Hôm nay,  

Một Góc Đời Riêng

22/08/200200:00:00(Xem: 371006)
Người viết: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài tham dự số: 2-621-vb70816


Nguyễn Trần Diệu Hương là tác giả bài viết “Chương Cuối Của Cuộc Đời”, một trong những giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2001. Cô hiện sống và làm việc tại miền Bắc California. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, câu chuyện một cô gái Việt giữ tên cũ của mình trong giấy tờ trên đất Mỹ, vì “chúng ta mất hết chỉ còn... tên.”

Ba mẹ đặt cho cô một cái tên rất đẹp, đầy âm điệu quê hương: Phạm Kim Ca Dao.

Cô may mắn được lớn lên trong những âm thanh ngọt ngào của quê hương từ lời ru miền Trung của mẹ, từ những bài vè dân gian miền Bắc của Hà Nội. Cô tự hào về cái tên của mình lắm, mặc dù cái tên đã làm gợi óc tò mò cuả nhiều thầy cô giáo thời trung học, và cô luôn bị gọi lên bảng đọc bài. Tệ hơn thế, cô còn bị lũ bạn "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" trêu chọc, gọi là "Chắc Cà Đao" "Cây Dao" hay "Phạm Kim Dao…Búa".

Đến khi "làn sóng đỏ" đẩy cô trôi dạt từ Mã Lai, đến Phi Luật Tân, đến Nhật và qua Mỹ thì cái tên dễ thương của cô lại gặp những "vấn nạn" khác, người ngoại quốc đọc tên cô thành "Down". Nghe cũng không ổn chút nào! Nghĩ đi, nghĩ lại cô quyết định giữ đúng tên khai sinh nguyên thủy của mình, nhưng vẫn yêu cầu "đồng bào mới" của cô, những người Mỹ, gọi cô là Kim, một phần của tên cô.

Trên tất cả mọi giấy tờ, bằng lái xe, thẻ an ninh xã hội, diplomat, deets, passport, đều in rõ cái tên bốn chữ Phạm Kim Ca Dao, nhưng mọi người vẫn gọi cô là Kim theo yêu cầu của cô. Trên resume của cô, paychecks, hay bảng tên ở văn phòng làm việc đều chỉ có hai chữ, ngắn gọn: Kim Phạm. Thật ra, cô có thể chọn một cái tên Mỹ: Linda, Margaret, Theresa, Babara, Cathy….nhưng cô không muốn, vì "chúng ta mất hết, chỉ còn…tên".

Cái tên rất dễ thương của cô đã gây nên một trận chiến tranh lạnh giữa cô
và "Cố vấn tối cao" kéo dài gần 3 tháng, làm hai bên đều đau khổ, nhưng không bên nào chịu dẹp tự ái để mở miệng nói lời xin lỗi. Khách quan nhận xét, lỗi không phải ở cô, vì cô hoàn toàn không biết nguyên nhân. Câu chuyện bắt đầu từ một lần cô gọi điện thoại đến sở tìm anh, người có đủ khả năng làm "leader" cho cô trọn cu ộc đời. Anh không có ở văn phòng, và hệ thống điện thoại tự động tranfer đến phòng Lab, nơi anh cùng làm việc với nhiều kỹ sư khác. Không may, hôm đó, anh không có mặt quanh Lab, một đồng nghiệp của anh nhấc điện thoại. Đó là một người Mỹ không giống những người Mỹ bình thường khác, và đã đưa anh và cô đến "ba tháng chia lìa". Nguyên văn cuộc điện đàm như sau:

- May I speak to Dan, please.

- Dan, who"

- Dan Tran

- He's not around here! Can I take the message"

- Sure. Please tell him to call me back, my name is Kim. He known my number. Thanhks so much for yor time. Bye now.

Cô gác điện thoại thầm nghĩ anh sẽ gọi lại cho cô trong ngày hôm đó. nhưng ba tháng sau, cô mới nhận được điện thoại của anh. Lý do là người đồng nghiệp bản xứ của anh rất khác thường so với những người Mỹ chúng ta thường tiếp xúc. Khi chuyển lại message cho anh người bạn đồng nghiệp đã "go extra mile" không những nhắc lại nguyên văn lời nhắn nhủ của cô, hắn còn thêm vào:

- Girlfriend của mày, rất dễ thương, cái tên Ca Dao cũng rất dễ thương, vậy mà mày không take care cẩn thận, có ngày mày mất Ca Dao, như mày đã mất nước.

Lời bình luận đó làm anh rất đổi "up set" vì hắn đã đụng đến "vết thương không bao giờ lành" của anh, chuyện mất nước, và hắn đã biết tên của cô là Ca Dao, nghĩa là theo suy luận của anh, cô đã nói chuyện rất nhiều với hắn, vì hơn ai hết, anh biết là chỉ có những người rất thân, hay bạn thời nhỏ dại của cô mới biết cô tên Ca Dao.

Anh đã lớn tiếng với hắn, đó là một trong những lần hiếm hoi anh cao giọng giận dữ, vì là người con thứ sáu trong một gia đình đông con, dưới một nền giáo dục rất cẩn thận, đầy tôn ti trật tự của ba mẹ anh, theo truyền thống người Huế, anh rất bình thản, biết tự kềm chế và luôn hòa nhã, lịch sự với tất cả mọi người. Nhưng anh cũng đủ bình tỉnh để mời hắn vào văn phòng của anh, đóng cửa lại và bắt đầu to tiếng. Từ khung cửa kính trong suốt nhìn vào, những đồng nghiệp khác của anh biết anh và hắn đang to tiếng, nhưng họ đều nghĩ là anh và hắn đang cãi nhau về một project đang gặp trở ngại, không ai ngờ rằng cái tên "Ca Dao" đầy nhạc tính và đầy hương sắc quê hương của cô là nguyên nhân để hai người to tiếng.

Tận cùng thâm sâu của tư tưởng, hình như không phải là chuyện ghen tuông thường tình, không ai muốn người mình thương quý nói chuyện thân mật với một người khác phái mà đó còn là dịp để anh biểu lộ thái độ đối với hắn, một kỹ sư bản xứ, không được boss tin cậy và giao cho nhiều trách nhiệm, quyền hành như anh, từ lâu hắn vẫn thắng hoặc có những lời nói dèm pha về anh, về công việc anh đang làm. Giá mà anh là người bản xứ, thì lòng dèm pha, đố kỵ đã không xảy ra, hoặc nếu có ở một cường độ nhẹ hơn! Đó là một trong những "nổi buồn lưu vong" nhưng nổi niềm không biết than thở cùng ai!

Cho đến bây giờ, cả anh lẫn cô vẫn thắc mắc, không hiểu tại sao người đồng nghiệp rất đổi "lousy" của anh lại có thể biết đến cái tên Ca Dao của cô, và phát âm rất chính xác như một người Việt Nam. Hình như email của cô gởi đến cho anh, những cái email luôn được ký tên bằng hai chữ Ca Dao để nhắc cho người gởi lẫn người nhận những lời ru thân thương đã nuôi anh và cô thành người hữu dụng cho cả hai Tổ quốc, đôi khi anh đọc xong, quên không kịp đóng lại, hắn vào và đã đọc những email rất là riêng tư đó. Và hắn đã nhờ một người Việt Nam nào đó, "huấn luyện" cho hắn phát âm hai chữ Ca Dao rất chính xác.

Sau "tai nạn bất ngờ" đó làm hai người giận nhau ba tháng, cô quyết định viết email cho anh bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh như trước, để tránh mọi phiền phức xảy ra trong tương lai "Một lần vấp ngã là một lần bớt dại".

Mỗi lần gặp chuyện bất an trong đời sống, cô vẫn lên Treadmills chạy nhanh hơn, lâu hơn vì đó là cách tốt nhất để "release strees". Sau ba tháng không liên lạc với anh, cô đã chạy được từ bốn lên sáu miles mỗi giờ trên treadmills! Tốc độ của cô càng tăng cao, và thời gian trong Fitness Club càng lâu hơn khi cô mua nhà lần đầu.

Đó là cả một "huge strees" vì cô chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất, từ tấm paycheck mỗi 2 tuần. Như một người bơi giữa biển, không có "life vest" không có phao an toàn, mạng sống tùy thuộc vào thế lực và khả năng bơi lội. Là một người rất là độc lập, cô biết mình phải bơi bằng mọi cách để tới bến bờ, phải luôn tự nhủ mình "tôi phải sống" như trong quyển truyện nổi tiếng ngày xưa của nhà văn Khái Hưng. Không một người thân nào ủng hộ cô trong quyết định "an cư". Ba mẹ cô, vẫn ở quê nhà, qua thư từ hay qua điện thoại vẫn muốn cô ở với các em, vì anh chị em nên đùm bọc, ở quanh nhau để còn giúp nhau khi "tối lửa tắt đèn". Các em cô không muốn cô ở nhà riêng, vì đời sống vốn đầy strees, sẽ càng căng thẳng hơn khi phải trả mortgage, một món nợ kéo dài ba mươi năm. Suy đi, nghĩ lại cô quyết định mua nhà rất đơn phương, vì không có ai ủng hộ kể cả anh.

Vả chăng, cô đã quen cái cảm giác "you have to stand on your own feet" kể từ mùa hè năm 88, cô rời quê nhà lao vào cuộc hành trình đầy hiểm nguy giữa đại dương một mình. Và sau đó, cũng tồn tại một mình giữa đại dương một mình. Và sau đó cũng tồn tại một mình giữa những trại tỵ nạn đầy phức tạp.

Cô đến thư viện, lục tìm sách dạy về nguyên tắc, thủ tục và những điều nên biết cho người mua nhà lần đầu. Và cô lên internet tìm lấy cho mình một realtor và một lender. Rút kinh nghiệm từ "ba tháng chia lìa" cô tìm một nữ realtor. Lần đầu gặp cô giữa mùa hè, trong quần short, giày tennis shoes và áo halter bà realtor tưởng cô chỉ là người đi theo góp ý không phải là "decision maker". Về sau, khi nhận được "pre approval paper" của ngân hàng, với đầy đủ giấy tờ chứng minh khả năng tài chánh của cô, bà realtor rất đổi ngạc nhiên. Khi biết cô mới ở Mỹ chỉ 10 năm, bà hỏi cô "Bí quyết thành công" nhớ lời anh khuyên, không bao giờ tự mãn về mình, cô không nói về mình mà không bỏ lỡ cơ hội, đưa ra lập luận kèm cả chứng minh, phản bác lại cô đào chiếu Jane Fonda thập niên 60, một trong những nguyên nhân phụ giúp làn sóng đổ tràn vào miền Nam. Cô cười buồn, kết luận:

- Bà biết không" Khi con chó bị dồn vào đường cùng, nó còn biết cắn lại. Khi con người dồn vào đường cùng, chỉ có một lựa chọn duy nhất, phải tìm đường sống trong một hành trình hiểm nguy, thì không có một khó khăn nào có thể quật ngã những người đã đến "dead end".

Mỗi thứ bảy, bà chở cô đi trong ba thành phố lân cận, ở trung tâm của Sillicon Valley, tìm coi những căn nhà nằm trong khả năng của cô và được cô tìm thấy trên một web site của thị trường địa ốc ở địa phương. "Người thầy" lớn nhất của cô trong lúc này là "web site www.ask.com".

Sau hơn 2 tháng đi xem xét gần 100 căn nhà trên thị trường, cô quyết định mua một căn condo minium nhỏ, nằm trong một khu vực yên tỉnh, có cổng vào, đủ hai tiêu chuẩn an ninh, và thơ mộng, một kiểu thơ mộng của các thành phố châu Âu. Và quan trọng hơn hết, nhà nằm trong khả năng tài chánh của cô, và mức độ Ngân hàng cho cô vay tiền.

Không may, căn condo ở một góc nhỏ-end unit có một khung cảnh "Đà Lạt rừng thông" từ cửa sổ phòng khách, có tiếng rì rào của thác nước nhân tạo, như tiếng sóng biển của Nha Trang, từ cửa sổ phòng ngủ và có mùi dạ lý hương thơm lừng trên lối vào nhà, cũng "lọt vào mắt xanh" của nhiều người khác. Cô ở vào số hai của waiting list, lòng thầm nghĩ mình đã để mất một cơ hội hiếm có. Tuy vậy, cô cũng bỏ ra hai mươi phút ngồi điền đủ toàn bộ hồ sơ phức tạp của việc mua nhà. Bởi vì, nếu mua không được, cũng là một dịp để thực tập một khía cạnh phức tạp của đời sống Hoa Kỳ.

Hai tuần sau cuộc "khảo sát nhà cửa" tạm dừng, cô đang cắm đồ cắm cổ lao vào một project mới ở sở, thình lình bà realtor xuất hiện ở lobby của nơi cô làm, yêu cầu cô deposit 5% vì những người trước cô đã bỏ cuộc. Từ đó, hình như cô bắt đầu tin hơn ở định mệnh.

Đến lúc đó, bà realtor mới bày tỏ sự hài lòng khi làm việc với cô, vì thông thường khi một căn nhà được quyết định mua, có rất nhiều ý kiến. Trong trường hợp này, chỉ có mỗi mình cô trông rất là tự tin và cũng rất là tội nghiệp. Cô tin ở khả năng của mình, cô tin ở "phước nhà" như lúc sinh thời, bà nội vẫn thường nhắc đến cô. Và cô cũng tin ở anh, ở các em cô, ở lời cầu nguyện tự tận lòng thành của mẹ vẫn dành cho chị em cô mỗi đêm.

Mấy ngày trước khi "closing escrow" một sáng thứ bảy, cô cùng bà realtor đến thăm "căn nhà tương lai" của cô và để gặp người chủ nhà đang chuẩn bị dọn nhà qua Sugar Land, Texas. Một lần nữa, hai vợ chồng chủ nhà tưởng là sẽ có "một phái đoàn" đến thăm, nào ngờ chỉ có một mình cô, rất nhỏ nhoi, tội nghiệp.

Theo lời anh khuyên, cô mang theo một cái máy sấy tóc, đi khắp các ổ
cắm điện trong nhà, gắn vào, để chắc chắn hệ thống điện chìm trong vách tường vẫn hoạt động bình thường. Cô cũng mở và đóng tất cả các vòi nước trong nhà, để chắc chắn hệ thống nước hoạt động tốt, không bị rò rỉ. Khi thấy cô ngẩn ngơ ngắm những cây cảnh bày trước balcony, bà chủ nhà bỗng có cảm tình với cô, vì bà cũng là một người rất yêu cây cỏ.

Hai vợ chồng rất thích căn condominium, nhưng phải bán đi, vì tình hình công việc, họ phải dọn về Sugar Land để có một "living cost" thấp hơn họ có nhiều tiền hơn để du lịch và quỹ về hưu sau này của họ sẽ tăng cao như ý họ muốn.

Nhìn tấm lòng của họ đối với căn nhà, nhìn cách họ giữ gìn căn nhà, cô đề nghị để họ có thể ở lại lâu hơn một tuần, hay mười ngày mà không phải trả cho cô thêm một đồng nào "Bánh ít cho đi" cô có được "Bánh quy trở lại" trong vòng một tuần sau đó. Hôm cô nhận chìa khóa và mở cửa vào nhà cô có nhiều món quà bất ngờ:

- Một bình hoa hướng dương rực rỡ từ bà realtor, với tấm thiệp chúc mừng và cám ơn về hai tháng làm việc với bà, cô là một khách hàng rất cương quyết mà cũng rất dễ thương của bà.

- Mấy cây bông giấy ở balcony còn đó, bà chủ nhà bỏ lại cho cô, khi thấy cô ngẩn người ngắm mấy cây bông mộc mạc này, một bức tranh tỉnh vật rất đẹp ở phòng khách, một bộ bàn ghế nhỏ bày ở balcony, và một lồng chim có một con chim nhỏ vẫn ríu rít hót trong lồng.

Sau cùng là một cái thư rất Mỹ và cũng rất chân tình do cả hai vợ chồng cùng viết. Ông chủ nhà để lại mấy dòng, chỉ dẫn cho cô về hệ thống điện nước, intercom, remote control ở cổng vào, cổng ra, bà chủ nhà viết mấy lời chúc mừng cô, và chỉ dẫn cho cô cách chăm sóc mấy cây bông giấy, cách chăm sóc con chim nhỏ.

Cô lặng người đi, cảm động trước tấm lòng của những người da trắng "đồng bào mới của cô" và cô quyết định trả con chim nhỏ đang nhảy nhót trong lồng, về với trời xanh. Cô cũng đã mất tự do, cô đã đọc truyện "Chim hót trong lồng" của nhà văn Nhật Tiến, cô hiểu tự do quý mến dường nào đối với cả người lẫn thú. Cô còn cẩn thận để thêm nhiều "bird seeds" trong cái lồng trống cửa để mở, để nếu chẳng may chưa quen với việc tự kiếm ăn trong bầu trời đầy tự do, nhưng cũng rất nhiều bất trắc, chim có thể về tổ ấm kiếm ăn trong bất cứ lúc nào. Sau đó, con chim nhỏ chỉ bay trở về một lần duy nhất rồi biến mất trong bầu trời tự do, thênh thang rộng mở. Cô đóng cửa lồng lại và vẫn treo trước balcony, như một nhắc nhở về lòng tốt của những người bản xứ dành cho cô, cũng như về cái giá tự do mà con chim nhỏ, và ngay cả chính cô, cùng hơn hai triệu đồng bào đang lưu lạc ở khắp nơi trên thế giới phải trả.

Và như vậy, cô đã sống trong vòng rào kín cổng cao tường, rất bình yên trong căn condominium ở cuối dãy, rất yên tỉnh, rất an toàn và cũng đầy hương vị quê hương: rừng thông của Dalat, sóng biển của Nha Trang. Hàng xóm của cô rất dễ thương, họ vẫn chào hỏi cô rất vui vẻ mỗi khi chạm mặt nhau ở basement parking, trong guest house, ở phòng tập thể dục hay ở hồ bơi, nhưng không ai hỏi một điều gì về đời sống cá nhân. Bởi vì nếu không lo cho nhau được, thì thắc mắc về đời sống của nhau để làm gì" Đó là lối sống rất Hoa Kỳ mà cô yêu thích vô cùng.

Đời sống của cô đã bén rễ vững chắc ở quê người, nhưng quê nhà vẫn còn đó, trong cô mãi mãi không nhòa.

NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 74,221,725
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo