Hôm nay,  

Cháu Tôi Tuổi 13

01/07/201500:00:00(Xem: 12708)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 3558-16-30108vb4070115

Tác giả sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Với 9 bài viết trong năm 2015, bà là một trong 10 tác giả được bình chọn vào danh sách giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ 16. Bài mới của tác giả hôm nay, ngày 1 tháng Bảy, thuộc về năm thứ 17 của giải thưởng.

* * *

Con bé đứng trước gương, buổi sáng chuẩn bị đi học. Hôm nay là ngày phát thưởng, sẽ nhận Honor roll nên em chăm chút mình một chút.

Cái áo Mẹ mới mua hôm cuối tuần. Bà ngoại cứ khen áo mặc thật đẹp. Mẹ cười đố bà ngoại bao nhiêu? Bà ngoại làm sao đoán cho đúng được. Bởi vì Mẹ chỉ cho chúng em vào Macy (Nghe thì oai và sang lắm) Nhưng chỉ được lựa ở những dãy save off 40% hay 50%. Mẹ nói các con đang sức lớn, nhà mình không giàu, mình chỉ có khả năng mua quần áo cỡ giá này thôi. Nếu chịu khó tìm, sẽ có nhiều quần áo đẹp

Mấy mẹ con tha hồ lựa, ướm thử, mặc thử và... tiêu chuẩn chọn mỗi người 1 bộ đồ.

Nói là nói vậy thôi, chứ năn nỉ mãi thì mẹ cũng xiêu lòng mua thêm bộ thứ hai (nếu giá rẻ). Mẹ rất yêu con nhưng cũng rất sòng phẳng. Nếu mẹ thấy món đó không cần thiết lắm mà mình vẫn thích muốn mua thì mẹ OK nhưng phải bỏ tiền túi ra thanh toán.

Ý kiến của mẹ khiến hai chị em phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Vì đó là những đồng tiền dành dụm chắt chiu. Như bộ đồ hôm Halloween mà hai chị em chọn. Mẹ cương quyết không mua vì bộ đồ năm ngoái còn mặc được. Nhưng nó đẹp quá, hai chị em thích lắm đành nhờ mẹ bỏ tiền ra trả trước. Về nhà Shannie hỏi bà ngoại sinh nhật nó vào cuối tháng 10, ngoại có cho quà nó không? Bà ngoại đương nhiên có quà cho cháu mỗi khi sinh nhật. Thế là nó ôm lấy ngoại và xin ngoại chọn bộ đồ Halloween này là quà của nó. Còn em đành móc ví đếm tiền thanh toán cho mẹ.
 Buy
Hôm Black Friday năm ngoái, ba mẹ dẫn đi Best Buy sắp hàng để mua cho Shannie cái laptop. Đương nhiên bằng tiền của Shannie. Thật ra Shannie rất muốn một cái Ipad, nhưng mẹ bảo cái Ipad không viết bài làm được, không lợi cho việc học, con nên mua laptop tốt hơn. Còn muốn chơi game thì mượn Ipad của bà ngoại. Thế là Shannie đồng ý.

Wow! Laptop mới, đẹp mà rẻ vì là ngày cửa hàng Tạ Ơn mà. Em thích lắm nhưng cái Laptop ở nhà của em vẫn còn xài tốt. Em xin mẹ, mẹ lắc đầu dù giá rất hời. Em chọn phương án 2 là trả góp tiền cho mẹ. Thế là mẹ đồng ý, hóa giá cái laptop cũ của em mẹ lấy để xài khi cần (vì Mẹ đã có cái desktop rồi), còn lại em phải góp trả cho đủ. Bà ngoại thấy vậy mới bảo em "Nếu năm nay em học toàn điểm A+ bà ngoại sẽ thưởng em 100$ để trả mẹ''.

Hôm nay là ngày em nhận Award ở trường. Hôm nay em vui lắm vì năm học chỉ còn 5 ngày nữa là xong. Em sẽ nhận tiền thưởng từ bà ngoại, ông cậu, ba, má cộng với số tiền em có sẽ thanh toán đủ cho mẹ số nợ này.

