Tác giả Lê Ngọc Minh là một chuyên viên đồ án xây cất nặng về dầu hỏa và dàn khoan dầu ngoài biển; sinh năm 1939 tại Thái-Bình, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại La Habra, California. Lần đầu dự viết về nước Mỹ, ông gửi cùng một lúc 5 bài viết liên tiếp, hợp thành một hồi ký về thời đầu ở Mỹ. Tất cả đều được viết kỹ từng chi tiết, bằng một bút pháp chừng mực mà chững chạc hiếm có. Sau đây là bài viết thứ hai. Bài này tác giả đề riêng tặng ông bà Nguyễn Đình Vũ và ông bà Lữ Liên.
Nửa đêm ngày 17-5-1975 gia đình tôi gồm 4 người, gồm hai vợ chồng, cháu trai tên Cương 5 tuổi và cháu gái tên Thu Tâm, 2 tuổi rưỡi được đưa vào Camp Pendleton, California làm thủ thục nhập trại. Trước đó, chúng tôi đã sống hai tháng trong trại tạm cư Fort Chaffee tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas.
Hai quân nhân Mỹ trên chiếc xe Dodge đến đón chúng tôi tại phi trường San Diego lúc nửa đêm, đưa chúng tôi vào trại 5, trại lều vải bố nhà binh dựng trên nền đất. Mỗi người được phát một chiếc ghế bố, 4 cái chăn dạ nhà binh màu olive, thau rửa mặt, bàn chải đánh răng, khăn mặt, khăn tắm... Tôi chuyển trại sang Camp Pendleton để lãnh một đứa cháu con của ông anh vợ đi lạc từ Việt Nam sang Mỹ; gia đình cậu em rể tôi hiện coi sóc cháu, sau khi trao đứa cháu, sẽ đi định cư tại Shreveport, Louisiana.
Bước vào lều, chúng tôi thật ngạc nhiên vì chúng tôi ở cùng lều với ông bà Lữ Liên, vốn là thân hữu từ khi ở bên nhà.
Camp Pendleton là một căn cứ của Thủy quân Lục Chiến Mỹ thật rộng ở bờ biển vùng Nam California, nhưng chữ Camp Pendleton mà tôi đề cập trong bài này chỉ trại tạm cư cho người tị nạn Việt Nam trong khi chờ đợi làm thủ tục ra định cư. Trại do TQLC Mỹ quản trị. Trại gồm 9 trại nhỏ đánh số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và trại Talega (trại Talega gồm mấy căn nhà kiểu tò vò gọi là quonset). Cổng vào là Trung tâm điều hành, sau đó là trại 8. Toàn trại trải dài theo một con đường trải đá, mỗi khi xe chạy ngang là bụi bay mù trời.
Trại tạm cư đặt trong một thung lũng hẹp, rìa thung lũng có mấy cây oak, cây mapple khá lớn, vùng lều trại đa số không có cây cối, đất và đá lổn nhổn; chú em rể tôi cho biết, hồi mới đến, sàn lều toàn cỏ, đá... có người đánh chết được con rắn rung chuông, rắn độc của vùng hoang dã California.
Tiện nghi trại 5 này không có gì đáng khích lệ: giữa tháng 7, mùa hè mà ban ngày lều nóng như lò lửa, chúng tôi phải cuốn hai bên lều lên cho thoáng gió, nhưng lãnh bụi; chiều tối cái lạnh trên núi kéo xuống, hai chăn dạ gấp đôi để làm nệm, hai chăn dạ gấp đôi để đắp, có nghĩa là 4 lớp trên, 4 lớp dưới, bốn góc cột chặt vào ghế bố, mà mỗi khi trở mình vẫn còn lạnh; tắm thì không có nước nóng (hai ba ngày trước khi chúng tôi xuất trại họ mới bắt cho nước nóng! ); tiêu tiểu thì dùng cầu tiêu dã chiến bằng plastic (ngày nay chúng ta vẫn sử dụng tại các công trường xây cất hay vào những ngày biểu tình, họp chợ...) trông như cái tủ lạnh, dân tị nạn gọi là cầu tiêu tủ lạnh!
Mỗi trại có một nhà ăn, cũng là lều dã chiến; thực phẩm do mấy ông đầu bếp TQLC Mỹ nấu, dĩ nhiên là theo kiểu nhà binh TQLC, mấy ngày đầu ăn còn lạ miệng, nhưng sau hai ba tuần, thực đơn cứ bổn cũ soạn lại, cách nấu cũng khác người, phe ta chỉ có nước ăn cho xong việc, nhắm mắt mà nuốt cho sống chờ ngày xuất trại, vì ngán tới cần cổ!
Tôi không còn nhớ ngày, nhưng dường như thứ ba, thực đơn có thịt gà, dân ta sắp hàng đông đủ; thứ năm có cá hồng luộc, tanh rần trời, dân ta sắp hàng thưa thớt. Khi có anh nạn nhân Mít tị nạn mang đĩa đi tới, anh lính TQLC Mỹ xúc cho một đĩa cá đầy, hai anh nhìn nhau cười: anh lính đế quốc cười nham nhở, còn anh Mít tị nạn cười như mếu! Không sao, ăn được bao nhiêu thì ăn, chỗ còn lại đổ vào thùng rác!
Còn việc đoàn tụ với cháu gái. Số là tôi có đứa cháu gái như đã nói trên, tên Thu Dung, 2 tuổi rưỡi, con ông anh vợ. Anh chị Hưng cùng thân mẫu và 3 cháu nhỏ tính di tản qua đường Phước Tỉnh, nhưng do một éo le định mệnh không thể hiểu được, cả nhà anh chị ở lại, chỉ có một mình cháu Thu Dung lọt được xuống thuyền, ra hạm đội 7 phía gần Côn Sơn, được một thiếu nữ dễ thương và tử tế ở Phước Tỉnh là cô Nữ đưa lên tàu và nuôi nấng chăm xóc qua đến Guam. Tại Guam, cô trao cháu Thu Dung cho em gái tôi, vì cô biết dường như gia đình anh vợ tôi và gia đình em gái tôi có cái liên hệ gia đình gì đó! Nhận xét của cô thật là tinh tế và chúng tôi cảm ơn cô vô cùng. Thế là gia đình chú em rể tôi đem cháu vào lục địa Mỹ và hôm đó, 15-7-1975 chúng tôi từ Fort Chaffee sang Camp Pendleton nhận lãnh cháu.
Sáng hôm sau chúng tôi đem hồ sơ chuyển từ Fort Cheffee, lên trình diện cơ quan thiện nguyện HIAS Camp Pendleton đặt tại Processing Center cách trại 5 khoảng hơn một cây số đi bộ, thêm tên cháu Thu Dung vào hồ sơ gia đình. Tôi cũng nhắc với HIAS làm hồ sơ định cư của gia đình tôi cho chúng tôi ra Long Beach, California. Họ bảo chúng tôi chờ. HIAS là cơ quan định cư dân tị nạn của người Do Thái, chỉ nhận gia đình nào có ít nhất một người biết nói tiếng Anh, có nghề chuyên môn, định cư tại các thành phố lớn (Fort Chaffee giới thiệu như vậy! ). Sau đó chúng tôi sang hội Hồng Thập Tự, cảm ơn họ đã tìm ra chúng tôi để chúng tôi được lãnh cháu bé.
Số là trước kia, ở Sài Gòn, tôi làm trưởng phòng họa đồ tại chi nhánh của hãng đồ án Quinton-Budlong, sau đổi tên thành Quinton-Redgate, chuyên về trù hoạch đồ án cầu, đường và phi trường. Quinton đã làm đồ án hầu như gần hết các cầu trên quốc lộ 20 (từ Dầu Giây lên Đà Lạt) và quốc lộ 11 (từ Đà Lạt xuống Phan Rang) và một số cầu trên quốc lộ 4. Khi Quinton-Redgate được chọn để hướng dẫn lớp trù hoạch cầu bê tông tiên áp tại cục Công Binh ở Phú Thọ thì tôi là thành phần ban giảng huấn. Khi sang Fort Chaffe, tôi điện thoại cho hãng ở Los Angeles, xin họ bảo lãnh. Họ nói hãng nay đã dọn về Long Beach và họ đồng ý sẽ mướn tôi làm tại phòng đồ án và mướn nhà tôi làm thư ký, còn việc bảo lãnh, họ sẽ nhờ một nhà thờ ở Long Beach phụ trách. Mọi việc coi như êm thấm. Chúng tôi chỉ phải chờ để HIAS làm giấy tờ theo thủ tục.
Trong khi đó, bé Thu Dung bị bệnh. Không biết vì lý do gì, cháu đi cầu ra máu, nặng mùi hôi, mặc dù trông vẫn mạnh khoẻ và hoàn toàn không có dấu hiệu gì bệnh tật. Thoạt đầu, nhà tôi đem cháu lên lều y tế trại 5 khai bệnh. Họ cho cháu ăn cracker, uống 7 Up. Tuần sau, bệnh vẫn không thuyên giảm, trại 5 gửi cháu lên trại Talega. Nơi này chuyển cháu lên bệnh viện của TQLC Camp Pendleton: họ cân, đo, chụp X Ray, thử máu, cracker, 7 Up... một tuần mà cháu cũng không thuyên giảm. Trại bèn cho chuyển cháu bằng xe ambulance lên Naval Hospital, nơi có đầy đủ bác sĩ chuyên ngành, máy móc tối tân có thể nói là tân tiến nhất miền Tây nước Mỹ.
Naval Hospital yêu cầu để cháu Thu Dung ở lại bệnh viện để họ thử nghiệm và quan sát. Lại thử máu, chụp X Ray, cân, đo và gì gì nữa... Trong khi đó, nhà tôi cứ ngày ngày cuộc bộ lên Processing Center, leo lên chiếc xe bus nhà binh lên Naval Hospital thăm cháu, chiều lại thất thểu về... và như thế cả hai tháng. Ba tuần sau khi nhập viện, qua đủ mọi khám xét, thử nghiệm, bác sĩ cho nhà tôi biết họ không tìm ra điều gì khác lạ và họ quyết định cho chạy thử radiation. Hôm đó về, nhà tôi cho biết, sau khi chạy radiation, phần bụng dưới và gần ngực của cháu "đỏ như con tôm luộc" (!) nhưng cháu không tỏ vẻ gì đau đớn hay khó chịu. Sau đó, bệnh tình của cháu cũng không có dấu hiệu thuyên giảm và họ cũng không biết nguyên nhân vì đâu. Cuối cùng Naval Hospital đề nghị để họ mổ cháu ra xem "What went wrong "". Nhà tôi không đồng ý. Ông bác sĩ đề nghị, nếu không mổ, chỉ còn một cách là cho cháu ra điều trị ở bệnh viện dân sự ngoài thành phố, có thể họ quen thuộc với bệnh nhi đồng hơn. Nhà tôi xin ông viết điều đó vào hồ sơ của cháu như vậy và ông bác sĩ đồng ý. Khi đưa hồ sơ y tế dầy khoảng hai đốt ngón tay cho nhà tôi, ông trung tá bác sĩ quân y nói:
thì thật là ân hận