Hôm nay,  

Có Những Ngôi Trường Như Thế

15/12/201500:00:00(Xem: 14089)

Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 3699-17--30199vb3121415

Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Bài viết mới là chuyện bà mẹ mỗi chủ nhật lái xe 40 dặm đưa con đi học Việt ngư tại một ngôi chùa.

* * *

blank
Lớp Việt ngữ tại Chùa niên khóa 2015-2016.

Ở Mỹ nếu muốn trau dồi thêm Tiếng Việt các em thường đến học ở những ngôi chùa hay nhà thờ trong cộng đồng người Việt. Tại đây các em sẽ được thầy cô, thường là những người chưa từng qua trường lớp sư phạm, nhưng với một tấm lòng yêu trẻ họ sẽ giúp các em nắn nót từng con chữ Việt đầu đời.

*

Chúng tôi đang sống tại Waxahachie thuộc vùng ngoại vi của Dallas - Texas. Đó là một thị trấn nhỏ nằm chênh vênh nối giữa hai thành phố lớn Dallas và Fort Worth với chủ yếu là người Mễ, Mỹ Đen, Mỹ Trắng và một số các sắc dân pha tạp khác đang sinh sống tại đây. Gia đình tôi là những người Việt Nam duy nhất đang định cư ở nơi này trong suốt mười một năm qua! Thời gian đầu mới dọn nhà từ Pennsylvania xuống, chúng tôi đã háo hức dò tìm những cái họ Lê, Lý, Trần, Hoàng, Vũ, Nguyễn … quen thuộc trong danh bạ điện thoại niên giám để tìm kiếm đồng hương; nhưng tuyệt nhiên cho mãi đến bây giờ vẫn chẳng thấy một ai!

Vậy mà trong cái thành phố nhỏ xíu này vẫn có một Quán Phở và vài tiệm Nail do người Việt làm chủ. Mỗi ngày họ phải lái xe ít nhất từ 35 đến 40 phút để đến làm việc tại cái chỗ hóc-bà-tó này, nhưng bù lại nghề nghiệp ít bị cạnh tranh và “được giá” hơn những nơi khác.

Do yêu cầu của công việc nên hãng tôi không cho phép nữ nhân viên sơn móng tay đi làm. Cũng vì thế mà tôi không có cơ hội để lân la, kết thân với những người thợ làm nail quanh vùng. Tuy nhiên có một lần để chuẩn bị cho chuyến đi chơi hai tuần lễ của mình thêm “màu sắc” nên tôi đã quyết định: đi làm nail!

Vừa bước vào tiệm tôi đã thấy bao cặp mắt của những người thợ đổ dồn vào mình nữa như ngạc nhiên, nữa như ngờ vực. Mặc dù tôi đã bảo đến để làm nail nhưng người chủ tiệm cứ hỏi đi hỏi lại:” Chị đến để xin làm nail hả?” Tôi phải nói lại lần nữa là mình đến đây không phải để kiếm job thì họ mới hết thắc mắc. Nói tiếng Việt với người Việt đôi khi cũng không phải là không khó!?!

Tiệm khá đông. Tôi phải chờ độ nữa tiếng thì mới đến lượt. Khi chuyện trò với cô thợ làm cho mình tôi mới biết tiệm tuy khai trương đã lâu nhưng tôi là khách hàng Việt Nam đầu tiên mà họ từng thấy! Tiệm lại đang rất cần thợ vì không phải ai cũng chịu đi làm xa nhà mặc dù được chủ “bao” chở đi, chở về và ăn uống cả ngày. Đó là lý do mà họ đã tỏ ra vui mừng khi thấy sự xuất hiện đường đột của tôi.

Cuộc sống của chúng tôi là thế đấy!

Không cha mẹ, không anh em, không họ hàng, không bè bạn và không cả những người nói cùng một ngôn ngữ như mình tại cái thị trấn buồn tẻ này. Những đứa con của tôi lớn lên ở một nơi mà chúng chỉ được nói tiếng Việt khi về đến nhà. Chúng luôn là một học sinh Việt Nam duy nhất trong trường suốt từ lớp Một cho đến hết trung học và luôn bị đám bạn lầm tưởng là Chinese!

