Hôm nay,  

Nhân Loại, Người Mỹ Và Dầu Hỏa

09/06/200300:00:00(Xem: 178787)
Người viết: PHẠM PHONG DINH
Bài tham dự số 3198-796-vb40507

Tác giả ghi tên thật là Thoai Quoc Pham, cho biết ông sinh năm 1952 tại Cần Thơ, hiện định cư tại thành phố Winnipeg, Canada, Nghề nghiệp : Nhân viên hãng xe Motor Coach Industries. Ông cũng cho biết “nghề tay trái” là viết quân sử QLVNCH, cộng tác với báo chí và truyền thông Việt Nam hải ngoại tại Hoa Kỳ, Canada va Úc.
Sau đây là Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông: một sưu khảo giá trị về dầu hỏa.
*
Cuộc chiến tranh giữa liên quân Hoa Kỳ - Anh - Úc tiêu diệt chế độ Saddam Hussein mới đây thường bị phe phản chiến lên án là chỉ vì quyền lợi dầu hỏa mà thôi. Vấn đề không giản dị có vậy.
Dầu hỏa và tương lai
Thực sự thì hiện nay các nhà khoa học Tây Phương đã nghiên cứu được nhiều phương pháp cho ra dầu mà không cần đến các túi dầu ở Trung Đông nữa. Các nhà địa chất học đã ước tính rằng, trong vòng 50 năm nữa nếu chúng ta không khoan tìm thêm được những túi dầu mới, thì nguồn dầu hỏa trên thế giới sẽ cạn.
Tại Anh quốc, người ta đã chế tạo được loại "than đá lỏng" từ những mỏ than đá dồi dào của nước này. Loại than đá lỏng này có đặc tính giống như dầu hỏa, khi chưng cất có thể cho ra xăng dầu kỹ nghệ và hơi đốt.
Ở Hoa Kỳ, các nhà địa chất đã khám phá ra ở các tiểu bang Colorado, Utah và Wyoming những núi mỏ khổng lồ và vô tận gọi là những dãy "núi đá dầu" (Oil shale), khi nghiền nát và hun nóng lên đá dầu sẽ cho dầu hỏa. Tỉnh bang Alberta của Canada, hai bên bờ con sông Athabasca River có những cánh đồng "cát dầu" mênh mông mà trữ lượng cho dầu ước tính đến... 1 ngàn tỉ thùng (barrel, mỗi barrel chừng 200 lít). Nếu so sánh với trữ lượng lớn nhất hiện nay ở nước Saudi Arabia là 258 tỉ thùng, nhưng đã được khai thác từ năm 1938 đến nay, đã là 65 năm, thì trữ lượng còn nguyên xi của Canada gấp năm lần hơn Saudi Arabia.
Âu châu là vùng ít dầu hỏa và rất phụ thuộc vào dầu nhập cảng, nhưng với những mỏ dầu ở Na Uy, Bắc Hải và gần đây nhất là vùng biển Scotland, cộng với dầu hỏa ở khu vực nước Nga cũng đã có trữ lượng lên đến hơn 70 tỉ thùng. Cái sân sau an toàn của Hoa Kỳ là vùng dầu hỏa Mexico và Nam Mỹ với trữ lượng 120 tỉ barrrels. Đó là chưa kể khu vực châu Á cũng cho ra 50 tỉ thùng nữa, trong đó trữ lượng của Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ khoảng trên dưới 1 tỉ thùng.
Những năm đầu thế kỷ 21 này, chúng ta đã thấy những kiểu xe hơi chạy nửa xăng nửa dầu (hybrid) và loại xe chạy bằng khí Hydrogen lỏng rất sạch cho môi trường. Năng lượng mặt trời cũng sẽ được tận dụng. Đó là những dấu hiệu cho thấy người ta đang hướng về thời kỳ gọi là chuyển tiếp giữa dầu hỏa và nguồn năng lượng mới. Dầu hỏa trong vài chục năm sắp tới đây không còn có thể được dùng như là vũ khí kinh tế và chính trị để áp lực những nước cần dầu.
Với tình trạng kể trên, không nhất thiết cuộc chiến tại Iraq chỉ thuần túy là để giải bài toán dầu hỏa, vì Iraq chỉ cung cấp 1/10 số lượng dầu cần dùng toàn thế giới so với Saudi Arabia là hơn 6/ 10. Lý do có thể là những chuyện quan trọng hơn thuộc về phạm trù an ninh thế giới.
Lịch sử 8000 năm dầu hỏa
Dù sao, chúng ta hãy trở lại chủ đề dầu hỏa hay còn gọi là dầu thô (crude oil) dưới khía cạnh lịch sử và khoa học của nó.
Dầu hỏa đã được con người biết đến và sử dụng từ 8.000 năm nay rồi. Dĩ nhiên là với trình độ kỹ thuật của thuở sơ khai, con người không thể khoan sâu xuống lòng đất để lấy dầu. Trên những vùng đất có dầu, người ta chỉ lấy được dầu từ những chỗ nứt mà nó trào lên trong trạng thái tự nhiên. Người Ai Cập đã dùng dầu hỏa trong công thức ướp xác, cho nên chúng ta thấy những cái xác ướp (mummy) đều đen ơi là đen, vì dầu hỏa vốn có màu nâu đen. Người Da Đỏ trên lục địa châu Mỹ thì dùng dầu hỏa để trị bệnh và trét xuồng. Chính thổ dân Da Đỏ đã chỉ dẫn cho người anh hùng dân tộc Hoa Kỳ George Washington thoa dầu vào chân cho những người lính Cách Mạng chân trần để tránh bị phỏng lạnh và nứt nẻ vì múa đông trong cuộc chiến tranh giành độc lập năm 1776.
Cho đến thời điểm đó, người Mỹ vẫn chưa biết cách khai thác dầu hỏa. Người Hy Lạp thì lợi dụng sự dễ cháy của dầu hỏa để dùng trong những mục tiêu chiến tranh. Khi có những trận thủy chiến, quân Hy Lạp đã đổ dầu xuống biển rồi bắn lửa cho chúng cháy lên thiêu hủy tàu địch. Người La Mã cũng bắt chước đánh hỏa công như người Hy Lạp, họ cho một đạo quân heo tẩm dầu dưới đuôi đốt cháy lên. Nóng... đít, heo chạy lồng lên xông vào trại địch làm lửa cháy tứ tung, nhờ đó quân La Mã thắng trận vẻ vang.
Thời Xuân Thu, đại tướng Điền Đan của nước Tề đã tẩm lửa vào đuôi trâu để đánh tan quân Sở. Còn nhiều thí dụ về cách sử dụng dầu hỏa của người thời xưa, nhưng có lẽ chính người Trung Hoa mới là người biết dùng dầu hỏa rất đúng chỗ và rất giống như cách dùng của chúng ta ngày nay.
Từ khoảng 300 năm trước Tây Lịch họ đã biết dùng dầu hỏa và khí để sưởi ấm, nấu nướng và làm gạch. Để có thể lấy được hơi đốt và dầu hỏa, người Trung Hoa đã biết dùng thân cây tre với đầu nhọn là những mũi đồng khoan sâu xuống lòng đất, sâu đến... 900 thướcï. Với kỹ thuật khoan dầu tối tân thế kỷ 20 và 21 này những mũi khoan đã có thể xuống đến độ sâu gần 8 cây số, tuy nhiên nếu so với mũi khoan đầu tiên trong năm 1859 tại Hoa Kỳ của Đại Tá Drake, chỉ không quá 30 mét, thì kỷ lục của người Trung Hoa cổ thật đáng nể.
300 triệu năm hình thành
Có nhiều thuyết giải thích về sự hình thành của dầu hỏa, nhưng thuyết động vật tích tụ, hay còn gọi là thuyết hữu cơ (organic theory) là được giới khoa học chấp nhận rộng rãi.
Ở tất cả những điểm có dầu, khi khảo sát địa chất đất đá người ta tìm thấy những hóa thạch thực vật và động vật, gọi là những fossils. Nếu thực vật tạo thành than đá, thì động vật tạo thành đầu hỏa theo một tiến trình căn bản như sau.
