Hôm nay,  

Gà Trống Nuôi Con

16/07/201200:00:00(Xem: 240223)
viet-ve-nuoc-my_190x135Lê Thị, 35 tuổi, cư dân Chicago, là tác giả có tên trong danh sách chung kết giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười hai. Với 5 bài viết đã phổ biến, hầu hết về đề tài đồng tính, Lê Thị cũng là một trong những tác giả dẫn đầu về số lượng người đọc Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ sáu.

***

Ông Đăng cầm tờ báo, cố đọc cho hết phần tin tức còn lại, rồi chân chạy vội vã xuống bếp để chuẩn bị cơm nước chờ Tâm về ăn tối. Khi đi ngang qua phòng ăn gia đình, ông không khỏi nhìn lên bàn thờ. Hình vợ ông như đang nhìn ông hiền từ, như muốn trấn an ông là bà vẫn luôn bên cạnh ông và Tâm.

Ông không bao giờ quên những buổi ăn tối đầm ấm bên người vợ hiền lành và thằng con trai duy nhất. Gia đình đang an lành thì bà vợ bỗng trở bệnh, khi khám phá ra căn bệnh thì đã là ung thư ruột giai đoạn cuối cùng. Trước khi nhắm mắt trút hơi thở cuối trong tay ông, người vợ xanh xao gửi gắm lời trăn trối cuối cùng:

- Anh nhớ chăm sóc thằng Tâm, và dạy dỗ nó trở thành một người tử tế, sống hạnh phúc. Anh đừng buồn, em sẽ luôn bên cạnh anh và con.

Nhớ lại cảnh thằng con trai đứng bên cạnh chứng kiến cảnh mẹ nó ra đi, ông không khỏi đau lòng, tội nghiệp cho thằng bé nhỏ xíu mà đã mồ côi mẹ.

Năm tháng thấm thoát trôi qua. Ông Đăng cứ ở vậy không tái giá. Giữ lời hứa với vợ, ông tận tuỵ chăm sóc, nuôi nấng cho thằng con nên người. Có nhiều người đã thấy ông cảnh gà trống nuôi con muốn làm mai mối, nhưng ông luôn từ chối khi nghĩ đến đứa con trai của mình, sợ bị cảnh mẹ ghẻ con chồng…

Nấu cơm xong ông dọn bàn ăn, mở ti-vi ngồi chờ thằng Tâm về ăn chung. Căn nhà ấm cúng bao năm xưa lâu nay đã trở nên lạnh lẽo, ảm đạm, thiếu câu chuyện, tiếng cười. Đồ đạc trong nhà lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, không một hạt bụi, không một dấu tay, hệt như không có một người nào sờ tới. Dạo này, ông thấy Thằng Tâm và ông không còn thân thiện, vui vẻ như trước nữa. Ông luôn tự trấn an chắc cha nào con đấy. Mình ít nói, chắc nó cũng vậy.

Thằng con trai duy nhất, khuôn mặt giống ông như hai giọt nước, không có chút gì trừ nụ cười hiền lành của mẹ nó làm mỗi khi nó cười là ông nhớ bà quá đỗi. Mới ngày nào ông còn ẵm nó trên vai, thế mà bây giờ nó đã trở thành một kỹ sư điện tử gần 30 tuổi đời.

Suốt bao năm qua, chỉ có hai cha con quanh quẩn, chăm sóc lẫn nhau. Thỉnh thoảng ông cũng thắc mắc, sao không thấy thằng Tâm mang bạn về nhà. Bạn trai thì ông chưa khi nào thấy thằng Tâm chơi với ai. Lúc vợ ông còn sống còn thấy vài thằng hàng xóm qua lại. Nhưng sao càng lớn lên, càng ít thấy Tâm mang bạn về nhà. Bạn gái thì chỉ có hai đứa bạn thân lâu lâu đến nhà nấu bún mắm ăn chung với ông và Tâm.

Không biết bắt đầu từ lúc nào khoảng cách của ông và Tâm từ từ xa dần, ở cùng một căn nhà, mà hai bố con như ở hai lục địa khác nhau. Đụng mặt, hai cha con chỉ ậm ừ vài lời qua lại. Nhiều khi ông có cảm tưởng nó muốn tránh mặt ông. Ông buồn giận, nhưng cũng không biết phải làm gì. Ông chỉ biết một điều, thằng Tâm là tất cả gia tài sự sản của ông, là chứng tích nhắc nhở ông đến mối tình duy nhất đẹp nhất, là mục đích nhắc ông gượng dậy mỗi buổi sáng để tiếp tục chống chọi với cuộc sống cô độc này. Ông ngồi thừ ra, cố lục lọi xem từ đâu sinh ra sự xa cách...

Cuối cùng, tiếng cửa garage mở lên ầm ầm, Tâm bước vào nhà:

- Chào Ba con mới về.

Chào xong nó đi một mạch lên lầu tắm rửa. Sau đó ông gọi nó xuống ăn cơm. Khi đi vào phòng ăn, Tâm khẽ liếc mắt nhìn lên bàn thờ như chào người mẹ quá cố của nó.

Tâm ngồi xuống ăn cơm không nói một lời. Thỉnh thoảng gắp đồ ăn vào chén ông, nhưng mắt Tâm luôn nhìn xuống bàn ăn trong thinh lặng, không bao giờ nhìn thẳng vào mắt ông bố.

Còn ông Đăng, ông nhìn chằm chằm vào cặp mắt thằng con trai duy nhất của mình như thể đang dò hỏi. Ánh mắt của nó lúc nào cũng chứa ẩn một điều gì không thể thổ lộ. Ông Đăng không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Ông phải làm gì đây để đánh tan đi sự thinh lặng giữa hai cha con. Trong không khí căng thẳng, ông ngượng nghịu hỏi:

- Con dạo này làm việc thế nào? Có quen bạn bè mới? Sao không thấy mang ai về nhà chơi cho vui?

Tâm chỉ lắc đầu không trả lời. Mắt cũng không nhìn vào mắt ông.

Là con một, Tâm tự hiểu trách nhiệm của mình. Từ ngày Mẹ mất đi, Ba đã đặt hết hy vọng, và cả cuộc đời của ông lên trên đôi vai của Tâm. Tên họ của gia đình, là nhiệm vụ của Tâm, việc duy trì thế hệ con cháu để tiếp tục nối giòng nối dõi, là nhiệm vụ của Tâm.

Nhìn người cha thương yêu của mình ngày một già đi, Tâm thấy lòng mình đau xót. Tâm biết ơn ba đã bao nhiêu năm hy sinh, lo lắng chăm sóc cho Tâm. Tâm không thể và không bao giờ muốn làm ông thất vọng. Phải làm gì bây giờ? Tâm chỉ có cách ở với ông và chăm sóc ông suốt đời, nguyện sẽ báo hiếu cho cha già.

Có nhiều điều Tâm muốn nói, nhiều lần muốn thổ lộ. Nhưng mỗi khi nghe Ba nói ông muốn ẵm cháu nội, nó lại muốn thu mình nhỏ lại. Tâm không trả lời Ba, chỉ rút lui lên lầu và đóng cửa phòng kín mít.

Ông Đăng rồi dần dần cũng hiểu ra thằng con không thích nói chuyện với mình, nên từ từ bữa cơm chung cứ mỗi ngày một lạnh.

Ngày 28 tháng 8, ngày giỗ của bà Đăng,ông nấu cơm dọn cỗ chờ con về cúng. Bên ngoài trời mưa tầm tã. Chờ mãi vẫn không thấy Tâm về. Hồi sáng ông đã dặn nó về nhà sớm giỗ Mẹ. Đồng hồ đã điểm hơn 8 giờ. Bỗng chuông điện thoại reng, ông vội vàng nhấc điện thoại.

- Hello

- Ba ơi con đây.

- Con đang ở đâu? Sao không về nhà cúng giỗ?

- Con sẽ về. Sau khi tan sở, con ghé qua mua hoa cho Mẹ. Ai ngờ mưa nước lụt nhiều quá, con không thấy đường đâm xe vào cái hố nước. Xe con chết máy. Con phải nhờ người câu xe về garage. Con có nhờ một người bạn đến chở con về.

- À, con không sao là ba yên tâm rồi. Cứ từ từ nhé, ba sẽ chờ con về mới ăn cơm.

Bỏ điện thoại xuống, ông nghĩ mà thương thằng con cưng chắc đang ướt nhẹp như chuột lụt.

Hết đi ra rồi đi vô, Ông cầm cái dù đứng sẵn bên cửa chờ con, vén màn cửa sổ xem có chiếc xe nào về chưa. Rồi bỗng dưng ông thả rớt cây dù. Mắt ông vừa chứng kiến một cảnh mà ông chưa một lần nghĩ tới. Không tin vào mắt mình, ông cố mở mắt cho lớn hơn để nhìn thêm lần nữa, rồi chợt thấy như cả người muốn toát mồ hôi lạnh. Có phải đúng Tâm không? Đúng mà. Nhưng tại sao lại vậy?

Trong cơn mưa lụt đường lụt phố, Tâm đang ôm một người đàn ông, cả hai đang hôn nhau say đắm. Trời vẫn mưa, đứng dưới mưa cả hơn 5 phút, hai người quyến luyến không muốn rời. Ông Đăng mặt tái mét, không biết phải suy nghĩ thế nào. Ông chạy vào phòng đóng cửa lại. Ông mang hình bà vợ quá cố ra ngồi nhớ lại hình ảnh quá khứ đẹp khi gia đình ông còn trọn vẹn ấm áp. Trong hình, thằng Tâm đang nắm tay ông bà miệng cười tươi, cười cả bằng mắt.

Nhìn lại hình ảnh người vợ quá cố của mình, ông Tâm ứa nước mắt. Ông lẩm bẩm, bà ơi, tôi đã không biết cách dạy con. Tôi đã không giữ đúng lời hứa với bà. Tôi không biết sẽ trả lời với bà như thế nào khi gặp nhau ở tuyền đài. Ông tự trách mình. Ông ngồi ôn lại xem mỗi ngày ông đã làm sai việc gì, hay tại ông nuông chiều nó quá? Hay tại vì nó thiếu tình mẫu tử? Bà ơi, phù hộ chỉ dẫn cho tôi biết phải làm gì.

Cuối cùng ông cũng ra khỏi căn phòng để đối diện với Tâm. Hôm nay mặt mày nó có vẻ tươi vui hơn mọi hôm. Nó thắp nhang cúng mẹ, rồi ngồi xuống ăn cơm với ông. Nó ăn uống tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có điều khác lạ là nụ cười rạng rỡ của bà vợ quá cố bây giờ lại hiện lên trên khuôn mặt của Tâm.

Ăn xong, ông lên phòng ngồi vào computer tìm hiểu thông tin về những người đồng tính. Ông có nhiều điều muốn hỏi. Không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng ông đã tìm ra được một trung tâm gần nhà. Ông viết địa chỉ xuống và quyết định ngày mai sẽ đi đến đó tìm hiểu.

Cả đêm ông không ngủ, chập chờn là thấy hình ảnh vợ ông khi hấp hối dặn ông chăm sóc và lo lắng cho thằng Tâm để nó trở thành người tử tế và hạnh phúc. Ngay buổi sáng hôm sau, ông ăn mặc chỉnh tề rồi lái xe đến trung tâm người đồng tính “Gay and Lesbian Center”. Vào đây, ông được một cô tiếp viên đón tiếp ân cần. Ông kể lại cho cô nghe mọi sự việc ông vừa chứng kiến đêm qua. Cô tiếp viên bảo ông ngồi đợi.

Một lúc sau, một người đàn bà ngoài 50 tuổi, tướng người phúc hậu, khuôn mặt hiền hoà, tiến lại bắt tay ông và tự giới thiệu mình tên Mai. Bà đưa ông vào văn phòng bà ngồi nói chuyện. Ông không hiểu vì lý do gì xui khiến, mà một người ít nói như ông bỗng nhiên trút hết lòng dạ thổ lộ mọi chuyện, mọi tâm sự cho một người mà ông chỉ mới gặp lần đầu. Người đàn bà ngồi nghe ông, kiên nhẫn lắng nghe ông kể mãi, ánh mắt thông cảm, thỉnh thoảng bà góp vào một vài lời để góp chuyện giúp ông cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.

Sau khi ông Đăng kể hết chuyện của mình, thay vì đưa ra ý kiến hay lời khuyên, Mai kể lại cho ông chuyện của bà. Hồi ở Việt Nam Mai đã từng đi tu. Nhưng một hôm trước khi mở cửa nhà thờ để làm lễ sáng, Mai bỗng nghe tiếng một đứa bé sơ sinh khóc ngay trước cửa nhà thờ. Mai bế đưa bé lên, mang vô trong nhà sứ, một mái tóc vàng choé và cặp mắt xanh biếc nhìn Mai chăm chú. Chiếc tã ướt đẫm, Mai kiếm xé vải từ quần áo cũ thay tã cho nó. Khi Mai ôm đứa bé trai con lai này vào lòng, đứa bé và Mai như đã được tiền định từ muôn kiếp trước. Mai không thể nào bỏ rơi nó. Vì là một nữ tu, Mai không thể nuôi được đứa bé, vì vậy Mai đã quyết định bỏ về lại đời trần và một mình nuôi đứa con tóc vàng này. Hoàn tục rất khó khăn, Mai đã bị mọi người xua đuổi, chê trách, ai cũng rêu rao câu chuyện một vị nữ tu lăng nhăng với lính Mỹ đẻ ra đứa con lai.

Mai không màng đến lời gièm pha của dân làng, mặc kệ gia đình ngăn cấm và chỉ trích, Mai một mình nuôi đứa con lai khôn lớn. Nhưng ở hiền gặp lành, cũng nhờ đứa con lai, Mai được đi qua Mỹ. Sang đến Mỹ, Mai vừa nuôi con, vừa học ngành bác sĩ tâm lý. Khi đứa con trai lớn lên thành đạt lấy vợ sinh con, Mai không cần phải lo cơm gạo nữa nên tự nguyện vào trung tâm người đồng tính để làm counselor giúp đỡ những phụ huynh hoặc các em đồng tính bị cha mẹ hay xã hội ruồng bỏ.

Hai người ngồi nói chuyện qua lại, ông thổ lộ hết mọi tâm tư… Mai chỉ cho ông cách hỏi chuyện với con, rồi ông ra về, lần đầu tiên kể từ ngày bà Đăng mất đi, ông thấy lòng ông nhẹ nhàng, êm ả. Ông cũng không quên hẹn ngày trở lại gặp bà Mai.

Về đến nhà, ông nấu một nồi bún mắm thật to, thơm phức chờ thằng Tâm về. Món này là món khoái khẩu của nó. Cứ mỗi lần hai cha con ăn bún mắm là cả hai đều nhớ về những ngày hạnh phúc khi Mẹ Tâm còn sống, bà luôn nấu bún mắm, ngồi nhìn hai cha con ăn, và luôn tay châm thêm rau thêm mắm vào tô bún cho hai cha con.

Tâm bước vào nhà mùi mắm nồng nực nhưng lòng Tâm thật vui. Người cha già đang ngồi chờ Tâm mở sẵn chai rượu trắng. Từ bao lâu rồi, hai cha con đã không có dịp ăn nhậu chuyện trò với nhau. Tâm thấy cử chỉ của Ba hôm nay sao lạ quá. Ông vừa ăn, vừa múc mắm, châm rau cho Tâm, vừa nâng ly liên tục.

Cuối cùng, khi rượu đã ngà, có đủ can đảm, ông Đăng mạnh miệng:

“Tâm, ba có chuyện này muốn hỏi con. Con cứ thật lòng nói hết cho ba biết.”

- Có chuyện gì vậy Ba?”

- Con đã có người yêu chưa? Có đang quen ai không?

- Con không có bạn gái, con vẫn độc thân.

- Tâm, ba muốn con hiểu rằng, cho dù con có làm chuyện gì, có là ai, có yêu ai đi nữa, ba vẫn luôn luôn là ba của con. Ba luôn yêu thương con, luôn hỗ trợ con.

- Ba nói vậy có nghĩa gì?

- Tối qua ba cầm dù chờ con về sợ con bị mưa ướt. Ba đã thấy con và bạn trai của con hôn nhau. Ba muốn con biết rằng dù con có yêu ai, trai hay gái, con vẫn luôn luôn là đứa con ngoan, hiếu thảo của ba. Ba sẽ không bao giờ buồn ghét con.

Tâm chợt rơi lệ. Tâm thật sự không ngờ Ba đã biết hết, Tâm không tin được những câu Ba vừa nói. Tâm không tin là Ba có thể thông cảm và hiểu được cho Tâm. Từ lâu nay, vì không muốn làm ba buồn, thất vọng, vì sợ ba không chấp nhận, Tâm đã chôn kỹ bí mật của mình, và đã để cho bí mật này gậm nhấm tình cảm giữa hai cha con, đẩy hai cha con xa nhau.

Hôm nay, mọi cánh cửa đã được tháo gỡ, Tâm không cần phải lo bào chữa, cũng không phải giấu diếm. Mọi bức tường ngăn chặn đã được phá vỡ, giữa hai cha con không còn sự chia rẻ vô hình nặng nề nữa. Tâm ôm Ba, ôm thật chặt, và mạnh dạn nói:

- Ba, con là Gay. Con mới quen một người làm chung sở…

- Lần sau con mời hắn về nhà ăn cơm cho ba gặp mặt…

Sự thông cảm, tình yêu thương và khắng khít giữa hai cha con đã được hàn gắn. Nhưng ông Đăng vẫn kiếm cớ quay lại trung tâm đồng tính mỗi tuần. Mỗi lần gặp Mai, con tim ông như được xạc pin trở lại.

Rồi trong một đêm Noel trắng xoá lạnh lẽo, trong nhà ông, những ngọn nến êm đềm của gia đình đã được thắp sáng lại. Câu chuyện chung đầy tiếng cười ấm áp, trên bàn đầy những món ăn ngon, xung quanh là ông Đăng, Mai, Tâm và John cùng mừng đón một đêm Noel ấm áp.

Lê Thị

Ý kiến bạn đọc
16/12/201612:40:48
Khách
Hello Khuc Tam,

bạn cứ thử kể cho tui nghe đi rồi tui sẽ viết lại thành chuyện cho, hứa cố gắng kg làm bạn thất vọng
21/07/201202:40:38
Khách
Rất thích lối phóng bút thẳng tay của Lê Thị. Riêng bài này có vẻ hơi nhẹ nhàng, hơi thiếu chất "Lê Thị" phải không tác giả?
21/07/201202:49:27
Khách
Mỗi khi gặp cảnh Gà Trống Nuôi Con, bà con ai cũng chép miệng thông cảm. Mẹ tôi gà mái nuôi cả bầy anh chị em chúng tôi ăn học, bà lại thường gặp sự đố kị. Tôi ước gì mình có tài viết lách như các anh đây để kể câu chuyện gà mái nuôi con của mẹ tôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,447,391
Tác giả là cư dân Austin, Texas; Công việc: y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố, đã góp nhiều bài viết sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006.
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần biên tập, chủ biên các báo Ca Dao, tuần báo Trẻ, Thời Báo... Phan cũng từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và đã nhận giải danh dự Viết Về NướcMỹ. Bài mới của Phan là chuyện đi coi nhà để mua tại Dallas.
Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi Minh Thành từng dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm.". Bài gần nhất là: “Nội soi ruột già.” Bài mới được ghi là “Thuật lại lời kể của người anh họ tôi.”
Tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon.
Với bài “Đoá Hồng Bạch” tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai là tác giả nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Tác giả hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Hình bên là quang cảnh “Ngày Summer Picnic” ở bệnh viện tác giả đang làm việc. Bài viết kể về những suy nghĩ, trò truyện từ sinh hoạt vui vẻ này.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Bài mới của ông là một hồi ức thời vượt biển.
Bài viết sau đây của Phương Dung kể chuyện Viết Về Nước Mỹ 2011, đã phổ biến trên báo in, nhưng vì sơ xuất kỹ thuật, bị “thất tung” trên Việt Báo Online. Sắp tới họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, xin mời cùng đọc lại.
Tác giả đến Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ, từng cộng tác với một số tạp chí và các trang Việt ngữ trên mạng internet. Viết Về Nước Mỹ 2012, bà đã góp hai bài viết “Tiệm Tạp Hoá” và "Người Đàn Bà Ấy Là Mẹ Tôi." Sau đây là bài viết mới nhất.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện của nhiều câu chuyện vui buồn trong nghề thông dịch.
Tác giả cho biết trước năm 75, khi còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990, hiện là cư dân Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ. Bài viết mới của cô là một chuyện tình.