Hôm nay,  

Chồng Gần Không Lấy…

10/07/201200:00:00(Xem: 181914)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994 khi đã 19 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cao học hai ngành: Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF.; và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, cô hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ và tham gia nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trangđài Glassey-Trầnguyễn cũng là một nhà thơ, có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

1. đổi họ

Một số bạn bè thân cũng như sơ phản ứng khá quyết liệt khi tôi đi lấy chồng. Người thì... giận mà không nói gì. Những người bạn chí thân thì hụt hẫng ra mặt. Họ chẳng hiểu tại sao tôi lại chọn một tấm chồng xa (tuy sau khi cưới thì anh trở thành chồng gần vì theo nàng về quê) với một cái họ quá khác. Đã vậy, anh còn nhất quyết đòi ghép họ với tôi, nên cái họ kép của tôi bây giờ lại có thêm chiếc cầu liên văn hóa, gắn vào một cái họ rất dễ tan (Glassey có nghĩa là tảng băng) trong văn hóa nhiệt đới Việt Nam. Có lẽ vì vậy nên anh đã 'tan' khi gặp tôi chăng? Một người bạn rất thân hỏi thách tôi:

- Chỉ đổi họ thôi à? Sao không đổi tên luôn đi!

Thực ra, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thay họ đổi tên ngoài lần tôi kết hợp họ Mẹ với họ Ba khi nhập tịch Hoa Kỳ. Tôi ghép họ, để tỏ lòng biết ơn Mẹ tôi đã lo lắng cho gia đình trong suốt thời gian Ba tôi ở tù cải tạo và đi vượt biển, cho mười chín năm mẹ một mình nuôi năm đứa con dại. Sau khi ghép họ, tôi tâm đắc là họ của tôi có đến hai cái họ phổ biến nhất của người Việt. Chắc tôi sẽ không cần phải đổi họ nữa. Cái sác xuất người yêu tương lai của tôi mang một trong hai họ này rất cao. Ngay cả những người không phải là người Việt cũng nói: mở Phonebook ra, là thấy họ Trần với họ Nguyễn làm vua hai cõi.

Một lần đổi họ, là thay đổi cả cuộc đời – từ mặt pháp lý cho đến mặt tâm lý.

Có họ của Mẹ trong tên mình, tôi hạnh phúc lắm, nhưng cũng khá vất vả đi đến hàng chục cơ quan văn phòng hành chánh để làm giấy tờ đổi họ, từ nhà băng cho đến trường học, từ sở di trú cho đến sở lưu thông.

Khi đổi họ lần đầu, tôi cũng gây thắc mắc cho nhiều người. Tôi ghép họ Trần với họ Nguyễn, viết hai họ dính vào nhau, nhập hai chữ N làm một. Chữ cuối của họ Ba là chữ đầu của họ Mẹ – vậy thì Ba Mẹ nên một trong chữ 'N' đó cũng tốt mà. Khi tôi đi làm giấy tờ đổi họ tại Sở Di Trú, cô tiếp viên người Mễ Tây Cơ trợn mắt ngó tôi, rồi phán:

- Cái họ này đâu phải Việt Nam!

Tôi tỉnh bơ. Họ của tôi, việc gì đến cô ấy? Khi tôi nhập tịch, luật sư giám định hỏi:

- Cô có thay đổi họ tên gì không?
- Dạ có.
- Đọc tên mới đi.
- Trangđài Trầnguyễn.
- Sao giống tên cũ vậy?
- Dạ, tên thì giống, nhưng họ thì khác, thưa ông.

Tôi hí hửng ra về. Mẹ đang ở trong bếp. Tôi đến bên Mẹ:

- Bây giờ, không chỉ người ta sẽ khổ sở khi đọc tên con, mà họ cũng sẽ khổ sở khi đọc họ của con nữa đó Mẹ.
- Sao vậy?
- Tại vì là họ Trầnguyễn. Dài hơn, rắc rối hơn.

Mẹ dừng tay, quay lại hỏi tôi:

- Con có mắc mớ gì với họ Nguyễn đâu!

Định chế vợ theo họ chồng, con theo họ cha đã làm Mẹ tôi quen với sự thật là chúng tôi mang họ cha. Như thể đó là một định luật bất biến. Mẹ không nghĩ đến việc con gái lại muốn mang họ của mình. Vâng, tôi đèo bòng quá.

- Mẹ không biết à? Mẹ của con họ Nguyễn đó!

Mẹ ngẩn người. Mẹ không nói gì. Tôi chỉ mong điều tôi làm sẽ mang đến cho Mẹ một niềm vui. Cái họ ghép của tôi là một tuyên ngôn về công lao của Mẹ và lòng biết ơn của tôi. Tôi viết thư cho Ông Ngoại, báo với Ông rằng kể từ lúc đó, tôi cũng mang họ của Ông nữa. Đúng ra thì cả Ông Bà Ngoại đều mang họ Nguyễn, nên nếu tôi muốn tính luôn họ Bà Ngoại, thì chắc cũng không ai hẹp hòi gì mà cản. Sau khi thay đổi tất cả các giấy tờ, tôi về nhà, chọc Mẹ:

- Con trả hiếu cho Mẹ xong rồi đó nghe! Đổi họ cũng nhiêu khê quá đi!

2. lại chuyện đổi họ

Tôi cảm ơn chồng tôi đã đi ngược lại với văn hóa của anh để tuyên bố tình yêu anh dành cho tôi một cách thiết thực. Chuyện chúng tôi ghép họ chắc cũng khiến họ hàng bên chồng ngạc nhiên lắm. Có lẽ vì họ thương anh và tôn trọng tình yêu của chúng tôi, nên không ai phản đối. Tôi không biết anh có bị giằng co nhiều khi quyết định đổi họ không, vì khi thay họ đổi tên, một cách nào đó, anh đã nhích một bước ra khỏi dòng tộc vốn hằng trăm năm nay theo chế độ phụ hệ. Tôi yêu cầu để họ của anh trước. Anh hân hoan, khi gặp bạn bè người Việt của tôi, đều khoe là mình là người Việt, vì anh có đến hai họ Việt Nam trong tên của mình.

Anh làm cho tôi vui và cảm động. Ngay sau ngày cưới, tuy chúng tôi còn chờ giấy tờ để chính thức ghép họ, cả hai chúng tôi đã bắt đầu dùng họ mới. Một nhân diện mới cho một quãng đời mới. Thói thường, một người thiếu nữ khi xuất giá thì mất họ. Tôi thì chẳng những giữ họ mình, mà còn được thêm họ của chồng. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Họ kép đôi hay kép ba thì... hơi mất thời gian để viết và để đọc. Nhưng giống như những phần thân thể không thể thiếu của nhân diện văn hóa và bản sắc cá nhân, tôi (và có lẽ chồng tôi cũng thế) sẽ không thể nào nghĩ đến việc chiết bỏ một phần của cái họ ba này.

Khi nhận lời quen anh, tôi cũng đoán trước những phản ứng từ bạn bè về mối tình dị chủng này. Ở thế kỷ 21 của một thế giới toàn cầu hóa, hôn nhân dị chủng đã từ lâu không còn là chuyện mới. Trong trường hợp của tôi, vì tôi sinh hoạt văn hóa nhiều năm, có nhiều bạn thân coi tôi như một phần 'vốn liếng' văn hóa của họ. Tôi cũng có nghĩ đến việc một số bạn bè sẽ không vui khi được tin tôi lấy chồng dị tộc. Nhưng tôi không thể quyết định chuyện hôn nhân của mình theo ý thích của bạn bè được. Hơn một năm sau ngày cưới, có nhiều người bạn vẫn hỏi tôi:

- Sao lại lấy chồng ngoại quốc? Thiệt tình là không hiểu á!

Ngay từ đầu, tôi đã đoán trước sự tình, nên dặn anh là nếu bạn bè có quan tâm đặc biệt đến tôi, thì anh nên hiểu là vì họ quý những công việc tâm huyết của tôi. Sau khi gửi thiệp cưới đi, tôi nhận được nhiều điện thư và điện thoại từ bạn bè, chất vấn tôi về... lý lịch của vị hôn phu. Có một người bạn, tuy nói chuyện qua điện thoại, nhưng tôi có thể hình dung khuôn mặt của anh bừng đỏ và nổi gân:

- Sao em dấn thân cho văn hóa Việt Nam, hoạt động trong cộng đồng Việt Nam, yêu mến văn hóa Việt Nam, tự hào là người Việt Nam, đi dạy Việt ngữ mười mấy năm nay, mà em lại đi lấy người ngoại quốc?

Bạn tôi còn nói nhiều lắm, và tôi điềm tĩnh lắng nghe. Tuy những điều anh bạn nói cũng làm cho tôi bất bình và đau lòng, nhưng tôi hiểu vì sao bạn tôi lại phản ứng như vậy. Sau khi anh đã 'trút bầu tâm sự,' tôi nhẹ nhàng đáp:

- Anh khờ quá! Vì em yêu văn hóa và tiếng Việt, cho nên em mới thu nhận một học trò dài hạn. Anh không thấy sao: bây giờ có thêm một người yêu tiếng Việt và thưởng thức văn hóa Việt Nam cả đời.

3. về quê

Cưới nhau ít tháng, chúng tôi về quê. Tuy tôi đi cấp cứu hai lần ngay trước đó, khiến chúng tôi phải hoãn chuyến bay và đóng tiền phạt, nhưng vừa xuất viện là tôi lên máy bay. Tôi vẫn còn thấy mệt, nhưng tin là mình sẽ đi nổi. Chúng tôi bắt buộc phải đi, vì sợ nếu anh đổi về Quận Cam mà chưa có việc chính thức, thì sẽ không có visa để xuất ngoại.

Tôi đưa anh về Việt Nam thăm Ông tôi bị tai biến mạch máu não và nằm liệt giường hơn ba năm. Tôi ngổn ngang nhiều nỗi. Mới ngày nào thơ bé, tôi ngưỡng mộ khí khái và kiến thức của Ông. Mà nay Ông không còn cử động và nói năng được nữa. Khi mới qua Mỹ, tôi thường nằm mơ thấy Ông Bà tôi qua đời. Đó là nỗi lòng của một đứa cháu xa nhà, lo sợ rằng thời gian và vòng quay của đời người sẽ bất cứ lúc nào cướp đi những người thân yêu của mình. Rồi khi nghe tin Ông nằm liệt giường, tôi đau lòng khôn tả. Tuy sinh lão bệnh tử là chuyện hiển nhiên, nhưng tình cảm con người không phải lúc nào cũng chịu nhượng lý trí. Tôi xót xa, nghĩ đến cái bức bối của Ông, một người năng động và đam mê võ thuật, nay phải nằm trên giường ngày này qua ngày kia, để thời gian chảy qua óc qua tim, toàn thân bất động. Ông vẫn rất minh mẫn và thường bảo Dì tôi lấy giấy viết để Ông ghi xuống những gì Ông muốn nói. Khi gặp chồng tôi, Ông cười rất vui. Anh chào Ông:

- Thưa Ông Ngoại!

Ông nhẹ nhích tay để chào anh. Mấy ngày chúng tôi về thăm quê, anh quanh quẩn bên giường với Ông, tập học tiếng Việt, tập nói tiếng Việt cho Ông nghe. Anh đi quét sân, cũng tập nói "Con mới quét sân," rồi vào nói với Ông. "Con đi ngủ," "Con đi ăn cơm," "Con đi chợ," anh nói với Ông tất cả. Những câu nói đơn sơ theo–công–thức ấy giúp cho chồng tôi gần gũi với Ông. Có những lúc, tôi nhờ anh ngồi với Ông, để tôi đi phụ việc bếp núc. Khi tôi giúp giặt giũ quần áo, anh cũng xắn tay vào, vò quần áo, xã mấy nước, vắt cho khô, rồi phụ tôi phơi trên sào. Có lẽ đó là lần đầu tiên anh giặt quần áo bằng tay, và phơi trên sào kẽm. Anh không nề hà phụ một tay trong bất cứ việc gì. Cám ơn anh.

Có nhiều hôm, mới sáng tinh mơ, gà vừa gáy, anh đã tất tả xách máy ảnh đi chụp cảnh ruộng đồng trong sương mai. Tôi thức dậy, Dì tìm anh, tôi biết ngay anh đang làm gì. Dì nấu cho anh những món ăn dân dã. Anh ăn ít, Dì cứ phàn nàn là tôi không chịu ép anh ăn. Anh mê uống dừa tươi. Dì nhờ người mua cả một quày dừa dứa từ Bến Tre đem về cho anh uống. Tôi kêu ca, nói là cháu rể thì được quý hơn là cháu gái. Tôi cám ơn Dì và anh đã trao cho nhau tình gia đình. Anh bắt chước tôi, đôi khi gọi Dì bằng tên và xưng anh (giống như tôi xưng chị với Dì), làm Dì cười giòn tươi.

Ngày chia tay, Dì tiễn chúng tôi ra đầu ngõ, chỗ có bờ đê để xe bốn bánh chạy vào. Con kênh nước lợ đã được mở ra, sóng sánh bầu trời cao rộng. Dì nói với anh:

- Chừng nào hai đứa có con, Dì sẽ qua phụ ẵm em cho!

Anh bắt Dì nghéo tay. Tôi chạy tuột lên xe, "Thưa Dì con đi!" một cách vội vã. Tôi không dám đối diện cái giây phút chia lìa. Anh hôn lên trán Dì. Xe lăn bánh. Lòng người ở lại có lẽ ngàn cân, trũng xuống như bãi lầy trên những cánh đồng chưa kịp xạ. Chắc Dì khóc cả đêm nay. Cuộc hội ngộ nào cũng có cái đớn đau của nó. Trên đường ra phi trường, anh hỏi tôi:

- Chừng nào mình về thăm nhà nữa hả Cưng?

Tôi ứa nước mắt. Sao mà chưa chi anh đã mọc rễ rồi? Chưa về đến Hoa Kỳ, anh quả quyết:

- Mỗi năm mình về Việt Nam thăm nhà nghe Cưng!

Rồi như để cho đề nghị của mình 'thêm trọng lượng,' anh nói:

- Mình phải đưa các con về thăm quê nữa, phải hôn Cưng?

Đấy, lại dụ dỗ tôi nữa rồi. Nhà ở Việt Nam, đối với anh, là những người thân quen mà tuy anh mới gặp lần đầu, đã bao dung một tình gia đình. Quê của anh ở Việt Nam, là những ký ức còn sót lại mà tôi kể cho anh nghe, là những vần thơ tôi ghi lại những suy tư và cảm nhận trong chuyến về thăm nhà đầu tiên, là kinh nghiệm ở một nơi mà hình hài và cảnh vật chỉ còn tồn tại trong tâm khảm tôi vì những đổi thay dâu bể sau ngày tôi rời xa. Và trong lần đầu hạnh ngộ với 'nhà' với 'quê' ấy, anh đùa nghịch với mọi người với cái vốn liếng tiếng Việt giới hạn của mình, nhưng anh không để cho tình cảm mình bị giới hạn. Anh chan hòa với mọi người, mang đến nụ cười trên những khuôn mặt mà trong đời sống tha hương, đối với tôi đã nhạt nhòa nhân ảnh. Buổi chiều ngày thứ hai khi chúng tôi về quê, anh nói với Ông:


- Con là người Gò Công!

Tôi giải thích cho Ông biết, là anh hay hỏi tôi về đời sống ở quê tôi, về mười chín năm tôi lao đao sống ở quê nhà. Anh nghe xong, tự 'nhập cuộc' bằng cách cho mình xuất hiện trong quá khứ của tôi:

- Cưng nè, hồi đó ở Việt Nam, mình hay ăn cơm với canh rau, ngon quá hả Cưng!

Trong những lần ăn cơm với bạn bè, anh cũng 'kể chuyện ngày xưa ở Việt Nam,' làm bạn bè tôi cười nắc nẻ:

- Chồng của bồ còn có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam hơn mình nữa ta ơi!

4. Bị con nít dụ

Anh lắm tài, nhưng có lẽ cái tài lớn nhất là làm tôi xiêu lòng bằng những câu nói chân chất. Tôi ức mình 'bị con nít dụ,' vì anh nhỏ hơn tôi hai tuổi. Nhưng anh thì lại có một lý luận rất khác. Anh nói:

- Cưng có nhiều chọn lựa. Anh chỉ là một trong những cây si theo Cưng thôi. Anh không có chọn lựa. Người có toàn quyền chọn lựa là Cưng đó. Cưng chọn cưới anh. Nếu không, đời anh làm sao có hạnh phúc?

Tôi nghe mà ấm ức. Rõ ràng là anh dí tôi không có đường chạy, không hiểu bằng cách nào mà anh vận động cả gia đình và họ hàng của anh để chinh phục tôi. Anh gọi đó là định mệnh. Anh kiên trinh muốn cưới tôi ngay từ lần đầu thấy tôi. Khi nghe anh thổ lộ, tôi phát điên:

- Sao Cưng khùng vậy? Mới thấy một người thì đã muốn cưới! Phải tìm hiểu người ta trước đã!

Lần đầu chúng tôi gặp nhau, là khi tôi vào phòng computer của trường để viết bài. Lúc đó, tôi mới dọn đến Stanford. Tôi quên không mang theo viết, nên nửa chừng, tôi phải đi quanh phòng tìm viết để ghi chú một vài điều cần thiết. Anh là người duy nhất trong phòng lúc đó. Tôi hỏi cầu may:

- Anh có thể cho tôi mượn cây viết không?

- Xin lỗi. Tôi không có viết ở đây.

- Dù sao thì cũng cám ơn anh.

Tôi quay đi. Anh gọi với theo:

- Cô ơi! Cô có cây viết trong tóc kìa!

Lúc ấy, tôi mới nhớ ra mình búi tóc với cây viết bi. Tôi đang viết bài thì anh đến gần:

- Cô có thể cho tôi xin địa chỉ email được không?

Đang tập trung viết, tôi không suy nghĩ nhiều về yêu cầu của anh. Tôi viết địa chỉ điện thư của mình cho anh. Chiều hôm đó, tôi nhận được thư anh.

"Mời cô ghé chơi lúc nào cô thích uống trà thảo mộc và thưởng thức sôcôla Thụy Sĩ."

Tôi ngâm giấm điện thư của anh, bận bịu với công việc học. Cả mấy tuần sau, áy náy thấy mình hơi mất lịch sự, không trả lời thư, tôi viết:

"Cám ơn anh đã mời. Tôi xin lỗi đã chậm trả lời thư. Lúc nào tiện, tôi xin phép ghé chơi. Trà thảo mộc nghe rất thi vị, và sôcôla Thụy Sĩ quả là một sự quyến rũ khó cưỡng lại được."

Anh biết tôi mới vào ca đoàn, nên bắt đầu gửi những email liên quan cho tôi. Tôi chú tâm vào việc học, bẵng một thời gian thật lâu sau, tôi mới thực hiện lời hứa. Một buổi chiều, khi việc học đã bớt căng thẳng, tôi ghé thăm anh. Chúng tôi nói chuyện không dứt. Chuyện toán học. Chuyện âm nhạc. Chuyện văn hóa. Thơ ca. Cuộc sống. Anh mời tôi ăn súp. Mải nói chuyện, tôi để cho súp bị nguội, anh đã xin hâm nóng lại cho tôi đến ba lần. Sau này, khi yêu nhau, anh vẫn chọc tôi là ngay từ lần gặp đầu tiên đã 'thử thách' sự kiên nhẫn của anh, để cho anh phải hâm súp cho tôi đến ba lần. Lại kết án tôi! Đó là thói quen của anh. Suốt ngày anh cứ hỏi:

- Có phải Cưng cố tình đáng yêu để làm cho anh phải lòng Cưng không?

Tôi khảng khái:

- Không bao giờ! Cưng tự làm Cưng phải lòng em, sao lại đổ thừa ngang vậy?

- Cưng cố tình búi tóc cao bữa đó, rồi đi mượn viết, làm cho anh... mê cái cổ của Cưng đó, không phải sao?

Tôi ức không nói được. Trẻ con quá đi thôi. Không biết các chị em phụ nữ khác bị con nít dụ thì có hay ức như tôi không. Mà con nít ấy còn là người dưng khác họ nữa chứ. Nhưng hôn nhân dị chủng, hay bất cứ một hôn nhân nào, không là một chuyến du thuyền vô ưu. Có nhiều lúc, tôi thèm được nghe chồng nói tiếng Việt không–ngọng với mình, mong anh hiểu những tư duy và ẩn dụ rất Việt, muốn anh tự nấu cho tôi một tô canh chua mà không bắt tôi phải đứng giải thích hai tiếng đồng hồ, muốn anh thấu được những lo âu hay ưu tư mà tôi có vì lối sống và suy nghĩ Việt Nam. Rồi những lúc về thăm nhà, ai nấy phải nói tiếng Anh với chồng tôi, tôi cũng thấy ngại. Anh cố lắm, thì nói được vài câu 'theo công thức,' rồi... cười huề hoặc dạ bừa với Ba Mẹ tôi. Cái tiếng "Dạ!" của anh nghe rất chân thành và lễ phép, nhưng đôi khi cũng rất nguy hiểm. May mà Ba Mẹ tôi chưa bao giờ hỏi đố câu nào quá độc địa, nếu không thì cả nhà tôi sẽ cười đứt ruột vì anh sẽ sẵn sàng "Dạ!" không cần suy nghĩ.

5. Những cách tỏ tình

Đôi khi trong niềm hoài cổ, tôi vẫn ấm ức sao người xưa có quá nhiều cái thi vị trong chuyện hẹn hò.

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…

Cái anh chàng trong bài ca dao này làm cho tôi ức quá.Nhưng tôi ức không vì cái thi vị của tình yêu e ấp thửơ ấy, mà ức vì anh ta… lung khởi quá! Bây giờ nàng đã xuất giá, mà còn tần nga tần ngần leo lên cây bưởi bước xuống vườn cà.Thật là vớ va vớ vẩn!Ức quá đi thôi!Yêu mà không thổ lộ cho đúng thời đúng lúc, thì thật là không đáng khí nam nhi gì cả!Ba đồng một mớ trầu cay – có khó khăn gì đâu mà không chịu bước tới.Đợi đến khi ván đã đóng thuyền, thì có tiếc cũng bằng không.

Anh yêu tôi, và anh không cho mình có cơ hội để tiếc. Anh cũng trèo, mà không trèo lên cây bưởi.Phải rồi, ở thành phố Stanford không có bưởi để trèo, mà đợi đến trèo bưởi thì đã phải tiếc rồi còn gì! Nên anh trèo lên đồi cỏ.

Và như thế, anh rủ tôi đi bộ trên đồi có đĩa vệ tinh. Gió chiều mơn man trên các ngọn đồi thoai thoải.Phía xa kia là thành phố San Francisco diễm lệ. Những cây gỗ mục đứng như bị phạt làm tượng vĩnh viễn trong những trò chơi của thanh niên thời nay. Trời đất mênh mang, mồ hôi mịn mà. Anh khẽ đưa tay vuốt mồ hôi trên trán tôi, rồi tự thẹn với hành động tỏ tình của mình, anh giả vờ đứng quay nhìn về phía Tây, nơi có những ngọn núi ẩn hiện trong rừng cây xanh. Rồi không biết làm gì với chính mình, anh giơ tay chỉ về phía trước:

- Đằng kia là freeway 280.

Vớ vẩn! Ai mà chả biết đấy là freeway 280! Sao mà con người ta có những lúc nói năng thừa thãi đến thế!

Sau này, tôi hay làm khổ anh bằng cách kể lại câu chuyện này. Anh cũng chào thua, không hiểu sao lúc ấy mình ngố quá.

Rồi cũng có một hôm, anh bỗng dưng ghé qua chỗ tôi, nói một cách nghiêm túc:

- Mai mốt, để anh lo chuyện ống nước cho! Em cứ thong thả chăm sóc vườn tược.

Tôi ngẩn người. Nghĩa là thế nào? Ống nước gì? Vườn của ai? Sao mà anh này hôm nay ăn nói như có mật mã vậy? Tôi chưa kịp hỏi thì anh đã tủm tỉm cười, rồi tỉnh bơ chào ra về. Láo thật! Ai hợp tác làm ăn gì mà nước với vườn nhỉ? Anh làm cho tôi phân vân.Chẳng lẽ mình… ngố đến vậy ư, một câu nói đơn giản như vậy mà cũng không hiểu được? Mà ý anh nói gì chứ?

Đấy là khi còn sơ giao, chưa thỏa thuận là người yêu của nhau, thì anh đã cho tôi một vố như vậy.Tôi dại dột, suy đi nghĩ lại xem câu nói kia có dụng ý gì, và ức mình chậm tiêu ít hiểu. Đi hỏi thì thấy kỳ kỳ. Nhưng sau này, tôi càng ức hơn khi khám phá ra, anh chẳng có tài cán gì trong chuyện ống nước cả! Đấy chỉ là nói ví von thôi: anh sẽ gánh vác việc nặng nhọc trong nhà, để em thảnh thơi trồng hoa tưới rau. Nói thách thật! Vậy mà tôi cứ cả tin!

Những cách tỏ tình của anh thật vô thưởng vô phạt, làm tôi không đề cao cảnh giác. Anh lặng lẽ như con sóng nhỏ, len lỏi vào bờ cát tôi, làm ướt cả cát. Tôi ngố, đến khi bị ngập lụt trong anh, mà vẫn dửng dưng tự đắc là thành cao hào sâu của mình vẫn còn hiên ngang đấy. Cho đến khi một ngày, hoa hồng khoe sắc khắp nơi, thì tôi mới biết, tình yêu đã đột nhập và chiếm lĩnh cuộc đời mình. Và anh thệ ước đời anh cho tôi.

Không chỉ khi đã là bạn trai bạn gái, mà khi đã là hôn thê hôn phu, là vợ là chồng, thì người ta thôi không tỏ tình với nhau nữa.Trái lại, nếu những đôi bạn nào vẫn giữ cho tình yêu nồng nàn, thì vẫn cứ làm cho nhau ấm ức hoài. Và mỗi ngày, tỏ tình đến vạn cách. Anh thì không chỉ ngố với người mình yêu, mà còn ngố với cả gia đình vợ tương lai, chỉ vì muốn tỏ tình cho tới bến. Lúc ấy, tôi càng ấm ức bạo. Số là…

6. ớt và ếch

Lần đầu anh xin phép đến gặp mặt Ba Mẹ tôi, anh làm cho cả nhà lăn ra cười giữa bữa cơm tối. Lúc mới quen nhau, anh không ăn được những món tôi nấu, vì có quá nhiều ớt. Nên anh quyết tâm tập ăn ớt để nhập gia. Khi dọn cơm tối, vì là lần đầu tiên anh ra mắt nhà vợ tương lai, nên gia đình đặc biệt quan tâm đến anh. Mẹ nấu cơm không dám bỏ ớt, sợ anh không ăn được. Mới và được hai đũa cơm, anh đã xếp đũa, đứng lên vòng tay, bập bẹ:

- Cho con xin 'ếch'!

Ba Mẹ tôi ngỡ ngàng nhìn nhau. Anh chị em tôi cũng thắc mắc.

- Con không thích mấy món này hả? Bữa nay Bác đâu có mua ếch!

Nghe Mẹ tôi hỏi mà tôi dở khóc dở cười. Ôi thôi, anh thích ăn ếch hồi nào đâu! Tôi vội vàng đính chính. Anh không biết mình đã làm gì sai, trong khi cả nhà tôi lăn ra cười. Tôi phải giải thích cho anh biết, là anh xin 'ếch' thay vì 'ớt.' Anh thì cứ tưởng mình đã học thuộc lòng rồi, chắc như bắp! Anh chắc chắn là phen này, cả nhà sẽ cho anh nhập gia ngay vì tài ăn ếch của mình. Ban đầu, khi tôi dạy tiếng Việt cho anh, tôi cũng khổ sở vì đôi khi anh hí hửng tưởng mình đã phát âm đúng, trong khi tôi cứ nói là sai và bắt anh phải sửa. Anh chất vấn tôi:

- Nhưng mà hai chữ Cưng vừa đọc, anh nghe đâu có khác nhau đâu!

Đúng rồi! Anh nghe không khác nhau, nên anh mới ngang nhiên đọc sai như vậy! Vậy mà cũng không chịu thấy nữa! Học trò ngang ngược kiểu này, cô giáo không bỏ dạy mới lạ. Khổ nỗi, ban đầu, anh lại còn rất gàn. Tôi dạy a bê xê, dạy học vần, anh nhất quyết không nghe.

- Anh có phải là con nít đâu! Cưng dạy anh cả câu đi! Anh học được mà!

Tôi cố giải thích:

- Anh học a bê xê, học vần, thì chỉ cần học căn bản, rồi tự anh có thể phát âm và học thêm từ mới. Trong khi nếu anh học mù, học thuộc lòng từng câu, thì bao giờ mới học hết chứ!

Anh nhất định không nghe. Con nít mới học a bê xê, anh thì không! Tôi cắn răng dạy những gì anh muốn nói, mà ruột gan sôi lên sùng sục. Ức nhất là những khi anh đọc 'ớt' thành ra 'ếch' mà vẫn hồn nhiên khoan khoái... không biết mình đọc sai. Khi anh nhận ra chân lý mà tôi khốn khổ mất cả hơn một năm trời 'tụng' cho anh, thì anh bắt đầu đọc chuẩn hơn, và có thể tự mình đánh vần để phát âm. Đời tôi bắt đầu tươi sáng hơn một chút mỗi khi phải làm cô giáo Việt ngữ tại gia.

Và còn có nhiều những thách đố khác trong đời sống hôn nhân dị tộc (hay tam tộc, vì chúng tôi ngoài văn hóa mẹ đẻ là Việt Nam và Thụy Sĩ, còn sống trong văn hóa Hoa Kỳ). Nhưng, cũng giống như những quyết định khác trong cuộc đời, khi đã có gan chọn, thì phải có gan chấp nhận những thách đố hệ tại. Con đường nào cũng hứa hẹn những thử thách của nó. Tôi cũng được an ủi nhiều, vì tuy tôi là một cô giáo Việt ngữ khó tính, chồng tôi vẫn xin học với tôi mỗi ngày. Có hôm, anh đặt quá nhiều câu hỏi về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, thậm chí trong lúc dùng cơm, tôi... tạm thời giải nghệ:

– Để em ăn cơm cái đã!

Trangđài Glassey–Trầnguyễn

Ý kiến bạn đọc
17/11/202019:08:21
Khách
Ôi cái tên "Cưng" sao mà nghe dễ thương quá...!
Gò Công là quê hương của Nam Phương Hoàng Hậu, có rất nhiều người đẹp.
14/07/201217:14:39
Khách
Tôi cũng gặp như vậy. Không ngờ mình lại bị sét đánh với thằng ngoại quốc trẻ. Cả hai nhìn nhau trâng trâng lần đầu tiên gặp nhau.
14/07/201209:17:16
Khách
Rất nhẹ nhàn , dễ thương
Mong Trang Đài viết nhiều thêm
11/07/201221:27:00
Khách
Tại sao không khoe?

Ganh tỵ chăng?
10/07/201207:26:42
Khách
Duyên dáng,đáng yêu vô cùng!

Cũng như những bài trước,Trang Đài có tài kể chuyện mạch lạc,lôi cuốn và chân tình như những lời thủ thỉ tâm tình của những người đã từng thân quen nhau lâu lắm.

Tôi yêu cái câu tế nhị mang chút e thẹn của cái ý:"Chúng mình xây dựng gia dình với nhau nghe cưng";rõ nghĩa hơn là câu viết của Trang Đài:"Và anh thệ ước đời anh cho tôi"

Đáng yêu quá phải không?

Hoan nghênh;cầu chúc duyên lành của Trang Đài mãi mãi ngọt ngào đằm thắm.

Chờ đọc thêm bài mới.
10/07/201205:24:24
Khách
Khoe khoang qua!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,395,818
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai mươi mươi ba - gồm những bài viết được phổ biến trên nhật báo Việt Báo và trên vietbao.com từ ngày 1 tháng Bẩy 2021 tới 30 tháng Sáu 2023 - sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật 26 Tháng Mười Một 2023 tại Garden Grove, CA, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ ngày 30 tháng Tư năm 2000. Giải thưởng được tổ chức hàng năm, với các phần thưởng trị giá đến $35,000, gồm tiền mặt và tặng vật dành cho các giải vào chung kết, bán kết, giải danh dự, và một số giải đặc biệt. Riêng giải chung kết Tác Giả Tác Phẩm trong năm là $10,000;
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XV được tổ chức vào Chủ Nhật 17 Tháng Tám 2014, và 21 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên,
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh ở Bình Định, lớn lên ở Biên Hoà, học Trung Hoc Ngô Quyền 1965-1972.
Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng giới thiệu bài viết của Ông Đỗ Doãn Quế,
Tác giả người Mỹ đầu tiên trực tiếp viết bằng Việt ngữ và có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007 và rất có lòng với giải thưởng Việt Báo.
Tác giả cho biết cô họ Đoàn, đang ngụ cư ở Austin, TX, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ và vẫn liên tục góp bài trong nhiều năm.