Cách đây khoảng 300 triệu năm, là thời kỳ mà rừng cây trên trái đất mọc xum xuê, những loại cây cao to vài chục thước là chuyện thường, chứ không quá... lùn như cây cối bây giờ. Rồi lại có thêm hằng hà sa số loại cây fern, tức dương xỉ, là loại cây thấp lá nhiều khía không có thân mà chỉ có nhiều nhánh chỉa tua tủa. Khi lớp cây cao và dương xĩ chết ngã xuống, lớp khác mọc lên, rồi ngã xuống. Cứ thế mà qua nhiều chục triệu năm chồng chất, những biến động đất đai đã chôn vùi những lớp cây ấy xuống sâu. Chúng bị nén chặt dưới một sức ép khủng khiếp và dưới tác động của nhiệt trong lòng đất, khối cây chết ấy biến thành than đá có màu đen tuyền và rất cứng.
Cũng ở thời điểm ấy, các nhà địa chấtù học cho rằng khối nước bao phủ mặt trái đất lớn hơn bây giờ, các loại động vật biển sinh sôi nảy nở vô số. Thời đó con người chưa ra đời nên chẳng có ai bắt chúng để làm món tôm hùm hay cua lột lăn bột nên những loài thú biển dư thừa. Khi chúng chết đi, thân xác chúng chìm xuống đáy biển chồng chất lên nhau rất giống như rừng cây trên đất liền. Cũng dưới sức ép và nhiệt, xác động vật bị rửa nát và phân hóa thành hơi có mùi nồng nặc và một thứ chất lỏng sền sệt màu sậm mà chúng ta gọi là dầu hỏa hay dầu thô.
Nhưng dầu hỏa ở tận đáy biển sâu ơi là sâu, mà tại sao người ta lại tìm thấy chúng trong đất liền" Cổ nhân đã trả lời dùm câu hỏi này: Thương hải biến vi tang điền (Biển xanh biến thành ruộng dâu). Qua nhiều cuộc bể dâu những cuộc biến động địa chất dữ dội, đáy biển trồi lên thành mặt đất hay núi non, và mặt đất tụt... xuống làm đáy biển. Chỗ lãnh thổ của đám ông hoàng bà chúa Saudi Arabia và gã điên thời đại Saddam Hussein ngày xưa chính là biển, vì thế nên vùng Trung Đông có trữ lượng dầu hỏa dồi dào.
Nhưng làm sao dầu hỏa ở tận dưới sâu mà người ta lại đào có mấy chục thước đã thấy nó. Theo những nhà địa chất học và dầu hỏa học, thì vỏ địa cầu chồng chất nhiều lớp đất đá khác nhau. Dầu hỏa bị kẹt trong những lớp nham thạch này. Vì có xuất xứ từ biển nên dầu hỏa thường ở chung với những khối nước mặn cũng bị kẹt trong những vụ biến động địa chất. Nước mặn luôn luôn nặng hơn dầu thô, nên nó có khuynh hướng đẩy dầu hỏa và khí đốt lên trên. Bị anh chàng thần nước mặn đẩy mãi, anh em dầu hỏa và khí cố gắng tìm những kẽ nứt chui lên, chúng len lỏi tìm chỗ trú ngụ trong những loại nham thạch xốp và có tính thẩm thấu, tức hút chất lỏng vào trong. Tiến trình trào lên và bị thẩm thấu cứ tiếp diễn mãi, cho đến một lúc ngay cả khối nham thạch xốp và thấm lỏng ấy cũng bị kẹt giữa những loại đất đá không xốp và không thấm vì những cuộc dịch chuyển của lòng đất.
Đến đây tiến trình hình thành dầu hỏa đi đến giai đoạn cuối. Bộ ba nước mặn, dầu thô và khí bị nhốt trong cái "nhà tù" nham thạch kiên cố ấy cô đọng lại thành một khối lượng lớn gọi là cái bẫy dầu hay túi dầu đến muôn đời sau, cho đến khi con người xuất hiện trên Trái Đất, khoảng 2 triệu năm trở lại đây. Dần dà con người trở thành văn minh và "trí tuệ", biết khai thác dầu hỏa để xài.
Nước Mỹ và dầu hỏa
Lịch sử của dầu hỏa gắn liền với những chuyện bất ngờ ngoài ý muốn của con người. Ngay từ khởi thủy người ta không định tìm kiếm dầu hỏa từ dưới lòng đất. Cái mà con người cần là khối nước mặn. Người ta khoan đất tìm nước mặn hút lên để làm muối ăn, ở những vùng sâu trong nội địa xa biển và những nơi không có mỏ muối.


Khúc quanh lớn của lịch sử dầu hỏa bắt đầu từ Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Trong lịch sử phát triễn đất nước, Hoa Kỳ trải qua hai sự kiện quan trọng căn bản: Thứ nhất, cuộc đổ xô đi tìm vàng năm 1859 về miền Viễn Tây đã hoàn thành giai đoạn cuối của cuộc chinh phục toàn lãnh thổ Hiệp Chúng Quốc, từ đó đất nước trở nên sung túc, dân số tăng trưởng và cường thịnh. Thứ hai, cuộc khám phá dầu hỏa ở miền Đông Nam Hoa Kỳ đã đưa dầu hỏa giữ vai trò tối quan trọng trong tiến trình phát triển nước Mỹ, rồi lan dần sang toàn thế giới.
Trong những năm đầu của thế kỷ thứ 19, người dân Mỹ chỉ đào giếng để tìm nước mặn (brine) hút lên làm muối ăn bằng cách cho nó bốc hơi. Đây cũng là nguyên tắc căn bản làm muối khi người ta cho nước biển vào những cánh đồng đã phân ô và cứ để cho nó tự bốc hơi. Tuy nhiên thỉnh thoảng người khai thác nước mặn rất bực mình vì trong nước cứ lẫn vào những chất dầu nâu đen lợn cợn và hôi rình, khỏi có làm muối tinh khiết được đi.
Công dụng duy nhất thời đó của dầu hỏa chỉ dùng như là một loại thuốc điều trị, mà có những tay tổ ba... xạo dám nói là trị bá... bịnh. Một trong những tay tổ này là một tay lái tàu nhỏ trên sông và bán muối tên Samuel Kier. Kier đã đóng chai vô dầu đem rao bán trong những thị trấn hay tại những buổi hội chợ dưới cái tên thuốc là Kier's Rock Oil. Kier's Rock Oil được quảng cáo như là thuốc trị hầu hết các thứ bệnh cho con người.
Việc thắp sáng đường phố, nhà ở và trong nhà máythời ấy người ta đang xài dầu cá voi, nhưng dầu cá voi quá mắc, trước năm 1850 một gallon dầu đến 2 đô la rưỡi, so với thời giá bây giờ cũng phải chừng 50 đô. Người ta cũng đã chưng cất được ít dầu từ than đá, nhưng giá bán cũng quá mắc, nên dầu hỏa đã được nghĩ đến.
Nhà khai thác đầu tiên
Năm 1857, ông George Bissell, một thương gia ở Connecticut, tình cờ trông thấy những chai thuốc dầu thần sầu của Kier trong một tiệm tuốc Tây. Bissell nhớ đến một công trình phổ biến của giáo sư Benjamin Silliman trương đại học Yale báo cáo công dụng thắp sáng của dầu, cùng với hình ảnh những giàn khoan nước mặn trong báo chí.
Với kinh nghiệm và tài đánh hới của một người làm ăn, Bissell nảy ra ý nghĩ dùng giàn khoan nước mặn làm giàn khoan dầu. Bissell ngay lập tức thành lập Công Ty Seneca Oil và mua 100 mẫu đất gần thị trấn Titusville, tiểu bang Pennsylvania. Trên vùng đất này có một mạch dầu phun mà người Da Đỏ đã từng chắt lấy dầu từ một trăm năm trước. Một nhân viên hỏa xa bốn mươi tuổi tên Edwin L. Drake được Bissell cử trông coi công việc khoan dầu.
Trong thời điểm mà mọi vùng đất của Hiệp Chúng Quốc còn chưa được củng cố, để có thể làm việc dễ dàng và tăng thêm uy tín, cũng như sự oai phong cần thiết, Drake đã tự xưng mình là Đại... Tá. Thời đó một Đại Tá rất hách xì xằng và rất được kính trọng, nên dưới cái lon Đại Tá Drake cảm thấy mình có thể chỉ tay năm ngón dễ dàng hơn.
Kỹ thuật khoan dầu lúc ấy hoàn toàn được đặt trên căn bản đoán mò và hên xui. Cứ thích chỗ nào hay nghe đồn chỗ nào có dầu thì phe ta cứ đem giàn khoan đến mà khoan vậy thôi, rồi cứ thấp thỏm mà chờ sung rụng. Có người còn kể chuyện Đại Tá Drake, khi được nhân viên hỏi địa điểm khoan dầu, Đại Tá bèn thảy cái nón lên trên trời cao. Chỗ cái nón của Đại Tá hạ... cánh tức là chỗ đặt giàn khoan vậy.
Ngày thứ bẩy định mệnh
Kỹ thuật khoan dầu đó đã rất sớm dẫn dắt Seneca Oil Company đến bên bờ phá sản. Công ty nghèo đến nỗi không có tiền mua thùng đựng dầu, cho nên cuối cùng Bissell buộc phải gửi thư lệnh cho Drake đình chỉ việc khai thác. Thật may mắn cho nước Mỹ và cho nhân loại, lá thư của Bissell bị kẹt trong bưu điện gốc ngày Chúa Nhật 28.8.1859 mãi đến ngày Thứ Hai 29.8.1859 nó mới đến thị trấn Titusville nên trong ngày Thứ Bảy 27.8.1859 Đại Tá Drake vẫn cố gắng thử vận may lần cuối cùng.
Lịch sử đã ghi nhận, khi mũi khoan xoay bằng sức chạy của một động cơ hơi nước xoắn xuống độ sâu 69 feet rưỡi (21 mét), thì chúa ơi, dầu đã phún lên. Đại Tá Drake và nhân viên tung nón reo hò, rồi ba chân bốn cẳng chạy đi tìm bất cứ cái gì mà có thể đựng được dầu, vì lúc đó công ty không còn tiền mua thùng.
Với kỹ thuật thuở ban sơ ấy, một ngày Darke đã bơm được vỏn vẹn có 425 gallon (hay 1.600 lít dầu). Thị trấn Titusville và tên Đại Tá Edwin L. Drake đã đi vào lịch sử dầu hỏa thế giới từ ngày Thứ Bảy định mệnh ấy. Nếu ông nản chí không đi trọn con đường và trách vụ của mình, có lẽ lịch sử phát triển nhân loại còn phải chậm lại không biết bao nhiêu năm nữa.
Cơn sốt vàng đen
Gần giống như cơn sốt vàng mà đã thu hút hàng trăm ngàn di dân về miền Viễn Tây từ năm 1849, một cơn sốt vàng đen, mỹ danh của dầu hỏa, cũng đã bùng nổ lên ở miền Đông Hoa Kỳ.
Nếu hàng đoàn người cỡi ngựa hay ngồi trên những chiếc wagon về Miền Tây có thể là những người nghèo tay trắng chỉ đãi vàng bằng những dụng cụ thô sơ, thì người khai thác dầu miền Đông phải có một chút vốn để thiết trí cho họ những giàn khoan gọi là tương đối "coi được" một chút.
Chẳng mấy chốc mà hàng ngàn chiếc giàn khoan đã mọc lên như nấm quanh vùng Titusville trong những năm đầu thập niên 1860. Thời đó các giàn khoan đều dựng bằng những tấm ván gỗ ọp ẹp, trục khoan thì chạy bằng máy hơi nước. Có những người khoan giếng may mắn tìm được những túi dầu lớn, thì mức lời cao đến chóng mặt. Cứ mỗi đô la bỏ vào thì người chủ giếng khoan đó lời đến... 15 ngàn đô la. Đất bán làm chỗ khoan cũng mắc ơi là mắc. Một nông dân ở gần thị trấn Titusville đã bán được miếng đất của mình đến 1triệu 300 ngàn mỹ kim. Nhưng không phải bất cứ ai cũng đều được cái may mắn trời cho ấy. Lúc đầu giá một barrel dầu là 20 đô la, nhưng khi cơn sốt vàng đen lên đến cực điểm và mức sản xuất dầu đã dư thừa, thì mỗi barrel dầu sụt xuống chỉ còn có... 10 xu. Đó là quy luật tất nhiên giữa cung và cầu. Khi cung quá nhiều mà cầu vẫn như cũ, thì giá cả sẽ tụt xuống thê thảm. Nhiều tay kinh doanh giếng dầu bị phá sản và cuốn gói. Nếu có giàu được chăng là những nhà buôn dụng cụ khoan dầu, tương tự như trường hợp những tay sản xuất dụng cụ đãi vàng vậy.
Giống như số phận hẩm hiu nghèo túng của người tìm ra vàng ở California là Đại Úy Sutter, Đại Tá Drake về sau này rất tàn tạ,ï phải sống nhờ vào những món trợ cấp an sinh thật ít ỏi của tiểu bang Pennsylvania. Năm 1880 ông từ giã cõi đời đầy đen bạc, trong túi không một xu.

Công cuộc tìm kiếm dầu hỏa vẫn tiếp tục, dần dần những nhà khai thác còn tìm thấy dầu ở nhiều tiểu bang khác nữa như Kentucky, Ohio, Illinois. Đến đầu thế kỷ thứ 20 danh sách kéo dài thêm với California, Oklahoma, đặc biệt dầu nhiều vô số ở Texas. Như vậy nước Mỹ đang... bềnh bồng ở trên những túi dầu, thượng đế thật dành nhiều ân huệ cho đất nước này.
Tỷ phú dầu hỏa
Đầu thế kỷ 20 chỉ người ta dùng dầu lửa để nấu nướng và thắp đèn, dầu xăng đổ... bỏ. Nhưng khi kỹ nghệ xe hơi chạy xăng ra đời thì dầu xăng lấy lại uy thế bậc nhất của mình cho mãi đến tận ngày nay. Rồi đến kỹ nghệ lọc xăng cho máy bay làm xăng dầu bay lên tít mây xanh.
Nói chuyện lịch sử dầu hỏa, phải nhắc đến một tên tuổi gắn liền với sự phát triễn của nó. Đó là nhà tỉ phú dầu hỏa John D. Rockefeller. Năm 1870, chỉ mới có 31 tuổi mà ông đã thành lập công ty dầu Standard Oil Company mà sẽ làm đảo lộn cả nước Mỹ.
Xuất thân từ một anh ký kế toán quèn, Rockefeller bắt đầu nhảy vào lãnh vực khai thác dầu từ năm 1863. Khi công ty đã phất lên hùng mạnh, thì nguyên tắc cạnh tranh của ông rất khắc nghiệt. Nếu không thỏa hiệp chia chác mức lời với các công ty khác được, thì Standard Oil Company sẽ mần thịt công ty đó một cách gọi là hết thuốc. Theo Rockefeller, ông sẽ o ép phá giá đối phương như ép... dầu, làm cho họ đổ mồ hôi dầm dề, vừa nhìn quan tài vừa nhỏ lệ. Cho đến khi những công ty này phải phá sản hoặc chịu bán lại cho Standard Oil Company.
Với cung cách lạnh lùng kiểu cá mập nuốt cá ngừ đó, chẳng mấy chốc mà gia đình Rockefeller đã nổi tiếng là giàu nhất Hoa Ky,ø kiểm soát 90% nhà máy lọc toàn quốc và chiếm 85% thị trường bán dầu. Nhưng với số lợi tức khổng lồ đó, Rockefeller đã lập ra một tổ chức gọi là Hiệp Hội Rockefeller (Rockefeller Foundation) và ký thác vào đó 500 triệu mỹ kim để tài trợ cho những công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, y học, sinh học, v.v.. từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của nền khoa học và kỹ thuật Hoa Kỳ.
Không cứ một mình Rockefeller, còn vô số những hiệp hội khác trong những lĩnh vực khác tài trợ cho các nghiên cứu. Đó là một trong những yếu tố mà đã làm cho Hoa Kỳ trở thành quốc gia hùng mạnh tuyệt đối về mọi mặt. Tuy ngày nay giòng họ Rockerfeller không còn giữ vị trí cá mập dầu hỏa nữa, thị trường đã được phân tán ra thành nhiều mảnh, nhưng tấm gương kinh doanh và lòng hào phóng của giòng họ Rockefeller là một mẫu mực thúc đẩy sự thịnh vượng của một quốc gia.
Mẫu mực ấy dựa trên nguyên tắc, là cùng chia sẻ sự phồn thịnh cho tất cả mọi công dân Hoa Kỳ.

Phạm Phong Dinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,474,631
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến