ không đơn giản chỉ là bắt tay đồng lõa của đàn ông.

Lâu rồi, trên báo Science có bài viết về đôi "dã nhân phương nam - southern apes" được cho là thủy tổ của loài người vì họ đã sống cách nay tới hai triệu năm. Nhưng độc đáo nhất của phát hiện năm 2008 của những nhà khảo cổ vẫn là đôi bàn tay với ngón cái thon dài chứ không ngắn và cục mịch như những giả thuyết khác về thủy tổ loài người. Chiếc cổ tay của bộ xương nữ giống y như của loài người ngày nay. Đôi bàn tay của người nữ hai triệu năm trước đã được các nhà khoa học diễn tả rất khoa học là khéo léo vô cùng. Không chỉ biết xài dụng cụ mà còn biết chế tạo ra dụng cụ để xài… Nên chẳng lạ gì thêm hai triệu năm sau, đôi tay người nữ biết nói, biết diễn tả.

Tiếc là người đời hời hợt nên không chú ý mấy đến phần đẹp nhất trên cơ thể người nữ là đôi tay của họ. Nơi ta có thể nhận biết những điều không chót lưỡi đầu môi, "em yêu anh lắm!" rất khó nói bao nhiêu thì thật lòng bấy nhiêu qua cái nắm tay thật nhẹ nhưng ấm áp của nàng.

Phan

Ý kiến bạn đọc
01/12/201713:52:45
Khách
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả...”
Lãng mạn. Lãng mạn. Một trời lãng mạn!
02/11/201605:22:28
Khách
Cám ơn anh Phan,bài viết này đã đưa tôi về với một chuyên tình buồn, cách cô ấy nắm tay mình lúc chia tay .Tại sao chỉ với một tay cầm và chút vuốt nhẹ như khói sương lại có sức diễn tả hơn vạn lời nói,có gần 30 năm đã qua ai cũng đã yên phận với bờ bến mới nhưng cái nắm tay đêm chia ly vẫn mải là một nỗi dịu êm và ray rứt mãi trong tôi.
01/11/201612:28:06
Khách
Caḿ ơn baṇ Đã cho đoc̣ nhưng̃ bàì Văn Hay..
31/10/201612:36:58
Khách
Có thể người có lòng nhân với nhau thì cái nắm tay đó chứa chan tình cảm hơn rất rất nhiều những cái bắt tay xã giao hời hợt nắm mà như không nắm giữa 2 người đàn ông xa lạ, còn bắt tay với người đẹp mà phái nữ thì ai cũng phải đồng ý là tình cảm hơn phe đực rựa ta nhiều nếu vì quan hệ đồng nghiệp, bạn bè thân... Cám ơn bài viết mới của ông, chúc sức khỏe. Mong bài viết sau.
30/10/201618:56:02
Khách
Con người tình cảm u uất, bị dằn vặt với quá nhiều kỉ niệm bất hạnh lúc nhỏ, nên để lộ tâm tình bi quan qua lối viêt khôgn được binh thường...so với lối viết của người vô tư sung sướng từ nhỏ tới lớn.
30/10/201616:52:32
Khách
1 người trong Tự Lực Văn Đoàn bên Mỷ , hay đáo để
29/10/201617:14:07
Khách
"Thì ra buồn chán, tuyệt vọng, cả bệnh hoạ, nếu nắm được bàn tay cho ta cảm giác được che chở, thấu hiểu, chia sẻ… những buồn đau vơi đi nhiều lắm!...Phan". Tôi tin cái nắm tay có thể chuyển động tâm tình. Người không thích nắm tay người khác có lẽ tình cảm họ đã cạn kiệt. Phan viết tạp ghi nầy rất hay, không đi lan man lạc đề :-)
29/10/201616:13:14
Khách
Hay lắm! Như nhiều bài viết khác của tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,318,417
Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH., chỉ huy ngành chiến tranh chính trị thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải.
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiệm sở hiện ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.
Tôi sống trên đất Mỹ hơn 43 năm. Đã qua nhiều tiểu bang nhiều thành phố và làm chủ dăm ba ngôi nhà. Ba căn trước đã bán rồi, một căn thì sang qua cho con trưởng, căn thứ năm đang ở.
Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Tác Giả Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biển năm 1988, hiện là cư dân Chicago.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Nông thị Ngọc Diệp, là diễn viên múa, kịch nghệ, khi còn ở Saigon. Vu78o75t biển năm 1985, là thuyền nhân đến tị nạn tại Galang, Indonesia.
Trước 1975, tác giả viết cho bán nguyệt san Tuổi Hoa, có truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ"
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt.
Nhạc sĩ Cung Tiến