Nhớ có một lần đang đi trong mall, thằng con tôi lúc ấy còn bé lắm, nó đã kề tai tôi nói nhỏ: “Việt Nam kìa mẹ”. Lần đầu tiên nó đã nghe được Tiếng Việt từ những người xa lạ mà không phải là ba, là mẹ hay chị Hai của nó, vậy mà trong tia mắt của thằng bé ánh lên nét mừng rỡ như vừa gặp được người thân! Sức mạnh của ngôn ngữ sao thật dịu kỳ!!! Tôi nhìn con mà thấy thương nó vô vàn. Đã có biết bao đứa trẻ gốc Việt được sinh ra và lớn lên tại xứ người như con trai của tôi? Đa phần con của những kẻ di dân hay tị nạn như chúng đều sống thiếu tình thương của ông bà, cô bác, cậu dì và họ hàng gần xa. Nổi mất mát đó sẽ theo bọn trẻ suốt cả thời thơ ấu và sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng sau này.

Từ trong sâu thẩm của một người mẹ, tôi luôn mang một tâm nguyện muốn đem con trai của mình đến gần với cộng đồng Việt Nam. Chính những lớp học Việt ngữ là nơi lý tưởng nhất tạo điều kiện để thằng bé có cơ hội gần gũi tiếp xúc với thầy cô và những bạn bè cùng trang lứa với nó.

Một ý nghĩa thiết thực khác nữa là tại Texas hầu hết các văn bản hành chánh thậm chí thư của nhà trường gửi về cho phụ huynh cũng được viết bằng English và Spanish. Do đó, cơ hội sẽ mở ra cho những ai biết sử dụng thành thạo song ngữ là điều tất nhiên. Tương tự như thế, tại nhiều nơi trên đất nước Hoa Kỳ cộng đồng Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, chắc chắn Tiếng Việt rồi đây sẽ ngày càng phổ biến. Do vậy, việc nói và viết Tiếng Việt trôi chảy sẽ giúp cho các em một ưu thế khi bước vào đời.

Tôi lại mang một “tham vọng” khác là muốn trao cho con trai mình thêm một chiếc chìa khóa nữa để mở những cánh cửa thương yêu, đồng cảm qua việc rèn luyện tiếng Việt trong một cộng đồng thuần Việt cách nhà tôi khoảng 40 phút lái xe!

*

Mười năm về trước các lớp Việt ngữ tại đây chỉ gói gọn trong dăm ba phòng học nhỏ, thầy và trò cũng không nhiều như bây giờ. Lần đầu đến đó, tôi đã quyết định chờ con lớn chút sẽ cho nó đi học Tiếng Việt tại đây (vì thằng bé khi ấy chừng ngoài ba tuổi). Ấy vậy mà ròng rã suốt sáu, bảy năm sau đó lịch làm việc của tôi chỉ nghỉ Thứ Sáu và Thứ Bảy hàng tuần mà lớp Tiếng Việt lại dạy vào ngày Chúa Nhật. Đành phải chờ thôi!

Thật may làm sao thời gian vừa qua tôi được đổi sang nghỉ Chúa Nhật và Thứ Hai (vẫn chưa đủ thâm niên để nghỉ Saturday & Sunday). Thế là cuối cùng tôi đã đạt được ý nguyện của mình sau bao năm chờ đợi, mặc dù con tôi giờ đã 11 tuổi rồi! Nhưng thà trễ vẫn còn hơn không!

Tuy nhiên, khi ý định này đưa ra bàn thì ông xã tôi đã “bỏ phiếu chống” ngay lập tức. Lý do khá thuyết phục vì cả hai vợ chồng đều làm khác ca nên chúng tôi chỉ có duy nhất đúng một ngày Chúa Nhật để cả nhà quây quần bên nhau. Giờ đây nếu theo đuổi lớp Việt ngữ, con trai tôi phải đi học đến một giờ trưa Chúa Nhật, coi như bay vèo hết nữa ngày nên ông xã tôi tỏ ý không tán thành. Biết vậy nên tôi chỉ đành xuống-nước-nhỏ:

- Em nghĩ bây giờ nếu mình không chịu khó đưa con đi học tiếng Việt thì sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội nào nữa. Con mình ngày một lớn, sẽ khó cho nó khi học thêm một sinh ngữ nữa. Chưa kể sau này bài vỡ ở trường ngày càng nhiều, nó đâu còn thời gian để học môn khác.

Ngừng giây lát, tôi nói tiếp:

- Bây giờ nếu không cho con đi học Tiếng Việt, sau này chắc em sẽ luôn mang mặc cảm có lỗi với nó!

Tôi định nói tiếp là với cả với mẹ em nữa nhưng tôi đã kịp dừng lại. Đúng vậy! Có lần trong một email gửi cho tôi, mẹ đã viết kèm thêm vài dòng cho thằng cháu Ngoại của bà như sau:

Cháu cưng của bà Ngoại.

Con ráng học Tiếng Việt cho giỏi. Mình phải ra nước ngoài sống, đã bị mất nước rồi đừng để mất thêm tiếng Việt nữa nha con!

Tôi đã giải thích cho con trai tôi hiểu ý của Ngoại nó muốn nói gì. Tôi cũng đã đọc đi đọc lại nhiều lần và tự hỏi không biết đây là những lời mẹ muốn viết riêng cho cháu Ngoại của bà hay mẹ đang muốn viết để nhắc nhở tôi?!

Với cương vị là một nhà giáo thuộc thập niên 50, 60, 70, 80 của thế kỷ trước, đối với mẹ tôi việc giữ gìn Tiếng Việt là hết sức quan trọng. Từ khi con trai tôi bắt đầu vào Lớp Một là bà Ngoại từ Việt Nam đã gửi sang những bộ sách vỡ lòng Học Vần, Tập Viết cốt để cho thằng cháu làm quen với “mặt chữ”. Cũng nhờ thế mà con tôi đã không bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đến với lớp Việt ngữ.

Dự tính cho con đi học Tiếng Việt của tôi thoạt tiên bị ông xã phản đối, nhưng thật bất ngờ sau đó anh đã đồng ý! Tôi đã vui mừng vô hạn trong suốt nhiều tuần lễ liên tiếp trước khi đưa con đi nhập học. Ngày tựu trường ngồi bên con tôi ngắm nhìn những đứa trẻ cùng một màu da, cùng một màu tóc, cùng một màu mắt và cùng nói một “e” tiếng Việt lơ lớ như con mình mà xúc động đến rưng rưng nước mắt!

Trường tuy chỉ học một ngày duy nhất trong tuần nhưng nội quy cũng hết sức chặt chẽ. Các em được yêu cầu mặc đồng phục áo thun có cổ và phải là màu trắng khi đến trường. Ngoài việc học Tiếng Việt các em cũng được tập hát, tập múa để tham gia trình diễn văn nghệ trong các dịp lễ Vu Lan và Tết Nguyên Đán hàng năm. Bên cạnh đó là những sinh hoạt khác như: Rước đèn Trung Thu, cắm trại... cũng được các thầy cô tổ chức hết sức chu đáo.

Cũng nên nói thêm ngôi trường mà con tôi theo học nằm bên trong thiền viện Quang Chiếu, (thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử) được xây dựng năm 2000. Nơi đây cảnh vật rất nên thơ hữu tình được bao bọc bởi những rặng sồi, có hoa nở suốt bốn mùa và nằm cách xa khu đô thị sầm uất bên ngoài.


Trái hẳn với gần mười năm trước, giờ đây trường lớp trông thật khang trang bề thế với một hội trường mới xây có sức chứa hàng trăm người và một sân khấu khá chuyên nghiệp. Đó là tất cả những công sức do các nhà Mạnh Thường Quân và Phật tử đã chung tay đóng góp. Nhưng đặc biệt nhất chính là nhờ tấm lòng từ bi của các quý sư cô đang trông nôm ngôi thiền tự. Các vị đã đến cuộc đời này với một hạnh nguyện muốn được giải thoát nhưng ngoài việc tu tập và hoằng pháp họ vẫn luôn quan tâm đến thế hệ mầm non và việc duy trì Tiếng Việt nơi xứ người. Đó là lý do mà các lớp Việt ngữ đã luôn đồng hành với ngôi thiền tự từ những ngày đầu tiên mới thành lập.

Số học sinh theo học tại trường ngày càng gia tăng, điều này cũng nói lên mối quan tâm của các phụ huynh đối với Tiếng Việt. Mỗi lớp có hai giáo viên phụ trách môn Việt ngữ và một giáo viên dạy về Phật pháp. Điều đáng quý nhất là các học sinh được thầy cô giảng bằng song ngữ Việt - Mỹ để giúp các em có thể hiểu chính xác ngữ nghĩa hơn. Nhiều giáo viên trẻ sau khi ra trường đã thành đạt, họ vẫn tiếp tục quay về để phụ giúp thầy cô của mình vun bồi cho lớp đàn em. Đó là một nét đẹp mà tôi đã thấy được tại ngôi trường này.

Vào mỗi sáng Chúa Nhật không khí tại thiền viện thật rộn ràng. Các thầy cô đến đây dạy thiện nguyện, các em học sinh đủ mọi lứa tuổi đến đây học Tiếng Việt, còn hàng Phật tử thì đến đây để Sám Hối, nghe pháp, thiền hành và làm công quả như quét sân, trùng tu cây cảnh và chăm sóc vẻ mỹ quan của ngôi chùa.

Tôi được biết có nhiều gia đình vào ngày Chúa Nhật cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái đều tập trung về thiền viện. Ông bà lên chùa làm lễ và nghe thuyết pháp, cha mẹ đảm trách việc “đứng lớp”, “đứng bếp” hay trồng cây, nhổ cỏ… còn các con thì theo học lớp Việt Ngữ. Đến trưa tất cả mọi người tập trung tại trai đường dùng bửa chay. Nhờ một số Phật tử đã phát tâm đến đây lo việc bếp núc nên bá tánh luôn có được những bửa trưa thanh đạm nhưng đủ chất. Nhiều người cũng tự nấu chè xôi, bánh ngọt… tại nhà rồi mang đến để chia sẻ cho đại chúng. Thật hoan hỷ biết bao!

Thời khóa biểu của các em học sinh bao gồm: buổi sáng học Tiếng Việt, ăn trưa nghỉ ngơi và buổi chiều học Phật pháp. Đối với các em nội dung của những bài pháp đơn thuần là những bài học đạo đức dạy các em biết thương yêu người và vật, không sát sanh, không tham lam trộm cấp, không nối dối. Riêng đối với các em ở độ tuổi thiếu niên thầy cô sẽ dạy cho các em phải tránh xa những bạn xấu, các chất gây nghiện, cờ bạc, rượu chè và phải biết sống chung thủy, giữ gìn tiết hạnh để không tự làm khổ mình và những người chung quanh. Thiết nghĩ đó là những bài học mang tính nhân văn cần thiết cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Nhưng đặc biệt nhất phải kể là những buổi tọa thiền của các học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các quý sư cô các em sẽ được trải nghiệm những giây phút tĩnh lặng trong chánh niệm từ lúc còn rất nhỏ. Được biết ngày nay nhiều trường học tại Mỹ và trên thế giới đã đem áp dụng thiền vào học đường với cái tên là “Quiet Time” để ngăn chặn bạo lực, trốn học, trầm cảm … đang ngày càng gia tăng. Sau một thời gian thiền hành các em đã cảm thấy hạnh phúc hơn, siêng học hơn và được tăng cường thể lực hơn. Đó là tất cả những kết quả tốt đẹp mà trường Trung học Visitacion Valley tại San Francisco đã có được sau hàng loạt những vấn nạn về băng đảng ma tuý, thanh toán đẫm máu xảy ra nhan nhãn tại trường trước đây.

Cũng như biết bao ngôi chùa hay nhà thờ đã mọc lên trên xứ sở cờ hoa này, ngôi thiền tự của chúng tôi được thành hình từ bao ước nguyện của những người con Việt xa xứ. Khi chúng ta đặt chân đến đất nước này là chúng ta đã mất đi quê hương, gia đình, bạn bè và thậm chí có kẻ mất luôn cả những người thân yêu nhất của mình trên bước đường đào tị. Chúng ta chỉ còn lại một đức tin để sống và quay về sau biết bao thăng trầm của cuộc đời mình.

Tôn giáo đôi khi không chỉ là một tín ngưỡng mà nó còn là một sợi dây xuyên suốt nối kết nhiều thế hệ với nhau dưới một mái gia đình mà ai ai cũng muốn nâng niu gìn giữ khi đã xa lìa. Khi hàng Phật tử hay những con chiên cùng quây quần trong một ngôi chùa hay nhà thờ Việt Nam tại xứ người, họ cảm thấy ấm lòng như đang được sống về những ngày tháng cũ. Ở Mỹ nhìn đâu cũng thấy toàn người lạ, đi đâu cũng thấy khác với quê nhà. Người Việt chỉ tìm đến với nhau qua những cái chợ, những ngôi chùa hay nhà thờ… Chợ thật gần gũi vì ở đó họ tìm được những món ăn truyền thống gắn liền với một thời kỷ niệm. Nhưng người ta lại tìm đến với ngôi Tam Bảo hay Thánh Đường cốt để nuôi lớn tâm từ bi và trí tuệ của mình trước cuộc đời nhiều nghịch cảnh, va vấp.

Nhớ lại khoảng 45 năm về trước, lúc đó tôi chỉ là một con bé khoảng bảy hay tám tuổi. Mỗi dịp hè mẹ thường cho tôi sang nhà Ngoại ở chơi ít tuần. Ông ngoại tôi lúc đó độ ngoài sáu mươi lăm. Mỗi tối sau khi cơm nước xong Ngoại tôi hay đạp xe lên chùa đọc kinh và phụ làm công quả. Vào những dịp đó tôi được ông “ràng” cẩn thận phía sau yên xe đạp của mình rồi ông thong thả chở tôi đến chùa.

Tại đây sau khi lạy Phật, nghe vài thời chuông mõ là tôi đã thiếp đi bên cạnh Ngoại mình giữa những tiếng ngân nga tụng niệm và mùi trầm hương ngan ngát. Sau khi lễ xong, Ngoại lay tôi dậy và trên đường về thế nào ông cũng ghé mua cho tôi khi thì cái bánh bao, khi thì cái bánh bò, bánh tiêu. Có lẽ chính vì thế nên tối nào tôi cũng nằng nặc đòi đi chùa với Ngoại cho bằng được. Ngoại tôi mất trong những năm đầu tiên sau ngày mất nước.

Khoảng 30 năm trước, mỗi tháng mẹ tôi thường cùng các đạo hữu của bà đi chùa xa một lần. Thỉnh thoảng tôi cũng đi theo mẹ chơi-cho-vui, cốt chỉ vì tò mò và cũng muốn làm bạn đường với mẹ. Đến chùa, sau khi được Hoà Thượng trụ trì trả lời những pháp thoại thì mọi người dùng bửa ngọ. Vào dịp này, khách thập phương tập trung về chùa thật đông vô kể. Vào xế trưa, mẹ tôi lại đến một ngôi thiền viện cạnh đấy để nghe các sư cô giảng pháp tiếp. Trong lúc mẹ tôi ngồi chăm chú để thấm nhuần mưa pháp thì tôi luôn lẽn ra ngoài vãn cảnh chùa và nghiền ngẫm những bức tranh thư pháp treo trên tường. Lúc đó tôi vẫn chưa hề biết khổ!

Rồi tôi đi Mỹ năm 2000.

Có thể nói cho đến lúc này tôi đã biết thế nào là mùi vị của khổ đau! Khi tôi đang ngập chìm trong đau khổ thì chính mẹ đã cứu lấy cuộc đời tôi bằng những bài pháp đơn giản nhưng cũng thật sâu sắc của bà. Tôi như người được tỉnh giấc sau một giấc mộng dài. Để rồi giờ đây tôi phải nói lới cám ơn internet biết bao nhiêu! Nhờ mạng lưới toàn cầu này tôi đã nhóm được “ngọn lửa tâm” của mình. Cái ngọn lửa mà bấy lâu nay tôi nào hay biết!

Cũng chính tại ngôi thiền viện này lòng tôi lại sống về biết bao kỷ niệm. Tôi nhớ đến Ngoại tôi, nhớ đến mẹ tôi. Họ là những người đã gieo trong tôi những hạt giống bồ đề đầu tiên để đến hôm nay nó đang ươm mầm và lớn lên thành quả ngọt. Cũng nhờ hữu duyên nên giờ đây qua những lời thuyết giảng của các quý sư cô một lần nữa đã giúp cho cây-bồ-đề của tôi luôn ngày một xanh tốt.

Sau những buổi tan trường, hai mẹ con tôi thường đi dưới bóng mát của những rặng sồi trong thiền viện mà thấy vui vui trong lòng. Thằng con tôi thì lúc nào cũng tươi cười luôn miệng kể về những đứa bạn trong lớp như: Alex, Peter, Tony… mặc dù những cái tên nghe rất-Mỹ nhưng chúng cũng da vàng, mũi tẹt, tóc đen như nhau. Lần nào tôi cũng hỏi nó:

- Hôm nay cô dạy có dễ hiểu không con?

Và lần nào nó cũng trả lời y như nhau:

- Teacher nói bằng Vietnamese and English mà mẹ. Dễ hiểu lắm!

Con trai tôi thích đi học Tiếng Việt từ ngay ngày đầu tiên đến trường. Chẳng biết vì nó tình cờ gặp được hai đứa bạn cùng học chung một “lò võ” của một ông thầy người Đại Hàn hay vì thằng cháu đang muốn làm cho bà Ngoại vui lòng?! Dù thế nào đi nữa tôi cũng rất mừng.

Riêng ở tôi. Sau những buổi tan trường của cả hai mẹ con, tôi nghe lòng mình nhẹ tênh và thanh thản một cách lạ thường. Một cảm giác thật bình an trong nội tại, điều này khiến tôi chợt thấu hiểu vì sao người ta thường nói:” Tâm an - thế giới an”.

...

Tôi biết rằng ở đâu đó trên trái đất này vẫn có những lớp học, những nhà thờ, những ngôi chùa đang góp phần gìn giữ tiếng nói, văn hóa và truyền thống của người Việt Nam trên xứ người như ngôi thiền viện của chúng tôi hiện nay vậy. Thật đáng trân trọng làm sao!

Hơn 40 năm trước chắc chẳng ai trong chúng ta nghĩ sẽ có một ngày mình bị mất nước để rồi phải sống một đời lưu vong nơi xứ lạ quê người. Hơn 40 năm sau mặc dù bị mất nước nhưng chắc chẳng ai trong chúng ta muốn mất đi Tiếng Việt của mình thêm một lần nữa.

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
16/12/201522:07:54
Khách
Cám ơn sự đồng cảm của đọc giả Dũng Phạm và Hồng Hạnh rất nhiều.
Nhân đây cũng xin những người chịu trách nhiệm về phần hình ảnh của trang Facebook Thiền Viện Quang Chiếu "đại xá" cho tôi vì đã mạo muội "copy bản quyền" tấm hình minh họa trong bài viết này. Xin quý vị hoan hỷ cho.
16/12/201507:35:11
Khách
Nét đẹp của người tu là thế!Hy vọng các thế hệ VN lưu vong khắp nơi trên TG sẽ gặp được nhiều mái trường như thế này,Thật đúng với câu:
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
15/12/201522:05:33
Khách
Bài viết thật hay ,thật cảm xúc...xin cám ơn Tác Giả. Rất tâm đắc với câu kết của Chị: Hơn 40 năm trước chắc chẳng ai trong chúng ta nghĩ sẽ có một ngày mình bị mất nước để rồi phải sống một đời lưu vong nơi xứ lạ quê người. Hơn 40 năm sau mặc dù bị mất nước nhưng chắc chẳng ai trong chúng ta muốn mất đi Tiếng Việt của mình thêm một lần nữa .
15/12/201512:03:35
Khách
Chúc Giáng sinh và một năm mới hạnh phúc và an lành ! :)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,051,173
Kỳ trước, bài Khôi An Viết Về Nước Mỹ là trích từ báo xuân Việt Báo Ất Mùi 2015 đang phát hành. Vẫn Khôi An, sau đây là bài mới, viết cho những ngày mua sắm sửa soạn đón tết đã chính thức bắt đầu.
Tác giả: Khôi An, Bài số 4454-16-29854vb5020515. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Ất Mùi 2015, đang phát hành khắp nơi. Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984,
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi”, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ nhiều năm qua, đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết.
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Ông là một nha sĩ hiện hành nghề tại Costa Mesa, đồng thời cũng là người soạn ca khúc và hăng hái tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng.
Tôi nghe tiếng Việt loáng thoáng của ai đó "Bà đừng chộ tui chớ! Sẽ có người đón mà." Tiếng ai khác đáp lại "Vậy thì mình cứ theo họ vào trong đã."
Tác giả cho biết ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa. "Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Như bài kỳ trước đã kể rõ, theo sự yêu cầu của Bà Alison, chủ Nhân Hot Yatra Yoga studio, tác giả đã có dịp noi chuyện tại lớp học Yoga này ngày 5 tháng 11 năm 2014,
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Nhạc sĩ Cung Tiến