THÔNG BÁO
Ban tổ chức Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ 2007 kính mời các tác giả có tên sau đây:
1. Trần Xuân Nghĩa
2. Duy Tâm
3. Lê Đình Phương
4. Lưu Ngọc Minh
5. Võ Thị Điềm Đạm
6. Phạm Minh Châu
Liên lạc gấp về ban tổ chức ở số điện thoại (714) 894-2500 hoặc email [email protected]để cho biết một số thông tin cần thiết chuẩn bị cho Lễ Trao Giải vào ngày 26 tháng 8 năm 2007. Rất mong sớm nhận được liên lạc từ quý vị. Trân trọng.
Giải Thưởng Việt Báo 2007
Viết Về Nước Mỹ
Chủ Nhật, 26 Tháng 8, 2007
Với các phần thưởng hàng năm trị giá 35,000 Mỹ kim, Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ hiện bước sang năm thứ Tám. Tính đến nay, đã có trên 7,952 bài viết tham dự, trong số này, có 2,555 bài đã được tuyển chọn phổ biến trên Việt Báo và Việt Báo Online. Giải Bé Viết Văn Việt đã bước sang năm thứ Năm, với sự tham dự đông đủ của các em thiếu nhi trong tinh thần gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt.
Lễ Trao Giải & Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ Tập VII Và Giải Thưởng Bé Viết Văn Việt 2007 sẽ được long trọng tổ chức tại :
Nhà Hàng Seafood World
15351 Brookhurst, 101-106
Westminster, CA 92683.
Vào chiều Chủ Nhật, ngày 26 tháng 8, 2007, lúc 5:00PM.
Mọi chi tiết về giải thưởng, xin liên lạc 714-894-2500 trước ngày 5 tháng 8 năm 2007
Kết Quả Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ 2007
25 tác giả đã được bình chọn cho các giải hàng năm trị giá 35,000 mỹ kim. Thêm một giải thưởng mới được thành lập. Viết Về Nước Mỹ khởi sự bộ sách quí bìa cứng (hình trên.)
Ngày 6 tháng 9 năm 1992, Việt Báo phát hành số ra mắt. Nhờ sự tin cậy hỗ trợ của quí vị độc giả, thân hữu và thân chủ, Việt Báo đã mau chóng trở thành một nhật báo với nhiều ấn bản tại Nam Bắc California, Houston, Washington State - Tacoma và Việt Báo Online trở thành một trong những website Việt ngữ có số lượng người đọc đông nhất.
Trưa 30 tháng Tư năm 2000, đúng 25 năm ngày người Việt miền nam tự do phải bỏ nước ra đi, giải thưởng Viết Về Nước Mỹ được quyết định thành lập tại trụ sở Việt Báo ở Little Saigon, với giải thưởng hàng năm là 30,000 mỹ kim.
Ngày 7 tháng Năm, Việt Báo công bố lời mời cùng viết về nước Mỹ. Chỉ hai ngày sau, cụ Nguyễn Gia Mai, 89 tuổi, từ nhà ở Garden Grove đi bộ mang tới toà báo bài viết còn nóng hổi. Và từ đó, liên tục tới nay, với 7,952 bài tham dự, 2,055 bài đã được biên tập, giải thưởng hiện sang năm thứ tám và mỗi ngày đều có thêm bài mới được tiếp tục phổ biến trên các ấn bản Việt Báo và Việt Báo Online.
Họp mặt phát giải thưởng ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ lần đầu được tổ chức tại Thư Viện Nixon chiều 29-11-2000.
Hội Đồng Tuyển Chọn Giải Thưởng và nhóm điều hành Việt Báo, sau các phiên họp làm việc từ trung tuần tháng Sáu 2007, đã quyết định thực hiện nhiều bước tiến mới về sinh hoạt và xuất bản Viết Về Nước Mỹ.
Trước hết, là kết quả giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2007: Trong tổng số 327 bài viết được phổ biến trong năm, có 25 tác giả được bình chọn cho các giải thưởng trị giá 35,000 mỹ kim, gồm tiền mặt và tặng phẩm.
12 Giải Đặc Biệt 2007
1. Trần Xuân Nghĩa, bài "Mr. A+". Tác giả là một kỹ sư điện, cư dân San Diego. Bài viết kể về một thuyền nhân trẻ một mình tới đất Mỹ, vừa làm vừa học, bị tai nạn thương tật trầm trọng, vẫn phấn đấu học hành thành đạt và đoàn tụ với gia đình.
2. Đỗ Thị Bích Du, bài "Một Gia Đình H.O., Cả Nhà Đi Học." Tác giả là cư dân Riverside, Nam California, 62 tuổi. Bài viết của bà là chuyện kể, hay tự truyện, của một gia đình H.O. chọn hội nhập nước Mỹ bằng con đường buồn chán nhất là "cả nhà đi học."
3. Tác giả Chung Mốc, bài "Gả Con Cho My." Tác giả đang sống tại Saigon, thường gửi "Thư Quê Nhà" dự Viết Về Nước Mỹ và đã được tặng một giải thưởng đặc biệt năm 2005. "Gả Con Cho Mỹ" là bài viết mới nhất của ông góp cho năm thứ bẩy.
4. Nguyên Phương, bài "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi." Tác giả vượt biên và định cư tại Mỹ từ 1982, hiện là cư dân Virginia và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Bài viết kể về bà mẹ Việt Nam 90 tuổi sang đoàn tụ với con cháu, học thi và thi đậu quốc tích Mỹ để "Thank you, America."
5. Duy Tâm, bài "Góc Vườn". Tác giả là một kỹ sư điện toán, cư dân Midway City, Orange. Bài viết là một chuyện nhẹ nhàng kể về khoảng cách giữa những người lính già của cuộc chiến hơn 30 năm trước với thế hệ con cháu được sinh ra tại Mỹ.
6. Lê Đình Phương, bài "Tâm thức Việt Trên Đất Mỹ." Tác giả là bác sĩ khoa nội thương tại bệnh viện Pháp Việt Sài gòn. Trong thư gửi Việt Báo, ông gọi giải thưởng Viết Về Nước Mỹ là "một cơ hội tuyệt vời để những người Việt trong nước và ngoài nước có thể chia sẻ những tình cảm, trải nghiệm của người Việt chúng ta về Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ". Bài viết thể hiện tinh thần ấy.
7. Quang Tuyến, bài "Giấc Mơ Mỹ Quốc." Tác giả là một nữ tư chức làm việc tại Sài Gòn, cư trú tại quận I. Bài viết của bà cho thấy một cách nhìn khác thường của một người Việt trong nước với "giấc mơ Mỹ quốc."
8. Trần Đông Thành, bài "Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ." Tác giả là cư dân San Jose, trước 1975, nhân viên thuế vụ. Theo bài viết, ông từ vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân Việt Nam, gia đình chia đôi. Ông mang 2 con lớn vượt biên, bà giữ 2 con nhỏ ở lại. Và rồi cả nhà đoàn tụ trên đất Mỹ.
9. Phila To, bài viết "Con Ơi, Bây Giờ Con Ở Đâu"" Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, HO.1, cư dân Westminster, hiện làm việc tại học khu Ocean View, Nam California. Bài viết kể về một vị cao niên gốc Việt sống cô đơn trong một viện dưỡng lão tại Mỹ.
10. Lưu Ngọc Minh, bài viết "Một Trời Để Mộng."
Tác giả 42 tuổi, cư dân Vancouver, Washington State, công việc: project leader thuộc Bộ Xã Hội. Bài viết là tự truyện của người con gái một gia đình nông dân Việt Nam, một mình học hành lập thân trên đất Mỹ.
11. Võ Thị Điềm Đạm, bài viết "Bước Chân Lãng Tử." Tác giả là công dân Na Uy gốc Việt và bài viết là bút ký ghi lại 7 ngày dong duổi trên mình ngựa trong xứ cao bồi ở Arizona, quê hương của bộ lạc da đỏ Apache.
12. Phạm minh Châu, bài viết "Cây Đa." Tác giả sống tại Austria, Áo quốc, Bài viết kể về một chàng sinh viên da trắng gốc Áo, học tiếng Việt để sẽ sang Việt Nam làm công tác xã hội, tự chọn cho anh cái tên là "Cây Đa."
12 tác giả vào Chung Kết
1. Trần Nguyên Đán, với bài viết "Trở Về Mái Nhà Xưa." Tác giả là một Mục sư, cư trú và phục vụ tại Virginia. Trong năm 2006, ông đã góp cho Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết đặc biệt, mỗi bài thường là một thử nghiệm đụng tới mức gai góc, sâu thẳm của từng đề tài, như đức tin và những ẩn ức giới tính giữa tình bạn, tình yêu, gia đình...
2. Phương Lan, bài "Đi Hoang." Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California. Bà có 3 tác phẩm đã xuất bản: "Tiếng Dương Cầm," truyện dài; "Anh Mới Biết Yêu Lần Đầu", tập truyện; "Còn Chờ Một Kiếp Sau", tập truyện.3. Nguyễn Thượng Chánh, với bài "Ba Lần Vượt Biển."
Nguyễn Thượng Chánh, DMV (Doctor of Veterinary Medicine: Bác sĩ Thú Y) là tác giả nhiều bài viết tìm hiểu khoa học giá trị trên các tạp chí và online chuyên ngành. Trước 1975, ông là giáo sư tại Viện Đại Học Cần Thơ, hiện định cư và làm việc tại Canada.
4. Ai Cơ Hoàng Thịnh, với các bài "Nhật Ký Cô Giáo Lớp Việt ngữ"; "Phần Thưởng Vô Giá". Tác giả là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria, Úc, và là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Bà đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 (Thành phố Footscray) & Teacher of the Year 1997 (Tiểu bang Victoria). Bài viết cho thấy tâm nguyện của tác giả: góp sức duy trì ngôn ngữ & văn hoá Việt cho những thế hệ trẻ tại hải ngoại.
5. Chu-Mai, Thượng Châu, với bài "30 Năm Đóng Tàu Chiến My." Tác giả là cư dân San Diego. Trước 1975, ông là sĩ quan VNCH, phóng viên Đài THVN9 đồng thời là ký-gỉa các nhật báo Hòa-Bình, Xây Dựng, Tự Do... Tới Mỹ sau 30 tháng 4 năm 75, ông hiện là một cấp chỉ huy nhiều chuyên viên trong ngành đóng tàu Hoa Kỳ, thuộc hãng Nassco, General Dynamics tại San Diego, Ca, USA.
6. Nguyên Quỳnh, bài "Chân Ướt, Chân Ráo".
Tác giả viết trong thư đề ngày 20-9-06 "Tôi là Nguyên Quỳnh, mẹ của cháu Trân Nguyên, đã nhiều lần tham gia Việt Báo. Riêng tôi, đây là lần đầu tiên." Trân Nguyên là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006. Và đây là chuyện Mẹ và Con 20 Năm tại Mỹ.
7. Quân Nguyễn, với bài "30 Tháng Tư 1975: Tôi Ở Lại Sứ Quán Mỹ." Tác giả là cư dân Anaheim, California. Cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, và hiện là state parole officer ở Santa Ana. Trong năm 2006, các bài viết của Quân Nguyễn đã thu hút trên 150,000 lượt người đọc trên Vietbao Online.
8. Đỗ Thị Bông, bài "Thăm xứ đạo Amish."
Tác giả đã 81 tuổi, hiện là bà cố của 20 cháu chắt nội ngoại. Sanh năm 1926 tại Cần Thơ, chồng chết năm Mậu Thân 1968, bà ở vậy nuôi đàn con, qua Mỹ cuối tháng Tư năm 1975. Bài viết kể chuyện cả nhà đi thăm người bảo trợ tại vùng núi cao của những người "tu" đạo Amish, nơi vừa bị một kẻ cuồng sát xông vô trường học hạ sát 5 học sinh vô tội.
9. Phan, bài "Ba Mùa Cỏ".
Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. "Ba Mùa Cỏ" là một chuyện tình, theo tác giả, đã làm ông thay đổi định kiến về hôn nhân dị chủng.
10. Chi Mai, bài "Tạ Ơn Bệnh Viện Mỹ, Nước My."
Tác giả là trưởng nữ một gia đình thuộc sắc tộc Chăm (Chàm) đang sống tại Việt Nam, đến Mỹ do sự can thiệp đặc biệt của bệnh viện U.C Davis ở Sacramento, để thăm gặp người em ruột bị ung thư máu. Câu chuyện những ngày cuối cùng của người em được kể với lời kết "Tôi may mắn đọc được trang báo "Viết Về Nước Mỹ Năm Thứ Bẩy" nên xin gửi gấm những cảm xúc của mình vào đây, như lời tạ ơn chân thành nhất của gia đình chúng tôi với bệnh viện Mỹ và nước Mỹ tử tế, nhân đạo."
11. Trần Thiên Thịnh, bài "Viết Gửi Theo Ba Tôi"; "Phước Lai Con Bà Phước."
Tác giả vượt biển đến được trại Pulau Bidong, Mã Lai. Sau 7 năm vất vưởng, ông bị cưỡng bách hồi hương. Thêm 3 năm tuyệt vọng ở Việt Nam, ông được tái phỏng vấn và tới Mỹ khi đã 30 tuổi.
12. Anne Khánh Vân, bài "Duyên Nợ Với Nước Mỹ."
Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống và làm việc cho một công ty quốc tế tại miền Đông Hoa Kỳ. Với 11 bài viết trong năm, Anne Khánh Vân trở thành tác giả đứng đầu danh sách được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online: Hơn 200,000 lượt người đọc.
Trong số 12 tác giả vào danh sách chung kết kể trên, sẽ có:
- 1 giải Chung Kết, với phần thưởng gồm 10,000 mỹ kim và tặng phẩm,
- 4 giải vinh danh tác giả tác phẩm, mỗi giải gồm 1,500 mỹ kim và tặng phẩm;
- 7 giải danh dự, mỗi giải gồm 500 mỹ kim và tặng phẩm.
Kết quả chính thức sẽ được công bố trong buổi họp mặt phát giải thưởng ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ 2007 vào chiều Chủ Nhật 26 tháng 8.
Giải Việt Bút cho tác giả đa từng nhận giải
Theo điều lệ giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, mỗi tác giả tham dự có thể góp nhiều bài viết khác nhau, không giới hạn đề tài hay số lượng. Trong 8 năm Viết Về Nước Mỹ, có gần 200 tác giả đã được trao tặng các giải thưởng. Trong số này, nhiều tác giả sau khi đã nhận các giải thưởng chính, vẫn tiếp tục đóng góp bài mới, không nhằm dành thêm giải thưởng mà chỉ để tiếp tục góp phần hỗ trợ. Chính nhờ điều này, nội dung Viết Về Nước Mỹ ngày càng phong phú hơn.
Ban tuyển chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 - gồm nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, trưởng ban, và hai thành viên: nhà văn Nhã Ca và nhà báo Nguyễn Khắc Nhân- trong các phiên họp, đã ghi nhận như trên và thảo luận về việc lập thêm một giải đặc biệt dành cho những bài viết mới của các tác giả kỳ cựu đã từng nhận giải thưởng.
Kết quả, từ năm nay, Viết Về Nước Mỹ có thêm giải "Việt Bút" -danh hiệu do Nguyễn Xuân Nghĩa đề nghị- dành cho những tác giả kỳ cựu có bài viết mới hay hơn bài cũ. "Có nghĩa là người viết đã vượt được chính mình. Với tôi, người nào làm được điều này có nghĩa đã thực sự trở thành một nhà văn đáng trân trọng nhất." Nhã Ca nói.
Kết quả giải "Việt Bút" năm nay, như 4 giải thưởng chính, sẽ được chính thức loan báo trong họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Bộ sách quí bìa cứng
Sách Viết Về Nước Mỹ ấn hành hàng năm đang là cuốn thứ bẩy và liên tục tái bản, có cuốn đang in lần thứ 5- thực sự trở thành bộ sách ngàn người viết có số lượng độc giả đông nhất. Chuyện nhà, một người viết ra, cả gia đình cùng đọc. Người viết, người đọc không chỉ ở Mỹ, mà còn ở khắp các châu lục, đặc biệt là ở ngay trong nước Việt Nam. Cộng thêm lượng người đọc trên các ấn bản Việt Báo hàng ngày và Online, số lượt người đọc đã llên tới nhiều triệu.
Để xứng đáng hơn với ân nghĩa, tin cậy mà người viết người đọc vẫn liên tục dành cho, từ nay, trong khi loại sách bìa mỏng vẫn tiếp tục hàng năm, chúng ta có thêm bộ sách quí bìa cứng với nội dung được sắp xếp lại theo tầm nhìn toàn tập.
Khác với sách Viết Về Nước Mỹ bìa mỏng, hiện đang tới cuốn thứ 7, mỗi cuốn là một tuyển tập các bài viết trong một năm, bộ sách quí bìa cứng được trân trọng thực hiện từ tầm nhìn chung cho cả tám năm.
Cuốn sách quí bìa cứng đầu tiên năm nay mang tên "Viết Về Nước Mỹ: Cay Đắng Ngọt Bùi." Đây là một tuyển tập của 70 tác giả tiêu biểu, gồm 10 tác giả từ khắp nơi trên thế giới, 9 tác giả từ trong nước Việt Nam, và 51 tác giả đang sống trên đất Mỹ. Sách khổ lớn, 640 trang, hardcover, ấn phí 25 mỹ kim.
Họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2007 ngày 26 tháng 8 đánh dấu năm thứ 8 của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, đồng thời, cũng là kỷ niệm sinh nhật thứ 16 của hệ thống Việt Báo.
Theo chương trình, sinh hoạt giải thưởng Việt Báo 2007 sẽ diễn ra trong hai ngày cuối tuần cuối tháng Tám: Thứ Bẩy, 25-8, khởi sự với cuộc triển lãm tranh ảnh sách báo Thiếu Nhi, giải Bé Viết Văn Việt năm Thứ Tư, khai mạc lúc 11 giờ trưa, tại Việt Báo Gallery. Tiếp theo, từ 2 giờ trưa Chủ Nhật 26-8, là buổi họp mặt tác giả Viết Về Nước Mỹ và sau đó là dạ tiệc phát giải thưởng ra mắt sách tại nhà hàng Seafood World, thành phố Westminster.
Thiệp mời dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ hiện đang được phân phối. Mọi tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ đều là khách quí của Việt Báo. Xin quí vị liên lạc để nhận thiệp mời. Điện thoại: 714-894-2500. Điện thư: [email protected].
Phạm Quyến
(Ban điều hành Giải Thưởng VVNM)