Hôm nay,  

Bảy Ngày Ở Nga: Du Lịch Moscow

20/07/201500:00:00(Xem: 13614)

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 3577-17-30127vb2072015

Tác giả bài viết đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách "Xin Em Tấm Hình." Có thể coi thêm nhiều hình ảnh và các bài viết của tác giả trên http://saigono-cean.com/trang NTN.

* * *

Nga là quốc gia người Mỹ rất ít đi du lịch bằng máy bay. Phần đồng người Mỹ chỉ du lịch bằng tầu biển (cruise) một, hai ngày đến thành phố St. Petersburg của Nga. Đi kiểu này thì khách không cần xin visa vào Nga.

Theo thống kê năm 2013, mỗi năm 5 quốc gia trên thế giới người Mỹ đến nhiều nhất là Mexico (26 triệu), Canada (15.4 triệu), Anh quốc (3.5 triệu), Cộng Hòa Dominique (2.2 triệu), và Pháp (2 triệu). Chỉ có dưới 200,000 người đi Nga. Con số này còn ít hơn một nửa số người Mỹ đi Việt Nam (440,000 người, năm 2014). Giống như Việt Nam với phần lớn người Mỹ về Việt Nam là người Mỹ gốc Việt, số người Mỹ về Nga phần đông là người Mỹ gốc Nga. Số người Mỹ da trắng chính gốc Hoa Kỳ đi Nga rất ít.

blank
Cảnh đêm Moscow.

Ba tuần trước đây, vào ngày 18 Tháng Sáu vợ chồng tôi có dịp viếng thăm Nga một tuần: ở Moscow bốn đêm và St. Petersburg ba đêm. Trên đường về, chúng tôi ghé ngang Paris ở thêm năm đêm nữa.

Ai có ý định đi Nga thì nên vào trang web của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đọc để tìm hiểu trước đã, vì có thể đọc xong rồi sẽ chẳng dám đi: http://moscow.usembassy.gov/russian-visas.html. Họ cảnh cáo luật lệ về visa của Nga rất nghiêm nhặt, ai xâm phạm có thể bị bắt bỏ tù, phạt vạ, hay trục xuất. Chỉ một sai trật về mãn hạn visa có thể bị vào tù mà tòa Đại sứ không có quyền giao thiệp. Đi ra đường phải luôn mang passport Mỹ trong ví vì công an Nga có thể hỏi bất cứ lúc nào, không cần lý do. Không có passport xuất trình có thể vào khám. Và một điều cắc cớ nữa: luật lệ visa thay đổi như chong chóng, bổn phận của mình là phải biết và tuân theo!

Ngày xưa trong sở làm tôi có quen vài người Do Thái ở Nga sang định cư bên Mỹ nên họ cho tôi địa chỉ của dịch vụ lo visa Nga ở Hollywood, cách nhà tôi 35 phút. Đến làm tôi mới biết là trước khi xin visa, mình phải có giấy giới thiệu của khách sạn, tour du lịch, người nhà, trường học... ở Nga. Nếu làm qua một dịch vụ thì chính dịch vụ này sẽ cung ứng một nơi nào đó trong nước Nga giới thiệu mình. Có giấy này xong thì mới qua giai đoạn kế tiếp là xin visa.

Khác với tất cả các quốc gia khác khi xin visa mình chỉ đưa thẳng passport cho họ giữ tạm thời, khi xin visa đi Nga, ngoài việc cung cấp passport, họ còn hỏi những chi tiết khác như tên bố mẹ, học vấn đến đâu, sở làm, nghề gì. Ai quá khứ có bồ mà không còn nhớ tên bồ để khai báo, khi xuống phi trường thế nào cũng bị KGB xin tí huyết.

Nước Nga tính tiền visa là $280 dollars. Thêm tiền thư giới thiệu và dịch vụ, tiền tốn tổng cộng là $440 dollars một người. Tôi đã khảo giá, nơi nào cũng thế, có nơi còn đắt hơn một tí nên ông bà nào tiết kiệm muốn tìm giá rẻ hơn thì xin khỏi đi thăm đồng chí Lê-Nin.

Moscow có ba phi trường DME (Domodedovo, to nhất), SVO (Sheremetyevo) và VKO (Vnukono). Hãng hàng không Nga Aeroflot có máy bay trực tiếp từ Los Angeles đến SVO, thế nhưng vì chỉ có lèo tèo một hai chuyến nên ở phi trường LAX Aeroflot không có cổng riêng. Xe bus chở hành khách ra sân bay rồi khăn gói quả mướp dập dìu tài tử giai nhân bước lên cầu thang hai mươi bậc để vào máy bay.

Tôi thật tình không dám bay máy bay Aeroflot vì mấy ông phi công Nga nổi tiếng ẩu và bợm nhậu. Tháng 5 năm 2012, bay biểu diễn lần đầu tiên cho cho khách hàng Indonesia chiếc phi cơ Sukhoi Superjet 100, phi công Nga cho là máy móc phi cơ sai, tắt hệ thống báo động địa thế khi máy bay bay quá gần núi. Đã thế, cả phi hành đoàn lo đàm thoại với khách hàng không lo bay nên phi cơ đâm vào núi, giết chết tất cả 45 người trên máy bay, hầu hết là khách hàng và phóng viên báo chí của Indonesia và một vài người ngoại quốc. Nga yêu cầu Indonesia gửi chiếc "hộp đen" black box của máy bay rớt để điều tra, nhưng Indonesia không tin cậy Nga, từ chối, nói là chính Indonesia sẽ tìm hiểu nguyên nhân tai nạn.

Thử vài trang web mua vé máy bay đi Moscow với chuyến về ngừng ở Paris năm đêm trước khi trở lại Los Angeles, tôi chọn Kayak.com vì giá rẻ nhất, bay đến phi trường DME (Domodedovo). Cùng với cái rẻ dĩ nhiên là có cái nhức đầu: chặng nào cũng có chuyển tiếp layover, và hãng máy bay thì loạn xạ cả lên. Từ Los Angeles, United Airlines bay ngừng ở Washington, DC, rồi Brussels, Belgium. Ở đây, chuyển qua Brussels Airlines bay đi Moscow. Sau khi ở Moscow một tuần, chúng tôi dùng Swiss Air bay qua Paris, ngừng ở Zurich, Thụy Sĩ. Đường bay từ Paris về lại Los Angeles thì dùng hãng máy bay Air Canada, ngừng chuyển tiếp ở Montreal.

Ai đã bay nhiều hãng hàng không quốc tế chắc chắn sẽ xếp hạng hãng máy bay Mỹ hạng chót về dịch vụ và tiếp viên hàng không. Điều này không sai. Sau khi Quốc Hội Mỹ ban hành Đạo luật Bãi bỏ Quy Định Hàng Không -Airline Deregulation Act vào năm 1978 nhằm mục đích ngăn chận hãng máy bay lớn nuốt hãng máy bay bé, ngăn chận độc quyền đường bay, tạo ra sự cạnh tranh với mục đích giảm giá vé cho công chúng, các hãng hàng không Mỹ trở nên tệ lậu: không còn cho ăn miễn phí, tính tiền đủ mọi sự, từ hành lý gửi đến ghế ngồi hơi rộng một tí, nhét hành khách đầy máy bay, trì hoãn hàng giờ ở phi đạo hay cổng đợi.

Các hãng máy bay lộng hành như thế nên Quốc Hội lại phải ban hành Đạo Luật Nới Rộng Quyền Lợi Hành Khách Hàng Không -Enhancing Airline Passenger Protection- vào tháng 4 năm 2011, nâng cao giá tiền hãng máy bay phải đền bù nếu số vé bán hơn số ghế, phạt hãng máy bay tối đa $27,500/ mỗi hành khách nếu máy bay đình trệ ở cổng đợi hay nằm trên phi đạo quá ba giờ đồng hồ.

Tiếp viên hàng không của các hãng ngoại quốc như Eva, Singapore, Malaysia Airlines là những cô trẻ gầy xinh đẹp thì tiếp viên hàng không của Mỹ tuổi trung bình là ông bà nội, không những già nua. Hành khách nào gây xáo trộn trên máy bay coi chừng. Các bà với cặp mông vĩ đại mà ngồi lên mặt kẻ quấy rối là nạn nhân ná thở, không cần gửi lính SWAT đến can thiệp.

Tôi là công dân Mỹ nhưng cũng không thích máy bay của Mỹ. Hành khách đã lên hết đúng giờ trên chuyến bay United Airlines của tôi ở phi trường LAX, thế nhưng viên phi công loan báo máy bay phải đợi một kiện hàng đến trễ nên sẽ bị trì hoãn. Tôi chỉ có 1 giờ 30 phút chuyển tiếp ở Washington DC lấy máy bay đi Brussels nên chửi cha ông địa khi máy bay cất cánh sau khi trễ 45 phút.

Tuy chỉ còn 30 phút để tìm chuyến bay kế tiếp, tôi may mắn vì cổng đợi của nó chỉ cách cổng đáp có hai số. Rất nhiều người khác cùng chuyến với tôi hụt chuyến bay tiếp nối đi những nơi khác vì thời gian chuyển tiếp giữa hai máy bay của họ ngắn hơn, và cổng máy bay xa hơn. Bao nhiêu người rủa xả United Airlines, trong đó có tôi. Tôi không hiểu làm sao phi công Untied Airlines có thể đặt ưu tiên trì hoãn giờ khởi hành chờ một kiện hàng, làm cho bao nhiêu hành khách bị hụt chuyến bay chuyển tiếp. Từ giờ đến chết (dù rằng chỉ còn không lâu nữa), tôi thề sông núi nhất định sẽ không bay United Airlines.

Sau 18 tiếng đồng hồ kể cả giờ chờ đợi, máy bay đáp xuống Moscow. Khu lấy hành lý của phi trường DME nhỏ, hành khách hầu hết là người Nga. Hai hành lý của chúng tôi theo kịp chủ nhân. Hành lang dẫn khách từ máy bay đến Công an Cửa khẩu hơi tối tăm, và khi đến nơi thì trần nhà rất thấp. Chúng tôi thấy một kiosque đổi tiền nên ngừng lại đổi. Cả một lỗi lầm tai hại vì trong phi trường giá đổi thật thấp. 1 dollar chỉ được 41 rubes, trong khi chúng tôi khám phá ra sau này ở ngoài phố đổi 1 dollar = 51 rubes: người đổi tiền mất toi 20% cho nhà nước. Sự khác biệt giữa chính quyền Cộng Sản Nga và chính quyền tự do chưa gì đã thể hiện rõ rệt: ở phi trường Tokyo của Nhật Bản, hối xuất thay đổi trong phi trường cao bằng, nếu không nói là cao hơn bên ngoài thành phố.

Thay vì mỗi một trụ kiosque cách quãng như ở những nơi Immigration khác, ở Nga có năm trụ như phòng gọi telephone công cộng nối liền vào nhau, giữa hai trụ là cổng sắt khi lính bấm đèn xanh thì khách mới có thể đẩy để qua cửa ải. Cả trụ kiểm sóat lẫn cổng sắt thiết kế bằng những song sắt i-nốc-xi-đáp, cộng với trần nhà thật thấp tạo ra một cảm giác một người ở trong khu giam giữ. Gương mặt anh công an nào cũng đằng đằng sát khí. Sau khi xem xét passport của tôi và đánh máy một hồi lâu, anh công an hí hoáy viết trên một mẫu đơn nhỏ và rồi chỉ ngón tay vào hai chữ X trên tờ giấy, nói tiếng Anh với tôi: "Sign!". Sau khi tôi ký hai lần, anh ta xé một nửa tờ giấy đưa cho tôi giữ. Trên tờ giấy tôi thấy có hai hàng chữ viết tay của anh ta.

Tôi vừa mới trở lại phi trường Los Angels LAX từ Việt Nam hai tuần trước đây. Ngoài việc LAX mới tái thiết khu vực phi trường quốc tế thêm rộng rãi, thêm nhiều cổng đợi, trần cao ngất ngưỡng, shopping hàng quán hiện đại tân kỳ, ở trạm Immigration bây giờ mới gắn thêm cả chục máy mới xem passport, khách đến chỉ để passport của mình vào, máy sẽ "scan" lưu giữ information, ấy thế mà ở đây công an Nga còn viết tay chi tiết vào mẫu đơn.

Anh công an Nga bấm nút xanh để mở khóa cổng cho tôi tiến vào khu lấy hành lý. Trên tường có một bảng cảnh cáo hành khách không nên dùng taxi tư nhân không có bảng hiệu taxi vì sinh mạng không an toàn.

Đến chỗ dây băng di chuyển hành lý, tôi tìm hai valise của chúng tôi không mấy khó khăn. Ở dây băng kế bên là hành lý của chiếc máy bay Vietnam Airlines xuống sau máy bay tôi độ nửa giờ đồng hồ. Valise toàn là tên Việt Nam và một mùi hôi thật nồng nặc như vào khu chợ cá tỏa ra khắp phòng. Tôi không hiểu sao kiện hàng nào hôi thối như thế lại có thể lên được máy bay phát xuất từ Việt Nam.

blank
Khách sạn Metropone gần điện Kremlin.

Xe hơi lái từ phi trường về hotel khá xa, khoảng một giờ đồng hồ, chạy trên đường thường, không phải xa lộ. Khách sạn chúng tôi ở là Metropole, ngay sát bên điện Kremlin ở Moscow. Tiếng Nga mẫu tự có vài chữ giống tiếng La-Tinh, vài chữ phát âm khác nhau.

Các tiệm ăn Âu Mỹ như McDonald's, Starbucks... không được dùng tiếng Anh mà phải đổi qua tiếng Nga.

Moscow như Paris, có hai vòng Périphérique chạy chung quanh thành phố. Không có xa lộ nên đường thành phố lúc nào cũng kẹt xe, dù rằng đường xá rất rộng, có nhiều lane. Sự sụp đổ của khối Cộng Sản Sô-Viết cũng mang đến sự sụp đổ của hãng xe Nga Lada, hiện giờ sáu chiếc chỉ có một xe Nga Lada. Đa số bây giờ là xe ngoại quốc: Mercedes, Renault, Kia, Hyundai, Toyota, Nissan....

Thành phố Moscow có 12.2 triệu người, tính luôn vùng đô thị là 19.4 triệu, lớn nhất ở Nga. Năm 1812 khi Napoleon xâm lăng Nga, dân thành phố Moscow đốt cháy dinh thự nhà cửa trước khi rút lui. Napoleon thất bại chiếm đóng Moscow vì hầu hết đội quân Pháp, 400,000 lính chết vì đói, lạnh, không có tiếp tế, chỉ chừng chục ngàn quân còn sống sót.

blank
Ăn tối tại The Four Seasons.

Nhà cửa ở Moscow cổ kính xưa như Paris, như khu nhà xưa ở Montreal, rất đẹp. Không có công an đầy dẫy như ở SàiGòn, lá cờ đỏ với cái lưỡi liềm ghê rợn cũng không thấy. Nói tóm lại, không thấy có sự hiện hữu của Cộng Sản, ngoại trừ nếu người nào đọc tiếng Nga sẽ thấy chữ Lê-Nin khắp nơi: Thư viện Quốc Gia Lê-Nin ở Moscow, Trạm Xe Lửa Lê-Nin ở Moscow.... Đường xá rất rộng, sạch sẽ, ít shopping hàng quán nhưng không thiếu những cửa hiệu sang trọng.

Không có xa lộ chạy vào thành phố nên giờ cao điểm đi làm hay tan sở là cả một ác mộng nếu lái xe. Kẹt xe ở Moscow là chuyện thường tình.

Tôn giáo chính ở Nga là Chính Thống Giáo (Russian Orthodox) với 75% đa số. Theo truyền thống, người Orthodox tin rằng cộng đồng Orthodox đầu tiên ở Nga là do sứ đồ Anh- Rê (Andrew, một trong 12 sứ đồ của Chúa Jesus) sáng lập. Chính Thống Giáo cũng tin Chúa, và niềm tin của họ gần với Công Giáo hơn là Tin Lành. Cơ cấu tổ chức cũng giống như Công Giáo: linh mục, Đức Giáo Hoàng, nhưng tên gọi khác nhau. Người hướng dẫn du lịch cho tôi biết các linh mục Chính Thống Giáo được nhà nước trả lương. Nhà thờ Orthodox nào của Nga cũng tuyệt đẹp và thiết kế rất đặc biệt, rất đặc sắc.

Vài nhà hàng đắt tiền chúng tôi đến ăn nguy nga, tráng lệ, nội thất tuyệt đẹp, khen là chí phải, như tiệm ăn này Turandot Palace, sang trọng quý phái vô cùng, nội thất vừa được tân trang với phí tổn 50 triệu dollars (phòng này chỉ là một phần của building)

Nhưng tôi khám phá ra là các nhà hàng của các dân tộc địa phương như Tatar, Bashkir, Chuvash, Chechen...và ngay cả Việt Nam, thiết kế nội thất rất đẹp, thức ăn ngon. Và một điều tôi hoàn toàn kinh ngạc, tôi phải cho điểm 20/20 cho Moscow: toilette của tiệm ăn nào cũng rất sạch, ngay cả trong quán ăn bình dân Việt Nam!

blank
Ảnh trong một nhà hàng Việt Nam tại Moscow.

Tiệm Hạ Long là quán bình dân, giá chỉ đắt hơn Mỹ một tí, có nghĩa là rẻ. Cả hai bên trong rất đẹp. So sánh với tất cả tiệm ăn Việt Nam tôi có dịp đến, kể cả Mỹ, thì tôi nghĩ tiệm ăn Việt Nam ở Moscow sạch, rộng, đẹp, thanh lịch nhất. Giá thì rất phải chăng, rẻ hơn Âu Châu và Úc.

Nga có một sản phẩm đặc biệt: búp bê gỗ chồng lên nhau Matryoshka, nên chúng tôi đi xem một xưởng xưa làm matryoshka, nay nơi này không làm nữa vì Trung Quốc bắt chước làm rẻ hơn. Xưởng này cách Moscow độ 70 km về hướng Bắc. Năm 1890, thấy một vài tượng gỗ ở đảo Honshu, Nhật Bản, đã làm cho Zvyozdochkin và Malyutin nghĩ ra ý kiến làm búp bê bằng gỗ mỏng dính chồng lên nhau. Ngày xưa họ chỉ sơn hình dạng phụ nữ, bây giờ thì làm đủ người, kể cả các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Nga. Búp bê nhiều nhất phá kỷ lục là 45 con chồng lên nhau. Khách trả tiền sẽ được tập sơn búp bê, dưới sự hướng dẫn của một công nhân viên nhà nước.

18 cây số về phía Nam của Moscow là cung điện Tsaritsyno. Vào cuối thế kỷ thứ 16, cung điện này thuộc về em gái của Nga Hoàng Boris Godunov, tên là Tsaritsa Irina. Hoàng Hậu Catherine the Great mua lại cung điện này vào năm 1775, vẫn giữ tên Tsaritsyno. Bà ta cho người xây thêm phòng cung điện mới để ở khi nghỉ hè nhưng sau khi xây xong, đến thanh sát bà ta mới thấy rằng phòng chật và tối tăm, không thể ở được. Bà ta đuổi người kiến trúc và ra lệnh phá sập phần mới xây.

Năm 1786, Catherine The Great cho khởi xướng xây cung điện mới với một kiến trúc gia mới. Thế nhưng chưa hoàn thành thì bà qua đời năm 1796. Cả cung điện này bỏ hoang 200 năm cho đến năm 2005-2007 thì nước Nga cho tu bổ lại hoàn toàn.

Nếu ai thích mua souvenir, đến chợ trời to nhất ở Moscow, Izmailovsky Souvenir Market, khoảng 10 cây số Tây Bắc của Moscow. Kiến trúc của các tòa nhà ở đây thật ngộ nghĩnh và khác lạ. Thứ gì cũng có ở đây, ngoại trừ nếu muốn mua AK-47 thì xin đến nói chuyện với Putin. Tôi để ý là nơi nào chúng tôi đến xem ở Moscow cũng đều có đám cưới chụp hình, và đây không nằm vào trong trường hợp ngoại lệ.

Moscow đứng thứ 10 trong danh sách mười thành phố đắt nhất thế giới, nhưng chỉ riêng về đi ăn ở tiệm Việt Nam, tôi thấy giá tương đối rẻ so với Paris. Moscow có hệ thống xe điện ngầm metro.

Điện Kremlin là một thành lũy xây vào niên kỷ 1400 - 1600. Hoàng tộc, Lenin, Stalin... sống ở đây (kế sát bên là lăng tẩm Lenin). Trong thời lịch sử hiện đại, đây là trung tâm của chính quyền Xô-Viết, Nga nên điện Kremlin thường được so sánh với tòa Bạch Cung của Hoa Kỳ.

Khi Napoleon xâm lăng Nga bất thành, trên đường rút lui vào tháng 10 năm 1812, Napoleon ra lệnh cho phá nổ Kremlin. Trong ba ngày liên tiếp 21, 22, 23 tháng Mười 1812, mìn nổ không ngừng phá sập một phần Kremlin nhưng may thay sau đó trời mưa, nước dập tắt mồi lửa. Năm 1816 đến 1819, người ta tái thiết những phần đã bị hủy hoại. Tôi không vào bên trong Điện Kremlin.

blank
Viện Bảo Tàng.

Tiếp giáp sát bên Kremlin là Viện Bảo Tàng Lịch sử Quốc Gia.

Saint Basil's Cathedral: Nhà Thờ Saint Basil thuộc về giáo phái Chính Thống Giáo nhưng vì Cộng Sản tin vô thần nên sau khi Lê-Nin lên cầm quyền, Lê-Nin ra lệnh quốc hữu hóa và biến nó thành một phần của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc gia từ năm 1928 cho đến nay.

Saint Basil xây vào năm 1555-1561, do lệnh của Ivan Terrible để ăn mừng chiếm hữu Kazan và Astrakhan từ quân Mông-Cổ. Tục truyền là sau khi xây xong, Ivan Terrible ra lệnh móc mắt hai người kiến trúc nhà thờ này, Barma và Postnik Yakovlev, để họ không còn có thể xây được một building nào đẹp hơn nữa. Thế nhưng tất cả sử gia đều cho tục truyền này là chuyện hoang đường: bốn năm sau khi Ivan The Terrible chết, hai ông này lại được thuê để xây thêm một nhánh nhà thờ nữa (Saint Basil có chín trụ, mỗi trụ là một nhà thờ). Hai người này cũng có kiến trúc thêm một nhà thờ ở Vladimir.

Khi lên cầm quyền, Stalin không thích nhà thờ Saint Basil vì nó nằm ngay giữa Công trường Đỏ Red Square, làm cản trở quân đội diễn hành. Khi kiến trúc sư Pyotr Baranovsky được lệnh phá sập Saint Basil, ông ta từ chối, thề sẽ tự cắt cổ nếu việc hủy hoại nhà thờ tiến hành. Lòng can đảm của ông đã cứu được Saint Basil khỏi bị phá, nhưng bù lại, Stalin giam ông vào tù năm năm.

Hồ nước trước nhà thờ Saint Basil, nơi ngày xưa dùng để chém đầu tội phạm

Cả nhà thờ Saint Basil, Red Square, và Kremlin được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tuy rằng đi dạo vòng vòng Moscow một người sẽ không thấy dấu hiệu Cộng Sản hay của một nền độc tài chuyên chế mà Putin là lãnh đạo, sự đe dọa ấy nằm ngấm ngầm bên trong không bộc lộ ra ngoài. Tôi hỏi nhiều người Nga ý kiến của họ về đời sống, ai cũng nói là tốt đẹp và thịnh vượng hơn thời còn là Xô-Viết, chỉ trừ một điều: đừng bao giờ chỉ trích Putin. Nhiều chính trị gia, luật sư, nhà báo... nổi tiếng chống đối Putin đều bị ám sát trong bí mật. Tôi chỉ liệt kê vài trường hợp nổi tiếng Âu Mỹ ở đây:

1. Alexander Litvinenko -2006: từng là gián điệp, chỉ trích Putin là tham nhũng và cho nổ những apartment của người Chechen. Litvinenko sang Anh, xin và được cho làm công dân Anh quốc. Vào tháng 11 năm 2006 ở Millennium Hotel, London, Litvinenko gặp hai người từng là gián điệp cho Nga, Andrei Lugovoi and Dmitri Kovtun, Litvinenko uống trà bị pha với chất độc phóng xạ polonium-210, trúng độc chết.

2. Anna Politkovskaya -2006: 48 tuổi, nhà báo, chuyên viết về tham nhũng trong chính phủ và xâm phạm nhân quyền, luôn chỉ trích Putin. Cô ta nổi tiếng ở phương Tây với những tường trình chỉ trích chính phủ, và một cuốn sách cô ta viết "Nước Nga của Putin". Vào ngày 7 tháng 10 năm 2006, ngày sinh nhật của Putin, ngay trước apartment ở, cô ta bị bắn chết với một viên đạn vào đầu, hai viên đạn vào ngực, một viên đạn vào bả vai.

3. Boris Berezovsky -2013: một trong những người rất giầu, có quyền lực ở Nga trong thời Tổng Thống Boris Yeltsin niên kỷ 1990. Có tin đồn là Yeltsin chọn Berezovsky là người nối tiếp quyền vị của mình. Thế nhưng Berezovsky và Putin không thích nhau nên Berezovsky chạy sang định cư ở Anh quốc. Ở Anh, Berezovsky liên tục lên tiếng chỉ trích Putin.

Vào tháng 3 năm 2013, Berezovsky chết trong apartment của mình. Cái chết theo tường trình của cảnh sát là "tự vẫn".

4. Boris Nemtsov -Feb 2015: Sau St Basil Cathedral là cái cầu Bolshoy Moskvoretsky. Khi tôi đi bộ đến đây thì thấy ở trên cầu có bàn thờ của Boris Nemtsov.

Nemtsov là Vật Lý gia, từng là Cựu Thứ Trưởng dưới thời Yeltsin, một người lãnh đạo phe chống Putin, chỉ trích Putin không ngừng từ năm 2000. Ngày 27 Tháng Hai 2015, trên đường đi bộ về nhà với cô bạn gái sau khi ăn ở một nhà hàng, ông ta bị bắn bốn phát đạn từ đằng sau. Lúc bị bắn chết, Nemtsov đến Moscow để tổ chức biểu tình chống Nga xâm lăng Ukraine, tạo ra tình trạng kinh tế khủng hoảng hiện thời. Putin hứa là sẽ truy lùng ra thủ phạm.

Kỳ tới: Du lịch Petersburg.

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
06/02/202021:31:58
Khách
Toi gan day di Au chau tu My hai lan, lan dau American Airlines va lan thu nhi di hang Delta Airlines. Ca hai lan deu co an toi va an sang, co ca ruou bia mien phi. May bay hang Air France va Bristish airlines khong cho an snack khi bay den cac nuoc Au Chau. Toi thay hang My thua Singapore, China, Japan airlines nhung tot hon cac hang Au chau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,048,427
Bài viết lá một đoạn ghi ngắn nhân mùa Lễ Tạ Ơn 2015. Tác giả, 82 tuổi, là người viết thân quen với bạn đọc Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975 tại Việt Nam, ông là một luật gia, nhà hoạt động văn hóa xã hội.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính Hoa Kỳ.
Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của mùa lễ, gồm 2 ngày Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn, cùng trong Tháng 11. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả được ký bút hiệu và tên thật. Thời VNCH, ông là một nhà giáo. Từ 1972-1975, là giáo chức biệt phái về nguyên quán,
“Dân số cho” tại nước Mỹ là 78 triệu con. “Công nghiệp” phục vụ chó năm 2015 là 60,6 tỷ mỹ kim. Nhiều chuyện khác thường. Mời đọc bài mới của Kông Li.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.
Lễ Tạ Ơn đầu tiên của gia đình tôi trên đất Mỹ tại Thành Phố Westminster, Nam California, cách đây mười chín năm. Lúc đó chúng tôi mới đến Mỹ được vài tháng.
Tác giả là cư dân Orange County và là giáo chức tại một trường trung học ở Los Angeles. Với bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, “Người Lao Công,” chuyện một nữ sinh viên có bố là lao công trong trường đại học,
Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa, từ trần ngày 12 tháng 11, 2015 (90–91 tuổi) tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Cung Tiến