Cô bé đứng trước gương, vuốt ve mái tóc đã cột cao, nghiêng người nhìn dáng mình và cười trước gương. Em tô nhẹ lên môi mình một lớp vaseline mỏng, để môi khỏi bị khô nứt. Hàm răng em mới đi nha sĩ để niềng nên nhìn như hô ra, kỳ kỳ. Nó làm em khó chịu khi ăn và khó khăn mỗi khi clean. Nhưng mẹ bảo nó sẽ làm răng em đẹp hơn sau này. Ba mẹ đã bỏ một món tiền khá lớn cho em chỉnh sửa hàm răng không được ngay ngắn. Em phải chịu đau và giữ gìn nó. Em mỉm cười với mình và nghiêng người làm đẹp.

Bỗng em quay ra cửa, bà ngoại đã đứng đó tự bao giờ đang nhìn em khoe dáng. Ui chao em mắc cở quá vội chào bà ngoại và rút về phòng chuẩn bị đi học.

*

Thế là cháu tôi đã là một cô bé xinh đẹp tuổi 13. Chỉ còn một năm nữa là cháu lên Trung học.

"Em ước mơ những gì tuổi 12 tuổi 13". Tôi nhớ âm điệu bài hát này và thấy rất đúng với lứa tuổi của cháu tôi. Con bé đã bắt đầu có những nẩy nở con gái. Đã biết làm điệu, làm duyên và hay ngắm mình trước gương. Nhìn cháu mắc cỡ bỏ vào phòng tôi lại nhớ đến mình cái thời xa lắc xa lơ. Cái thời tuổi 12, 13 mới lớn.

Bây giờ cháu tôi mỗi đứa có cái phòng riêng, nệm êm, chăn ấm. Có những con thú nhồi bông đáng yêu ôm vào lòng khi ngủ. Còn tôi thuở đó mấy mẹ con ngủ trên cái giường mà những thanh gỗ cọt kẹt mỗi lúc trở mình. Chiếc chiếu tuy không rách lắm nhưng vài sợi gai đã bung ra, thỉnh thoảng thọt vào thịt cũng đau. Cái mền ba mẹ con đắp chung và thằng Út lúc nào cũng cuốn hết vào lòng.

Tuổi 13 của cháu tôi được vào mall để chọn cho mình những bộ đồ đẹp. Mỗi mùa hè hay mùa lạnh đều chọn lại những đồ mặc hết vừa, giặt sạch sẽ bỏ vào bao đem tặng Goodwill. Cháu lại có những bộ đồ mới mua, mặc vừa vặn xinh xắn và hợp thời trang.

Còn tôi tuổi 13 mỗi năm có chừng hai bộ đồ mà phải may ở tiệm. Đồ đồng phục mỗi năm được 3 bộ đi học, nếu cái nào còn mặc được thì sang năm khỏi may. Tôi nhớ cái áo dài bị dây sên xe đạp kéo tét một đường ngay eo. Tôi lấy chỉ khâu lại và dấu má không dám nói ra. Vậy mà nó cũng theo tôi tới trường suốt niên học. Má nói khi nào áo quá chật, gài nút không được, đường may đã nới ra hết vải mới má may cho áo mới.

Viết tới đây tôi lại nhớ má tôi quá. Bà già thiệt là nhà quê.Cả đời bà không hề biết đến chiếc áo ngực. Từ lúc còn con gái đến khi già, bà chỉ mặc bên trong là áo lá hay áo túi. Khi tôi bắt đầu lớn đã có ngực, bà may cho tôi một miếng vải dài bảo phải quấn đè ngực xuống. Đừng để nó nhô ra người ta cười.

Tội nghiệp, chiếc áo ngực đầu tiên mà má mua cho tôi là chiếc áo size lớn mà chị bán hàng lấy để cho má tôi mặc.

