Hôm nay,  

Tháng Tư 1975: Từ Chuyến Bay Sau Cùng

25/04/201500:00:00(Xem: 14161)
Tác giả: Trương Ngọc Anh
Bài số 4517-16-29917vb7042515

Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viêt mới là tự truyện về tháng Tư 1975: Nhờ được báo mộng mà gia đình lên được chuyến bay sau cùng rời phi trường Tân Sơn Nhất. Bài đang 2 kỳ. Tiếp theo và he6ết.

* * *

Ngày 24 tháng 4, năm 1975, anh Ngà, bạn của chú Hiếu, lái Honda tạt ngang nhà, dựng vội xe ngay trước cửa, vô chào má, xong nói gấp rút với tôi:

- NA đưa má với mấy em ra phi trường Tân Sơn Nhứt liền lập tức, trễ rồi, đi liền đi. Người ta rần rần trong đó chờ đi Mỹ.

Tôi hoảng hốt, hỏi lại:

- Còn anh thì sao?

- Anh mới vừa ở đó về đây, nhớ tới em, ghé cho em hay tin.

- Sao anh không đi?

- Anh lên máy bay rồi chớ, nhưng... trở xuống.

Anh ngập ngừng, nhìn qua má đang ngồi kế bên:

- Cháu chưa đi được, còn ba má già lắm, còn bầy em, cháu là con trưởng. Cháu về nhà nói chuyện với gia đình rồi tính sau. Bác ơi, đi liền đi.

Hai má con ngó nhau, bất ngờ, chưa suy nghĩ được gì thì anh đã chào từ giã, hấp tấp trở ra xe. vài phút sau, anh lại quay trở vô, tay cầm mấy cuốn sách Luật đưa cho tôi, nói nhanh:

- Em giữ lấy.

Là lính Không quân, đang làm việc trong phi trường Tân Sơn Nhứt, anh dành thì giờ học ở trường Luật, còn tôi, tập tễnh năm thứ hai. Sách luật rất mắc tiền. Anh tặng cho tôi mấy cuốn sách đang học, ngụ ý muốn tôi đem theo như một kỷ niệm cuối cùng, đương nhiên anh đã biết rõ sách luật sẽ không cần thiết nữa cho cả anh lẩn tôi, dù đi hay ở lại. Chúng tôi chia tay, chưa kịp nắm lấy bàn tay nhau.

Còn nhớ, anh và tôi đi chơi với nhau duy nhất một lần. Anh đưa tôi lên Thủ Đức ăn bánh bèo, vô cái quán nhỏ xíu đông nghẹt, ồn ào, khách ăn toàn dân "kaki", làm tôi đỏ mặt. Vô vườn Lái Thiêu anh mua trái mít tố nữ vàng tươi, biểu tôi ăn thử cho biết. Anh chở tôi ghé thăm một người bạn Không quân có cô vợ đang mang bụng gần ngày sanh, khi chúng tôi vô nhà, người vợ bưng nước ra mời, rồi rút vô trong mất tiêu suốt buổi. Trên đường về tôi hỏi sao chị không ra ngồi nói chuyện thì anh nói vợ do cha mẹ ở quê cưới, không thương yêu gì hết. Còn nhớ lúc đó tôi rất bất mãn, giận lây cả anh. Trên đường về hai đứa mắc mưa, phải trú trong một túp lều phên vách rách nát bên đường. Lúc đó, tưởng rằng anh đã hôn tôi, nhưng rồi, trời cứ mưa và hai đứa cứ co ro bên cạnh nhau mà chưa từng nắm lấy bàn tay.

Cả mấy tháng nay tôi có học hành gì đâu, trường Luật lác đác sinh viên, Thầy Cô vắng mặt nhiều lớp. Tới trường, rồi ôm sách lang thang nghe ngóng tình hình đang mỗi ngày một xáo trộn, hàng quán gần đó vẫn lao xao nhưng người ngồi ăn càng vắng. Lòng tôi băn khoăn với quyết định lớn nhất trong đời mình, bỏ nước ra đi. Mới hôm qua tôi hẹn gặp nhỏ bạn thân bảy năm trung học GL là M. Hạnh. Hai đứa con gái đã lang thang trong mấy con phố Saigon, tâm trạng rối bời, nói chuyện đi hay ở, tạt gánh bên đường ăn tô bún ốc, hột vịt lộn, rồi ghé qua thư viện quốc gia trên đường Lê Thánh Tôn thì tình cờ gặp Điện, một người bạn cũ. Hai đứa bạn gái chia xẻ nhau địa chỉ người quen bên Mỹ, để phòng hờ, sau đó bịn rịn chia tay. Tôi không muốn về nhà trong tâm trạng ngổn ngang nên ở lại thư viện với Điện.

Gặp lại Điện, bất ngờ, vì hai đứa đã không gặp nhau hơn hai năm rồi. Anh kể chuyện học trò của anh, khoe rằng thường được mấy cô nữ sinh yêu cầu ca trong lớp, vì môn toán anh đang dạy rất khô khan nên anh thường chìu ý học trò, anh còn khoe thêm cái dây nịt mới mua, hỏi tôi xem có đúng tác phong giáo sư. Anh vẫn như trước, nói huyên thuyên, thỉnh thoảng cất giọng ca rất trầm ấm, ngọt ngào. Còn tôi, ngồi nghe anh nói, nghe anh ca để quên đi lo lắng. Nói chán, ca hết mấy bài hát "tủ", anh lôi giấy viết ra, vẽ đơn sơ bản đồ VN hình chữ S, rồi nói, đơn giản hiển nhiên như là hai cái đầu chúng tôi cùng đang lo toan về một chuyện giống nhau:

- Ngọc Anh xem, mọi ngả đường đều đã bị chận... đây... đây nè, mình chỉ còn đường biển để thoát.

- Điện đi không?

- Anh chưa biết, gia đình anh không có ai ở ngoại quốc, nếu đi, anh nghĩ sẽ đi bằng đường biển, phó mặc tới đâu thì tới thôi.

Giọng anh trầm ngâm, nhuốm đầy lo nghĩ.

Chúng tôi chia tay, không một hẹn hò.

Buổi sáng Ngà đến nhà, chiều hôm đó, Lân ghé thăm tôi. Lân là người bạn trai hàng xóm cuối cùng của tôi ở thời điểm đó. Lân nói, sau khi nghe tôi kể chuyện về anh Ngà:

- Có cơ hội NA cứ đi liền đi, chị Xuân bên Mỹ rồi. Lân có anh chị bên Pháp, nếu phải đi, chắc là sẽ qua bển chứ không qua Mỹ.

Tôi hiểu Lân sẽ đi, vì gia đình người công giáo không thể sống dưới chế độ cộng sản vô thần, đã kinh qua từ cuộc di cư năm 1954 từ Bắc vô Nam.

Lân hấp tấp về, lòng tôi nặng trĩu, bạn bè trước mắt đã xa.

Má đang lo làm một số giấy tờ ủy quyền nhà cửa, xe cộ cho người bà con, mua ít vàng, đổi ít tiền đô Mỹ để phòng thân, rồi dặn dò tụi tôi mỗi đứa ráng thu xếp đồ đạc càng gọn càng tốt, thu vào một túi nhỏ, mạnh của đứa nào nấy lo. Mình chạy giặc mà, Má nói. Kinh nghiệm của má từ những ngày "tiêu thổ kháng chiến" chống Pháp hồi xưa ở miền Tây, bỏ nhà cửa chạy giặc cộng sản năm Mậu Thân khi ba tôi bị thảm sát.

Hai người chị lớn đã ở bên Mỹ vài năm trước rồi, chị ba Xuân đem theo hai đứa em gái nhỏ, nên trong nhà lúc đó có tôi là đứa lớn nhứt, kế tiếp hai em gái và một em trai. Tự nhiên tôi cứng cỏi hẳn lên, tình hình đã nguy cấp lắm rồi, phải đi ngay.

Mấy ngày trước đó Saigon thảng thốt đầy tin đồn khi tình hình quân sự càng ngày càng xấu. Ngoài đường ai nấy đều lộ rõ nét lo âu, giới nghiêm tăng thêm giờ, thành phố hoang mang từ mấy tháng rồi, kể từ khi thành phố núi Ban Mê Thuột thất thủ, rồi tới Pleiku, những cuộc lui binh bàng hoàng. Hàng ngàn, rồi trăm ngàn người dân di tản chiến thuật từ miền Trung đổ xuống đồng bằng, vô tới Phan Rang, Nha Trang dưới lằn đạn pháo kích của cộng sản...

Ở Saigon, chúng tôi chỉ biết theo dỏi tin tức trên TV mỗi ngày. Tôi vẫn còn nhớ, một lần TV chiếu rõ hình ảnh một bé gái lạc gia đình khoảng từ Nha Trang Đà Lạt, 5-6 tuổi, rất xinh xắn trong bộ áo đầm, trông ra vẻ con nhà khá giả. Bé bơ vơ một mình đôi mắt ngơ ngác kiếm tìm thấy thương nên phóng viên chiếu hình ảnh của bé hy vọng có người họ hàng bà con nào nhìn thấy mà thu nhận. Tôi cũng nhìn thấy những máy bay chở thức ăn thả xuống dọc quốc lộ 1 cho dân quân đang trên đường di tản, đói khổ, thất tán.

Khi tình hình chính trị của miền Nam tự do bấp bênh dầu sôi lữa bỏng, tôi đã liên tục viết thơ cho chị tôi gởi qua Mỹ, kể rõ từng diễn biến. Những lá thơ nầy sau 40 năm, chị tôi vẫn còn giữ.

1. Ra đi

Sáng sớm ngày 25 tháng Tư, vừa hết giới nghiêm, mấy mẹ con chen chúc nhau trên chiếc xe xích lô máy tới tòa đại sứ Mỹ trên đường Thống Nhất, vì theo anh Ngà cho biết, nhiều chuyến xe buýt từ đó chở dân vô phi trường Tân Sơn Nhứt để di tản qua Mỹ. Tiễn chúng tôi có má Bảy, chế Tùng, và anh Lang, em nuôi của má. Tôi nghiệp con chó vàng kiki của chúng tôi quẩy đuôi lính quính chạy theo xe một đoạn xa.

Khu vực trước Toà Đại sứ Mỹ đã có rất đông người đứng trên lề đường ngong ngóng chờ xe buýt, thấy ai cũng cầm cái túi nhỏ trên tay, nhiều người đi nguyên gia đình, mặt mũi ai nấy thắc thỏm nhớn nhác, tuy vẫn còn thấy vài cô gái diện chiếc váy midi là mốt đương thời. Saigon thời gian nầy tuy thảng thốt vì có nhiều tin đồn nhưng chưa quá hỗn loạn vì nhiều người dân còn lưỡng lự giữa đi và ở.

Xe buýt tới từng chiếc vừa tạt lề đường thì thiên hạ chen nhau leo lên. Chúng tôi lên được xe buýt, nhưng gia đình bị tách làm hai vì cảnh chen lấn. Tôi và em Loan dính sát nhau chen lên xe, nhưng má với hai đứa em đứng ngay phía sau bị một người đàn ông to con dang tay chận để gia đình ông ta lên hết, nên bị kẹt lại, mấy má con lạc nhau lúc nầy.

Chuyến xe buýt hai chị em tôi lên được, khi tới cổng phi trường Tân Sơn Nhứt bị chận lại, nhưng rồi họ cho chạy vô trong mới thả người xuống. Sau đó má và hai đứa em chen được chuyến xe kế, cũng tới cổng phi trường, nhưng lúc nầy họ không cho xe buýt chạy vô cổng nữa mà thả người ở ngoài. Má kể lại thì lúc đó ba mẹ con và rất đông người đứng lớ ngớ ngoài cổng phi trường, hoang mang lo lắng vì lạc hai đứa con, may có bác Cúc, là người hàng xóm làm tài xế chuyên chở người Mỹ vừa trờ tới, xe bác lái có quyền ra vô cổng, đã ngừng lại chở ba má con vô trong. Bác Cúc không muốn đi, nói còn nhà cửa, con cái nên không đi được.

Phần tôi và Loan, đã vô tới trong rồi thì lúc đó cổng TSN bắt đầu bị chận lại. Hai chị em lo quá, đi dài dài kiếm má thì Loan thấy bên hông hàng rào kẻm gai có cái lổ trống mới nói với tôi để nó chun ra bằng lổ đó, trở về nhà coi má có về nhà không, Còn tôi sẽ ở lại tiếp tục kiếm má với hai đứa em, hẹn nhau ở đây.

Theo lời Loan kể lại: "Ra được phía ngoài rồi, tui kêu đại chiếc xe ôm trở về nhà (vừa ngồi vừa ôm ông đó mà trong lòng run muốn chết vì lần đầu... ngồi xe ôm). May mắn là tối hôm trước má mua mớ vòng vàng, nữ trang còn lại mớ tiền má mới chia ra đứa chút đỉnh giữ trong mình, rủi có lạc nhau thì có tiền mà ăn....vậy mà lạc nhau thiệt, có tiền đi xe ôm!

Về tới nhà tui dặn ông xe ôm đợi, tui sẽ trở ra liền. Vô nhà gặp dượng Bảy, cho dượng hay bị lạc má rồi, bây giờ con phải làm sao? ở nhà đợi hay trở vô TSN?. Dượng Bảy nói "Mày trở vô trỏng liền đi, chừng nào má mày có trở về thì tính sau, tụi bây cứ đi đi...tui mới chạy trở ra TSN chui trở vô bằng lổ đó, chưa có nhiều người biết".

Tôi loanh quanh chưa tìm thấy má nên quay trở lại chờ ở đó, hai chị em gặp lại nhau.

Hai đứa tiếp tục kiếm má, thấy người ta rất đông, đông nghẹt, nhiều người còn tắm ngờ ngờ chỗ máy nước nữa, chắc đã vô từ mấy ngày trước rồi. Loanh quanh một lát mới gặp lại má đang dắt díu hai đứa em, mừng quính. Tới chiều thì cổng phi trường bị đóng hoàn toàn vì người ta ngăn không cho mấy người buôn bán đồ ăn lan tràn vô trong.

Chiêu tối, năm má con dành được một chỗ nhỏ xíu để được mấy túi đồ ngồi dựa nhau nhắm mắt cho đỡ mệt. Phòng này hình như là phòng tập thể dục hay là phòng hội gì đó, lớn lắm mà người thì đông nghẹt.

Cổng phi trường lúc đó đã bắt đầu hỗn loạn, chen lấn. Mấy người lính Quân Cảnh mặc quân phục tác chiến với đầy đủ súng ống canh gác, họ chận từng người lại trước khi cho vô, trên trời máy bay lên xuống sinh hoạt ồn ào suốt đêm tới sáng.

Sau khi ngồi thở một chút cho hồn vía trở về, má với hai đứa em nhỏ ở lại phòng chờ, hai chị em tôi cầm giấy tờ của cả nhà đi theo những người khác dò hỏi. Sau cùng mới phong phanh tin tức là người Mỹ lập danh sách di tản ở khu làm việc DAO (Defense Attache Office). Tôi và em kế mang giấy tờ, sắp hàng trước cửa. Chờ mãi nhích từng chút cho tới trên mới được biết chỗ nầy họ chỉ lập danh sách cho những nhân viên làm việc trong cơ quan. Vậy là hai chị em lếch thếch chạy khác. Sắp hàng tới ba chỗ mà vẫn không được vào danh sách di tản và không còn chỗ nào để sắp hàng nữa. Thất thểu trở về chỗ má, hoàn toàn thất vọng!

Nửa đêm 26 tháng Tư trong phi trường, ngồi mệt mỏi như chìm vào giấc ngủ thiếp đi, bỗng nghe má lay gọi: "Mau mau đi sắp hàng chuyến chót mười giờ rưỡi".

Hai đứa choàng dậy, chạy, tới trước cửa cơ quan DAO thì cửa đã đóng. Đêm khuya chung quanh vắng tanh không có ai. Không biết làm gì bây giờ, hai chị em chỉ biết ngồi ở băng nhỏ phía trước cửa, cứ ngồi đó, hy vọng có người mở cửa để hỏi. Chờ một lát thì thấy cánh cửa mở, một người Mỹ dân sự cởi trần, bước ra ngoài có vẻ như để thở không khí, bèn chạy tới đưa cho ông coi xấp hồ sơ bảo lãnh từ bên Mỹ của chị tôi. Ông đọc sơ, bảo hai đứa theo vô phòng.

Bước vô thấy trong phòng chói lòa ánh sáng đèn, người ngồi chăm chú làm việc rất đông, đa số là người Mỹ, giống như họ làm việc 24/24. Họ xem hồ sơ, ghi tên người chủ gia đình là má tôi, và 4 đứa con đi theo là 5 người, viết tay trong miếng giấy nhỏ có số, giờ và nơi chốn, nói sáng sớm ngày mai qua đó sắp hàng, chờ lên máy bay chuyến 10 giờ rưỡi. Mừng quá trời, hai đứa chạy trở về chỗ má đang chờ, báo tin, sửa soạn đồ đạc và kiếm chỗ sắp hàng.

Hai đêm 25 và 26 tháng Tư, ở phi trường TSN, nghe tiếng đạn pháo đâu đó xa xa, không khí thật ảm đạm. Chúng tôi ngồi nhìn khói bốc lên trên bầu trời xám, rồi mưa lớn, khói đọng mây mịt mù tối ám giữa ban ngày, tai nghe tiếng đạn đại bác pháo kích, nghĩ tới ngày mai không biết có ánh sáng.

Cả nhà qua đêm không ngủ thứ hai trong TSN. Chính tôi cũng không nhớ hai ngày đêm trong phi trường TSN tôi có ăn uống gì không? Chung quanh người đông như cá hộp, chen chúc. Khuya 26, ngồi thao thức lóng tai chờ sáng để sắp hàng chờ gọi tên lên máy bay chuyến 10 giờ rưởi sáng ngày 27 tháng tư, mắt ngước nhìn bầu trời, thấy máy bay lên xuống nườm nượp không ngừng trong tiếng đạn pháo, tiếng người nói lao xao suốt đêm.

Sáng ra, lúc sắp hàng để lên máy bay, cả nhà đứng gần chót, thì có mấy chiếc xe jeep ngừng lại cái rẹt khẩn cấp, thấy vài quân nhân Việt nhảy xuống, tiến về mấy người Mỹ phụ trách đưa người lên máy bay, nói chuyện qua lại gì đó...nghe người ta thầm thì từ đầu hàng cho tới cuối, là phía bên VN họ nói đàn ông, con trai phải ở lại hết, chỉ đàn bà con gái được đi thôi.

Sau hơn hai tiếng chờ đợi giữa trời nắng chang chang thì nghe tin được cho đi hết. Chúng tôi đi hàng một theo mọi người, má là chủ gia đình đứng trước cầm miếng giấy nhỏ viết tay ghi tên người chủ gia đình, số người đi là 5, và chuyến bay 10:30, khi tới cửa máy bay họ coi miếng giấy, đếm số người, rồi thúc hối lên máy bay rất lẹ. Khi tất cả lên hết xong là máy bay cất cánh liền.

Đây là máy bay quân sự, chỉ có hàng ghế sát vách, người lên trước đã ngồi, cho nên chúng tôi là những người lên sau ngồi dưới sàn. Sau nầy tôi mới biết đó là những chuyến vận tải cơ C-130 dành di tản dân tị nạn cộng sản lúc đó.

Xếp hàng lên máy bay xong, cả nhà ngồi bệt dưới sàn phía sau bên trái, nhìn từ phía đuôi máy bay. Máy bay chạy trên phi đạo, dọc hai bên cửa sổ trên máy bay là mấy người lính Mỹ đi theo, ngồi ôm súng chĩa ra ngoài. Phía bên phải khoảng giữa máy bay, thình lính, một người lính xạ thủ Mỹ mở cửa ngang hông và bắn một tràng đạn đại liên ra khoảng đất trống ở phía xa xa (không biết để làm gì?). Bắn xong, họ đóng cửa lại, máy bay rời khỏi phi đạo.

Máy bay quân sự chở chúng tôi qua phi trường Subic, Phi Luật Tân. Tại đây chúng tôi sắp hàng ra khỏi máy bay, vào phòng chích ngừa. Em tôi còn giữ giấy chích ngừa, ghi ngày 27 tháng tư, 1975, của Medical Base. Ở đây chờ khoảng hai tiếng, chúng tôi lại lên máy bay để bay qua đảo Wake. Theo tài liệu (*) thì thời điểm nầy Tổng Thống Phi Luật Tân là Ferdinand Marcos từ chối nhận người Việt tị nạn cộng sản vào Phi.

Sau khi qua tới đảo chúng tôi mới biết đó là ngày hôm đó bốc người di tản cất cánh từ TSN, vì sau chuyến bay đó phi trường bị dội bom, mọi chuyến bay đều ngừng.

Sau khi đến đảo Wake, sáng ngày 28 tháng Tư nghe tin phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị dội bom chiều tối ngày 27. Mọi chuyến bay di tản đã chấm dứt. Saigon đã thực sự rơi vào khủng hoảng hỗn loạn. Gia đình tôi đã đi thoát trong gang tấc bằng chuyến bay cuối cùng.

Qua tới Mỹ rồi, má tôi mới kể lại là đêm đó má đang nằm lim dim thì thấy chiêm bao ba lắc lắc, gọi "thức dậy, thức dậy, đi đi, chuyến chót 10 giờ rưỡi". Lạ cái là má hỏi mấy người chung quanh thì không ai nghe tin nầy hết. Ba tôi đã chết từ năm Mậu thân. Má tôi tin Ba linh thiêng theo phù hộ mấy má con lúc gặp nguy hiểm nên cho hay tin.

Tới đảo Wake khuya ngày 27 tháng Tư năm 1975. Trời tối hù, đoàn chúng tôi mệt mỏi, đói nữa, cũng đi theo hàng một, theo người đi trước, hai bên là ánh đèn pin chiếu sáng từ những người lính Mỹ dẫn đường. Đây là một căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, vùng biển Thái Bình Dương, thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chúng tôi được sắp xếp theo từng gia đình, sống trong những căn cứ nầy, ở trong dãy nhà kiểu Hanga nóc tròn của trại Thủy Quân Lục Chiến, với toàn bộ vật dụng, giuờng đôi, gối mền của quân đội. Ngay lúc vào trại đã được phân phát những vật dụng vệ sinh cá nhân đầy đủ, ngay cả vật nhỏ bé nhưng cần thiết của riêng phụ nữ cũng không thiếu.

Mấy ngày ở đảo Wake, ba bữa sáng, trưa, chiều, chúng tôi xếp hàng rồng rắn để lãnh khẩu phần thức ăn, do những người lính Mỹ phân phát từng dĩa. Thức ăn đủ loại. Thường có món móng heo hun khói hầm đậu. Nhiều trái cây nhưng rau cải thì hiếm hoi. Chúng tôi thường ăn trứng chiên vào mỗi buổi sáng. Ngồi bàn ăn tại chỗ không được đem thức ăn về phòng.

Lúc ăn trong nhà ăn, tôi hay tìm chỗ gần gần nhà bếp, để xem hoạt động của những người bên trong. Tôi nhớ người lính đứng cạnh cái nồi thật lớn. Anh đập vỏ trứng gà vô thành nồi, tách đôi cái vỏ để trứng rơi vô nồi. Tôi thấy anh đứng đó, trong bữa ăn sáng, và trưa chỉ đập trứng cho vô nồi, trứng nhỏ xíu mà cái nồi bự khổng lồ.

Sau bữa ăn, việc dọn dẹp bàn ghế, lau sàn phòng ăn, chung quanh bên ngoài phòng ăn đều nhờ bàn tay những người lính TQLC,, kể cả việc lượm từng miếng rác, hay moi miếng băng vệ sinh đỏ lòm có người vô ý bỏ vào bồn làm nghẹt cầu.

Ở phòng kế chúng tôi là đôi vợ chồng già cùng đi trên chuyến bay cuối cùng rời khỏi VN. Bà khoẻ mạnh, dịu dàng, nhưng ông thì ốm yếu, và mang bịnh cùi, luôn luôn đội nón. Vì bịnh, ông bị biệt lập không được ra khỏi phòng, bà được phép đem thức ăn về chỗ cho ông ăn hằng ngày và có bác sĩ chăm sóc ngay từ khi bước chân vào trại. Ông Bà rất hiền lành, có đứa con gái có chồng Mỹ, bà có địa chỉ của con gái, tôi nhớ in như là ở tiểu bang FL.

Má tôi thương hai ông bà nầy lắm, có trao đổi địa chỉ và chúc ông mau chữa khỏi bịnh.

Ngoài ba bữa đi ăn, thời gian còn lại tôi quanh quẩn chờ mấy chuyến xe buýt chở người mới tới trại để đón coi có bà con bạn bè gì không. Nhưng không gặp lại một ai. Có người đem theo được cái radio nhỏ, do đó mà nhiều người đã rơi nước mắt khi theo dõi tin tức từ VN.

Buổi sáng tôi hay quanh quẩn ra cầu tàu, ngóng qua đại dương, nhớ tới những người thân, bạn bè đã rời xa.

Ở cầu tàu thường có vài người lính TQLC Mỹ câu cá. Họ thường câu được những con cá to, nhưng tôi thấy họ chỉ nhẹ nhàng gở cá ra khỏi lưỡi câu, thả lại xuống biển. Tôi đi dọc cầu tàu mới đọc thấy bảng cho biết cá ở vùng nầy bị nhiễm chất phóng xạ, nên không ăn được.

Có lần tôi thấy chú cá được thả xuống biển, có lẽ vì người gở không khéo, nên con cá chết, nổi lình bình trên mặt nước, máu loang ra đỏ thắm một vòng tròn, đột nhiên có rất nhiều cá trồi lên, bơi chung quanh xác chú cá chết. Gió đưa nhẹ nhàng xác cá trôi ra xa, cuốn theo rất nhiều cá lội chung quanh, như tiễn đưa. Càng buồn thêm.

Ngày thứ hai ở đảo Wake, buổi sáng tôi đi vòng vòng vô định, bất chợt thấy một cô gái hơi quen, đang ngồi giặt đồ ở chỗ có vòi nước chảy, có lẽ là chỗ nước dùng tưới cây cỏ của trại lính, tới gần mới biết đó là người quen trong cư xá, thiệt mừng, vội xà xuống nói chuyện. Cô bé nầy khoảng tuổi em kế tôi hay nhỏ hơn. Theo lời cô bé thuật lại thì cô được người bạn (trai) kéo đi theo gia đình anh ta. Cô đi mà không cho gia đình hay. Khi qua tới đây nghe người trong gia đình anh ta nói chuyện mới biết vì người làm không chịu đi nên gia đình anh ta mới cho gọi cô bé. Cô buồn bã, nói họ bắt em làm công chuyện như người ở, em buồn lắm chị ơi. Cô bé vừa kể vừa khóc thút thít. Tôi nghe chuyện mà không biết nói gì để an ủi cô bé, chỉ cầu mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Sau đó chúng tôi được lên danh sách vào Mỹ mà không kịp tìm em để từ giã.

Gia đình tôi sống êm ả hai ngày trên đảo Wake thì liên lạc được với chị tôi ở Mỹ. Qua sớm ngày thứ ba, sau vài thủ tục rất đơn giản, chúng tôi được gọi lên danh sách bay qua Mỹ.

Trên đường bay qua Mỹ từ đảo Wake, máy bay ngừng cánh ở Hawaii. Tại đây, tất cả người tị nạn được làm thủ tục giấy tờ để vô nước Mỹ. Nhân viên tại phi trường tiếp đón dân tị nạn rất lịch sự, nhã nhặn. Điều đáng nhớ nhất con đường vô phi trường có lối đi trải thảm đỏ, và nhân viên người Hawaii đứng hai hàng đón chào. Xong xuôi thủ tục hoàn toàn thì cũng là sau 12 giờ khuya. Lúc đó họ bắt đầu kêu tên từng gia đình gởi một người đại diện lên bàn để họ kêu điện thoại dùm cho mình để liên lạc với người thân ở Mỹ và quốc gia khác, nếu có. Em trai tôi là Long lên để gọi qua chị Xuân. Liên lạc xong mừng quá trời. Chị hỏi chúng tôi sẽ được đưa tới đâu khi vô nước Mỹ, thực sự mình không hề được cho biết, người ta đưa mình đi đâu thì theo đó thôi.

Cũng ở phi trường nầy, trong lúc chờ, chúng tôi được phát cho mỗi người một hộp gà chiên mà sau nầy mới biết đó là hiệu gà chiên Kentucky rất nổi tiếng. Tại phòng ngồi đợi, có để sẵn vài thùng quần áo tặng phẩm, tôi thấy nhiều người tới lựa, nhưng đa số quần áo bự khổng lồ, ít người bận vừa. Thức ăn không ăn hết, nhưng không được đem theo lên máy bay, mà bị bắt buộc liệng bỏ vô thùng rác trong phi trường. Nhiều người ăn nhín nhín, để dành, tiếc hùi hụi, trong đó có má tôi.

Khi máy bay tới Mỹ, trời về đêm, chúng tôi tiếp tục được những người lính dẫn đường, lên một chiếc xe buýt lớn. Ngồi yên vị, một người lính cầm danh sách, đếm đầu người, cứ đếm đi đếm lại rất nhiều lần mà lần nào cũng lắc đầu làm nhiều người trên xe cười rộ. Nhờ chuyện đếm đầu người đếm tới đếm lui, anh lính rất vui vẻ, nhăn nhó, cười đùa mà chúng tôi bớt căng thẳng.

Đường đi quanh co, lên đồi, xuống lũng rất xa. Xa lộ thẳng tắp lự, xe chạy vo vo không hề vấp váp ổ gà ổ vịt như thành phố chiến tranh chúng tôi vừa rời bỏ. Trên đường đi, nhìn thấy ánh đèn xa xa sáng lòa.

Khi xe ngừng, đoàn người di tản lại lục tục xuống, sắp hàng một, đi dò dẫm theo ánh đèn pin chiếu sáng từ mấy người lính dẫn đường đứng thành hai hàng. Sáng ra, mới biết đó là trại Thủy Quân Lục Chiến Camp Pendleton, thuộc tiểu bang California.

Tôi nhớ đêm đầu tiên chúng tôi ngủ trong phòng có giường đôi, mền gối đều là của quân đội rất sạch sẽ, ấm áp, cũng dạng nhà Hanga nóc tròn. Có lẽ nhóm chúng tôi tới rất sớm nên khu lều trại chưa xây dựng kịp thời, sau đó mới thấy xuất hiện lều. Thời tiết cuối tháng tư mà tôi cảm thấy lạnh buốt, chắc vì không quen thủy thổ. Họ phân phát cho chúng tôi đầy đủ mền, gối và đồ dùng cá nhân ngay lập tức khi vào trại, rồi khuyên chúng tôi nên đi ngủ ngay sau khi ăn tối vì đã khuya lắm.

Qua ngày hôm sau chúng tôi được gọi từng gia đình để làm giấy tờ tạm trú I-94.

Bầu trời CA lúc đó rất tươi sáng, quanh khu lều trại là bãi cát và những cây bông cúc vàng bò sát cát loại sa mạc rất tươi tắn. Vào ban ngày tôi mới nhận ra những lều trại mà tối hôm qua đã tạm ngủ đêm đầu tiên trên nước Mỹ.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

"Camp Pendleton là một căn cứ Duyên hải phía Tây chính của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và phục vụ như căn cứ huấn luyện vừa bộ binh và hải quân hàng đầu. Nó ở miền Nam California, giữa các thành phố Oceanside và San Clemente.

Căn cứ được thiết lập vào năm 1942 để huấn luyện Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ phục vụ Đệ nhị Thế chiến. Trại lính được đặt tên của Tướng Thủy Quân Lục Chiến Joseph Henry Pendleton, người vận động lâu dài việc thiết lập một căn cứ huấn luyện ở Duyên hải phía Tây cho lực lượng TQLC. Ngày nay, căn cứ là nhà của vô số các đơn vị Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến hỗn hợp bao gồm Lực lượng Viễn chinh Thủy Quân Lục Chiến số 1 và nhiều tư lệnh huấn luyện.

Đây cũng là trại tỵ nạn đầu tiên của người Việt Nam trên đất Mỹ trong tháng 4 năm 1975.

Trại Pendleton là biểu tượng như một Đảo Ellis của người Việt Nam mới đặt chân đến Hoa Kỳ.

Biến cố 30 tháng tư năm 1975 có hàng chục ngàn người thoát khỏi Sài Gòn trên những chiếc tàu và thuyền để ra Biển Đông, họ được những chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ neo ngoài khơi vớt lên và chở về tập trung tại Đảo Guam và Đảo Wake là lãnh thổ của Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương. Sau đó người tỵ nạn Việt Nam được đưa về Trại Pendleton và một hai trại khác ở miền Đông. Những người Việt Nam sống trong những nhà lều ở Trại Pendleton trong vòng vài tháng để chờ các nhà thờ bảo lãnh."

Ở trại Pendleton, chúng tôi cũng sắp hàng ngày ba bữa ăn uống ngon lành no nê như trên đảo Wake. Khi mang dĩa thức ăn đi theo hàng, những người lính thật trẻ, múc thức ăn vào dĩa cho chúng tôi. Có lần, anh lính còn tự tay chọn cho tôi trái táo thật lớn, chùi vào cái khăn trắng tinh anh vắt trên vai trước khi trao cho tôi với nụ cười mà tôi nhớ mãi. Tôi biết bây giờ anh lính ấy đã già đi, như tôi, nhưng nụ cười của anh trong những ngày đầu tiên tôi sống ở Mỹ, vẫn trẻ trung tươi đẹp trong lòng tôi.

Sáng hôm sau chị em tôi đi tản bộ trong trại thì nghe tiếng người nói chuyện bằng tiếng Việt, giọng Bắc rất rõ ràng. Ngó quanh chỉ thấy người Mỹ, đang ngạc nhiên, bước lên chút mới biết đó là người Mỹ nói tiếng Việt quá chuẩn xác. Người Mỹ họ giỏi thiệt, chỉ mới vài ngày thôi mà đã thành lập cả một trung tâm tạm trú đầy đủ tiện nghi tối thiểu, luôn cả người bản xứ làm thông dịch biết nói tiếng Việt rành rẽ để mọi sự tiếp xúc dễ dàng hơn.

*

Trong lúc chúng tôi từ VN qua tới Mỹ, thì ở Mỹ, chị Hai tôi nóng ruột đã cùng anh rể bay ngược trở về VN để tìm cách cứu gia đình.

Theo lời kể của chị Hai:

"Từ tháng ba chế * với Xuân đã nhận được tin tức ở bên nhà. Lúc đó hai chị em lo quá chừng. Chế với chồng cùng tìm cách về VN đón má và mấy đứa em. Ở New Orlean làm thủ tục và cấp passport khẩn cấp trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, chồng chế chạy đi mua vé máy bay để đi cùng ngày đó. Hai vợ chồng tới phi trường Hong Kong ngày 27 tháng tư, phải xuống, vì lúc đó máy bay về VN đã ngưng. Nghe nhiều người cũng kẹt ở phi ttrường Hong Kong trên đường trở về VN nói là nên tìm cách qua Nhựt vì bên đó đã bắt đầu có những chuyến bay về VN để cứu người. Chế với chồng lại lên máy bay bay qua Singapore. Từ ngày 27 không có chuyến bay nào bay vô VN vì họ nói Tân Sơn Nhứt bị dội bôm. Ở đó mấy ngày loanh quanh tìm cách vô VN, rồi bay lộn trở qua Hong Kong thì liên lạc được với chồng của Xuân, cho hay gia đình đã qua tới trại tị nạn ở Pendleton. Mừng quá trời hai vợ chồng chế bay trở về Mỹ".

Dù chuyến đi của anh/ chị Hai tốn kém, không thành công, nhưng có tin vui trong giờ tuyệt vọng là đủ lắm rồi.

*

Qua ngày hôm sau 30 tháng tư, ở trại Pendleton, chúng tôi đã tái ngộ với anh chị ba Xuân, tới từ Nevada, làm thủ tục nhanh chóng rước chúng tôi rời khỏi trại, trong niềm phấn chấn vui mừng gia đình được xum hợp. Anh chị đã liên lạc được và được chỉ dẫn tới ngay trại Pendleton. Cũng may tiểu bang Nevada chỗ anh chị tôi đang sống cũng không quá xa Camp Pendleton nên chúng tôi đi bằng xe của anh chị. Đây là chiếc xe hai cửa, chỉ có 5 chỗ ngồi nhưng đã chứa cả gia đình 11 người lớn nhỏ!

Như vậy, chúng tôi đã đến được bến tự do, trong thời gian năm ngày từ 25 cho tới ngày 30 tháng tư, trải qua hai trại tạm cư, ba chuyến bay ngược vòng quay của trái đất. Trong thời gian đó Saigon đã rơi vào cơn hỗn loạn mất kiểm soát.

Mấy má con theo anh chị rời khỏi trại tạm trú Pendleton, CA., thẳng đường lên thành phố Reno, tiểu bang Nevada. Xe chạy rất xa, lên đồi núi rất cao, rừng thông xanh ngát, rồi xe đổ dốc xuống thung lũng, dọc theo con sông Truckee mới tới Reno. Đầu tháng 5 mà thời tiết Reno vô cùng rét mướt, tôi thấy những mảng tuyết bám trên mái nhà nóc nhọn, cảnh lạ và đẹp quá chừng, như trong mấy tấm thiệp Giáng Sinh.

Việc làm đầu tiên

Qua ngày hôm sau chị tôi đưa má tôi, tôi, cùng hai đứa em vô hãng chị đang làm để xin việc. Chúng tôi có việc làm vào đúng ngày 1 tháng 5 năm 1975, là gia đình VN tị nạn cộng sản đầu tiên ở thành phố Reno, phóng viên đài truyền hình địa phương có tới tận nhà để phỏng vấn.

Việc làm đầu tiên nầy nhớ lại rùng mình. Đó là hãng may mền và tấm trải giường. Sức con gái yếu đuối như tôi, nào giờ chỉ biết ôm sách tới trường, nặng chưa tới 90 cân anh, nhỏ xíu như con nít 12,13 tuổi người bản xứ, chưa từng làm việc, mà hằng đêm vác tấm mền nặng chình chịch lên đôi vai để may. Tôi chưa từng biết dùng máy may kỹ nghệ kiểu nầy, cho nên thời gian đầu tập xử dụng cái máy may thật khổ sở, chỉ nhấn nhẹ chân là máy chạy cái rẹt hết hồn, sợ quá trời!. Có lần tôi bị đầu kim may đâm xuyên ngón tay, phải vô nhà thương để lấy ra nửa cây kim còn dính trong ngón tay, tôi khóc như mưa.

Lúc đó, chính phủ Hoa Kỳ không hề có những chương trình trợ giúp cho người di dân, có lẽ họ muốn phân tán người Việt ra khắp nước Mỹ, để cho mình làm việc, hòa đồng cùng người bản xứ cho mau lẹ?

Chúng tôi phải nhận làm ca ba vì họ đang cần, nghĩa là suốt đêm hì hục làm việc. Cho tới sáng, trên đường về nhà, vừa mệt mỏi, vừa đói lạnh, lại buồn ngủ, nên thường là tấp đâu đó, ăn sáng, rồi về nhà lăn ra ngủ, cho tới tối thức dậy, ăn chút gì đó, rồi sửa soạn đi làm, ngày tiếp ngày.

Đang thời con gái với biết bao mộng mơ bỗng chốc dấn thân nghiệt ngã kiếm đồng tiền để nuôi sống, chị em chúng tôi đã lìa xa trường học ngay từ lúc đó, ngoại trừ ba đứa em còn ở bậc tiểu học và trung học là được tiếp tục cắp sách tới trường.

Chúng tôi ghi danh học thêm tiếng Mỹ ở trường trung học cộng đồng. Thời gian nầy trong bóp lúc nầy cũng nặng chình chịch tiền xu, vì chúng tôi chưa biết đếm tiền lẻ và ngoài giờ làm việc muốn đi mua sắm phải gọi xe taxi vì chưa đứa nào biết lái xe.

Nhiều đêm tôi ngồi may, cực nhọc quá tới chảy nước mắt, ngó quanh không thấy một bờ vai để tựa, buồn tới nỗi muốn tự vận trên giòng sông Truckee chảy xiết băng ngang thành phố.

Thương má tôi, lúc đó còn quá trẻ, thương hai đứa em không được trở lại trường học, bỏ đi biết bao cơ hội, lại càng thương chính mình. Một thời gian sau má tôi nghỉ làm, ở nhà coi mấy đứa cháu cho anh chị tôi đi làm.

Trong sở làm sau vài tháng, có thêm hai người Việt Nam là vợ chồng chú H., một cô người Thái Lan trẻ và rất đẹp, cô người Thái kia hơi lớn tuổi hơn, tánh tình vui vẻ, rồi có thêm một cô Việt Nam trẻ trẻ, tánh rất dễ thương, qua từ năm 72, có chồng người Mỹ. Chú H. là đại úy, hình như làm việc trong toà đại sứ Thái Lan, khi biến động chú bay về VN rước vợ và đứa con trai, đưa qua Mỹ. Theo cô H. nói thì chú có bà hai bên Thái Lan, cho nên cô rất giận. Mỗi khi cô chú đi chung cô luôn ngồi băng sau, để thằng con trai ngồi băng trước với ba nó. Cô còn tâm sự có ông bác sĩ rất yêu thương cô (cô làm nghề y tá ở Saigon) nhưng vì đã có gia đình nên cô không đáp ứng, phải biết "ổng phản bội" thì cô đã chọn ở lại với "người đó" rồi. Chú H. rất ân cần với chị em tôi, hỏi sao chị tôi không mở hãng làm chả giò. Lúc chị tôi sanh xong trở vô làm, chú có nhắc sao chị không nghỉ làm 2, 3 tháng cho khoẻ lại.

Những người bạn đầu tiên trên nước Mỹ đều rất dễ thương. Khi nói chuyện, chúng tôi thường nhắc tới những món ăn mà lúc đó rất khó kiếm, rất thèm. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm ra được chợ Tàu nho nhỏ, có bán vài món có thể làm được chả giò, cơm chiên v... v...

Cuộc đời nổi trôi, việc làm thay đổi mấy lần, di chuyển nhiều tiểu bang trước khi trở lại CA định cư, lấy chồng, sanh con, cuốn trôi đi, thoắt cái đã 40 năm tôi chọn nơi nầy làm quê hương, như cái chớp mắt, lẹ quá.

*

Chúng tôi may mắn đi thoát, nhưng số đông người miền Nam còn lại, quân, cán, chính VNCH, lần lượt vô tù cải tạo. Nhiều bạn bè tôi đã chết trong tù, số lớn vượt biên bằng ghe tàu mỏng manh, giao số phận rủi may trên biển cả sóng gió, hải tặc, hay vượt biên giới bằng đường bộ qua ngã Cam Bốt, lúc khờ me đỏ đang chiếm đóng, tìm đường sống qua ngã chết. Họ trãi qua những hoàn cảnh nghiệt ngã hơn chúng tôi rất nhiều.

Mười năm sau, chị tôi tình cờ tìm lại được địa chỉ anh Ngà, liên lạc được biết anh bị kẹt lại, vô tù cải tạo mấy năm nhưng được thả, em trai anh không may, đã chết ngay sau khi ra khỏi trại tù cải tạo vì bịnh phổi trong thời gian ở tù. Anh đã trao cho gia đình tôi phần số may mắn mà lẽ ra anh đã hưởng. Tôi luôn mang ơn anh.

Năm 1975 đất Calif. không hề có Tiểu Saigon phát triển mọi mặt như bây giờ, mà chỉ là những ruộng dâu bát ngát. Bây giờ ruộng dâu hóa thành phố, nhà cửa khang trang, hàng quán tấp nập. Chợ búa đầy đủ những mặt hàng. Báo chí đầy đủ tin tức nhanh chóng. Tết Nguyên Đán nhiều đường phố lớn treo hai hàng cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong nắng làm ấm lòng người di tản. Người Việt ở CA. còn có chợ hoa y như con đường chợ hoa Nguyễn Huệ của Saigon hoa lệ, có báo Xuân, có diễn hành múa lân đánh trống, xe hoa tưng bừng với sự tham dự đầy đủ các đơn vị Thủy, Lục, Không Quân VNCH, có Hội Chợ Tết náo nhiệt. Hơn cả trong nước là có pháo nổ đì đùng mừng năm mới từ Chùa tới chợ rất vui tai.

Đầu năm 2015, có con đường mang tên Saigon ngay trước khu Phước Lộc Thọ tấp nập. Cả ba thành phố khu Little Saigon, từ Westminster, Garden Grove đều đã có thị trưởng gốc Việt. Bốn mươi năm từ 1975 nhìn lại, đã có hơn 40 viên chức dân cử là gốc Việt. Nước Mỹ đã thực sự trở thành quê hương của cộng đồng gốc Việt.

Hướng về quê cũ, cầu mong cho đồng bào sớm thoát ách độc tài, độc đảng, dành lại quyền sống tử tế trên quê hương tự do.

Trương Ngọc Anh

*Chế là chị, kêu theo người Việt gốc Triều Châu.

*Theo tài liệu Vietnam Operation FREQUENT WIND: http://www.afhso.af.mil/shared/media/document/AFD-120823-033.pdf

Ý kiến bạn đọc
02/05/201520:01:34
Khách
Thăm và cám ơn Công Tâm
Các em vẫn còn nhắc rừng mai và rừng nhãn Cam Ranh. Lúc đó đang học thi nên ở lại Saigon, tới khi thi xong, ra CR được vài tuần. Có dịp đi chơi vói mấy anh Hải quân ra đảo san hô , vui lắm, nhưng tiếc chưa thấy rừng mai
02/05/201519:54:02
Khách
Kh A ơi
Đăng hai kỳ là trên báo giấy đó, còn lên online thì toàn bài đăng luôn một lần . Nhà báo quá bận để cắt bỏ câu thừa :)
Cám ơn KhA đã đọc, trí nhớ cũng ít nhiều sai lạc đó chớ , quên nhiều chuyện lắm, 40 năm gần nửa thế kỷ. Góp ý viết lại bằng tiếng Anh cũng đáng ghi nhớ, nhưng chắc phải nhờ tới con, cháu :) .
02/05/201519:48:46
Khách
Đoàn Thị thân mến
Tháng tư, ai cũng buồn, mỗi tháng tư đều buồn , chưa biết tới bao giờ nguôi !
Vẫn nhớ hoài lần gặp gở năm nào bàn tay nắm bàn tay nhau. Bao giờ tái ngộ ?
Cám ơn ĐT, chị BX vẫn khoẻ
29/04/201518:47:18
Khách
Xin cám ơn chị Ngọc Anh đã viết bài nầy. Gia đình chị Bão Xuân ai viết văn cũng hay (Chị Bão Xuân, Hoàng Thư, Ngọc Anh...) Đọc rất thích!
27/04/201519:05:19
Khách
Chị Ngọc Anh có trí nhớ thật tuyệt. Những bài như vầy nên viết lại bằng tiếng Anh để lưu giữ cho mai sau.
Sao ở đây bài chỉ có phần 2 (tiếp theo và hết) mà thiếu mất phần 1?
26/04/201505:17:42
Khách
Chị Ngọc Anh mến,
Đang đọc miên man cảnh chạy hổn loạn trong phi trường TSN, điện thoại reo, em giựt mình trở về hiện tại, 40 năm rồi nhưng mỗi lần đọc lại chuyện 30 tháng 4 em vẫn chìm đắm trong biến cố đó, có bài vừa đọc vừa khóc.
Cảm ơn chị đã ghi lại cảnh ngộ đau thương của dân Miền Nam để con em sau này đừng quên nguồn góc của mình.
Như chị viết, gia đình mình thoát khỏi địa ngục CS, nhưng vẫn thương những người còn ở lại.
Em gửi lời thăm chị BX.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,052,045
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài viết thứ hai trong loạt chuyện kể của người “cho mượn lỗ tai”.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài Viết Về Nước Mỹ,
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả là một nhà giáo tại Marrysville, thành phố cổ nhất của tiểu bang Calif. Với loạt bài viết về Vietnam Museum, “Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên” bà đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả là Bác sĩ Vĩnh Chánh, thuộc Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Với bài bài “Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè” ông viết Tháng Tư 2013, Vĩnh Chánh đã nhận giải danh dự Viết về nước Mỹ cùng năm.
Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với một số bài viết về đề tài Du Lịch Nước Mỹ.
Thứ Bẩy cuối tuần 14-2 sẽ là ngày Valentine 2015, mời đọc một chuyện tình của Tôn Nữ Thu Dung. Tác giả là cư dân San Dimas, California.
Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Hai mươi năm, gặp lại tình cờ trong những ngày cận tết. Chuyện về một “grandma” người Việt miền nam nói năng rổn rảng
Nhạc sĩ Cung Tiến