Hôm nay,  

Thương Một Người

06/01/201600:00:00(Xem: 14995)

Tác giả: Phan
Bài số 3718-17-30218vb4010616

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông nhất, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Sáng nay cô độc quá, đến một tiếng xe chạy ngang nhà để phá tan sự tĩnh mịch của một sáng mùa đông cũng không có. Dường như tất cả đều nhuốm lạnh đến không gian nghẹt thở, vạn vật đông đá. Con thú hoang lạc đàn cũng không ngồi nổi ngoài garage, đành cầm cái laptop đi tìm nơi trú lạnh.

Tôi đem vào Starbucks coffee gần nhà đám mây màu cappuccino, vì chút mặt trời mùa đông cố hỗn chiến với mây đen kéo về nhưng đã thua. Để những lọn gió lạnh buốt gáy mùa cuối năm lòn qua cổ áo tới rùng mình. Chợt nhớ màu lá phong đỏ và ngôi nhà thờ cũ kỹ ngày xưa đã trở thành quán cà phê này.

Tornado và thunderstorm là hai hung thần nơi tôi ở, nhưng dường như hung thần cũng biết nể mặt Chúa mà chừa lại ngôi nhà thờ nhỏ bé như cái nhà ở bình thường và cũ kỹ của một cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi nào đó; Họ có vẻ nghèo lắm vì nhà ở của họ còn tồi tàn hơn cả ngôi nhà thờ xiêu vẹo, xe đậu ven đường toàn xe cũ, móp méo…, nhưng người ta rất hiền lành và tốt bụng.

Nhớ lần tôi đi câu cá về ngang đây, bị xẹp bánh xe vì cán phải đinh. Thế là một người, rồi vài người từ trong những ngôi nhà xập xệ đó kéo ra giúp tôi thay bánh xe. Họ cho tôi mượn con đội vì xe tôi không có cả con đội. Hồi tháo được bánh xe ra thì cái bánh xe xơ-cua trong cốp xe cũng hết hơi. Thế là họ giúp tôi chở bánh xe đi vá, trở lại giúp tôi gắn bánh xe vào, lại còn cho tôi lon nước giải khát. Tôi thấy cảm ơn không không đủ nên xin gởi họ chút tiền xăng đã giúp chở tôi đi vá bánh xe. Họ nhất định từ chối không lấy tiền tôi. Họ là mấy người đàn bà với mấy đứa con nít.

Sáng nay ngồi trên mảnh đất nghèo nàn hôm nào với ly cà phê nóng trong tay; ngồi trong tiệm cà phê sang trọng và hiện đại để nhớ về ngôi nhà thờ cũ kỹ, có những cây phong đỏ rất đẹp; gặp người sang cả lố bịch để nhớ tới những người nghèo rớt mồng tơi, cô gái trắng kia có gương mặt khinh khỉnh thấy ghét làm nhớ nhiều về gương mặt con bé đen nhẻm đã mời tôi lon coke hôm bể bánh xe tại nơi này.

Ôi, quê hương của tornado và thunderstorm, nhưng hai hung thần đó không làm khó những người hiền lành và tốt bụng; Chúa giữ lòng nhân từ cho họ để sống hài hoà với thiên nhiên, đối xử tốt với người qua đường. Chỉ mấy công ty xây dựng nhà ở, phát triển đô thị không nhìn ra giá trị của sự nghèo nàn của họ nên những đại công ty đó đã cho xe ủi ủi đi cuộc sống tốt đẹp của những người hiền lành. Rồi họ xây lên trùng trùng nhà ở hiện đại và khu thương mại này. Có ai còn nhớ vị trí của ngôi nhà thờ ngày xưa nay là quán cà phê Starbucks này, hay chỉ còn trong ký ức tôi màu lá phong đỏ, và những người tốt bụng đã đi đâu cả.

Bên ngoài cửa kiếng mờ sương của quán cà phê, cả nhân gian đang rộn ràng mùa lễ hội. Lễ Tạ ơn vừa qua thì Giáng sinh đã về. Mong cho những người tốt bụng từng sống trên mảnh đất này, dù có muôn phương cũng vẫn giữ được lòng tốt của người bản xứ, truyền thống nhân đạo của đất nước này. Cảm nhận về ân sủng trong không gian mùa lễ, qua hơi ấm thơm lừng của ly cà phê Starbucks. Thật không tưởng tượng nổi sao mình lại may mắn được sống phần đời còn lại trên đất nước bao dung và con người hiền lành tử tế. Đến mẩu tin về lòng người nơi đây trên báo mạng cũng đủ ấm lòng người biệt xứ dạt trôi,

“Một gia đình ký ngân phiếu nửa triệu Mỹ kim bỏ vào ấm từ thiện Salvation Army - December 03, 2015 Rosemount, Minnesota:

Hàng năm, trong mùa Giáng Sinh, tổ chức từ thiện Đạo Binh Cứu Thế, the Salvation Army thường treo những ấm từ thiện, quyên tiền của khách qua đường cũng như ở trong các thương xá.

Người người tùy lòng hảo tâm, có thể bỏ vào ấm từ vài chục xu cho đến vài chục dollars.

Một chuyện hy hữu vừa xảy ra ở thành phố Rosemount, tiểu bang Minnesota, khi một cặp vợ chồng đã bỏ vào ấm một chi phiếu 500 ngàn Mỹ kim.

Đây là số tiền kỷ lục từ trước đến nay, mà tổ chức The Salvation Army đã nhận được từ người hảo tâm trong ấm từ thiện.

Theo Major Jeff Strickler của Đạo Binh Cứu Thế ở tiểu bang Minnesota thì đây là một phước lành thật sự đến đúng lúc cho The Salvation Army và những người cần giúp đỡ.

Cũng theo ông Strickler thì số tiền lớn nhất từ trước đến nay bỏ vào ấm từ thiện chỉ là 25 ngàn Mỹ kim.

Ân sủng. Không phải là phép lạ hoang đường có thể đưa được một linh hồn từ địa ngục lên thiên đàng, mà ân sủng là sự cảm nhận cá nhân trong từng người về chính mình với những gì có được ngoài khả năng bản thân.

Tôi tự hỏi tại sao sự may mắn lại đến với tôi để được ngồi đây suy nghĩ về ân sủng trong mùa lễ cuối năm; trong không gian ấm cúng của một quán cà phê trên nước Mỹ này. Tại sao là chính tôi chứ không phải một người bạn nào khác của tôi còn đang vất vả từng ngày với miếng cơm manh áo ở quê nhà. Nơi ăn chốn ở đã vắt kiệt sức con người ban ngày, thì đêm về cũng không an giấc được với xã hội công an trị, chỉ có áp bức, chụp mũ, bỏ tù…

Nói một cách khác là đất nước và con người nơi đây không những bao dung, độ lượng với di dân để chúng ta được sống tự do, làm việc tự chọn. Mà đất nước và con người nơi đây còn cho chúng ta thực phẩm tinh thần như mẩu tin trên để mọi người cùng hân hoan chào hỏi một người không quen trên phố; bỏ đồng tiền nhỏ của mình vô ấm từ thiện để nuôi dưỡng lòng từ bi… nghĩa là người di dân đã thầm nhuần tính bao dung của đất nước và con người sở tại.

Ngồi đọc ở quán cà phê Starbucks là một thú vị độc đáo vì không ồn như quán cà phê Việt. Văn hoá nơi công cộng hoàn toàn khác biệt giữa đông tây. Nhưng nghĩ đến lòng người đông tây cũng khác!

Nhìn về phương đông kỳ bí. Cái nôi văn hoá phương đông chỉ còn hư danh chứ vô thực tự lâu rồi. Những ai có đọc truyện Tàu, ai cũng thấy chứa chất nội dung đạo đức, luân lý... của nền văn minh Trung Hoa. Các nhân vật trong truyện Tàu rất nặng nề đạo đức, dù họ tử tế, hy sinh, xả thân vì người khác tới hoang đường, làm khó tin. Nhưng dù có khó tin thì đó cũng là đất nước Trung hoa không còn nữa; con người Trung hoa của đất nước nhân lễ nghĩa trí tín ấy cũng đã qua đời từ lâu.

Người Tàu cộng sản bây giờ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để vơ vét thế giới. Người Tàu bây giờ không giống với người ký tặng nửa triệu đô la cho từ thiện một cách âm thầm, lặng lẽ như ở nước Mỹ nói riêng, ở tây phương nói chung như mẩu tin trên. Mới chừng tháng trước, xem tin tức trên tivi, đài CBS thì phải, có nói tới một ông già Mỹ trắng độc thân, làm nghề quét dọn trong bệnh viện. Nhưng khi qua đời, ông để lại cho hội từ thiện tám triệu đô la. Người khác như Bill Gate có thể cho từ thiện một tỷ đô la cũng chẳng sao, nhưng ông già quét rác lên tivi vì không ai hiểu được tiền đâu ông có tới số tiền tám triệu. Riêng tôi chỉ thưởng thức món ăn tinh thần của đất nước và con người nơi đây cho không mọi người đã đến đây và sinh sống cùng họ. Đó là lòng từ nhân của người Mỹ để nhìn lại quê nhà và tình người trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà Trung quốc và Việt Nam đã môi hở răng lạnh với nhau mấy chục năm qua, khẩu hiệu “mình vì mọi người” ra rả trên cột đèn.

Nhưng đoạn video trên trang web của CNN đã làm rúng động thế giới về người Trung quốc cộng sản bây giờ vô cảm, vô tâm tới mực nào! Theo ngày giờ được ghi trên video, sự việc xảy ra ngày 13 tháng 10 năm 2011.

Hình ảnh đầu tiên là một bé gái mặc quần đỏ, bé chập chững một mình trên con đường nhỏ trong khu buôn bán ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Vài giây sau, bé bị một chiếc xe van màu trắng húc vào, mặc dầu con đường khá sáng và hai bên đường các cửa hàng đều mở đèn. Em bé bị bánh trước cán qua người làm chiếc xe khựng lại, trong lúc em bé nằm giữa bánh trước và bánh sau, bên phía tài xế. Chiếc xe ngập ngừng rồi tiếp tục chạy tới, đến lượt bánh xe sau cán lên em bé một lần nữa, ngang bụng.

Nhưng kinh hoàng hơn là những gì người xem thấy sau đó. Trong lúc bé gái nằm trên vũng máu giữa đường, thỉnh thoảng thân thể co giật vì phản xạ tự nhiên. Nhiều người đã đi qua chỗ em nằm, xe hơi có, xe gắn máy có, đi bộ có... Nhưng không một ai đứng lại mới là kinh hoàng thật sự về con người Trung quốc bây giờ. Không phải vì họ không trông thấy nạn nhân, vì những hình ảnh trong đoạn video cho thấy rõ ràng hầu hết đều tránh sang một bên.

Đến một chiếc xe tải thứ hai trờ đến, cán qua chân em bé, kéo theo bánh xe một vệt máu trên đường. Chiếc xe này cũng không dừng lại.

Người xem đếm được trong 6 phút - theo time code ghi trên video, tất cả 18 người và xe đã coi như không thấy hoặc thấy nhưng vô cảm với em bé.

Sau cùng, một phụ nữ ăn mặc tồi tàn đã kéo em bé vào sát bên đường. Sau đó, bà rảo quanh các cửa hàng hai bên đường để tìm thân nhân của em bé. Đoạn video kết thúc với hình ảnh bà mẹ của em bé đến ôm em đi.

Từ Youtube, đoạn phim đã trở thành tin trang nhất của rất nhiều báo chí trên thế giới. Người ta xác định được em bé nạn nhân tên là Yueyue - hay Wang Yue, và người phụ nữ duy nhất còn có trái tim trong sáu phút phim vừa kể là một người nhặt rác, bà Chen Xianmei, 57 tuổi.

Ngồi xem lại đoạn video này trên Youtube từ một quán cà phê trên nước Mỹ để hình dung ra lòng người cộng sản và tình người tự do. Tuy đoạn video đã được cắt xén cho bớt rùng rợn và đau lòng. Nhưng nỗi đau lòng của người Hoa trên thế giới thì thông tấn xã quốc doanh Tân Hoa của Trung cộng có đoạn viết: “Các tiêu chuẩn đạo đức cao đã từng là niềm hãnh diện của đất nước Trung quốc, nơi mà những cá nhân quên mình để lo cho người từng được quần chúng tôn sùng. Nhưng trong những năm gần đây, nhận thức về sự sa sút của đạo đức đã trở thành một đề tài nóng khi mà lợi nhuận và chủ nghĩa vật chất được thấy là đã ảnh hưởng đến các giá trị của xã hội”.

Cái giá của chủ nghĩa bần cùng hóa người dân, nhưng đột biến tiến lên chủ nghĩa tư bản đỏ một cách vội vã đã làm băng hoại nền tảng đạo đức của xã hội vốn được xem là cái nôi văn hoá của phương đông.

Điều đáng ngại là những gì đã xảy ra ở Trung quốc cũng là những gì đang diễn ra trong xã hội cộng sản Việt Nam anh em với Trung quốc. Đọc tin trong nước cũng đau lòng không kém với hàng hà tin nóng về người dân tích cực tham gia hôi của trong các tai nạn giao thông, thay vì giúp tay để cứu người bị nạn; Học sinh nhỏ tuổi đánh nhau không ai can thiệp, người đẹp vào nhà nuôi trẻ trình diễn màn nhặt rác để chụp hình quảng cáo rồi ăn mất phần ăn của trẻ... Có bài viết trong nước mà tôi khó quên, Bài viết về cánh tài xế trong nước bảo nhau rằng nếu cán phải người, nên cán cho chết vì bồi thường tang ma rẻ hơn bồi thường thương tật. Chẳng khác tên tài xế Trung quốc anh em ở Phật Sơn phàn nàn khi bị bắt, đã nói, “Nếu con bé chết, tôi có thể sẽ chỉ phải đền 20,000 quan. Nhưng nếu nó bị thương, tôi có thể sẽ mất hàng trăm ngàn quan”.

Nhưng ở mảnh đất mười ngàn năm lịch sử của người Trung hoa vẫn còn hạt mầm nhân tính trong người nhặt rác chứ không phải tổng bí thư đảng cộng sản Trung quốc. Báo Los Angeles Times đưa tin bà nhặt rác Chen khi được nhà cầm quyền Phật Sơn thưởng một số tiền khoảng 4,000 tệ, đã nói là sẽ đưa số tiền này cho cha mẹ em bé để lo thuốc thang cho em, vì em bé không chết.

Ở Việt Nam (Báo Phụ nữ) cũng nhặt được hạt mầm xót lại của tính người và tình người. Báo viết, một nữ sinh viên ở Hà nội đã nhặt được một túi rơi, trong đó có mười ngàn đô la, cô nhanh chân đến đồn công an để giao nộp vì trời sắp tối. Công an chỉ kịp ghi lại tên họ và số chứng minh nhân dân của cô gái.

Chuyện khó tin nhưng có thật là công an Hà nội đã tìm ra được người đánh rơi túi xách là một thương gia người Nam Dương để trả lại cho ông ta. Nhưng rắc rối là cái anh nhà báo, cứ săn lùng cô bé sinh viên để viết phóng sự “người tốt việc tốt”. Cô bé né tránh cuộc phỏng vấn hoài không được, van xin chú nhà báo đừng hỏi gì cháu, đừng viết về cháu, đừng chụp hình cháu để in lên báo… Chú phóng viên báo chí chỉ còn câu trả lời duy nhất của cô bé sinh viên như sau, “Mẹ cháu là công nhân sở vệ sinh. Cả đời mẹ cháu đi quét rác ở Hà nội tới về hưu khi không quét nổi nữa. Cả đời mẹ cháu đã nhặt được bao nhiêu là của rơi - và đều trả lại cho người đánh rơi. Nhưng có cái túi rơi mà mẹ cháu không trả lại cho ai được… vì trong đó có cháu.”

Trong vũng lầy của đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn có những bông hoa lẻ loi như chút mặt trời trong ly nước lã. Nhắc lại chuyện cô bé Wang Yue bên Tàu để thương một người là cô tài xế xe bus trên đường đồi - là chuyện thật xảy ra ở Trung quốc một ngày trước lễ Tạ ơn,

“Một ngày trước lễ Tạ ơn, chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, có ba tên du côn có vũ khí đã để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe để “làm thịt” cô.

Cô tài xế kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng! Chỉ một người đàn ông dáng vẻ yếu ớt. Nhưng ông ta tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay. Dĩ nhiên hậu quả là ông đã bị chúng đánh đập.

Ông giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác tiếp tay ngăn chận hành động man rợ của ba tên côn đồ kia lại. Nhưng chẳng ai hưởng ứng.

Và cô tài xế bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường. Một giờ sau, ba tên du côn và cô gái tơi tả trở về xe để tiếp tục cuộc hành trình của chuyến xe bus.

Cô tài xế nói với người đàn ông đã bất lực trong việc cố giải cứu cho cô, “Này ông kia, ông xuống xe đi!”

Người đàn ông sững sờ nói, “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”

“Ông đã cứu tôi?” Cô vặn hỏi lại, và vài hành khách bình thản cười.

Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”

Cô gái nhăn mặt nói, “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói, “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa.” Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông đó xuống xe. Chiếc xe bus tiếp tục hành trình.

Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Nhưng tốc độ của xe bus lại tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.

Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô tài xế,“Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả ?”

Cô tài xế không nói tiếng nào nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài, rơi xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng Phục Hổ Sơn. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Trong thành phố, có một người đàn ông đọc bản tin trên báo đã khóc! (theo tin trên Internet)

Mùa đông với sương tuyết, âm u và giá lạnh… rồi sẽ qua. Nhưng lòng người Trung quốc cộng sản đã mất hết tính người. Mùa lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh đang về với bao hình ảnh đẹp ở trời tây về lòng từ bi, tính bao dung… thì phương đông vừa chết một cô gái mặt trời. Nước Tàu vĩnh viễn chìm trong bóng tối của đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/01/201606:53:39
Khách
Chào bạn Phan,
Bạn đã đưa độc giả lưới gío từ Đông sang Tây để thấy cuộc đời vô thường, điều quý gía là nắm bắt cơ hội "sống đẹp", giàu hay nghèo đều có "cái eo, cái ải" của nó.
Cảm ơn bạn lúc nào mang độc giả "vào cuộc" với bạn.
08/01/201600:59:12
Khách
Bài viết quá hay. Xin cám ơn tác giả. Lối viết này thật sự đã đạt đến mức "xuất thần nhập hoá"
07/01/201620:41:55
Khách
Nhà cầm quyền như thế nào thì người dân như thế nấy . Trường hợp Tàu cộng và Việt nam .
07/01/201606:03:03
Khách
Cảm ơn tác giả lượt tóm những tin tức trên Internet trong một bài viết rất cảm động. Tôi tự hỏi tại sao người quay video để chiếu trên CNN không bế em bé ra khỏi dòng xe cộ để em phải bị cán đến nhiều lần như vậy. Nếu người đó ngừng quay phim, kéo em bé ra khỏi lòng đường, thì người ta sẽ không biết người Trung quốc nhẫn tâm đến vậy, nhưng có lẽ em bé sẽ không phải chịu đau đớn vì xe cán nhiều lần. Cầu chúc cho em bé được bình phục và cô gái trả lại túi xách đầy tiền được hạnh phúc.
06/01/201622:34:59
Khách
Những câu chuyện kinh hoàng bên xứ Tàu cộng sản. Cám ơn tác giả về bài viết này .
06/01/201620:30:24
Khách
Bài viết thật đặc sắc.đoạn kết hi hữu. , bất ngờ , cảm động
;''Trong thành phố, có một người đọc bản tin trên báo ,đã khóc ;
Hương Bình cũng khóc, khóc cho thân phận bọt bèo của cô gái
Cám ơn tác giả đã ghi lại những thực tế đau lòng nhưng có thật .Mong được đoc nhiều bài viết của tác giả nữa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,316,925
Tác giả Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH., chỉ huy ngành chiến tranh chính trị thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải.
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiệm sở hiện ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.
Tôi sống trên đất Mỹ hơn 43 năm. Đã qua nhiều tiểu bang nhiều thành phố và làm chủ dăm ba ngôi nhà. Ba căn trước đã bán rồi, một căn thì sang qua cho con trưởng, căn thứ năm đang ở.
Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Tác Giả Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biển năm 1988, hiện là cư dân Chicago.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Nông thị Ngọc Diệp, là diễn viên múa, kịch nghệ, khi còn ở Saigon. Vu78o75t biển năm 1985, là thuyền nhân đến tị nạn tại Galang, Indonesia.
Trước 1975, tác giả viết cho bán nguyệt san Tuổi Hoa, có truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ"
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại.
Nhạc sĩ Cung Tiến