Chiếc áo ngực đầu tiên nhất y nhất hưởn đó là kỷ niệm suốt đời tôi không quên. Bởi vì tôi đã tháo nó ra, làm nhỏ lại. Theo mẫu tôi tự may cho mình những chiếc áo ngực thô sơ bằng vải vụn của má.

Bây giờ cháu tôi có đầy đủ những chiếc áo ngực thật dễ thương. Cháu coi đó là việc đương nhiên mẹ mua cho mình, chứ đâu biết bên ngoài biết bao trẻ em khó nghèo không có lấy một cái áo như vậy.

Tuổi 13 của cháu tôi trong sạch, ngây thơ chỉ thấy những gì tươi đẹp. Một con ruồi bay vào nhà là chúng đã vội đuổi ra sân để: "Về với má". Vài con kiến trinh sát bò vào nhà là chúng kêu vang lên rồi nói ngoại "Hốt nó thả ngoài sân để chúng về nhà" Một con nhện từ đâu rơi vào cái bathtube là hai chị em hét lên sợ hãi. Nhảy khỏi phòng tắm và phóc lên giường.

Tuổi chúng dệt đầy những hình ảnh của công chúa Lọ Lem gặp hoàng tử. Những con gấu dễ thương, con chó, con mèo xinh xắn để ôm vào lòng.

Tuổi 13 của tôi đối diện với nhiều thứ mà trẻ con không nên thấy. Như dì Bảy sát nhà tôi, ngày đầu tháng công nhân lãnh tiền phải núp đàng sau chuồng heo nhà tôi để trốn nợ. Thằng Châu bạn tôi phải nói dối "Má con đi đâu từ sáng tới bây giờ". Khi chồng dì về với mùi rượu và cái túi trống không, chúng tôi nghe rõ ràng hai vợ chồng chửi nhau bằng những lời thô tục nhất. Ngày mai dì lại năn nỉ má tôi mượn tiền, để trả đỡ cho chủ nợ tiền ăn đã ghi sổ. Nợ chồng nợ nên có lần không ai bán chịu thức ăn cho dì, dì và đàn con nhổ nấm nấu ăn, bị trúng độc cả nhà suýt chết. Sau đó thằng Châu vì muốn có tiền phụ mẹ, nó đi đãi cát ở con suối sau làng và đã bị chết trôi.

Tuổi 13 của tôi đã nghe tiếng heo la thảm thiết vì bị thọc huyết ở đầu xóm, và khi đi học ngang nhà đã thấy bác Chí gật gù bên chai rượu với dĩa tiết canh đỏ lòm vừa làm xong. Cũng có khi chứng kiến Bác xách dao rượt chị Hồng chạy cùng xóm vì tội không mua rượu cho Bác.

Tuổi 13 tôi còn chứng kiến nhiều thứ thật đáng sợ của những người dân trong thời buổi chiến tranh. Cái tuổi thơ ngây trong trắng đã bị thời cuộc ghi vào tiềm thức những hình ảnh ghê rợn của cuộc chiến ý thức hệ. Những bản án treo vào cổ người dân bị giết. Những lần bị đắp mô đường, những đêm chó sủa vang trời nằm trong nhà mà sợ vu vơ. Cho nên mấy con ruồi, con kiến, con nhện hay cả con trùng, con dế đối với bọn chúng tôi chả nhằm nhò gì.

Tuổi 13 tôi đi học với chiếc xe đạp chạy từ làng quê ra quận lỵ. Gà mên cơm đem theo mắc cở không cho ai xem vì thiếu thịt cá. Cháu tôi bây giờ đi học được ăn ở trường và thức ăn giống nhau không phân biệt giàu nghèo. Chỉ khác là người income thấp khỏi trả tiền, người trung lưu phải đóng tiền ăn cho con cái.


Hôm qua cháu tôi học nhóm đem một tốp bạn vào nhà. Con gái tôi order bánh Pizza to đùng ở Costco cho chúng. Mấy anh chị đánh một loáng là xong và bắt tay làm việc. Những tiếng nói tiếng cười, tranh cãi vang lên vui vẻ trong căn nhà đã im ắng từ sáng tới giờ.

Tôi lại phát hiện một điều khá tốt về giáo dục ở Mỹ. Câu chuyện như thế này:

Cháu tôi là leader của nhóm này (Nhóm giỏi của trường) Tuần trước bà cố cháu mất phải phải nghỉ học 2 ngày để tham dự tang lễ. Cô giáo đã đưa cháu ra khỏi nhóm và điều một em khác vào thay. Trong lễ tang cháu nhận được tin từ bạn gửi tới báo. Cháu rất bất bình.

Hôm sau đi học, cháu gặp ngay cô giáo phụ trách để chất vấn. Tôi hỏi rồi tiếp theo như thế nào? Cháu nói nếu cô giáo không giải quyết hợp lý con sẽ hỏi lên tới counsellor vì như vậy là không đúng. Chúng con làm việc rất tốt, ăn ý. Con chỉ vắng mặt vì lý do nhà có tang chứ con không trốn học. Cô giáo không có quyền đá con ra.

Và thế hôm qua cháu được trả về nhóm cũ và chúng đang ì xèo làm project cuối cùng.

Cháu tôi được dạy tinh thần tự lập, phát huy sáng kiến. Có quyền nói lên sự bất công nếu mình phát hiện. Người giáo viên ngoài là một người thầy còn là một người bạn, để học sinh có thể nói lên tất cả những gì mình nghĩ trong học tập hay trong đời sống. Tuy nhiên người thầy giáo tại nước Mỹ này cách ăn mặc hay đi đứng rất phóng túng và tự do. Ông thầy của cháu tôi để râu, cột tóc dáng vẻ ngang ngang là một dân chơi hơn là một nhà mô phạm.

Tuy nhiên cháu tôi rất thích và gần gũi, tin cậy. Cháu biết rõ về đời tư của thầy, gia đình và con cái. Sinh nhật thầy tự tay cháu làm thiệp và bỏ tiền túi mua quà tặng.

Có ông thầy ban ngày dạy học, chiều đến làm waiter trong một quán ăn. Cháu tôi thấy là một việc bình thường. Cháu còn nói mẹ đến tiệm đó ăn để ủng hộ, để cháu gặp thầy chào hỏi. Sự kính trọng không hề thuyên giảm trong tâm hồn cháu.

Chả bù chúng tôi ngày xưa, ông thầy cao cao tại thượng, còn cô giáo là một hình ảnh thanh cao, sang trọng và quý phái. Chúng tôi nhìn những người dạy mình như một tấm gương sáng để noi theo. Cho đến sau này, những ngày tang thương của đất nước. Chúng tôi bắt gặp cô giáo thời tiểu học ngồi bán cháo ở bên đường, ông thầy phải vào vùng kinh tế mới làm rẫy. Tôi thấy tim mình bị bóp lại thương xót và uất hận. Trong tôi thầy giáo không thể tháo giày làm việc lao động. Nhưng nhìn lại mình, mình cũng là nhà giáo, cũng vất vả bon chen vì miếng ăn. Cuộc sống còn thê thảm hơn thầy nên đành cúi mặt làm lơ. Không dám chào để khỏi làm tủi lòng thầy và đau xót phận mình.

Có một lần con gái tôi đi họp phụ huynh, cô giáo cứ nhìn con tôi bằng đôi mắt kỳ lạ. Con tôi ngạc nhiên và hỏi cô ấy. Cô ta trả lời:

- Tôi thấy bà không phải là một người thích uống rượu. Bà là một bà mẹ thông minh, chững chạc và rất tốt.

- Tại sao cô nói như vậy? Con tôi ngạc nhiên hỏi cô giáo và cô ta trả lời:

- Có một lần về đề tài "Mẹ em thích gì?" Shannie đã nói "Mẹ em thích uống rượu."

Suy nghĩ mãi con tôi mới nhớ ra:

Thì ra một lần trong nhà có tiệc, con tôi đã nói đùa là mình thích uống rượu để chọc mấy cậu ở VN hay nhậu nhẹt. Và cháu tôi tưởng đó là câu nói thật và đã lấy đó trả lời câu hỏi ở trường.

Cho nên đừng nên đùa với trẻ con những điều không nên đùa. Nhất là đôi khi giỡn chơi ta hay nói đùa với con là "mẹ không có sinh con ra. Mẹ nhặt con ở thùng rác" hoặc "Con đâu phải con của ba con, con là con của ông hàng xóm" hay "Con đâu có nét nào giống mẹ, con đâu phải con của mẹ sinh ra. Mẹ xin con về nuôi đó " v. v...

Những câu nói đùa trong một lúc vui miệng nhưng trẻ con đôi khi tưởng thật và sẽ ảnh hưởng rất lớn với tâm lý và sự phát triển của con. Nhất là ở tuổi bắt đầu suy nghĩ, hiểu biết, cháu tưởng đó là sự thật và đi tìm tông tích mình. Đôi khi tủi thân và trở nên trầm cảm, tách biệt gia đình và bỏ lơi việc học.

Riêng tôi lúc các cháu còn nhỏ tôi cũng đã bị một lần mời lên văn phòng để gặp counsellor của con. Lúc đó cháu Duy cũng khoảng tuổi 13.

Chúng tôi nhận được giấy mời từ trường phải lên văn phòng có việc cần. Chúng tôi rất hoang mang vì cháu học rất giỏi, ngoan ngoãn. Không biết đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng.

Một vị thầy hỏi chúng tôi có làm gì không mà con tôi có ý nghĩ về cái chết. Trong gia đình có làm điều gì ảnh hưởng đến tâm lý của cháu khiến cháu lại có những suy nghĩ lạ kỳ.

Chúng tôi thật rất ngạc nhiên và hỏi lại thầy giáo nguyên nhân. Thì ra trong một bài luận cháu đề cập đến con người. Cháu nói sẽ làm mọi điều tốt, điều thiện để nếu chết đi kiếp sau cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Đó là những tư tưởng và triết lý của đạo Phật mà ông ngoại cháu thường dặn dò con cháu vì ông là một nhà tu.

Không ngờ cháu nhớ mãi và đem vào bài luận. Các thầy giáo là những người không có cùng tôn giáo nên không hiểu điều này và coi đó là một tư tưởng yếm thế rất nghiêm trọng.

Chúng tôi cố gắng giải thích nhưng cũng không đánh tan mọi sự suy đoán không tốt về gia đình. Cuối cùng phải cho gọi cháu Duy lên. Trước mặt counselor, thầy và cha mẹ, cháu giải thích về bài viết của mình và trả lời mọi thắc mắc của thầy giáo.

Lúc đó nhà trường mới vỡ lẽ là không phải cháu chán nản nghĩ đến cái chết mà cháu luôn tâm niệm con người có quả báo, có luân hồi. Phải làm điều thiện để tạo nghiệp lành cho kiếp sau.

Ôi ! con trai của tôi làm cha mẹ điên đầu, suýt nữa bị nhà trường tố giác abuse trẻ em.

Tôi phải công nhận tuổi 13 của trẻ con tại Mỹ thật bén nhậy và thông minh. Cháu tôi không hề có Ipad và mẹ cháu mới cho cái Iphone 5 đã cũ bị loại ra. Thế nhưng cách sử dụng mới đó mà cháu xài rành rọt. Tôi và cả mẹ cháu nhiều khi cũng phải nhờ cháu chỉ dùm mỗi khi gặp trục trặc.

Trong nhà, để tập cho cháu có trách nhiệm, con gái tôi phân công rành rọt và hai chị em cháu tôi chia nhau công việc. Lúc trước hai đứa phân công rửa chén: Con chị ngày lẻ, con em ngày chẵn. Chủ nhật thì hai chị em làm chung vì là ngày nghỉ. Con tôi trả công $1.50 một tuần cho mỗi đứa.

Sau này thêm phần quét và lau nhà thì con chị rửa chén nguyên tuần, con em lau nhà mỗi tuần 4 lần, kiêm kiểm tra cửa mỗi tối. Mẹ cháu tăng lương $2.50 mỗi tuần.

Riêng tôi, để cháu quan tâm và có trách nhiệm với ông ngoại. Tôi trả cho mỗi cháu $1 một tuần. Nhiệm vụ báo cho bà ngoại hay cha mẹ mỗi khi ông ngoại cần giúp mà cháu không làm được.

Đồng lương chẳng có gì đáng nhưng tập cho cháu có trách nhiệm với gia đình. Có cái nhìn đứng đắn về đồng tiền bằng sức lao động để tiêu xài chừng mực. Nếu làm tốt, ngoài tiền lương sẽ có tiền thưởng.

Mỗi khi học giỏi, sinh nhật hay Tết, tiền nhận được từ ông bà, cha mẹ hay bà con, mỗi cháu có một account riêng để gửi mẹ. Nếu bất ngờ hỏi: "Con có bao nhiêu tiền?" cháu sẽ lật sổ ghi chép ra trả lời ngay. Tiền của cháu, cháu được quyền rút ra để xài riêng bất cứ lúc nào nếu hợp lý.

Con tôi không hạn chế vấn đề chi tiêu cho việc học, nhưng luôn khuyên con xài giấy hay các vật liệu khác đều cần tiết kiệm vì sản xuất ra dụng cụ đó là công sức con người và tài nguyên đất nước.

Hè năm nay để thưởng cho các con học giỏi, ngoan ngoản, con tôi lấy một chuyến đi cruise ngắn ngày. Các cháu tôi mừng lắm, nôn nao muốn được chứng kiến biển, trời và thăm Mexico.

Còn tôi, mỗi cháu đều được điểm cao nhất, lãnh giấy khen, tôi thưởng cho mỗi cháu một MP3 player để cháu nghe nhạc trên đường đi chơi. Bây giờ mấy mẹ con đang chuẩn bị đồ đạc xếp vào vali. Cả gia đình con tôi sắp có một chuyến hành trình thú vị. Hai vợ chồng già tôi ở nhà với vườn rau và con chó Lucy.

Tuổi 13 của cháu tôi ươm đầy những ước mơ và hy vọng.

Mong rằng với đất nước giàu đẹp này, những ước mơ của cháu tôi được chắp cánh bay cao. Mong rằng những mầm non tươi đẹp này không bị gió mưa, bão tố cản trở.

Ngày mai, con tôi xuống tàu để cháu tôi khám phá thêm những điều mới mẻ. Tôi ngồi bâng khuâng viết những dòng này.

Nhớ xưa bà ngoại tuổi 13.
Áo dài đi học thật thướt tha.
Cột lại nhảy dây, ngây thơ lắm.
Nhìn lại. Ờ nay mình đã già.

Giá được trở về tuổi 13
Thì sao? ừ nhỉ! Thì sao ta?
Lại cũng nhảy dây, chơi đánh đũa.
Cái tuổi vô tư vậy đó mà.

Nguyễn Thị Thêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,075,198
Tác giả sinh năm 1972. Từng là một thuyền nhân, rời Việt Nam năm 10 tuổi khi cùng gia đình vượt biển năm 1982. Tốt nghiệp Management Information System, từng có hơn 20 năm làm việc cho CiscoSystem inc.,
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu viên chức hưu trí tại Little Saigon. Với nhiều bài viết đặc biệt, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ.
Trần Du Sinh đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa.
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Với bài "Lính Mỹ Gốc Nail" và 5 bài khác trong năm, tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả tên thật Nguyễn văn Mẫn, Sư phạm Qui Nhơn khoá 13, vượt biển năm 1978, hiện định cư ở Úc. Gia đình: vợ, 2 con. Công việc: technician bên viễn thông.
Tháng 8 năm 1963, tôi xách chiếc va li nhỏ vào trường Sư phạm Quy Nhơn trước sự ngạc nhiên của bạn bè cùng lứa: "Con Hồng mà học Sư phạm Quy Nhơn ni à?".
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến